NGÀNH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

PHÂN TÍCH NGÀNH SẢN XUẤT RƯỢU VIỆT NAM

I.       Tổng quan về ngành sản xuất rượu Việt Nam

Ngành sản xuất rượu ở Việt Nam có quá trình phát triển từ khá lâu, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Song đặc biệt 10 năm trở lại đây, do chính sách đổi mới, mở cửa của Nhà nước ta; đời sống của các tầng lớp dân cư đã có những bước cải thiện quan trọng; lượng khách du lịch, các nhà kinh doanh, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh đã thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất Rượu Việt Nam.

Ngành rượu được coi như là ngành thiếu sức cạnh tranh hiện nay do thiếu hẳn các sản phẩm cao cấp, thị trường chính vẫn là thị trường nội địa.

1.      Định nghĩa ngành và sản phẩm trong ngành

Ngành sản xuất rượu là ngành gồm các nhà sản xuất, tổ chức chuyên sản xuất và cung cấp rượu.

Trong đó, rượu là sản phẩm được sản xuất từ nguồn nguyên liệu là thực phẩm, được ủ với men rượu và chưng cất theo phương pháp dân gian hay công nghiệp.

Rượu có rất nhiều loại mùi vị, tính chất khác nhau. Tuy nhiên tất cả các thứ rượu đều có một thành phần chung, đó là cồn (alcohol).

-         Theo công nghệ sản xuất, rượu được phân loại như sau:

+ Rượu lên men thuần túy : Rượu được lên men từ các nguyên liệu có chứa đường và tinh bột và đều có nồng độ thấp. VD : Rượu vang, rượu táo cider, saké, cơm rượu,…

+ Rượu cất : cũng dùng những nguyên liệu chứa đường và tinh bột, nhưng sau khi lên men đem cất lại. Rượu cất là thứ rượu nặng, ví dụ như : Brandy, Whisky, Rhum, và Vodka.

+ Rượu pha chế : Còn gọi là “Rượu tái chế” Đó là thứ rượu lên men hoặc rượu cất có pha thêm đường, hương liệu, dược liệu…Trong nhóm này có các thứ rượu bổ, rượu sâm, Liqueur, cocktail..

-         Theo nồng độ rượu (cơ sở để tính thuế tiêu thụ đặc biệt hiện nay), rượu được phân loại như sau:

 + Rượu có nồng độ cồn dưới 20 độ.

+ Rượu có nồng độ cồn từ 20-40 độ.

+ Rượu có nồng độ cồn trên 40 độ.

2.      Mô tả sơ bộ đặc điểm ngành:

Tính đến năm 2010, cả nước có hơn 22 tỉnh thành phố có doanh nghiệp sản xuất rượu, với công suất 103 triệu lít/năm. Các cơ sở sản xuất rượu chủ yếu tập trung ở Hà Nội, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Bảng I.2: Số lượng các doanh nghiệp sản xuất trong ngành Bia – Rượu – Nước giải khát phân theo chuyên ngành

Theo điều tra của nhóm nghiên cứu IPSI năm 2008, trong từng vùng, năng lực sản xuất tập trung chủ yếu ở các thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, các cơ sở sản xuất rượu thường tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Thị trường rượu hiện nay chủ yếu tập trung vào các loại như sản phẩm rượu Vodka, rượu rum, rượu hoa quả, rượu vang, champagne và các loại rượu có độ cồn cao và rượu ngoại cao cấp. Trong đó, sản phẩm rượu có nồng độ cồn từ 20-40% các loại chiếm hơn 85% doanh thu của toàn ngành (Nguồn:TVSI— Research Department)

vCác nguồn cung ứng rượu:

ü  Rượu nhân dân tự sản xuất và kinh doanh

Rượu này được nấu theo phương pháp thủ công đã tồn tai từ lâu đời và hiện nay người dân vẫn nấu để uống hoặc bán. Các điểm sản xuất năm rải rác ở các làng bản trên toàn quốc nên chính phủ không kiểm soát và thu thuế được.

Theo khảo sát ở làng Vân- Bắc Ninh, làng có 800 hộ gia đình, mỗi ngày họ nấu khoảng 50 kg sắn và tính sơ bộ một năm có thể sản xuất ra được 12 triệu lít rượu. Cứ mỗi tỉnh một làng thì khoảng 50 tỉnh có 50 làng ta có lượng rượu sản xuất được là 600 triệu lít/năm (số liệu năm 2005)

ü  Rượu do các công ty  của Nhà nước sản xuất

Có 2 nhà máy có công suất lớn nhất hiện nay là Công ty Rượu-Cồn Hà Nội tại Hà Nội và Công ty Rượu Bình Tây tại TP HCM có chất lượng sản phẩm ổn định. Hai công ty này đã sản xuất hơn 1497 triệu lít rượu, cồn; chiếm khoảng 18% sản lượng cả nước.(số liệu năm 2005)

ü  Rượu do các ty tư nhân sản xuất :

Đặc điểm các công ty này là thường sản xuất theo hướng chuyên môn hóa một mặt hàng rượu nào đó. Họ hay đi theo hướng chuyên môn hóa sản xuất rượu đặc sản. Một số công ty điển hình như công ty TNHH Cẩm Việt chuyên sản xuất rượu Cẩm, công ty  TNHH Hoàng Long chuyên sản xuất rượu vang.

ü  Rượu từ các công ty liên doanh 100% vốn nước ngoài

+Công ty rượu Sake ở Thừa Thiên Huế với công suất 500.000l/năm

+Công ty rượu sâm banh Matcova Đồng Nai có công suất 3.775.000l/năm

+Xí nghiệp Napoleon thành phố Hồ Chí Minh có công xuất 450.000l/năm

+Công ty Allier Domcop (Ninh Thuận) công suất 450.000l/năm

+Công ty Hiram Walker Bình Tây (Hồ Chí Minh ) công suất 2.775.000l/năm

+Công ty liên doanh rượu Việt Pháp (Hà Nội) công suất 1.200.00l/năm

+Công ty rượu ênin Beverage Hà Nội công  suất 2.500.000l/năm

+Công ty hữu hạn rượu hữu nghị Việt Trung (Nam Hà) công suất 1.200.000l/năm

ü  Rượu nhập khẩu :

Rượu nhập khẩu vào thị trường Việt Nam gồm các nguồn sau :

+ Bằng các trốn sự kiểm soát của cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường (gọi là nhập lậu) qua các cửa khẩu.

+ Bằng con đường nhập phi mậu dịch: Do các công ty xuất nhập khẩu của Việt Nam  nhập rượu từ nước ngoàI về Việt Nam bán kiếm lời, hoặc người Việt Nam đI nước ngoàI mang về

+ Rượu nhập mậu dịch: Đó là nguồn rượu của các nước nổi tiếng như : Anh, Pháp, Nga , Trung Quốc... do các công ty kinh doanh thương mại của nước ta nhập về bán kiếm lời hoặc do một vài công ty liên doanh với nước ngoài sản xuất loại rượu trên. Điểm mạnh của rượu này là chất lượng đặc biệt tốt, là hương vị thơm ngon, đa dạng, có uy tín trên thị trường thế giới

Các loại rượu ngoại nhập vào nước ta ngày càng nhiều, ước tính giá trị hàng hóa hàng trăm triệu USD.

3.      Chọn phạm vi nghiên cứu

-         Giới hạn phân tích trong ngành: chỉ phân tích các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu Việt hoặc sản xuất kinh doanh rượu nhập ngoại theo quy định của pháp luật Việt Nam

-         Thời gian phân tích: từ 2000-2010

II.      Phân tích sự thay đổi môi trường

1.      Môi trường toàn cầu

Quá trình toàn cầu hóa: 4 vị trí dẫn đầu về sản lượng rượu vang trong giai đoạn 2000-2006 vẫn thuộc về Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Mỹ. Tuy nhiên sản lượng rượu của Pháp đang ngày càng giảm dần và đến năm 2006, vị trí dẫn đầu của Pháp đã thuộc về Ý. Úc và Trung Quốc là những quốc gia trong những năm gần đây luôn có sự tăng trưởng cao về sản lượng rượu với mức tăng bình quân trong giai đoạn 2000-2006 lần lượt là 8,6%/năm và 25,2%/năm, hứa hẹn cũng là một đối thủ tiềm năng. Quá trình toàn cầu hóa diễn ra là cơ hội để các công ty lớn này xâm nhập, cạnh tranh ồ ạt với các ngành sản xuất nội địa ở các quốc gia với trình độ công nghệ sản xuất yếu hơn trong đó có Việt Nam.

Tuy vậy, theo các tổ chức nghiên cứu về xu thế tiêu thụ bia, rượu trên thế giới, lượng tiêu thụ rượu của các nước đang phát triển đang và sẽ tiếp tục tăng trưởng liên tục trong thời gian tới. Trong đó, các nước đang phát triển ở khu vực châu Á- thị trường gần Việt Nam- có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất. Do đó, quá trình toàn cầu hóa cũng mở ra nhiều thị trường tiêu thụ mới cho ngành sản xuất rượu Việt Nam.

2.      Môi trường kinh tế

Tại Việt Nam, theo niên giám thống kê, mức tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2001-2010 đạt khoảng 7,5% %. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, thu nhập của người dân tăng khiến cho việc chi tiêu thoải mái hơn trong đó có việc tiêu dùng sản phẩm rượu.

Bảng II.2.1: GDP bình quân trên đầu người của Việt Nam (USD)

Cơ hội: Sự tăng trưởng của nền kinh tế cũng như mức sống người dân là 2 yếu tố góp phần thúc đẩy gia tăng tiêu dùng trong đó có rượu. Nhu cầu sản phẩm rượu tăng tạo điều kiện cho các công ty trong ngành kinh doanh buôn bán cạnh tranh.

3.      Môi trường công nghệ

Công nghệ và các yếu tố đầu vào được xem là yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng, đặc trưng của sản phẩm.

Theo báo cáo nghiên cứu “Đánh giá trình độ công nghệ ngành sản xuất cồn rượu Việt Nam” của Bộ Công nghiệp thì trình độ công nghệ chung của ngành sản xuất cồn rượu ở mức thấp so với thế giới. Báo cáo sử dụng phương pháp ATLAS công nghệ để đánh giá, kết quả hàm lượng công nghệ gia tăng bình quân toàn ngành là ATCA = 0,314 (trong khi giá trị ứng với trình độ công nghệ tốt nhất thế giới là 1). Đối với rượu sản xuất thủ công thì công nghệ và thiết bị còn đơn giản và lạc hậu hơn nữa.

Tác động: Giai đoạn 2005-2010 cho thấy rõ nhất tác động của công nghệ đến ngành sản xuất rượu Việt khi các công ty có quy mô nhỏ và theo phương pháp thủ công hoàn toàn bị vượt mặt và mất ưu thế so với những công ty có sự cập nhật và đầu tư quy mô lớn cho công nghệ chuẩn quốc tế.

4.      Môi trường văn hóa xã hội

-         Thói quen tiêu dùng thay đổi: Mức sống ngày càng được cải thiện  đã kéo theo thay đổi trong thói quen tiêu dùng của họ. Ở nông thôn, người dân đã chuyển từ uống rượu tự nấu sang uống bia. Ở thành thị, với mức sống cao hơn, một số bộ phần người tiêu dùng chuyển từ uống bia sang uống rượu vang, rượu mạnh.

Thói quen người tiêu dùng cũng thay đổi theo hướng đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao hơn, đa dạng hơn.

Tác động:

Việc đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn của người tiêu dùng sẽ là đe dọa đối với các cơ sở, các công ty với kĩ thuật, công nghệ chế biến còn lạc hậu, thiếu sức cạnh tranh đồng thời là cơ hội

5.      Môi trường chính trị luật pháp

Việc thay đổi chính sách của nhà nước trong điều kiện cải cách kinh tế và điều chỉnh chính sách cho phù hợp với nền kinh tế thị trường đã tác động lớn đến ngành sản xuất rượu Việt Nam. Cụ thể:

-         Chính sách thuế: Nhà nước đã điều chỉnh tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng bia, rượu sản xuất trong nước. Theo đó với rượu từ 20 độ trở lên, từ ngày 1/1/2010 đến hết ngày 31/12/2012, áp dụng thuế suất 45%. Từ ngày 1/1/2013, thuế suất được nâng lên là 50%. Đối với rượu dưới 20 độ, từ ngày 1/1/2010, áp dụng thuế suất 25%  

Tác động:

Cơ hội: Việc đánh thuế cao cũng là một hình thức hạn chế sự “nhảy vào” của các doanh nghiệp nước ngoài với các sản phẩm chất lượng, khả năng cạnh tranh cao so với các doanh nghiệp sản xuất rượu Việt Nam.

Đe dọa:Việc tăng thuế suất đã đẩy giá lên cao, dự báo sẽ gây khó khăn trong việc tiêu thụ mặt hàng này trong tương lai.

-      Chính sách mở cửa thị trường: Tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và đặc biệt với việc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã đưa đến nhiều cơ hội và thách thức đối với ngành rượu Việt Nam.

Cụ thể, theo cam kết khi gia nhập WTO, những hỗ trợ cho ngành từ Nhà nước sẽ giảm xuống. Việt Nam phải thực hiện những cam kết với quốc tế để giảm thuế nhập khẩu, dở bỏ các rào cản thương mại. Với việc thực hiện cam kết như trên, Việt Nam sẽ mở cửa thị trường của các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát cho các tập đoàn bia, rượu, nước giải khát trên thế giới.

Tương tự, tham gia AFTA, theo lộ trình cắt giảm thuế thì năm 2006, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế hoàn toàn sản phẩm rượu- chậm hơn 3 năm so với các quốc gia khác trong khu vực.

Tác động:

Cơ hội: Cơ hội mà hội nhập mang lại cho các ngành kinh tế nói chung và ngành rượu nói riêng đó là sự mở cửa thị trường các nước, tự do hóa thương mại, không bị phân biệt đối xử; thuế nhập khẩu vào các nước thành viên của WTO sẽ được giảm đáng kể, tăng khả năng xuất nhập khẩu cho sản phẩm, nguyên liệu của ngành.

-      Đe dọa: Việc mở cửa thị trường trong nước thông qua việc xóa bỏ rào cản trong việc nhập khẩu hàng hóa đã gia tăng việc nhập khẩu các mặt hàng nói chung và mặt hàng rượu nói riêng, khiến thị trường rượu ngoại ở Việt Nam càng trở nên sôi động, các công ty sản xuất rượu Việt Nam xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh hơn. Cụ thể như việc giảm thuế nhập khẩu từ 80% xuống 65% (giai đoạn 2 trong tiến trình cắt giảm thuế) cho các sản phẩm xuất xứ EU và một số nước khác, thương hiệu rượu vang Pháp, Ý vốn đang chiếm lĩnh thị trường rượu vang Việt Nam phải nhường bớt thị phần cho các sản phẩm của Chi Lê, Australia, và càng khiến cho rượu nội trở nên “lép vế”.

6.      Kết luận về nhân tố tác động mạnh nhất

Từ việc phân tích môi trường bên ngoài có thể thấy các yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đối với việc sản xuất rượu trong ngành gồm:

-         Thứ nhất, môi trường chính trị pháp luật: bởi ngành rượu hiện là ngành đang bị chi phối, định hướng của chính phủ.

-         Thứ 2, môi trường công nghệ với những cải tiến vượt trội sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành và đễn đến sự dẫn dắt xu hướng trong ngành.

-         Thứ 3, quá trình toàn cầu hóa, mở cửa hội nhập sẽ khiến các doanh nghiệp trong ngành sản xuất rượu Việt Nam đối đầu với nhiều đối thủ cạnh tranh hơn.

-         Cuối cùng, môi trường kinh tế, tác động đến mức sống người dân, làm tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trong ngành.

III.      Phân tích ngành

1.         Phân tích tính hấp dẫn của ngành

a.   Mô hình năm lực lượng cạnh tranh

·     Các đối thủ cạnh tranh tiềm tàng:

Những đối thủ tiềm tàng của các doanh nghiệp sản xuất rượu  có thể là các doanh nghiệp chưa gia nhập ngành nhưng muốn vượt qua rào cản để nhập ngành, hoặc là các doanh nghiệp mới nhập ngành với năng lực sản xuất còn yếu nhưng tiềm ẩn một sự khác biệt lớn về sản phẩm. Ít có khả năng đối thủ tiềm tàng là các doanh nghiệp hiện đang sản xuất bia và nước giải khát là hoạt động chính vì cơ sở vật chất, thiết bị, kĩ thuật và yêu cầu chuyên môn của sản phẩm vang hoàn toàn có sự khác biệt với các sản phẩm thức uống khác. Để gia nhập ngành, các đối thủ tiềm tàng phải vượt qua rào cản nhập ngành khá cao:

Thứ nhất, xét về sự trung thành nhãn hiệu: phải mất gần 15 năm (đối với công ty CP Vang Thăng Long) và 10 năm (đối với Cty CP thực phẩm Lâm Đồng) để có thể định vị tương đối 2 thương hiệu vang Thăng Long và vang Đà Lạt trong tâm trí người Việt. Trong tình cảnh vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các hãng rượu ngoại, việc chen chân tìm chỗ đứng trong lòng khách hàng thực sự là điều khó. Khi đã có vị trí trong tâm trí khách hàng, các công ty này đã tạo được sự tin tưởng và lòng trung thành nhãn hiệu rất cao từ những khách hàng của mình. Điều này không dễ gì có thể bị thay đổi bởi các đối thủ tiềm tàng.

Thứ hai, muốn có các sản phẩm chất lượng cao, chi phí nhập cuộc là khá lớn. Các công ty muốn gia nhập không những phải đầu tư quy mô rất lớn vào tài sản cố định để mua bể, hầm, các dây chuyền sản xuất, các thiết bị hiện đại khác liên quan mà còn phải đầu tư vào con người, vào các năng lực sản xuất chuyên môn khác.

Thứ ba, dù mới đây có các chính sách khuyến khích phát triển và giảm nhẹ mức thuế, tuy nhiên, rượu vẫn là mặt hàng nằm trong nhóm hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Điều này ít nhiều dẫn đến sự hạn chế về khả năng tiêu thụ.

Thứ tư, hiện nay ngành đang ở giai đoạn tăng trưởng, các công ty trong ngành đã có những bước phát triển khá cao và đạt được tính kinh tế theo quy mô như CTCP Thăng Long, CTCP Bình Tây... Tính kinh tế theo quy mô cũng là một rào cản lớn buộc các đối thủ muốn tham gia phải có quy mô lớn và chấp nhận mạo hiểm.

èRào cản nhập ngành cao

·        Cạnh tranh giữa các đối thủ trong ngành: cao

Thị trường rượu Việt Nam hiện nay đang diễn ra sôi nổi và có sự cạnh tranh gay gắt của nhiều nhà cung cấp trong và ngoài nước.

Bảng II.1a: Thị phần 5 công ty lớn trong ngành rượu Việt Nam (năm 2007)

Tên công ty

Thị phần theo DT

Rượu Việt Pháp

3.1

Vang hữu nghị

2.27

Rượu quốc tế

10

Công ty thực phẩm Lâm Đồng

7.45

Rượu Hà Nội

13,5

Rượu Bình Tây

12,5

Cơ sở Sản xuất  319 Bộ Quốc phòng

3.76

Công ty phát triển CN Châu Âu

2.09

Công ty cổ phần Thăng Long

10,2

(Nguồn: Bảng khảo sát của công ty cổ phần Thăng Long về đối thủ cạnh tranh)

Chỉ số tập trung: CR9= 64.84

Từ đó ta thấy 9 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất ngành chỉ chiếm khoảng 64.84% tỉ trọng doanh thu của ngành. Theo đó, ngành sản xuất rượu là một ngành có cấu trúc phân tán. Với cấu trúc ngành như vậy, tiềm ẩn trong ngành đe dọa một cuộc chiến tranh về giá. Đơn cử như đối với sản phẩm rượu vang, cùng với sự cạnh tranh quyết liệt với các thương hiệu vang ngoại, cuộc chiến giá đã diễn ra rất khốc liệt trong những năm 2000-2007, tới mức một chai vang thường đã được bán với giá dưới hai chục ngàn đồng.

·        Năng lực thương lượng của người mua: cao

Khả năng thương lượng của người mua trong ngành nước giải khát được tách biệt đối với hai đối tượng khách hàng đó là:

+ Người tiêu dùng cuối cùng : cao

Hiện nay, khách hàng tiêu dùng có thể dễ dàng tìm thấy nhiều loại rượu cũng như sản phẩm thay thế khác nhau ở khắp mọi nơi trên thị trường. Nguồn cung nhiều, sản phẩm cũng khá đa dạng từ mẫu mã đến giá cả nên khách hàng luôn có thể lựa chọn sản phẩm của công ty này thay vì của công ty khác nhau. Vì thế, họ thúc đẩy các công ty trong ngành cạnh tranh lẫn nhau, thúc ép giảm giá, nâng cao chất lượng sản phẩm

+ Nhà bán lại ( bán lẻ, bán buôn) : cao

Các sản phẩm rượu ví dụ như vang sản xuất đúng chuẩn ít tạo ra sự khác biệt nên các đại lí phân phối có thể dễ dàng tìm kiếm các sản phẩm thay thế hoặc các nhà cung cấp khác. Hơn nữa, các khách hàng là đại lí của các doanh nghiệp phần lớn là các công ty thương mại nên có đầy đủ các thông tin về nhu cầu giá cả trên thị trường, thậm chí cả giá thành sản phẩm của các công ty trong ngành. Do đó, họ có năng lực thương lượng cao; có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách giá, đòi hỏi bán giá thấp để chia sẻ lợi nhuận với các công ty.

·        Năng lực thương lượng của nhà cung cấp: cao

Các công ty trong ngành thu mua nguyên liệu đầu vào (trái cây các loại lấy nước cốt, tinh bột, rỉ đường..) từ nhiều nguồn khác nhau. Các nguồn này tuy phong phú đa dạng nhưng lại phát triển phân tán, chưa có khu vực chuyên canh tập trung. Do vậy, giá bán nguyên liệu tương đối cao. Người cung ứng nếu ý thức được thế lực của mình sẽ có thể gây sức ép cho các công ty trong ngành. Năng lực người bán trong ngành sản xuất rượu theo như nhận định trên là tương đối cao. Để giảm bớt năng lực này của người bán, các công ty đã đầu tư và hình thành những vùng chuyên canh cho mình hoặc tìm nguồn cung ứng với giá rẻ (như vùng chuyên canh Ninh Thuận)

·        Các sản phẩm thay thế: thấp

Nguyên nhân con người uống rượu có thể chia thành 2 nhóm chính: (1) những nguyên nhân về xã hội như giao tiếp về công việc, cuộc sống (2) thói quen cá nhân hay tâm lý như buồn, vui, muốn thể hiện đẳng cấp..Vì vậy, những sản phẩm nào thỏa mãn được những nhu cầu trên đều là sản phẩm thay thế của rượu.

Có thể thấy sản phẩm thay thế gần nhất là bia. Xu thế sử dụng bia ở Việt Nam vào giai đoạn 2000-2006 rất thịnh hành. Trong mấy năm gần đây còn có thêm xu hướng sử dụng các loại nước hoa quả, trái cây để giải khát lúc trò chuyện. Những sản phẩm giải khát dinh dưỡng cũng phát triển khá nhanh.

Tuy vậy, do khẩu vị của mỗi cá nhân cũng tương đối khác nhau, cũng như ảnh hưởng sự tác động của các yếu tố môi trường bên ngoài đã phân tích trên thì khả năng thay thế rượu, đặc biệt là các dòng rượu trung và cao cấp trong giai đoạn hiện nay là thấp. Đơn cử như mặt hàng rượu vang, trước đây tâm lí của người dân là ngại sử dụng sản phẩm này vì họ coi nó như những mặt hàng xa xỉ (có chai lên đến hàng chục triệu đồng), chỉ dùng ở những nơi sang trọng, cho tầng lớp thượng lưu. Bây giờ, với mức sống ngày một tăng, rượu vang đã lên ngôi bởi nó mang lại những trải nghiệm mới mẻ, một thứ thể hiện đẳng cấp cho người tiêu dùng.

* Tóm tắt mô hình:

Các lực lượng cạnh tranh

Đe dọa

Đối thủ cạnh tranh tiềm tàng

Thấp

Các đối thủ trong ngành

Cao

Năng lực thương lượng của người mua

Cao

Năng lực thương lượng của nhà cung cấp

Cao

Các sản phâm thay thế

Thấp

èCó thể thấy ngành sản xuất rượu Việt Nam hiện nay là ngành hấp dẫn đối với các doanh nghiệp trong ngành.

b.      Nhóm chiến lược

vĐặc tính phân biệt:

+ Tập trung cải tiến chất lượng sản phẩm (thấp, trung bình, cao)

+ Định giá (thấp, trung bình, cao)

+ Đầu tư vào cải tiến chất lượng sản phẩm (thấp, trung bình, cao)

vKết hợp các cặp biến/đặc tính ta có các bản đồ sau:

ü  Bản đồ 1: Gồm 2 biến: Tập trung cải tiến chất lượng sản phẩm và giá sản phẩm được phân làm 3 nhóm chiến lược khá rõ nét.

+ Nhóm 1: gồm các công ty tập trung đầu tư lớn vào công nghệ để cải tiến chất lượng sản phẩm đồng thời xác định mức giá thấp trên thị trường. Các công ty coi chất lượng là vũ khí của họ với nhiều hệ thống quản lí theo tiêu chuẩn ISO 9002 và vừa qua là tiêu chuẩn quản lí chất lượng ISO 9001. Điều này giúp đảm bảo quản lí chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Các công ty trong nhóm chiến lược này gồm Công ty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (HALICO), vang Thăng Long, vang Đà Lạt, rượu Bình Tây...

+ Nhóm 2: gồm các công ty chất lượng sản phẩm không caođịnh giá thấp. Họ thu hút khách hàng bằng vào hương vị, mẫu mã lạ mắt, mức giá rẻ, giao động từ 25000-50000VND. Đây là các hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ, các công ty nhỏ như Rượu Anh Đào, TNHH Sake, rượu Ong..

+ Nhóm 3: gồm các công ty tập trung vào chất lượng cao cũng như mức định giá cũng cao. Đối tượng khách hàng chính của các công ty này thường là các đối tượng có mức am hiểu về rượu và tiêu dùng rượu, thể hiện đẳng cấp của mình. Nhóm này gồm các công ty như: Công ty Rượu Việt Pháp, Công ty phát triển công nghệ Châu Âu.

ü  Bản đồ 2: Gồm 2 biến: Tập trung đa dạng hóa sản phẩm và định giá sản phẩm.

+ Nhóm 1: gồm các công ty sản xuất nhiều loại sản phẩm, nhãn hiệu khác nhau để nâng cao cơ hội lựa chọn các sản phẩm của công ty với mức định giá sản phẩm thấp như: CTCP rượu Hà Nội, CTCP rượu Bình Tây

+ Nhóm 2: gồm các công ty chỉ tập trung chuyên môn hóa để sản xuất một loại sản phẩm duy nhất và định mức giá thấp gồm: Công ty rượu Sake, Công ty Allier Domcop

c.      Trạng thái của ngành:

Từ 2000-2010, ngành sản xuất rượu đang trong giai đoạn tăng trưởng.

Bảng III.1c.1 Giá trị sản xuất của ngành  rượu  giai đoạn 2000-2010

Từ số liệu trên có thể thấy, sau 9 năm, giá trị sản xuất ngành rượu tăng hơn gấp 3 (từ 505 tỷ năm 2000- 1642 tỷ năm 2009). Đặc biệt trong năm 2006 giá trị sản xuất tăng đáng kể, đạt 1.351 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với năm 2005.

Thực tế, nhu cầu về rượu cũng tăng khá nhanh trong giai đoạn này. Mức tiêu thụ rượu năm 2010 là 1.6lít/người/năm, tăng 61% so với năm 2005, với  mức tăng bình quân hằng năm là 12%.

Mặt khác, sự bùng nổ của các thương hiệu rượu ngoại nhập khẩu, cũng như rượu giả. Sự xuất hiện tràn lan các sản phẩm rượu Việt giả trên thị trường cho thấy đây đang là những nhãn hiệu sinh lợi và có nhu cầu lớn trong thời gian này.

2.      Lực lượng dẫn dắt

-         Thay đổi về quy định và chính sách của chính phủ: Như phân tích ở môi trường bên ngoài, rượu là một ngành chịu sự chi phối rất nhiều của nhà nước. Một sự mở cửa, giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cũng gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trong.

-         Quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng đã thúc đẩy các công ty nước ngoài gia nhập vào thị trường Việt Nam, khiến cho mức độ cạnh tranh trong ngành sẽ trở nên càng gay gắt hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài khi xâm nhập vào Việt Nam đều là các công ty lớn, có năng lực, thương hiệu, mức độ uy tín cao trong khi các doanh nghiệp Việt Nam còn khá non yếu, rất dễ bị đè bẹp. Đây là nguy cơ lớn cho các doanh nghiệp rượu Việt Nam.

-         Sự thay đổi về công nghệ: Như đã đề cập ở trên, công nghệ là yếu tố vô cùng cần thiết trong ngành sản xuất rượu. Một doanh nghiệp nắm trong tay bí quyết công nghệ tốt sẽ trở thành người dẫn đầu thị trường bởi khả năng tạo ra sản phẩm mới với chất lượng cao, chi phí thấp và hương vị đặc biệt,

-         Các thay đổi về người mua sản phẩm. Như phân tích trên, quyền lực người mua trong ngành giai đoạn này là cao. Với sự thay đổi nhu cầu không ngừng đó buộc các công ty trong ngành phải nắm bắt kịp thời, phải có năng lực chuyển đổi các dòng rượu theo thị hiếu. Cạnh tranh trong ngành trở nên mạnh mẽ và căng thẳng hơn nếu người tiêu dùng có hiểu biết sâu rộng hơn để có sự so sánh các dòng rượu khác nhau. Không những vậy, các công ty trong ngành còn chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn rất nhiều từ các nhãn hiệu rượu ngoại. Bất kì sự thay đổi nào trong thị hiếu người tiêu dùng cũng có thể thiêu rụi một công ty sản xuất rượu ít tên tuổi và kém năng lực sản xuất trong ngành.

3.      Động thái đối thủ

2 công ty có thị phần lớn nhất trong thời gian này là công ty Rượu Hà Nội và Rượu Bình Tây (Sabeco)

Đây là hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp nhau qua hai yếu tố chất lượng và mức độ đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, Cty Rượu Bình Tây hoạt động khá mạnh ở thị trường miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn trong khi thị trường chủ lực của Cty rượu Hà Nội là miền Bắc tuy vậy, trong tương lai, với tiềm lực mạnh mẽ và kinh nghiệm trên thị trường, hai công ty sẽ là đối thủ rất đáng gờm của nhau.

Các công ty trong ngành hiện nay đang bị đe dọa bởi nguy cơ chiếm lĩnh thị trường của công ty nước ngoài. Xu hướng tăng tỷ lệ sở hữu trong các công ty liên doanh dự đoán sẽ tiếp tục được các công ty nước ngoài phát huy trong tương lại nhằm tận dụng những ưu thế sẵn có của các công ty nội địa như hệ thống phân phối và sự thông thạo thị trường nội địa. Các công ty nội địa với quy mô nhỏ sẽ phải đối mặt với xu hướng bị thâu tóm bởi cả các công ty nước ngoài và các công ty nội địa với quy mô lớn như Sabeco và Habeco

4.      Nhân tố then chốt

Có 2 nhân tố được coi là tác động mạnh nhất tới khả năng thành đạt trên thị trường của các công ty trong ngành:

-         Việc sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất. Tình hình rượu giả với chất lượng thấp và rượu ngoại với chất lượng cao đang đe doạ như hiện nay, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất rượu Việt phải vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm vừa duy trì mức chi phí thấp để tạo ra các mức giá linh hoạt cho khách hàng. Không những vậy, các doanh nghiệp trong ngành phải đầu tư và liên tục cập nhật những đổi mới về công nghệ cho các công cụ, thiết bị, nhà xưởng của mình để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm đúng chuẩn thế giới; giảm thiểu những bất lợi, yếu thế về thời tiết và nguồn nguyên liệu; có nền tảng cho sự đa dạng hóa các dòng rượu của mình. Vì vậy, việc sử dụng hiệu quả năng lực sản xuất sẽ là một yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp trong ngành.

-         Khả năng thiết lập và duy trì hiệu quả hệ thống phân phối. Trong môi trường mà nguồn cung đa dạng với rất nhiều đối thủ cạnh tranh như thế này, một hệ thống phân phối tốt sẽ tăng khả năng tiếp cận khách hàng cho doanh nghiệp.

5.      Kết luận

Hiện nay, sản xuất rượu đang trong thời kì đầu của giai đoạn tăng trưởng mạnh. Tiềm năng của ngành trong tương lai là rất lớn nhưng cho tới bây giờ mức phát triển và lợi ích thu được chưa tương xứng với tiềm năng này. Đồng thời, dù được hỗ trợ, được chính phủ định hướng sẽ trở thành ngành kinh tế nhưng thực chất ngành sản xuất rượu Việt vẫn chưa được quan tâm đúng mức và vẫn còn yếu thế so với các loại rượu nhập khẩu.

Theo ý kiến cá nhân, nếu nhìn nhận trong dài hạn từ các công ty muốn gia nhập ngành thì đây là một ngành không mấy hấp dẫn. Dù mức sinh lợi của ngành cao nhưng rào cản nhập ngành quá lớn và sức ép từ môi trường bên ngoài lên ngành là tương đối cao. Tuy vậy, đối với các công ty trong ngành, đây lại là một ngành hấp dẫn. Rào cản di động giữa các ngành là cao khiến các công ty ổn định với vị thế của mình. Đặc biệt là đối với những công ty đã định vị được sản phẩm trong lòng khách hàng và tạo dựng được mạng lưới phân phối bền vững, ngành sản xuất rượu là một kho báu hấp dẫn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro