Arsene Lupin - Bí mật chiếc nút chai pha lê

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lời giới thiệu

Môrix Lơblăng (1864 - 1941), nhà văn Pháp, bắt đầu bằng nghề làm báo nhưng có nhiều khuynh hướng sáng tác văn học. Ông viết nhiều loại tiểu thuyết nhưng nổi tiếng nhất là tiểu thuyết trinh thám mà ông để lại một khối lượng lớn trong đó có những tác phẩm nhiều người yêu thích và đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Trong nghệ thuật xây dựng nhân vật, Lơblăng chú ý phân tích khía cạnh tâm lý tình cảm dưới góc độ của một tư tưởng đạo đức tiến bộ. Nhân vật Acxen Luypanh trong tất cả các tiểu thuyết trinh thám của ông là một con người bình thường nhưng có một phương pháp làm việc khoa học với những lý luận sắc bén cộng với tình cảm cao thượng, nhân đạo và căm ghét bạo lực nên có sức thuyết phục mạnh mẽ.

Tiểu thuyết trinh thám của Môrix Lơblăng chứa đựng nhiều tình tiết ly kỳ, bất ngờ đến sửng sốt nhưng đầy tính lôgic nên hấp dẫn lôi cuốn người đọc. Bí mật chiếc nút chai pha lê là một trong các tác phẩm tiêu biểu của ông. Câu chuyện xoay quanh chiếc nút chai pha lê. Trong ruột nó chứa đựng vật báu gì mà gây nên một cuộc tranh chấp quyết liệt giữa viên Chánh sở cảnh sát, hầu tước Đanbuyphếch, bà quả phụ Clarix, nghị sĩ Đôbrếch và thám tử Acxen Luypanh? Mỗi người đều có một mục đích riêng nhưng đều hướng tới chiếc nút chai pha lê. Cuộc chạy đua như điên cuồng để chiếm đoạt vật báu là một cuộc đấu trí dai dẳng và thông minh, là những thủ đoạn điều tra vô cùng mạo hiểm.

Cuối cùng vật báu đó có phải nằm trong ruột chiếc nút chai pha lê không? Ai đã chiếm đoạt được nó? Toàn câu chuyện là một chuỗi những pha gay cấn liên tiếp làm cho người đọc vô cùng hồi hộp.

Bí mật chiếc nút chai pha lê đã được điện ảnh Pháp xây dựng thành phim và đông đảo khán giả Việt Nam đã được xem phim.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

________________________________________

Chương I - BẮT GIỮ

Hai chiếc thuyền, được buộc ở cái đập nhỏ phía ngoài khu vườn, bập bềnh trong bóng tối. Xuyên qua lớp sương dày đặc, đây đó, trên bờ hồ, những khung cửa thấp thoáng ánh đèn. Trước mặt, câu lạc bộ Enghiên sáng trưng dù đã là những ngày cuối cùng của tháng Chín. Một vài ngôi sao le lói giữa kẽ những đám mây đen. Ngọn gió làm rung rinh mặt nước.

Acxen Luypanh rời khỏi cái chòi nhỏ trên đầu đập mà anh đã vào để hút thuốc lá, anh cúi xuống hỏi:

- Grônha? Lơ Baluy?... Các anh ở đó chứ?

Từng người nhô lên trên thuyền của mình, và một người trả lời:

- Thưa vâng.

- Sửa soạn đi, ta nghe thấy tiếng ô tô trở về với Ginbe và Vôsơray.

Anh đi vào trong vườn, vòng quanh một ngôi nhà xây dở còn nguyên các dàn giáo và thận trọng đẩy cánh cửa mở ra đại lộ Xanhtuya. Anh không nhầm: một luồng ánh sáng chói chiếu đúng quãng đường ngoặt và một chiếc xe hơi lớn mui trần dừng lại. Hai người đàn ông mặc pađơxuy, cổ áo bẻ dựng lên, đầu đội mũ lưỡi trai, bước xuống.

Đó là Ginbe và Vôsơray. Ginbe, một chàng trai khoảng hai mươi hoặc hăm hai tuổi, có khuôn mặt dễ thương, dáng đi hùng mạnh và uyển chuyển; Vôsơray nhỏ con hơn, tóc đốm bạc, mặt xanh xao, ốm yếu.

- Thế nào? - Luypanh hỏi - Các cậu đã trôn thấy hắn rồi chứ, tên nghị sĩ ấy?

- Đã, thưa ông chủ. - Ginbe đáp - Chúng tôi đã thấy hắn lên chuyến tàu bảy giờ bốn mươi đi Pari.

- Nếu vậy thì chúng ta được tự do hành động chứ?

- Hoàn toàn tự do - Lâu đài Têrezơ thuộc quyền chúng ta.

- Không nên đỗ lại đây, có thể làm mọi người chú ý. Đúng chín giờ rưỡi anh hãy quay lại để chất đồ lên xe... nếu không... thất bại.

- Sao lại thất bại được? - Ginbe có vẻ bực mình hỏi lại.

Chiếc xe hơi đi khỏi. Luypanh trở lại đường ven hồ cùng với hai bạn mới, nói:

- Sao ư? Bởi vì không phải là ta chuẩn bị vụ này và khi không phải chính là mình thì ta chỉ tin có một nửa.

- Trời! Đã ba năm rồi, tôi làm việc cùng với ông... tôi đã bắt đầu hiểu cung cách...

- Phải... con trai ta ạ, con mới bắt đầu hiểu - Luypanh nói - cũng chính vì thế mà ta sợ có những sơ hở... Nào, thôi lên thuyền... Còn anh, Vôsơray, anh sang thuyền kia... Tốt... Bây giờ, chèo đi... Và thật khẽ thôi!

Grônha và Lơ Baluy, hai tay chèo, hướng cho thuyền đi thẳng sang bờ đối diện, hơi chếch về phía trái câu lạc bộ.

Đầu tiên họ gặp một chiếc thuyền trôi vật vờ, trên đó có một đôi trai gái đang ôm riết lấy nhau; rồi một chiếc khác mà những người ngồi trên đang hát váng lên. Và chỉ có thế.

Luypanh bước đến gần chàng trai trẻ nói khẽ:

- Ginbe này, chính cậu có ý kiến làm vụ này hay là Vôsơray?

- Chà, tôi cũng không biết nữa... Đã mấy tuần nay rồi, hai chúng tôi cùng bàn bạc.

- Chính là ta rất nghi Vôsơray... Đó là một tên đầu óc bẩn thỉu... hạ đẳng... Không hiểu sao ta vẫn chưa dứt bỏ hắn.

- Ôi! Ông chủ!

- Đúng, đúng như vậy đấy. Đó là một thằng cha nguy hiểm... chưa kể việc hắn có thể đã phạm những tội lỗi nghiêm trọng hơn là ta tưởng.

Sau một lát im lặng, anh nói tiếp:

- Như vậy là, cậu chắc chắn là đã thấy tên nghị sĩ Đôbrếch?

- Bằng chính mắt tôi, ông chủ ạ.

- Và cậu biết hắn có cuộc hẹn hò ở Pari?

- Hắn đến nhà hát.

- Được, nhưng những người làm của hắn thì ở lại trong biệt thự Enghiên chứ?

- Chị nấu bếp thì đã được nghỉ về nhà. Còn tên hầu phòng Lêôna vốn là một người tin cẩn của nghị sĩ Đôbrếch thì chờ chủ ở Pari. Chúng không thể trở về trước một giờ sáng. Nhưng...

- Nhưng sao?

- Cũng cần phải đề phòng tính khí thất thường của Đôbrếch, hắn có thể bất ngờ quay lại, cho nên chúng ta làm sao phải xong việc trong một tiếng đồng hồ.

- Cậu đã nắm được những tin tức đó từ bao giờ?

- Mới từ sáng nay. Thế là Vôsơray và tôi cho đó là thời cơ thuận lợi. Tôi chọn điểm xuất phát là căn nhà xây dở trong khu vườn không có người canh gác mà chúng ta vừa đi qua. Tôi báo cho hai bạn đưa thuyền tới và gọi điện cho ông. Đó, tất cả câu chuyện chỉ có thể.

- Cậu có chìa khóa đấy chứ?

- Vâng, những chìa khóa cửa trước.

- Có đúng là cái biệt thự xung quanh có vườn cây ta nhìn thấy kia không?

- Vâng, đó là biệt thự Mari Têrezơ và cũng như hai biệt thự gần đấy cũng có vườn cây bao bọc, hàng tuần nay không có người ở, chúng ta tha hồ chuyển đi tất cả những gì mà chúng ta thích. Cũng bõ đấy, ông chủ ạ.

Nhưng bất chợt, anh bảo:

- Có người trong biệt thự! Trông kìa... một đốm lửa.

- Đó là cái đèn ga, ông chủ ạ... ngọn lửa không di động...

Grônha ở lại giữa thuyền với nhiệm vụ canh chừng, còn Lơ Baluy, tay chèo kia thì đứng gác cạnh ròa sắt trông ra đại lộ Xanhtuya, từ đó Luypanh và hai người cùng bọn đang lom khom bò trong bóng tối đến sát cửa trước lâu đài.

Ginbe bước lên trước tiên, lần mò sờ soạng, cậu ta tra chìa khóa vào ổ khóa, rồi rút chốt bảo hiểm. Tất cả đều dễ dàng, cánh cửa từ từ hé mở để cho ba người lần lượt lách vào.

Trong tiền sảnh, một ngọn đèn ga đang cháy.

- Ông chủ thấy chưa!... - Ginbe nói.

- Đúng, đúng... - Luypanh bảo nhỏ - Nhưng hình như ánh sáng không phát ra từ chỗ này.

- Vậy thì ở đâu?

- Ta cũng không biết nữa... Phòng chứa đồ ở đây ư?

- Không - Ginbe đáp khá to - Không, vì thận trọng, hắn tập trung tất cả ở tầng một, trong buồng ngủ của hắn và trong những buồng bên cạnh.

- Thế cầu thang ở đâu?

- Ở bên trái phía sau bức màn gió.

Luypanh đi về phía chiếc màn gió và giữa lúc anh vén tấm vải ra hai bên thì bất thình lình, cách bốn bước về phía trái, một cánh cửa bật mở và một cài đầu nhô ra, một bộ mặt tái xanh với cặp mắt thất thần vì sợ hãi.

- Cứu tôi với! Cướp, cướp!... Quân giết người! - Người đó gào lên.

Và ngay lập tức, hắn thụt vào sau cánh cửa.

- Đó là Lêôna, gã hầu phòng. - Ginbe kêu lên.

- Nếu hắn còn kêu nữa, tôi sẽ cho hắn đi chầu trời. - Vôsơray khẽ rít.

- Không được làm bậy, Vôsơray. - Luypanh hạ lệnh rồi đuổi theo tên đầy tớ.

Anh chạy ngang qua phòng ăn và còn thấy, bên cạnh chiếc đèn sáng, những đĩa thức ăn và một chai rượu. Anh tìm thấy Lêôna ở góc gian bếp phụ đang cố sức mở cửa sổ.

- Không được động đậy, nhà nghệ sĩ! Cấm đùa đấy! A! Đồ súc sinh!

Anh vội nằm rạp xuống đất khi thấy Lêôna giơ tay về phía anh. Ba tiếng nổ chát chúa trong bóng tối gian bếp, rồi tên đầy tớ lảo đảo vì bị Luypanh nắm lấy chân, tước súng và chịt cổ họng.

- Quân trời đánh! Chà!... - Anh làu bàu - Chỉ chút xíu nữa là nó hạ mình... Vôsơray! Trói chặt thằng công tử này lại cho ta.

Bằng chiếc đèn bỏ túi, anh rọi vào mặt gã đầy tớ và cười khẩy:

- Chơi thế chẳng đẹp chút nào, anh bạn!... Lương tâm anh không được sạch sẽ lắm đâu, Lêôna! Vả lại, để xứng đáng là kẻ hầu hạ của ngài nghị sĩ Đôbrếch... Xong chưa, Vôsơray? Ta không muốn chết dí ở đây đâu.

- Không có gì đáng ngại thưa ông chủ.

- A! Thật thế chứ?... Thế còn những tiếng súng nổ, cậu cho là không ai nghe thấy chắc?

- Tuyệt đối không ai có thể nghe được.

- Càng hay. Nhưng cần phải khẩn trương. Vôsơray! Cầm lấy đèn và chúng ta trèo lên gác.

Anh nắm láy cánh tay Ginbe, lôi đến cầu thang:

- Đồ ngu xuẩn! Điều tra tình hình như thế đấy? Ta nghi ngại có đúng không?

- Thưa ông chủ, tôi làm sao mà biết được nó đã thay đổi ý định và trở về ăn tối.

- Cần phải biết tất cả khi mà người ta có vinh dự là kẻ đi tước đoạt. Hiểu biết tồi, ta sẽ ngăn các cậu lại, Vôsơray và anh... A! Các cậu gặp may đó...

Luypanh dịu đi khi trông thấy những đồ đạc quý giá ở tầng gác một. Anh bắt đầu làm thống kê với niềm khoái trá của một người sành chơi như bị thu hút bởi số đồ vật đầy tính nghệ thuật.

- Mẹ kiếp! Chẳng có gì mấy, ít thôi nhưng tuyệt vời. Tên dân biểu này không phải là không có khiếu thẩm mỹ... Bốn chiếc ghế bành kiểu Obuytxông; một bàn giấy nhãn hiệu Pecxiê Fôngten mình cam đoan như thế; hai đèn treo Fragôna và một bức họa chân dung giả của Nattiê... Chỉ những thứ này thôi, một tỷ phú Mỹ cũng muốn vồ lấy ngay tức khắc... Tóm lại, cả một gia sản. Thế mà có những kẻ khó tính cho là bây giờ chẳng tìm đâu ra của thật. Quỷ quái! Họ cứ làm như mình xem! Phải mất công tìm tòi chứ!

Ginbe và Vôsơray, theo lệnh của Luypanh và sau những chỉ dẫn, bắt đầu khuân những đồ đạc lớn trước. Trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, chiếc thuyền thứ nhất đã đầy. Grônha và Lơ Baluy phải chèo đi để chuyển lên xe hơi.

Luypanh trông chừng cho chúng đi. Khi quay trở lại, qua tiền sảnh, hình như anh nghe có tiếng nói từ phía gian bếp - Anh đi đến đó. Đúng là Lêôna vẫn chỉ có một mình, nằm sấp, hai tay bị trói quặt ra sau lưng.

- Thế ra chính mày làu bàu phải không, tên đầy tớ trung thành? Đừng nên quá xúc động. Gần xong rồi. Chỉ có cái là, nếu mày kêu to quá thì chúng tao sẽ phải dùng biện pháp cứng rắn hơn... Mày có thích những quả táo này không? Người ta sẽ phải tọng cho mày một quả, e rằng...

Lúc bước lên thang gác, anh lại vẫn nghe thấy những tiếng nói. Lắng tai, anh nghe rõ một giọng khàn khàn và rên rỉ, chắc chắn phát ra từ gian bếp:

- Cứu tôi với... có kẻ giết người... Cứu, cứu. Nó sắp giết tôi.... hãy báo ngay cho cảnh sát.

- Hoàn toàn điên rồ, thằng cha này... - Luypanh lẩm bẩm - Mẹ kiếp... Quấy đảo cảnh sát vào chín giờ tối, thật là thô lỗ...

Anh tiếp tục xem xét. Công việc lâu hơn anh tưởng, vì lục thấy trong tủ những đồ mỹ nghệ có giá trị khó có thể bỏ qua và mặt khác, Vôsơray cùng Ginbe sục sạo, tìm kiếm thật chuyên tâm tỉ mỉ khiến cho anh ngạc nhiên.

- Thôi, đủ rồi! - Cuối cùng sốt ruột, anh ra lệnh - Chớ vì mấy cái đồ cổ lỗ sĩ còn lại mà làm hỏng việc và để cho xe phải đỗ chờ lâu. Ta lên thuyền thôi.

Lúc đó họ ở ngay gần bờ nước, Luypanh bước xuống thang. Ginbe giữ anh lại:

- Xin ông chủ hãy nghe tôi, nêu không thì lại phải làm thêm một chuyến nữa... năm phút nữa thôi, không hơn thế đâu!

- Nhưng tại sao kia chứ? Quái lạ thật!

- Thế này ạ... Người ta có nói với chúng tôi về một cái hòm thánh tích cổ... một cái gì đó thật tuyệt vời...

- Thế thì sao?

- Không tìm thấy đâu cả. Và tôi nghĩ tới gian bếp phụ. Ở đó có một cái tủ ở hốc tường có khóa rất kiên cố... ông thấy rõ là chúng tôi không thể...

Hắn quay ngoắt lại chỗ bậc thềm. Vôsơray cũng lao tới.

- Mười phút nữa thôi... Không được quá một giây! - Luypanh kêu với theo - Sau mười phút, ta chuồn đấy.

Nhưng mười phút trôi qua, bọn chúng vẫn chưa ra.

Anh xem đồng hồ.

"Chín giờ mười lăm... thật là điên!" - Anh tự nhủ.

Anh nhận thấy, trong suốt thời gian vận chuyển đồ đạc, Ginbe và Vôsơray có cái gì khác lạ, hầu như không rời nhau một phút và lại như theo dõi lẫn nhau. Có cái gì đây?

Không nghĩ ngợi, Luypanh quay lại ngôi nhà, một nỗi lo vẩn vơ thôi thúc và ngay lúc đó, anh nghe thấy tiếng ồn ào vằng lại từ xa, về phía Enghiên và hình như mỗi lúc gần lại... Có lẽ tiếng cười nói của những người đang dạo chơi.

Lập tức anh thổi một tiếng còi rồi chạy đến gần bức tường rào chính để ngó một lượt các vùng lân cận con đường lớn. Nhưng bất thình lình, khi anh mở cánh cửa thì một tiếng nổ vang kèm theo một tiếng rú đau đớn. Anh trở lại vòng quanh ngôi nhà, trèo bậc thềm và chạy xổ vào phòng ăn.

- Chết thật thôi! Chúng mày làm cái gì ở đấy, cả hai đứa?

Ginbe và Vôsơray đang sáp vào nhau đấm đá, cùng ngã lăn lộn trên sàn nhà và rít lên điên cuồng. Áo quần chúng tả tơi vấy máu. Luypanh nhảy tới. Nhưng Ginbe đã quật ngã đối thủ và giằng co trong tay hắn một vật mà Luypanh chưa kịp nhận ra đó là vật gì. Vôsơray mất nhiều máu vì một vết thương ở vai, nằm ngất lịm.

- Ai làm nó bị thương? Mày phải không, Ginbe? - Luypanh tức giận hỏi.

- Không, Lêôna.

- Lêôna? Nó đã bị trói...

- Nó đã cởi được dây trói và nhặt lại khẩu súng.

- Thằng khốn kiếp! Nó đâu rồi?

Luypanh cầm lấy đèn và đi vào gian bếp phụ.

Gã đầy tớ nằm ngửa, hai tay giang rộng, một lưỡi dao găm cắm vào giữa cổ họng, mặt tái nhợt. Một dòng máu đỏ chảy ra từ miệng.

- Ôi! - Luypanh lẩm bẩm, sau khi xem xét - Nó đã chết!

- Thật không?... Thật không? - Ginbe run rẩy.

- Nó chết rồi! Ta bảo nó đã chết rồi!

Ginbe lúng búng:

- Vôsơray... Vôsơray đã đâm nó...

Tái xanh vì tức giận, Luypanh nắm lấy cổ áo Ginbe:

- Vôsơray!... Và cả mày nữa, đồ vô lại! Mày ở đó mà để cho nó làm như vậy... Máu! Máu! Mày biết rất rõ là ta không bao giờ muốn có máu đổ. Thà để cho bị giết. A! Mặc xác chúng bay, những thằng táo tợn này... Rồi chúng mày sẽ phải trả giá. Và sẽ đắt đấy, các con ạ... Hãy coi chừng máy chém!

Nhìn xác chết, anh bối rối. Và, lắc mạnh Ginbe, anh hỏi:

- Tại sao?... Tại sao Vôsơray lại giết nó?

- Vì hắn muốn lục soát tên này để tìm chìa khóa tủ tưởng. Lúc cúi xuống thấy hai tay nó không còn dây trói nữa thì hắn sợ và rút dao ra đâm liền.

- Nhưng sao lại có tiếng nổ?

- Đó là Lêôna bắn... súng nó còn nằm trong tay... Trước khi tắt thở, nó còn sức để ngắm bắn...

- Thế còn chìa khóa tủ?

- Vôsơray lấy được.

- Hắn đã mở tủ?

- Vâng.

- Và hắn đã tìm thấy...

- Vâng.

- Và còn mày, mày muốn đoạt lại vật đó?... Hòm thánh tích? Không, nhỏ hơn nhiều... Vậy đó là cái gì? Mày nói đi...

Im lặng. Thấy vẻ cương quyết lì lợm của Ginbe, anh biết là sẽ không có lời đáp cho câu hỏi của mình. Bằng một cử chỉ đe dọa, anh dằn giọng:

- Cậu sẽ nói, chàng trai ạ. Ta, Luypanh, ta thề là sẽ làm cho cậu phải khai ra hết. Nhưng lúc này cần phải chuồn ngay. Nào, giúp ta một tay... Chúng ta sẽ khiêng Vôsơray ra thuyền...

Họ trở lại phòng ăn và khi Ginbe cúi xuống người bị thương thì Luypanh ngăn lại:

- Này hãy nghe...!

Họ trao đổi với nhau một cái nhìn lo ngại, có tiếng người nói trong gian bếp phụ... một tiếng nói rất khẽ, lạ lùng, văng vẳng, xa xăm. Nhưng họ yên tâm ngay vì tuyệt nhiên chẳng có ai trong đó ngoài cái bóng đen ngòm của xác chết nằm đấy.

Nhưng tiếng nói lại cất lên lúc thì lanh lảnh, nghẹn ngào, run rẩy, đứt quãng, lúc lại gầm gừ, ghê rợn... Không nghe rõ tiếng nào, các âm tiết lộn xộn.

Luypanh cảm thấy mồ hôi trán vã ra. Những tiếng rời rạc, bí hiểm như tiếng trong mồ vẳng ra là cái gì vậy?

Anh cúi xuống tên đầy tớ. Tiếng nói im bặt, rồi lại tiếp tục.

- Cho đèn sáng thêm đi. - Anh bảo Ginbe.

Anh hơi run, thần kinh căng thẳng mất tự chủ vì không thể nào tin nổi hiện tượng lạ lùng này. Ginbe đã lột bỏ chiếc chao đèn, anh nhận thấy là tiếng nói thoát ra từ chính xác chết mà cái thân hình bất động không hề nhúc nhích, cái miệng đầy máu không hề nhếch mép.

- Ông chủ! Em sợ lắm. - Ginbe ấp úng.

Lại vẫn tiếng ấy, vẫn tiếng thì thào như khịt mũi.

Luypanh bỗng bật cười, nắm cái xác chết kéo dịch sang bên.

- Hay lắm! - Anh thốt lên khi nhìn thấy một vật kim loại lấp lánh... - Hay lắm! Thế là rõ... Thật là kịp thời! Đúng vậy.

Đúng ở chỗ anh vừa xê xác chết ra là cái ống nghe điện thoại, dây máy mắc trên tường ở tầm cao thường dùng.

Luypanh áp ống đó lên tai. Hầu như ngay lập tức tiếng nói lại bắt đầu, nhưng là một thứ tiếng lộn xộn gồm những tiếng gọi, tiếng kêu la; những tiếng ầm ĩ đan chéo nhau, tiếng của nhiều người gọi nhau, hỏi nhau cùng một lúc.

"Anh có ở đấy không?... Không có trả lời... Thật khủng khiếp... Họ giết hắn rồi... Anh có ở đó không? Có gì xảy ra đấy? Hãy can đảm lên... Đang tổ chức cứu ứng... Có cảnh sát... Có quân lính..."

- Trời đất! - Luypanh kêu lên và buông ống nghe.

Bằng một hình ảnh hãi hùng, sự thật hiện ra. Ngay từ đầu, trong lúc tiến hành cuộc vận chuyển thì Lêôna do dây trói không được chắc lắm, đã đứng dậy được, đã nhấc ống nghe, chắc là bằng răng làm cho nó rơi xuống và kêu cứu tới trạm điện thoại Enghiên.

Và sau đó là những lời mà Luypanh đã bất chợt nghe thấy một lần sau khi cái thuyền thứ nhất vừa rời đi: "Cứu... Có kẻ giết người... Họ sắp giết tôi..."

Và bây giờ, đó là trạm điện thoại trả lời. Cảnh sát chắc sẽ ập đến.

Luypanh nhớ lại những tiếng ồn ào anh đã nghe tháy khi đang ở trong vườn cách đây năm phút là cùng.

- Cảnh sát! Chạy mau! - Anh kêu lên và chạy vội qua phòng ăn. Ginbe phản đối:

- Thế còn Vôsơray?

- Mặc xác hắn!

Nhưng Vôsơray đã tỉnh lại, cầu khẩn:

- Ông chủ! Xin ông đừng bỏ tôi!

Luypanh dừng bước và mặc dầu nguy hiểm gần kề, cùng với Ginbe xốc người bị thương đứng dậy giữa lúc tiếng ồn ào nổi lên bên ngoài.

- Muộn quá rồi! - Anh nói.

Chương I - Bắt giữ (Phần 2)

________________________________________

Lúc đó, những tiếng đập phá nổi lên, cửa trông ra mặt sau nhà lung lay dữ dội. Anh chạy ra cửa thềm trước: nhiều người đã bao quanh ngôi nhà và đang xông vào. May ra thì anh và Ginbe có thể chạy nhanh ra tới bờ hồ trước họ. Nhưng làm sao xuống thuyền và trốn chạy được dưới làn đạn của kẻ thù?

Anh đóng cửa và chốt lại.

- Chúng ta bị bao vây... thế là đi đứt! - Ginbe lắp bắp.

- Im đi! - Luypanh nói.

- Nhưng họ đã trông thấy chúng ta, ông chủ ạ - Trông kìa, họ đang đập cửa.

- Im đi! - Luypanh nhắc lại - Không được nói một lời! Không được động đậy!

Chính anh cũng trở nên lặng lẽ, nét mặt hoàn toàn bình thản, có dáng điệu trầm ngâm của một người đủ thời gian rảnh rỗi để xem xét và cân nhắc một tình thế hết sức gay go, dưới đủ mọi khía cạnh. Anh đang ở trong một trong những trường hợp mà anh gọi đó là những phút tột đỉnh của cuộc sống, và chỉ riêng những phút này mới cho cuộc sống một giá trị đích thực. Trong trường hợp ấy và bất cứ sự đe dọa ra sao, anh cũng đếm thầm rất thong thả trong óc: "Một... hai... ba... bốn... năm... sáu..." đến khi nào nhịp đập của tim trở lại bình thường và đều đặn. Chỉ đến lúc đó anh mới tập trung suy nghĩ nhưng với biết bao thính nhạy! Với một sức mạnh ghê gớm như thế nào! Với linh tính mẫn cảm thật sâu sắc về những diễn biên có thể xảy ra. Tất cả các dữ kiện của vấn đề lần lượt hiện ra trong óc. Anh dự liệu tất cả, chấp nhận tất cả. Và anh đi đến quyết định với tính logic cao, với sự chắc chắn tuyệt đối.

Sau ba mươi lăm, bốn mươi giây, trong khi họ đập cửa và phá khóa thì anh bảo Ginbe:

- Theo ta!

Anh trở lại phòng khách, nhẹ nhàng đẩy hai cánh cửa sổ mở ra phía cạnh. Dòng người đi lại khá đông, khó lòng mà nhảy xuống trốn thoát được. Anh bèn lấy hết sức kêu thật to bằng một giọng hổn hển:

"Hãy lại đây!... Giúp tôi với!... Tôi đã tóm được chúng... Lại đây ngay!"

Anh chĩa súng ngắn nổ luôn hai phát vào đám lá cây. Rồi đến gần Vôsơray, cúi xuống, anh nhúng vào máu ở vết thương của hắn bôi đầy vào hai tay và xoa cả lên mặt. Cuối cùng, anh quay lại Ginbe và hung dữ nắm lấy hai vai hắn quật ngã lăn xuống sàn.

- Ông làm gì thế ông chủ? Thật lạ lùng!

- Để yên! - Luypanh dằn giọng nghiêm khắc - Ta chịu trách nhiệm tất cả... Chịu trách nhiệm với hai đứa bay. Để mặc ta làm... Ta sẽ cứu chúng mày ra khỏi nhà tù... Nhưng muốn như vậy ta phải được tự do.

Mọi người náo động, la gọi phía dưới khung cửa sổ để ngỏ.

- Ở đây! - Anh kêu lên - Tôi đã bắt được chúng! Giúp tôi với!

Và, rất khẽ, anh bình tĩnh bảo Ginbe:

- Hãy suy nghĩ kỹ... Cậu có muốn nói với ta không?... Mọi sự liên lạc nào đó có thể giúp ích cho chúng ta chẳng hạn...

Ginbe quay cuồng tức giận, quá bối rối nên không hiểu được kế hoạch của Luypanh. Vôsơray tỉnh hơn, vả lại vì bị thương, hắn không còn chút hy vọng chạy trốn theo được, nên cười gằn bảo:

- Hãy để yên, thằng ngu!... Miễn là ông chủ thoát... Đó chẳng phải là điều cốt tử hay sao?

Đột nhiên Luypanh nhớ đến cái vật mà Ginbe cất vào túi, sau khi giành được từ Vôsơray. Anh cũng muốn biết đó là cái gì.

- A! Cái đó thì không bao giờ.

Ginbe nghiến răng và vùng khỏi tay Luypanh.

Luypanh lại quật hắn ngã. Bất thình lình có hai người nhô lên khung cửa sổ. Ginbe nhượng bộ, vội tuồn vật đó cho Luypanh và không nhìn anh, hắn thì thầm:

- Đây, ông chủ, thế đấy... tôi sẽ nói rõ sau... ông có thể chắc chắn là...

Hắn không kịp nói hết câu... Hai tên cảnh sát và nhiều tên khác nối theo và cả những tên lính đột nhập bằng mọi ngả đến tiếp tay cho Luypanh.

Ginbe lập tức bị tóm và bị trói chặt. Luypanh lồm cồm đứng lên:

- Không có gì tai hại. - Anh nói - Thằng quỷ này làm tôi khá đau, tôi đánh bị thương tên kia, nhưng thằng đó...

Vội vàng, viên cẩm hỏi anh:

- Ông có thấy tên đầy tớ ở đây không? Có phải chúng đã giết hắn?

- Tôi không biết. - Anh đáp.

- Ông không biết ư?

- Trời! Tôi từ Enghiên tới cùng với tất cả các ông khi nghe tin vụ án. Chỉ có cái là, trong khi các ông vòng qua phía trái tòa nhà thì tôi vòng sang bên phải. Thấy một cái cửa sổ mở, tôi trèo lên giữa lúc hai tên cướp này định leo xuống. Tôi bắn vào tên này - Anh chỉ Vôsơray - Và tóm tên đồng bọn của hắn.

Làm sao mà người ta có thể nghi ngờ anh được? Người anh vấy máu. Chính anh đã trao cho cảnh sát những tên giết người. Hàng chục người đã trông thấy kết thúc của cuộc chiến đấu thật anh dũng mà anh đã xả thân.

Hơn nữa sự lộn xộn ồn ào quá lớn khiến người ta cũng chẳng để tâm đến chuyện lý giải sự việc hoặc mất thì giờ để nghi vấn nọ kia. Trong sự hỗn loạn ban đầu, những người địa phương xông vào biệt thự. Tất cả mọi người như phát cuồng lên. Họ chạy nháo nhác khắp nơi mọi chỗ, tầng trên, tầng dưới, chui vào cả hầm rượu. Họ í ới gọi nhau. Họ kêu thét và chẳng có ai nghĩ đến việc thẩm tra lại những lời khai có vẻ rất chính xác của Luypanh.

Nhưng đến lúc tìm ra cái xác chết trong gian bếp phụ thì viên cẩm mới cảm thấy trách nhiệm nặng nề. Ông ra lệnh cho đóng tất cả các cửa lại để không ai ra vào được nữa. Rồi không chậm trễ, ông xem xét mọi chỗ và bắt đầu lập biên bản.

Vôsơray xưng tên họ. Ginbe không chịu khai tên mình, với lý do chỉ nói trước mặt một luật sư. Nhưng vì bị gán cho tội giết người, anh tố giác Vôsơray. Tên này chống lại, đổ cho anh. Hai bên cãi vã với ý đồ rõ rệt tranh thủ viên cẩm tin mình. Lúc viên cẩm quay lại Luypanh để nhờ chứng thực thì thấy người lạ mặt đó không còn đấy nữa.

Không một chút nghi ngờ, viên cẩm bảo một nhân viên:

- Báo cho ông ta biết là ta muốn hỏi ông ấy một vài câu.

Họ sục đi tìm. Một người nào đấy thấy ông ta đứng châm thuốc lá ở bậc thềm. Người ta còn cho biết thêm là ông ta còn rút thuốc ra mời một nhóm lính, là ông ta đi về phía hồ nước và còn dặn lại nếu có gì cần thì gọi.

Họ cất tiếng gọi, không có ai trả lời.

Nhưng một người lính chạy tới, báo: ông ta vừa lên thuyền và đang hối hả chèo.

Viên cẩm nhìn Ginbe và biết là đã bị mắc lỡm.

- Phải giữ ông ta lại - Ông hét - Nếu cần thì bắn... Đó là một tên đồng phạm...

Ông cũng lao đi, theo sau là hai cảnh sát viên, còn những tên khác ở lại canh giữ hai tội phạm. Đứng trên bờ, xa khoảng trăm mét, viên cẩm trông tháy ông ta trong bóng tối lờ mờ đang vẫy mũ chào.

Một viên cảnh sát giơ súng ngắn nổ một phát nhưng vô ích.

Làn gió nhẹ đưa văng vẳng lại tiếng nói - ông ta vừa chèo thuyền vừa hát:

Tiến lên, chàng thủy thủ

Có gió đẩy thuyền trôi...

Nhưng viên cẩm nhìn thấy một chiếc thuyền neo cạnh bờ vườn nhà bên. Họ vượt qua hàng rào ngăn hai khu vườn và sau khi dặn dò bọn lính phải canh gác ở các bờ hồ và tóm bắt ngay kẻ chạy trốn nếu hắn đổ bộ, viên cẩm cùng hai tên tay chân lên thuyền đuổi theo Luypanh.

Cũng dễ thôi vì dưới ánh trăng mờ tỏ, họ có thể phân biệt được rõ hành động của người bị truy đuổi và thấy là hắn muộn vượt hồ nhưng lại xiên về bên phải nghĩa là hướng vào làng Xanh - Grachiêng.

Ngay lập tức, viên cẩm nhận thấy là với sự cộng sức của hai tên tay chân, và có thẻ là do chiếc thuyền nhẹ hơn, họ lướt đi rất nhanh. Trong mười phút đồng hồ họ đã rút ngắn được một nửa khoảng cách.

- Tốt lắm, được! - Ông nói - Chúng ta cũng chẳng cần tới bọn lính để ngăn nó đổ bộ. Ta rất muốn biết rõ cái tên lạ mặt này. Chắc nó phải to gan lắm.

Có một điều hết sức lạ lùng là khoảng cách rút ngắn nhanh chóng một cách không bình thường tưởng chừng như kẻ trốn chạy thất vọng... vì biết có chống lại cũng hoàn toàn vô ích. Những tên cảnh sát càng ra sức bơi. Chiếc thuyền lướt nhanh trên mặt nước. Cùng lắm là còn khoảng một trăm mét nữa là tới sát địch thủ.

- Dừng lại! - Viên cẩm hạ lệnh.

Kẻ thù mà họ nhìn thấy là một cái bóng ngồi xổm, không động đậy. Những chiếc bơi chèo bập bềnh. Và sự bất động này có một cái gì đó đáng lo ngại. Một tên cướp vào loại này có thể bình tĩnh chờ kẻ tấn công mình, bán đắt sinh mạng của mình và hắn còn có thể tiêu diệt họ bằng những phát súng ngắn bắn rất chính xác trước khi để bị tấn công.

- Đầu hàng đi! - Viên cẩm thét to.

Lúc đó trời tối sẫm. Ba người ngồi thụp xuống trong lòng thuyền vì họ ngỡ vừa nhận thấy một cử chỉ đe dọa.

Viên cẩm làu bàu:

- Chúng ta sẽ không để cho bị bắn lén. Phải bắn ngay, nghe không! Đã sẵn sàng chưa?

Và ông lại kêu to:

- Đầu hàng đi!... Nếu không...

Không một tiếng trả lời. Địch thủ không hề động đậy.

- Đầu hàng đi!... Bỏ súng xuống!... Mày không muốn hả?... Nếu vậy thì kệ xác!... Tao đếm... Một... hai...

Hai tên cảnh sát không chờ lệnh nổ súng và cùng lúc cúi rạp người xuống đẩy mạnh mái chèo, chỉ vài quạt nước thuyền đã tới sát.

Tay nắm chắc khẩu súng ngắn, chăm chú theo dõi phía địch, viên cảnh sát căng mắt ra nhìn và hét:

- Chỉ một cử động nhỏ, tao sẽ bắn vỡ sọ!

Nhưng địch thủ không hề động đậy. Và khi hai nhân viên, rời mái chèo, nhảy sang thuyền địch, chuẩn bị một cuộc tấn công khủng khiếp thì viên cẩm mới vỡ lẽ ra là chẳng có một mống nào trong thuyền. Kẻ thù đã bơi trốn, để lại cho người thắng trận một chiếc thuyền chở một ít đồ đạc vừa khuân ở lâu đài ra, chất thành đống ở lòng thuyền được khoác lên một cái áo và đội một chiếc mũ quả đưa. Trong bóng tối nhập nhòa trông chẳng khác hình dáng người ngồi xổm.

Dưới ánh sáng của mấy que diêm, họ xem xét chiếc mũ quả dưa, không có một chữ đầu nào được ghi phía trong mũ. Các túi áo khoác cũng không có một giấy tờ gì, ví cũng không. Nhưng họ tìm được trong một cái túi một vật sót lại có thể làm cho vụ việc này gây một tiếng vang to lớn đồng thời sẽ ảnh hưởng khủng khiếp đối với số phận của Ginbe và Vôsơray: Đó là tấm danh thiếp mang tên Acxen Luypanh.

Cũng gần vào lúc đó, trong khi cảnh sát dòng chiếc thuyền bắt được theo thuyền mình và tiếp tục tìm kiếm một cách vô vọng; trong khi các chú lính vô công rồi nghề, rải ra trên bờ hồ, cố gắng mở thật to mắt theo dõi diễn biến của cuộc thủy chiến thì Acxen Luypanh của chúng ta yên ổn lên bờ, ở đúng ngay chỗ mà anh đã rời đi để xuống thuyền cách đó hai tiếng đồng hồ.

Anh được hai tên đồng bọn là Grônha và Lơ Baluy đón. Anh giải thích cho chúng vài câu ngắn gọn rồi lên xe giữa những chiếc ghế bành và những đồ mỹ nghệ của nghị sĩ Đôbrếch và quấn mình vào những tấm áo lông. Anh bảo lái xe chọn những đường phố vắng mà chạy về nhà chứa đồ của anh ở phố Nơiy, để xe cùng người lái ở đó còn anh đáp taxi về Pari và dừng lại ở gần phố Xanh Philip đuy Rulơ.

Gần đó, ở phố Matinhông, anh có một căn hộ có lối ra vào đặc biệt. Căn hộ này chỉ có mỗi mình anh và Ginbe biết mà thôi.

Không phải là không khoan khoái khi được thay quần áo và tắm rửa. Vì dù là thể chất rất tráng kiện, lúc này anh cũng thấy rã rời. Cũng như mọi tối, trước khi đi ngủ, bao giờ anh cũng dốc mọi vật trong túi ra để trên bệ lò sưởi. Chỉ lúc đó anh mới nhận thấy bên cạnh chiếc ví và chùm chìa khóa cái vật mà đến phút cuối cùng Ginbe mới tuồn vào tay anh.

Anh hết sức ngạc nhiên. Đó là một chiếc nút chai, một chiếc nút chai nhỏ bằng pha lê mà thường người ta nút các chai rượu mùi. Chiếc nút chai này trông chẳng có gì đặc biệt. Họa chăng, Luypanh nhận thấy là các cạnh nút chai được mạ vàng suốt đến tận khúc giữa.

Nhưng thực ra, chẳng có chi tiết nào đối với anh có vẻ thuộc loại gây sự chú ý.

Anh lẩm bẩm:

"Và đó chính là cái mà Ginbe và Vôsơray đã bỏ bao công sức tìm kiếm? Và chính vì nó mà chúng đã giết gã đầy tớ kia. Vì cớ gì mà chúng đánh lộn nhau? Vì sao mà chúng hao tổn biết bao thời gian và tâm lực? Vì sao mà chúng mạo hiểm bất chấp cả nhà tù... tòa án... và máy chém?... Mẹ kiếp, thật là kỳ cục, không tài nào hiểu nổi!"

Mặc dầu vấn đề thật quyến rũ, nhưng vì quá mệt không thể tiếp tục xem xét thêm nữa, anh đặt lại chiếc nút chai trên bệ lò sưởi và lên giường nằm. Giấc ngủ của anh toàn những ác mộng: quỳ gối trên sàn gạch trong xà lim, Ginbe và Vôsơray rối rít giơ những bàn tay run rẩy về phía anh, gào lên sợ hãi.

- Cứu tôi!... Cứu tôi với!...

Nhưng cố gắng hết sức, anh vẫn không tài nào động cựa được. Chính bản thân anh như cũng bị trói chặt bằng những sợi dây vô hình. Và run rẩy, đầu óc mê mụ vì những hình tượng ghê rợn ma quái, anh mơ thấy dự lễ rửa tội cho những tử tù trước khi lên đoạn đầu đài và dự cuộc hành hình thảm khốc.

- Mẹ kiếp! - Anh lẩm bẩm lúc thức giấc sau một chuỗi ác mộng - Đó là những điềm gở! Cũng may là ta đâu đến nỗi yếu bóng vía. Nếu không thì...

Và anh thêm:

- Vả lại, ta có đó, ngay bên cạnh ta, chiếc bùa và nếu cách xử sự của Ginbe và Vôsơray có làm ta bị phương hại, thì chiếc bùa đó với bàn tay của Luypanh này cũng đủ để đẩy lùi mọi sự không hay và làm cho lẽ phải thắng thế. Hãy xem nào, cái nút chai pha lê đó.

Anh đứng lên, định cầm lấy chiếc nút chai để xem xét cho thật kỹ. Anh bỗng thốt kêu lên. Chiếc nút chai pha lê đã không cánh mà bay...

________________________________________

Chương II - CHÍN BỚT TÁM, CÒN MỘT

Có một điều mà, mặc dầu quan hệ của tôi với Luypanh rất tốt, sự tin cậy của anh đối với tôi có nhiều biểu hiện đáng phấn khởi, tôi không bao giờ hiểu được cặn kẽ: đó là cái băng của anh được tổ chức ra sao?

Không còn nghi ngờ về sự tồn tại của cái băng đó. Một số vụ mạo hiểm được tiến hành chỉ có thể lý giải được bằng tấm lòng tận tụy vô bờ, những nghị lực không có gì cưỡng nổi và những sự hỗ trợ mạnh mẽ. Tất cả sức mạnh đó đều tuân theo một ý chí duy nhất và thật ghê gớm. Nhưng cái ý chí đó điều hành ra sao? Qua trung gian nào và qua thuộc hạ nào? Tôi hoàn toàn mù tịt. Luypanh giữ bí mật của anh và những bí mật mà Luypanh đã muốn bảo vệ thì có thể nói là bất khả xâm phạm.

Giả thuyết duy nhất giúp tôi hiểu thêm một chút là băng này, theo ý tôi, rất ít người nhưng lại rất mạnh vì nó liên kết với những đơn vị độc lập, những thành viên tạm thời tuyển trong tất cả các giới, ở tất cả các địa phương và họ là những nhân viên thừa hành, phục vụ cho một quyền lực mà thường thường là họ cũng chẳng biết đó là ai. Giữa họ và người chủ có những đồng sự, những người tâm phúc, những tay chân trung thành... Tóm lại là những người đóng vai trò thứ nhất dưới sự chỉ huy trực tiếp của Luypanh.

Chắc là Ginbe và Vôsơray nằm trong số những người này. Chính vì vậy mà công lý tỏ ra vô cùng nghiệt ngã đối với họ. Đây là lần đầu tiên cảnh sát tóm được đồng bọn của Acxen Luypanh, những tòng phạm được xác nhận, không thể chối cãi. Và những tên tòng phạm này đã gây án giết người. Cần phải cho đó là một vụ cố sát, lời buộc tội phải được xây dựng trên những chứng cứ hiển nhiên vững chắc, và... đó là đoạn đầu đài. Còn về chứng cứ, ít nhất cũng có một, rõ ràng và chắc nịch. Đó là tiếng gọi trong điện thoại của Lêôna trước khi chết ít phút: "Cứu tôi. Có kẻ giết người... Chúng sắp giết tôi..." Tiếng kêu tuyệt vọng đó, có hai người nghe thấy, người nhân viên điện thoại và một trong những người bạn của anh ta. Dứt khoát là họ sẽ chứng thực việc đó.

Và sau tiếng kêu đó, viên cẩm được báo lại và đã lập tức lên đường tới lâu đài Mari Têrezơ, có người của ông ta đi theo cùng với một toán lính đang nghỉ phép.

Ngay từ những ngày đầu, Luypanh đã ý thức được thực trạng của hiểm họa. Cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống lại một xã hội đầy rẫy bất công mà anh đã dấn thân bước vào giai đoạn mới và khủng khiếp. Vận may quay lưng lại với anh. Lần này là một vụ giết người, hành động mà chính bản thân anh cũng chống đối, chứ không còn là những trò vui tước đoạt, trộm cắp bình thường mà sau khi sửa cho mấy thằng cha ngoại kiều xa hoa, đàng điếm hoặc mấy nhà tài chính gian xảo, ám muội nào đó, anh đã biết cách kéo đối thủ về phe mình và tranh thủ dư luận. Nhưng lần này đâu còn tấn công được nữa mà phải tự vệ và cứu cái đầu của hai tên đồng bọn.

Một ghi chép nhỏ mà tôi chép lại từ một trong những quyển sổ tay của anh thường để ngỏ, tóm tắt tình thế đã làm cho anh lúng túng. Nó cho ta thấy những suy nghĩ tiếp theo của anh:

"Trước hết, Ginbe và Vôsơray đã chơi mình một vố. Đó là điều chắc chắn - Cuộc đột nhập lâu đài Mari Têrezơ tưởng như để khua khoắng hóa ra lại có mục đích thầm vụng khác. Trong khi lục lọi, mục đích đó luôn ám ảnh chúng, và bên dưới những đồ gỗ và cũng như trong đáy những hòm tủ, chúng chỉ chú ý tìm kiếm một vật, không gì khác ngoài chiếc nút chai pha lê kia. Vậy thì, muốn nhìn rõ trong cái bóng tối mò mò này, trước hết ta cần phải hiểu biết cặn kẽ về cái đó. Rõ ràng là, với những lý do còn nằm trong bóng tối, cái mẩu thủy tinh bí ẩn này có một giá trị lớn lao dưới con mắt chúng... Và không phải chỉ riêng dưới mắt chúng, vì đêm qua một kẻ nào đó đã táo bạo và khéo léo đột nhập vào phòng ngủ của ta mà cuỗm lại vật này."

Vụ trộm mà nạn nhân lại chính là mình làm cho Luypanh đặc biệt bị kích thích.

Hai bài toán đều không thể giải đáp được hiện ra trong tâm trí anh. Trước hết là người khách viếng thăm bí hiểm? Chỉ có một mình Ginbe, người mà anh hoàn toàn tin cậy, mà anh dùng làm thư ký riêng, là biết nơi ẩn ở phố Matinhông. Nhưng Ginbe đang bị tù. Phải chăng Ginbe đã phản bội, báo cho cảnh sát theo dõi anh? Nếu vậy thì tại sao chúng không bắt ngay Luypanh mà lại chỉ lấy đi mỗi chiếc nút chai pha lê?

Nhưng còn lại một điều hết sức lạ lùng. Cứ cho là cánh cửa bị cậy khóa. Và cái đó anh sẵn sàng chấp nhận, dù tuyệt nhiên không có một dấu vết nào để chứng minh. Nếu không thì kẻ kia đã đột nhập bằng cách gì? Mỗi buổi tối, trước khi ngủ, theo thói quen mà anh không bao giờ rời bỏ, là khóa cửa, và tra then trong cẩn thận. Thế mà, rõ ràng, chiếc nút chai pha lê đã biến mất trong khi cả khóa cửa và then cửa không hề bị động tới. Và xưa nay Luypanh luôn tự hào là có đôi tai cực thính ngay cả khi ngủ, vậy mà không hề có một tiếng động nào làm anh thức giấc...

Chẳng cần mất công tìm hiểu làm gì. Vì anh biết rất rõ những bí ẩn thuộc loại này chỉ có thể làm sáng tỏ dần qua những diễn biến tiếp sau đó. Nhưng rất đỗi bối rối và lo ngại không yên, anh khóa ngay cửa căn gác lửng phố Matinhông lại, thề sẽ không đặt chân tới đó nữa.

Và ngay lập tức anh tìm cách liên lạc với Ginbe và Vôsơray.

Ở phía này, một nỗi thất vọng mới đang chờ anh. Cơ quan pháp luật dù không có đủ căn cứ chính xác về tội đồng lõa của Luypanh cũng quyết định vụ án phải được truy cứu không phải ở Xenêoazơ mà ở Pari, gắn liền với sự thẩm xét của toàn án tối cao, khởi tố chống Luypanh. Vì vậy mà Ginbe và Vôsơray phải đem giam tại nhà tù Xăngtê. Ở nhà tù này cũng như ở tòa án tối cao, người ta biết rất rõ là phải nghiêm cấm tuyệt đối mọi sự liên hệ giữa Luypanh và những kẻ bị giam giữ. Những biện pháp đề phòng thật tỉ mỉ và chu đáo được viên cảnh sát trưởng quy định rõ ràng và được các thuộc hạ dù ở bậc thấp nhất chấp hành thật chu đáo và tỉ mỉ. Suốt ngày đêm những tên cảnh sát đã được thử thách và vào lúc nào cũng là những tên này, canh gác Ginbe và Vôsơray không khi nào rời.

Vào thời điểm đó, Luypanh chưa được bổ dụng làm chánh mật thám (1) - Vinh quang sự nghiệp của anh - Vì vậy anh không thể dựa vào tòa án mà nắm bắt cách xử trí cần thiết cho việc triển khai kế hoạch của mình. Sau mười lăm ngày với những mưu toan uổng công, Luypanh đành chịu khoanh tay bất lực với nỗi lo sợ ngày một tăng.

"Cái khó nhất trong mỗi việc làm - Anh nghĩ - Không phải là đạt được kết quả mà là ở chỗ bắt đầu. Ở trường hợp này, phải bắt đầu từ đâu đây? Phải theo hướng nào đây?"

Anh chuyển hướng suy nghĩ về tên nghị sĩ Đôbrếch, người chủ đầu tiên của chiếc nút chai pha lê và chắc chắn hắn biết tầm quan trọng của nó. Mặt khác, vì sao mà Ginbe nắm được nhất cử nhất động của tên nghị sĩ? Kẻ nào đã báo cho hắn biết nơi Đôbrếch đến buổi tối hôm đó? Biết bao câu hỏi thú vị cần được giải đáp.

Ngay sau vụ cướp bóc lâu đài Mari Têrezơ, Đôbrếch về Pari ở tại ngôi nhà riêng của hắn, bên trái công viên nhỏ Lamactin, đầu đại lộ Vichto Huygô.

Trước tiên Luypanh cải trang giống hình dạng một ông già sống bằng thực lợi đi dạo chơi, tay cầm can đến ngồi nghỉ trong những ghế đá công viên đầu đại lộ.

Ngay từ ngày đầu tiên, một khám phá làm anh chú ý. Hai người đàn ông, ăn mặc như những công nhân, nhưng dáng đi đứng thì chỉ rõ vai trò canh chừng ngôi nhà của tên nghị sĩ. Khi Đôbrếch từ trong nhà đi ra, họ bám sát gót và khi hắn trở về, họ lại đi theo phía sau. Đến tối, khi đèn vừa tắt thì họ bỏ đi.

Đến lượt Luypanh, anh lại theo dõi họ. Đó là những nhân viên của Sở mật thám.

"Xem này, xem này - Anh tự nhủ - Thật không thiếu sự bất ngờ. Té ra Đôbrếch cũng đang bị nghi vấn."

Nhưng đến ngày thứ tư, vừa chập tối, có thêm sáu người nữa đến thì thầm trao đổi với hai người trước ở một góc tối nhất của công viên Lamactin và trong số những nhân vật mới đến, Luypanh rất ngạc nhiên nhận thấy, qua hình dáng và điệu bộ, tay Praxvin khét tiếng, cựu luật sư, cựu thể thao gia, cựu thám hiểm gia, hiện nay là sủng thần của điện Elydê và vì những lý do bí mật nào đó được đặt vào chức chánh văn phòng Sở cảnh sát.

Bất chợt, Luypanh bỗng nhớ: hai năm trước đây, tại quảng trường điện Buôcbông có một cuộc thách đấu gây tiếng vang rất lớn giữa Praxvin và nghị sĩ Đôbrếch. Nguyên nhân, không ai rõ.

Ngay trong ngày Praxvin đã phái những người làm chứng tới. Nhưng Đôbrếch chối từ không đấu.

Một thời gian sau đó, Praxvin được bổ nhiệm chức vụ chánh văn phòng Sở cảnh sát.

- Lạ thật... Lạ thật! - Luypanh lẩm bẩm. Anh trầm ngâm suy nghĩ trong lúc quan sát hành động của Praxvin.

Bảy giờ tối, nhóm Praxvin lùi ra xa một chút về phía đại lộ Hăngri Mactanh, cửa khu vườn nhỏ bên sườn nhà về phía tay phải chợt mở, Đôbrếch bước ra. Hai tên mật thám lập tức bám theo và cùng hắn bước lên tàu điện phố Têtbu.

Tức thì Praxvin vượt qua công viên và bấm chuông. Hàng rào nối liền ngôi nhà với chòi của người gác cổng. Người này ra mở cổng. Trao đổi chớp nhoáng, sau đó Praxvin cùng đồng bọn lách vào.

- Khám nhà bí mật và bất hợp pháp - Luypanh nói khẽ - Đúng phép lịch sự là phải mời ta. Sự có mặt của ta là rất cần thiết.

Không một chút do dự, anh bước tới. Cửa chưa đóng. Lúc đi qua, người gác cổng đang quan sát xung quanh, anh hỏi bằng giọng hối hả của một người đang được chờ đợi.

- Các ông đó đến cả rồi chứ?

- Thưa, vâng, trong văn phòng.

Kế hoạch của anh đơn giản: Nếu bị bắt gặp anh sẽ khai là người cung cấp các thức cần dùng cho chủ nhân. Lo xa thế, nhưng cũng thừa. Anh đi qua phòng đợi trống không, vào phòng ăn cũng chẳng có ai, nhưng ở đó, qua một cửa sổ tròn lắp kính ngăn với văn phòng, anh trông thấy Praxvin và năm tên đồng bọn.

Bằng những chìa khóa giả, Praxvin mở toang tất cả ngăn kéo. Hắn lục soát các hồ sơ trong khi bốn tên khác lôi từng quyển sách trên giá xuống đất, lật từng trang và xem xét cả từng gáy một.

"Chắc là chúng muốn tìm một thứ giấy tờ gì đó - Luypanh nghĩ - có thể là những ngân phiếu..."

Praxvin kêu lên bực tức:

- Chó má thật! Chẳng thấy gì cả!...

Nhưng chắc chắn là không chịu từ bỏ ý định tìm cho bằng được vì bất thình lình hắn lôi lên bốn chai rượu để lâu năm trong một hốc tường, rút lấy bốn cái nút và đưa lên gần mắt ngắm nghía - Ô hay! - Luypanh thầm nghĩ - Cả hắn nữa cũng lại công kích vào những chiếc nút chai. Vậy thì không phải là một thứ giấy tờ gì đó? Thật chẳng hiểu ra sao cả.

Rồi Praxvin nhấc từng đồ vật lên xem xét. Hắn cất tiếng hỏi:

- Anh đã tới đây mấy lần rồi?

- Sáu lần, hồi mùa đông năm ngoái - Một giọng người nào đó trả lời.

- Anh đã xem xét thật kỹ chưa?

- Từng căn buồng một và trọn cả ngày vì lúc đó hắn bận đi vận động bầu cử.

- Thế mà... Thế mà...

Và hắn hỏi tiếp:

- Vậy hắn không có đầy tớ trong thời gian này?

- Không, hắn còn đang tìm. Hắn ăn ở khách sạn và bác gác cổng trông nom giặt giũ cho hắn được đến đâu hay đến đấy. Người đàn bà này phục vụ chúng ta rất tận tâm.

Suốt trong một tiếng rưỡi đồng hồ, Praxvin kiên trì tìm kiếm, nhấc lên, đặt xuống tất cả các vật trong văn phòng rồi lại thận trọng để từng thứ vào đúng chỗ cũ. Đến chín giờ tối hai tên nhân viên đi theo dõi Đôbrếch quay trở lại báo:

- Hắn đang trở về.

- Đi bộ à?

- Đi bộ.

- Chúng ta có đủ thời gian chứ?

- Ồ, đủ.

Không vội vã lắm, Praxvin và những tên thuộc Sở cảnh sát liếc mắt nhìn lại các thứ trong gian phòng lần cuối và sau khi chắc chắn là không có gì tiết lộ cuộc thăm viếng của mình, họ rút lui.

Với Luypanh, tình thế trở nên gay cấn. Đi ra, rất có thể anh đụng Đôbrếch. Ở lại thì khó chuồn thoát. Nhưng nhận thấy là cửa sổ phòng ăn có thể cho anh một lối ra thẳng phía công viên, anh quyết định ở lại. Vả lại, đó là một dịp thật tốt để quan sát Đôbrếch ở cự ly gần. Vậy không nên bỏ qua. Hơn nữa vì Đôbrếch vừa đi ăn tối về, chắc chắn chẳng mò vào đây làm gì.

Thế là anh đợi, sẵn sàng nấp vào cái màn nhung kéo ra che cái cửa kính tròn khi cần thiết.

Anh nghe thấy tiếng cửa mở. Một người nào đó bước vào văn phòng và bật đèn. Anh nhận rõ là Đôbrếch.

Đó là một người đàn ông to lớn, người thấp đậm, cổ ngắn với một vành râu hoa râm, đầu hói, vì thị lực rất yếu kém nên luôn mang kính, cặp kính đặt bên ngoài cặp kính khác đeo sát mắt.

Luypanh nhận thấy khuôn mặt hắn đầy nghị lực, cái cằm vuông xương xẩu. Hai bàn tay to đầy lông lá, đôi chân vòng kiềng, cái lưng gù gù, hắn đi lại đung đưa cặp mông, thoáng cái dáng dấp của con thú bốn chân. Nhưng nổi bật trên khuôn mặt là vầng trán rộng và cao không nhẵn bóng mà lại gồ ghề những vết lõm và lởm chởm những cái bướu nhỏ. Toàn bộ con người hắn toát lên một cái gì đó thú vật, ghê tởm, man rợ. Luypanh chợt nhớ là ở nghị viên người ta gọi Đôbrếch là "Người rừng" - Và gọi hắn như thế không chỉ vì hắn sống xa lánh mọi người, không thích giao du với các bạn đồng sự mà còn vì cả dáng vẻ bề ngoài, cách xử sự, dáng đi đứng và cơ bắp mạnh mẽ đồ sộ của hắn.

Hắn ngồi trước bàn giấy, rút trong túi ra một chiếc tẩu bằng đá bọt, chọn trong nhiều gói thuốc lá sợi đặt trong cái khay gói thuốc Marylan, xé băng, lấy thuốc nhồi vào tẩu, châm hút. Rồi hắn bắt đầu viết.

Được một lát hắn ngừng công việc và thần ra suy nghĩ, đăm đăm nhìn vào một điểm trên bàn.

Nhanh nhẹn, hắn cầm lấy chiếc hộp nhỏ đựng tem thư đưa lên ngắm nghía. Rồi hắn kiểm tra lại chỗ để của một số đồ vật mà Praxvin đã sờ vào và đặt xuống, ghé xuống xem, làm như có một vài dấu hiệu nào đó chỉ cho hắn biết, có thể mách bảo hắn.

Cuối cùng, hắn bấm chuông điện.

Một phút sau, bà gác cổng hiện ra. Hắn hỏi:

- Chúng nó đã tới phải không? - Và thấy người đàn bà lưỡng lự, hắn hỏi tiếp:

- Thế nào, Clêmăng, có phải bà đã mở cái hộp nhỏ đựng tem thư này?

- Thưa ông, không ạ.

- Thế mà, tôi đã gắn nắp hộp bằng một băng giấy dính. Cái băng giấy đã rách.

- Tôi có thể chứng thực là...

- Sao lại phải nói dối - Hắn nói - Vì chính tôi đã bảo bà là cứ để thả cửa cho tất cả những sự thăm viếng đó cơ mà.

- Là vì...

- Là vì bà muốn hai mang chứ gì?... Được thôi.

Hắn chìa ra một tờ giấy bạc năm mươi phrăng và nhắc lại:

- Chúng đã đến phải không?

- Thưa ông, vâng.

- Cũng là những tên lần trước.

- Vâng, tất cả năm tên... Và một tên nữa... chỉ huy chúng.

- Tên này to lớn? Tóc hung?

- Thưa, vâng.

Luypanh nhìn thấy quai hàm của Đôbrếch co lại và hắn tiếp tục hỏi:

- Tất cả chỉ có thế?

- Còn một tên khác nữa, đến sau bọn kia... và, vừa rồi, hai tên khác, hai tên hằng ngày thường lảng vảng trước nhà ấy.

- Chúng đã ở văn phòng này?

- Vâng, thưa ông.

- Và chúng bỏ đi lúc tôi vừa về tới? Có thể chỉ trước vài phút?

- Thưa ông, vâng.

- Tốt lắm!

Người đàn bà đi ra. Đôbrếch lại tiếp tục viết. Rồi vươn tay cầm lấy một quyển vở trắng để ở góc bàn, hắn viết vào đó những con số rồi dựng quyền vở lên làm như không muốn rời mắt nhìn.

Đó là những con số mà Luypanh có thể đọc được được cái công thức của phép tính trừ đó như sau: 9 - 8 = 1

Và Đôbrếch, qua kẽ răng, lẩm bẩm từng con số một cách chăm chú.

- Không còn nghi ngờ gì nữa - Hắn nói to.

Hắn viết một bức thư, rất ngắn và trên phong bì nguệch cái địa chỉ mà Luypanh đọc được khi lá thư đặt cạnh quyển vở:

"Ngài Praxvin, Chánh văn phòng Sở cảnh sát".

Rồi hắn lại bấm chuông.

- Clêmăng! - Hắn hỏi bà gác cổng - Hồi còn nhỏ bà có đến trường học không?

- Trời! Có, thưa ông.

- Người ta có dạy bà làm tính không?

- Nhưng, thưa ông...

- Chắc là môn tính trừ của bà không thạo lắm?

- Vậy thì sao, thưa ông?

- Vì bà không biết là chín bớt tám còn một, và cái đó, bà thấy không, cực kỳ quan trọng. Nếu bà bỏ qua cái chân lý hàng đầu đó thì chẳng còn gì nữa.

Vừa nói hắn vừa đứng lên và đi quanh gian phòng, hai tay chắp phía sau lưng, bộ mông lúc lắc - Hắn đi một vòng nữa rồi dừng lại trước cửa phòng ăn, mở cửa:

- Bài toán đáng ra có thể khác kia - Hắn nói - Ai từ chín bỏ đi tám, còn một. Và người còn lại, là kia phải không? Chà! Con tính tuyệt đối đúng, và ngài, có đúng thế không, cho chúng ta một bằng cứ sáng chói?

Hắn vỗ vỗ vào tấm màn nhung mà trong những nếp gấp, Luypanh đang ẩn nấp.

- Ngài bị ngạt thở trong đó, đúng không, thưa ngài? Không kể là tôi có thể giải trí đâm ngài một vài nhát gươm ngắn vào tấm màn này... Ngài có nhớ sự hoảng loạn của Hămlét và cái chết của Pôlôniuytx... Đó là một con chuột cống - tôi thưa với ngài như thế - một con chuột cống to... Nào mời ngài Pôlôniuytx ra khỏi cái lỗ của ngài đi.

hương II - Chín bớt tám, còn một (phần 2)

________________________________________

Luypanh lâm vào một tình thế khác thường mà anh ghét cay ghét đắng. Đưa những kẻ khác vào bẫy và cười nhạo vào mặt chúng, đó là việc anh quen làm nhưng tuyệt nhiên không phải là việc người ta giễu cợt anh và cười hô hố trước mũi anh. Nhưng lúc này liệu anh chống trả ra sao đây?

- Hơi xanh xao một chút, ngài Pôlôniuytx! Ồ! Nhưng mà này, chính lại là nhà tư sản đáng trọng thường lảng vảng gần công viên mấy ngày hôm nay! Cũng là cảnh sát à ngài Pôlôniuytx? Nào, bình tĩnh lại, tôi không muốn làm gì hại anh đâu... Clêmăng! Bà thấy không? Con toán của tôi chính xác tới bậc nào. Chúng đã vào đây, theo bà thì tất cả có chín tên. Trên đường về, tôi đếm thấy từ xa, trên đại lộ, một bọn tám đứa. Chín bớt đi tám còn một. Chắc chắn là một tên còn lại ở đây để rình mò. Ecco Homo! (2)

- Thế rồi sao? - Luypanh thách thức. Anh sục sôi muốn nhảy xổ vào vào tên nghị sĩ và nghiền nát hắn ra.

- Rồi sao à? Nhưng chẳng sao cả, anh bạn ạ - Anh còn muốn gì hơn? Vở hài kịch đã hạ màn. Tôi chỉ yêu cầu anh mang bức thứ nhỏ mà tôi vừa viết đây về cho ngài Praxvin, ông chủ của anh. Clêmăng! Bà hãy chỉ đường cho ngài Pôlôniuytx và bất cứ lúc nào ngài tới, hãy mở rộng cửa đón ngài. Đây là nhà ngài, thưa ngài Pôlôniuytx. Xin hầu ngài...

Luypanh lưỡng lự. Đáng lẽ anh phải tỏ vẻ kiêu hùng, ném ra một câu từ giã, một tiếng để kết thúc như là trên sân khấu ở tận hậu cảnh để cho cuộc rút lui đẹp đẽ hoặc chí ít biến đi nhưng vẫn bảo toàn được danh dự trong cuộc chiến. Nhưng sự thất bại quá thảm hại đến mức anh không làm gì được hơn là chụp mạnh cái mũ quả dưa lên đầu và giẫm chân thình thịch đi theo bà gác cổng.

Sự trả đũa thật nghèo nàn, ít ỏi.

"Thằng cha đốn mạt đểu giả! - Anh kêu lên khi đã ra khỏi ngôi nhà và quay đầu lại phía cửa sổ buồng Đôbrếch - Quân khốn kiếp! Đồ vô lại! Đồ nghị gật! Mi sẽ phải trả món nợ này... A! Ngài lộng hành... A! Ngài cả gan... Sao? Ta thề có trời, chỉ ngày một, ngày hai..."

Sục sôi giận dữ nhưng trong thâm tâm, anh cũng phải công nhận sức mạnh của tên địch thủ mới này. Không thể phủ nhận sự chủ động mạnh mẽ của hắn trong sự việc vừa qua.

Sự điềm tĩnh đến lạnh lùng của Đôbrếch, sự vững chắc trong việc hắn giăng bẫy bọn viên chức của Sở cảnh sát, sự coi thường trong việc chúng lén khám nhà và trên hết là sự bình tĩnh quả cảm đáng khâm phục, thái độ ung dung ngạo mạn trước mặt nhân vật thứ chín đang do thám hắn... Tất cả những cái đó chứng tỏ hắn là một người có bản lĩnh, mạnh mẽ, không nôn nóng, sáng suố, táo bạo, tự tin và tin vào những con bài hắn có trong tay.

Nhưng là những con bài nào? Hắn chơi ở bên nào? Kẻ cầm trịch? Và cuộc chơi đã tới điểm nào rồi: phía bên này cũng như phía bên kia? Luypanh mù tịt, chẳng hiểu một tí gì. Anh húc đầu vào tảng đá giữa những địch thủ đang giao tranh quyết liệt mà anh không biết cả vị trí, cả phương tiện, cả những kế hoạch mật của chúng. Cuối cùng, anh chỉ có thể cho là mục đích của bao nhiêu nỗ lực đó là để chiếm đoạt cho được chiếc nút chai pha lê.

Riêng một điều làm anh thích thú: Đó là việc Đôbrếch không phát hiện ra anh. Hắn cho anh là tay chân của cảnh sát. Tóm lại là cả Đôbrếch lẫn cảnh sát đều không nghi ngờ là có một người thứ ba len vào sự việc, đóng vai trò "Ngư ông đắc lợi". Đó là con chủ bài duy nhất, con chủ bài cho anh quyền tự do hành động, đối với anh là cực kỳ quan trọng.

Không một phút chậm trễ, anh bóc lá thứ mà Đôbrếch đưa cho anh để chuyển cho Praxvin, chánh văn phòng Sở cảnh sát. Lá thư có những dòng sau đây:

"Ngay ở tầm tay anh, anh bạn Praxvin của tôi ạ! Chính anh đã sờ vào nó rồi! Chỉ một tí tẹo nữa thôi và thế là xong... Nhưng anh ngu lắm! Người ta không thể tìm được một kẻ khác hơn anh sao? Ôi nước Pháp khốn khổ! Tạm biệt, Praxvin! Nhưng nếu ta bắt được quả tang thì mặc xác anh đó... ta bắn!

Ký tên: Đôbrếch"

Trong tầm tay! - Luypanh thầm thắc mắc lại sau khi đọc lá thư - Có thể là thằng quỷ này nói thật. Cất giấu sơ sài nhất lại thường chắc chắn nhất. Không sao, không sao, cần phải xem lại cái đó. Và cũng cần biết tại sao Đôbrếch lại là đối tượng bị theo dõi sát như vậy và tiện thể tìm hiểu thêm một chút về nhân vật này.

Những tin tức Luypanh thu lượm được nhờ một tổ chức đặc biệt của anh có thể tóm tắt như sau:

Alêchxi Đôbrếch đã hai năm là nghị sĩ miền Butsơ đuy Rôn, thuộc phái độc lập, chính kiến không rõ ràng như thế rất mạnh nhờ những khoản tiền chi phí lớn khi ra tranh cử. Của cải, tài sản hầu như không có gì. Thế mà nào nhà riêng ở Pari, biệt thự ở Enghiên và Nixơ, đánh bạc thua những khoản tiền lớn, không ai rõ tiền ở đâu ra. Rất có thế lực, muốn gì được nấy dù là không thậm thụt ra vào các bộ và hình như không giao du bạn bè, không có quan hệ trong chính giới.

"Phiếu giao dịch! - Luypanh tự nhủ khi đọc lại tờ ghi chép đó - Cái mà ta cần là một phiếu kín, một cái phiếu cảnh sát kia. Nó cho ta biết đời tư của hắn để ta có thể dễ dàng hành động trong cái thế mù mờ này, để biết rằng ta không bị sa lầy khi chọn Đôbrếch làm đối tượng. Mẹ kiếp! Biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua!"

Một trong những nơi ở Luypanh thường đi về trong thời gian đó là phố Satôbriăng, gần Khải hoàn môn. Ở đó, người ta biết anh dưới cái tên Misen Bômông. Anh có một căn hộ khá tiện nghi và một tên đầy tớ thật trung thành, Asin. Công việc của tên đầy tớ này là tập trung các tin tức qua điện thoại mà những tay chân của Luypanh gọi về.

Về đến nhà, Luypanh rất ngạc nhiên được biết là có một chị công nhân đợi anh đã gần một tiếng đồng hồ.

- Thế nào? Từ trước tới giờ không một ai đến hỏi ta ở đây kia mà? Cô ấy còn trẻ phải không?

- Không... Tôi tin là không còn trẻ.

- Anh không tin?

- Người ấy mang một cái khăn trùm thay cho mũ, không nhìn rõ mặt. Đúng ra là như một người làm công... người làm ở một cửa hàng nào đó, trông không được lịch sự...

- Người ấy hỏi ai?

- Hỏi ông Misen Bômông - Người đầy tớ đáp.

- Lạ thật! Không biết họ muốn gì?

- Người ấy chỉ nói với con là vấn đề có liên quan đến vụ Enghiên... Thế là con đã tưởng...

- Hừ! Vụ Enghiên! Vậy là người ấy biết là ta có dính vào vụ đó. Biết là nếu tìm hỏi ở đây thì...

- Con không khai thác được ở bà ta một chút gì, nhưng nghĩ cũng nên tiếp bà ta.

- Anh đã làm đúng! Bà ta đâu?

- Ở phòng khách ạ. Con đã bật đèn.

Luypanh đi nhanh qua tiền sảnh và mở cửa phòng khách.

- Mày nói hươu nói vượn cái gì đó? - Anh bảo người đầy tớ - Chẳng có ai cả.

- Không có ai à? - Asin hỏi và nhảy xổ ra.

Quả thật phòng khách vắng không.

- Ủa! Thật là kỳ quặc! - Anh đầy tớ kêu lên - Cách đây chưa đầy hai mươi phút, vì phòng xa, con đã quay lại nhìn xem. Bà ta vẫn ở đó mà. Con đâu có bị lóa mắt.

- Để xem, để xem! - Luypanh bực bội - Trong lúc người đàn bà đó ngồi chờ thì mày ở đâu?

- Con ở phòng ngoài, thưa ông chủ. Không một giây nào con rời phòng ngoài. Lẽ ra con phải trông thấy bà ấy đi chứ, thế là nghĩa lý gì?

- Thế mà bà ta không còn ở đó...

- Đúng vậy... đúng vậy... - Asin ngơ ngác, rên rỉ - Chắc là sốt ruột bà ta bỏ đi. Nhưng con rất muốn biết bà ta đã ra bằng lối nào, lạ thật.

- Bằng lối nào à? - Luypanh nói - Chẳng cần phải là phù thủy cũng biết điều đó.

- Sao kia?

- Lối cửa sổ. Trông đây, cửa sổ hãy còn hé mở... Chúng ta lại ở tầng trệt... Phố xá thì vào chiều tối bao giờ cũng vắng vẻ... Không còn nghi ngờ gì nữa.

Anh nhìn xung quanh và chắc chắn là không vật nào bị lấy đi hoặc để sai chỗ. Vả lại gian phòng này không có vật gì quý, không có giấy tờ gì quan trọng để có thể giải thích được việc người đàn bà đã đến và đi ra đột ngột kia.

Nhưng tại sao lại có cuộc trốn chạy khó hiểu đó?...

- Hôm nay không có ai gọi điện thoại chứ?

- Không ạ.

- Cũng không có thư?

- Có, một thư chuyến đưa thư cuối cùng.

- Đưa đây cho ta.

- Con để trên mặt lò sưởi như mọi khi, thưa ông.

Phòng của Lupin thông với phòng khách nhưng anh đã bít cửa ngang lại chắc chắn nên phải ra lối hành lang rồi mở cửa đi vào.

Luypanh bật đèn. Một lát sau, anh kêu lên:

- Ta chẳng thấy thư đâu cả.

- Có đấy... Con đã đặt nó bên cạnh cái cốc có chân.

- Không có gì cả.

- Ông tìm kém quá đấy!

Nhưng Asin hết dịch cái cốc ra lại nhấc chiếc đồng hồ lên, cúi xuống nhìn... phong thư không còn đó.

- A, quái quỷ thật! Thật là quái quỷ! - Hắn làu bàu - Chính bà ta... đúng là bà ta đã lấy đi... và khi lấy được bức thư, bà ta chuồn... Chà, con mụ!

Luypanh phản đối:

- Mày điên à! Không có lối thông giữa hai phòng.

- Vậy thì làm sao bức thư lại biến mất, thưa ông chủ?

Cả hai đều im lặng. Luypanh cố gắng dẹp cơn giận và tập trung suy nghĩ.

Anh hỏi:

- Mày đã xem kỹ bì thư đó chứ?

- Vâng.

- Không có gì khác thường chứ?

- Không có gì khác thường. Một cái phong bì vớ vẩn, địa chỉ ghi bút chì.

- A, bằng bút chì?

- Vâng, và như là viết vội, nghuệch ngoạc.

- Địa chỉ ghi thế nào... Chắc mày còn nhớ? - Luypanh hỏi với vẻ hơi lo lo.

- Còn còn nhớ vì thấy nó kỳ kỳ...

- Nói đi! Kìa nói đi chứ!

- Địa chỉ ghi là "Gửi ông đờ Bômông Misen".

Luypanh túm lấy vai tên đầy tớ lắc mạnh:

- Có chữ "đờ" Bômông? Mày nhớ đúng chứ? Và "Misen" sau "Bômông"?

- Hoàn toàn chắc chắn. Đúng như vậy.

- Ôi! - Luypanh thì thào như nghẹn thở - Đó là thư của Ginbe.

Anh đứng lặng, mặt nhăn nhúm và hơi tái đi. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó là thư của Ginbe. Đó là mật hiệu, theo lệnh anh đã từ nhiều năm nay, Ginbe thường dùng để liên lạc với anh. Với biết bao đợi chờ, biết bao mánh lới, từ trong trại giam u tối, cuối cùng Ginbe đã tìm cách tuồn được lá thứ ra bưu điện. Thế mà người ta đã đánh cắp mất. Hắn đã viết gì trong thư? Người tù khốn khổ đã thông báo những gì? Hắn muốn cầu khẩn sự giúp đỡ ra sao? Mưu mẹo mà hắn đề xuất thế nào?

Luypanh xem xét lại phòng ngủ, trái với phòng khách, ở đây chứa nhiều giấy tờ quan trọng. Nhưng không có một cái khóa nào bị bẻ gãy, phải thừa nhận là người đàn bà không có mục đích nào khác ngoài việc đánh cắp bức thư của Ginbe.

Giữ bình tĩnh, anh lại hỏi:

- Lúc mày nhận thư thì người đàn bà cũng ở đó chứ?

- Vâng, cùng một lúc. Người gác cổng gọi chuông cũng vào lúc đó.

- Bà ta có thể nhìn thấy được phong bì?

- Vâng.

- Thế là đã có thể kết luận được rồi. Chỉ còn lại vấn đề là làm thế nào mà bà ta đánh cắp được bức thư đó. Bằng cách từ bên ngoài, bám từ cửa sổ này leo sang cửa số khác ư? Không thể được: Luypanh thấy cửa sổ phòng anh đóng kín. Bằng cách mở cửa ngang ư? Cũng không phải: Luypanh thấy cửa này vẫn khóa và then cài vẫn nguyên xi.

Người ta không thể đi lọt qua một bức tường mà chỉ đơn giản bằng cách vận dụng ý chí. Muốn vào đâu và từ đâu đi ra phải có một lối để đi, nhưng hành động này được hoàn tất chỉ trong vài ba phút, vậy cái lối vào này phải có từ trước, phải được đục sẵn vào tường và tất nhiên là người đàn bà này biết rồi. Giả thuyết này làm đơn giản cuộc tìm kiếm bằng cách tập trung vào cánh cửa bởi vì các bức tường thì trần trụi không có tủ hốc, không có lò sưởi, cũng không có thảm che nên không thể ngụy trang bất cứ lối đi nào.

Luypanh trở lại phòng khách và bắt đầu xem xét kỹ cánh cửa. Nhưng ngay lập tức, anh rùng mình. Thoạt nhìn, anh nhận thấy về bên dưới phía trái cánh cửa, một trong sáu mảnh ván ốp giữa những thanh gỗ ngang, không ở vị trí bình thường và ánh đèn không chiếu thẳng vào như những mảnh ván kia. Cúi xuống xem kỹ, anh nhìn thấy hai đầu sắt nhọn nhỏ xíu đỡ lấy mảnh ván theo cách đỡ tấm gỗ áp vào phía sau một cái khung tranh ảnh vậy. Chỉ việc bẻ hai cái đầu sắt ấy xuống là mảnh ván rời ra.

Asin kêu lên khoái trá. Nhưng Lupin gạt đi:

- Nhưng còn sau đó thì sao? Chúng ta chưa đi đến đâu cả. Trông đây. Một khoảng trống hình chữ nhật chiều dài khoảng từ mười lăm đến mười tám phân với chiều cao bốn mươi phân - Chắc mày không cho rằng người phụ nữ đó có thể chui lọt qua một cái lỗ mà với đứa trẻ mười tuổi cũng đã là quá hẹp dù cho nó có gầy gò đến mức nào.

- Nhưng mụ ta có thể tuồn cánh tay vào để mở chốt bên trong.

- Chốt dưới, được. - Luypanh nói - Nhưng còn chốt trên, không. Khoảng cách quá xa. Cứ thử đi, mày sẽ thấy.

Asin thử và phải rút lui ý kiến.

- Vậy thì thế nào? - Hắn hỏi.

Luypanh không đáp. Anh trầm ngâm suy nghĩa một lúc lâu.

Rồi bất thình lình ra lệnh:

- Cái mũ... Cái áo khoác - Mau lên!

Anh vội vàng mặc áo, đội mũ, bị dồn ép bởi một ý nghĩ cấp thiết. Ra đến ngoài, anh nhảy lên một chiếc xe taxi:

- Phố Matinhông... Nhanh lên!

Vừa tới trước cửa căn nhà, nơi đã bị lấy trộm chiếc nút chai pha lê, anh nhảy xuống xe, mở cửa lối đi riêng, lên gác, chạy đến phòng khác, bật đèn và ngồi xổm xuống trước cái cửa thông sang phòng ngủ.

Anh đã đoán đúng. Một trong những mảnh ván nhỏ của cánh cửa cũng rời ra dưới tay anh.

Và cũng giống như thế ở chỗ khác nữa, trong căn hộ của anh ở phố Satôbriăng. Lỗ hổng vừa đủ để luồn cánh tay và vai, không thể nào mở được cái chốt phía trên.

- Thế có chết người không! Tai họa! Thật ai họa! - Anh kêu lên, không thể nén được lâu hơn nữa sự bực tức như điên đang sôi sục trong anh suốt hai tiếng đồng hồ qua - Chó má thật! Vậy là không chấm dứt được cái chuyện chết tiệt này hay sao!

Thực tế, một rủi ro khôn lường cứ bám riết lấy anh khiến anh phải mò mẫm trong sự tình cờ, không chủ động tận dụng được những yếu tố của thành công mà tính bướng bỉnh ngang tàng của anh hoặc chính ngay sức mạnh của sự việc đưa đến tay anh - Ginbe trao cho anh chiếc nút chai pha lê, Ginbe đã gửi cho anh một bức thư - Tất cả những cái đó đều biến đi tức khắc ngay lúc đó.

Và còn hơn thế nữa, làm sao mà anh có thể tin được, cho đến lúc này, một loạt trường hợp tình cờ xảy ra mà cái nọ không liên quan đến cái kia? Không. Rõ ràng đó là kết quả của một ý chí đối địch theo đuổi một cái đích đã được xác định với một sự khéo léo tuyệt vời và một tài nghệ không tưởng tượng nổi. Cái ý chí đó đang tấn công anh, Luypanh, ngay tận cùng sào huyệt vững chắc nhất làm anh chưng hửng, bằng những cú thật nặng nề và hết sức bất ngờ đến mức anh không còn biết chống đỡ ra sao và không biết kẻ nào là địch thủ nữa. Trong suốt quá trình hoạt động mạo hiểm của anh, anh chưa từng bao giờ vấp phải những chướng ngại như thế.

Và, trong thâm tâm anh, đang lớn dần nỗi lo sợ ám ảnh về tương lai. Le lói trước mắt anh một ngày tháng, cái ngày tháng khủng khiếp mà anh gán một cách vô thức cho công lý làm cái việc trả thù, cái ngày tháng mà vào một buổi sáng tháng tư, sẽ bước lên đoạn đầu đài hai con người đã từng đi bên anh, hai người đồng sự phải chịu hình phạt thảm khốc.

Chương III - ĐỜI TƯ CỦA ALÊCHXI ĐÔBRẾCH

Trở về nhà sau khi ăn sáng, ngay sau cái hôm bị cảnh sát bí mật lục soát chỗ ở của mình, nghị sĩ Đôbrếch bị Clêmăng, bà già gác cổng chặn lại - bà này đã tìm được một người làm bếp đáng tin cậy.

Vài phút sau, bà làm bếp trình ngài nghị sĩ những giấy chứng nhận đảm bảo có chữ ký của những nhân vật tiếng tăm có thể hỏi lại để chứng thực dễ dàng.

Đã đứng tuổi nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát, bà ta nhận sẽ làm tất cả công việc nội trợ không cần có người phụ giúp, đó cũng là điều kiện Đôbrếch đặt ra để giảm thiểu càng nhiều càng tốt những nguy cơ bị rình rập theo dõi.

Trước đó, bà đã giúp việc cho bá tước Xôlơva, một thành viên của nghị viện. Đôbrếch liền gọi điện cho đồng nghiệp. Viên quản lý của bá tước Xôlơva cho biết những nhận xét rất tốt. Thế là bà ta được mướn.

Ngay sau khi mang hành lý tới, bà ta đã bắt tay vào việc, suốt ngày lau chùi đồ đạc rồi sửa soạn bữa ăn. Đôbrếch ăn bữa tối rồi ra ngoài.

Vào khoảng mười một giờ khuya, người gác cổng đã đi ngủ, bà hé mở cửa vườn một cách thận trọng. Một người đàn ông đến gần.

- Anh đấy à? - Bà hỏi.

- Vâng, Luypanh đây.

Bà dẫn anh vào phòng mình ở tầng ba, trông ra vườn và ngay lập tức, than phiền:

- Lại là những mánh khóe, lúc nào cũng chỉ là những mánh khóe. Anh không để cho tôi yên được sao? Đáng lẽ tôi làm cho anh được bao nhiêu việc khác.

- Biết làm sao được hở vú Vichtoa? Tôi cần một bà có vẻ ngoài đáng kính và thật trung thành. Thế là tôi nghĩ đến vú. Đáng lẽ vú phải lấy làm hãnh diễn kia đấy!

- Và, anh đã làm như thế đó - Bà ta rên rỉ - Lại một lần nữa anh đẩy tôi vào miệng sói. Cái đó làm cho anh vui thích lắm sao?

- Có gì vú phải mạo hiểm đâu?

- Không mạo hiểm! Tất cả giấy chứng nhận đều là giấy giả.

- Thì bao giờ giấy chứng nhận chẳng là giấy giả.

- Và nếu Đôbrếch phát hiện ra, nếu hắn đi kiểm tra?

- Hắn đã kiểm tra rồi.

- Chao! Anh nói gì vậy?

- Hắn đã gọi điện cho viên quản lý của bá tước Xôlơva mà nơi đó coi như vú đã có vinh dự được phục vụ.

- Anh thấy đó, thế là tôi đi đứt.

- Người quản lý của bá tước không ngớt lời khen ngợi vú.

- Nhưng ông ta có biết tôi đâu.

- Nhưng tôi, tôi lại biết ông ta. Chính tôi đã đặt ông ta làm quản lý ở chỗ bá tước Xôlơva. Vú hiểu rồi chứ?

Vú Vichtoa có vẻ hơi yên tâm.

- Thôi được. Mọi sự mặc trời... hay đúng hơn là mặc anh. Vậy tôi phải làm những gì trong việc này?

- Trước hết, vú hãy cho tôi ở đây. Ngày xưa vú đã cho tôi bú. Bây giờ, vú rất có thể nhường cho tôi một nửa căn buồng. Tôi sẽ ngủ trên ghế phô-tơi.

- Rồi sau đó?

- Sau đó à? Cho tôi ăn.

- Rồi sau đó nữa?

- Sau đó nữa? Cùng với tôi bắt tay vào việc dưới sự chỉ dẫn của tôi, cả một loạt công việc tìm kiếm có mục đích là...

- Mục đích gì vậy?

- Tìm cho ra cái vật quý mà tôi đã nói chuyện với vú.

- Cái gì vậy nhỉ?

- Một cái nút chai pha lê.

- Một cái nút chai pha lê... Trời đất thánh thần ơi! Thế mà là công việc đấy! Thế ngộ không tìm thấy cái nút chai phải gió đó thì sao?

- Thì Ginbe, thằng bé Ginbe mà vú biết, mà vú rất yêu quý ấy, có nguy cơ sẽ mất đầu, cả Vôsơray cũng vậy.

- Vôsơray, chẳng có nghĩa lý gì đối với tôi... cái thằng vô lại đó! Nhưng còn Ginbe...

- Vú đọc các báo chiều nay chưa? Tình huống mỗi lúc một xấu hơn. Vôsơray đổ cho Ginbe là đã đâm chết tên đầy tớ. Hắn có lý vì chẳng may con dao hắn dùng lại là con dao của Ginbe. Vật chứng đã được xác định sáng nay. Ginbe thông minh nhưng nhút nhát, đã lúng túng quanh co. Chính cái đó đã làm hại thằng bế. Đó, tình thế hiện nay là như vậy. Vú có muốn giúp tôi không?

* * *

Nửa đêm, tên nghị sĩ về.

Từ đó và nhiều ngày tiếp theo, Luypanh khuôn cuộc sống của mình theo cuộc sống của Đôbrếch. Tên này cứ vừa rời khỏi nhà là Luypanh bắt đầu tìm kiếm.

Anh là việc có phương pháp, chia mỗi phòng ra thành những khu vực nhỏ và chỉ bỏ đi khi đã xới xáo đến từng góc nhỏ nhất, có thể nói anh đã dốc cạn mọi mưu chước có thể có.

Vú Vichtoa cũng ra công lục lọi. Không có chỗ nào, nơi nào bị bỏ quên. Chân bàn, chân ghế, các bọc gói, những khuôn đúc, những khung kính hoặc khung tranh, đồng hồ treo, bệ những tượng nhỏ, các đường viền màn gió, máy điện thoại hoặc động cơ điện... Họ lần lượt xoi mói tất cả mong phát hiện được nơi giấu của một trí tưởng tượng tài tình.

Và họ theo dõi từng hành vi nhỏ của nhà nghị sĩ, từng cử chỉ vô thức nhất của hắn, những luồng mắt hướng nhìn, những quyển sách hắn đọc, những thư từ hắn viết.

Công việc đó thật dễ dàng: có vẻ hắn sống rất đàng hoàng, không chút gì ám muội. Cửa không bao giờ đóng kín. Hắn không tiếp một ai. Cuộc sống của hắn vận hành với tính đều đặn cơ giới. Buổi trưa hắn đến nghị viện, buổi chiều tối tới câu lạc bộ.

- Thế nhưng - Luypanh nói - Có một cái gì đó thật là khả nghi trong tất cả những hành động của hắn.

- Chẳng có gì cả! Tôi đã bảo anh mà - Vú Vichtoa rên rỉ - Mất thì giờ vô ích, và chúng ta có thể bị tóm đấy.

Sự có mặt của những nhân viên sở mật thám, lượn lờ dưới các cửa sổ làm bà ta sợ hãi. Bà chỉ có thể tự trấn an là họ ở đó vì một lý do khác chứ không phải là để tóm cổ mình, một bà làm bếp. Mỗi lần đi chợ về, bà lại nơm nớp sợ, biết đâu lại chẳng có bàn tay của một trong những người đó đặt lên vai bà.

Một hôm đi chợ về, bà vô cùng bối rối và xúc động. Cái giỏ đựng thức ăn rung rung trên cánh tay.

- Sao, có gì vậy vú Vichtoa? - Luypanh hỏi - Trông mặt vú tái xanh kìa.

- Tái xanh... có phải không?... Có lý do đáng để tái xanh đấy...

Bà ngồi thụp xuống và phải hết sức cố gắng mới lắp bắp được mấy tiếng:

- Một người... một người... ở chỗ quầy bán hoa quả, đã sáp lại gần tôi...

- Chà! Hắn muốn bắt cóc vú?

- Không... hắn trao cho tôi một lá thư...

- Ôi! Thế mà vú còn ca cẩm? Một lá thứ tỏ tình, chắc thế.

- Không... "Gửi cho ông chủ của bà", hắn bảo vậy - "Ông chủ của tôi tư?" - Tôi hỏi hắn - "Phải, gửi cho cái ông đang núp trong buồng của bà ấy". Hắn bảo vậy.

- Chà!

Lần này Luypanh rùng mình.

- Đưa đây cho tôi. - Anh nói và giật lấy lá thư.

Phong bì không ghi địa chỉ.

Nhưng bên trong lại có một phong bì khác nữa, anh đọc:

"Gửi ông Acxen Luypanh, nhờ bà vú Vichtoa chuyển giúp".

- Ái chà! - Anh lẩm bẩm - Cái này gay đây!

Anh xé cái phong bì thứ hai. Bên trong có một tờ giấy với những chữ viết hoa to tướng:

"Tất cả những việc ông làm đều vô ích và nguy hiểm... Nên thôi đi là hơn."

Vú Vichtoa thốt lên một tiếng rên và ngất lịm. Còn Luypanh, mặt đỏ tía đến tận mang tai, cảm thấy như bị xúc phạm một cách hết sức thô bạo. Chẳng khác gì trong cuộc đấu kiếm mà những ý đồ sâu kín nhất bị đối phương đưa ra châm biếm công khai.

Tuy vậy, anh không nói một lời. Vú Vichtoa tiếp tục công việc. Còn anh ở lì trong buồng suốt ngày suy nghĩ.

Tối, anh không ngủ.

Anh không ngừng nhắc đi nhắc lại:

"Suy nghĩ có ích gì đâu? Ta húc đầu vào một trong những bài toán mà người ta không giải bằng suy nghĩ. Chắc chắn ta không phải là người duy nhất lao vào công việc này. Giữa Đôbrếch và Sở cảnh sát, ngoài người thứ ba là ta, có kẻ thứ tư hành động cho lợi ích của chính hắn. Người này biết ta và thông tỏ mọi việc ta làm. Nhưng kẻ thứ tư này là ai vậy? Và rồi, liệu ta có nhầm không? Rồi còn... Ôi! Chậc!... Ngủ đã."

Nhưng anh không tài nào ngủ được, và một phần đêm đã trôi qua như vậy.

Vào khoảng bốn giờ sáng, hình như nghe thấy có tiếng động trong nhà, anh vội vàng trở dậy và đứng trên đầu cầu thang, anh nhìn thấy Đôbrếch đang từ gác một đi xuống tiến ra phía vườn.

Một phút sau, tên nghị sĩ trở vào cùng với một người trùm kín đầu bằng cái cổ áo lông rất rộng. Hắn đưa người này vào phòng làm việc của hắn.

Đề phòng tình huống loại này có thể xảy ra, Luypanh đã chuẩn bị sẵn. Vì những cửa sổ phòng làm việc và cửa sổ phòng anh đều ở phía sau nhà và mở ra phía vườn, nên anh buộc vào bao lơn một thang dây và khe khẽ dòng nó xuống. Anh bám vào thang tụt dần xuống tới phía trên cửa sổ văn phòng, cánh cửa sổ khép, nhưng vì là cửa tròn nên có một khe hở hình vòng cung. Qua đó Luypanh có thể quan sát được tất cả những gì xảy ra bên trong tuy chẳng nghe được một chút gì.

Ngay lập tức, anh nhận thấy người mà anh tưởng là đàn ông té ra lại là một phụ nữ. Một người đàn bà còn trẻ tuy rằng mái tóc đã lấm tấm muối tiêu, một thân hình cao, mảnh mai, giản dị, khuôn mặt thanh tú, dáng mệt mỏi, buồn rầu thường thấy ở những người có tâm trạng đau khổ.

"Quái thật! Ta đã trông thấy người này ở đâu rồi nhỉ? - Luypanh thầm hỏi - Bởi vì, rõ ràng dáng người, vẻ nhìn, một khuôn mặt ta quen biết."

Đứng thẳng sát mép bàn, lặng thinh, người thiếu phụ đang nghe Đôbrếch. Tên này cũng đứng, đang nói với chị một cách sôi nổi. Hắn đứng quay lưng về phía Luypanh, nhưng Luypanh cúi xuống thì thấy một tấm gương phía đối diện phản chiếu hình ảnh hắn. Và anh giật mình thấy đôi mắt hắn mới lạ lùng làm sao! Với vẻ thèm khát tàn bạo và man rợ, hắn chăm chú nhìn vào người khách của mình.

Người thiếu phụ này chắc cũng thấy lúng túng ngượng ngùng vì chị ngồi xuống, cụp đôi mi lại. Đôbrếch cúi xuống và hình như sắp ôm lấy chị ta bằng những cánh tay dài với hai nắm tay đồ sộ. Và, bất ngờ Luypanh thấy những giọt nước mắt lớn chảy dài trên khuôn mặt thiểu não của người thiếu phụ.

Phải chăng vì thấy những giọt nước mắt đó mà Đôbrếch mất bình tĩnh? Bằng một động tác bất ngờ, hắn ôm chầm lấy người đàn bà và kéo sát vào người hắn. Chị đẩy hắn ra bằng sức mạnh đầy vẻ hằn học căm thù. Sau cuộc giằng co ngắn ngủi mà Luypanh thấy vẻ mặt của tên đàn ông nhăn nhó và hung dữ, cả hai đứng thẳng trước mặt nhau, xỉ vả nhau như những kẻ tử thù.

Rồi họ im tiếng. Đôbrếch ngồi xuống. Hắn có vẻ độc ác, nghiệt ngã và cả châm biếm nữa. Và hắn lại vừa nói vừa đập tay từng cái một xuống mặt bàn y như đặt điều kiện gì đấy.

Người thiếu phụ không nhúc nhích. Chị chế ngự hắn bằng cả thân hình kiêu hãnh, uể oải và đôi mắt lơ đãng. Luypanh không rời mắt khỏi chị. Bị khuôn mặt quả cảm và khổ đau đó cuốn hút, anh không thấy chị ta khẽ nghiêng đầu và cánh tay hơi nhúc nhích.

Rồi cánh tay giơ lên và Luypanh nhìn thấy bàn tay chị đụng vào một chiếc bình và mò mẫm, nhẹ nhàng cầm lấy cái nút bình. Chị quay đầu thật nhanh nhìn cái vật đó rồi lại đặt nhanh vào chỗ cũ. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó không phải là cái mà người thiếu phụ tìm.

"Mẹ kiếp! - Luypanh tự nhủ - Cả người đàn bà này nữa, chị ta cũng đang đi tìm cái nút chai pha lê. Rõ ràn việc này mỗi lúc một thêm rắc rối."

Nhưng, lại tiếp tục quan sát người khách của Đôbrếch, anh ngơ ngác nhận thấy vẻ mặt thay đổi bất ngờ của chị ta, một vẻ mặt khủng khiếp, hừng hực, hung dữ. Anh thấy bàn tay tiếp tục sờ lần xung quanh bàn và bằng cách xê dịch không ngừng, bằng một thao tác giả vờ, chị đẩy đẩy chồng sách và thong thả, chắc chắn đưa tay đến gần con dao găm mà lưỡi dao lấp lánh giữa những trang giấy để rải rác. Chị nắm chặt chuôi dao. Đôbrếch vẫn tiếp tục nói. Phía trên lưng hắn, không một chút run rẩy, bàn tay từ từ giơ cao và Luypanh nhìn thấy đôi mắt long lanh điên giận của người đàn bà, nhìn xoáy vào một điểm trên gáy hắn mà chị chọn để cắm sâu con dao vào.

"Bà đang làm một việc thật ngu ngốc đó thưa bà" - Luypanh nghĩ và anh đã nghĩ đến việc chạy trốn, đem theo vú Vichtoa.

Tuy vậy, chị còn lưỡng lự, cánh tay dừng lại trên cao nhưng chỉ là sự yếu đuối thoáng qua. Chị nghiến răng. Toàn bộ khuôn mặt chị nhúm nhó vì thù hận càng thêm méo xệch. Và chị làm một động tác khủng khiếp.

Cũng ngay lúc đó, Đôbrếch cúi gập người, bật ra khỏi ghế, quay lại, nắm trúng cổ tay người phụ nữ đang trên đà đâm xuống.

Thật lạ lùng, hắn không thốt ra một lời trách mắng, không sửng sốt, coi hành động của chị như một hành động bình thường, tự nhiên và quá ư đơn giản. Hắn nhún vai ra vẻ một con người đã từng trái qua những hiểm nguy tương tự. Hắn đi đi lại lại, im lặng.

Chị đã buông rơi con dao và khóc, hai tay ôm lấy đầu. Toàn thân chị rung lên trong những tiếng nức nở.

Rồi hắn đến gần, lại gõ gõ xuống bàn và nói với chị cái gì đó. Chị ra hiệu không chịu, hắn cố nài ép, chị giậm mạnh chân xuống sàn và kêu lên, kêu to đến mức Luypanh cũng nghe rõ:

- Không bao giờ! Không bao giờ!...

Thế rồi, không nói thêm lời nào, hắn cầm lấy chiếc áo khoác lông chị mang theo, khoác trên vai chị trong khi chị phủ chàng mạng che kín mặt.

Hắn dẫn chị đi ra.

Hai phút sau, cửa vườn đóng lại.

"Thật đáng tiếc là ta không thể chạy theo người đàn bà lạ lùng này và trao đổi đôi chút về tên Đôbrếch. Theo ta, nếu hai người chúng ta cộng tác với nhau thì công việc có nhiều thuận lợi."

Chương III - Đời tư của Alêchxi Đôbrếch (Phần 2)

________________________________________

Dù sao, có một điểm cần được làm sáng tỏ. Sinh hoạt của tên nghị sĩ Đôbrếch vẻ ngoài thật là mực thước, gương mẫu nhưng lại có những cuộc thăm viếng về ban đêm lúc ngôi nhà không bị cảnh sát theo dõi - Tại sao? - Acxen Luypanh nghĩ bụng.

Anh trao nhiệm vụ cho Vichtoa báo cho hai người trong nhóm đến rình liên tục vào ban đêm trong nhiều ngày. Và chính anh, đêm sau anh cũng luôn thức tỉnh để theo dõi.

Cũng như đêm trước vào khoảng bốn giờ sáng, anh nghe thấy tiếng động. Cũng như đêm trước, tên nghị sĩ lại mở cửa cho một người nào đó.

Luypanh vội vàng tụt xuống thang và khi tới ngang chỗ cửa sổ, anh trông thấy ngay một người đàn ông đang lết bên chân Đôbrếch, ôm lấy hai đầu gối hắn với vẻ thất vọng hoảng loạn. Người đàn ông này cũng quằn quại khóc.

Nhiều lần, Đôbrếch cười và đẩy y ra, nhưng y cứ bám riết. Có thể nói là y đang phát điên và trong cơn điên thực sự, y đã nhổm lên đưa hai tay chịt lấy cổ họng Đôbrếch và quật hắn ngã xuống một chiếc ghế bành. Đôbrếch giãy giụa, lúc đầu bị yếu thế, những mạch máu căng phồng. Nhưng, vì có một sức mạnh phi thường, hắn đã giành được thế thắng và làm cho địch thủ bất lực.

Một tay tóm cổ áo, tay kia giờ lên, hắn tặng cho y hai cái tát trời giáng.

Người đàn ông từ từ đứng lên, mặt mày xám ngoét. Y lảo đảo trên đôi chân. Y chờ một lát như để lấy hết can đảm. Và, câm lặng, khủng khiếp, y rút từ trong túi ra một khẩu súng ngắn, chĩa thẳng vào Đôbrếch.

Đôbrếch không một chút nao núng. Hắn còn mỉm cười vẻ thách thức, coi như đứng trước mũi súng gỗ của một đứa trẻ con.

Trong khoảng từ mười lăm đến hai mươi giây, có thể như thế, người đàn ông đứng, tay giơ thẳng vào mặt kẻ thù. Rồi cũng từ từ như thế, y hạ cánh tay xuống, bỏ súng vào túi và thò tay vào túi kia rút ra chiếc ví.

Đôbrếch tiến lại.

Chiếc ví mở, một tập giấy bạc hiện ra.

Đôbrếch chộp lấy rất nhanh và đếm...

Đó là những tờ một ngàn quan. Có tất cả ba chục tờ.

Người đàn ông đứng nhìn, không một cử chỉ chống đối, không một lời phản kháng. Đôbrếch thuộc vào loại không ai có thể làm hắn mềm lòng. Năn nỉ, cầu xin... thậm chí nhục mạ, dọa dẫm... Với hắn, hoàn toàn vô ích. Làm sao mà y có thể khuất phục được tên địch thủ bất khả xâm phạm này. Ngay cái chết của Đôbrếch cũng không giải thoát y khỏi tên Đôbrếch.

Y cầm lấy mũ và đi ra...

Mười một giờ trưa, đi chợ về, vú Vichtoa trao cho Luypanh mảnh giấy mà đồng bọn gửi cho anh. Anh đọc:

"Người đàn ông đến nhà Đôbrếch tối qua là nghị sĩ Lănggiơru, lãnh tụ phe tả độc lập. Ít tài sản, gia đình đông."

"À, té ra Đôbrếch - Luypanh thầm nghĩ - Chỉ là một thằng cha bịp bợm để moi tiền, nhưng chà! Thủ đoạn hắn dùng mới hữu hiệu làm sao!"

Những sự việc xảy ra củng cố mạnh mẽ cho giả thuyết của Luypanh. Ba ngày sau, một người đến thăm khác đem nộp cho Đôbrếch một khoản tiền lớn. Đêm tiếp theo, lại một người khác để lại cho hắn một chuỗi hạt ngọc.

Người trước tiên là Đờsômông, thượng nghị sĩ, cựu bộ trưởng. Người sau là hầu tước Đanbuyphếch, nghị viên phái Bônapác, nguyên trưởng phòng chính trị của vua Nã-phá-luân.

Với hai người này, tấn kịch diễn ra giống như cuộc đối thoại của nghị sĩ Lănggiơru, sôi động và bi thiết, kết thúc bằng thắng lợi của Đôbrếch.

"Và cứ thế - Luypanh thầm nghĩ, khi đã nắm được thông tin trên - Ta đã chứng kiến bốn cuộc thăm viếng. Không biết còn có đến mười, hai mươi hoặc ba mươi... cuộc như thế nữa không? Đã có các bạn của ta theo dõi, cho ta biết tên những người đó. Thế cũng đủ rồi. Liệu ta có nên tìm gặp những người này không? Nhưng để làm gì? Không có cơ sở nào để họ tin cả. Mặt khác, ta có nên tiếp tục ở lại đây để tra xét tìm kiếm nữa không, khi công việc không tiến triển được chút nào và Vichtoa có thể một mình làm tiếp?"

Anh hết sức lúng túng. Tin tức về việc thẩm cứu tội trạng của Ginbe và Vôsơray ngày càng xấu đi, thời gian trôi qua và không ngày nào, giờ nào anh không tự hỏi - với biết bao lo lắng - Phải chăng tất cả gắng sức của anh như vậy là không đạt hoặc chỉ đạt dược kết quả hết sức vô nghĩa, hoàn toàn xa lạ với mục đích theo đuổi? Bởi vì một khi những hành động ám muội của Đôbrếch bị vạch trần thì liệu cái đó có giúp gì cho việc cứu Ginbe và Vôsơray không?

Ngày hôm đó có một sự việc xảy ra đã khiến anh chấm dứt lưỡng lự. Sau bữa ăn sáng, vú Vichtoa nghe được từng mẩu một cuộc nói chuyện bằng điện thoại của Đôbrếch.

Nghe bà vú kể lại, Luypanh kết luận là tên nghị sĩ có một cuộc hẹn hò vào hồi tám giờ rưỡi với một bà nào đó và hắn sẽ đưa bà này đến một nhà hát.

"Tôi sẽ giữ trước một lô ở tầng dưới như sáu tuần trước đây" - Đôbrếch đã nói vậy.

Và hắn cười, nói tiếp:

"Mong cho lần này, trong thời gian xem hát, nhà tôi không bị cướp phá."

Đối với Luypanh, sự việc đã rõ ràng. Đôbrếch sẽ sử dụng buổi tối của hắn cũng như cách sáu tuần trước đây trong khi lâu đài Enghiên của hắn bị đột nhập. Biết được người đàn bà mà Đôbrếch đi gặp là ai và cũng rất có thể biết được cả do đâu mà Ginbe và Vôsơray nắm được sự vắng mặt của Đôbrếch từ tám giờ tối đến một giờ đêm, đối với Luypanh có một tầm quan trọng đặc biệt.

Buổi trưa, vú Vichtoa đưa Luypanh ra khỏi nhà. Vú cho biết là Đôbrếch sẽ về ăn chiều sơm hơn thường lệ.

Anh về nhà, phố Satôbriăng, gọi điện cho ba người bạn, khoác lên mình một chiếc áo chẽn và sửa đầu tóc - như anh nói - sao cho giống cái đầu của một hoàng tử Nga, tóc hung và ria mép cắt ngắn.

Các bạn anh đi xe hơi tới.

Giữa lúc đó, Asin, anh đầy tớ mang đến một bức điện tín gửi ông Misen Bômông. Bức điện ghi như sau:

"Đừng đến nhà hát tối nay - Sự can thiệp của ông có nguy cơ làm công việc hỏng bét."

Trên bệ lò sưởi bên cạnh anh có một lọ hoa. Luypanh chộp lấy và quật vỡ tan ra từng mảnh.

- Thế đấy, thế đấy! - Anh nghiến răng - Họ giễu cợt mình chẳng khác gì mình có thói quen giễu cợt người khác vậy. Cũng cách thức này, cùng mưu mẹo. Tuy nhiên, ở đây, có cái khác...

Cái khác đó là gì? Anh cũng chẳng rõ nữa mà chỉ cảm thấy chưng hửng và vô cùng bối rối. Anh tiếp tục hành động chẳng qua là miễn cưỡng, hoặc nói một cách khác là vì nghĩa vụ, không một chút hào hứng phấn khởi trong công việc như mọi khi.

- Chúng ta đi thôi! - Anh bảo các bạn.

Theo lệnh anh, người lái dừng xe lại gần công viên Lamactin nhưng không tắt máy. Luypanh dự đoán là Đôbrếch, muốn tránh sự chú ý của những nhân viên mật thám đang canh gác nhà hắn, sẽ nhảy lên taxi và anh không muốn bị bỏ cách xa.

Nhưng anh đã không tính đến sự tinh khôn của con cáo già Đôbrếch.

Bảy giờ rưỡi, cửa vườn mở toang cả hai cánh, một luồng ánh sáng chói chang phóng ra, và một xe mô tô vượt vỉa hè, chạy men về phía rừng Bulônhơ với tốc độ mà có điên thì người ta mới phóng xe đuổi theo.

- Chúc thượng lộ bình an! - Luypanh cố gắng pha trò nhưng trong lòng thì tức điên lên.

Anh nhìn đồng bọn với hy vọng là có một người trong số họ dám có một cái mỉm cười chế nhạo. Sung sướng biết bao nếu anh có thể trút sự sục sôi của mình lên người đó.

- Đi về thôi! - Sau một lát im lặng, anh bảo họ.

Anh cho họ ăn uống, tự mình châm một điếu xì gà rồi sau đó tất cả lại vòng qua tất cả các rạp hát, bắt đầu là những rạp ca kịch nhẹ và kịch hài mà anh cho là Đôbrếch và bà bạn của hắn có thể ưa thích. Anh mua vé ngồi, nhìn khắp các lô rạp rồi bỏ đi ra.

Rồi anh qua các nhà hát to hơn, đàng hoàng hơn như nhà hát Phục Hưng, nhà hát Gimnadơ.

Cuối cùng, vào khoảng mười giờ tối, trong một nhà hát hài kịch, anh nhìn thấy một lô hầu như bị hoàn toàn che khuất bởi hai cái bình phong. Mất một vài đồng cho chị xếp chỗ, anh được biết trong lô đó có một ông đứng tuổi, thấp nhưng to ngang và một bà che mạng dày.

Lô bên cạnh không có người, anh liền mua vé vào lô đó, quay lại các bạn dặn những điều cần thiết rồi vào ngồi bên cạnh lô của cặp kia.

Trong khoảng thời gian giải lao, ánh sáng tỏ hơn, anh nhận thấy khuôn mặt nghiêng của Đôbrếch. Còn người đàn bà ngồi sâu vào phía trong nên không nhìn rõ.

Hai người nói nhỏ và khi màn sân khấu đã vén lên, họ vẫn tiếp tục nói. Luypanh không nghe rõ một tiếng nào.

Mười phút trôi qua. Có người gõ cửa buồng lô của họ. Đó là kiểm soát viên của nhà hát.

- Thưa, có phải là ngài nghị sĩ Đôbrếch? - Người đó hỏi.

- Phải, Đôbrếch đáp, giọng ngạc nhiên - Nhưng sao ông lại biết tên tôi?

- Qua một người hỏi ngài bằng điện thoại và bảo tôi cứ đến lô hai mươi hai.

- Nhưng mà ai đấy nhỉ?

- Ngài hầu tước Đanbuyphếch.

- Hả... Sao?

- Tôi phải trả lời sao đây?

- Tôi ra... Tôi ra đây...

Đôbrếch vội vàng đứng dậy và đi theo nhân viên kiểm soát.

Hắn chưa kịp đi khuất thì Luypanh đã xuất hiện trong lô của hắn. Anh móc cửa lại và đến ngồi cạnh người đàn bà. Bà ta cố nén một tiếng kêu.

- Im lặng! - Anh ra lệnh - Tôi có chuyện muốn nói với bà, một chuyện hết sức quan trọng.

- Ủa!... - Người đàn bà nói qua kẽ răng - Acxen Luypanh!

Anh sững người, lặng đi một lát, miệng há hốc. Người đàn bà này biết anh! Không những biết mà còn nhận ra anh ngay trong lốt ngụy trang. Đã thường quen với nhiều sự kiện xảy ra hết sức khác thường, hết sức kỳ lạ, nhưng lúc này, đến sự kiện này thì anh hoàn toàn bối rối.

Anh không nghĩ đến cả việc đôi chối mà chỉ ấp úng hỏi:

- Bà biết? Thế ra bà biết?...

Bất thình lình, trước khi người đàn bà có thời gian để tự vệ, anh gạt tấm mạng che mặt bà ta ra.

"Sao, có thể thế được không?" - Anh lẩm bẩm và càng thêm sững sờ ngơ ngác.

Đó là người phụ nữ mà anh đã nhìn thấy trong nhà Đôbrếch vài hôm trước đây, người đã giơ lưỡi dao găm lên trên đầu Đôbrếch, người đã muốn đâm hắn bằng cả sức mạnh căm thù.

Đến lượt mình, người đàn bà tỏ ra bối rối.

- Thế nào? Ông đã nhìn thấy tôi...?

- Vâng, đêm hôm nọ, trong nhà hắn... tôi đã thấy cử chỉ của bà...

Người đàn bà vùng đứng lên định chạy. Anh giữ lại và nói nhanh:

- Tôi cần phải biết bà là ai. Cũng vì thế mà tôi đã gọi điện thoại cho Đôbrếch.

Bà ta hốt hoảng:

- Sao? Thế ra không phải là hầu tước Đanbuyphếch?

- Không, đó là đồng bọn của tôi.

- Thế thì Đôbrếch sắp về đấy...

- Đúng, nhưng chúng ta có đủ thời gian... Bà hãy nghe tôi... chúng ta cần phải gặp lại nhau... Hắn là kẻ thù của bà. Tôi dứt khoát sẽ cứu bà thoát khỏi tay hắn.

- Tại sao? Với mục đích gì?

- Hãy tin tôi... Chắc chắn là chúng ta có cùng một mục đích. Tôi có thể gặp bà tại đâu? Ngày mai nhé? Vào lúc mấy giờ? Ở chỗ nào?

- Thế này...

Bà ta nhìn Luypanh lưỡng lự, không biết làm thế nào, định nói như rõ ràng là vẫn còn lo ngại và đầy nghi ngờ.

- Ôi! Tôi van bà!... Nói đi!... Chỉ một lời thôi... và nói mau... Sẽ vô cùng phiền toái nếu họ bắt gặp tôi ở đây... Tôi van bà... Bà là...

Bằng một giọng dứt khoát, bà ta bảo:

- Tên tôi... vô ích... Chúng ta hãy gặp nhau đã và ông sẽ nói cho tôi rõ. Vâng, chúng ta sẽ gặp lại. Đây này, ngài mai, ba giờ chiều, tại góc đường...

Giữa lúc đó, cánh cửa buồng lô bật mở, Đôbrếch nhào vô.

- Chậc! Chậc! - Luypanh kêu lên bực bội, bị bắt quả tang trước khi đạt được điều mong muốn.

Đôbrếch cười gằn:

- Đúng như thế... Ta đã nghi là có cái gì đây... A! Thủ đoạn gọi điện thoại, hơi lỗi thời rồi, thưa ngài. Chưa được nửa đường, tôi quay lại liền.

Hắn đẩy Luypanh ra phía trước cửa lô, ngồi xuống bên cạnh người phụ nữ và nói:

- Nào, bây giờ... chàng trai!... Anh là ai? Tay chân Sở cảnh sát, chắc thế? Thế là ta đã nắm được cái lưỡi đang cần.

Hắn nhận mặt Luypanh và cố nhớ ra một cái tên qua khuôn mặt đó trong khi Luypanh vẫn bình thản nhìn hắn. Hắn không nhận ra người mà hắn gọi là Pôlôniuytx.

Luypanh cũng không rời mắt khỏi hắn, suy nghĩ rất lung. Bằng bất kỳ giá nào, đã tới mức này, anh cũng không muốn bỏ cuộc, phải bắt mối bằng được với nữ tử thù của Đôbrếch vì thời cơ vô cùng thuận lợi.

Người thiếu phụ trong một góc lô quan sát cả hai người. Luypanh lên tiếng:

- Ta đi ra, thưa ngài, cuộc trao đổi sẽ thuận lợi hơn, ở ngoài kia.

- Ở đây, hoàng tử ạ! - Tên nghị sĩ phản đối - Trong khoảng thời gian nghỉ giải lao giữa chừng. Như vậy không làm phiền ai cả.

- Nhưng mà...

- Không sao! Không sao! Anh bạn! Anh sẽ không rời khỏi nơi đây!

Và hắn túm chặt lấy cổ áo Luypanh với ý đồ rõ ràng là sẽ không buông trước giờ nghỉ giải lao.

Một cử chỉ thật xúc phạm. Làm sao mà Luypanh chịu ở yên trong tư thế đó nhất là trước mặt một phụ nữ, người mà anh hứa làm đồng minh, một phụ nữ đẹp - Lần đầu tiên anh nghĩ đến cái đó - và vẻ đẹp nghiêm trang đã làm anh thích. Niềm kiêu hãnh của giới nam nhi bừng lên trong anh.

Tuy vậy, anh im lặng, anh chịu đựng cái bàn tay nặng trĩu đặt trên vai, thậm chí còn khom người lại như kẻ bại trận, bất lực và sợ sệt nữa.

- A, quái quỷ! - Tên nghị sĩ cười nhạo - Hình như người ta không còn đầu bò, đầu bướu nữa. Tốt lắm!

Trên sân khấu đầy diễn viên tranh cãi, gây nhiều tiếng động.

Đôbrếch nới lỏng tay một chút. Luypanh thấy thời cơ thuận lợi đã đến. Bằng cườm tay như một lưỡi rìu, anh chặt mạnh vào phía bên trong khuỷu tay hắn.

Đôbrếch bị cú bất ngờ đau điếng, lúng túng, mất chủ động. Luypanh thoát khỏi tay nắm của hắn, xông vào bóp cổ. Nhưng Đôbrếch đã kịp tự vệ, lùi về phía sau. Bốn bàn tay nắm lấy nhau: Tất cả sức mạnh của hai bên tập trung vào các bàn tay xiết chặt như những gọng kìm. Hai bàn tay của Luypanh nằm gọn trong đôi bàn tay khổng lồ của Đôbrếch như nằm giữa một ê-tô thép. Anh có cảm tưởng như mình đang đánh nhau, không phải với một con người mà với một con thú gì thật kinh khủng, một con khỉ đột có thân hình đồ sộ.

Họ đứng sát cửa ra vào, người cúi xuống như những đấu sĩ đang thăm dò nhau và tìm cách bóp nhau chết. Những khớp xương kêu lên răng rắc. Nếu sơ hở thì kẻ bại trận sẽ bị chẹt cổ. Trận đấu giữa hai người diễn ra trong một sự yên lặng đột ngột. Trên sân khấu các diễn viên yên lặng nghe một trong những vai diễn đang nói nhỏ.

Người phụ nữ nép mình vào bức vách ngăn, sợ hãi nhìn hai người. Chỉ một cử động, đứng về phía người này hoặc đứng về phía người kia là có thể quyết định phần thăng cho người đó.

Nhưng bênh vực ai đây? Luypanh là người như thế nào? Bạn hay thù?

Nhanh nhẹn chị đi tới phía trước lô, đẩy tấm chắn, cúi người xuống như làm một dấu hiệu gì đó. Rồi chị trở lại gắng sức trườn tới cửa ra vào.

Luypanh làm như muốn giúp chị, bảo:

- Hãy kéo cái ghế ra!

Anh muốn nói đến cái ghế rất nặng bị đổ kềnh, ngăn giữa anh và Đôbrếch. Và phía bên trên cái ghế đó, hai người đang dồn nhau.

Người đàn bà cúi xuống và lôi mạnh chiếc ghế. Luypanh chỉ chờ có thế.

Không còn bị vướng víu nữa, anh giơ thẳng chân đá thật mạnh mũi giày vào cẳng Đôbrếch. Hiệu quả của cú đá cũng giống như hiệu của của cú chặt vào cánh tay lúc nãy. Một giây hốt hoảng đãng trí vì bị đau của đối phương cũng đủ cho Luypanh giật được tay mình ra và mười ngón tay anh ướm ngay vòng quanh cổ hắn cho tới gáy.

Đôbrếch giãy giụa, kháng cự. Hắn ra sức gỡ hai bàn tay chịt cổ làm hắn ngạt thở. Hắn hổn hển, đuối dần.

- A! Con khỉ già! - Luypanh làu bàu, quật ngã hắn xuống - Tại sao mày không kêu cứu? Mày cũng sợ sẽ làm rùm beng lên phải không?

Nghe thấy tiếng có người ngã, ai đó ở bên cạnh gõ vào tấm vách ngăn.

- Mặc kệ! - Luypanh nói nhỏ - Kịch thì ở trên sân khấu. Còn ở đây là việc của ta... cho đến khi ta trị được con khỉ đột này...

Cũng chẳng lâu la gì. Tên nghị sĩ nghẹt thờ khò khè. Một cú đánh vào hàm làm hắn ngất lịm. Luypanh chỉ còn việc cùng người đàn bà chạy trốn trước khi sự việc vỡ lở.

Nhưng khi quay lại, anh thấy bà ta đã bỏ đi rồi.

Chắc là chưa đi xa. Nhảy ra khỏi buồng lô, anh bắt đầu chạy, bất cần tới những nhân viên xếp chỗ và nhân viên kiểm soát gặp trên đường.

Đúng vậy, khi tới chỗ mái tròn của tầng dưới cùng, anh trông thấy bà ta qua một cái cửa mở, đang đi trên hè phố Angtanh.

Anh đuổi kịp thì bà ta đã bước lên xe ô tô.

Cửa xe đóng lại. Anh cầm lấy nắm đấm kéo ra định mở thì từ bên trong một người nhô lên và quả đấm vụt đúng mặt anh. Không được gọn lắm nhưng mạnh không kém quả đấm anh tương vào mặt Đôbrếch.

Tuy bị choáng váng vì cú đấm nhưng anh vẫn còn đủ thời gian để nhận ra, dù đôi mắt có hoa lên, cái người đã đấm anh và còn nhận ra cả người mặc giả trang là lái xe nữa.

Đó là Grônha và Lơ Baluy, hai tên chở thuyền trong đêm Enghiên, hai người bạn của Ginbe và Vôsơray và cũng tức là đồng bọn của anh, Luypanh.

Khi về tới nhà ở phố Satôbriăng, sau khi rửa khuôn mặt rớm máu, Luypanh ngồi im lặng hàng giờ trên chiếc ghế bành, như hoàn toàn suy sụp. Đây là lần đầu, các chiến hữu đã quay lại chống anh, người cầm đầu họ.

Một cách máy móc, để cho khuây khỏa, anh quờ tay cầm lấy tệp báo chí và thư tín buổi chiều, xé băng một tờ báo hàng ngày. Ở khung tin cuối cùng, anh đọc những dòng sau:

Về vụ án ở biệt thự Mari Têrezơ: Đã tìm ra lai lịch thật của Vôsơray, một trong những tên giết người đầy tớ Lêôna. Đó là một tên cướp tồi tệ nhất, một tên tái phạm nguy hiểm, đã hai lần đội các tên khác nhau và đã bị xửa vắng mặt về tội giết người.

Không còn nghi ngờ gì là cuối cùng các nhà chức trách cũng sẽ khám phá ra tên đồng phạm Ginbe. Dù sao ngài thẩm phán cũng quyết định đưa vụ án ra xét xử càng sớm càng tốt.

Mọi người sẽ không phải phàn nàn gì về sự chậm trễ của công lý.

Giữa những tờ báo khác và những tờ quảng cáo, có một lá thư. Luypanh chồm dậy.

Thư đề gửi ông Đờ Bômông (Misen)

- A! - Anh lúng búng - Thư của Ginbe!

Thư chỉ có mấy chữ:

"Ông chủ, cứu em! Em sợ!... Em sợ lắm!..."

Đêm hôm đó, với Luypanh, lại là một đêm trằn trọc, đầy ác mộng. Lại là một đêm mà những ảo ảnh tồi tệ, ghê rợn nhất hành hạ anh.

Chương IV - NGƯỜI CẦM ĐẦU KẺ THÙ

Tội nghiệp thằng bé! - Luypanh lẩm bẩm khi đọc lại thư của Ginbe, ngày hôm sau - Chắc nó đau khổ lắm.

Kể từ ngày đầu gặp gỡ, anh đã thấy mến chàng thanh niên vạm vỡ vô tư và yêu đời này. Ginbe trung thành với anh tới mức có thể chết vì anh. Luypanh còn yêu tính trung thực, tính lạc quan, ngây thơ và vẻ mặt luôn tươi tắn của chàng trai này.

"Ginbe! - Anh thường nói với chàng thanh niên - Là một con người trung thực, nếu ở vào địa vị cậu, cậu thấy không, thì ta sẽ bỏ cái nghề này và sẽ làm sao, bằng cách nào đó để làm người trung thực."

- Xin ông cứ làm người trung thực trước đi, tôi sẽ theo ông, thưa ông chủ - Ginbe cười đáp.

- Cậu không muốn ư?

- Không, ông chủ ạ. Một con người trung thực, đó là đầu tắt mặt tối, đó là quay cuồng, vất vả, có thể hồi còn là một thằng nhóc thì đó là sở thích của tôi, nhưng người ta đã khiến tôi thất vọng.

- Ai, người ta?

Ginbe im lặng. Bao giờ cậu ta cũng im lặng khi được hỏi về những năm tháng thời thơ ấu. Luypanh cũng chẳng biết gì hơn là cậu ta mồ côi từ nhỏ, sống vật vờ, thay đổi họ tên và kiếm sống bằng những nghề thật quái gở. Cuộc đời cậu ta hàm chưa một bí mật không ai hiểu, ngay cả công lý cũng khó có thể soi rọi vào.

Nhưng chắc chắn không phải vì thế mà cuộc xét xử bị chậm lại. Dưới cái tên Ginbe hay bất ứ một cái tên nào khác người ta cũng đưa ra tòa án kẻ đồng lõa với Vôsơray và kết tội với sự khắc nghiệt không gì có thể chuyển lay.

- Tội nghiệp thằng bé! - Luypanh nhắc đi nhắc lại - Người ta truy tố và bám riết nó như vậy, đúng là tại ta. Chúng sợ có một cuộc tổ chức vượt ngục nên vội vàng tuyên án... và ngay sau đó là thi hành án: Tử hình. Một chàng trai hai mươi tuổi. Nó không giết người, nó là đồng lõa...

Nhưng than ôi! Luypanh không phải không biết đó là điều không thể nào chứng thực, và anh hướng nỗ lực vào một điểm khác.

Nhưng đó là điểm nào. Liệu có phải chấm dứt việc tìm kiếm chiếc nút pha lê?

Anh không sao quyết định được, niềm khuây khỏa duy nhất của anh là được tới Enghiên, nơi ở của Grônha và Lơ Baluy, để khẳng định chắc chắn là chúng đã biến mất sau vụ ám sát ở lâu đài Mari Têrezơ. Ngoài ra anh sẽ chú ý và chỉ muốn hướng sự chú ý vào một mình Đôbrếch.

Anh cũng gạt bỏ, không muốn xem xét, suy nghĩ gì về những điều rắc rối khó hiểu đối với bản thân anh, sự phản bội của Grônha và Lơ Baluy, về mối liên hệ giữa chúng và bà tóc xám, về việc mình bị theo dõi sát đến thế.

"Hãy dẹp! - Luypanh tự nhủ - Trong bồng bột người ta thường lập luận sai. Vậy thì, hãy im lặng - Nhất là đừng suy luận cái nọ xọ cái kia trước khi tìm được một điểm xuất phát vững vàng. Chính vì thế mà người ta bất cần thực chất của vấn đề. Hãy nghe theo linh tính mách bảo. Hãy đi theo, làm theo trực giác, vì tất cả lập luận, ngoài tính logic của sự việc, mày đã chắc chắn là tất cả vụ này đều xoay quanh cái nút chai chết tiệt kia. Vậy thì hãy mạnh dạn hướng vào cái đó. Hãy tấn công Đôbrếch và chiếc nút chai pha lê của hắn."

Luypanh không cần chờ đến lúc những kết luận trên đây ngã ngũ mới sắp xếp hành động. Trong lúc tự tuyên bố kết luận đó thì anh cải trang như một người sống bằng chút ít thực lãi, mang trên mũi một khẩu trang và khoác trên người một pađơsuy cũ kỹ, ba ngày sau chuyện xảy ra ở nhà hát hài kịch, đã ngồi trên một chiếc xe dài ở... đường Vichto Huygô, cách khá xa công viên Lamactin. Theo anh quy định, mỗi buổi sáng, vào giờ giấc nhất định, vú Vichtoa phải đi ngang qua chiếc ghế dài đó.

"Đúng! - Anh tự nhắc mình - Chiếc nút chai pha lê. Tất cả là ở đấy. Khi nào mà ta có được chiếc nút chai đó..."

Vú Vichtoa đi tới. Chiếc giỏ đựng thức ăn nơi cánh tay. Ngay tức khắc, anh nhận thấy vẻ xúc động trên bộ mặt tái xanh bất thường của bà.

- Có chuyện gì đây? - Luypanh bước lại, đi sát cạnh bà vú nuôi.

Bà bước vào một cửa hàng thực phẩm lớn rất đông người và quay sang anh:

- Đây - Bà nói bằng một giọng đứt quãng do quá xúc động - Đây là cái anh tìm kiếm.

Và thò tay vào trong giỏ, lấy ra một vật đưa cho anh. Luypanh sững người: Trong tay anh là một chiếc nút chai pha lê.

- Có thể thế không nhỉ? Có thể thế không nhỉ? - Anh lẩm bẩm. Thành công quá dễ dàng khiến anh bàng hoàng ngơ ngác.

Nhưng đó là sự thật, nhìn thấy và sờ được. Với hình dáng, kích thước, với những cạnh mạ vàng, anh nhận rõ, không thể nhầm được, đó là chiếc nút chai anh đã từng nhìn thấy. Cả một chỗ xước nhỏ trên thành nút mà ít người chú ý, anh cũng nhớ rõ ràng. Vả lại nếu tất cả các nút chai pha lê đều có cùng những đặc điểm giống nhau thì chiếc này cũng chẳng có vẻ gì mới lạ. Đó là một chiếc nút chai bằng pha lê, thế thôi. Không có dấu vết nào thực sự là đặc biệt để phân biệt nó với những chiếc nút chai khác. Không một ký hiệu nào được khắc vào, không một chữ số, và nó được cắt gọt từ mối khối nguyên nên không chứa một vật chất nào khác nữa.

"Như thế thì sao nhỉ?"

Một lóe sáng bất ngờ và sâu thẳm, Luypanh thấy mình bị nhầm lẫn. Cần thiết gì đối với anh cái nút chai pha lê này nếu anh hoàn toàn không biết một chút giá trị nào về nó? Cái mẩu thủy tinh này bản thân nó có nghĩa lý gì khi mà chỉ đáng kể ở cái ý nghĩa đó. Biết đâu là vì chiếm đoạt nó, vì lấy trộm nó ở nhà Đôbrếch mà ta đã phạm phải một hành động xuẩn ngốc?

Vấn đề thật nan giải nhưng nó đặt cho anh một nhiệm vụ nghiệt ngã khác thường.

"Không được sơ xuất! - Anh tự nhủ và bỏ chiếc nút chai vào túi áo khoác - Trong cái công việc quái quỷ này, những sơ xuất đều vô phương cứu chữa."

Anh không rời mắt khỏi vú Vichtoa. Có một thầy ký đi theo, bà len lỏi hết quầy nọ sang quầy kia giữa những khách mua đông đúc. Bà dừng lại khá lâu ở quầy thu tiền rồi đi qua gần Luypanh.

Anh bảo khẽ:

- Đến sau trường trung học Gianxông nhé!

Bà gặp lại anh trong một phố vắng.

- Nếu tôi bị theo dõi? - Bà hỏi.

- Không, tôi đã nhìn kỹ - Anh quả quyết - Vú hãy nghe tôi đây. Vú thấy cái nút chai ấy ở đâu?

- Trong ngăn kéo bàn đêm của hắn.

- Thế mà chính chúng ta đã mở ra lục lọi.

- Phải, và cả tôi nữa cũng đã mở xem sáng hôm qua. Chắc là hắn đã bỏ vào đó đêm vừa rồi.

- Và cũng chắc chắn là hắn sắp lấy lại - Luypanh nhận xét.

- Rất có thể như thế.

- Và nếu hắn không thấy? - Luypanh bảo - Nếu hắn không thấy cái nút chai ở đó thì liệu hắn có buộc tội vú lấy cắp không?

- Dĩ nhiên...

- Vậy thì vú mau về để lại nó vào chỗ cũ đi!

- Trời ơi! Trời ơi! - Bà rên rỉ - Miễn là hắn chưa có thời gian để thấy là bị mất! Đưa nó đây cho tôi, mau lên!

- Đây, nó đây.

Anh thọc tay vào túi áo khoác.

- Thế nào? - Vú Vichtoa hỏi, tay giơ ra chờ đợi.

- Thế nào ư? - Sau một lát, anh nói - Nó không còn đó nữa!

- Sao?

- Nó không còn trong túi nữa... Kẻ nào đó đã lấy mất rồi.

Và anh cất tiếng cười sằng sặc, tiếng cười, lần này, không nhuốm một chút cay đắng nào.

Vú Vichtoa bất bình, thốt lên:

- Thế mà anh còn cười được?... Trong hoàn cảnh như thế này...

- Biết sao được hở vú? Phải công nhận là hết sức kỳ quái. Đúng là chúng ta không còn chơi trong một vở kịch nữa mà là... là... trong một huyền thoại, một vở tuồng thần tiên như "Những viên thuốc ma quỷ" hoặc "Chân con cừu". Hễ khi nào tôi có một vài tuần lễ nghỉ ngơi là tôi sẽ viết cái đó... "Chiếc nút chai thần kỳ" hoặc "Những chuyện rủi ro của Acxen Luypanh khốn khổ".

- Nhưng... Vậy kẻ nào đã lấy của anh?

- Vú nói gì vậy?... Nó tự bay mất... hoặc có thể tan biến trong túi áo của tôi rồi. Thôi, cho qua!

Anh nhẹ nhàng đẩy người vú già bước đi và nói với giọng nghiêm trang hơn:

- Về đi, vú Vichtoa, và không nên lo lắng. Chắc chắn là họ trông thấy vú đưa chiếc nút chai đó cho tôi và lợi dụng lúc đông người chen chúc trong cửa hàng, đã thò tay vào túi tôi lấy đi. Tất cả cái đó chứng tỏ là chúng ta bị theo dõi sát sao hơn tôi tưởng, và đó là đối thủ có bản lĩnh khá cao. Nhưng một lần nữa tôi khuyên vú hãy cứ bình tĩnh. Những người trung thực, trước sau rồi cũng sẽ giành phần thắng. Vú còn điều gì nói với tôi nữa không?

- Còn. Tối qua, có người đến trong lúc Đôbrếch không ở nhà. Tôi trông thấy ánh sáng lấp loáng trên cây lá trong vườn.

- Thế còn bà gác cổng?

- Bà ấy chưa đi ngủ.

- Thế thì đó là những người bên Sở cảnh sát, họ tiếp tục tìm kiếm. Thôi nhé, tạm biệt Vichtoa... Vú sẽ mở cửa cho tôi vào hồi...

- Sao! Anh muốn...

- Nào có nguy hiểm gì đâu? Phòng của vú ở mãi tầng ba. Đôbrếch chẳng nghi ngờ gì đâu.

- Nhưng còn bọn kia?

- Bọn kia? Nếu chúng muốn chơi xấu với tôi thì chúng đã làm rồi. Tôi làm vướng chân chúng, có thế thôi. Chúng chẳng có gì phải sợ tôi cả. Tạm biệt vú Vichtoa, năm giờ chiều nay nhé.

Lại một sự ngạc nhiên nữa chờ đón Luypanh. Buổi chiều, bà vú nuôi của anh cho biết là khi tò mò mở ngăn kéo cái bàn đêm, bà thấy chiếc nút chai pha lê nằm trong đó.

Luypanh cũng không còn quá sửng sốt về những chuyện kỳ dị đó. Anh chỉ tự nhủ:

- Vậy là, người ta đã đem trả vào chỗ cũ. Và người đem trả cái nút chai kia đã lọt vào cái nhà này bằng những cách thật khó hiểu. Người đó cũng nhận thấy như ta là không nên để chiếc nút chai mất tích. Thế mà Đôbrếch, hắn biết rất rõ là hắn bị săn đuổi đến tận sâu trong phòng ngủ của mình, lại bỏ chiếc nút chai đó vào một cái ngăn kéo bàn, làm như chẳng hề mảy may quan tâm đến. Vậy phải nghĩ sao đây?

Dù Luypanh chưa hình thành một ý nghĩ nào, anh cũng không thể nào loại trừ một vài lập luận, một số liên tưởng cho anh cái linh cảm khó phân biệt như thứ ánh sáng lờ mờ người ta cảm thấy ở đầu đường hầm.

"Bắt buộc, không sao tránh khỏi - Anh tự nhủ - Phải có một cuộc gặp gỡ giữa ta và những người kia. Chừng đó ta sẽ làm chủ tình thế."

Chương IV - Người cầm đầu kẻ thù (Phần 2)

________________________________________

Năm ngày trôi qua, Luypanh không lượm thêm được một chi tiết nào đáng kể. Ngày thứ sáu, vào buổi sáng, Đôbrếch tiếp một nghị sĩ, Laybach. Cũng như các đồng sự, tên này cũng bò một cách tuyệt vọng dưới chân Đôbrếch, và cuối cùng nộp cho hắn hai mươi ngàn quan.

Hai ngày sau nữa, rồi đến một đêm vào khoảng hai giờ sáng, Luypanh đứng nấp ở thềm cầu thang tầng hai, nghe thấy tiếng kẹt cửa. Anh nhận ra đó là cái cửa ở hành lang thông ra vườn. Trong bóng tối, anh thấy, hay đúng ra là anh đoán có hai người trèo lên cầu thang và dừng lại ở tầng một trước cửa buồng ngủ của Đôbrếch.

Họ làm gì ở đó? Làm sao vào được trong buồng, vì Đôbrếch buổi tối chèn cửa rất kỹ. Vậy thì họ hy vọng gì?

Chắc chắn là họ đang làm một công việc gì đó vì Luypanh nhận thấy tiếng đụng chạm khá mạnh vào cánh cửa. Rồi những tiếng thì thào vẳng đến tai anh.

- Tốt chứ?

- Vâng, rất tốt, nhưng có lẽ nên lui lại ngày mai, vì...

Luypanh không nghe được câu cuối. Những người đó đã dò dẫm đi xuống. Cửa hành lang đóng lại, rất khẽ, rồi đến cửa vườn.

"Thật lạ lùng! - Luypanh nghĩ - Trong ngôi nhà này Đôbrếch che giấu cẩn thận biết bao điều ô nhục và hắn thách thức tất cả sự rình mò thám thính không phải là không có căn cứ nhưng tất cả mọi người đều vào được, y như vào một nơi công cộng. Nào là vú Vichtoa cho ta vào, nào là bà gác cổng cho bọn nhân viên mật Sở cảnh sát vào... Thế còn được. Nhưng còn những người kia? Kẻ nào đã tiếp tay cho họ? Họ tự mình hành động ư? Nhưng, thật là táo bạo! Họ có thể rất thông thạo địa hình."

Buổi trưa, trong lúc vắng Đôbrếch, anh xem xét cửa phòng ngủ ở tầng một. Nhìn qua, anh đã hiểu: Một trong những tấm ván phía dưới đã bị cắt rất khéo, chỉ còn những mũi đinh nhọn khó nhìn thấy đỡ lấy. Những người làm công việc này như vậy cũng là những người đã làm như thế ở nhà anh phố Matinhông và phố Satôbriăng.

Anh cũng nhận thấy là việc này đã được làm từ tuần trước và cũng như ở nhà anh, chỗ mở đã được chuẩn bị sẵn để chờ những dịp thuận lợi hơn hoặc cần đến thật cấp thiết.

Ngày hôm đó đối với Luypanh thật là ngắn. Anh sắp biết tất cả rồi. Không những anh sẽ nắm được những kẻ kình địch của anh sử dụng cái khoang hở bề ngoài có vẻ như vô dụng đó bằng cách nào khi không ai có thể với tới những chốt trên cao của cánh cửa mà còn sẽ biết những kẻ đối địch tài tình và linh hoạt đó là ai. Nhất định rồi sẽ đụng nhau, không sao tránh khỏi.

Một việc xảy ra làm anh cụt hứng. Buổi tối Đôbrếch đi ăn và kêu mệt nên về nhà hồi mười giờ. Lạ hơn là hắn chốt chặt cái cửa ở hành lang thông ra vườn. Trong trường hợp này thì làm sao mà những người kia thực hiện được ý đồ, đột nhập được vào phòng ngủ của Đôbrếch?

Đôbrếch đã tắt đèn, Luypanh kiên nhẫn chờ một tiếng đồng hồ nữa rồi phòng xa, cũng thả thang dây, leo xuống đứng ẩn ở bậc thềm tầng hai.

Anh không phải chờ lâu. Sớm hơn đêm hôm trước khoảng một tiếng đồng hồ, anh nghe có tiếng người cố sức đẩy cửa ở hành lang, nhưng không được. Mấy phút trôi qua tuyệt đối yên lặng. Giữa lúc anh tưởng họ đã bỏ đi thì bỗng giật mình. Không hề có một tiếng kẹt cửa nhỏ mà hình như có kẻ nào đó vừa đi qua. Anh cũng không thể biết vì bước chân của người đó đặt trên thảm rất nhẹ nhàng, nếu cái tay vịn cầu thang mà chính anh đang vịn, khe khẽ rung... Người đó đang đi lên.

Và cùng với việc bước dần lên của người đó, Luypanh có cảm giác bực bội khó chịu: anh không nghe thấy gì hơn. Nhờ có tay vịn, anh chắc chắn có một người đang đi lên, anh có thể đếm qua các lần rung, những bước lên cầu thang nhưng không hề có một dấu hiệu nào giúp anh cảm giác được sự có mặt của một ai đó trong bóng tối để anh phân biệt các động tác không nhìn thấy, để anh nhận biết những tiếng động không nghe thấy. Trong bóng tối, lẽ ra phải có một bóng sẫm hơn xuất hiện và một cái gì đó chí ít cũng khuấy động đôi chút cái trạng thái tuyệt đối yên tĩnh này. Không, mặc nhiên phải thừa nhận rằng chẳng có ai cả.

Và Luypanh miễn cưỡng phải phủ nhận sự chứng thực của lý trí, phải tin là như vậy vì cái tay vịn không thấy rung nữa. Và có thể anh phải cho là mình đã bị một ảo giác chi phối.

Cái ảo giác này kéo dài. Anh băn khoăn lưỡng lự, chẳng biết xoay xở ra sao, giả định như thế nào. Nhưng một chi tiết lạ lùng làm anh chú ý. Một cái đồng hồ treo vừa đánh chuông hai giờ. Anh nghe tiếng tíc tắc, anh nhận ra là đồng hồ của Đôbrếch. Mà tiếng tíc tắc đó không thể lọt qua được cửa phòng đóng kín.

Nhanh nhẹn, Luypanh đi xuống và đến gần cửa. Cửa đóng nhưng có một lỗ hổng ở bên trái, phía dưới, một tấm ván nhỏ đã được nhấc ra.

Anh lắng nghe. Lúc đó Đôbrếch trở mình trên giường và thở đều hơi khò khè. Và Luypanh nghe rất rõ tiếng quần áo sột soạt. Không còn nghi ngờ gì nữa, người kia đang ở đó, đang tìm, đang lục lọi quần áo của Đôbrếch để bên cạnh giường.

"Lần này - Luypanh nghĩ - thì ta tin là sự việc sẽ sáng tỏ ra một chút đây. Nhưng mẹ kiếp! Làm sao mà thằng cha đó có thể vào được? Phải chăng là hắn có thể rút được cái chốt trên bên trong và hé mở được cửa ra vào? Nhưng sao lại dại dột đóng lại?"

Dù bực mình vì những biến cố xảy ra, cái khác thường kỳ lạ ở một người như Luypanh là không một giây nào anh có chút nghi ngờ là sự thực hết sức đơn giản kia lại không mở ra trước mắt anh. Tiếp tục bước xuống, anh ngồi xổm trên bậc cuối cùng của cầu thang. Như vậy là anh ở giữa cửa hành lang và cửa phòng của Đôbrếch, chặn con đường duy nhất mà kẻ thù của Đôbrếch phải đi qua để ra với đồng bọn.

Với biết bao hồi hộp, anh quan sát bóng tối. Kẻ thù này của Đôbrếch mà cũng là đối thủ của anh, anh sắp sửa lột mặt nạ hắn. Anh phá ngang ý đồ của hắn. Và cái hắn lấy của Đôbrếch anh sẽ tước lại trong khi Đôbrếch thì ngủ như chết, và đồng bọn của hắn nấp sau cửa hành lang hoặc sau cửa vườn thì mỏi mắt chờ thủ lĩnh của chúng. Và, thủ lĩnh đang xuống - Luypanh nhận biết vẫn nhờ cái tay vịn rung rung. Lại một lần nữa, thần kinh căng thẳng, các giác quan tăng cường độ hoạt động, anh cố phân biệt cái sinh vật bí hiểm đang tiến gần về phía anh. Bất ngờ, anh như thấy nó cách anh vài ba mét. Bản thân anh nấp vào một khoảng bóng tối dày đặc không thể nào bị lộ. Và, cái mà anh nhìn thấy - hết sức nhạt nhòa - đang bước xuống từng bậc thang, vô cùng thận trọng, tay níu vào lan can cầu thang.

"Quái quỷ thật! Ta phải đối phó với kẻ nào đây?" - Luypanh tự hỏi và tim đập thình thình.

Thật bất ngờ. Một cử động vô ý của anh làm nhận vật đó nhận thấy, hắn đứng dừng lại ngay tức khắc. Luypanh sợ hắn lủi mất, anh nhảy đại tới và hết sức ngạc nhiên vì đã lao vào khoảng trống, đụng vào lan can cầu thang mà không tóm được cái hình thù đen thẫm mà anh vừa nhìn thấy. Nhưng ngay lập tức anh vọt đi, qua nửa hành lang và tóm được đối thủ giữa lúc hắn chạy gần đến cửa vườn.

Một tiếng kêu khiếp sợ thét lên, những tiếng kêu khác đáp lại ở phía bên kia cánh cửa.

- A, trời đất! Cái gì thế này nhỉ? - Luypanh lẩm bẩm, hai cánh tay vạm vỡ ôm chặt một thân hình nhỏ xíu đang run rẩy và rên rỉ.

Chợt hiểu ra, anh kinh hoàng và lặng đi một lát, do dự không biết làm gì với con mồi vừa kiếm được. Nhưng những người kia đang huyên náo phía sau cánh cửa. Sợ Đôbrếch thức giấc, anh luồn cái sinh vật nhỏ bé đó vào trong áo khoác, áp vào ngực anh, đặt một cái khăn tay lên miệng nó chặn tiếng kêu rồi bước nhanh lên tầng ba.

- Đây - Anh bảo vú Vichtoa vừa giật mình thức dậy - Tôi mang cho vú người cầm đầu bất trị của những kẻ thù của chúng ta, Hecquyn của nhóm nó. Vú có chai sữa nào cho trẻ bú không?

Và anh đặt xuống ghế bành một đứa bé khoảng sáu, bảy tuổi, nhỏ thó trong cái áo nịt màu xám, đầu đội một cái mũ len đan, khuôn mặt xinh xắn đáng yêu tái mét với đôi mắt hoảng sợ tràn trề nước mắt.

Vichtoa ngơ ngác hỏi:

- Anh nhặt được nó ở đâu?

- Ở dưới chân cầu thang và vừa ở phòng Đôbrếch đi ra - Luypanh đáp và sờ nắn cái áo nịt của chú bé, hy vọng tìm thấy vật gì đó của chú bé, lấy được trong phòng. Nhưng không có gì cả.

Vú Vichtoa động lòng thương.

- Thiên thần bé nhỏ tội nghiệp. Trông này... Nó gắng hết sức để không kêu la... Ôi! Chúa Giêsu! tay nó lạnh giá như đồng vậy! Con đừng sợ, không ai làm gì con đâu... Ông đây không ác đâu mà...

- Không - Luypanh nói - Không ác một tí tẹo nào cả, cái ông này ấy mà! Nhưng còn cái ông kia thì ác lắm đấy. Ông ta sẽ thức dậy nếu họ cứ tiếp tục làm ồn như thế ở phía ngoài cửa hành lang. Vú có nghe thấy không, vú Vichtoa?

- Đó là những ai đấy?

- Tay chân của chàng Hecquyn trẻ này, nhóm người của thủ lĩnh bất trị này!

- Vậy thì làm sao bây giờ?

- Vậy thì không muốn bị mắc bẫy, tôi tẩu đây. Ta đi chứ, Hecquyn?

Anh cuộn đứa bé vào trong một cái chăn len, để đầu thò ra ngoài và cũng cẩn thận bịt miệng em lại rồi nhờ vú Vichtoa buộc chặt lên lưng anh.

- Mày thấy không, Hecquyn, người ta đùa dai! Mày sẽ thấy những ông to nổi quạu như thế vào ba giờ sáng. Thôi nào, hấp! Chúng ta vù! Mày không chóng mặt đấy chứ?

Anh trèo qua thành cửa sổ và đặt chân lên trên thang dây. Chỉ một phút ra tới vườn.

Anh nghe ồn ào và nghe rất rõ những tiếng đập vào cửa hàng lang. Anh lấy làm lạ sao ầm ĩ như vậy mà Đôbrếch vẫn ngủ được. "Nếu ta không lập lại trật tự thì họ làm hỏng hết công việc!" - Luypanh tự nhủ.

Dừng lại ở một góc nhà, trong bóng tối, không ai có thể nhìn thấy, anh ước lượng khoảng cách từ chỗ anh đến cửa vườn đang mở toang. Bên phải, anh trông thấy trên những bậc thềm, bọn người hò hét. Bên trái là chòi gác.

Bà gác cổng đã rời chỗ gác và đứng gần bậc thềm, đang năn nỉ:

- Các người hãy im đi! Im đi chứ! Ông ấy đang ra đấy!

- A! Hay lắm! - Luypanh tự nhủ - Bà ta cũng đồng lõa với bọn này. Mẹ kiếp! Thì ra bà ta kiêm nhiệm.

Anh lao đến, túm lấy cổ áo bà ta, bảo:

- Báo cho họ biết là tôi giữ đứa bé... Đến chỗ tôi, phố Satôbriăng, đón nó về.

Xa một chút, trên đường có một xe taxi mà Luypanh đoán là bọn người này đã thuê. Với vẻ uy quyền, và làm như người cùng bọn, anh bước lên xe bảo đưa về nhà.

- Thế nào? - Anh nói với đứa bé - Không bị sốc mạnh chứ? Nếu được ngủ một giấc trên giường của ta thì tốt đấy.

Asin, anh đầy tớ còn đang ngủ. Luypanh tự đặt chú bé lên giường và âu yếm vuốt ve nó.

Toàn thân thằng bé như tê dại. Khuôn mặt đáng thương hầu như hóa đá mang vẻ cứng cỏi pha trộn sự sợ hãi. Ý muốn được kêu thật to nhưng lại cố gắng để nhất định không kêu trông thật thảm hại.

- Khóc đi, bé xinh! - Luypanh nói - Khóc là tốt cho bé đấy.

Thằng bé không khóc nhưng nghe lời nói thật dịu dàng, thật khoan dung, toàn thân nó chùng xuống. Đôi mắt nó bình tĩnh hơn, miệng nó bớt méo xệch. Luypanh ngắm nó thật kỹ và thấy một nét gì đó thật quen thuộc, một sự giống nhau không thể nhầm lẫn.

Cái đó còn làm cho anh xác định một số sự kiện còn nghi vấn. Chúng móc nối với nhau cái nọ vào cái kia trong trí óc anh.

Sự thực, nếu anh không nhầm thì tình thế sẽ thay đổi khác hẳn và chẳng còn xa lắm anh sẽ định hướng được hoạt động. Lúc đó thì...

Một tiếng chuông réo, và hai tiếng nữa tiếp theo liền, đột ngột.

- Đấy! - Anh bảo thằng bé - Mẹ em đến tìm em đó. Đừng động đậy.

Anh chạy ra mở cửa.

Một người đàn bà bước vội vào như một người điên.

- Con tôi! - Bà kêu lên - Con tôi, nó đâu?

- Trong buồng tôi - Luypanh nói.

Không hỏi gì thêm, tỏ ra đã biết đường rồi, bà ta lao thẳng về phía buồng anh.

- Thiếu phụ có bộ tóc xám! - Luypanh lẩm bẩm - Bạn và thù của Đôbrếch, đúng như ta nghĩ.

Anh đến gần cửa sổ và kéo cái màn che. Hai người đàn ông đếm bước trên hè phố bên kia, Grônha và Lơ Baluy.

- Chúng không giấu mặt - Luypanh nói thêm - Dấu hiệu tốt! Chúng coi như phải phục tùng chủ. Còn thiếu phụ xinh đẹp với bộ tóc màu xám, khó khăn đấy! Hai ta sẽ thử sức, bà mẹ trẻ ạ!

Anh thấy hai mẹ con đang ôm ghì lấy nhau. Người mẹ vẻ lo lắng, mắt mọng nước hỏi con:

- Con không sao cả chứ? Thật chứ? Ôi! Con tôi phải một phen khiếp sợ, bé Giắc của mẹ.

- Một chú bé hết sức can đảm! - Luypanh tuyên bố.

Bà ta không đáp, đưa tay sờ nắn cái áo nịt của thằng bé như Luypanh đã làm, chắc là để xem nó có đạt được kết quả đêm qua không, và hỏi nhỏ nó.

- Không mẹ ạ!... Con đã nói là không mà - Đứa bé nói.

Chị âu yếm hôn con và ôm chặt lấy nó. Thằng bé lả người đi vì mệt mỏi và xúc động, chẳng mấy chốc đã nhắm mắt ngủ khì. Chị ta cũng tỏ ra rất mệt.

Luypanh tôn trọng giây phút trầm tư của chị. Anh kín đáo nhìn chăm chú và nhận thấy mắt chị thâm quầng và lộ rõ những nếp nhăn. Tuy vậy anh thấy chị đẹp hơn là anh tưởng, một vẻ đẹp do quen chịu đựng làm cho khuôn mặt đầy vẻ đa cảm và khoan dung.

Chị có một vẻ buồn thật sâu sắc khiến cho Luypanh trong lòng trào lên thiện cảm tự nhiên. Anh đến gần và hỏi:

- Tôi không hề biết ý đồ của bà ra sao cả, nhưng muốn hay không, bà cũng cần có sự giúp đỡ. Một mình bà không thể đạt được cái gì đâu.

- Tôi đâu phải chỉ có một mình.

- Hai người dưới kia nữa phải không? Tôi có biết họ. Họ không đáng tin cậy. Tôi xin bà, bà hãy sử dụng tôi đây này! Bà có nhớ tối hôm đó, ở nhà hát bà đã sắp nói. Bây giờ, ở đây, bà đừng ngần ngại nữa.

Chị ngoảnh lại về phía anh, nhìn anh chăm chú và như thể không sao gạt bỏ được ý nghĩ thù địch, thong thả nói:

- Đúng ra thì ông hiểu như thế nào? Ông đã biết những gì về tôi?

- Tôi còn không biết rất nhiều. Tôi không biết tên bà, nhưng tôi biết...

- Vô ích! - Chị kêu lên - Những gì mà ông có thể đã biết, xét cho cùng cũng chẳng có gì đáng kể, chẳng có gì quan trọng. Nhưng ý đồ của ông ra sao, của chính ông? Ông muốn giúp tôi... để nhằm cái gì? Nếu ông cứ lao bất tử vào vụ này đến nỗi tôi làm gì cũng đụng phải ông thì chắc chắn là ông phải theo đuổi một mục đích... Vậy mục đích đó là gì?

- Mục đích đó? Ôi trời! Hình như hành động của tôi...

- Không! - Chị cương quyết - Không nên nhiều lời! Giữa chúng ta cần phải rõ ràng, minh bạch. Muốn vậy, phải tuyệt đối trung thực. Tôi sẽ cho ông thấy trước. Tên Đôbrếch giữ một vật có giá trị kinh khủng, không phải là tự thân nó mà là ở cái nó chứa đựng. Vật đó, ông cũng đã biết. Hai lần, ông từng có nó trong tay, hai lần tôi đã lấy đi. Vậy thì tôi có quyền để tin là ông muốn làm chủ vật đó, tức là để sử dụng cái uy lực mà ông thấy ở nó và sử dụng vì lợi ích của riêng ông...

- Thế là thế nào?

- Phải, để sử dụng theo ý đồ của ông, vì lợi ích cá nhân, phù hợp với thói quen của ông...

- Là trộm cắp và trấn lột? - Luypanh nói tiếp câu chị bỏ dở.

Chị không cãi lại. Anh cố đọc trong đáy mắt chị những ý nghĩ thầm kín. Chị muốn gì ở anh? Chị sợ cái gì? Nếu chị ta nghi ngờ anh thì anh, tại sao anh lại không thể nghi ngờ người thiếu phụ này, kẻ đã hai lần lấy lại của anh cái nút chai pha lê để trả lại cho Đôbrếch? Là kẻ tử thù của Đôbrếch, tại sao đến một mức nào đó chị lại khuất phục người này? Giao phó mình cho chị ta có quá mạo hiểm là sẽ có nguy cơ cũng bị Đôbrếch khuất phục không?... Nhưng anh chưa từng bao giờ nhìn thấy đôi mắt nghiêm trang và một khuôn mặt đầy vẻ chân thực như thế.

Không còn một chút do dự nào nữa, anh nói thẳng:

- Mục đích của tôi thật đơn giản: Cứu Ginbe và Vôsơray.

- Thật không? Thật không?...

Chị run rẩy kêu lên và hỏi anh bằng một cái nhìn đầy lo âu nghi ngại.

- Nếu bà biết rõ tôi...

- Tôi biết rõ ông, tôi... tôi biết ông là ai. Đã hàng tháng nay tôi xen vào cuộc sống của ông mà ông đâu có ngờ... Nhưng vì vài lý do, tôi còn e là...

Anh nói dằn từng tiếng:

- Bà không hiểu tôi đâu. Nếu bà hiểu thì phải thấy rõ là tôi chỉ có thể ăn ngon ngủ yên được khi mà hai người bạn của tôi, chí ít là Ginbe, vì Vôsơray là một tên vô lại... trước khi Ginbe thoát được cái số phận khủng khiếp đang chờ đợi anh ta.

Chị chồm lên nắm lấy hai vai anh như muốn phát điên.

- Cái gì? Ông nói cái gì? Số phận khủng khiếp? Ông... Ông tin như thế sao?

- Thực sự tôi tin như thế - Luypanh nói, anh thấy lời dọa đó đã làm chị ta hoảng loạn tới ngần nào - Tôi tin chắc như thế nếu tôi đến không kịp thì Ginbe nguy mất!

- Ông im đi!... Ông im đi!... - Chị ta kêu lên và xiết mạnh vai anh - Ông im đi!... Tôi cấm ông nói như thế... Không có một lý do nào cả... Chỉ là ông đặt giả thuyết như vậy thôi...

- Không phải chỉ riêng tôi mà cả chính Ginbe nữa.

- Sao? Ginbe! Làm sao mà ông biết?

- Biết qua bản thân cậu ta.

- Qua nó?

- Phải, qua cậu ta, cậu ta chỉ còn hy vọng vào tôi. Cậu ta biết trên đời này chi có một người duy nhất có thể cứu mình và từ trong hầm kín của nhà tù, cách đây vài hôm, cậu ta đã kêu gọi tôi một cách vô cùng tuyệt vọng. Thư của cậu ta đây.

Chị háo hức cầm lấy tờ giấy và lắp bắp đọc:

"Cứu tôi, ông chủ ơi!... Tôi nguy mất... Tôi sợ lắm... Cứu tôi!"

Chị buông rơi tờ thư, đôi bàn tay quờ quờ khoảng không. Có thể nói đôi mắt thẫn thờ của chị đang nhìn thấy cái cảnh ghê rợn đã bao lần ám ảnh Luypanh và làm cho anh khiếp sợ. Chị kêu lên một tiếng kinh hoàng, gắng gượng đứng lên và ngã lăn xuống bất tỉnh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#vuonglk