Chương 130 - Gia đình Pusyseda

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sau ngần ấy năm, không biết Pusyseda ra sao? Năm ấy cậu ấy có thoát khỏi sự truy sát của Aksayamati hay không? Có được bình an trong thời cuộc loạn lạc này không? Hồi hộp bước tới cổng phủ quốc sư, tôi chợt thấy một binh sĩ người Khâu Từ đang đứng. May mà Đoàn Nghiệp có mang theo lệnh bài của quân đội Lữ Quang, nên binh lính Khâu Từ không dám gây khó dễ, đã vội vào trong thông báo.

Khuôn viên phủ đệ đã được quét vôi trang trí lại, tuy không tráng lệ nhưng rất tinh tế, tao nhã. Căn nhà khang trang như vậy, lại có cả lính giữ cổng, điều đó chứng tỏ sự lo lắng của tôi là thừa, chắc là Pusyseda đang sống rất thoải mái.

Trong thời gian chờ đợi, tôi thì thầm vào tai Đoàn Nghiệp:

- Hào quang xuất hiện ở Kiện Khang, nghiệp lớn sẽ thành ở Hà Tây. Đại nhân hãy ghi nhớ, không được tiết lộ thiên cơ, nếu không sẽ mất linh nghiệm.

Đó là kết quả chắt lọc từ quá trình suy nghĩ của tôi trên suốt đường đi, tuy không được văn hoa mượt mà cho lắm, nhưng bói toán là phải lấp lửng như vậy. Kiện Khang ám chỉ sau này Đoàn Nghiệp sẽ được phong làm Thái thú. Thái thú Kiện Khang, còn Hà Tây tức là hành lang Hà Tây, nơi sau này sẽ là vùng đất của nhà Bắc Lương mà Đoàn Nghiệp làm vua. Nhưng trong lúc này, chắc chắn anh ta sẽ nghĩ rằng Kiện Khang là địa bàn của nhà Đông Tấn, Hà Tây là một vùng đất chung chung, mơ hồ nào đó. Bài bói của tôi cũng khá đấy chứ, có thể xem như không hề tiết lộ lịch sử.

Thực ra, sau khi lên ngôi, Đoàn Nghiệp cũng chỉ sống thêm chưa đầy năm năm. Ông ta bị giết trong trận chiến với Thư Cử Mông Tốn, để rồi sau đó, Mông Tốn tự phong mình làm vua Bắc Lương. Đoàn Nghiệp qua đời ở tuổi bốn mươi. Nhưng tất nhiên, tôi không nói những điều này cho ông ta biết. Những câu chữ mà tôi sử dụng đều đã được chọn lọc kỹ lưỡng. Bởi vậy, lúc chào từ biệt tôi và ra về, niềm hân hoan rạng rỡ vẫn còn trên gương mặt Đoàn Nghiệp.

Người trong phủ bước ra, đó là Sukhala, vị quản gia năm nào. Ông đã trở nên già nua, lụ khụ lắm rồi! Ngước mắt nhìn tôi hồi lâu mà không sao nhớ nổi tên. Tôi mỉm cười hỏi ông Pusyseda có nhà không.

Ông đưa tôi vào nhà, nói rằng lão gia không ở trong phủ. Tôi che miệng cười, Pusyseda từ thiếu gia đã trở thành lão gia rồi.

Ông nói sẽ đi mời phu nhân. Phu nhân ư? Tôi sững sờ, nhưng hiểu ra ngay vấn đề. Pusyseda năm nay ba mươi hai tuổi, chắc chắn đã lập gia đình, không biết vợ cậu ấy là người như thế nào? Tôi ngắm nhìn mọi thứ xung quanh khi ngồi chờ ở phòng khách. Phủ quốc sư đã thay đổi rất nhiều so với hồi Kumarayana còn sống. Cách bài trí rất trang nhã, không quá cầu kỳ nhưng tinh tế, tỉ mỉ, cho thấy sự hiện diện rất rõ ràng của bàn tay phụ nữ.

Linh cảm có ai đó ở phía sau, tôi quay người lại và thấy một người phụ nữ đang nhìn tôi. Tuy dung mạo không quá mỹ miều, nhưng ở cô ấy toát lên nét dịu dàng, đoan trang. Cả hai chúng tôi đều sửng sốt, tôi chạy đến nắm lấy tay cô ấy, mừng rỡ:

- Hiểu Tuyên?! Là cô, cô gả cho Pusyseda sao, thật tốt quá!

Hiểu Tuyên hiện tại trông đầy đặn hơn trước. Với nét đẹp cổ điển của Hiểu Tuyên, nếu cô ấy khoác lên mình trang phục hiện đại của Bùi Doanh Doanh thì chắc chắn sẽ càng thêm tuyệt mỹ. Nhất định khi trở về tôi phải thuyết phục Doanh Doanh chụp một bổ ảnh cổ trang mới được.

Hiểu Tuyên như vẫn chưa tin vào mắt mình:

- Ngải Tình, tỷ, tại sao tỷ lại quay về? Tại sao dung mạo của tỷ lại chẳng hề thay đổi?

- Chuyện này để sau hẵng nói. Pusyseda đâu? Tôi có việc gấp, nhất định phải gặp cậu ấy.

Sắc mặt Hiểu Tuyên thoáng chốc thay đổi:

- Huynh ấy...huynh ấy không có ở đây...

Tôi đứng bật dậy, đi ra ngoài:

- Cậu ấy đang ở trong cung sao? Tôi sẽ đi tìm cậu ấy

Hiểu Tuyên ngăn tôi lại:

- Tỷ tỷ! Huynh ấy...huynh ấy hằng ngày vào buổi sáng phải xử lý công việc triểu chính đến tối mới quay về phủ. Chi bằng tỷ ở lại đây để đợi huynh ấy về.

- Tôi không thể đợi được nữa! Tôi muốn biết tình hình hiện tại của Rajiva.

Hiểu Tuyên sửng sốt:

- Tỷ là vì pháp sư mới quay lại?

- Tất nhiên. Bây giờ chàng đang gặp nạn, tôi phải đi giúp chàng.

- Làm sao tỷ biết pháp sư đang gặp nạn? Chuyện này chỉ có một vài người biết được thôi, ngay cả muội cũng là nhờ Pusyseda lén nói cho biết.

Tôi giật mình. Rajiva bị Lữ Quang ép buộc phá giới, chẳng lẽ đây là việc làm lén lút nên mới không dám công khai với mọi người?

Tôi ấp úng:

- Hiểu Tuyên, làm sao tôi không biết chuyện này quan trọng, nhưng điều cần thiết ngay lúc này chính là tôi phải biết tình hình hiện tại của Rajiva.

Không biết có phải là do tôi có ảo giác hay không, nhưng thái độ của cô ấy sau khi nghe tôi nói xong dường như có phần nhẹ nhõm:

- Tỷ tỷ, đừng vội. Nếu tỷ muốn gặp pháp sư, trước tiên phải tìm Pusyseda. Muội đã phái người vào cung để nhắn cho huynh ấy. Nếu huynh ấy biết tỷ quay lại, Pusyseda sẽ mau chóng quay về. Ngải Tình tỷ tỷ, hay là tỷ đi thay y phục trước đã.

Tôi nhìn xuống y phục của mình, toàn là vết máu, không những vậy lại bốc mùi hôi thối. Cũng đúng, kể từ khi quay lại nơi đây, tôi vẫn chưa có một giây phút nào nghỉ ngơi để xem xét tình trạng của bản thân mình. Tôi gật đầu rồi đi theo Hiểu Tuyên về phòng.

Vì vóc dáng của tôi và Hiểu Tuyên giống nhau nên tôi đã lấy y phục của cô ấy. Còn bộ y phục ban nãy, sau khi thay ra, tôi liền sai nha hoàn trong phủ đem chúng đi đốt. Nhìn khắp căn phòng một lượt, mọi thứ vẫn như cũ, ngay cả cuốn vở tập viết của Pusyseda cũng vẫn được đặt tại vị trí đầu giường như trước. Chỉ là năm tháng phôi phai, quyển sổ giờ đây cũng đã ố vàng, nét chữ xiêu vẹo cũng đã nhòe đi theo thời gian.

- Là pháp sư đã căn dặn người hầu trong nhà hằng ngày đều phải đến đây quét dọn, để đợi ngày tỷ tỷ quay trở về.

Tôi xoay người lại, Hiểu Tuyên đang đứng sau lưng, cẩn thận nhìn vào mắt tôi:

- Mỗi lần pháp sư trở về nhà, đều cầm lấy bức chức dung của tỷ và ngồi thiền ở đây rất lâu

Cứ nghĩ đến bóng dáng cao gầy đơn độc ấy, lòng tôi lại dấy lên nỗi xúc động. Nước mắt chực tuôn rơi, tôi nắm lấy tay Hiểu Tuyên:

- Hiểu Tuyên, nói cho tôi biết, mười năm trước sau khi tôi rời đi đã xảy ra những chuyện gì?

- Đã xảy ra rất nhiều chuyện...

Cô ấy và tôi cùng ngồi xuống giường và nói:

- Sau khi muội và Pusyseda ra khỏi hang động, Aksayamati liền dẫn người đến và giết lão ăn xin.

Lão ăn xin mù năm đó tuy đã từng muốn hại chúng tôi, nhưng sau nhiều năm, cũng chính ông ấy đã cứu chúng tôi. Tuy nhiên, tôi đã không còn cơ hội để nói lời cảm ơn đến lão nữa rồi.

- Công chúa muốn giết muội và Pusyseda để bịt miệng. Pusyseda vẫn luôn bảo vệ cho muội, nhưng vốn dĩ huynh ấy không chống lại nổi đám người kia. Thật không dễ gì thoát khỏi đám cháy, nhưng lại không thoát được sự truy sát này. Những tưởng bọn muội đã phải bỏ mạng tại nơi đó, trong lúc đang tuyệt vọng thì không ngờ pháp sư lại xuất hiện. 

Hiểu Tuyên còn kể với tôi rằng Rajiva đã thét lên tên tôi rất lớn trước đám cháy. Sau đó, chàng còn tát Aksayamati một cái và nói rằng đời này kiếp này sẽ không bao giờ tha thứ cho cô ta. Bạch Thuần cũng dẫn Côn Sa đến ngay sau đó. Trước mặt rất nhiều người, Aksayamati đã trách mắng cha mình và nói rằng cô ta sẽ không bao giờ chấp nhận hy sinh thân mình vì ông ấy.

Rajiva sau đó quay về phủ Quốc sư và ngồi trong phòng này ba ngày. Ngay cả khi sư phụ Bandhudatta đến đây, nhưng Rajiva vẫn nhất mực không chịu buông bỏ ý niệm về tôi nên đã làm cho sư phụ Bandhudatta tức giận và cắt đứt quan hệ thầy trò với Rajiva.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro