C22: Tương tư

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

7/8/2021
-------------------

Mồng Bảy tháng Giêng là lễ khai hạ.*

Cư dân ở thành Bình Nhạc đa số làm nghề buôn bán, đều là người tín tâm nên cứ mỗi dịp cúng bái đều làm rất linh đình. Hôm nay trong thành đâu đâu cũng thấy tiệc tùng, khắp phố đều giăng đèn kết hoa để ban đêm nam thanh nữ tú đi dạo, thắp đèn, ngắm trăng. Cuối con đường lớn nhất thành còn có mấy đám rước lớn, hẳn là sau lễ Thượng Nguyên sẽ có vài chuyện hỷ sự.

Nguyên Tiêu đến, Vương gia bày tiệc tạ lễ khắp trong ngoài Khải Lâm Viên, từ hai ngày trước đã tấp nập ồn ào. Vương Nhất Bác không quá ưa thích náo nhiệt, nhưng vì trong nhà có việc lớn nên vẫn phải dậy sớm, chải chuốt chưng diện đi đến tiền viện. Hôm nay còn có người của Lưu gia sang làm khách, Vương Nhất Bác lại phải ngồi tiếp rượu đến đêm.

- Nhị ca! Lấy được mảnh đất của huynh thật không dễ dàng mà! Huynh có biết mấy vị công tử của Lưu gia uống rượu giỏi đến độ nào không?

Vương Nhất Khiêm ngửa mặt lên cười khoái chí, quàng vai bá cổ Vương Nhất Bác trên đường về viện tử:

- Lão Tam! Chúng ta là thân huynh đệ, mà ta thì không giỏi uống rượu, xem như đệ giúp ta một chuyện. Sau này đệ cưới thê tử, lại chẳng cần huynh trưởng như ta đây chạy đông chạy tây một phen sao?

Vương Nhất Bác dừng trước cửa viện, bóp trán cho đỡ nhức đầu, nói với Trương Bảo đang dìu mình:

- Nhị ca nói chuyện nghe thật dễ dàng.

Trương Bảo cười nhẹ, cẩn thận xốc Vương Nhất Bác đứng thẳng lên một chút rồi nói:

- Ta thấy cũng dễ mà. Thiếu gia cứ nhờ lão thái thái và phu nhân sắp xếp là được.

Vương Nhất Bác cười khẩy, ra hiệu cho Trương Bảo dìu mình đến bàn đá ngoài sân, xiêu xiêu vẹo vẹo ngồi xuống.

- Ngươi không hiểu gì hết. Nhị ca năm lần bảy lượt chọn tới chọn lui mới chọn được vị kia. Vương gia chúng ta như mặt trời ban trưa, quan trường cũng có, thương trường cũng có. Cho nên, vị tân nhân gả vào không chỉ nhìn gia thế, xuất thân, cốt cách, mà còn phải xem sau này ăn ở thế nào.

Vương Nhất Bác nói một hồi, Trương Bảo ngồi nghe đến váng hết cả đầu. Hào môn thế gia mua về một tỳ nữ cũng phải xem qua xét lại, huống hồ là thê tử của các vị thiếu gia. Trương Bảo chợt nghĩ đôi khi nghèo nàn như mình cũng tốt, có thể cưới một người bình thường thôi, phu thê hoà hợp là được.

- Trương Bảo!

Vương Nhất Bác không biết là đang nghĩ cái gì, thấy Trương Bảo đang đăm chiêu, thế là bày trò gọi giật ngược làm người ta giật mình.

- Ngươi cũng thành niên rồi, có ưng ý ai chưa? Nếu có thì cứ nói, ta nhờ mẫu thân tính toán cho ngươi.

Trương Bảo ngơ ngác một thoáng, sau cùng vẫn im lặng, lắc đầu. Đến cả bản thân Trương Bảo cũng bất ngờ với phản hồi của mình.

Rõ ràng là có, sao lại đáp rằng không?

Chẳng hiểu vì sao Trương Bảo lại cảm thấy mơ hồ giống Vương Nhất Bác. Trong lòng Trương Bảo như đang có một cái hố rất sâu, rất rộng, chưa biết phải khoả lấp như thế nào. Hai người cứ thế nhìn màn đêm dần buông xuống, đón lấy ngọn gió đầu xuân mang theo chút lạnh lẽo còn sót lại khẽ thổi qua.

Vương Nhất Bác cho phép Trương Bảo về nghỉ ngơi, phần mình thì ngồi trong phòng nhìn ra cảnh đêm đang dần đậm màu. Cành mai đỏ vắt ngang màn đêm vuông vức bên ngoài ô cửa sổ thu hút sự chú ý của hắn. Vương Nhất Bác tựa người lên khung cửa, ngắm cánh hoa đỏ hồng lặng lẽ nở trong đêm trăng tròn, tư lự ngâm nga một bài thơ:

Tương kiến thì nan, biệt diệc nan
Đông phong vô lực bách hoa tàn.
Xuân tàm đáo tử ty phương tận
Lạp cự thành hôi lệ thuỷ can.
Hiểu kính đãn sầu vân mấn cải,
Dạ ngâm ưng giác nguyệt quang hàn.
Bồng Lai thử khứ vô đa lộ,
Thanh điểu ân cần vị thám khan. (1)

(Gặp gỡ, chia tan thảy khó lòng
Hoa tàn khôn gượng với đông phong
Tằm xuân đến thác tơ vương mối
Ngọn nến thành tro lệ cạn dòng
Sớm ngắm gương buồn vầng tóc bạc
Đêm ngâm thơ gợi ánh trăng trong
Bồng Lai ít nẻo đường lui tới
Cậy nhờ chim xanh rẽ lối thông.) (2)

Vương Nhất Bác ngấm một ngụm trà đắng chát, tự cười cợt bản thân giữa đêm Nguyên Tiêu người người hoan hỉ mà lại ở chốn đây ưu tư não nề. Chỉ là hắn có rất nhiều khúc mắc trong lòng, mỗi lần nghĩ đến đều không khỏi đau đầu một trận. Hai mươi mấy năm nay Vương Nhất Bác cũng tự xem như là hiểu rõ bản thân, chẳng hiểu vì sao bây giờ lại mơ mơ hồ hồ.

Tiếng gõ cửa nhè nhẹ vang lên, bên ngoài là Đào ma ma.

- Tam thiếu gia! Đêm nay bên sông có hội hoa đăng, ai ai cũng xuống phố rước đèn ngắm cảnh. Phu nhân nhờ ta chuyển lời, muốn ngài đi cùng hai vị tiểu thư.

- Hai vị nào cơ? 

- Là tiểu thư nhà ta cùng Thẩm tiểu thư. Tiểu thư cùng cô gia mới đến không lâu, đang ở chỗ lão thái thái.

Vương Nhất Bác nhăn trán, cố gắng xoa xoa mấy cái cho đỡ đau đầu. Trưởng tỷ lâu rồi mới về nhà, hắn cũng muốn cùng nàng nói chuyện. Nhưng sao lại có cả Thẩm tiểu thư ở đây?

- Nhị ca đâu? Huynh ấy có đi cùng không?

Đào ma ma cười nhẹ, nói:

- Thẩm cô nương chưa nghị hôn, Nhị thiếu gia đi cùng nàng thì khó lòng giải thích với Lưu gia.

Vương Nhất Bác hiểu ra rồi lại đau đầu thêm một trận. Vì cớ gì Nhị ca có thể tránh, còn hắn lại phải chường mặt ra?

Đã bảo là không thích rồi mà!

Đào ma ma định nói gì đó, chưa kịp lên tiếng thì đằng sau đã có tiếng cười khúc khích. Giọng nói êm ái của nữ tử lọt vào:

- A Bác không muốn cùng trưởng tỷ dạo phố ngắm đèn nữa sao?

Vương Uyển Đình đứng trước cửa phòng, nhìn bốn bên đều có giấy dán màu đỏ. Nàng tỏ ra ngạc nhiên một chút rồi nhanh chóng bước vào trong, nụ cười tủm tỉm vẫn còn trên môi.

Vương Nhất Bác đến ngồi cùng nàng, đưa tay vỗ trán:

- Ban ngày đệ uống nhiều quá, bây giờ hơi đau đầu nên không muốn ra ngoài thôi. Tỷ phu đâu?

- Đang nói chuyện với phụ thân. Ta đặc biệt xin phép để về đây cùng đệ đi ngắm hoa đăng đấy.

Vương Nhất Bác cười nhẹ, bóc một quả quýt cho Vương Uyển Đình, nghe nàng ai oán.

- Ai da! Bổn tiểu thư có hai tên đệ đệ, một tên thì có hôn thê nên không màng sự đời, còn một tên thì chỉ muốn uống rượu ngắm trăng.

- Được rồi! Được rồi! Đệ đi với tỷ, được chưa? Đã gả cho người ta rồi mà sao vẫn như tiểu cô nương thế kia?

Vương Uyển Đình cười rộ lên, đôi mắt cong thành hình bán nguyệt, khoé miệng yêu kiều điểm xuyết hai hạt gạo làm duyên. Đây là dáng vẻ thường thấy trước lúc nàng xuất giá. Nữ nhân đã gả đi rồi, phong thái cứ như già dặn thêm vài tuổi, hiếm khi thấy nàng thoải mái thế này.

Từ bé, Vương Nhất Bác đã nghe người ta bảo mình rất giống trưởng tỷ, nhất là nụ cười dịu ngọt. Tỷ tỷ của hắn xinh đẹp mỹ miều, nụ cười khiến người ta nhìn vào cứ muốn yêu chiều cưng nựng. Vương Nhất Bác thấy tỷ tỷ của hắn cười đúng là rất đẹp, tâm tính của nàng cũng thiện lương hoà nhã. Thường nghe người có nụ cười đẹp thì vận số rất tốt, ít nhất thì điều này đúng với Vương Uyển Đình.

Nghĩ đến đây, Vương Nhất Bác nhớ đến Tiêu Chiến. Y cũng có vẻ ngoài ưa nhìn, nụ cười trong sáng thanh thuần, nhất định là người có phúc khí, mai sau sẽ tốt hơn nhiều.

- Đệ nghĩ gì mà đăm chiêu thế? Có áo mới sao không dùng, cứ dùng mãi cái này? 

Vương Uyển Đình chỉ vào tấm áo choàng treo trên giá, nghiêng đầu ngắm nghía rồi lộ ra ý thắc mắc. Áo này không phải kiểu Vương Nhất Bác thường dùng.

- Đây là quà đệ mua tặng người khác, nhưng mà vẫn chưa tặng được.

Vương Uyển Đình dường như còn muốn hỏi thêm, Vương Nhất Bác nhanh chóng thổi đèn, dìu nàng ra khỏi phòng. Vương Uyển Đình cũng không hỏi đến cùng, thuận theo ý Vương Nhất Bác. Nàng đưa mắt nhìn kĩ tiểu đệ đệ nhà mình, chợt nhận ra Vương Nhất Bác trưởng thành nhanh quá. Năm tháng vô tình đã để lại dấu vết trên gương mặt từng rất non nớt kia.

Vương Nhất Bác bây giờ thành thục, ổn trọng và thâm trầm hơn nhiều rồi.

******

Ngoài sân trước, Thẩm Ngọc Chiêu đã đợi sẵn. Nàng vận y phục màu hồng đào, chỉ đem theo một thị nữ. Thấy Vương Nhất Bác đến, Thẩm Ngọc Chiêu từ tốn cúi chào rồi vui vẻ đến bên cạnh Vương Uyển Đình. Lát sau, từ đại sảnh có một nam nhân bước ra, tiến về phía họ. Đây là tế tử (con rể) của Vương lão gia, trượng phu của Vương Uyển Đình, họ Cảnh tên Chương.

- Tỷ phu!

Vương Nhất Bác chắp tay chào, hỏi han vài câu cho phải phép. Thẩm Ngọc Chiêu cũng hành tiểu lễ với Cảnh Chương, cất giọng nhẹ nhàng:

- Cô gia an hảo!

Bốn người di chuyển ra bên ngoài cửa phụ, mấy chiếc xe ngựa đã chờ sẵn. Vương Nhất Bác đi trước, Thẩm Ngọc Chiêu theo sau, cuối cùng là phu phụ Vương Uyển Đình.

Cảnh Chương kéo tay áo của thê tử, hỏi về cô nương Thẩm gia. Hai vợ chồng chụm đầu vào nhau, chàng một câu thiếp một câu, nhìn vào chỉ thấy hoà hợp và ân cần.

Vương Nhất Bác nhìn thấy hai mái đầu chạm nhau, thấy nụ cười nhu thuận của Cảnh Chương khi vén tóc cho Vương Uyển Đình thì cảm thấy vui vẻ . Hắn đã từng không muốn Vương Uyển Đình gả vào cao môn để rồi phải sống với bao nhiêu thứ quy tắc như mẫu thân của hắn. Nhưng nàng là quý nữ của Vương gia, vẫn cứ phải gả vào phủ đệ xa hoa của Cảnh gia, làm đại thiếu phu nhân cao cao tại thượng.

Ở đó, trưởng tỷ của Vương Nhất Bác phải bận tâm rất nhiều thứ, vùng vẫy trong một đám bùi nhùi thượng vàng hạ cám và đầy rẫy những toan tính.

Trượng phu của Vương Uyển Đình có thể cho nàng một cuộc sống như thế nào đây?

Vương Nhất Bác không biết, nhưng hắn nhận thức rất rõ rằng con dâu của hào môn thế gia thì chẳng có mấy ai có thể mỗi đêm đều kê gối ngủ ngon. Ai ai cũng đều phải đối mặt với đủ thứ chuyện to nhỏ lớn bé trong bốn bức tường cao.

Chi bằng cứ lấy một gã thư sinh áo vải, quanh năm hầu chồng dạy con, làm một người hiền lương thục đức?

Chỉ tiếc đời không như là mơ!

******

- Tỷ phu! Huynh ngồi cùng xe với ta đi, bên đó để cho tỷ tỷ cùng Thẩm tiểu thư!

Cảnh Chương nhìn tình hình, đành phải gật đầu, lên xe ngựa phía trước. Vương Uyển Đình nheo nheo mắt, trước khi lên xe còn liếc nhìn Vương Nhất Bác một cái.

Tên nhóc này, sao lại không hiểu phong tình như thế?

Trong xe, Vương Nhất Bác lẳng lặng vén rèm nhìn cảnh vật xung quanh. Cảnh Chương biết vị thê đệ này của mình không hay nói chuyện, cũng đành im lặng ngồi một bên. Mãi một lúc sau, Cảnh Chương mới đánh tiếng hỏi:

- Ta nghe Tiểu Uyển nói Vương gia muốn mai mối cho đệ. Là cô nương của Thẩm gia kia sao?

Vương Nhất Bác nhướn mày, chưa đáp lời vội. Hắn biết Cảnh Chương trước nay không quá quan tâm đến chuyện của nhạc gia, chẳng hiểu sao hôm nay lại đặc biệt hỏi thăm.

- Tỷ phu nghĩ thế nào?

- Chuyện của nhạc gia, ta thân là tiểu tế không dám can dự. Thẩm gia cô nương kia là quan quyến, Vương gia cũng đang có người ở quan trường, có thể thân càng thêm thân thì tốt. Có điều, một loạt gia tộc quan lại kết thành thông gia ở thành Bình Nhạc, không khéo lại khiến người ta dè chừng. Nếu truyền đến tai Quan gia thì không hay đâu.

Vương Nhất Bác không hề có suy nghĩ gì quá phận với Thẩm Ngọc Chiêu, và tự hắn cũng cảm thấy nàng không phù hợp với vị trí Tam thiếu phu nhân của Vương gia. Tiêu chuẩn chọn nội nhân của Vương Nhất Bác không giống với mọi người trong Khải Lâm Viên.

Đằng sau xe ngựa của Vương Nhất Bác là xe của Vương Uyển Đình cùng Thẩm Ngọc Chiêu. Vương Uyển Đình nhìn Thẩm Ngọc Chiêu thật lâu, đắn đo mãi mới hỏi:

- Thẩm gia muội muội đã nghị hôn chưa?

Thẩm Ngọc Chiêu thẹn thùng:

- Muội muội tuổi còn nhỏ, tôn trưởng trong nhà cũng không còn ai, cho nên vẫn chưa nghị hôn.

- Muội muội thấy Tam đệ của ta thế nào?

Ánh mắt dò xét của Vương Uyển Đình quét qua người Thẩm Ngọc Chiêu làm nàng ta lúng túng. Thấy vậy, Vương Uyển Đình với lấy đôi tay của nàng, vỗ về:

- Đừng ngại! Ở đây chỉ có hai tỷ muội chúng ta thôi, muội cứ nói đi!

Vương Uyển Đình mỉm cười, cả người hiện ra vẻ nhã nhặn đoan trang, không giống kiểu người ngồi lê đôi mách. Thẩm Ngọc Nhiêu nhìn vị đích trưởng nữ của Vương gia một chút, chẳng hiểu sao lại thấy nàng rất đáng tin cậy.

- Tam thiếu gia anh tuấn hơn người, nhìn qua liền biết người đoan chính. Muội muội gặp huynh ấy vào mùa xuân năm ngoái, đến nay với gặp lại. Bình thường muội ở Gia Ninh Các, thỉnh thoảng có đến Phúc Khang Đường thỉnh an lão thái thái, không có cơ hội gặp gỡ Tam thiếu gia nhiều.

Nói đến đây, mặt của Thẩm Ngọc Chiêu cứ thế đỏ ửng, nóng ran. Vương Uyển Đình cười khúc khích mấy tiếng, càng ngồi sát lại gần, tỉ tê:

- Tam đệ thường ngày rất nhạt nhẽo, trầm tính ít nói, cũng không hiểu phong tình. Muội thấy đấy, đệ ấy đi đông đi tây bao nhiêu năm, nhưng chẳng hề nghe thấy có chuyện lời ong tiếng ve nào.

- Dạ.

- Vương gia chúng ta chỉ mai mối, trước nay không thích ép hôn. Đặc biệt là ở Khải Lâm Viên, tôn trưởng trong nhà không hứa hôn cho tôn tử đâu, chỉ có điều mọi người vẫn đặt nặng chuyện môn đăng hộ đối. Thẩm muội muội đây là con nhà quan, gia nghiệp của Thẩm gia lại lớn nhất Biện Dương. Muội gả vào Vương gia chúng ta cũng coi như là chịu thiệt rồi.

Thẩm Ngọc Chiêu lại e thẹn cười thầm. Nàng ta tuy là quan quyến, nhưng cũng chỉ là phận nữ nhi, không dám mong cầu điều gì to lớn. Nàng nghĩ rằng có thể gả cho Vương Nhất Bác thì coi như đã có một chốn nương tựa tốt. Sau này Vương Nhất Bác lo chuyện bên ngoài, nàng ở nhà quán xuyến ngôi gia, lo liệu cho Khải Lâm Viên trên dưới thuận hoà thì còn gì bằng.

- Muội muội từ nhỏ đã không còn phụ mẫu, nhiều năm rồi không còn biết đến cảm giác cả nhà sum vầy. Muội đến Vương gia được trông thấy cảnh đoàn viên vui vẻ, trong lòng rất ngưỡng mộ.

Vương Uyển Đình thở phào nhẹ nhõm. Nhiệm vụ mà tổ mẫu và mẫu thân giao phó đã hoàn thành rồi.

- Tâm ý của Thẩm muội muội coi như ta đã rõ. Còn về phía Tam đệ... Tên tiểu tử này chỉ biết làm ăn buôn bán, mấy thứ chuyện phong hoa tuyết nguyệt vẫn còn rất khù khờ. Nếu như muội muội có lòng, chi bằng cứ chủ động một chút?

Vương Uyển Đình táo bạo mở lời, rồi im lặng ngồi nhìn phản ứng của Thẩm Ngọc Chiêu. Bản thân Vương Uyển Đình cũng rất mong mỏi những người được gả vào Vương gia đều phải có gốc gác, có thể ra sức phù trợ cho hai vị đệ đệ của nàng. Vương gia mạnh mẽ quyền thế bao nhiêu, cuộc sống của Vương Uyển Đình ở Cảnh gia sẽ dễ thở bấy nhiêu.

Nói là nói thế, nhưng Vương Uyển Đình cứ lăn tăn mãi một điều là ai ai cũng muốn cưới Thẩm Ngọc Chiêu cho Vương Nhất Bác, lại chẳng một ai chịu hỏi xem Vương Nhất Bác có muốn hay không. Nàng là phận nữ nhi đã gả đi, chuyện ở nhà mẹ cũng không thể can dự quá nhiều.

- Muội muội là phận nữ nhi, chuyện đại sự không dám tự mình làm chủ. Mọi việc chỉ xin cậy nhờ các vị tôn trưởng đi vậy.

Nụ cười e lệ của Thẩm Ngọc Chiêu bị ánh đèn trên phố che lấp mất. Ánh trăng đêm Rằm tháng giêng nơi phố xá phồn hoa cũng không còn rõ ràng nữa.

Ở trấn Trường Lạc, núi cao sông dài, trăng Rằm lại sáng vằng vặc, soi rõ từng dấu chân dẫm trên đất lạnh trong đêm.

--------TBC

1- Bài thơ Vô đề của Lý Thương Ẩn - nhà Đường

2- Bản dịch của Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1997

* lễ khai hạ: Lễ khai hạ đầu năm hay còn gọi là lễ hạ cây nêu, là nghi thức báo hiệu đã kết thúc Tết Nguyên đán, kết thúc mọi hoạt động vui chơi ngày Tết, mọi người quay trở lại công việc làm ăn buôn bán hàng ngày, thường được tổ chức từ mùng 7 tháng Giêng.  

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro