KẾT QUẢ VÒNG 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mặc dù bài làm của mỗi team đều rất xuất sắc và có sự đầu tư về thời gian lẫn công sức, nhưng mọi cuộc thi đều cần có người chiến thắng. Các vị Ban Giám khảo sẽ là người đánh giá bài làm của các bạn trong vòng 1.

Chúng ta hãy cùng đến với phần nhận xét và tổng điểm của các nhà ở vòng 1 này nhé.


[TRẬN 1] Hufflepuff VS. Ravenclaw 

Nhà Hufflepuff: 

- Nhận xét từ BGK Lá: Về nội dung: Truyện dường như mượn điển tích về tòa tháp Babel. Nửa đầu truyện đọc khá lan man và mệt mỏi khi người viết cố miêu tả thế giới mới qua góc nhìn của nhóm nhân vật Gods. Ý tưởng của câu chuyện rất hay, đặc biệt trong 1/3 cuối truyện. Điểm đáng tiếc ở câu chuyện này là triển khai quá dàn trải, phần miêu tả không quá ấn tượng đã lấn lướt luôn phần cao trào về ngọn tháp lẫn sự trừng phạt của thánh thần. Người viết dường như đưa người đọc đến phần gay cấn rồi thả cho rơi tự do. Một gợi ý nhỏ nếu trong tương lai người viết muốn re-write lại ý tưởng này, hãy đảo ngược trình tự câu chuyện, ẩn đi danh tính của các vị thần và để đám người không hoàn hảo miêu tả thế giới. 

 Hành văn: Các câu văn ngắn gọn, súc tích, nhưng có một nhịp đều đều dễ khiến người đọc cảm thấy mất kiên nhẫn. Cần lược bớt những đoạn các vị thần tương tác với nhau, thay vì để họ tự giới thiệu công việc của họ qua lời thoại một cách thẳng thừng. 

 Sáng tạo và kiến thức: Sự sáng tạo trong cốt truyện khá hơn so với các bài thi còn lại, nhưng nó chưa được khai thác tương xưng với tiềm năng cũng như không gợi được thích thú của người đọc. 

- Nhận xét từ BGK Kí: Giọng văn chưa thực sự mượt, ở đây có lẽ là giọng văn hơi nghiêng về phía thuần Việt hoặc Tây, tuy nhiên còn bị lậm văn Trung, lặp từ nhiều, chưa có sự chọn lựa từ ngữ, đọc hơi cấn. Cốt truyện chưa thực sự có cao trào hay điểm nhấn, có một ít sự đột phá nhất định trong cốt truyện. Miêu tả còn khá nhạt nhòa. Có sự sáng tạo ở những sinh vật xuất hiện cũng như cách thức hoạt động của chúng, đồng thời cũng mới mẻ ở phần kiến tạo cá tính con người. Tuy nhiên sẽ bắt gặp khá nhiều mẫu câu kiểu "giống... ở trái đất" làm giảm đi ít nhiều tính sáng tạo. Kiến thức tạm ổn.

Nhà Ravenclaw:

- Nhận xét từ BGK Lá: Về nội dung: Một câu chuyện đặc sắc ngay từ cách chọn góc nhìn nhân vật. Với đề thi của vòng này thì đây là một bài thi khá lý tưởng, từ cách xây dựng ý tưởng đến triển khai. Khuyết điểm nhỏ ở bài này là việc sắp xếp các tình tiết. Đáng lẽ tình tiết về cuống tim nên được đảo lên trước đoạn miêu tả thể chế xã hôi, như thế vừa có thể lý giải sự tha hóa của con người vừa không khiến mạch văn bị gãy và lạc sang thuyết minh.

Về hành văn: Ngôn ngữ khá thơ, bay bổng và đậm chất cổ tích, thần thoại. Điểm cộng khi diễn đạt mọi thứ một cách cô đọng, không triển khai lan man.

Sáng tạo và kiến thức: Ý tưởng thế giới được hình thành từ cơ thể của một đấng tạo hóa không mới, nó xuất hiện khá nhiều trong các thần thoại của nhiều nền văn hóa lẫn ở các bài thi khác trong event.

- Nhận xét từ BGK Kí: Giọng văn khá mượt, chỉ gặp lỗi ở phần miêu tả các phù thủy hơi giống văn thuyết minh. Cốt truyện không thực sự mới, có thể bắt gặp các chi tiết như: cái chết của một vị thần kiến tạo nên thế giới mới, mắt hóa thành mặt trăng mặt trời, máu thành sông,... ở sử thi Việt Nam hoặc các câu chuyện cổ tích khá nhiều. Ngoài ra, con người trong thế giới cũng bị phụ thuộc khá nhiều vào con người ở thế giới thực tại. Một điểm trừ nữa là phần giai cấp đưa vào không khéo, lồng ghép phần người cầm quyền lên ngôi ở vị trí phía gần cuối cũng không hợp lý. Ngoài ra còn có một số phần không cần thiết như từ chỗ "Lại phải kể đến...mình giống chúng ra sao".

=> CHIẾN THẮNG THUỘC VỀ NHÀ HUFFLEPUFF.


[TRẬN 2] Hufflepuff VS. Slytherin

Nhà Hufflepuff:

- Nhận xét từ BGK Lá: Về nội dung: Truyện đúng đề. Tuy nhiên nội dung vẫn còn quá mơ hồ. Cả truyện dài khoảng 8 trang word, 4/8 trang để miêu tả về Bé Con nhưng đến dòng cuối cùng người đọc vẫn không biết Bé Con là ai. Phần miêu tả về người bà khá lan man và không đóng góp gì nhiều vào diến biến của cả câu truyện. Những tình tiết đóng vai trò quan trọng như ""vì sao Đất Mẹ bị phong ấn?"" cũng vẫn còn để ngỏ. Bài phù hợp làm chương mở đầu của một long-fiction hơn là one-shot hay short-fic.

Về hành văn: Hành văn ổn, đặc biệt ở những đoạn miêu tả về quá trình sáng tạo ra thế giới của Đất Mẹ. Điểm sáng là cách sử dụng từ ngữ, câu cú đều không bị lậm ngôn từ văn học mạng Trung Quốc như một số đội khác.

Sáng tạo: Những yếu tố sáng tạo trong truyện vẫn chưa rõ ràng và ấn tượng.

Kiến thức: Như đã nhận xét ở các mục phía trên, vì nội dung mơ hồ, chưa có một cốt truyện với nút thắt nút mở đúng nghĩa nên kiến thức thể hiện trong bài thi cũng nhạt nhòa để đánh giá.

- Nhận xét từ BGK Kí: Giọng văn tương đối tốt, còn vấp và hơi rối ở một số chỗ. Cốt truyện cũng được dẫn dắt khá tốt, tuy nhiên kết khá hụt. Các vấn đề được đặt ra trong truyện cũng không được mở nút hết, điển hình nhất là lý do tại sao Đất Mẹ bị phong ấn, ai phong ấn và phong ấn như thế nào; phù thủy ra sao, có cuộc chiến nào không; khí hậu và thời tiết ở nơi này là bình sinh đã có hay do biến cố nên mới như vậy,... Các chi tiết kiến tạo ra thế giới cũng tương đối sáng tạo nhưng đoạn nặn ra con người có phần nào hơi giống với truyện Nữ Oa. Có một số đoạn khá lan man như đoạn đầu khi gặp Đất Mẹ và đoạn Đất Mẹ hỏi Bé Con có thích bay hay không. 

Nhà Slytherin:

- Nhận xét từ BGK Lá:  Về nội dung: Truyện bị lạc đề khi không cung cấp được cho người đọc về quá trình hình thành thế giới. Phần dẫn nhập ngắn đầu truyện có thể đụng chạm đôi chút đến yêu cầu của đề, nhưng vẫn chưa đủ.

Về kiến thức: Khái niệm 'lục địa' và 'đại lục' có vẻ bị lẫn lộn. Cách phân chia các khái niệm này như sau: Siêu lục địa > đại lục địa > lục địa.

Ngoài ra điểm gây khó hiểu tiếp theo là nhân vật ăn bánh bao. Bối cảnh trong truyện có nhiều điểm tương đồng với Bắc Âu, trong khi bánh bao là loại bánh truyền thống của người Hoa cho nên khi đưa vào truyện không phù hợp.

Hành văn: Chưa thống nhất về cách viết và trường từ vựng, Có nhiều câu văn miêu tả khó hiểu, thiếu thống nhất

- Trong đầu chỉ là một khoảng xám xịt thảm thương, nhưng thực ra hết thảy đều trống rỗng... => Một khoảng xám xịt với trống rỗng không có gì mâu thuẫn để phải sử dụng cấu trúc ""...nhưng...""

- Adonis nhìn sang hướng John, ánh mắt tràn đầy phẫn uất. Cậu vẫn luôn thắc mắc, bằng cách nào lão ta có thể cảm nhận được tàn dư phép thuật trên cơ thể phù thuỷ, lại không cảm nhận được phong ấn, hoá ra cũng chỉ là tên tạp chủng không hơn không kém. Thật đáng hận. Thì ra kẻ đã gián tiếp giết cha mẹ cậu, khiến cậu thành ra như vậy lại chính là kẻ đã cứu sống cậu năm đó.

Rốt cuộc đây là tội nghiệt gì vậy?

=> Một đoạn ngắn sử dụng quá nhiều từ Hán - Việt lệch hẳn với phong cách diễn đạt trong 2/3 truyện trước đó.

- Đứng trơ trọi giữa cánh rừng hoang vu, trong đầu cậu giờ đây chỉ còn lại sự đấu tranh khốc liệt giữa hai luồng suy nghĩ. Liệu cậu sẽ lựa chọn điều gì khi đã nắm giữ sức mạnh khủng khiếp trong tay? Tên điên kia từng nói, sức mạnh càng lớn trách nhiệm càng cao, đứng trước một sự lựa chọn mang tính thời đại, ngay cả Adonis cũng không rõ bản thân mình muốn gì nữa, chỉ là... => "Sự lựa chọn mang tính thời đại..." là một cụm từ khá sáo rỗng khi đặt vào ngữ cảnh này.

- Nhận xét từ BGK Kí: Giọng văn ở mức ổn, kể hơi lan man, chuyển cảnh còn thô, ở phía gần cuối hơi đuối hơn so với phía trên. Mở thắt nút tương đối đầy đủ, có cao trào và cũng kết thúc được cao trào. Tuy nhiên, chủ đề gần như không được đề cập, chỉ có một đoạn ngắn ở đầu và cũng không đáp ứng được yêu cầu là về "khởi nguyên", "nguồn gốc" của thế giới. Sự sáng tạo có nhưng không làm nổi bật được chủ đề và cũng không thực sự nhiều.Kiến thức khá thưa.

=> CHIẾN THẮNG THUỘC VỀ NHÀ HUFFLEPUFF.


[TRẬN 3] Gryffindor VS. Ravenclaw

Nhà Gryffindor:

- Nhận xét từ BGK Lá:  Về nội dung: Truyện bị lạc đề. Thay vì kể một câu chuyện về quá trình sáng tạo ra thế giới, bài lại kể về chuyến phiêu lưu của chú đom đóm.

Về hành văn: Mặc dù từ ngữ được sử dụng trong bài rất đẹp, không bị lậm văn học mạng Trung Quốc, nhưng cách ngắt dòng và chia đoạn khá khó hiểu. Thông thường, một đoạn văn sẽ có câu chủ đề ở đầu hoặc cuối đoạn nhằm làm rõ một ý, nhưng ở bài thi này người viết xuống dòng, tách đoạn rất ngẫu hứng. Đôi khi câu chủ đề ở trên, nhưng đoạn làm rõ câu chủ đề lại tách thành đoạn mới như ví dụ dưới đây:

- Kể với cụ bà đơn độc nằm lặng lẽ giữa chiếc chiếu lạnh băng.

Cho cụ biết về những nơi vắng người. Về những buổi tiệc cùng socola với đôi ba nhành hoa nho nhỏ, về cách gửi lời chào là một vòng tay ôm, về các trận thể thao của tuổi trẻ rộn ràng náo động.

=> Từ một đoạn bị tách thành hai đoạn rời rạc, khiến người đọc có cảm giác lan man, thiếu liên kết.

Về sáng tạo và kiến thức: Gần như không được thể hiện rõ trong truyện. Cả bài thi là những dòng tản mạn, lan man về phong cảnh. Không câu chuyện, không cao trào, các nhân vật được giới thiệu xuất hiện nhạt nhòa, nói với nhau những câu thoại cũng không ấn tượng, họ đồng cảm và đau nỗi đau sinh tử chỉ vì người viết bảo họ làm thế.

- Nhận xét từ BGK Kí: Giọng văn khá tốt, góc nhìn cũng tương đối ổn. Cốt truyện, dưới góc nhìn của South, thì có vẻ khá trầm lặng và hơi nghiêng sang hướng buồn. Tuy nhiên, cũng giống như bài của nhà Slytherin (BGK sử dụng mã phách nhưng BTC đã chỉnh sửa để mọi người có thể hiểu), chủ đề chính gần như không được đề cập đến, chỉ thoáng qua trong một vài câu khá ngắn và không thể coi là đáp ứng được so với những gì yêu cầu. Một đoạn văn có dung lượng và thông tin rất ít, chia đoạn khá nhiều và hơi rối. Sự sáng tạo có xuất hiện nhưng khá thưa thớt.

Nhà Ravenclaw:

- Nhận xét từ BGK Lá: Về nội dung: Đây là một câu chuyện lạc đề. Dù vẫn có phần giới thiệu về thế giới, nhưng có vẻ như người viết không chủ đích hướng đến điều này. Cả câu chuyện được chia thành hai phần không liên quan gì đến nhau, nửa đầu là bài văn thuyết minh về thế giới phù thủy theo cách trào phúng và nửa sau là chuyện đời của nhân vật Thụy. Tuy nhiên, trong cả câu chuyện kéo dài 13 trang pdf thì phần đáng quan tâm nhất là chuyện về Aphrodite và Thụy, nhưng đáng tiếc nó chẳng những lạc đề mà còn quá nhiều lỗ hổng. Tổng thể đây là một câu chuyện tốt so với phần lớn những bài dự thi, có điều người viết ôm đồm quá nhiều thứ, nhiều khái niệm mà chính bản thân người viết cũng không hiểu rõ mà chỉ cốt đem vào vì cảm thấy hình ảnh/từ ngữ đó hay ho.

Về hành văn: Giọng văn giễu nhại, đọc lên khá thú vị, nhưng mọi thứ chỉ dừng ở thú vị. Những câu từ mỉa mai không khiến người đọc phải suy ngẫm hay chí ít cảm thấy cần phải suy ngẫm. Tất cả mượt mà và trơn tuột. Một đoạn mở đầu dài nửa trang nói về hạ trắng, màu trắng và màu xám, nếu nói đến hạ trắng thì theo chia sẻ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về cảm hứng bài hát, nó không liên quan gì đến sự tinh khiết hay vấy bẩn. Màu trắng là một ý tưởng tốt khi dẫn nhập vào vòng lặp của thời gian, nhưng ghép nó vào Hạ Trắng là ý tưởng tồi vì nó lạc quẻ. Sự lạc quẻ này tiếp tục lặp lại ở một loạt những cái tên hoặc câu hát lấy từ tác phẩm khác đưa vào bài (vd: ""Sao ngón tay em lại dài?"", chi tiết về phép thiền quán hơi thở - ý kiến cho rằng không vui không buồn thật sáo rỗng, những điển tích về Uranus hay Hades - thay vì nói về Uranus với Hades, người viết có thể tham khảo Oedipus thì có lẽ sẽ hợp lý hơn).

Sáng tạo: Ý tưởng về sự phân chia thế giới theo hướng Lạc - Bĩ, sự phân hóa giai cấp/dòng máu/giàu nghèo... không mới, nó được sử dụng nhiều trong các tác phẩm theo hướng dystopia. Hơn nữa, ở bài dự thi này, người viết cũng không khai thác hết chính sự phân hóa đó (dù đã cố ở chi tiết Aphrodite giải thích lý do gài bẫy Thụy và cách ông bà Thụy đối đãi với những người không cùng đẳng cấp). Thế giới sẽ ảnh hưởng đến hành động và góc nhìn của nhân vật, vậy thế giới trong câu chuyện này ảnh hưởng đến Thụy như thế nào, cậu ta nhìn nhận về thế giới ra sao? Đây chính là điểm đáng tiếc của câu chuyện, cách setup thế giới đầy hứa hẹn, nhưng lại kể một câu chuyện tủn mủn quanh vui buồn của nhân vật theo cái motif 'đứa trẻ sinh ra trong một gia đình tan vỡ và có chiều hướng chống đối lại xã hội, sau cùng trở thành kẻ buông xuôi vì quá nhiều phản bội.'

Kiến thức: Việc nhồi nhét quá nhiều tham khảo từ những tác phẩm khác hay khái niệm lại để lộ ra việc người viết không thực sự hiểu rõ về kiến thức mình sử dụng.

- Nhận xét từ BGK Kí: Giọng văn tương đối tốt, một vài chỗ diễn đạt còn hơi rối. Cốt truyện ổn, có sự pha trộn của các tình tiết khác bên cạnh chủ đề chính. Có sự sáng tạo riêng và cả lồng ghép sáng tạo những kiến thức có sẵn trong cả việc kiến tạo thế giới và phân chia loài người. Kiến thức ổn. Tuy nhiên, cá nhân tôi không rõ lắm hình ảnh "hạ trắng" được đưa vào ở đầu có dụng ý gì không hay chỉ là một hình ảnh để dẫn dắt.Ngoài ra, phần mở đầu khá mơ hồ và rối cũng ảnh hưởng ít nhiều đến phía sau.

=> CHIẾN THẮNG THUỘC VỀ NHÀ RAVENCLAW.


[TRẬN 4] Gryffindor VS. Slytherin

Nhà Gryffindor:

- Nhận xét từ BGK Lá: Về nội dung: Một câu chuyện có nút thắt - mở, có cao trào, có sáng tạo thế giới, nhưng chưa thực sự ấn tượng.

Có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm. Thứ nhất là về độ dài câu chuyện, viết truyện ngắn sẽ khác với truyện dài, đề bài về sáng tạo thế giới không có nghĩa là câu chuyện phải kể hay miêu tả cặn kẽ thế giới tưởng tượng của mình. Cách tốt nhất là người viết nên chọn một sự kiện chính gắn liền với quá trình kiến tạo thế giới rồi sau đó tập trung vào giải quyết cao trào của sự kiện đó. Trong câu chuyện A(x) này, rõ ràng truyện có plot, có cao trào nhưng cách diễn đạt quá dàn trải khi mà đến cả phòng ngủ cũng được tả quá chi tiết giống như đang viết chương đầu của một long-fiction. Thứ hai là về tâm lý nhân vật, với cốt truyện về thiên thần sa ngã, tâm lý nhân vật sẽ dễ ghi điểm hơn, Cerah cảm thấy thế nào khi bị đày? Tại sao Cerah bị thao túng? Tại sao Cerah dần bị khuất phục? Nhìn vào quá trình phát triển nhân vật Cerah, rõ ràng bài thi này có tiềm năng xây dựng được một nhân vật ấn tượng, nhưng vì cách triển khai lại bỏ qua ưu điểm này.

Về hành văn: Giọng văn đều đều, không tạo được ấn tượng.

Kiến thức và sáng tạo: Nhìn chung truyện không có quá nhiều sự sáng tạo so với các bài dự thi khác.

- Nhận xét từ BGK Kí: Đây là một trong những bài có giọng văn tốt nhất, viết khá đều tay, tuy nhiên ở phần phù thủy đứng lên đấu tranh viết hơi thô, hơi mang tính chất học thuật của Lịch sử. Sáng tạo khá tốt, kiến thức ổn. Cá nhân tôi có hơi thắc mắc một chút về sự xuất hiện của thánh thần trong câu chuyện này. Như ban đầu các bạn viết thì thành thần là để bảo vệ con người khỏi sự ảnh hưởng từ phép thuật của phù thủy và phù thủy không thể đụng được tới đũa phép, chổi bay nếu không có sự đồng ý của con người, vậy tại sao khi xảy ra cuộc bạo loạn hay thậm chí là khi Cerah mất kiểm soát đến nỗi tự thiêu sống bản thân, thánh thần lại không xuất hiện? Tiếp đó, dường như thánh thần không thực sự cung phụng những người đã tạo ra thế giới và cũng không trân trọng những người truyền thừa cho lắm nhỉ? Tôi cảm thấy cảm xúc trong Cerah hơi nông, em sống khá cứng nhắc và gần như không mang bất cứ niềm tin hay sự tôn thờ nào dù rõ ràng em có trong tay ngọn lửa huyền thoại và theo Hỏa giáo. 

Nhà Slytherin:

- Nhận xét từ BGK Lá: Về nội dung: Truyện lạc đề. Thay vì kể câu chuyện về sáng tạo thế giới thì câu chuyện này lại kể về tình bạn tri âm tri kỷ.

Về hành văn: Hành văn ổn, từ ngữ phong phú, giàu hình ảnh. Tuy nhiên, sai định dạng văn bản khi sử dụng dấu ngoặc kép. Bên cạnh đó, một số đoạn đối thoại các bạn sử dụng kiểu văn nói của người Việt:

- " Chồng em chết trận rồi mà sao em còn ráng nuôi nó làm gì. Phụ nữ nuôi con một mình cực khổ lắm. Gửi nó vào trại mồ côi đi, có nuôi nó thì lớn lên nó cũng bị bắt đi lính rồi bỏ em ở lại một mình thôi."

" Thôi chị ơi, cực em cũng nuôi. Lớn lên nó thế nào cũng được, em không bỏ con em lăn lóc được đâu."

Tính sáng tạo và kiến thức: Nếu nhóm không bị lạc đề thì đây sẽ là phần được điểm khá cao.

- Nhận xét từ BGK Kí: Giọng văn nằm ở mức ổn, miêu tả còn hơi thô và chưa có sự chọn lọc từ ngữ. Câu chuyện có kết hơi vội và cá nhân tôi thấy hơi tiếc. Không rõ có phải do cảm quan cá nhân hay không mà tôi ngửi thấy mùi tình trai nhưng cái này chưa thực sự được làm rõ nên cũng chỉ coi như nghi vấn. Tuy nhiên, điều sơ xuất lớn nhất là câu chuyện cũng hoàn toàn không đề cập đến khởi nguyên và nguồn gốc của thế giới. Sự sáng tạo cũng có, xuất hiện ở một vài chi tiết như cây lá thần, tuy nhiên từ đầu tới cuối thì đây là một chi tiết được thắt nút nhưng lại không được mở nút hoàn chỉnh. Kiến thức được thể hiện khá phong phú về Thế chiến Thứ hai.

=> CHIẾN THẮNG THUỘC VỀ NHÀ GRYFFINDOR.


Vậy là vòng 1 đã kết thúc với chiến thắng áp đảo của nhà Hufflepuff, và cũng xin chia buồn với nhà Slytherin. Sau khi xem số điểm và nhận xét mà mình nhận được, có thể sẽ thí sinh sẽ có các thắc mắc. BTC event xin dành một ngày để giải đáp hết tất cả vấn đề này. 

Ngoài ra, cũng sẽ có nhiều bí mật được vén màn về vòng 1 sau khi phần giải đáp thắc mắc kết thúc.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro