CHƯƠNG 17 - Cuộc tranh tài

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hai bên đường tấp nập người qua lại, khung cảnh mang đậm màu sắc Tây Vực cổ xưa. Lẽ ra giờ này, tôi phải đuợc ngồi nhìn ngắm xung quanh, vẽ lại cảnh nhộn nhịp này, thế mà thực tế thì tôi lại phải đuổi theo tên trộm này. May mắn là đã được rèn luyện thể lực, nên khoảng cách của tôi và tên trộm càng lúc càng ngắn lại. Hắn ta ngoáy đầu lại nhìn tôi với vẻ mặt đầy ngạc nhiên và sợ hãi. Có lẽ hắn chưa bao giờ thấy một người phụ nữ nào có thể chạy nhanh như thế. Bỗng tiếng trống trên khán đài ở khu vực trung tâm vang lên.

Tên trộm liền chen vào đám đông ở đó, tôi cũng mau chóng theo sau, vừa đi vừa hét:

- Bắt lại kẻ trộm!

Vì không ai hiểu nên họ cũng chẳng thèm để ý đến tôi. Cuối cùng, tên trộm trèo lên khán đài. Trên khán đài, một người đàn ông trung niên đang ngồi sẵn một góc, sau lưng là một vài tên lính. Không biết bọn họ đang thực hiện nghi thức gì.

Tên trộm nhanh chóng chạy băng qua phía bên kia của khán đài, chuẩn bị nhảy xuống. Thấy vậy, tôi tiện tay rút lấy một cây cờ để đánh hắn. Bỗng dưng mọi người xung quanh kêu lên, người đàn ông trung niên liền thay đổi sắc mặt, đứng dậy, từng bước tiến về phía tôi. Tôi mải lo bắt trộm nên không hề để ý mọi thứ xung quanh. Tên trộm sau khi ăn một gậy, tỏ ra đau đớn. Đoán chừng không thể nào thoát khỏi, hắn ta liền mau chóng bỏ lại cái túi để trốn thoát.

Tôi sải bước nhặt túi lên, thầm nghĩ: Không cần đuổi theo nữa, quan trọng nhất là lấy lại được cái túi của mình. Tôi quàng túi lên vai, vừa định xoay người rời đi lại chạm phải người đàn ông trung niên đang đứng chắn trước mặt. Ông ta có vẻ rất giận dữ. Nghĩ rằng buổi nghi thức gì đó lại vì mình mà bị gián đoạn, tôi liền gật đầu và nở nụ cười xin lỗi:

- Mọi người cứ tiếp tục, tiếp tục đi ha!

Vừa bước tới trước một bước, người đàn ông trung niên đã lập tức ngăn lại và chỉ vào cây cờ tôi đang cầm trên tay. Tôi giật mình, vội vàng trả lại cho ông ấy, mìm cười nói:

- Thành thật xin lỗi vì đã mượn dùng nó.

Không ngờ rằng ông ta lại có vẻ như bị xúc phạm, tay lại chỉ xuống đất và nói. Tôi cúi nhìn xuống dưới chân mình: Một góc của lá cờ đang bị dẫm phải. Tôi vội vàng nhấc chân ra, nhặt lên, vừa phủi bụi vừa nói:

- Xin lỗi, xin lỗi, tôi không cố ý.

Sau khi đã phủi sạch, tôi đưa cho ông ấy xem. Không ngờ rằng, ông ấy vẫn không hết giận mà còn mắng tôi thậm tệ hơn: Thật xấu hổ, tại sao lại tức giận như vậy chứ?

- Hay là....tôi giặt sạch rồi trả lại ông?

Khuôn mặt bỗng sầm lại, ông ta vẫy tay, ngay lập tức, đám lính đằng sau bước tới, kề dao vào cổ tôi. Tôi hoảng hốt, chuyện gì đã xảy ra vậy chứ? Thiết nghĩ cần phải làm rõ mọi thứ nên tôi cũng không vội rút súng gây mê, tôi nói lớn:

- Như vậy là ý gì?

Chính sự phán đoán sai lầm của mình đã khiến tôi phải hối hận. Ngay khi vừa hét lên, tôi đã bị bọn lính trói chặt cả hai tay. Đến cuối cùng, tôi cũng không biết mình đã đắc tội gì với đám người này nữa.

Một giọng nói vang lên, dựa trên những gì tôi đã học thì biết được rằng đó là câu: "Dừng lại". Tôi quay lại nhìn, là Kumalajibo. Cậu ta đang vừa chạy vừa thở hổn hển. Tôi vui mừng reo lên: "Kumalajibo, cậu mau hỏi họ xem tại sao lại bắt tôi?"

Kumalajibo vội vã đến bên tôi, hành lễ với người đàn ông trung niên. Hai người bắt đầu nói chuyện bằng tiếng Phạn. Nhìn thấy khuôn mặt của cậu ấy càng ngày càng nghiêm trọng, tôi lo lắng hỏi:

- Rốt cuộc là sao?

Cậu nghiêm túc, thấp giọng nói với tôi:

- Cô gặp rắc rối lớn rồi. Đây là vị biện sư nổi tiếng nhất ở Tây Vực, trăm trận bất bại. Ông ta đang dựng đài khiêu chiến, nếu có ai có thể tranh luận thắng, ông ấy sẽ chặt đầu tạ ân. Còn nếu không thắng, thì đối phương phải để đầu lại đây. Bất cứ ai rút cờ có nghĩa là đã chấp nhận khiêu chiến, phải cùng ông ấy đi đến hoàng cung để thi đấu, và quốc vương sẽ là người phân định thắng bại.

Tôi lắp bắp:

- Tôi....tôi không cố ý.

Biện sư Tây Vực nói với đám lính một tiếng, bọn chúng liền chặn Kumalajibo lại, áp giải tôi đi về phía trước. Tôi ngây ngốc bước đi:

- Này, đi đâu vậy?

Kumalajibo nhanh chóng đi cùng tôi:

- Bọn họ quyết định đưa cô đi gặp quốc vương, để quốc vương định đoạt.

Thấy tôi hốt hoảng, cậu ta an ủi:

- Đừng sợ, tôi đi cùng cô.

Tôi và Kumalajibo đứng giữa đại sảnh của hoàng cung nước Ô Tốn. Tuy nói là hoa lệ, nhưng không thể so sánh với cung điện ở Trung Nguyên được. Tây Vực vốn là vùng khô hạn, nhà ở được xây cất rất đơn sơ với vật liệu chính là gỗ và đất sét và mái nhà là kiểu mái bằng. Nhưng ở đây, tường nhà làm bằng đất sét đã được coi là xa hoa rồi. Thông thường chỉ có quan lại, đền chùa và hoàng cung mới được xây dựng như vậy. Đang ngồi trên ngai vàng là một người đàn ông lớn tuổi. Ông ấy mặc trên người một chiếc áo choàng ngắn, ống tay hẹp và được thêu bằng chỉ vàng, mang giày da dê, cổ giày cao đến tận đầu gối. Đầu để mái lửng, nhưng phía sau gáy lại tết thành những lọn dài, chúng được búi ngược lên đỉnh đầu và quấn lại bởi một mảnh khăn thêu kim tuyến. Đây là quốc vương của một tiểu quốc nhỏ nằm giữa sa mạc – quốc vương Ô Tốn. Ông ta đang thảo luận cùng biện sư và Kumalajibo. Tôi lo lắng nhìn biểu cảm trên mặt bọn họ, chỉ thấy được khuôn mặt của tiểu hòa thượng ngày càng căng thẳng, trong lòng không thể nào yên.

Cậu ta vẫn muốn nói thêm diều gì đó, nhưng quốc vương lại ngắt ngang và lập tức nói với tôi bằng tiếng Hán lơ lớ:

- Quy tắc đã được ban ra, cô nhất định phải tham chiến.

Khi ông ta nói lại lần thứ hai, tôi mới hiểu rằng ông ấy đang cố nói với tôi bằng tiếng Hán. Tôi cao giọng đáp:

- Bệ hạ, tôi không biết tiếng Phạn, làm sao tranh luận cùng ông ta?

Quốc vương nói tiếp:

- Nếu cô không tham chiến, vậy coi như bại trận, cô phải để lại đầu của mình để tạ tội.

Cái quy tắc quái quỷ gì thế này, thật không công bằng!

Theo tôi biết, luận chiến là cách thức chủ yếu để thu hút tín đồ của các giáo phái thời kỳ đầu. Ở Ấn Độ, các buổi biện kinh diễn ra rất bi thảm, người thua thường sẽ phải mai danh ẩn tích, vĩnh viễn biến mất. Có người còn tự cắt lưỡi, thậm chí tự vẫn. Nhẹ hơn thì đóng cửa giáo phái, tôn người thắng làm thầy. Trái lại, người chiến thắng chỉ dựa vào một lần biện kinh, tiếng tăm sẽ nổi như cồn, được mọi người sùng kính, sẽ có đông đảo tín đồ đến bái sư, người đó sẽ được quốc vương trọng vọng và ban thưởng hậu hĩnh, trở thành đại sư quyền lực. Trần Huyền Trang cũng từng nhiều lần giành chiến thắng trong các buổi biện kinh tại Tây Vực và Ấn Độ, danh tiếng lan xa khắp nơi. Nhưng tôi không phải là một phật tử, tôi chỉ vô tình rút trúng cây cờ trên khán đài. Tại sao tôi phải tuân theo quy tắc này?

Tôi thét lên:

- Bệ hạ, vậy thì ông ta có thể tranh luận với tôi bằng tiếng Hán hay không?

Quốc vương không nghe lời nói của tôi, chỉ liếc mắt ra lệnh cho đám lính. Ngay lập tức, bọn chúng bước tới lôi tôi ra ngoài. Kumalajibo lập tức cầu xin, nhưng không có tác dụng. Tôi quay đầu nhìn cậu ta với ánh mắt hàm ý nhờ sự giúp đỡ. Bởi giờ đây, chỉ có cậu ta mới có thể cứu được tôi!

Nhưng cậu ta hoàn toàn không hiểu ý tôi. Vì nhà vua hiểu được tiếng Hán, tôi chỉ còn cách mấp máp môi để nói:

- Kumalajibo, pháp khí vẫn còn đang trên người tôi...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro