CUỘC PHIÊU LƯU CỦA BỌ SỪNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Khi bác Piốt Têrenchiép từ giã xóm làng lên đường ra trận, cậu xíu của bác là Xtêpa nghĩ mãi mà không biết lúc chia tay nên tặng bố cái gì. Rốt cuộc Xtêpa tặng bố chú bọ sừng già. Xtêpa bắt được bọ sừng ở ngoài vườn và bỏ chú ta vào bao diêm. Bọ sừng nổi giận, đập thình thình, đòi phải thả chú ta ra. Nhưng Xtêpa không thả mà lại nhét vào trong hộp vài sợi cỏ để bọ sừng khỏi chết đói. Bọ sừng gặm cỏ nhưng vẫn cứ đập thình thình và văng tục.

Xtêpa khoét một cửa sổ tí teo ở bao diêm cho không khí mát lọt vào. Bọ sừng liền thò cái chân lông lá ra ngoài cửa sổ và cố tóm lấy ngón tay của Xtêpa. Hẳn chú muốn cào Xtêpa một trận cho hả giận. Nhưng Xtêpa không đưa ngón tay cho bọ sừng. Tức thì bọ sừng nổi đóa và kêu vù vù. Chú làm ầm ĩ đến nỗi mẹ của Xtêpa là bà Akulina phải kêu lên:

- Thả ngay cái của quỷ ấy ra cho tao. Suốt ngày cứ vù vù vù vù đến vỡ đầu với nó mất.

Trông thấy món quà của con trai, bác Piốt mỉm cười, lấy bàn tay xù xì xoa đầu cậu bé và cất bao diêm đựng bọ sừng vào túi dết đựng mặt nạ phòng độc.

- Bố đừng đánh mất nó đấy, bố nhé! Phải giữ nó cho cẩn thận Xtêpa nói.

- Quà quý thế này đánh mất sao đang. - Bác Piốt trả lời - Bố sẽ kiếm cách giữ gìn chu đáo.

Không biết tại bọ sừng ta ưa cái hơi cao su hay tại người bác Piốt toàn mùi áo choàng dạ và mùi bánh mì đen dễ chịu nên chú ta làm lành và cứ thế chú cùng với bác Piốt ra tới tận mặt trận.

Ở ngoài tiền tuyến bọ sừng làm anh em chiến sĩ ngạc nhiên, họ sờ mó cái sừng rắn chắc của chú, nghe bác Piốt kể chuyện món quà của con trai và nói:

- Thằng bé nghĩ mới sâu làm sao! Anh chàng bọ sừng này ra phết con nhà lính. Rõ ra dáng một hạ sĩ chứ chẳng bọ sừng một tẹo nào.

Các anh chiến sĩ băn khoăn: không biết bọ sừng có sống được lâu không, vấn đề thực phẩm đối với chú ra sao, bác Piốt cho chú ăn gì, uống gì. Không có nước thì dù có là bọ sừng chú cũng chẳng sống nổi.

Bác Piốt bối rối mỉm cười rồi trả lời là chỉ cần cho bọ sừng một bông hoa nhỏ thôi, chú cũng đã đủ ăn một tuần lễ. Chú không cần nhiều.

Một đêm bác Piốt mơ mơ màng màng ngủ trong chiến hào, để rơi mất bao diêm đựng chú bọ sừng ra ngoài túi dết. Bọ sừng ta cựa quậy hồi lâu, tách được khe hở của bao diêm và chui ra, động đậy đôi ria, nghe ngóng. Đất ầm ầm rung chuyển ở xa và những tia chớp vàng lóe lên.

Bọ sừng trèo lên khóm hương mộc ở mép hào để nhìn cho rõ hơn. Chưa bao giờ chú được thấy một cơn giông như thế. Chớp nhiều quá thể. Những ngôi sao không treo chặt tại chỗ như ở quê hương chú, trong làng Pêtrốp, mà lại bay vọt từ dưới đất lên, soi rõ mọi vật chung quanh bằng một thứ ánh sáng chói lòa rồi bốc khói và tắt ngấm. Sấm động không ngừng. Có những con bọ sừng nào đó lao qua bên cạnh, kêu rin rít. Một con vấp mạnh vào khóm hương mộc đến nỗi làm những quả đỏ rụng rào rào. Chú bọ sừng già ngã xuống, giả vờ chết và không dám cựa quậy một lúc lâu. Chú hiểu rằng không nên dây với lũ bọ sừng nọ: chúng rất đông và đang kêu rin rít chung quanh.

Bọ sừng ta cứ nằm nguyên như thế cho đến khi mặt trời lên. Chú mở một mắt ra, nhìn lên trời. Trời xanh, ấm áp. Ở làng chú không có bầu trời như thế. Những con chim khổng lồ vừa lao từ trên bầu trời ấy xuống vừa hú lên như những con diều hâu. Bọ sừng vội trở mình, đứng lên và chui xuống dưới một chiếc lá ngưu bàng. Chú sợ lũ diều hâu sẽ mổ chết chú.

Sáng ngày ra bác Piốt thấy mất chú bọ sừng, liền sờ soạng quanh quẩn trên mặt đất.

- Gì thế bác? - Một anh chiến sĩ ở bên cạnh bác có bộ mặt cháy nắng đến nỗi người ta có thể lầm anh là một người da đen, nói.

- Thế là mất tong con bọ sừng! - Bác Piốt nói một cách buồn phiền Thực là tai họa! Anh chiến sĩ da cháy nắng nói:

- Có vậy mà cũng buồn với phiền! Con bọ sừng gì thì cũng chỉ là con bọ sừng không hơn không kém, một thứ côn trùng. Từ xưa đến nay nó có mang lợi lộc gì cho người lính.

- Chuyện đâu phải ở chỗ lợi lộc. - Bác Piốt phản đối - Chả là con bọ sừng này là một vật kỷ niệm. Con trai tôi mãi mới cho tôi đấy. Bọ sừng không quý nhưng vật kỷ niệm thì quý, anh ạ.

- Đúng thế! - Anh chiến sĩ da cháy nắng đồng tình - Cái đó, tất nhiên là chuyện khác. Có điều, tìm nó thì chả khác gì tìm một sợi thuốc lá ngoài biển cả. Thế là mất tong con bọ sừng.

Chú bọ sừng già nghe thấy tiếng bác Piốt liền kêu lên vù vù rồi cất mình lên khỏi mặt đất, bay mấy đoạn rồi đậu vào tay áo choàng của bác. Bác Piốt mừng rỡ, cười ha hả, còn anh chiến sĩ da cháy nắng thì nói:

- Đồ bợm! Nghe tiếng chủ là bò đến ngay khác gì con chó. Côn trùng mà thông minh gớm.

Từ đó bác Piốt thôi không bỏ chú bọ sừng vào bao diêm nữa mà mang chú ngay trong túi dết đựng mặt nạ phòng hơi độc. Anh em chiến sĩ lại càng ngạc nhiên "Kìa cậu xem, chú bọ sừng rõ đã trở thành con vật nuôi trong nhà rồi kìa".

Những lúc rỗi rãi thỉnh thoảng bác Piốt lại thả bọ sừng và chú ta bò quanh tìm những rễ cây gì đó và gậm lá. Lá cũng chẳng giống lá trong làng. Thay vào lá bạch dương ở đây có rất nhiều lá xu và lá liễu. Và bác Piốt lý luận với đồng đội:

- Chú bọ sừng của tôi đổi món, chuyển sang dùng thức ăn chiến lợi phẩm.

Một hôm vào lúc trời tối, một làn gió mát toàn hơi nước thổi vào chiếc túi dết đeo mặt nạ phòng hơi độc và bọ sừng bò ra ngoài xem mình đã đến vùng nào.

Bác Piốt cùng với đồng đội đứng trên phà.

Phà bơi ngang một con sông lớn và sáng. Bên kia sông mặt trời vàng đang lặn, hai bên bờ sông, trên những cây dương, có những con cò chân đỏ bay lượn.

- Vixoa! - Những người lính nói, lấy bi đông múc nước uống, có người còn rửa bộ mặt bụi bặm trong dòng nước mát - Thế là chúng ta đã uống nước sông Đông, sông Đnperơ và sông Bugơ, giờ đã lại uống nước sông Vixoa. Nước Vixoa thật là ngọt.

Chú bọ sừng hít hít hơi mát mẻ của con sông, ngoe nguẩy đôi râu rồi chui vào túi ngủ thiếp đi.

Bọ sừng tỉnh giấc vì một cái lắc mạnh. Cái túi đung đưa nhảy lên nhảy xuống. Bọ sừng vội vã bò ra ngoài nhìn chung quanh. Bác Piốt chạy trên cánh đồng lúa mì, còn những anh chiến sĩ chạy bên cạnh bác, miệng kêu "xung phong". Trời đã hửng sáng. Sương long lanh trên những chiếc mũ của anh chiến sĩ.

Bọ sừng lúc đầu cố hết sức bám chặt chân vào túi dết nhưng sau chú biết rằng có cố mấy cũng chẳng bám nổi, liền giương cánh, buông người ra, bay bên cạnh bác Piốt và kêu vù vù như động viên bác.

Có một người nào đó mặc quân phục bẩn thỉu màu xanh lá cây, giương súng trường nhằm bác Piốt, nhưng bọ sừng đã bay thẳng đến, húc vào mắt hắn. Người đó lảo đảo đánh rơi khẩu súng trường và chạy mất.

Bọ sừng bay theo bác Piốt rồi bám vào vai bác và chỉ bò vào trong túi dết khi bác Piốt ngã xuống và gọi một người nào đó: "Tai hại chưa! Tớ bị thương vào chân rồi!" Lúc đó lũ người mặc quân phục bẩn thỉu màu xanh lá cây đã tháo chạy, vừa chạy vừa ngoái cổ lại và tiếng kêu "xung phong" to như sấm vẫn bám sát chúng.

Bác Piốt nằm trạm quân y dã chiến một tháng, còn bọ sừng thì được người ta giao cho một cậu bé người Ba Lan trông coi. Cậu bé ở ngay trong sân, nơi trạm quân y dã chiến đóng.

Sau khi xuất viện bác Piốt lại ra trận: bác chỉ bị thương nhẹ. Bác đuổi kịp đơn vị của bác khi đơn vị đã ở trên đất Đức. Từ những trận đánh lớn khói bốc lên nhiều đến nỗi tưởng chừng cả trái đất bốc cháy và ném ra ngoài thung lũng những vừng mây đen khổng lồ. Mặt trời nhợt nhạt hẳn đi. Bọ sừng ta chắc hẳn đã bị điếc đặc vì tiếng đại bác ầm ầm, chú ngồi yên trong túi dết, không động đậy.

Nhưng rồi một buổi sáng chú bắt đầu cựa quậy và bò ra ngoài. Một luồng gió ấm thổi, mang những dải khói cuối cùng về phương Nam xa tắp. Mặt trời trong trẻo đậu trên cao, chói lọi trong khoảng không vô tận màu xanh. Chung quanh yên lặng đến nỗi bọ sừng nghe thấy cả tiếng lá rì rào ở ngọn cây trên đầu. Hết thảy lá cây đều đứng nguyên, bất động, chỉ có một cái ve vẩy và kêu ầm ĩ như thể trong lòng nó có điều gì vui sướng và nó muốn kể lại niềm vui đó cho tất cả những cái lá khác.

Bác Piốt ngồi bệt trên mặt đất, tu nước trong bi đông. Những giọt nước chảy dòng trên cái cằm không cạo của bác, đùa giỡn trong ánh nắng. Uống xong, bác Piốt cười và nói:

Chiến thắng rồi!

Những anh chiến sĩ ngồi bên nhắc lại. Một anh chiến sĩ lấy tay áo chùi mắt và nói thêm:

- Vinh quang đời đời! Đất đai thân thương đã khao khát lắm bàn tay của chúng ta. Giờ đây chúng ta sẽ làm cho nó trở thành một vườn hoa và, anh em ơi, chúng ta sẽ được sống trong tự do và hạnh phúc.

Sau đó ít lâu bác Piốt về nhà. Bác gái kêu lên và chảy nước mắt vì sung sướng, Xtêpa cũng khóc và hỏi:

- Chú bọ sừng còn sống chứ, bố?

- Vẫn còn sống, đồng chí của bố ạ! - Bác Piốt trả lời - Đạn không đụng đến nó. Nó đã trở về quê hương cùng với những người chiến thắng. Và ta sẽ thả nó ra Xtêpa ạ!

Bác Piốt lấy chú bọ sừng trong túi dết ra, đặt lên lòng bàn tay.

Bọ sừng ngồi một lúc lơ láo nhìn quanh, ngoe nguẩy cặp râu rồi kiễng hai chân sau lên, giương cánh ra rồi lại cụp lại, suy nghĩ một chút rồi bất thình lình bay vút lên, kêu vù vù rõ to. Chú đã nhận ra cảnh quê hương. Chú bay một vòng trên miệng giếng, trên luống thìa là trong vườn, bay qua con suối, vào rừng, nơi bọn trẻ kiếm nấm và trái phúc bồn tử dại đang gọi nhau í ới. Xtêpa chạy theo chú bọ sừng một lúc lâu, vừa chạy vừa vẫy mũ.

- Thế là từ bây giờ anh chàng kêu vù vù này sẽ kể cho các bạn nó nghe chuyện chiến tranh và hành động anh dũng của nó. Anh chàng sẽ tập hợp tất cả bầy bọ sừng lại dưới cây đỗ tùng, cúi chào bốn phương anh em và sẽ kể chuyện đấy!

Bác Piốt nói khi Xtêpa trở về.

Xtêpa cười và bác Piốt gái nói:

- Ông đã lại bịa chuyện cổ tích kể cho thằng bé. Nó tin là thực đấy.

- Thì cho nó tin. - Bác Piốt trả lời - Chẳng cứ gì trẻ con, đến chiến sĩ cũng còn thú chuyện cổ tích nữa là.

- Rõ cái ông này! - Bác gái đồng ý và ném những quả thông vào lò ấm xamôva. Ấm xamôva kêu u u như chú bọ sừng già. Khói xanh từ ống khói của ống xamôva bay lên trên bầu trời chiều, nơi có trăng lưỡi liềm soi bóng trong các hồ ao, trên mặt sông và từ trên cao kia nhìn xuống đất đai thanh bình của chúng ta.

KIM ÂN dịch


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#hyin