PARI CHỐC LÁT

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tôi ở đây chỉ có ba ngày trong số hai vạn bốn nghìn ngày tôi sống trước kia.

Mùa thu năm 1956 cả thế giới xao xuyến hẳn lên. Những cuộc chiến tranh do dự và lập lờ nổ ra rồi lại tắt. Những hàng không mẫu hạm và khu trục hạm Mỹ Anh đi ngang tàu chúng tôi về phương đông, hướng Po- Xait(1) và nói chuyện với nhau bằng đèn hiệu. Các trạm hàng hải bên bờ nhấp nháy lửa điện hỏi lũ tàu kia đi đâu và treo cờ nước nào. Ban đêm tiếng ì ầm chân vịt tàu biển vẳng đến, lúc thì ở mạn phải lúc thì ở mạn trái.

(1) Hải cảng của Cộng hòa Ả Rập thống nhất, thuộc lãnh thổ Ai Cập.

Cứ như vậy cho đến khi chúng tôi ra tới Đại Tây Dương và rẽ lên phương Bắc, dọc những bờ biển Bồ Đào Nha. Đại Tây Dương hoang vắng hơn Địa Trung Hải rất nhiều.

Bóng tối treo lơ lửng trên cao nguyên phún thạch Bồ Đào Nha. Giữa cao nguyên đột khởi lên những thánh đường, pháo đồn và lâu đài hùng vĩ. Chung quanh những tòa nhà cổ kính ấy là hoang vắng. Từ trên boong, suốt một ngày chúng tôi chỉ bắt gặp vài chiếc xe con làm tung bụi giữa những hàng rào và một chiếc tàu hàng cũ rích chạy đường duyên hải.

Chắc hẳn con tàu đó đi từ Litxabon qua các thành phố nửa thức nửa ngủ miền ven biển. Nó chòng chành trên sóng như một chiếc thùng gỗ. Khói đậm đặc phả ra từ ống khói hẹp và cao như cột điện báo.

Đến khi trời tối thì chỉ còn trông thấy những đốm lửa hải đăng.

Chúng đón tiếp và tiễn đưa chúng tôi một cách chậm chạp và đều đặn. Khi đốm lửa ở một nơi nào đó trên mũi Thánh Vixăntê vừa biến đi thì lập tức ở chân trời nước réo đã lại hiện lên ánh sáng của một ngọn hải đăng ở một mũi khác, xa hơn.

Suốt đêm tôi nằm trên chiếc ghế bố đã được đẩy vào một góc mà không ai có thể nhận thấy được trên sàn xuồng(2). Thỉnh thoảng tôi nghe thấy sau lưng mình tiếng bước chân của người gác đêm.

(2) Trên tàu lớn có những chiếc xuồng nhỏ dùng vào việc liên lạc và cấp cứu.

Trong đêm đó tôi đã hình dung được một cách hết sức rõ ràng rằng ba ngày nữa, lần đầu tiên trong đời tôi sẽ thấy Paria. Cuối cùng tôi đã tin ở điều đó và tim tôi bắt đầu đập một cách nặng nhọc.

Suốt đêm tôi cứ nằm trong một cảm giác đê mê kéo dài và khoan khoái, không đủ sức để cử động cánh tay.

Tôi buộc tôi phải trở dậy lúc bình minh. Cả con tàu ướt lướt thuớt mưa phùn của sương đại dương. Quần áo tôi cũng ướt đẫm.

Tôi quay về căn phòng tối.

Con tàu bắt đầu lúc lắc một cách chậm chạp và kéo dài: chúng tôi đã vào vịnh Gaxcônhơ nơi sóng to gió cả nhất hạng của đại dương.

Tàu lắc suốt ngày hôm sau. Nhưng đến chiều tối, những con hải âu xuất hiện và thuyền trưởng loan báo qua trạm truyền thanh của tàu cho hành khách biết rằng từ mạn phải đã nhìn thấy ánh đèn của đảo Uétxan. Điều đó có nghĩa là khu vực nguy hiểm nhất của Đại Tây Dương đã rớt lại đằng sau và cuối cùng hành khách đã có thể thôi không cần phải lo lắng nữa. Mà lo lắng thì hầu hết mọi người đều lo lắng sau khi phải nghe quá nhiều chuyện về những cơn bão đột ngột và ghê gớm của vịnh Gaxcônhơ.

Đêm trôi qua một cách cực kỳ êm ả. Từ những cửa cabin hé mở (cửa cabin được đóng chặt bằng những tay vặn mạ kền để khỏi sập lại mỗi khi có gió lùa ngoài biển) nghe rõ hơi thở của hành khách và tiếng rì rì ngái ngủ của quạt máy.

Cô phục vụ trực nhật ngồi co hai chân lại trên chiếc đi- văng bọc nhung xám bên cạnh thang dẫn lên boong, đọc "Con bê vàng" của Infơ và Pêtrốp(3), thỉnh thoảng lại cười khúc khích.

(3) Hai nhà văn trào phúng Xô viết.

Sáng ngày ra, một màn sương tan tác đến trong suốt từ đại dương đã kéo đến. Chúng tôi đi ngang những chiếc thuyền có thắp đèn chiếu trên cột buồm trong màn sương ấy. Một con tàu sơn trắng bực bội giằng giật những giây neo. Bên mạn tàu đen lên một hàng chữ lớn "Lơ Havrơ". Đó là hải đăng nổi của vũng Lơ Havrơ.

Trong sương mù trước mặt có vật gì đó đang xanh lên màu lá cây và lấp lóe nhiều ánh lửa. Chắc hẳn đó là mặt trời buổi sớm đang chiếu sáng những khu vườn và những ngôi nhà ở Lơ Havrơ.

Cảng Lơ Havrơ rộng bao la và vắng tanh. Những con tàu cô độc kẽo kẹt dây xích bên những kho hàng. Không có lấy một tiếng còi ngân vang trên những vũng tàu trú màu lam đục, hầu như không nghe thấy tiếng người. Chỉ có mùi kiều mạch nóng bay tới tàu chúng tôi từ bếp lò của một con tàu chở dầu bên cạnh là chứng tỏ rằng ở đây có người.

Thì ra công nhân bốc vác ở cảng đang đình công.

Đình công ở đây rõ ràng là chuyện bình thường. Những đội gác thưa thớt của anh em công nhân đình công - những gréviste(4) - phì phèo thuốc lá một cách khá là thân ái với những viên cảnh sát cảng.

(4) Grève, chữ Pháp: đình công.

Trên khuôn mặt của anh em công nhân bốc vác ta thấy lòng tự tin cộng với tính hiền hậu. Trong bọn họ có rất nhiều người đã già, chưa biết chừng trong những năm chiến tranh can thiệp họ đã là những người từ chối không bốc vác đạn dược chống chúng ta và biểu thị sự cấm đoán nghiêm khắc của họ trên số hàng chuyển đi bằng vẻn vẹn năm chữ "Cái này không đi được".

Những anh píckê (5) giễu cợt những tay câu cá. Những người này ngồi dọc các bến, chân buông thõng, với những giỏ cá đủ màu, những chiếc cần câu dài bằng tre và bạn của họ - những con chó đủ mọi giống. Lũ chó canh cho chủ ở đằng sau và gầm gừ với những người qua lại. Nhưng chúng gầm gừ một cách đặc biệt, theo kiểu Pháp: chỉ để cảnh cáo thôi và khá lịch sự. Chúng sẵn sàng xin lỗi và ve vẩy chiếc đuôi xồm của chúng bất cứ lúc nào.

(5) Những người gác cuộc đình công nhằm ngăn cản những công nhân dao động trở lại xí nghiệp làm việc.

Xe lửa đi Pari đến thẳng bến tàu ăn khách.

Lập tức chúng tôi được nó đưa băng băng qua những khu phố chật hẹp của thành Lơ Havrơ trong một khu rừng nhỏ và những "bôcagiơ" của Normanđi.

Ta chỉ có thể gặp những "bôcagiơ" ở đây, ở miền tây bắc nước Pháp. Đó là những hàng rào bằng đá cao bằng đầu người chạy dọc khắp các đường cái và đường con. Những hàng rào ấy mọc đầy những bụi rậm, những khóm dương sỉ, với những hàng cây trồng hai bên. Chúng chằng chịt đan lẫn vào nhau khắp nước.

Những "bôcagiơ" phân chia Normanđi thành hàng nghìn mảnh con đẹp mắt. Cái đó tạo cho đất nước một bộ mặt thực là Anđecxen. Tưởng như Normanđi đã được tạo ra bởi những họa sĩ râu ria xồm xoàm, miệng phì phèo chiếc tẩu ngắn. Hẳn họ đã tô điểm cho Normanđi không phải mới có một thế kỷ.

Nhà cửa hầu như không thấy đâu hết: chúng nấp sau những "bôcagiơ". Đôi lúc ta chỉ có thể tìm ra một ngôi nhà mái trong đám cây cối um tùm và rậm rạp căn cứ vào khói bay ra từ một ống khói và chạy trên những ngọn cây.

Trong chiến tranh vừa qua những người Mỹ, nhất là lính xe tăng, đã nhiều lần nguyền rủa những "bôcagiơ". Cuộc tấn công của các binh đoàn Mỹ đã bị trì hoãn vì phải dùng xe tăng mở cửa qua vô vàn đường ngang lối dọc chằng chịt những hàng rào vững chắc bằng đá nọ.

Một hàng rào chấn song sắt đan nhau kéo dài dọc đường sắt Lơ Havrơ - Pari; tàu chạy với tốc độ kinh khủng đến nỗi bất cứ sinh vật nào tình cờ lạc lên đường sắt hầu như đều có thể bị chết như bỡn.

Những con bò Normanđi phì nộn đứng thành hàng ghếch mõm lên hàng rào đó mà nhìn những con tàu ầm ầm la hét. Tàu hỏa qua lại đây đã trăm năm có lẻ, nhưng những con bò thì cho đến nay vẫn cứ ngạc nhiên như thường và chúng tiễn đưa mỗi con tàu bằng cặp mắt chăm chú.

Rồi trong một khoảng cách ngắn ngủi giữa hai đường hầm thoáng hiện nhà ga Ruăng. Một nhà quý phái mặc áo bành tô rộng màu nâu quay đi khỏi những toa tàu đang bay, tay giữ chặt chiếc mũ lỗi thời. Tôi rất muốn cái con người tỉnh lỵ Ruăng kia quay mặt lại. Biết đâu ông ta lại chẳng có đôi ria mép đã đốm bạc, đôi mắt xám lồi và đôi má chảy xệ hiền hậu. Không biết liệu có xảy ra một sự màu nhiệm là Flôbe(6) tới đây, đến ga này không? Liệu ông ta có tiễn cô Carôlin, cháu ông, đi Pari?

(6) Gustave Flaubert: Đại văn hào Pháp (1821- 1880).

Dĩ nhiên Flôbe thường hay có mặt ở ga này. Nhưng tiếc thay, thời gian đó đã xưa lắm rồi, xưa đến nỗi từ ngày ấy tới nay thậm chí bầu trời Normanđi cũng đã bạc màu, như người ta thường nói. Và hầu như trong những khu rừng ở đây những bụi fuydanh cũng đã mất đi đâu hết. Nhưng đó là những lời than phiền thường tình của người già và ta cũng chẳng nên tin họ lắm.

Ruăng đã phăng phăng kéo qua những tháp chuông gôtích(7) xám xịt vì mưa gió của nhà thờ tỉnh trong cái thung lũng sâu thẳm của sông Xen. Con tàu không hãm lại, phóng ào qua những khu ngoại ô ấm cúng đến nỗi thèm được đến ở đấy dù chỉ vài ngày để được lang thang, suy nghĩ và làm việc cho cuộc đời thêm nhiều màu nhiều vẻ trong cái quạnh hiu phố nhỏ và ngõ cụt này của nước Pháp.

(7) Thuộc về người Goths (một dân tọc xưa ở Germanie).

- Còn đâu là Kruatxê của Flôbe? - Tôi hỏi người bạn đường của tôi, một người Paria già, gốc Nga.

- Kia kìa! - Ông chỉ về phương Tây, nơi vừa lúc đó một trận mưa Đại Tây Dương đã cắt mất của chúng tôi nửa bầu trời bằng một bức tường tối.

Cuộc đời đã soạn sửa hầu như bất cứ người nào có học và có trí tưởng tượng một cuộc gặp gỡ với Pari. Có khi cuộc gặp gỡ đó được thực hiện, có khi không. Chuyện đó phụ thuộc vào may rủi. Nhưng thậm chí nếu nó không xảy ra chăng nữa và người ấy có khuất núi mà chẳng được thấy Pari thì, dù sao mặc lòng, anh ta chắc hẳn trong tưởng tượng hoặc trong những giấc mơ cũng đã đến đây dù chỉ vài lần.

Lúc ta còn trẻ, trong ta sự hiểu biết và óc liên tưởng còn quá bé bỏng chưa đủ để cảm nhận đầy đủ cái quyền lực của Pari chế ngự trái tim ta. Nhưng trong tuổi trưởng thành, Pari rực rỡ hẳn lên với ta bởi những hiểu biết mà ta gom góp được về thành phố ấy, tình yêu đối với đường phố của nó, bầu trời của nó, những cuốn tiểu thuyết làm ta chân thành xúc động của Flôbe và Môpatxăng, những cuộc cách mạng, những đau khổ và những thắng lợi.

Chỉ đến tuổi trưởng thành con người mới có khả năng liên kết vào trong một cái gì trọn vẹn và cảm thấy trong một sự mê say duy nhất những vật có vẻ khác hẳn nhau: những chiếc lá tiêu huyền mộc khô màu tím nhạt và đôi môi ướt của cô gái trẻ hôn người yêu trên ghế rừng Bulônhơ; những đám mây tự hào và kiêu hãnh bay lên trên Cung Thương binh, trên nấm mồ Napôlêông và gian phòng hình tròn của viện bảo tàng Lơ Luvre, ở đó có tấm thân nàng Vệ nữ Milô tưởng chừng được đúc bằng ngọc trai mờ và ở đó những giọt lệ bướng bỉnh chẳng cần một cớ gì hết cũng vẫn cứ trào ra trong mắt mọi người; mùi bụi, mùi thuốc lá và phấn ở đại lộ; những cầu thang lên gác thượng kêu ken két (bậc thang đã mòn vì những đế giày lê lên lê xuống có trăm năm, giống như những con dao cũ ở nhà bếp); khói ở các ga: ga Xanh - Lada, ga Đuy No, ga Ooclêăng; tiếng huýt sáo của những anh chàng tài xế tắc xi vui tính, những chú học sinh tinh nghịch và lễ phép mặc quần đen dài, nước cam với hơi cam đắng hăng sè như đâm vào mắt, bóng tối tù đọng thời trung cổ của nhà thờ Đức Bà, những nàng tu kín đỏng đảnh bán những cây thánh giá đồng thau, những dành hoa khổng lồ (hoa trong dành ùn lên như bột mên và tràn xuống mặt đường), những đêm trong ánh đèn nhảy nhót của "Mulanh Rugiơ" hoặc "Fôli Bécgie".

Bầu trời trên nghĩa địa Perơ Lasedơ chói lọi một cách dị thường! Bà tôi - một người đàn bà Thiên chúa giáo ngoan đạo, hơi mơ mộng - có cái thú đến viếng những nghĩa trang ở các thành phố khác nhau để rồi sau đó kể lại cho mọi người nghe về những nghĩa trang ấy. Lần đầu tiên tôi được biết về bức tường Công xã trên nghĩa trang Perơ- Lasedơ là do bà tôi kể lại. Lúc đó tôi còn là một đứa trẻ. Giờ đây tôi cứ ngắm mãi những vết đạn hàng thế kỷ còn ghi lại trên đá kia với niềm kính cẩn trong lòng.

Tưởng như tiếng nổ chát chúa của những phát súng trả thù là không thể có được ở đây, trong cái nghĩa trang lớn lao này của nước Pháp, nơi mọc những ngọn cỏ, đặc biệt tím và đặc biệt ấm. Trong cỏ thậm chí còn có một cái gì long trọng nữa là khác. Những cuộc trả thù đã xảy ra và nó đã để lại một bức bích họa rõ nét và bất diệt trên tường.

Môngmác. Đằng sau những hàng rào khu này những bông tử đinh hương bụi bặm mãi vẫn không tàn. Chúng còn đợi một trận mưa. Tối tối, bên những dốc phố, những ngọn đèn hiệu cháy sáng. Chúng báo trước cho những tay say rượu biết rằng đã gần đến những bậc thang dốc đứng.

Chứng say rượu cũng có những người bảo trợ nó và chất thơ của nó: không giúp đỡ những người say rượu sao đang khi những ý nghĩ của họ đang ngả nghiêng lầm lẫn lung tung như những thuyền đánh cá ở Gôngflerơ.

Ở Pari, ta luôn rơi vào tình trạng bị động phải quay lại với những sự kiện và những tên người thân quen từ thuở còn thơ, những tên như Guy đờ Môpatxăng, Xtăngđan, Lôrô, Jôre hoặc Frăngxoa Vilông, Errlô hay Bandắc, Juyn Vecnơ hay Rômanh Rôlăng(8).

(8) Các nhà văn, họa sĩ danh tiếng Pháp.

Những khu ngoại ô của Pari, đặc biệt là những khu hai bờ sông Xen là một vòng hoa kết bằng tên các nghệ sĩ. Sông Xen lấy nước chảy ròng của nó tắm rửa cho những ngọn cỏ. Nước sông Xen và không khí trên sông lẫn vào nhau bởi những sắc màu êm dịu.

Một trăm năm về trước các nghệ sĩ của chủ nghĩa ấn tượng lần đầu tiên đã đưa những màu ấy với toàn bộ cái trong sáng của chúng lên nền vải. Một số tranh của những họa sĩ ấn tượng như được vẽ bởi những người bị nhốt trong một lăng kính thủy tinh mà ánh nắng đi qua. Những màu của cầu vồng đã tạo ra một thế giới khá thực. Nhưng thế giới ấy là một thế giới hội hè và được sưởi ấm bởi tất cả những phản quang ấm áp của mùa hè Pháp.

Những họa sĩ ấn tượng chủ nghĩa - lúc đầu là những họa sĩ đói rách và bị người đời giễu cợt - trong thực tế lại hào phóng như những ông hoàng. Họ đã dọn một đại tiệc màu cho tất cả mọi người, không trừ một ai, nếu như người đó không mù. Họ không đòi ai cảm ơn vì đã được nhìn thấy thế giới như nó có trong thực tế - một thế giới hoàn toàn tráng lệ.

Tất cả những ý nghĩ đó xâm chiếm tôi sau khi tôi đi khỏi Pari, khi con tàu của chúng tôi làm sủi bọt nước xám trên biển Măngsơ.

Ở Pari tất nhiên tôi cũng đã có những ý nghĩ đó nhưng chỉ ở trong nơi sâu thẳm của tri thức. Chẳng qua tôi chẳng có thời giờ dừng lại ở những ý nghĩ ấy. Tôi sống, quan sát, nghe ngóng, đi lại, cho đến khi mệt phờ trên những đường phố, công viên và đêm đêm không ngủ.

Mỗi giờ của giấc ngủ thảng thốt, nói cho đúng hơn, của một cơn thiêm thiếp, đối với tôi là một tổn thất nặng nề. Và thực quả là như vậy đấy.

Tôi thường dậy vào lúc sáng sớm và đi ra những phố bờ sông Xen hay ra chợ chính, vào cái "bụng nổi tiếng của Pari".

Những giờ trống rỗng chỉ đến vào đêm khuya, ở cái khách sạn nhỏ bé trong khu Môngmác, nó có căn phòng chật hẹp với đồ gỗ cổ lỗ, bọc vải dày màu đỏ thắm của tôi.

Chủ khách sạn là một bà già Pari, trước làm diễn viên biểu diễn ngựa ở rạp xiếc. Mặc dầu tuổi đã năm mươi bà vẫn giữ được thân hình mềm mại, vẻ tao nhã, và thỉnh thoảng đôi mắt bà lại rực sáng đến nỗi ta có cảm giác như những ngọn điện vũ đài đang lấp lánh trong con ngươi.

Trong mọi vẻ của người đàn bà ấy: trong lúc bà đến gần, quần áo sột soạt và nức hương, trong giọng nói thấp như hát và trong bàn tay thuôn thuôn với những chiếc vòng nặng nề của bà - bà ưa dùng bàn tay ấy âu yếm vỗ vào vai chúng tôi, những tay khách trọ người Nga của bà - có cái đẹp mê hồn của Pari.

Ta dễ cảm thấy, nhưng khó diễn tả cái đẹp mê hồn của Pari là thế nào. Đó là một trạng thái mà chúng tôi, những người Nga gọi bằng một từ cũ kỹ: ôtsarôvaniê.

Đó là hương nhẹ nhàng dễ chịu của vải mỏng tang, của tóc, bao tay, cái nghiêng đầu đặc biệt, hơi đỏm dáng, cái liếc mắt tò mò, nụ cười tủm tỉm e thẹn, giọng cổ ngọt ngào.

Bà chủ chọn nhân viên làm việc cho khách sạn trong đám bạn cũ của bà, những diễn viên xiếc được đào tạo hàng loạt; những tay tung hứng, uốn dẻo, những anh hề, những tay luyện thú và những tay leo dây.

Chỉ có người gác cửa - một anh chàng Mã Lai người bủng beo với đôi mắt mờ đục - là còn trẻ. Nhưng ít lâu sau chúng tôi được biết rằng anh ta không làm xiếc được là do bị gẫy một chân.

Trong cái hòa hợp hoàn toàn với thành phần nhân viên phục vụ, cả khách sạn suốt ngày ca hát, huýt sáo miệng những bài hát mốt nhất, bật tay như gõ phách nhảy múa, ha hả cười bằng những giọng khàn khàn và lôi cuốn mà chỉ những tay hề mới cười được như thế, còn thỉnh thoảng ở phía trong cùng những hành lang, bất thần lại vang lên tiếng sư tử gầm, tiếng vẹt rên rỉ, tiếng sơn ca hót và tiếng chuông rung. Đó là diễn viên già chuyên bắt chước các thứ tiếng bác hầu phòng Juyliêng - tự làm trò chơi cho mình bằng cách tung hứng những chiếc mũ và đồ dùng của khách trọ.

Trong phòng ăn của khách sạn, ghế nào ghế ấy đều lung lay đến nỗi ngồi lên chúng quả là nguy hiểm: nhà nghệ sĩ nhào lộn trước kia, bác hầu bàn Tôtô, dạy những chú bé chạy việc vặt cho khách sạn (không hiểu sao trong khách sạn lại có nhiều chú bé chạy việc vặt đến như thế) tập đứng một tay trên lưng những ghế ấy.

Ngoài mấy người Nga chúng tôi ra, trong khách sạn còn một người Hà Lan to béo đã có tuổi, mặc chiếc váy kẻ ô. Da mặt ông làm cho ông giống như một đùi lợn Yorshia(9) màu hồng đục.

(9) Một giống lợn ở Anh.

Tay Hà Lan nọ không hề sợ những tập tục ở khách sạn. Ngược lại, căn cứ vào bộ mặt rạng rỡ của ông thì ông lại còn lấy làm thích thú tất cả cái ồn ào, lộn xộn của rạp xiếc ấy. Mọi thời giờ rỗi ông ngồi lì trong cái hall (10) nhỏ xíu chất đầy cỏ anh thảo đỏ và trắng. Ở đó ông chơi bài lá với bà lão điếc dở làm công việc quét dọn. Khi nào được, ông ta ha hả cười lớn đến nỗi bà lão phải khiếp đảm làm dấu thánh giá.

(10) Hall, tiếng Anh, chỉ gian phòng rộng ở chỗ cửa ra vào của một ngôi nhà.

Ông nói chuyện với chúng tôi rất thông nhờ cách biểu diễn nét mặt một cách phóng đại, nhờ điệu bộ và cái tiếng Pháp dở ẹt của ông. Người ta có thể nghĩ rằng tay Hà Lan rời đất nước sương mù của mình đến Pari chỉ cốt để đánh bài với bà lão quét dọn khách sạn và chõ mũi vào việc người khác. Với một sự say mê và quan tâm sôi nổi,ông ta theo dõi cuộc làm quen của chúng tôi với Pari, khuyên bảo, giải thích, phiền muộn như thể sự thành công trong chuyến đi của chúng tôi là mục đích đời ông vậy.

Những vật lưu niệm rẻ tiền nhất đại loại như những mẩu giấy gói kẹo Maxcơva nhớp nháp làm cho ông sướng run. Ông được coi là vô địch khách sạn về thành tích tìm kiếm đồ lưu niệm. Cả đến anh coi thang máy với biệt hiệu là Pơti Pierơ - một chú bé hay nhăn nhó làm trò trong chiếc bludông diện màu xanh với những khuy vàng - cũng không kiếm được nhiều đồ lưu niệm bằng ông. Ấy là Pơti Pierơ đã sẵn sàng lấy tuốt tuột bất cứ vật gì, cả đến những chiếc vé xe điện ngầm Maxcơva bỏ đi trong túi áo chúng tôi.

Nhờ Pơti Pierơ mà chúng tôi biết rằng ở đâu đó trong những thành lũy thời nông nô ("foóctificaxiông", theo cách gọi như hát của Pơti Pierơ) có một quán cà phê rẻ tiền, ở đấy người ta đổi chác đồ lưu niệm và giá cả đổi chác được quy định dứt khoát. Thí dụ, một chiếc vỏ diêm có hình ga xe điện ngầm Acbát có thể đổi lấy ba chiếc có hình ga "Aêrôpo", còn như bưu ảnh có hình vua Thần công(11) có thể đổi lấy một huy hiệu có biểu tượng thành phố Pari.

(11) Khẩu súng lớn để trong khu vực điện Kremli.

Người ta dùng Pơti Pierơ trong khách sạn, hẳn cũng chỉ để cho nó thêm phần nhộn nhạo. Cậu ta hoàn toàn không có việc gì để mà làm. Cái cabin thang máy bằng thủy tinh nhiều cạnh giống một cái ly rượu, trang điểm một cách hào nhoáng bằng đồng đen, chỉ chứa nổi một người, mà phải là người gầy mới được. Muốn bước vào trong đó cần phải thu người lại, đi giật lùi, tay nắm lấy những mấu nối, nếu không thì không thể nào quay trở trong đó. Như tay Hà Lan nọ là không tài nào dùng được thang máy. Ông không sao lách được tấm thân đồ sộ của mình trong đó. Nhưng chuyện ấy không làm ông tức giận mảy may.

Vì thế công việc Pơti Pierơ chỉ quanh quẩn ở chỗ đưa cái thang máy không người từ trên xuống và phá lên cười ha hả vì bất cứ cớ gì. Mà cớ để cho cậu ta cười thì khá đủ.

Thí dụ, một anh trong bọn người Nga chúng tôi ngay tối đầu tới Pari đã lang thang ngoài phố đến tận khuya mệt phờ và ngủ thiếp đi trên một chiếc ghế dài ngoài đại lộ gần cổng Xanh- Đơni.

Một "agiăng"(12) già dũng cảm đã mang anh ta về khách sạn lúc bốn giờ sáng. Nếu không, anh chàng Nga ấy sẽ có thể lạc suốt đời, như Pơti Pierơ nói. Thực là một hiện tượng không tiền khoáng hậu.

(12) Cảnh sát viên.

Viên "agiăng" còn bàn luận hồi lâu với anh gác cửa Mã Lai về chuyện vừa xảy ra, trong khi đó thì anh chàng Nga đã ngủ khì trong phòng mình.

- Tôi đoán ra ngay lập tức - Viên cảnh sát nói và nháy mắt mấy cái rằng đó không phải là một thằng cầu bơ cầu bất nào đó của nước ta.

Hắn ngủ như một bêbê (13), cái anh chàng bônsêvích từ Maxcơva ấy. Ngoài đại lộ hiếm có người ngủ như thế. Sợ hãi làm họ trở mình và thức giấc luôn. Sáng ngày ra tôi sẽ lại xem anh chàng có khỏe không. Như thế liệu đứng về phía tôi mà nói có sợ là thiếu lễ độ không?

(13) Một đứa bé.

- Ồ ồ ồ! Tất nhiên là không! - Anh chàng gác cửa lễ độ quá mức kêu lên - Rất có thể anh chàng lại còn mời một cốc cà phê với rượu khai vị cũng nên. Người Nga là những kẻ hào phóng!

- Nếu như họ có tiền. - Viên cảnh sát nhấn mạnh chờ đợi nhìn anh gác cửa như thể anh chàng kia có thể biết trong ví người Nga nọ có bao nhiêu tiền.

- Dĩ nhiên! - Anh gác cửa đồng ý - Nếu như trong túi họ có cái gì đó để sột soạt.

Sáng hôm sau, một chuyện không thể nào tin được đã xảy ra: anh chàng người Nga không những mời viên cảnh sát một tách cà phê trong phòng ăn khách sạn mà còn tặng ông ta một chai vốtka Nga chính cống.

Sự kiện đó vang dội chẳng kém gì một vụ nổ hơi đốt mạnh nhất (ở Pari hơi đốt nổ trong các nhà, lúc chỗ này lúc chỗ kia, vài lần trong một ngày). Cả khách sạn và tiếp sau là cả khu ngoại ô ồn ào hẳn lên vì chai vốtka ấy cho đến tối. Nhân viên khách sạn, không từ một ai, đều hình dung khá rõ ràng, mỗi người một cách, cuộc uống rượu vốtka Nga trịnh trọng trong gia đình viên cảnh sát. Tiếng cười không lúc nào ngớt. Dù sao thì Pơti Pierơ đã cười bò ra suốt ngày hôm đó.

Trong gian phòng hình tròn là bóng tối mờ mờ màu xanh lá cây nhạt. Những người khách đến xem im lặng. Chỉ có tiếng kêu vòi vĩnh của trẻ con ở công viên bên ngoài cửa sổ vọng vào.

Giữa gian phòng trên bệ đặt đột khởi lên một câu đố bằng cẩm thạch - một người đàn bà khỏa thân cụt hai tay.

Tất cả những người đến xem đều biết rõ ràng trong khoảng thời gian nhiều thế kỷ, con người chưa sáng tạo được cái gì tuyệt mỹ hơn.

Và cũng không ai biết liệu rồi con người có sáng tạo được hơn thế nữa không. Vì vậy, những người đến xem chỉ dám nói thì thào.

Một thiếu phụ trẻ còm nhom, hai tay nắm chặt khuỷu tay một ông lão già khọm và giận dữ nói khẽ với ông ta:

- Làm gì có những người đàn bà như thế trong thời đại này! Không thể có được! Trước mặt cô ta chúng tôi chỉ là những người đàn bà xấu xí, những ả thợ giặt. Đâu, bước tiến hóa không ngừng hướng về cái hoàn mỹ của ông đâu? Ông đã tiêu phí cả đời mình để chứng minh điều đó.

Ông già im lặng ngẩng đầu lên, nhìn tượng thần vệ nữ.

- Qua những thế kỷ ấy chúng ta đã xấu đi nhiều lắm - Người đàn bà khe khắt nói - Ông ngồi trước bàn suốt đời để viết những cuốn sách về cái đẹp mai sau của con người thực vô ích. Mà ông viết những cuốn sách ấy làm gì kia chứ? Ông lừa dối cả bản thân ông? Ta đi khỏi nơi này đi! Đối với ông, ở đây ngột ngạt quá đấy!

- Để tôi ở lại đây và đi đi. - Ông già khe khẽ yêu cầu - Biết đâu tôi sẽ gặp may và tôi sẽ chết bên cạnh nàng.

- Ông nghĩ đến chuyện đó đã lâu rồi. - Thiếu phụ thở dài rồi nói, bất thần cúi xuống âu yếm hôn bàn tay đầy mạch máu nổi lên của ông già.

- Tùy ông thôi. Tôi rẽ vào hiệu "Xamaritanh" ở gần Cầu Mới độ một tiếng. Rồi tôi đến đón ông, ông nhé!

Thiếu phụ dìu ông già lại chiếc ghế dài một chiếc đi- văng bất tiện, không chỗ dựa - và đi ra.

Ông già ngồi xuống, tì hai tay lên cán ba- toong và lặng yên, không nhúc nhích. Người coi phòng chăm chú nhìn ông rồi quay mặt đi.

Tôi ngồi xuống bên ông. Ông già cựa quậy và nói, mắt không nhìn tôi, chắc là ông nói một mình.

Ông bỗng nín lặng. Còn tôi, nhìn vào đôi mắt của nữ thần, tôi nghĩ rằng ông già đã nói lên một chân lý giản đơn và do đó ngây thơ. Vì thế lúc sắp ra về tôi nói với ông già:

- Xin cảm ơn ông. - Ông già mệt mỏi đáp và thậm chí ông còn hơi nhổm người lên một chút, tay tì lên ba- toong.

Từ viện bảo tàng Luvrơ tôi bước ra quảng trường bị buổi trưa tháng chín thiêu đốt. Trong công viên râm mát tôi ngồi xuống bên tượng Agaxierơ, tựa lưng vào thành ghế và nhắm mắt lại. Ngay lập tức những ý nghĩ như những điểm sáng lấp loáng của ánh nắng phản chiếu phóng nhanh trước mặt tôi trong bóng tối màu đỏ nhạt.

Nếu trong một ngày nóng bức thừa thãi ánh sáng thì ánh sáng đó được thể hiện trong người đàn bà bằng cẩm thạch kia. Hàng nghìn người, đàn ông và đàn bà, đã mê nàng say đắm, nhưng không ai biết được nhà điêu khắc vô danh đã chọn ai trong những người trên trái đất làm mẫu cho pho tượng bất tử đó.

Tôi có cảm giác rằng chỉ vì nàng mà những biển phương Nam đã đổ lên bãi cát những tấm gương nước. Những đàn chim nhẹ bỗng bay lượn trên trời là vì nàng. Vì nàng mà sóng vỗ ầm ĩ bên những mũi đá ba- dan dốc đứng, vì nàng mà những vần thơ nức nở ra đời và đêm đêm những đám mây vì nàng mà dừng bước chạy và sáng lên ánh tuyết trên độ cao huyền diệu của vũ trụ.

Tất cả là vì nàng! Những nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại cúi đầu trước mặt nàng chẳng khác gì những tay khuyển nho vĩ đại. Một mối lo âu khó hiểu đã nẩy nở trong tim mỗi ai là người nhìn quá lâu đôi vai khỏe mạnh và đôi vú chắc nịch, trinh trắng của nàng. Bởi vì trong đôi vai ấy, trong cái cổ đang quay đi ấy, trong mỗi ngón chân nàng, là cái toàn thiện toàn mỹ.

Đạt tới cái toàn thiện toàn mỹ trong công việc của mình, đi tới chỗ tột cùng là một hạnh phúc lớn lao, nhưng đồng thời cũng là một sự nguy hiểm. Sự nguy hiểm đó là ở chỗ không thể nào cứ đứng lại mãi trên đỉnh cao, không xê dịch đi đâu. Mà bất cứ sự xê dịch nào cũng có thể đưa người ta xuống dốc.

Tấn bi kịch của những người muốn đạt tới cái toàn thiện toàn mỹ là ở chỗ đó. Đi xuống thì không muốn, đi lên thì không nổi.

Nhân những ý nghĩ đó mà tôi hiểu ra cái chết của nhà điêu khắc

Pháp Arixtiđơ Mayôn(14). Ở Pháp người ta đã truyền tụng những câu chuyện hoang đường về cái chết của ông. Có thể là những gì tôi viết đây cũng là một câu chuyện hoang đường, nhưng cái đó, xét cho cùng, cũng chẳng quan trọng lắm.

(14) A. Maillol: nhà điêu khắc Pháp nổi tiếng.

Những pho tượng của Mayôn, đặc biệt là đầu và thân những người đàn bà, khác thường ở chỗ chúng có sự kết hợp giữa vẻ kiều diễm và sức mạnh. Dù người xem có đứng ở vị trí nào mà nhìn những pho tượng ấy chăng nữa, ở đâu họ cũng thấy cái đường nét trong sáng mà ngày xưa người ta ưa gọi là đường nét thần thánh.

Nhưng sau khi đã bảy mươi tuổi, Mayôn không thể nào sáng tạo được gì có thể vượt lên trên những kiệt tác của ông. Ông già Mayôn đã đạt tới đỉnh cao. Ông không muốn từ trên đó tụt xuống và ông chọn cái chết.

Một hôm Mayôn, lúc đó đang ở tại một vùng ngoại ô Pari, đang đêm lén lút vào ga- ra, ngồi vào xe hơi và lái ra bờ đại dương. Ông lái xe đến một địa điểm quen thuộc gần Et'ret, nơi đất liền đứt hẫng xuống nước bằng một bức tường thẳng đứng, lởm chởm đá.

Gần đến đại dương, Mayôn cho xe chạy với một tốc độ điên cuồng và xe ông bay đi mấy chục thước trong không trung rồi từ trên khoảng cao chót vót rơi xuống đại dương.

Chỉ có những người dân chài Et'ret đơm đó đánh tôm hùm là được chứng kiến chuyện đó.

Người ta tìm kiếm thi hài Mayôn và chiếc xe bẹp nát trong một thời gian dài.

- Xin lỗi mơxiơ, ông vừa để rơi vật gì. - Một giọng đàn bà yếu ớt nói.

Tôi giật mình và mở mắt. Thì ra tôi đã thiêm thiếp ngủ và đánh rơi bản đồ viện bảo tàng Luvrơ. Danh sách những phòng ở mặt sau của bản đồ làm tôi bối rối khi tôi hình dung ra vô vàn những tài sản phong phú của hội họa được gìn giữ trong tòa lâu đài thấp và hùng vĩ ấy.

Một bà lão bé nhỏ bận bộ đồ đen hơi cũ, mang bao tay đen đã mạng và đội chiếc mũ nhỏ như một cái tổ chim, đã lỗi thời. Người Pháp gọi những bà lão như thế một cách trìu mến là "cố exixnen", dịch ra tiếng

Nga nghĩa là "con bọ rùa vàng".(15)

(15) Một giống côn trùng hình tròn màu vàng có chấm đen trên lưng. Chữ này có nghĩa bóng: người nhẫn nhục, chịu đựng.

Bà lão nhanh nhẹn đan một chiếc bít tất trẻ con và ngước mắt qua cặp kính nhìn đứa cháu trai, một thằng bé vụng về, đang chơi trên đống cát.

Tôi cảm ơn bà lão, nhặt tấm bản đồ lên và lắng nghe những tiếng kêu như tiếng chim, ngắn và dồn dập của những người bà, những người mẹ trẻ tuổi và những bà nhũ mẫu. Những tiếng kêu ấy như thể đang liên tục phi chung quanh tôi trong khắp công viên.

Những tiếng kêu ấy hoàn toàn giống in như ở mọi nơi khác trên cả thế giới. Nếu dịch những tiếng kêu ấy ra tiếng Nga, chúng ta sẽ có trọn bộ những lời dọa nạt và cấm đoán: "Mày đi đâu đấy, hả?", "Quay lại ngay lập tức!", "Đợi đấy tao sẽ mách bố cho mà xem", "Tao đến phải sửa cho mày một trận mới được!", "Không được ném cát vào nhau thế!", "Không được làm bẩn áo!", "Đi lại đây tao chùi mũi cho. Rõ xấu hổ".

Nhưng tôi có cảm giác rằng trong những tiếng kêu quốc tế ấy, ở đây, ở Pari, chúng mang một phong cách tao nhã đặc biệt. Có thể là phong cách đó lệ thuộc vào lối ngân nga du dương và cách phát âm chữ "r" một cách rất Pháp của những thiếu phụ Pari.

- Ông là người nước ngoài? - Bất thình lình bà lão hỏi, vẫn cặm cụi đan.

- Vâng tôi người Nga.

- Vậy ra ông từ Maxcơva đến?

- Vâng, tôi từ Maxcơva đến.

Bà lão ngẩng đầu, đôi tay đi tất chắp lại như cầu nguyện và cất tiếng hát.

- Ôi! Ôi! - Bà ta hát - Thực là hân hạnh! Thực là tuyệt quá đi mất!

Chao ôi, tôi rất sung sướng được gặp một người Nga từ Maxcơva tới. Ôi! Ông sang Pháp bằng xe Pôbêđa ư? Ờ, mà tất nhiên là thế rồi! Tôi đọc tin đó trong các báo hôm nay. Thật là một cuộc gặp gỡ kỳ thú! Tôi có người em gái ở Lêningrát. Cô ta lấy chồng người Nga từ năm hai mươi tuổi. Mà năm nay thì đã ngót sáu mươi. Cô ta đã trải qua một cuộc gì nhỉ, à cuộc phong tỏa. Gặp ông đây thực tôi sung sướng quá! Sáclơ! Bất thình lình bà lão kêu lên bằng một giọng khác hẳn, một giọng đe dọa và tỉnh táo - Không được lấy cái xẻng của con bé ấy. Đồ ích kỷ!

Bà lão hỏi tôi là ai và tên là gì. Bà ta hát và càng biết nhiều hơn về tôi, bà càng tỏ ra khâm phục, mặc dầu dĩ nhiên là bà cũng chẳng nghe nói đến tôi và cũng chẳng thể nào nghe nói đến. Nhưng bà làm ra vẻ biết tất cả.

Bà lão rất đỗi kinh ngạc(16) khi biết rằng tôi mới ở Pari có ba hôm

(16) Nguyên văn: Khiếp đảm.

("Thế thì quá lắm!")(17) và tối hôm nay tôi đã ra ga Xanh- Lada để đi Lơ Havrơ.

(17) Nguyên văn: "Thế thì gớm ghiếc quá".

Tôi với bà lão chia tay nhau như những người bạn. Bà ta nói với theo những lời chúc mừng tốt lành và gật gật đầu.

Buổi tối khi chiếc ô tô đến gần ga Xanh- Lada thì tôi đã quên bẵng cuộc gặp gỡ ấy và tôi thực sự đã kinh ngạc khi trông thấy bà lão nhỏ bé của tôi ở trên ke trong chiếc áo choàng không tay đẹp đẽ, tay cầm một hộp lớn bằng giấy bồi.

Chung quanh bà lão đã có một đám đông người Lêningrát và bà lão, mặt đỏ ửng lên với đôi mắt tươi hơn hớn vì sung sướng, đang kể cho họ nghe một câu chuyện gì hẳn là rất thú vị, bởi vì những người Lêningrát thường ngày lạnh lẽo phải tủm tỉm cười, đôi người còn cười to nữa là khác.

Bà lão trông thấy tôi, chạy lại và chìa bàn tay nhỏ nhắn nhăn nheo cho tôi. Tôi hôn bàn tay đó, bàn tay của người bà trong một gia đình nghèo ở Pari, bị kim đâm lỗ chỗ và bị chỉ làm xây xát.

- Quà biếu ông đi đường đây: Bà lão nói và trao cho tôi chiếc hộp bằng giấy bồi - Một món quà mọn. Ông hãy mở hộp này trong toa. Tôi cảm thấy hạnh phúc đến nỗi tưởng chừng chính tôi đang đi Lêningrát thăm em tôi.

Cuối cùng bà lão ôm hôn tôi và những người khác, lấy chiếc khăn tay ren nhỏ bé vẫy theo tàu một lúc lâu và luôn luôn lấy chiếc khăn đó thấm lên mắt.

Bên cửa sổ tàu những viaduc(18), những chiếc cầu màu tối lao vùn vụt, mang theo tiếng ầm ầm của bánh xe và ghi sắt, nhưng tôi mãi không trấn tĩnh lại được. Do đó tôi không nhận thấy các bạn hàng xóm cùng phòng với tôi đã mở hộp nhanh như chớp. Trong hộp có nho, lê, táo, chuối và những trái mận màu trắng đục. Họ chén tất cả những thứ trong hộp nhanh đến nỗi tôi chỉ còn kịp giật lấy một quả lê.

(18) Viaduc: cầu cạn.

Đến khuya, khi con tàu biến mất trong bóng tối lỗ chỗ ánh đèn điện, tôi mới phát hiện ra rằng chiếc hộp thuốc lá, trên đó tôi ghi tên và địa chỉ của bà lão, đã mất. Cơn giận mình bất thần làm cho tôi nghẹn cả cổ họng.

Ở Pari tôi thường trở dậy ngay lúc rạng đông và đi ra chợ chính - nơi duy nhất bắt đầu sinh hoạt trong cái giờ sớm sủa như vậy.

Từ trong những cửa sổ bỏ ngỏ, đây đó xông ra mùi cà phê mới xay. Hơi nước màu tím nhạt lơ lửng bên trên những đại lộ vừa khô sau khi được tưới ướt. Những viên cảnh sát khoác áo choàng ngắn không tay, dựa vào những kiốt bán sách mà ngủ gà ngủ gật.

Cách chợ vài khu nhà, khoảng một ngã tư, chỗ cà phê "Con chó hút thuốc", khắp phố đông nghịt xe tải các màu chở hoa quả, rau, thịt, chim làm sẵn, trứng, cá, bắp cải Bruykxer - đủ mọi đồ ăn thức uống mà người ta tải đến Pari không phải chỉ từ những khu hành chính của nước Pháp mà từ khắp mọi nước trên thế giới.

Giữa dòng xe ứ lại ấy khách bộ hành phải khó khăn mới lách qua được. Mặt đường đây đó vương vãi giấy rách, vỏ chuối và những sợi vỏ bao nhỏ của những thùng mỡ.

Xe không thể đi xa hơn được. Trên những đường phố chật chội những khu phụ cận chợ - người ta đã tổ chức một địa điểm chuyển tiếp. Từ đó hàng hóa được bốc sang những xe cút kít và chở tiếp vào chợ.

Càng gần đến chợ, đến những gian hàng rộng lớn có mái dựng trên những cột gang, phố xá càng trở nên sạch hơn, còn mùi thì xông lên mạnh hơn. Hoa, cam, nấm, thìa là đưa hương rất mạnh, nhưng đặc biệt nặng mùi là cá và sò huyết. Tưởng như ở gần đâu đây, một biển ấm áp đang trải rộng trên mặt đường đá hoa cương làm bay lên mùi iốt của rong biển.

Sò huyết nằm trong những lẵng tròn kết bằng lá liễu xếp lẫn với những viên nước đá đập nhỏ. Bùn Đại Tây Dương quấn lấy chúng như một mạng nhện màu xanh lá cây.

Những người đi ủng đập những tảng băng trên quầy hàng. Những mẩu băng vụn tí xíu bắn tung tóe và tan ra trên mặt người như những giọt sương.

Những con tôm hùm ngọ nguậy những chiếc râu dài kiểu Trung Quốc. Cá trong những chậu bằng kẽm vẫn còn thở: nước lạnh từ những vòi chảy tuôn xuống mình chúng.

Trong gian hàng cá, những nhà tu hành và những cô mụ túm đen túm đỏ. Hẳn đã tới tuần chay Thiên Chúa giáo. Những bà mụ già mua cá và mặc cả ầm ĩ, còn các cô khác trẻ măng thì đang dùng xe cút kít chở cá, mắt nhìn xuống trước những lời bình phẩm đùa bỡn của những người đàn ông và đỏ mặt lên vì một sự cám dỗ trong giây lát.

Trong gian hàng thịt, những chiếc sỏ lợn to khỏe nằm thành từng dãy. Chúng đã được rửa ráy sạch sẽ. Lớp mỡ hồng nổi hẳn lên qua làn da căng ních. Tưởng như những tay "coáffơ"(19) cừ nhất Pari đã cạo mặt cho chúng bơm ô- đơ- côlô(20) và sửa soạn chỉnh tề để đem bán. Răng những con lợn bóng loáng như thể chúng được đánh bằng kem đánh răng hảo hạng "Panmôlivơ". Những bông hồng lộng lẫy rực đỏ trên răng chúng.

(19) Coiffeur: Thợ cạo, tiếng Pháp.

(20) Eau de Cologue: Nước hoa nhẹ, dùng để sức sau khi cạo râu, cắt tóc.

Nhưng bí hiểm hơn hết tất nhiên vẫn là chợ hàng hoa. Từ một góc đường, chợ hàng hoa phả ra một loạt mùi đậm lẫn lộn vào nhau. Chợ có đủ mọi màu sắc thiên nhiên làm ta phải ngạc nhiên. Những màu sắc ấy rực rỡ một cách phi thường đồng thời lại dịu dàng.

Đôi lúc tôi cảm thấy trong bầu không khí ngột ngạt của gian hàng những bông hoa mát lạnh chạm vào cánh tay nóng của tôi.

Trong cái chật hẹp ẩm ướt và trong bóng tối mờ mờ của những

Mông Blăng(21) hoa ấy vẫn còn tiếp tục cuộc sống vừa mới đây của chúng trong đất xốp vườn trồng. Những con ong đất theo hoa chở ra chợ giận dữ kêu vo vo. Đó là một tiếng kêu tuyệt thú - tiếng ong đất vo vo giữa đủ mọi giọng người và tiếng ồn ào kéo dài xa xa của Pari.

(21) Mont Blant: Ngọn núi cao ở nước Pháp.

Những chiếc lá quay về phía mặt trời mờ khói của thành phố mà khe khẽ đung đưa. Một tia nắng sinh động long lanh trong những cánh hoa.

Ở đây có rất nhiều hoa lạ, kỳ dị, nhưng cũng có nhiều hoa quen biết từ lâu. Chúng có vẻ lạ ở đây vì ở nước ta chúng mọc ngoài trời chứ không ở trong những thùng trồng hoa sang trọng.

- Trông kìa! - Người bạn đường của tôi mừng rỡ kêu lên - Những bông cúc vạn thọ.

Quả vậy, giữa những bông hoa kiêu kỳ tôi đã trông thấy những bông cúc vạn thọ giản dị miền Ukraina của chúng ta.

- Thưa mơxiơ, đúng đấy. - Một giọng nữ cất lên. Tôi ngoảnh lại. Một người đàn bà đã có tuổi ăn bận nghèo nàn, tay cầm làn, nói - Đúng vậy đấy, đó là những bông cúc vạn thọ của ta. Ông thử hít mà xem, chúng mới thơm làm sao! Ông ở Nga đến ư?

Người đàn bàn nhìn chúng tôi hau háu. Bà đưa bàn tay gầy guộc lên che miệng, và tay bà run run.

- Vâng ở Nga đến.

- Vậy ông có lần nào đến một tỉnh... tỉnh Khecxôn, thưa mơxiơ?

- Tôi đã đến đó, nhưng lâu lắm rồi.Các con tôi chúng ra đời ở đấy. - Người đàn bà nói bỗng bà ta òa khóc.

- Người ta mang tôi sang Pháp bốn mươi năm về trước. Mông mari(22) là người Pháp. Chồng tôi làm lái xe. Ông chết rồi. Tôi đi theo các ông từ lúc nãy và nghe tiếng Nga. Xin ông tha lỗi vì tôi khóc, thưa mơxiơ, nhưng tôi đã bắt đầu không nhớ... tiếng Nga nữa.Mà ai là kẻ không nhớ tiếng mẹ đẻ, kẻ đó là người nghèo nhất, khó nhất tức là một oócphơlanh(23) tiếng ta gọi là thế nào nhỉ?... là một đứa trẻ mồ côi... trong cái thế giới này. Các cháu chúng nó đã không nói tiếng Nga nữa. Nước Nga đối với chúng nó như là đêm tối, comnuy(24). Khi tôi nhắc đến nước Nga, chúng chẳng buồn nghe. Những câu chuyện của tôi làm chúng nó chán. Ở Khecxôn tôi còn là một đứa con gái nhỏ, tôi hay chạy ra sông Đneprơ. Lúc ấy, tôi đen đủi và vui vẻ. Tôi hay hát đến nỗi người ta gọi là... tiếng ta nói thế nào nhỉ?Con chim kim... kim tước. Những đứa con gái chúng tôi gài những bông cúc vạn thọ vào tóc. Đẹp lắm kia, ông ạ. Rất đẹp. Nói thế nào...tre bô, tre graxiơ(25).

(22) Mon mari: Chồng tôi, tiếng Pháp.

(23) Orphelin: Đứa trẻ mồ cô, tiếng Pháp.

(24) Comme nuit: Như đêm tối, tiếng Pháp.

(25) Très beau, très gracieux: Rất đẹp, rất dễ thương, tiếng Pháp.

Bà ta nói liến thoắng những lời không ăn nhập gì với nhau ấy, từ trong mắt bà những hạt nước mắt nhỏ bé chảy ra, bà lấy ngón tay gạt đi và vẫn cứ hau háu nhìn chúng tôi như thế mãi. Lòng chúng tôi nặng trĩu, chúng tôi muốn bỏ đi cho mau. Người đàn bà hình như hiểu điều đó. Bà ta nắm lấy bên trên khuỷu tay tôi và nói:

- Ông đừng sợ. Tôi đi ngay bây giờ. Một phút thôi...

Bà ta nhìn chúng tôi với một vẻ khẩn cầu ghê gớm và một vẻ dịu dàng đắm đuối khiến tôi cảm thấy cổ họng tôi bắt đầu nghẹn lại.

Người đàn bà buông tay tôi ra, quay ngoắt đi và bước rảo, gần như chạy, không ngoảnh lại và biến mất ngay trong lối đi đầu tiên giữa những gian hàng.

Mấy củ cà rốt nhỏ trong làn rơi xuống đất, nhưng bà ta hoặc không nhận thấy hoặc không muốn đứng lại để nhặt lên. Bà ta chạy xa chúng tôi như chạy xa cái tai họa đã đuổi kịp bà ta.

Tôi nhìn theo người đàn bà và nghĩ bụng rằng con người ta không thể đủ sức để chạy khỏi chính mình, cũng như chạy khỏi tổ quốc.

Turghêniép(26) đã có lý khi ông ta viết rằng không cần có bất cứ người nào trong chúng ta, nước Nga vẫn sống nhưng không có ai trong chúng ta lại có thể sống thiếu nước Nga. Đau khổ thay cho kẻ nào không hiểu điều đó, còn đau khổ gấp bội cho kẻ nào thực đã sống không cần đến đất nước.

(26) Ivan Xergêiêvích Turghêniép (1818- 1883): Nhà văn nổi tiếng Nga.

Đối với chúng ta, những người Xôviết, lời của Turghêniép có một ý nghĩa đặc biệt, bởi vì cộng với cái quan niệm từ xưa về nước Nga, với tất cả những đặc tính tâm hồn Nga, sắc đẹp mê hồn của thiên nhiên, óc sáng suốt của nhân dân và sự quảng đại của tình người là cái của báu mà chúng ta đã giành được trong bốn mươi năm kỳ lạ vừa qua với tất cả những đau khổ và những niềm vui của quãng thời gian ấy, với những khám phá, những chiến công và những thành tựu. Trước kia là nước Nga nghèo đói, cực khổ, vô quyền; ngày nay đã là một nước Nga khác, trong những biên giới mênh mông của nó, nước Nga này đang không ngừng lao động cho hạnh phúc và số phận con người: những thành phố mới mọc lên, những tài nguyên mới: dầu lửa và hơi đốt được khai thác, những mỏ vàng và than kim cương và các thứ quặng, đã được phát hiện. Nước Nga đã cay cực làm nên cuộc cách mạng của mình. Chính vì thế nước Nga đã trở thành tổ quốc của những tư tưởng Lênin và tổ quốc của những người lính đã chiến đấu thắng lợi cho hòa bình, cho cả nước Pháp kia, và cho cả bầu trời Pari rực rỡ ấy.

Những người đi câu với những chiếc cần câu dài ngồi ở con đường bờ sông Nhà thờ Đức Bà. Không có cá cắn. Vì thế phần đông những tay câu cá đọc báo, số khác úp mũ lên mặt mà ngủ. Hẳn ánh lấp loáng màu xám của con sông làm họ buồn ngủ.

Tôi đứng bên lan can đá ở trên nhìn xuống những người đi câu. Dọc theo lan can là quán hàng của những người bán sách cũ nấp trong bóng râm.

Bên cạnh tôi, một ông già râu tóc xồm xoàm đội chiếc mũ bêrê bụi bậm, đi đôi giày đá bóng đóng cá đã ngả sang màu hung hung đỏ đứng tựa khuỷu tay lên lan can. Ông già thỉnh thoảng liếc mắt nhìn tôi còn tôi thì thỉnh thoảng liếc nhìn ông già nhưng không dám gợi chuyện.

Ông già nói đầu tiên.

- Ô la la! - Ông nói và chặc lưỡi một cái - Trông ông tôi biết ông là người ngoại quốc, thưa mơxiơ, và vì là người ngoại quốc, ông có thể nghĩ rằng những anh chàng kỳ quặc ở dưới kia - ông già trỏ những người câu cá - có thể câu được một con cá nào đó? Không - bao - giờ! Đó, tôi nói với ông như thế đó, tôi, Saclơ Antoan Pigô. Nếu trong một tuần lễ có tay nào trong bọn họ lôi được lên khỏi mặt nước lấy một con cá mòi bằng này này - dài không hơn một que diêm thôi - thì người ta đăng tin ấy trên báo "Firagô" như tin ngài tổng thống Kôti bị sổ mũi vậy. Đôi khi người ta lại còn in cả chân dung cái anh chàng câu cá vận đỏ nữa kia.

Tôi cười lớn và ông già nói bằng một giọng không cho phép người nghe phản đối:

Sau khi biết tôi từ Maxcơva tới, ông già chìa bàn tay xù xì như một viên gạch của ông cho tôi, rồi ông vỗ vai tôi và mắt ông bất thình lình biến mất trong những rãnh sâu của nếp nhăn vừa cùng với nụ cười đổ xô lên khuôn mặt bằng da thuộc của ông.

Tôi cùng với ông già rẽ vào một quán cà phê cóc, với chiếc sân thượng chằng chịt dây leo. Nó vừa được tưới đẫm và những giọt nước ấm luôn luôn nhỏ xuống trên đầu, trên tay chúng tôi.

Trong quán cà phê chúng tôi uống một thứ gọi là "paik" - một thứ nước hơi kỳ lạ. Uống xong, trong giây lát, ta có cảm giác như vừa đi tắm sông về.

Cái oi ả cứ tích tụ trên thành Pari. Có thể nói là trông thấy được cái nóng và nó gợi ta nghĩ đến thán khí. Tôi có cảm giác như nhìn thành phố qua một kính lọc màu vàng.

Một lát sau ông già bỏ đi: con dâu ông nhờ ông mua nửa lít dầu ôliu.

Chia tay với ông già, tôi cảm thấy trong lòng một trạng thái của sự đụng chạm bất thần và gần gụi với một cuộc sống xa lạ và hẳn là nghèo nàn với nửa lít dầu ôliu, với cách sống mà tôi chưa hề biết. Cách sống ấy đã cắm sâu vào quá khứ của nước Pháp những cỗi rễ xa xôi và không phải bao giờ cũng dễ hiểu.

Nhưng đồng thời, đối với tôi, ông già lại giống như một người quen cũ từ xưa. Ông ta chẳng khác gì một con người bình dị của bất cứ nước nào.

Chúng tôi đã tới nước Pháp trong năm 1956 khó khăn. Nhưng mỗi người trong bọn chúng tôi đã phát hiện được một cách hết sức rõ ràng cái chân lý nói rằng những người dân bình dị của bất cứ nước nào đều không thể là thù địch của những người dân bình dị các nước khác, rằng sự hằn thù ấy chỉ có trong ý thức của những nhà chính trị, những tay chạy hàng sách và những tên phiêu lưu chủ nghĩa, như một chất độc ghê tởm.

Chúng ta, những người Nga, bao giờ chúng ta cũng thiết tha yêu mến những người Pháp và chúng ta nói lên tình yêu ấy một cách đơn giản, chân thành, thậm chí còn vụng về nữa, ở bất cứ nơi nào.

Những người Pháp, nói theo nghĩa một dân tộc, xứng đáng với lòng biết ơn vĩ đại của chúng ta vì tất cả: vì tình đoàn kết, hữu nghị, vì tính vui vẻ, vì khối óc sáng suốt và chính xác, vì sự biết cách yêu đời, biết cách làm việc và nghỉ ngơi, vì lòng nhân đạo, vì tinh thần dũng cảm của những người Gôloa(27), lòng yêu tự do, vì danh dự và những thiên tài dân tộc.

(27) Tên một bộ lạc cổ xưa sống trên lãnh thổ nước Pháp hiện nay, là tổ tiên của người Pháp.

Tôi từ biệt ông già, quay lại phố bờ sông và dừng lại ngay bên người bán sách cũ đầu tiên.

Ông ta ngủ ngồi trên một chiếc ghế thấp trải thảm. Một con mèo hung béo tốt lim dim bên cạnh.

Con mèo đực qua những kẽ mắt ti hí sắc sảo, theo dõi mọi sự việc xảy ra chung quanh và bực dọc ve vẩy đôi tai mỗi lần có những chiếc ca nô chở khách (ở Pari người ta gọi chúng là những con "ruồi") vui vẻ kêu ầm ĩ trên sông Xen.

Người bán sách cũ ngủ vì nóng bức hành hạ ông. Ông chỉ thức giấc khi nào những người mua đánh thức.

Bên quầy chen chúc những người yêu sách. Họ cầm lấy những cuốn sách, xem qua và cẩn thận đặt vào chỗ cũ. Một vài người ngồi lên trên lan can đá và bắt đầu đọc một cách mê mải đến nỗi chẳng còn nhìn, còn nghe thấy gì hết(28). Nói cho đúng, phần đông những độc giả say sưa đó là những chú bé.

(28) Nguyên văn: Đến nỗi điếc đi và mù đi.

Ra đi, các chú bỏ vào trong hộp xì gà đặt dưới chân người bán sách cũ vài đồng tiền xu màu thiếc, nhẹ như giấy bồi. Đó là những đồng Frăng mới. Người ta nói rằng việc chế tạo những đồng tiền xu ấy tốn kém cho chính phủ nhiều hơn là giá trị của chúng.

Mới thoạt nhìn vào quán sách của người bán sách cũ đầu tiên tôi đã hiểu rằng có thể đứng ở đây suốt ngày, nhưng chưa chắc tôi đã kịp xem hết những cuốn sách, những tờ họa báo cũ, những bưu ảnh, ấn họa, những tấm bản đồ, những bức tranh thuốc nước và những bản khắc với những vẩy mốc ngoài lề.

Ở đây có sách của đủ mọi thứ tiếng trên thế giới. Có sách của đủ mọi thời đại.

Có thể nói rằng cần phải bỏ ra quá nửa đời người ở Pari mới có thể lục lọi hết trên những phố bờ sông Xen những đống ý nghĩ của con người chen chúc nhau trên những trang giấy đủ mọi tính chất và sắc thái - từ loại giấy "vecgiê" vàng nhạt đến loại giấy da cừu nứt rạn lép bép và từ loại giấy phấn của những ấn phẩm đắt tiền tới loại giấy mỏng đến nỗi những trang trong cuốn sách không thể lật giở mà phải thổi tờ nọ qua tờ kia.

Trên đống sách bề bộn, những vòm lá tiêu huyền mộc mát rượi rì rào. Mùi bìa sách (mùi tổng hợp của hồ dán, thuốc màu và thời gian) hòa lẫn với hơi thở nồng nặc và mát lạnh của bùn từ bờ sông Xen bay lên.

Từ trong đất bùn ấy những chuỗi bọt không khí nhỏ xíu chạy lên mặt nước y như ở bất cứ hồ than bùn nào của nước ta ở khu Riadan, hay vùng Mêsorơ cách đây xa lơ xa lắc.

Ở Pari, tôi thỉnh thoảng hình dung rất rõ nét vùng đó.

Tôi thích gợi nó lên trong trí nhớ của mình. Tôi đã buồn nhớ nó, mặc dầu tôi cũng cố giấu cả chính tôi nỗi buồn ấy.

Sự quen biết Pari đã tiếp thêm cho tình yêu những miền nước Nga của chúng ta một sức quyến rũ mê hồn riêng biệt. Tôi biết rằng tôi sẽ trở về giàu có thêm vì tôi đã làm quen không riêng với Pari mà còn với các nước khác. Ấy thế nhưng khi trở về tôi cũng sẽ cảm thấy một tình yêu mạnh mẽ hơn hết và dịu dàng hơn hết đối với mỗi dọc xương lá trăn tươi, lúc đó tôi cũng sẽ biết được vẻ đẹp vô bờ bến không gì có thể đổi được của nước Nga sương phủ đang lấy hàng nghìn thạch tiêu quốc lộ vẫy ta.

Sương Nga của ta hoàn toàn chẳng giống sương mù khắc nghiệt của phương Tây, những màn sương cao ngất của những biển nơi này. Sương mù của chúng ta là làn khói nhẹ đang xanh. Nó là con đẻ của cái sâu thẳm bao la nơi chân trời đồng bằng mênh mông với những dòng sông, những vũng nhỏ bên bờ, những khu rừng lớn nhỏ.

Trên những con đường bờ sông Xen tôi nhớ đến tổ quốc Xô viết của tôi. Trước mắt tôi, cảm xúc về đất nước đã bất thần hiện ra trong một tính chất mới mẻ. Cảm xúc đó lớn hơn và phức tạp hơn một cách không tài nào lường được so với điều chúng ta nghĩ. Nó làm cho ta tức thở như là khi trống ngực đập thình thình.

Không gì có thể chia xẻ tình yêu của ta đối với đất nước, kể cả tình yêu đàn bà. Tình yêu đó tươi nở trong lòng ta dưới bầu trời của chính nước Nga ta và mỗi phút của nó - lúc hạnh phúc, lúc buồn rầu - nó gắn chặt với Người. Tình yêu tổ quốc mang trong nó tất cả những gì cuộc đời ta có thể chứa đựng.

Ở Pari, tôi hiểu ra rằng sự làm quen với thành phố danh tiếng đó đã làm mạnh thêm tình yêu của tôi đối với nước Nga, đối với cái tỉnh lỵ Elatma nhỏ bé đáng thương nào đó, hay con sông Nga lầu bầu trên những bãi cát ngầm. Như thể có một người vô hình nào đó đã đặt thêm vào cán cân tình yêu của tôi đối với nước Nga một quả cân quý báu và bé nhỏ, chế tạo tại Pari.

Tất cả đều làm cho tình yêu đó lớn hơn, tất cả - cả đến những khu vườn Vécxây. Chúng rực rỡ lên vẻ lộng lẫy cân xứng của chúng và đánh thức cái trí nhớ kín tiếng về những công viên bình dị các tỉnh lỵ, nơi hoàng hôn nức hương bạc hà và gai ướt.

Chỉ có qua nước người ta mới biết được đến đầu đến đũa hai chữ "của mình". Mùi cây dâu, những sườn đồi đất sét hung đỏ, tiếng vó ngựa trên những đường qua đầm lát gỗ trong rừng, tiếng cà cưỡng hót, tất cả những cái đó là "của mình". Cái "của mình" khi nào cũng làm lòng ta tĩnh lại và làm tim ta tràn ngập sự dịu dàng.

Tôi càng thèm khát đắm mình vào cuộc sống Pari hơn vì thế, và tim tôi càng lặng đi nhiều hơn vì dự cảm trước thấy cuộc gặp gỡ sắp tới và nhất định sẽ có cùng thác lá vàng trong những chân trời Oka(29) hoang vắng.

(29) Sông Oka ở Nga.

Hẳn người bán sách cũ nào cũng có những thích thú riêng của mình, và ông ta mua sách vào, bán sách ra tùy theo những thích thú ấy. Thí dụ, người bán sách cũ đầu tiên mà tôi dừng lại bên ông là người rất ham mê môn địa lý và những chuyến đi du lịch.

Những tấm bản đồ địa lý tơi tả ngoài lề in hình những làng quê vắng tanh vắng ngắt miền Nam Mỹ hay châu Phi, nơi phố xá mọc đầy những cây dứa tàu cường tráng, phong cảnh những thác nước danh tiếng và những trái núi chọc trời nằm trên quầy, bên những tấm bản đồ cũ in ở Anh. Những tấm bản đồ ấy được khắc một cách rất tinh vi, sạch sẽ, và trên một tờ cũng ở ngoài lề - có in hình vẽ những con tàu biển lừng danh của nước Anh như tàu "Bigơn" và "Bêlêrôfontơ".

Trong đống bản đồ, tôi nhìn thấy bản thảo địa đồ quãng giữa dòng sông Cônggô đã phai màu của một thiếu úy vô danh người Pháp. Ông là người Âu đầu tiên đã lọt vào trong những xứ sở còn trinh trắng ấy.

Trên bản địa đồ có ghi dấu thập đỏ tất cả những nơi viên thiếu úy bị lên cơn sốt vàng da khắc nghiệt.

Bản địa đồ chưa hoàn thành. Nơi nó đứt quãng ở một khuỷu sông xa vắng người ta đã vẽ một chữ thập lớn và ghi bằng nét chữ ngoằng ngoèo rằng ở đây thiếu úy đã qua đời và thi hài ông đã được "trả lại cho đất".

Người bán sách cũ của tôi đặc biệt có nhiều sách về các thuộc địa

Pháp miền xích đạo: Mađagaxca, Nuven Calêđôni, quần đảo Tahiti và Rêuyniông, Guyan thuộc Pháp, những vùng đất Cônggô độc địa và hăng xè. Trong số ấy có vài cuốn sách ảnh thượng hảo hạng. Từ những trang giấy phấn và những minh họa màu còn bốc lên cái oi ả nhiệt đới. Thậm chí tưởng như còn thấy cả hương của những quả lạ làm ta buồn ngủ. Những cặp mắt đuôi lươn của các cô gái đảo hình như bị phủ một màn sương vì những luồng không khí xanh lơ chảy trôi trên những đại dương, liên tục thay đổi đậm độ và phương hướng.

Đó là cái ngoại mỹ (30) thập toàn, trong hình thức trinh bạch chưa bị sự nhuốc nhơ thuộc địa làm cho u tối, của nó. Nói cho đúng, đó là thế giới của trí tưởng tượng còn trẻ. Những viên thiếu úy Pháp dũng cảm chết vì khí hậu độc địa của nhiệt đới trong những vùng rừng rậm châu Phi không ngờ rằng họ đang đặt một con đường rộng rãi thọc vào trái tim của lục địa Đen cho sự cưỡng bức, lợi nhuận, bệnh hoa liễu, rượu trắng, sự tàn phá đất đai và sự khinh thị tột cùng đối với những điều sơ đẳng của nhân tính.

(30) Exotisme, cái lạ, ngoại lai, tiếng Pháp.

Cho đến nay sông Nige vẫn đang kéo lê dòng chảy nặng nề của nó trong chiều hôm vắng lặng và mặt trời vẫn lặn trên những sa mạc ca hát Xahara.

Cái lặng lẽ của sa mạc và cái trong sáng gần như kỳ lạ của không khí đã cướp đi mất nhiều người lính của nước Cộng hòa Pháp. Hầu như tháng nào cũng vậy, những người lính và những viên sĩ quan rời lô cốt và pháo đài đóng dọc biên giới sa mạc đi vào Xahara và không phải là ít những lần họ không trở lại. Họ đã mắc một bệnh, không tài nào chữa khỏi, bệnh "sa mạc". Đó là bệnh choáng tinh thần, khi cái vắng lặng của sa mạc tác động vào hệ thần kinh con người với sức mạnh ma túy. Con người cứ đi xa mãi, xa mãi vào sa mạc như bị mê đi và ít lâu sau họ hoặc phát điên, hoặc chết.

Rồi tôi lật giở hồi lâu cuốn sách nói về những con tàu biển chạy buồm. Trong cuốn sách có in rất nhiều ảnh những sà lúp chạy buồm, những baccăngtin(31), những tàu buồm, những thuyền nhẹ hai buồm, những tàu buồm lớn. Những con tàu được chụp lúc chúng đang chạy với những cánh buồm căng phồng trắng như tuyết và chúng giống như là những bóng hình của thế giới ngây thơ con trẻ.

(31) Một loại thuyền.

Sách ở Pháp rất đắt. Vì thế tôi giở qua cuốn sách nói về các con tàu và đặt nó vào chỗ cũ. Tôi không đủ tiền mua cuốn sách đó.

Tôi cũng không thể mua cuốn sách ảnh khá cũ in những con tàu biển chạy hơi nước. Trong cuốn sách có dán những bức ảnh màu vàng như nước cà phê loãng những chàng khổng lồ đầu tiên vượt đại dương "Titanich" "Lêviafan" "Ilơ đơ Frăngxơ".

Cách đây không lâu tôi có đọc trong tờ "Uymanitê"(32) - tôi viết bút ký này tháng ba năm 1959 - tin con tàu danh tiếng "Ilơ đơ Frăngxơ" đã bị bán sang Nhật làm sắt vụn.

(32) Báo Nhân Đạo, cơ quan Đảng Cộng sản Pháp.s

Khi con tàu ra đi chuyến cuối cùng sang Nagaxaki, cả Lơ Havrơ đã ra cảng tiễn người cựu binh của biển cả "Ilơ đơ Frăngxơ" đi ra đại dương trong tiếng còi tiễn biệt của tất cả tàu bè. Hàng chục tàu dắt và hàng trăm thuyền đã tiễn nó ra tới tận hải đăng nổi. Trên những tờ báo Pari xuất hiện những đầu đề báo tang "Ilơ đơ Frăngxơ" đi đến chỗ nó sẽ chết. Những thủy thủ già khóc lóc. Khoảng năm mươi năm về trước con tàu ấy đã là niềm tự hào của nước Pháp và được người ta coi là điều kỳ diệu trong nghề đóng tàu.

Tôi sợ nỗi bực dọc vì không thể mua được sách sẽ làm hỏng cả những ngày ngắn ngủi của tôi ở Pari. Vì thế tôi quyết định thôi không dừng lại bên những hàng bán sách cũ nữa. Nhưng điều đó thực quá sức của tôi.

Tôi ngắm nghía hồi lâu những phiên bản tuyệt đẹp những bức tranh của Utrillô, Đêran, Matitxơ, Mackê, ngắm nghía những cuốn sách cũ với những hình in nổi trang kim rất tinh tế trên bìa và những bản thảo khô xác.

Những ông già vô cùng lễ phép với dáng dấp của những nhà hàn lâm với những bộ râu ngắn lục lọi trong những chồng bản thảo.

Không ở một quầy bán sách cũ nào trên những phố bờ sông Xen tôi gặp những tờ tạp chí đỏng đảnh như thể đang nháy gọi đàn ông

- những tạp chí mang một biệt hiệu chung là "nuy". Ở Pari, người ta xuất bản khá nhiều tạp chí loại ấy. Đó là những tờ báo "đàn bà cởi truồng". Những tờ báo đó in hàng trăm ảnh con gái nửa truồng hoặc trần như nhộng với một nụ cười khêu gợi chết lặng trên môi.

Không, những người bán sách cũ ở những phố bờ sông Xen rõ ràng không buôn những tạp chí loại ấy. Những truyền thống của Anatôn Frăngxơ vẫn còn được bảo tồn ở đây. Hầu hết những người bán sách cũ còn nhớ ông già cao, lễ độ, với đôi mắt tươi cười - ông Frăngxơ, con của cụ bán sách Tibô. Phải, đó là một con người biết cách rút ra từ những cuốn sách khổ đôi cũ kỹ những kho báu văn học chân chính.

Tôi được Pie Gamara, một nhà văn và đồng thời là một nhà thơ, một con người rất duyên dáng, một đảng viên cộng sản, dẫn đi làm quen với những người bán sách cũ. Pie Gamara là người Tuludơ. Anh nhút nhát như một cậu học trò, dịu dàng đến cảm động, nhưng rất nghiêm khắc trong cách đánh giá văn học.

Sau khi đi thăm những người bán sách cũ, anh đưa tôi đi xem tòa nhà của thư viện Madarini. Dây trường xuân mọc trên tòa nhà dày đặc đến nỗi tưởng ngôi nhà cổ kính ấy khoác trên vai một chiếc áo choàng lông màu lục.

Rồi trong một phố hẹp, anh chỉ cho tôi ngôi nhà Picátxô ở - một ngôi nhà nghèo nàn và rất chật hẹp - nơi chắc hẳn ngoài Picátxô trước kia chỉ có toàn sinh viên.

Trước khi chúng tôi rời Pari, Gamara còn đến khách sạn thăm chúng tôi và chúng tôi tặng anh, ngoài sách ra, một hộp lớn trứng cá và bối rối vì chuyện đó. Gamara nói rằng cho đến hôm ấy anh ta mới chỉ nghe nói đến thứ trứng cá Nga danh tiếng, nhưng riêng có vợ anh là đã một lần trông thấy và mấy lần kể cho anh và các con trai anh nghe về nó.

Anh cười, và nhìn anh, nhìn khuôn mặt gầy gò và đáng yêu của anh, bộ quần áo cũ kỹ nhưng sạch sẽ của anh, tôi hiểu rằng ở nước Pháp con đường của nhà văn đi đến chỗ được mọi người thừa nhận cũng khó khăn chẳng kém gì ở tất cả các nước khác, tất nhiên trừ nước ta. Có thể nói ở nước ta con đường đó thậm chí còn quá dễ dàng và đơn giản.

Tôi không hề có ý định truyền đạt lại trong những ghi chép nông cạn này diện mạo của Pari. Tôi chỉ đến Pari trong chốc lát. Điều cốt yếu nhất mà tôi mang theo từ cái thành phố kỳ diệu ấy là tình yêu nó và lòng ham muốn tìm hiểu nó nhiều thêm mãi.

Muốn làm được việc đó cần có nhiều thời giờ, mà thời giờ thì lúc nào cũng vẫn thiếu. Bao giờ cũng vậy, đúng vào cái lúc ta đang gặp những địa điểm, những con người và những hiện tượng thú vị nhất, thì thời gian lại không thừa cho ta chút nào.

Để có thể hiểu biết Pari, cũng giống như để hiểu biết toàn thế giới, con người cần có tâm hồn thanh thản, trí óc minh mẫn, thiện chí đối với các dân tộc khác và tất nhiên không được có tính khoe khoang và tự phụ.

Cần phải có một trái tim không trĩu nặng vì nghi ngờ và sợ hãi và một lý trí không biết thiên vị, hoài nghi. Những người ưa đi tìm những cớ để bất bình không bao giờ có thể biết được chân lý giản đơn là cuộc sống rút cục bao giờ cũng đẹp.

Tôi ở Pari ít ngày đến nỗi tôi không có quyền nói về Pari nhiều hơn những gì tôi đã nói ở đây. Nhưng tôi đã để lại ở đây một mảnh tim. Điều này, trong chừng mực nào đó, có thể biện hộ cho những ghi chép ngắn ngủi của tôi.

Pari tồn tại như một cái gì đó trọn vẹn, vô cùng rộng lớn, đẫm ánh mặt trời mờ khói, lấp lánh ánh bóng nhẫy của những cửa kính, mặt kính quầy hàng, vòm lá, màu xanh thăm thẳm đến chóng mặt của bầu trời và cây cỏ ở những công viên, nơi lúc nào cũng thoang thoảng hương xuân - cái mùa xuân lúc đầu thực sự là mùa xuân, và rồi cái mùa xuân rỉ ra cùng hương hoa tím từ các nhà ươm cây, các quán hoa và các quán càphê.

Người ta nói rằng có thể thấy hương xuân ở Pari ngay trong cả những ngày đông ẩm ướt.

Tôi đến Vecxây trong một ngày tháng chín vỡ rạn lép bép vì những chiếc lá khô. Một làn khói hồng nhạt, hơi pha màu vàng kim đã xuống nước, bay lên trên những vòm cây và soi bóng trong nước lặng của những bể xây.

Ở đâu đó sau lưng, sóng Pari vỗ, lúc rộ lên, lúc lặng dần. Nó ru ngủ những khách đến thăm thưa thớt của những công viên Vecxây. Họ thiu thiu ngủ trên những chiếc ghế dài mảnh dẻ bằng gỗ, mặt hướng ra phía mặt trời mờ mờ sương phủ.

Nói chung Vecxây bị bỏ mặc và khá hiu quạnh. Mọi vật đều phủ một màn mỏng của tuổi già. Những tấm kính hơi đục, nước vàng mạ đã xỉn trên các khung cửa, những sàn gỗ ghép hình tuyệt đẹp nhưng đã mất hết vẻ bóng bẩy, bụi mỏng bám trên các pho tượng, bàn ghế và những tấm kính đủ các màu cầu vồng, sự bất động của bầu không khí trong các phòng - một bầu không khí cũ kỹ, khô khan, phảng phất mùi sơn, làn nước như khoác trên mình một mạng nhện mỏng tang trong các bể - tất cả những cái đó chứng tỏ rằng chính phủ Pháp không đủ tiền để gìn giữ chu đáo những đồng thể hùng vĩ, duy nhất trên thế giới ấy của những ngai vàng và các phòng khiêu vũ, những phòng khách lụa là, những hành lang gương, những khu vườn, những hiên ngoài, những gác chuông nhà thờ tao nhã và những cầu thang cẩm thạch.

Ngay cả trên chiếc bàn nổi tiếng, nơi sau đại chiến thế giới lần thứ nhất hòa ước Vecxây được ký kết cũng có bụi. Dưới lớp bụi những hình khảm lộ ra mờ nhạt.

Cứ nhìn cái bàn đó là ta bắt đầu hiểu chuyến bay phản lực của thời gian trong những năm gần đây.

Thời gian, trong những thời đại khác nhau, chuyển động với những tốc độ khác nhau. Dù sao thì trong bốn mươi năm trở lại đây sự chuyển động của thời gian đã trở nên chớp nhoáng. Mỗi năm bằng cả một thế kỷ của cuộc sống hòa bình mộc mạc mới đây. Thời gian bay vùn vụt đến nỗi tri thức của chúng ta không sao theo kịp nó.

Chính phủ không có tiền để gìn giữ Vecxây. Một phần lớn kinh phí cho Vecxây là do những cá nhân gánh vác. Có một hội bảo vệ Vecxây. Hội đó có ít tiền. Hội tổ chức những cuộc hòa nhạc và những buổi diễn kịch trong những tháng mùa hè, dùng những gian phòng và những hành lang lộng lẫy của Vecxây làm cảnh trí.

Trong những tối diễn kịch ấy Vecxây như sống lại trong cảnh hào nhoáng trước kia và sáng lên hàng nghìn ngọn điện.

Toàn bộ tiền thu được nhờ những tối kịch như thế được chi dùng vào việc bảo quản và tu sửa Vecxây. Trong công việc đó những họa sĩ, những nhà điêu khắc, những người thợ mạ vàng, những người thợ khắc đá, những người đóng đồ gỗ và những người thuộc các nghề khác có liên quan đến việc gìn giữ Vecxây, đã góp vào rất nhiều lao động không lương.

Tất cả những người đó là những nhà ái quốc bình dị. Không có họ thì Vecxây dần trở thành một phế tích.

Cảnh lặng lẽ của những nơi danh tiếng đối với toàn thể nhân loại như Vecxây, tác động đến ta với một sức mạnh không tài nào tả xiết. Trước hết nó gợi lên trong ta ý nghĩ về "giấc mộng hoàn lương", như người ta thường nói ngày xưa.

Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, nhưng những tòa nhà bao giờ cũng sống lâu hơn. Chỉ những bậc thang là mòn đi rõ rệt hơn cả bởi những bước chân người. Ở Vecxây, ý nghĩ về những sự kiện và những con người vang bóng một thời theo sát gót ta như những bóng ma.

Cái tịch mịch sâu thẳm đọng lại như làn nước tối mờ trong những bể rộng lớn, cây cối lẩn bóng trong sương mù. Những chiếc lá khô rơi. Nhưng không còn ai là người trầm ngâm suy nghĩ về sự rơi của những chiếc lá ấy như những triết gia ngây thơ của thế kỷ mười tám.

Chủ nhân duy nhất của những khu vườn đó (nói đúng hơn, trong những ngày thường) là cái yên lặng. Có thể nghe nó mãi mãi. Tiếng ồn xa xa của Pari, giống như tiếng rì rầm đều đều của một thác nước khổng lồ, làm cho yên lặng nổi bật hẳn lên.

Tôi đến Vecxây vào buổi sáng. Thế mà buổi tối tôi đã đọc một mẩu tin trong một tờ nhật báo Pari về việc ở khu phụ cận những công viên Vecxây người ta tìm thấy xác một người lái xe thất nghiệp và đứa con trai ông ta, một thằng bé chừng lên tám. Người cha, tuyệt vọng vì cùng đường sinh sống, đã bắn chết con trai và tự bắn mình, trong "một phút điên cuồng", như tờ báo viết. Tin đó được đăng dưới đầu đề: "Tấn thảm kịch ghê gớm ở Vecxây".

Cái yên lặng của những khu vườn đó đã giấu đi nỗi đau khổ cay nghiệt của con người, đã giấu đi lời cầu xin lòng thương của thằng bé. Không ai trong những người đương thời nghe thấy lời cầu xin ấy. Những nhà nhân đạo chủ nghĩa vĩ đại của nước Pháp đã mất từ lâu; cả Huygô, cả Dôla, cả Rômanh Rôlăng. Họ chỉ còn để lại những nấm mồ với những đóa hoa khô xác.

- Đời là thế đấy! - Người Pháp thích nói như vậy.

Nhưng dẫu sao thì Vecxây cũng vẫn cứ tuyệt đẹp. Nó ngự trị trên trái tim người và giữ trong bóng mát những khu vườn của nó mùi ẩm ướt của rễ và chồi cây: hương của bất tử. Ở Pari ta không thấy đâu hương ấy.

Một hôm có hai người đàn bà thanh lịch đến khách sạn của chúng tôi ở Môngmác.

Họ đề nghị mời hai nhà văn Xôviết: Granin và tôi xuống cái hall nhỏ bé, nơi tay Hà Lan mồ hôi đầm đìa đang đánh nốt ván bài với người đàn bà mộ đạo làm nghề quét dọn. Lập tức Pơti Pie phóng ngay lên gọi chúng tôi bằng cái thang máy nhiều cạnh của cậu ta.

Pơti Pie lên phòng chúng tôi trên tầng thứ tư, cái tầng gác với hành lang tối và nức mùi cỏ oải hương bụi bặm, như từ thiên đường vào địa ngục và rạng rỡ hẳn lên vì những chiếc khuy vàng và hai hàm răng trắng bóng, giống như vị thần ái tình nhỏ bé trong những bức tranh hồng của Guy đô Rêni.

Nhìn chúng tôi một cách đắc thắng, cậu ta thông báo về một hạnh phúc thần tiên đã rơi xuống đầu chúng tôi ở Pari: hai thiếu phụ Nga đẹp như Djina Lôlôbrigiđa(33) muốn gặp chúng tôi và họ đang đợi ở dưới.

(33) Nữ tài tử điện ảnh rất nổi tiếng người Ý (hiện đại).

Căn cứ vào giọng nói trong một số câu của Pơti Pie, chúng tôi hiểu rằng cậu ta không coi chúng tôi là xứng đáng được làm quen với hai thiếu phụ kia và hẳn cậu ta băn khoăn vì bề rộng của những ống quần Xôviết. Nhưng sau khi nhìn quần chúng tôi, cậu ta yên tâm và thậm chí còn ca một đoạn trong một bài hát nào đó.

Cần phải nói rằng bề rộng của những ống quần Xôviết được tất cả các báo phương Tây, từ Xtămbun cho đến Xtôkhôn, bàn cãi một cách sôi nổi và kiên trì.

Chúng tôi xuống hall bằng thang thường (thang máy hẳn bị lây sự xúc động của Pơti Pie nên đã lập tức mắc ngẵng ở tầng bốn). Pơti Pie đi trước chúng tôi như một quan chức lễ tân. Ở tầng ba cậu ta gạt nụ cười khỏi khuôn mặt. Ở tầng hai bộ mặt cậu trở nên tự cao tự đại như mặt của một tay gác cổng đường bệ nhất Pari ở khách sạn "Ritxơ".

Hai thiếu phụ Nga đứng lên đón chúng tôi. Cả hai người là hiện thân của một sự bối rối kiều diễm. Họ là hai người lưu vong, chị em con chú con bác, bị mang đi khỏi Tômxkơ lúc mới lên ba. Cả hai đã được cấp hộ chiếu Liên Xô từ lâu và làm việc tại một nhà xuất bản Pari chuyên ấn hành sách nghệ thuật.

Qua báo chí, họ biết tin các nhà văn Liên Xô đến Pari và họ tới xin chữ ký vào những cuốn sách của chúng tôi.

Cả hai, nhất là người chị, bà Liđia Nicôlaépna Đêlektôrakaia, nói tiếng Nga rất hay. Tiếng Nga họ nói trong sáng, như hát và điều đó lúc đầu làm chúng tôi hơi ngượng. Chúng tôi đã mất thói quen với cái tiếng nói như thế. Chúng tôi cảm thấy nó du dương quá. Chúng tôi không biết cách nói như vậy.

Ngay ngày hôm đó, Liđia Nicôlaépna trở thành người giúp việc cho anh ghit(34) của chúng tôi. Bà biết Pari rất rành và chúng tôi đi đâu hai bà cũng đi cùng.

(34) Guide: Hướng dẫn viên các đoàn du lịch (tiếng Pháp).

Tay ghit chính thức của chúng tôi - một sinh viên đại học Xoócbon, một thanh niên Nga trong một gia đình lưu vong - có thể nói là vô cùng khoái trá được sự giúp đỡ của bà Liđia Nicôlaépna.

Hiền lành và dễ mến, anh chàng thanh niên ấy thực lười biếng vô song. Anh ta mặc áo không khuy và đi dép rách. Những nữ du khách giàu lòng thương người của chúng tôi vừa đi ô tô buýt vừa mạng lại những chỗ rách ở khuỷu tay áo vét tông và đơm khuy cho nó.

Vì cái tật lười đặc biệt ấy anh ghit - sinh viên (tên anh là Xêriôgia) coi việc im lặng và không giải thích gì hết đối với những du khách hay quấy rầy là tốt hơn cả.

Người ta thường hỏi anh, thí dụ như: "Tượng người đàn bà trẻ tuổi cầm kiếm ở trên quảng trường kia là tượng ai vậy? Và anh ta liền điềm nhiên trả lời: "Làm sao mà tôi biết được kia chứ? Người Pháp mắc cái thói kỳ quặc là dựng tượng bất cứ ai và bất cứ nơi nào".

Nếu có ai đưa ra một giả định rụt rè rằng căn cứ vào mọi dấu hiệu thì đó là tượng của Gian đ'A (35) thì anh chàng ghit của chúng tôi đồng ý ngay lập tức và nói rằng giả định đó rất có thể là đúng.

(35) Jeannea d'Are: Nữ anh hùng dân tộc Pháp.

Thời gian ở Pari về sau của chúng tôi liên quan khăng khít với Liđia Nicôlaépna, với nụ cười ý tứ nhưng cởi mở của bà, với những bước đi nhanh kiều diễm của bà, với sự chăm sóc thường xuyên của bà và sự ham thích có thể nói là mê say trong việc tặng chúng tôi đủ mọi thứ đồ vật nhỏ nhắn và xinh đẹp nổi tiếng của riêng Pari: từ những chiếc bút chì sặc sỡ đến những phiên bản hội họa thượng hạng, từ những cuốn sổ tay tí xíu đến một hộp phấn màu cho các con chúng tôi.

Chúng tôi cùng với bà tới Vecxây và vườn Tuylơri nơi bóng mát của những cây tiêu huyền mộc già xông lên mùi đinh hương và cỏ úa. Chúng tôi cùng với bà thăm nghĩa trang Perơ-Lasez và điện Păngtêông mờ tối.

Cùng với bà chúng tôi uống thứ cà phê đặc nhất trong những quán cà phê nhỏ bé của thợ thuyền. Cùng với bà, chúng tôi đứng bên Khải hoàn môn, nơi ngọn lửa xanh từ dưới đất phụt lên bên trên thi hài người lính vô danh (bao giờ tôi cũng có cảm giác rằng người lính đó là bạn chiến đấu của Hăngri Bacbuyxơ (36) trong cuốn "Lửa" của ông).

(36) Henri Barbusse (1875- 1933), văn hòa Pháp.

Cùng với bà, chúng tôi hưởng hơi lạnh nhẹ nhàng dưới mặt đất trên mộ đá của Napôlêông đẽo bằng vân ban thạch carêli trong Cung Thương binh.

Cùng với bà, chúng tôi can ba đứa bé đánh nhau trong một công viên gần Sapen. Những bộ mặt xây xát của chúng bừng bừng cơn giận của cuộc đánh nhau chí tử. Như những người Pháp và những chàng kỵ sĩ chân chính của thời đại Rôngxa(37) chúng kiểu cách nói với Liđia Nicôlaépna: "Vâng, thưa mađam!". "Xin mađam tha lỗi" và giải tán ngay về mọi ngả nhưng vẫn còn giơ nắm đấm dọa nhau một lần cuối.

(37) Ronsard (1524- 1585), nhà thơ trữ tình Pháp.

Ở Pari thiếu gara. Xe hơi sống ngay ngoài phố.

Cảnh tượng hàng nghìn vạn xe hơi nằm ngủ ngoài đường, không chỗ trú, không hiểu sao cứ gợi lên một nỗi lo âu thầm kín, như thể ngay giờ đây, đang đêm, có thể nổ ra chiến tranh hay một cuộc tấn công của phi cơ, và những chiếc xe đang chuẩn bị chạy trốn. Nhưng chạy cũng vô ích. Không còn chỗ nào mà chạy nữa. Bom nguyên tử đã nén trái đất lại chỉ còn bằng quả táo.

Ở phố Rivôli, cùng với bà, chúng tôi ngắm viên cảnh sát có tuổi, đầu hoa râm - người điều khiển xe cộ ngoài phố. Viên cảnh sát đứng ở ngã tư. Những dòng xe - những con sông chớp sơn bóng - lao vùn vụt cách ông ta độ năm phân, nhưng ông ta vẫn ngủ đứng một cách bình thản, cái đầu mệt mỏi đội mũ kêpi xanh gục xuống ngực.

Chúng tôi cùng ngồi với bà trên bờ sông Xen và nhìn Pari mặc quần áo ấm trong buổi tối sắp xuống. Chiếc tàu dắt luôn luôn rúc còi kéo ngang chúng tôi những xà lan vàng tươi như bầu trời hoàng hôn.

Một em bé gái với riềm tóc nâu trước trán mời chúng tôi mua những bông hoa gần tàn ấm hơi tay nó. Chúng tôi mua và tặng lại Liđia Nicôlaépna. Bà quay mặt đi và một giọt nước mắt nhỏ bé lăn trên chiếc ví da láng của bà.

Bà im lặng. Nước sông Xen thoang thoảng mùi tươi mát của lá liễu, như trên sông Ôka. Và rồi khi chúng tôi đi trong bóng tối rậm rạp của chiều hôm trên đường bờ sông, Liđia Nicôlaépna cũng im lặng, và những bông hoa nghèo khổ - hoa của những khu ngoại ô bần hàn và những sân sau - run lên trong tay bà.

Tối hôm đó chúng tôi rời Pari. Một người trong bọn chúng tôi nói một cách bâng quơ rằng, chúng tôi đã được thấy nhiều điều ở nước Pháp, nhưng thế là cuối cùng chúng tôi vẫn chưa kịp xem một người Pháp bình thường sống như thế nào.

- Tôi sống cũng đại loại như họ. - Bà Liđia Nicôlaépna nói sau một lát im lặng và mời chúng tôi đến chơi nhà. - Chỉ có một điểm là khác.

Chúng tôi thuê tăcxi và phóng trên những đại lộ qua nhà thờ

Mađơlen với những hàng cột quen thuộc qua tranh vẽ, qua tòa nhà

Grăng Opêra(38) giống như một cái bánh gatô với những sừng cuốn bằng kem đã rắn lại thành đá, qua những cầu trong ánh hào quang của những ngọn đèn chạy qua chạy lại và lúc nào cũng bị chậm, qua lề đường công viên Luychxămbua thở hơi mát lạnh của những vòm lá ồn ào vào trong cửa chiếc xe đã bị hun quá nóng, để rồi cuối cùng đỗ lại trước một ngôi nhà bình thường của Pari với chiếc cầu thang hẹp và một thiếu phụ trẻ gác cửa. Cô ta lập tức xoáy chặt đôi mắt sắc sảo vào chúng tôi.

(38) Đại ca kịch viện.

Trong căn nhà ở, các phòng được sắp đặt trên những mức cao khác nhau. Chúng tôi bước vào và thấy mọi cửa sổ đều để ngỏ, mặc dầu trong nhà không có ai, ngoài một con mèo đen. Thì ra những cửa sổ cứ để ngỏ như thế suốt mùa hè.

Những cơn gió ấm lang thang trong các phòng.

Liđia Nicôlaépna bật công tắc đánh tách. Chùm đèn rực sáng và tôi bất giác kêu lên: tường phòng treo kín những bức tranh tuyệt đẹp, nét vẽ mạnh dạn và trong sáng như nét vẽ của một họa sĩ bậc thầy, mặc dầu chúng tôi chưa biết đó là ai.

Trong số tranh có mấy bức chân dung Liđia Nicôlaépna với chữ đề bằng tiếng Pháp "Liđia".

- Gì thế này? - Một người trong bọn chúng tôi hỏi: - Cái gì đây vậy?

Liđia Nicôlaépna lẳng lặng đặt cốc uống lên bàn chung quanh một chai vang sẫm màu. Căn cứ vào tiếng cốc vô tình lanh canh khẽ va chạm nhau, ta có thể đoán được rằng Liđia Nicôlaépna cảm động và bà không trả lời là để khỏi lộ nỗi xúc động.

Tôi lại gần những bức tranh và thấy trên mỗi bức, ở góc phải, một chữ ký nguệch ngoạc bằng sơn đen: "Matitxơ".(39)

(39) Heari Matisse (1869- 1954), danh họa Pháp.

- Chả là trong khoảng thời gian hơn hai mươi năm, - bà Liđia Nicôlaépna cuối cùng hết sức cố gắng mới nói được với chúng tôi, - tôi là người rất gần gụi với Matitxơ, tôi làm nữ thư ký cho ông và là người giúp việc ông. Matitxơ đã qua đời trên tay tôi. Những bức tranh này là của Matitxơ tặng tôi. Một phần tranh tôi đã gửi biếu viện bảo tàng Ermitagiơ (40). Số còn lại sau khi tôi chết đi sẽ trở thành tài sản quốc gia. Tôi không thể kể lại rằng Matitxơ đã là người như thế nào. Thậm chí tôi cũng chẳng dám nghĩ đến chuyện ấy. Tốt hơn hết là chúng ta hãy cạn chỗ rượu vang này để chia tay nhau.

(40) Viện bào tàng nghệ thuật ở Lêningrát.

Tôi không thể nào rời mắt khỏi những bức tranh trên tường. Tôi cảm thấy sự có mặt của những bức tranh Matitxơ trên tường và sự có mặt

của tôi giữa đám tranh ấy như một thứ ngày hội mới có, vừa bắt đầu. Thời gian biểu của ngày hội ta chưa biết và những truyền thống của nó ta chưa quen, nhưng đó là một ngày hội thực sự của phát hiện một thế giới hội họa mới.

Trong những năm cuối cùng của đời ông, Matitxơ đã dựng lại biệt thự của mình trê n bờ biển Riviera(41) một căn phòng với những bức tường bằng thép mắt cáo và nuôi trong đó rất nhiều chim chóc miền nhiệt đới với những bộ lông sáng rực những màu kỳ diệu.

(41) Tên đặt chung cho bờ biển ở vịnh Gênes, giữa Nice và La Spezzia.

Ông ngắm nghía những bộ lông của chúng trong một thời gian dài để học ở thiên nhiên khả năng tô màu tuyệt diệu của nó.

Trong hành động của nhà họa sĩ bậc thầy cao tuổi ấy có cái sáng suốt giản đơn, liên kết với kinh nghiệm và khả năng làm việc kiên trì, nó báo cho con người biết những tính chất không thể nào chối cãi được của thiên tài.

Matitxơ là một con người dũng cảm. Ông không rời bút vẽ ngay cả trong những năm nặng nề nhất trước khi qua đời, khi ông đã bị cột chặt vào giường sau những lần mổ và nghẹn thở vì bệnh suyễn.

Tôi muốn hỏi Liđia Nicôlaépna nhiều về Matitxơ. Nhưng cũng như các bạn đồng hành của tôi, tôi không dám làm chuyện đó. Chúng tôi im lặng.

Những cành cây rì rào trong yên lặng: cửa sổ trong nhà trông thẳng ra vườn. Bóng một bông hoa nhỏ bé trên cao chiếu xuống mặt Liđia Nicôlaépna. Trong cả dáng đầu nghiêng nghiêng của bà, ta cảm thấy nỗi cô đơn.

Tôi nhìn quanh. Ngoài những bức tranh, chung quanh còn có nhiều vật tuyệt đẹp. Những bông hoa cắt về đang sống nốt những giờ cuối cùng trong nước ấm trong phòng. Đâu đâu cũng thấy những cuốn sách in hảo hạng.

Một lần nữa tôi lại nghĩ đến nỗi cô đơn lớn lao và không thể cứu vãn được của người đàn bà này. Matitxơ chết rồi. Tổ quốc đã mất từ lâu.

Chúng tôi bước ra. Cần phải hối hả ra ga. Trời tối và những vòm lá tiêu huyền mộc làm cho đại lộ Pooctơ-Roayan trở nên hơi tối.

Cho tới ga Xanh Lada. Liđia Nicôlaépna im lặng. Và cả ở ngoài ga bà cũng lặng thinh. Thỉnh thoảng bà vụng trộm nhìn một người nào đó trong bọn chúng tôi. Tôi có cảm giác như trong cái nhìn ấy có một lời cầu xin khó hiểu và một nỗi buồn.

Bà lặng lẽ cầu xin gì ở chúng tôi lần cuối? Bà xin chúng tôi tình thương, bà xin chúng tôi hãy coi bà như một người Nga, một người thân yêu, một người của "ta", mặc dầu những năm lưu vong bắt buộc.

Cảnh nhộn nhạo ngoài ga và bước nhảy lật đật của những kim đồng hồ trên ke không cho phép bà tập trung tư tưởng và nói lên điều gì đó quan trọng nhất.

Tàu chuyển bánh. Liđia Nicôlaépna đi ngay bên cạnh toa, tay trái giơ ra, bám chặt những ngón tay vào thành toa bụi bặm, như sợ phải chia ly với nó, không để ý gì đến chuyện kiểm soát viên và một người nào đó đội mũ kêpi vàng đang gọi to bảo bà lùi xa ra khỏi con tàu.

Rồi bà bất thần đứng lại và đưa vật duy nhất có trong tay bà lúc ấy chiếc ví da láng lên che mắt.

Suốt đêm con tàu hồng hộc kêu một cách man rợ và điên cuồng lao về phía đại dương, như thể ở đó nó để quên mất vật gì vô cùng quý báu.

Ở Lơ Havrơ, mưa đều hạt ồn ào chảy từ những mái nhà dốc đứng. Trong những vũng tàu đỗ, ngả nghiêng trước sóng đại dương những vết dầu máy lúc thu hẹp lại, lúc loang ra.

Chúng tôi đi qua phòng hải quan đầy ánh sáng, giống như một nhà chứa máy bay, lên những boong tàu trống rỗng và ướt át.

Đang đêm, tôi trèo lên boong. Tôi không ngủ được. Qua tiếng rì rào khe khẽ của biển Măngsơ tôi nghe thấy tiếng chuông reo trên những phù tiêu và những vầng sáng yếu ớt. Đó là những ngọn hải đăng mất ngủ trên bờ biển Pháp đang chiếu sáng.

Và, cũng như trước cuộc gặp gỡ với Pari, và giờ đây vì sự chia tay với thành phố ấy, tim tôi lại bắt đầu đập một cách nặng nhọc.

Ianta, tháng tư 1959

KIM ÂN dịch


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#hyin