Chương 38 - Đại Thừa và Tiểu Thừa

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi bước đi thật chậm trên mặt băng, hai mắt mở to, nhìn trân trân xuống dưới chân, lo sợ sẽ bị trôi tuột xuống một khe hở nào đó. Trời vừa hửng sáng thì tôi đã đi đến chùa Vương Tân, phía trước chùa có một dòng sông nhỏ. Do bị ảnh hưởng bởi trận bão tuyết đêm qua, nên cây cầu bắc ngang qua sông đã không thể đi được nữa. Cũng còn một con đường khác nhưng nó là đường vòng và rất xa. Vì muốn tiết kiệm thời gian và sức lực, tôi quyết định đi bộ qua sông băng, nhưng chỉ vài giây sau đó, tôi lại thấy hối hận với quyết định của mình.

Độ dày của lớp băng ở mỗi chỗ lại không hề giống nhau, chỉ mới đi một đoạn ngắn thôi mà tôi đã có thể thấy dòng nước đang chảy xiết ở dưới chân mình. Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Giang Nam, nên không biết gì về kỹ năng trượt băng, hay đi trên tuyết dày vào mùa đông mà đứa trẻ phương bắc nào cũng thành thạo. Nhưng tôi đã đi được một phần ba đoạn đường, nếu bây giờ quay trở lại cũng sẽ thập phần nguy hiểm. Tôi sợ sệt, run rẩy cứ mãi đứng yên tại chỗ, không tài nào tiếp tục bước đi.

Trong lúc không biết làm cách nào, tôi chợt nghe thấy tiếng ai đó đang kêu tên mình ở bên kia sông. Ngẩng đầu nhìn lên, một hình dáng cao gầy dần hiện lên trước mắt, tôi như thấy được vị cứu tinh:

- Rajiva, cứu tôi với!

- Cô cứ đứng đó, đừng di chuyển!

Rajiva vội vàng bước lên băng để đi đến chỗ của tôi. Một lúc sau, một bàn tay gầy guộc với những ngón dài thanh mảnh chìa ra trước mặt tôi, không kịp suy nghĩ gì, tôi vội vàng nắm chặt lấy. Bàn tay với hơi ấm mềm mại và một chút trơn ướt ấy thận trọng dắt tôi đi. Cả một không gian trắng xóa rộng lớn, hai con người nhỏ bé cứ thế sóng đôi nhau, chầm chậm tiến về phía bên kia bờ. Nỗi sợ hãi ban đầu đã biến mất nhường chỗ cho sự nhẹ nhõm và niềm vui cứ thế len lỏi nhẹ nhàng trong trái tim tôi.

Sau một hồi quanh co đi lại, chúng tôi đã đến được bờ bên kia, tôi thở phào nhẹ nhõm, định ngẩng lên nói lời cảm ơn với Rajiva, bỗng thấy trước mắt toàn là một vùng u tối với những chấm đen lốm đốm, khuôn mặt Rajiva cũng trở nên mờ ảo phía sau màn sương u ám đó.

Tôi gào lên:

- Rajiva, sao tôi không thấy cậu?

Chợt cảm thấy có một bàn tay che mắt tôi lại và một cánh tay khác vòng qua đỡ lấy vai tôi, tôi nép vào một thân hình mảnh khảnh và được đưa đến một nơi có chỗ để ngồi xuống.

- Đừng sợ, cứ nhắm mắt lại, một lát nữa là không sao.

Hơi thở của Rajiva thổi vào tai tôi, cảm giác gai gai. Từ bé đến lớn, tôi sợ nhất là người khác thổi vào tai, nên với phản xạ tự nhiên, tôi lập tức né đầu, không may lại va vào cằm của cậu ta. Hai chúng tôi cùng kêu lên một tiếng đau điếng.

- Đau không?

- Đau không?

Chúng tôi đồng thanh cất tiếng hỏi thăm người kia, tôi hơi bất ngờ, nhưng chẳng muốn nghĩ nhiều, đưa tay lên day đi day lại phần đỉnh đầu vừa va chạm, miệng không ngừng xuýt xoa. Tôi đau dữ như vậy, Rajiva chắc cũng không dễ chịu gì, nhưng cậu ta không hề kêu đau, không biết đang nghĩ ngợi gì.

Một lúc sau cậu mới lên tiếng:

- Lỗi ở tôi, lẽ ra nên nhắc cô đừng nhìn chăm chú xuống lớp băng ấy lâu quá

Lại một hơi thở nhè nhẹ trôi vào tai tôi, nhưng lần này tôi không dám tránh. Tôi hắng giọng xua đi hơi nóng đang bừng lên hai má.

- Rajiva, tôi sẽ không bị mù chứ?

- Không đâu.

Nói là không mà sao giọng cậu ta lại hơi run run. Tôi hoảng sợ, kéo tay áo Rajiva, vội vàng hỏi:

- Nếu tôi bị mù thì phải làm sao?

Bàn tay Rajiva vẫn che trên mắt tôi, cánh tay còn lại khẽ đỡ vai tôi. Mặc dù chỉ là những động chạm khẽ khàng, nhưng qua lớp áo bông, tôi vẫn cảm nhận được cánh tay gầy gò, mảnh khảnh của cậu ta. Cậu ta lẳng lặng đáp: 'Không đâu', nhưng trong ngữ điệu đã không còn sự run rẩy như lúc trước nữa. Tôi lấy làm khó hiểu, cậu ta làm sao vậy nhỉ?

Ngồi yên một lát, Rajiva bỏ tay xuống và bảo tôi mở mắt ra. Khuôn mặt thiếu niên thuần khiết dần dần hiện ra sống động trước mặt tôi. Đôi mắt như hai vực nước sâu đang chăm chú quan sát tôi với vẻ lo lắng, gương mặt vẫn đỏ ửng như gấc chín. Chưa bao giờ chúng tôi gần nhau đến thế. Trong khoảnh khắc, dường như tôi nghe thấy tiếng tim mình loạn nhịp.

Tôi đứng bật dậy:

- Tôi không sao rồi.

Rajiva bừng tỉnh, vội vàng lùi lại phía sau, khuôn mặt càng lúc càng đỏ, màu đỏ át cả màu da bánh mật, đỏ đến tận phần cổ đã được che kín bởi lớp áo nâu sòng.

Tôi cũng không dám nhìn Rajiva lúc này nên cứ bước thẳng đến chùa Vương Tự. Một nhà sư đang đứng cách đó không xa, ông ấy đang nhìn chằm chằm vào chúng tôi. Là sư phụ của Rajiva – Bandhudatta! Khuôn mặt lạnh lùng, trên vai áo ông ấy vẫn còn vương lại một ít tuyết chưa tan, có lẽ đã đứng đây được một lúc.

Không biết ngài ấy có nhìn thấy chuyện vừa rồi không nhỉ? Nếu có thì chỉ mong sao ngài ấy đừng có bất kỳ sự hiểu lầm nào đối với Rajiva mà thôi!

Sư phụ Bandhudatta sải bước về phía chúng tôi, sắc mặt Rajiva có chút khó nhìn, đầu cúi thấp che đi nỗi phiền muộn. Trong những lúc thế này, điều tốt nhất tôi làm chỉ có thể là im lặng vì nếu giải thích thì chỉ càng gây nên rắc rối cho cậu ấy mà thôi. Tôi vội vàng lấy cuốn kinh thư trong tay áo và nói rõ ý định của mình:

- Bảo vật của cậu rơi ở chỗ tôi, nên tôi mới đến trả lại cho cậu.

Đột nhiên, Rajiva nhanh chóng chộp lấy cuộn kinh văn và nhét nó vào trong tay áo. Lúc này, sư phụ Bandhudatta đi tới trước mặt chúng tôi, chìa tay ra nói:

- Là kinh văn gì? Đưa sư phụ xem thử.

Rajiva nào dám làm trái lời thầy, bàn tay cậu run rẩy lấy ra cuộn kinh văn và đưa cho ngài ấy. Sư phụ Bandhudatta vừa xem một ít, khuôn mặt lập tức hiện lên sự tức giận, rồi quay sang lạnh lùng nhìn cậu ta. Rajiva lập tức run rẩy cúi đầu không lên tiếng.

Tôi nhìn biểu cảm thầy trò bọn họ nhưng không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra, chuyện gì kia chứ?

Sư phụ Bandhudatta xoay người ném cuộn kinh thư vào lư hương ngay trước chùa. Tôi kêu lên một tiếng rồi nhanh chóng chạy đến bên cạnh lư hương để lấy ra cuộn kinh thư. Dù đã hành động một cách nhanh chóng nhưng cũng không thể ngăn được sự xâm chiếm của ngọn lửa mạnh mẽ, cuối cùng, cũng bị cháy mất một đoạn. Tôi tức giận hét lên:

- Đại sư sao lại đốt nó chứ, nếu ngài không cần thì cứ đưa cho tôi.

Sư phụ Bandhudatta nhìn tôi:

- Cô có biết nó là cái gì không?

Ngài ấy đang nói tiếng Hán.

- Thật tốt quá, đại sư có thể nói tiếng Hán.

Tôi cẩn thận nhét lại cuộn kinh thư vào trong tay áo

- Đây không phải chỉ là một cuộn kinh Phật hay sao

Sư phụ Bandhudatta hừ một tiếng:

- Đó là những luận điệu hoang đường Đại Thừa!

- Luận điệu hoang đường

Tôi không đồng ý với quan đểm này. Điều quan trọng nhất của tôi lúc này chính là phải bảo vệ thật cẩn thận những văn vật quan trọng này.

- Đại Thừa được phát triển trên nền tảng của giáo lý Tiểu Thừa và phù hợp với xu hướng phát triển của thời đại. Làm sao có thể cho là lời lẽ ngụy biện chứ?

Khi vừa nói ra câu đó, Rajiva đột nhiên ngẩng lên nhìn tôi với vẻ đầy kinh ngạc, còn vẻ mặt của sư phụ Bandhudatta thì cứ như vừa gặp phải ma quỷ. Chuyện gì chứ? Tôi không nghĩ mình đả nói sai nên vẫn cứ tự tin đón nhận ánh nhìn khác lạ từ thầy trò bọn họ.

Sư phụ Bandhudatta mắng:

- Đúng là đồ phụ nữ vô tri! Cô làm sao có thể hiểu được việc tu thành chánh quả cần phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn gian khổ, đã có rất nhiều người cho đến lúc mất đi cũng không thể nào chứng Tam Quả. Ngay cả bản thân ta cũng khó độ, vậy thì làm sao có đủ năng lực để độ chúng sanh? Phàm những kẻ mở miệng ra phổ độ chúng sinh thì chỉ toàn những kẻ tà ma ngoại đạo. Bọn chúng lừa gạt dân chúng, chỉ toàn làm những điều độc ác mà còn dám xảo biện là cứu người, đây không phải là những lời lẽ ngụy biện thì còn là gì chứ?

- Đại sư, trong khắp thế gian này, loại người nào cũng đều có cả. Chúng ta không thể vì có một đại phu xấu xa thì liền mãi mãi không đi chữa bệnh, đúng không?

Tôi lắc đầu, nói tiếp:

- Đại Thừa tựa như một con thuyền lớn, đưa chúng sinh đến những bến bờ khác nhau, còn Tiểu Thừa lại như một chiếc thuyền nhỏ. Để đi qua con sông nhỏ, đúng là chỉ cần một chiếc thuyền con, nhưng khi muốn phổ độ chúng sinh, thì chúng ta cần là một chiếc thuyền lớn để vượt qua biển cả. Cả hai chỉ đều là công cụ nhưng tùy vào từng tình huống mà ta có thể áp dụng những phương pháp khác nhau, vậy thì há cớ gì lại cần phải so sánh phân chia cao thấp?

Rajiva chăm chú lắng nghe từng lời tôi nói, còn sư phụ Bandhudatta thì hình như rất tức giận nhưng vì là một cao tăng nên ngài ấy vẫn đang cố nén cơn tức giận của bản thân mình.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro