Đại ca - Câu chuyện của những mảnh đời

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Đại ca" không chỉ đơn thuần là đam mỹ.

Đó còn là câu chuyện về tình thân, tình người, vạch trần những góc khuất tăm tối nhất của những con người nơi đáy cùng của xã hội. Họ không thánh mẫu, không phải là những kẻ cố giữ cho mình thanh cao "nghèo cho sạch rách cho thơm", họ có những con ác quỷ trong tâm hồn, họ có lầm đường có lạc lối, nhưng đến cuối cùng mỗi người đều tìm được cho mình một chốn về. Không phải ai cũng hạnh phúc, mà cũng có những cái kết cứ mãi lửng lơ vô định. Nhưng như thế mới là cuộc đời. Chân thực đến đáng sợ.

Cả một thiên truyện dài sáu mươi chín chương, (khi xuất bản gom lại còn hai mươi chín), kể về hành trình của cậu bé Ngụy Khiêm từ khi mười lăm tuổi đèo bồng một đứa em gái và một thằng em trai nhặt về mà chèo chống mưu sinh đến khi công thành danh toại, hiện thực hóa được ước mơ, xen lẫn trong đó là câu chuyện tình yêu chân thành.đến điên cuồng mà một cậu nhóc dành cho người mà mình xem là anh trai

Câu chuyện mở ra một khung cảnh tồi tàn khu ổ chuột, nơi căn chung cư xập xệ vẫn có những con người đang lặng lẽ sống. Có mẹ con Mặt Rỗ bán cháo quẩy thật thà đến đáng thương, có anh trai Ba Béo hiền lành trượng nghĩa, có một Nguỵ Khiêm lưu manh sống cùng em gái, tổ hợp kì lạ đó rất đỗi đời thường, một tổ hợp của những phận người nghèo khổ sống ở nơi tăm tối bần cùng nhất.

Nơi khu ổ chuột tồi tàn ấy, có bà lão hàng xóm đanh đá chuyên đổ rác trước cửa nhà Ngụy Khiêm, rao làng rao xóm về thân phận con hoang của gã. Thoạt nghe thì bình thường đấy, nhưng về sau Ngụy Khiêm nhận ra một điều cay đắng: "Người nghèo chỉ có thể làm khó nhau, cũng chỉ biết làm khó nhau, bằng không họ còn làm được gì nữa?"

Mỗi một nhân vật, là một số phận, là một tính cách, một cuộc đời. Priest tạo ra họ, nhưng họ lại chân thật như thể chị chỉ đang viết lại về những con người xung quanh mình.

Ngụy Khiêm – thiếu niên kiên cường.

Ngụy Khiêm là con của gái điếm, chịu hành hạ ngược đãi nên tâm lý hơi méo mó và có tiềm năng phản xã hội khá cao, gã còn có một đứa em gái cùng mẹ khác cha, Tống Tiểu Bảo ngây thơ trong sáng. Trong khi Hamlet cứ mãi vấn vương "to be or not to be", gã thậm chí đã từng dùng tuổi thơ của mình để băn khoăn một vấn đề, "xiên chết mẹ hay không xiên chết mẹ". Ngay cả cái ngày mẹ gã ra đi, bà cũng chẳng chừa cho gã một chút dịu dàng hiền mẫu nào. Mẹ mất, bờ vai bé nhỏ của gã gồng gánh cả gia đình.

Cái nghèo, cái khổ ấy thể hiện không chỉ là câu từ lời văn miêu tả, nó đến từ những suy nghĩ, hành động của nhân vật, từ những tình tiết bình thường, nhỏ nhặt nhất.

Khi thằng nhóc Ngụy Chi Viễn lẽo đẽo theo về nhà, theo lẽ thường thì ai cũng sẽ nghĩ gã cho nó vào nhà, nhưng không. Gã thẳng ta ném nó ra ngoài, chửi nó, tuyệt đối không cho nó bước chân vào. Gã khổ lắm rồi, hơi sức đâu đèo bồng thêm một thằng nhãi? Mỗi lần nó đến, là mỗi lần gã lại đánh nó. Tuy nhiên, cuối cùng dưới sự nhượng bộ của gã dành cho em gái khi Tiểu Bảo cho nó vào nhà, gã đồng ý nuôi nó. Con người Ngụy Khiêm ấy mà, đã chấp nhận rồi thì đều đối xử công bằng với cả hai, dù là ruột thịt hay là nhận nuôi đi chăng nữa. gã đều coi cả hai là em mình mà đối xử thật tốt.

Ngụy Khiêm dẫu có sống trong cái nghèo, cái khổ, thì "Gã học hành rất nghiêm túc, dù là làm giúp việc hay du côn đều không thể ảnh hưởng đến thành tích, bởi vì nhà trường là mối liên hệ duy nhất với những từ như "tương lai", "hi vọng", cùng "cuộc sống vẻ vang", cho dù phải liều mạng gã cũng muốn nắm chặt lấy." Ước mơ thuở ấy của gã, là có thể mặc áo blouse trắng, mỗi ngày làm vài ba thí nghiệm, nghiên cứu sách vở rồi về nhà nghỉ ngơi, sống an ổn yên lành hết một đời. Nhưng điều đó xa vời biết nhường nào. Dẫu cho gã có đạt điểm số cao ngất ngưởng trong kì thi tốt nghiệp cấp hai thì thế nào? Gã vẫn mãi kẹt trong vũng bùn chẳng thể thoát ra được, khiến bản thân cứ mãi sống trong cái tình trạng "bộ não quá nóng còn trái tim thì quá lạnh".

Tất nhiên, cậu bé Ngụy Khiêm cũng đã từng chờ đợi một ngày nào đó có người phát hiện ra hai anh em cậu, đưa lên báo đài với tiêu đề "Học sinh nghèo vượt khó nuôi em" đại loại vậy rồi gã sẽ có tiền, có cuộc sống êm ấm hơn. Nhưng cuộc đời, vốn đâu dễ dàng như vậy. Gã vẫn phải bươn chải, phải lăn lộn, trở thành tay đấm số một dưới trướng anh Lạc để kiếm sống.

"Cùng là người nhưng không cùng mệnh, cùng là chó cũng chẳng chung mệnh nốt."

Ngụy Khiêm nghĩ thế, khi gã vừa đánh chết một con chó dại sau khi nhận điểm tốt nghiệp về.

Cái xã hội vận hành tàn khốc như thế đấy, có người đức cao trọng vọng đi xe sang nhà lầu, có kẻ mãi quẫy đạp trong bùn lầy tăm tối không ngóc đầu lên được.

Cái số mệnh "đặt gã thấp hơn người ta một bậc" ấy, khiến gã "thà chết cũng không chịu cúi đầu", lòng tự tôn cao ngất trời, "bắt người ta phải sợ dù sao còn hơn là để họ khinh thường"! Anh Lạc có chìa tay ra trước mắt, đề nghị lo liệu ăn học cho gã, gã cũng từ chối. Chẳng phải sợ mắc nợ, mà bài học của mẹ theo gã cả đời, "Trên đời này chẳng có bữa ăn nào là miễn phí cả".

Và gã đã từng lạc lối.

Ngụy Khiêm từng sa ngã, bỏ học, trở thành xã hội đen. Gã không sai, cũng chỉ vì cơm áo gạo tiền. Mà gã, ngày càng tiến xa trên con đường không lối thoát này. Cho đến khi cái chết của Thằng Rỗ thức tỉnh gã, kéo gã ra khỏi ma chướng. Ngụy Khiêm nhận ra, gã đã sai. Gã nhận ra, bộ mặt tàn khốc của thế giới này, của người mà gã kính trọng nhất.

Gã quay đầu. Cái cách mà Priest khiến Ngụy Khiêm quay về đường ngay có hơi tàn nhẫn, nhưng cuộc đời là như thế. Ở cái nơi sinh tồn bằng cá lớn nuốt cá bé này, thì sự thật thà ngốc nghếch của Thằng Rỗ không có chỗ dùng.

Thế nhưng, dù có thế nào, trong lòng Ngụy Khiêm vẫn có một khát khao hướng thiện. Gã muốn làm người tốt, khuân vác cũng được, gã đâu bằng lòng làm một tên lưu manh? Gã muốn sống đường hoàng, như bao người dân khác trong thành phố này, mỗi sáng giày da áo sơ mi phẳng phiu đi làm, đến tối lại về nhà nghỉ ngơi. Nhưng cũng không được. Cuộc sống không cho phép gã.

Ngụy Khiêm đánh hắc quyền, cái nơi mà chỉ có "ngươi chết ta sống", gã đứng giữa lằn ranh sinh tử, may mắn trốn thoát được, ôm một đống tiền về rút lui khỏi hắc đạo.

Gã trở về con đường ngay thẳng, làm một học sinh bình thường, đi làm thêm mấy việc khuân vác nuôi gia đình. Rồi cứ thế, gã trưởng thành, đi buôn bán, mở công ty, chậm rãi mà vươn lên.

Ngụy Khiêm, gã sống dai dẳng như con gián, đập mãi không chết, đi đánh hắc quyền, làm du côn, kiếm thật nhiều tiền, ấy là mục đích sống của gã.

Ngụy Khiêm, gã lì lợm cứng nhắc, chỉ còn một chút hơi tàn cũng gắng gượng đứng lên. Gã như chồi non bị quăng vào sỏi đá khô cằn, dẫu chỉ có một giọt nước cũng hút hết bằng được mà lớn lên đón nhận ánh sáng.

Bao nhiêu trắc trở đớn đau, mồ hôi và máu của gã đã rơi, không chỉ vài lời mà nói hết được, ngay cả chính gã, cũng không ngờ được mình đã từng như thế.

Nhân sinh trong truyện tựa như giấc mộng phù du, mấy chục năm lăn lộn khổ đau qua đi, tưởng như đã sống hết một đời.

Bà Tống – bà nội chân chất thôn quê.

Tôi còn thích bà Tống, bà nội của Tống Tiểu Bảo. Ban đầu, bà rất đáng để người ta ghét, đòi chia cắt hai anh em, chửi mắng Ngụy Khiêm thậm tệ, còn bắt cả Tiểu Bảo theo cùng. Sự xuất hiện của bà phá tan bầu không khí yên bình hiếm có của ngôi nhà nhỏ.

Thế nhưng dần dần, có thể thấy được, bà kì thực cũng chỉ là một bà nội thôn quê bình thường yêu cháu thương con mà thôi. Tiểu Bảo trở về bà về theo, Ngụy Khiêm nhường một bước, bà nhịn một chút mà sống hài hòa. Bình bình đạm đạm mà trở thành một gia đình. Bà cũng hiểu được, Ngụy Khiêm cũng chẳng phải du côn từ trong máu, gã chỉ là một thằng nhóc phải kiếm tiền, liều mạng kiếm tiền nuôi cả nhà, Ngụy Khiêm thực ra cũng chỉ là một đứa trẻ tốt phải gánh trên vai trách nhiệm quá lớn. Hình ảnh người bà hiện lên đẹp lắm, ấm áp đến mức khiến con người ta rơi lệ. Bà lo cơm nước, bà bán trứng dạo, bà lo cháu sốt cao, bà Tống khiến tôi phải chạnh lòng. Bà vừa quất chổi vừa mắng khi Tiểu Bảo bỏ nhà đi bụi, bà là người vui vẻ nhất, tiếp đón cô giáo như nguyên thủ quốc gia khi biết Ngụy Khiêm có thể đi học. Bà ra khắp chợ khoe khoang :"Cháu tôi giỏi lắm!". Bà cũng chỉ như bao người bà khác, hiền lành chân chất thế thôi. Còn Ngụy Khiêm cũng nhận ra bà Tống chỉ là một bà già nhà quê, cổ hủ, thương con thương cháu quá mà thôi. Bà ác miệng nhưng không ác lòng, sống với ba anh em, bà cũng biết chạy đôn chạy đáo bươn chải lo toan, biết nấu cơm giặt giũ chăm lo cho cả nhà, còn biết đấu khẩu chửi nhau với bà hàng xóm.

Nhưng cũng vì bà Tống tốt như vậy, khi bà ra đi ai cũng ngỡ ngàng. Nó để lại một ám ảnh, tàn nhẫn mà day dứt, không hồi kết.

"Cứ thế, trong cái đêm lạnh giá tuyết sắp rơi, cả hai dắt nhau đi khỏi tầm mắt mọi người, không còn xuất hiện nữa.

Bà Tống đến từ Trung thu, đi vào đầu xuân, mang theo chút tôn nghiêm và thể diện cuối cùng.

"Tôi tốt xấu gì cũng biết vài chữ, viết được di thư, còn để lại một phong thư nữa đấy." Trên đường, mẹ Mặt Rỗ nói với bà Tống như thế.

Bà Tống hỏi: "Trên thư viết gì vậy?"

"Viết là 'tôi chưa chết, tôi chỉ đi thôi'."

Không phải tử biệt, chỉ là sinh ly.

Đớn đau và hạnh phúc, sống không ôm được, chết chẳng mang theo.

Chỉ có hoàng hôn hoa mỹ mà vô thượng. – Trích từ bài thơ Hoàng hôn mùa thu của Hải Tử."

Lão Hùng – "cá mè hoa" thích sống triết lý.

Lão Hùng là cậu ấm nhà giàu lông bông vung tiền như cỏ rác vào những mục đích sống mà lão cho là triết lý. Lão Hùng là người đã nắm tay Ngụy Khiêm lôi gã khỏi bùn lầy, đắp nặn những bước đầu tiên cho gã trở thành "lưu manh giả danh tri thức".

Lão bình thường cho người ta cảm giác ngu ngốc, vu vơ mấy câu chả đâu vào đâu, ấy thế nhưng lão là người giàu tình cảm thật sự. Khi chị Hùng vợ lão chết, lão bán hết gia sản quyên từ thiện rồi cạo đầu đi tu. Trong mắt kẻ khác, lão đi tu mà vẫn ham tiền, nhưng chỉ có người thân quen mới rõ, đối với lão Hùng, tiền bạch cũng chỉ là vật ngoài thân, thổi là bay mất. Con người lão đã sớm thoát khỏi hồng trần, nhìn thấu thiên hạ chuyển dời.

Lão Hùng là người chỉ điểm bến mê cho Ngụy Chi Viễn, khiến cậu phải thành thành thật thật nhìn lại chính bản thân mình, nhìn lại tình cảm của mình.

"Chàng trai trẻ à... Đi rồi cũng tốt, thăm thú thế giới bên ngoài, mỗi ngày cho mình mười phút, ngẫm lại xem hơn hai mươi năm qua mình sống như thế nào. Chú Khiêm không phải là vấn đề của cậu, cậu bé à, cho dù trái với luân thường, chỉ cần cậu ta còn sống thật tốt, thì sẽ không là vấn đề của cậu, vấn đề của cậu nhiều lắm, nhưng xét đến cùng cũng là bản thân cậu thôi."

"Lời lão nói là dành cho người muốn nghe, người không nghe không có phiền muộn, đương nhiên khỏi cần nghe."

Ngụy Chi Viễn – chàng trai si tình.

Ngụy Chi Viễn, cậu vốn là thằng nhóc không nơi nương tựa, được Ngụy Khiêm nhặt về nuôi, tên cậu là anh Lạc đặt, ngụ ý mai này sẽ vượt xa hơn tất cả.

Ngụy Chi Viễn yêu Ngụy Khiêm chân thành cuồng dại. Tình yêu ấy bắt đầu là lòng ngưỡng mộ dành cho người mà cậu coi là anh trai, chàng trai đẹp đẽ kiên cường vô tâm vô phế ấy, rồi dần dần trở thành tình yêu. Ngụy Chi Viễn từ khi còn bé đã cố chấp muốn ở bên cạnh anh trai, cậu thà giả ngốc gây sự với Tiểu Bảo để thấy anh cười, cậu thà bỏ học để kiếm tiền nuôi anh. Cái khát vọng của Ngụy Chi Viễn lớn lắm, lớn đến mức khiến con người ta ngộp thở.

Có một điều mà tôi vô cùng thích ở Ngụy Chi Viễn, đó là cái suy nghĩ rằng mình phải lớn thật nhanh, phải trưởng thành thật nhanh để có thể bảo vệ và che chở cho người mình yêu, không để người ấy phải vì ai mà chịu bất kì thương tổn nào nữa.

"Trong lòng nó nảy sinh một khát khao muốn chở che như một người đàn ông trưởng thành, mà thể xác vẫn thuộc về một đứa trẻ ngây thơ vụng dại."

Ngụy Chi Viễn bấu víu vào suy nghĩ ấy, ghim sâu nó vào tim mà ép buộc mình lớn lên thật mau.

Cậu sắp xếp tất cả để anh trai từ từ chấp nhận tình cảm của mình, nhưng "mưu sự tại nhân, hành sự tại thiên", Ngụy Khiêm vô tình phát hiện ra bản chất của cậu.

Yêu là yêu, không yêu là không yêu, Ngụy Khiêm thẳng tay dạy dỗ cậu, uốn nắn cậu trở về đường ngay. Gã dứt khoát tống cậu đi du học để xét lại bản thân mình.

Ngụy Chi Viễn đi, dùng bốn năm để một lần nữa khắc sâu người kia vào tâm khảm.

Cậu dùng bốn năm ấy để nhận ra một điều, cậu chỉ cần Ngụy Khiêm hạnh phúc, có thể cười vui vẻ, còn cậu, ra sao cũng được, thấy anh an yên một đời, là đã đủ rồi.

"Em đột nhiên cảm thấy thông suốt, khi ấy em nghĩ, chờ vài năm sau tốt nghiệp về nước, dù nhìn thấy anh thật sự kết hôn với ai, cũng sẽ không còn đòi sống đòi chết nữa." Ngụy Chi Viễn nói, "Em có thể tiếp tục yêu anh, nếu cô gái không biết tên kia yêu anh hơn em, thì em có thể im lặng đến hết đời. Em đương nhiên sẽ rất đau khổ, nhưng em cũng có thể coi đau khổ thành một loại tu hành."

Ngụy Khiêm hỏi khẽ: "Tu cái gì?"

Ngụy Chi Viễn quay đầu lại, lẳng lặng nhìn anh trong gió nhẹ, cậu không hề trả lời, nhưng đáp án đã rất rõ.

– Đương nhiên là nguyện cầu cho anh trọn đời đầm ấm yên vui.

Dùng tình cảm khắc cốt ghi tâm mài cho anh 108 hạt châu, chân thành ấy, ai mà không cảm động cho được?

"Có một người, em thích nhiều năm rồi, không dám để người đó biết, cũng không dám để cho bất cứ ai biết, mỗi ngày... mỗi ngày khắc cốt ghi tâm một lần"

"Trong lòng chứa người đó một tháng, vậy một tháng chính là của người đó, chứa một năm, thế cả một năm chính là của người đó, sau này vật đổi sao dời rồi thì thế nào đây? Người đó đã trở thành một phần của em."

Con người dù có sắt đá đến mấy cũng làm từ máu thịt, dẫu có băng giá thì cũng có thể bị sự dịu dàng cùng hết thảy ấm áp ôn nhu làm tan chảy.

"Qua sông...

Qua sông? Dù qua rồi thì sao nào?

Cha mẹ đều không phải là người thì thế nào?

Đồng tính luyến ái có làm sao? Loạn luân lại tính là gì?"

Hết thảy khinh miệt cùng xa lánh của xã hội có đáng không?

"Yêu thì cứ can đảm mà yêu, so đo tính toán để làm gì"?

"Đại ca" – tình yêu là không có giới hạn.

Tôi thật sự không muốn khép lại "Đại ca", nhưng câu chuyện nào rồi cũng phải có một kết thúc.

"Đại ca", nói theo Priest, như một áng văn "trả thù đời" mà ngay cả chị cũng chẳng biết kết thúc thế nào, cho tới khi chị nghe được câu nói "Hai bàn tay trắng cũng chả sao, miễn là các em còn nghị lực", và thế là câu nói ấy trở thành cốt lõi của câu chuyện. Ngụy Khiêm chẳng có siêu năng lực, chị để gã "tự dệt tròn máu thịt", tự viết nên câu chuyện đời mình.

"Đại ca" là một câu chuyện mà theo tôi, hoàn toàn đáng để đọc, không chỉ một, mà vô số lần, để hiểu, để cảm, để thấu nỗi đau, thấu được tình cảm chất chứa trong từng câu chữ. Cái thú vị của Priest chính là, mỗi một lần đọc, sẽ lại nhìn thấy một chi tiết mới mà biết đâu mình đã vô tình bỏ qua. "Đại ca", là cực phẩm, hẳn là câu chuyện bạn nên đọc ít nhất một lần trong đời, để nhận ra bạn còn rất nhiều may mắn, thay vì than trách số phận bạc bẽo, thì bạn hoàn toàn có thể tự mình đứng dậy thay đổi cuộc đời.

Những nhân vật ấy, mỗi người một cuộc đời, một vận mệnh của riêng mình, nhưng tất cả rồi cũng đều có được kết cục. Bà Tống, mẹ Thằng Rỗ để lại một nỗi khắc khoải nhưng cũng lưu giữ lại tự tôn và hình ảnh đẹp nhất trong lòng người ở lại. Mã Xuân Minh sau một lần đổ vỡ cũng tìm được hạnh phúc của mình. Một kẻ tưởng như ế ẩm cả đời Ba Béo, vẫn có được gia đình nhỏ cùng đứa con gái xinh xắn đáng yêu.

"Đôi lúc tìm lầm người cũng không hề gì, chỉ cần bạn đủ tốt, giữ vững được, rồi sẽ có người tốt hơn thích bạn."

Trải qua muôn vàn trắc trở, "người có tình rồi sẽ tìm thấy nhau". Ngụy Khiêm và Ngụy Chi Viễn trải qua một đời phồn hoa, xoay người lại, vẫn luôn có nhau.

"Từ nay về sau, chúng ta chỉ có tử biệt, không còn sinh ly nữa – Tiền Chung Thư"

Ngụy Khiêm và Ngụy Chi Viễn trao cho nhau tình yêu, trao cho nhau một mái nhà để trở về.

"Gã có một ngôi nhà, ừm, nhà gã không xa."

Ai rồi cũng sẽ tìm được hạnh phúc cho riêng mình, biết đâu những đau khổ mà bạn trải qua chỉ là để tích đủ may mắn gặp được người ấy thì sao?


20.04.2019
-Hắc Độc Nguyệt-

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro