Chương XII: Đụng độ lần hai (9)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

“Anh kia, anh đang làm gì ở đây hả?” – Tường chỉ thẳng tay vào Phong.

Phong cau có nhìn Tường, đáp: “Tôi chụp ảnh, không nhìn thấy à?”

“Ai cho phép anh quát các em tôi, còn tự tiện dùng xe của tôi?” – Tường vẫn chỉ tay quát.

Khang và Tiên đứng bên cạnh khuyên Tường không nên nổi nóng.

Cũng đang sẵn bực mình, Phong chẳng thèm nể nang: “Em cô à? Ai bảo cô không dạy bọn nó không được làm phiền người khác. Còn cái xe máy à, tôi trả tiền thuê là được chứ gì? Có mỗi cái xe, làm như ghê gớm lắm.”

“Anh biến khỏi đây ngay cho tôi! Ai cần tiền của anh.” – Tường quát.

“Ra cái vẻ gì chứ? Cái cửa hàng ở nơi heo hút thế này thì có khách à? Không cần tiền thì cho thuê địa điểm làm gì?” – Phong không dừng lại.

“Ai cho thuê gì cơ?” – Tường.

Khang chợt chột dạ nhưng cậu không thể ngăn được cuộc cãi vã.

“Tôi phải trả phí để đến đây chụp ảnh còn gì? Không phải phí thuê địa điểm thì là gì?” – Phong.

“Ai thu phí của anh?” – Tường.

“Khang, chứ còn ai nữa?” – Phong.

Cả đội tập kịch xì xào bàn tán. Việc Khang bán thông tin về địa điểm của cây ngân hạnh là chuyện có thật, họ đều biết.

“Sao cậu dám?” – Tường quay sang tra hỏi Khang.

“Tôi chưa lấy phí gì từ anh ta cả. Anh ta muốn đến đây chụp ảnh, tôi giúp anh ta và anh ta muốn trả phí cho tôi thôi.” – Khang biện minh.

“Hai cô cậu đang diễn kịch à? Ai mà chả biết muốn đến đây thì phải trả phí cho cậu.” – Phong nói Khang.

“Cậu được lắm, tôi sẽ xử lý cậu sau!” Tường trợn to mắt nhìn Khang rồi quay sang quát Phong: “Tôi là chủ ở đây. Thứ nhất, tôi không cho phép anh chụp ảnh trên đất của tôi, cây của tôi, xe của tôi. Thứ hai, tôi không cần tiền của anh. Thứ ba, trả lại xe cho tôi rồi biến khỏi con ngõ này ngay lập tức!”

“Được thôi, nhưng đây là đường nhà các người à, cây nhà các người à, tưởng cái cây già này đẹp lắm à?” – Phong đáp lại.

“Đúng rồi đấy, cả con ngõ và cây ngân hạnh này là của chúng tôi. Anh cần nhìn giấy tờ không? Nếu để tôi phải cầm giấy tờ ra thì anh đừng trách tôi xử lý không có tình người.” Tường khoanh tay trước ngực, ra vẻ đầy thách thức. 

Phong liếc nhìn thấy quả thực cây ngân hạnh không được đánh số như những cây xà cừ to lớn khác trong thành phố. 

“Rời đi!"

"Rời đi!” 

Những thành viên của đội tập kịch hô đồng thanh từ trên sân mái của cửa hàng hoa. Một vài người trong đội của Phong phải ra khuyên can anh ta. Họ không muốn làm lớn chuyện gây mất uy tín với khách hàng. Lúc này, họ vẫn có thể đổ lỗi cho Khang, nhưng nếu ở lại lâu hơn thì có thể khách hàng sẽ không ủng hộ và cho rằng họ thiếu chuyên nghiệp. 

Phong buộc phải nhượng bộ mà rời đi. Còn Khang sẽ không nhận được khoản phí nào.

"Hầyyy..." - Khang thở dài.

“CẬU THỜ DÀI CÁI GÌ? AI CHO PHÉP CẬU LẤY CÂY NGÂN HẠNH CỦA CHÚNG TÔI RA ĐỂ LÀM MẤY CÁI TRÒ VỚ VẨN NÀY HẢ! ĐÓ LÀ THỨ TẦM THƯỜNG THẾ À? HẢ?” – Tường quát lớn hơn.

Khang đã không nhận ra cây ngân hạnh có một ý nghĩa vô cùng đặc biệt với Tường. Cậu đã không trân trọng nó, còn tùy tiện sử dụng nó để trục lợi. Khang cúi đầu, cậu xấu hổ, cậu bối rối không dám nhìn Tường. 

“Tôi xin lỗi.” – Khang nói lí nhí.

“XIN LỖI CÁI GÌ! CẬU CŨNG BIẾN KHỎI ĐÂY NGAY ĐƯỢC RỒI.” Tường đã mất hết bình tĩnh, ngay cả Tiên cũng không thể làm Tường dịu lại.

“Tường! Có chuyện gì vậy cháu?” Bà Quỳnh đi ra ngoài vì nghe thấy tiếng quát tháo.

Tường trả lời: “Bà xem, bà quý mến cậu ta quá nên cậu ta tưởng chúng ta là người một nhà rồi kìa, cậu ta tưởng mình là chủ nơi này rồi đấy. Mặt dày đến mức còn dám lợi dụng chúng ta. Không biết cắn dứt lương tâm à? Người như vậy mà bà...” 

“TƯỜNG!” Tiên quát lên để Tường biết phải dừng lại.

“Cháu xin lỗi”. Khang cúi đầu, cậu xấu hổ không biết phải nhìn ai. Cậu quay người rời đi ngay. Mọi người chăm chú nhìn theo, không ai biết nên nói gì lúc này. Khang cứ vậy trốn chạy và bỏ lại những tình cảm đẹp chỉ mới vừa chớm nở.

Tường làm rõ sự việc “buôn – bán” với những ai đã đưa tiền cho Khang. Cô bạn trả lại tiền cho họ và giải thích rõ rằng cửa hàng không khuyến khích việc làm của Khang. Nhưng các bạn đã từ chối nhận tiền. Họ cũng nói rõ cho Tường biết họ đều tự nguyện và Khang cũng không sử dụng danh nghĩa của Bông Thủy Tiên Nhỏ. Sau đó, đội tập kịch vẫn tiếp tục tập vài lần từ đầu đến cuối. Họ kết thúc sớm rồi mọi người ra về. Từ nay cho tới khi ghép thử trên sân khấu, cả đội sẽ không họp mặt.

Không rõ vì cảm thấy có lỗi hay vì không biết đường ra ngoài mà đội của Phong đã quay lại xin lỗi cửa hàng. Đại diện là bà Quỳnh cũng chấp nhận. Sau đó, Hoàng được giao việc đưa họ ra ngoài.

Trong lúc ăn cơm tối, Tường kể lại toàn bộ sự việc Khang thu tiền của những người muốn đến nhìn ngắm cây ngân hạnh. Cô bạn vẫn còn bực bội vì chuyện đó.

“Sao cháu không hỏi gì mà đã mắng Khang?” – Bà Quỳnh.

“Cháu mắng thế là còn nhẹ mà bà. Cây ngân hạnh của chúng ta đâu phải thứ tầm thường để cậu ta lợi dụng như vậy?” – Tường.

“Đâu phải chuyện gì quá căng thẳng. Cháu xem, cậu Phong cũng đã quay lại xin lỗi rồi. Bạn bè của Khang cũng không khó chịu, cũng nhiều người đã biết đến cửa hàng hơn. Kết quả không phải là chuyện gì không tốt. Chỉ là trùng hợp, hôm nay có sự cố thôi.” – Bà Quỳnh.

“Tên Phong đó, hắn còn dám xúc phạm cây ngân hạnh của chúng ta, loại người như hắn ta mà xứng đáng à? Cũng đáng để trao đổi à?” – Tường chưa hết hậm hực.

“Anh ta cũng chỉ nóng tính giống như cậu thôi. Nhưng dù sao sau khi nguôi giận thì anh ta cũng còn biết lý lẽ, biết quay lại xin lỗi.” – Hoàng.

“Cậu nóng tính quá rồi. Biết đâu Khang có lý do khó nói thì sao?” – Tiên.

“Rõ là cậu ta làm vì tiền rồi?” – Tường.

“Vậy là xấu sao? Cậu lại nóng tính quá rồi.” – Hoàng.

“Vậy là anh Khang và các anh chị khác sẽ không đến cửa hàng nữa ạ?” – Diên đột nhiên hỏi bà Quỳnh. Miên cũng quay sang nhìn.

“Không đâu.” – Bà Quỳnh cười.

Hai bạn nhỏ gật đầu rồi lặng lẽ ăn cơm. Bộ mặt chúng không giấu được nét buồn.

Bà Quỳnh thở dài rồi nhẹ nhàng xoa đầu hai bạn nhỏ.

“Dù sao cậu ta cũng sẽ sớm nghỉ việc. Rồi sẽ có người khác đến.” – Tường.

“Thôi, chúng ta không cần tìm thêm người nữa đâu.” – Bà Quỳnh nói nhỏ nhẹ.

Tất cả cùng im lặng.

Bà Quỳnh chống tay lên bàn đứng dậy, rồi lom khom bước từng bước chậm chạp rời khỏi bàn ăn. Thời tiết trở trời khiến những khớp chân già nua của bà lão cứng hơn mọi ngày. Tuy vậy, bà Quỳnh vẫn muốn đi ra ngoài ngồi thư giãn trên chiếc ghế băng phía trước cửa hàng. Những cơn gió lạnh lùa qua cơ thể làm bà Quỳnh ho lụ khụ. Một lúc lâu sau, có tiếng chuông cửa vang lên.

Tiên bước ra mang theo một chiếc khăn mỏng. Cô bạn khoác nó lên vai bà Quỳnh, rồi ngồi xuống ôm lấy cơ thể già nua đang chống lại thời gian. Tiên tựa đầu vào vai bà lão. Diên và Miên cũng chạy ra, chúng ngồi vào lòng hai người lớn. Tất cả cùng im lặng ngắm nhìn tán cây ngân hạnh vàng láp lánh.

Những cơn gió lạnh chợt ùa về tối nay cũng không thể dập tắt hơi ấm mà họ đang cùng chia sẻ.
____________________

Những ngày sau Khang không đi học, cũng không đi làm. Cửa hàng hoa đã bớt ồn ào nhưng cũng bớt vui nhộn. Vẻ đẹp của nó chìm lại vào sự yên lặng và âm thầm như những ngày trước.

Gần đây, sự ngượng ngùng đã hoá thành tấm mạng mỏng phủ lên Tường và phần còn lại của Bông Thủy Tiên Nhỏ. Nó vô hình, nhưng cũng luôn hiện hữu, nó vướng víu với những con người sống trong cửa hàng. 

“Cậu ta bị ốm.”

Hoàng trả lời cho các thầy cô, các bạn và bà Quỳnh biết. Khang cũng chỉ nhắn lại như vậy khi được Hoàng hỏi thăm, cậu không trả lời câu hỏi nào khác của Hoàng. Nhiều người cho rằng “bị ốm” không phải lý do thực sự.

Đến tận thứ tư, tức là trước ngày diễn thử trên sân khấu một ngày, Khang vẫn không xuất hiện. Đội tập kịch bắt đầu lo lắng.
____________________
Tại cửa hàng hoa

Miên và Diên đang nằm ngẩn ngơ trên chiếc ghế băng dài. Tường thấy vậy liền đi tới nhắc nhở: “Hai em đừng nằm ở đây, cẩn thận kẻo bị cảm lạnh. Các em nên vào trong nhà nằm.”

“Vânggg…” Hai bạn nhỏ kéo dài câu trả lời cho tới khi âm thanh nhỏ hẳn không còn nghe thấy. 

“Hai em sao thế! Đứng dậy nhanh nào!” – Tường hơi gắt gỏng một chút.

“Hai em nên nghe lời chị Tường.” – Tiên nhẹ nhàng nhắc nhở.

Miên và Diên đứng dậy chạy về phía Tiên.

“Hôm nay hai em không chơi gì sao? Hay chị lấy áo ấm cho hai em mặc rồi mình ra ngoài phố nhé?” – Tiên ướm hỏi.

“Không đâu!” 
“Không đâu!”

Hai bạn nhỏ đồng thanh.

“Thế hai em thích gì nào?” – Tiên.

Hai bạn nhỏ nhìn nhau cười khúc khích.

Diên trả lời trước: “Chúng em muốn đi học.”

“Như anh Khang, chị Tường, anh Hoàng.” – Miên gật gật đầu, nói tiếp.

“Ồ, sao các em lại thích đi học?” – Tiên cười.

“Vì sẽ được gặp mọi người ạ.” – Diên. 

“Ra vậy hả! Đợi khi nào các em lớn hơn, khỏe hơn thì chị sẽ bảo bà Quỳnh cho các em đi học nhé. Bây giờ các em nên vào trong nhà nằm. Bên ngoài trời lạnh, nằm lâu sẽ bị ốm, sẽ không khỏe mạnh.” – Tiên cười dịu dàng. 

“Tức là bao giờ ạ?” – Miên hỏi.

“Đợi hơn một năm nữa, nếu các em chịu nghe lời.” – Tiên.

“Lâu quá!” – Diên thốt lên.

“Hay mình bảo các anh chị đến đây chơi đi chị?” – Miên.

Tường thở dài. Tiên cười, nhún vai nhìn Tường rồi trả lời hai bạn nhỏ: “Chị không bảo các anh chị đến đây chơi được.”

“Vậy mình nhờ anh Khang đi.” – Miên.

“Đúng rồi, anh Khang sẽ đưa các anh chị đến đây.” – Diên.

“Ừ, nhưng không được rồi. Anh Khang đang ốm nên không giúp các em được.” – Tiên cười trừ.

“Vậy mình đưa anh Khang đi chữa bệnh đi chị. Mai mình đến nhà anh Khang đi chị.” – Diên tỏ ra hồ hởi.

“Để chị hỏi bà Quỳnh đã nhé.” – Tiên trả lời bất đắc dĩ. Cô bạn chẳng thể bảo hai đứa nhỏ rằng Khang chỉ đang lấy lý do để không phải đến đây, rằng Khang không muốn đến đây, rằng bệnh của Khang không thể mua thuốc chữa được. Lũ nhỏ sẽ buồn, hụt hẫng. Tiên cho rằng lũ nhỏ nên biết đến những thứ cảm xúc tươi vui khác trước khi biết đến nỗi buồn. Chúng cần một chút niềm tin, dù cho niềm tin đó có được xây dựng dựa trên một lời nói dối. Tất nhiên, rồi chúng sẽ phát hiện ra sự thật. Nhưng chí ít, khi đó thời gian đã làm chúng nguôi ngoai, nội tâm chúng đã thêm mạnh mẽ.

Diên và Miên nhảy cẫng lên, chúng cười lớn rồi chạy vào nhà. Tiên cũng đi theo. Còn Tường lấy chổi ra quét sân.

Vào bữa tối, bà Quỳnh trả lời không đồng ý với lý do: “Trời đang lạnh, đi ra ngoài sẽ dễ bị ốm.” 

Bà lão còn nói thêm: “Đợi khi nào Khang khỏe lại thì ta sẽ bảo nó đến”.

Mặt hai đứa nhỏ hơi xị ra.

“Ta sẽ cho hai đứa đi học, khi hai đứa lớn hơn, khỏe mạnh hơn và cả ngoan ngoãn hơn nữa.” – Bà Quỳnh.

Nét mặt Diên và Miên bèn vui vẻ trở lại. Chúng chạy vòng quanh bàn ăn và hét lên: “Đi học, đi học, đi học!”
____________________

Chiều hôm sau, tức chiều thứ Năm

Khang đã có mặt tại buổi diễn thử trên sân khấu. Cả đội kịch đều vui mừng vì cuối cùng Khang cũng xuất hiện. Cậu ăn mặc phong phanh, mũi xụt xịt, người xanh xao như vừa ốm dậy. Mọi người hỏi ra mới biết Khang ốm thật. Vậy mà ai cũng nghĩ rằng cậu chỉ lấy lý do để trốn tránh mọi người.

“Cậu ốm gì mà lâu vậy?”, “Không uống thuốc sao?”, “Hay cậu không biết chỗ mua thuốc à?”, “Ăn mặc phong phanh thế”, “Ốm ra đấy không ai thay cậu được đâu.” 

Các bạn hỏi thăm Khang dồn dập. Cậu chỉ biết cười trừ và nói lời cảm ơn. Tuy Khang và Tường diễn có chút không tự nhiên như lúc trước nhưng về tổng thể, cả đội đã làm tốt. 

Xong việc, Khang về luôn. Cậu cần nghỉ ngơi để sớm khỏe lại. Buổi tối, khi Khang đang nằm ngủ thì tiếng chuông điện thoại bỗng réo lên inh tai khiến cậu tỉnh giấc. 

“Ra mơ cửa.” – Giọng Tường ở đầu dây bên kia.

“Để làm gì?” – Khang đáp lại.

“Không nói nhiều, tôi đợi ở ngoài.” – Tường cúp máy.

Khang lồm cồm bò ra khỏi chiếc giường ấm áp. Cậu mở cửa, Tường liền dúi cho cậu một túi thuốc và một bọc đồ.

“Lại gì nữa đây?” – Khang.

“Thuốc cảm. Áo khoác ngoài.” Tường nói cụt lủn mà không thèm nhìn Khang. Cô bạn đã phải suy nghĩ rất lâu trước khi quyết định sẽ đi mua đồ cho Khang.

“Cậu mua cho tôi à? Hehe.” Khang cười theo kiểu chẳng có gì bất ngờ cả.

“Chứ còn cho ai nữa. Uống thuốc và mặc ấm vào. Tôi không muốn mọi người cho rằng cậu bị tôi bắt nạt nên không dám đi học, không dám đi làm.” – Tường.

“Xời, mấy người các cậu đều thích tự làm theo ý mình nhỉ, không bàn bạc trước với nhau được à?” – Khang cười.

“Ý là gì?” – Tường quay ra nhìn Khang. 

“Tối qua, Hoàng cũng sang mua thuốc và mua áo khoác cho tôi rồi... Nhưng dù sao cũng cảm ơn cậu.” Khang vừa nói vừa chỉ ngón tay cái vào trong phòng. Khi cậu vừa dứt lời thì Hoàng bước ra. 

Hoàng sang đây nấu cơm cho Khang. Cậu ta đến trước Tường, từ tối hôm qua, mục đích là để khuyên Khang đi học, đi làm, nhưng cậu ta không ngờ rằng Khang lại bị ốm thật. Thấy Tường, Hoàng cười phá lên. Chắc hẳn cậu ta cũng không đoán ra rằng Tường sẽ đi mua thuốc và áo khoác cho Khang.

“Hóa ra tình cảm của hai cậu lại tốt đẹp đến mức này đấy.” – Hoàng trêu đùa.

“Nói năng cho cẩn thận. Tôi sợ người khác hiểu nhầm rằng tôi bắt nạt cậu ta thôi.” – Tường gắt gỏng.

“Thì ai chả biết vậy, không ai tưởng gì đâu, haha.” – Hoàng cười sảng khoái.

“Sao sáng nay cậu không mặc áo khoác? Mà cậu ăn uống cho đầy đủ, uống thuốc và mặc ấm cho mau khỏe lại còn đi học, đi làm. Đừng để mọi người lo lắng cho cậu và nghĩ xấu cho tôi. Tôi sẽ giải quyết chuyện cũ với cậu sau.” – Tường.

“Sáng nay cậu ta làm ướt áo khoác nên không mặc được.” – Hoàng giải thích.

“Người nghèo như tôi không cần sĩ diện. Nên cậu yên tâm, còn chưa xong việc với bà Quỳnh thì tôi còn đi làm. Tôi còn phải lấy tiền công nữa chứ.” – Khang cười.

Tường không nói gì. Cô bạn tỏ vẻ chẳng quan tâm rồi phóng xe đi luôn. Hoàng ở lại ăn tối cùng Khang và bắt cậu uống thuốc xong mới về. 

Đến Chủ Nhật thì Khang đã hoàn toàn khỏe lại. Tối đó, cả đội kịch tham gia buổi giao lưu văn hóa theo đúng kế hoạch. Họ có mời bà Quỳnh, Tiên, Miên và Diên đến tham dự nhưng bà Quỳnh không đi được. Tiên đã quay lại vở diễn để bà Quỳnh có thể xem sau. Các thầy cô, khách mời và khán giả đều tỏ ra thích thú với tiết mục của lớp Khang. Cả hội trường đầy ắp tiếng cười và những tràng pháo tay khi cả đội rời khỏi sân khấu. 

Kết thúc buổi giao lưu văn hóa, Tiên thay mặt bà Quỳnh mời mọi người về Bông Thủy Tiên Nhỏ liên hoan. Họ đã có thêm những giờ phút vui vẻ cuối tuần. Miên và Diên cũng được vui lây. 

Vì đã muộn và muốn nghe tiếp bản thảo truyện của bà Quỳnh, cả đội kịch đã thống nhất sẽ ở lại cửa hàng cho đến sáng hôm sau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro