𝐂𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝟏 - 𝐓𝐨̂𝐢 𝐥𝐚̀ 𝐧𝐠𝐮̛𝐨̛̀𝐢 𝐯𝐮̛𝐨̛̣𝐭 𝐛𝐢𝐞̂𝐧

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Ngày tôi còn bé, một trong những điều tôi ao ước nhất lúc bấy giờ là được nhìn thấy tuyết rơi. Có lần đứng ở cửa sổ nhà hàng xóm để xem trộm tivi, tôi nhìn trong màn hình có một bầy trẻ con ngồi đắp người tuyết. Chúng cười khanh khách và ném từng vốc tuyết vào nhau. Khoảnh khắc ấy đã khắc sâu vào trong lòng tôi một hình ảnh thật đẹp. Tôi thấy chính mình cũng được đắp người tuyết và cười thật rạng rỡ như thế.
Nơi tôi sinh ra vốn dĩ chẳng có tuyết rơi bao giờ, mà chỉ có những cánh đồng muối lấp lánh như gương dưới ánh mặt trời. Thiên hạ gọi những người làm muối như bố mẹ tôi và người dân nơi này là diêm dân. Đối với chúng tôi, muối đâu chỉ có vị mặn, mà còn có cả vị đắng chát của cuộc đời. Ngày qua ngày, diêm dân chỉ cầu mong trời nắng chang chang, sợ nhất là mỗi khi mưa giông kéo đến. Mỗi khi nắng to, người ta sẽ còng lưng trên đồng muối, rồi để mặc cho vị mặn chát phả vào khuôn mặt đang sạm dần.
Trong trí nhớ của tôi, vào mỗi vụ muối, bố mẹ tôi sẽ dậy từ sáng sớm tinh mơ, sau đó cùng người trong thôn ra đồng. Để làm ra được hạt muối cũng thực vất vả. Đầu tiên là phải dẫn nước biển vào ruộng, sau đó lợi dụng ánh mặt trời gay gắt để cào muối vun thành những đống nhỏ màu trắng tinh để phơi khô. Khi hoàng hôn dần buông, người trong thôn lại gánh những hạt muối trên lưng rồi mang về xưởng chết biến muối sạch. Tối muộn bố mẹ tôi mới về đến nhà, trên người vẫn vương mùi hương mặn mòi của biển cả.
Tuổi thơ của tôi không có tuyết, chỉ có những đụn muối trắng tinh trải dài tít tắt. Nhìn từ xa trông cũng chẳng khác thứ tuyết trắng trong cơn khắc khoải của tôi là bao.
* * * * *
Năm ấy tôi vừa học xong lớp mười hai, đang chuẩn bị ôn thi đại học. Một ngày âm u, bố mẹ tôi trở về nhà trên chiếc xe honda cũ rích. Tối hôm đó, bố nói với tôi rằng bố mẹ đã chuẩn bị tiền bạc để tôi tìm đường sang vương quốc Anh. Chưa kịp nghe bố nói hết câu, tôi đã giật mình làm rơi luôn quyển sách trên tay. Chưa kịp hỏi lại thì bố đã thở dài:
“Nghề làm muối này nó bạc lắm con ạ. Cả nhà trông vào mấy ruộng muối cũng chẳng đủ ăn đâu. Bố mẹ giờ già yếu rồi, nuôi mày học đại học, rồi thằng Huy em mày học cấp ba, thế nào cũng không đủ. Chỉ còn cách là phải đi thôi con ạ.”
Tôi lắp bắp, nước mắt chuẩn bị ứa ra:
“Nhưng.... nhưng...”
Bố nhìn tôi lạnh lùng rồi nhấn mạnh:
“Còn phải lo cho thằng Huy nữa. Nó là đích tôn của cả họ này.”
Trong lòng tôi vẫn băn khoăn:
“Nhưng đi kiểu gì hả bố? Nhà mình làm sao có thể....”
Một nụ cười buồn thoáng trên gương mặt bố tôi. Ông trầm giọng:
“Đi theo đường chính ngạch không được thì phải đi vượt biên. Người ta yêu cầu sẽ trả một nửa tiền, khi nào mày sang đến Anh mới phải trả tiếp số tiền còn lại.”
“Liệu... liệu đi mất bao lâu hả bố?”
“Nhanh thì 2 – 3 tháng, chậm hơn thì phải mất nửa năm. Mày sang đó rồi, cuộc đời mày sẽ khác.”
Tôi im lặng không nói thêm câu nào nữa. Giây phút đó tôi hiểu rằng, vì tương lai của em trai, vì báo hiếu bố mẹ, tôi phải gác lại giấc mơ trở thành giảng viên của mình.
* * * * *
Những ngày sau đó trôi rất nhanh, bố mẹ tôi liên hệ với một người ở làng bên. Gia đình người này có tới sáu người con đều đang sống tại London. Nhà ấy giàu có lắm, mới đi tới đầu làng đã thấy thấp thoáng một căn biệt thự bề thế. Tiền đặt cọc được gói trong một tờ giấy báo cũ. Người nhà kia bảo rằng, lúc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để lên đường, phòng khi đường dây báo tin đột ngột.
Vốn dĩ tôi không muốn cho người khác biết chuyện trước khi chính thức rời đi. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, cái tin tôi sắp đi nước ngoài lan nhanh trong ngôi làng nhỏ. Bà ngoại sống một mình trong ngôi nhà nhỏ xíu ở gần đó nghe tin liền đến thăm cháu. Bà cầm tay tôi mà khóc hu hu:
“Lam ơi! Mày đi thế này biết bao giờ bà mới được gặp lại.”
Vẻ cứng rắn của tôi bỗng chốc vỡ tan thành từng mảnh. Tôi ôm lấy tay bà rồi sụt sùi hứa hẹn: 
“Bà ơi! Cháu đi rồi, bà ở nhà giữ gìn sức khỏe. Sau này có tiền, cháu sẽ mua nhà để đón bà đến ở cùng. Hai bà cháu mình sống với nhau, được không bà?”
Bà ngoại nở nụ cười móm mém nhìn tôi. Lúc đó tôi đã ước rằng mọi chuyện chỉ là một giấc mơ, tôi vẫn được ở lại Việt Nam, học tiếp lên đại học và sống cùng với bà ở một thành phố nào đó. Chỉ tiếc rằng, điều ấy chẳng thể nào xảy ra.
Vào một ngày trời mưa tầm tã, gia đình tôi nhận được tin báo. Giấy tờ để tôi đi sang châu Âu đã được chuẩn bị xong xuôi. Cuối tháng tám, đầu tháng chín sẽ chính thức khởi hành. Từ giờ cho tới lúc đó chưa đầy hai tuần. Vừa nghe xong, tôi phóng như bay đến nhà bà ngoại. Bà ngồi ngẩn người một lúc rồi lật đật thắp nhang trên bàn thờ. Tôi kính cẩn chắp tay, đứng ở phía sau bà, nghe rõ mồn một bà cầu khấn tổ tiên phù hộ cho tôi xuất hành được may mắn. Đến buổi chiều, bà lại bảo tôi lấy xe đạp, đèo bà lên trên thị xã. Tưởng đâu có chuyện gì, hóa ra bà lấy chút tiền lương hưu ít ỏi của mình để mua cho tôi một chiếc đồng hồ. Tôi từ chối, nhưng bà vẫn khăng khăng bảo rằng:
“Bà chẳng có thứ gì để cho mày. Giờ bà dẫn mày đi mua ít vàng để phòng thân. Con gái con đứa ra đường, phải có ít tiền. Biết không?”
Tôi lắc đầu từ chối. Chuyến đi sắp tới sẽ phải đi qua bốn, năm quốc gia ở châu Âu bằng đường bộ. Tối kị nhất là đeo trang sức trên người. Cuối cùng, để bà ngoại yên lòng, tôi quyết định chọn một chiếc đồng hồ điện tử bình dân, giá không quá đắt, có thể chống thấm nước và tích hợp đo nhiệt độ, cùng với đèn pin chiếu sáng ban đêm. Bà ngoại cứ cằn nhằn, bảo rằng thứ này đâu có thể bán lấy tiền khi cần. Tôi cười tít mắt:
“Nhưng nó giống với chiếc đồng hồ hồi nhỏ bà vẫn vẽ lên tay cho cháu. Bà nhớ không?”
Bà ngoại tôi phì cười. Khẽ xoa đầu cháu gái mà nước mắt cứ ứa ra. Nhìn theo bóng lưng còng của bà chậm rãi bước qua thúng muối trắng tinh để vào nhà, mắt tôi đột nhiên nhòe nước. Tôi đạp xe lóc cóc bỏ về, không dám đối diện với sự chia ly đột ngột.
* * * * *
Đêm trước ngày khởi hành trời rất nhiều sao. Tôi lặng lẽ trèo lên trên mái nhà để tận hưởng làn gió đêm mát lạnh, trong lòng băn khoăn không biết rằng trời đêm ở nước Anh xa xôi có giống như vùng biển này không? Một giọt nước mắt khẽ lăn dài trên gò má, thế nhưng tôi cũng chẳng buồn lau đi. Tiếng quạ kêu ngoài bãi biển vọng vào nghe thật thê lương, tôi ngửi thấy mùi nước biển mằn mặn vương theo làn gió lạnh ban đêm thổi vù vù. Nước Anh xa xôi kia chắc hẳn ngập tràn ánh sáng và tuyết rơi khắp mọi nẻo đường.Nhưng không hiểu vì sao trong lòng tôi vẫn cảm thấy có chút lo lắng. Trực giác mách bảo cho tôi biết, chuyến vượt biên mà tôi bắt buộc phải đi sẽ chẳng an lành.

Tôi đặt chân lên xứ sở bạch dương vào giữa mùa thu lá đỏ. Người ta bảo rằng, lúc này là thời điểm đẹp nhất trong năm. Mặc dù vậy, nhiệt độ ở đây vẫn lạnh không thua gì thời điểm đầu mùa đông ở miền Bắc.
Vừa bước xuống sân bay, nước Nga chào đón tôi bằng một cơn mưa lạnh buốt. Sân bay vào những tháng cuối cùng của năm 1999 trông giống như một quảng trường khổng lồ, được trang trí vô vàn cây thông giáng sinh, cùng hàng ngàn ánh đèn sáng rực rỡ. Không gian ấm áp nhưng lạc lõng, tôi vừa háo hức vừa lo âu vì kể từ lúc này tôi chính thức trở thành một kẻ vượt biên không hơn không kém. 
Tôi đứng tần ngần trước cửa ra, không biết phải đi tới chỗ nào để lấy hành lý. Một người trong đoàn đi cùng khẽ vỗ vào vai tôi rồi nói:
“Ra băng chuyền số 3.”
Tôi lê bước chân đi theo người ta, trong lòng cảm thấy hồi hộp. Vừa đi tôi vừa quan sát từng tốp người nước ngoài cao lớn bước đi mạnh mẽ, nói chuyện bằng đủ thứ ngôn ngữ mà tôi không thể nào hiểu nổi. Không biết ngoại ngữ ở nơi này, đồng nghĩa với việc bản thân mình trở thành người vừa câm vừa điếc.
Chật vật một lúc tôi cũng lôi được chiếc ba lô ra khỏi băng chuyền. Đoàn chúng tôi đứng đợi ở sảnh ra để chờ người trong đường dây đến đón. Người thanh niên vừa nãy đập vào vai tôi đang đứng xếp hàng đợi trước máy điện thoại công cộng. Tôi biết rằng anh ta đang gọi điện báo hiệu cho người trong đường dây tới đón. Trước khi sang Nga, mỗi người trong đoàn được phát cho hai số điện thoại. Một số dành để gọi khi tới nơi, một số chỉ gọi vào trường hợp nguy cấp nhất. Tôi và những người khác đều phải cam kết không được khai bất cứ số điện thoại nào nếu chẳng may bị cảnh sát bắt, bằng không người nhà chúng tôi sẽ bị trả thù. Vừa nghĩ đến đó, tôi khẽ co người trong chiếc áo phao to sụ màu xanh da trời.
Người thanh niên kia gọi xong điện thoại thì trở về chỗ chúng tôi đang ngồi. Anh ta nói rằng đầu dây bên kia có tín hiệu, một người nói giọng miền Trung trả lời rằng người đón đã có mặt ở sân bay và dặn dò chúng tôi ở yên vị trí. Mọi người không nói gì, tất cả đều ngóng về cửa lớn. Tôi nhìn thấy rất nhiều người ôm chầm lấy người thân khi được gặp, có ông cụ râu tóc bạc phơ còn ôm một bó hoa hồng đỏ rực đứng chờ một cụ bà. Nhìn cảnh tượng ấy trong lòng tôi trống trải vô cùng. Chờ đón tôi lúc này là một người xa lạ, không hề quen biết. Châu Âu rực rỡ đây rồi, nhưng tôi chẳng còn cười nổi nữa. Lần đầu tiên ra khỏi cánh đồng muối ở làng, lần đầu tiên được đi máy bay, lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây thông giáng sinh, nhưng không ngờ mọi thứ lại xa lạ đến nhường này. Tôi khẽ lắc đầu để xua đi những ý nghĩ vẩn vơ. Giờ không phải lúc để chạnh lòng.
* * * * *
Chiều muộn hôm ấy có một gã thanh niên tên là Trung đến đón chúng tôi. Mọi người trong đoàn lục tục lên xe để về “nhà”. Chuyến vượt biên lần này khá ít người, chỉ có sáu người Việt, bao gồm ba nam, ba nữ. Trong số đó, tôi chú ý đến người thanh niên vừa gọi tôi đến khu vực trả hành lý, anh ta giới thiệu tên mình là Đức. Một thằng bé khác chừng mười lăm tuổi, mặt còn búng ra sữa nhưng dáng người lại cao lêu nghêu. Tên của thằng bé là Duy Anh. Chẳng hiểu sao nhìn nó tôi lại có cảm giác như đã quen thân từ lâu lắm. Cô gái ngồi bên cạnh tôi trên máy bay tự giới thiệu tên mình là Phượng, bằng tuổi tôi, lần này cô ấy quyết định vượt biên để tìm cuộc sống mới cho mình. Đa phần người trong đoàn tuổi đều không quá ba mươi, duy có một ông chú năm nay đã ngót nghét tứ tuần. Hỏi ra mới biết, chú ấy tên là Sang, trước đây đã từng đi vượt biên một lần sang được Anh, thế rồi không may mà cảnh sát lại bắt được rồi trục xuất về nước. Về tới Việt Nam, chú bắt gặp vợ mình ngoại tình với một người đàn ông ở gần nhà. Cả hai công khai qua lại, coi chú chỉ là một gã “người rơm” thất bại. Cực chẳng đã, chú dốc toàn bộ số tiền tiết kiệm, liên hệ với đường dây để sang Anh một lần nữa.
Chúng tôi ngồi cùng nhau trên một chiếc xe bảy chỗ. Gã thanh niên tên Trung vừa lái xe, vừa liên tục gọi điện thoại cho ai đó. Tôi cố gắng nghe nhưng không hiểu gì vì gã nói bằng tiếng Nga.
Người ngoài ít ai biết được rằng, con đường vượt biên mà chúng tôi trải qua sẽ khắc nghiệt đến cùng cực. Chú Sang nói với tôi, có hai con đường để vượt biên sang Anh. Con đường đầu tiên là người từ Việt Nam sẽ bay thẳng sang Pháp, từ đó sẽ đi trèo vào container rồi vượt qua eo biển Manches là tới Anh. Cung đường này ngắn hơn, rủi ro ít. Cũng chính vì thế mà giá tiền mà những kẻ cầm đầu đường dây vượt biên sẽ đắt hơn rất nhiều. Con đường thứ hai gọi là “đường cỏ”, những ai lựa chọn đường này sẽ phải đi đường bộ từ Nga vòng qua biên giới vài quốc gia rồi mới tới được Pháp. Giá tiền của cung đường này rẻ bằng một nửa so với cung đường kia. Điều đáng chú ý ở chỗ, dù cho dân vượt biên có lựa chọn đi theo cách nào đi chăng nữa thì điểm tập trung cuối cùng vẫn phải là Pháp. Quãng đường quan trọng nhất là từ eo biển Manche vào cảng tại Anh, người ta thất bại nhiều nhất cũng là ở mốc này. Để tổ chức vượt biên không đơn thuần chỉ vài ba người, mà phải là một tổ chức hùng hậu với nhân sự trải dài từ Việt Nam sang tới Anh.
Mỗi một cột mốc lại có những người dẫn đường khác nhau. Mắt xích ở khu vực này khi đã bàn giao người cho chân rết ở nơi khác là hết nhiệm vụ. Nhiều người gọi chúng là những kẻ lái người. Kể cả những người vượt biên có chết trước mặt thì những kẻ đó cũng phải rời đi ngay lập tức để tránh liên lụy. Nói một cách đơn giản hơn, người trong đường dây chỉ đưa chúng tôi đến các địa điểm trong cung đường như đã định. Còn việc chúng tôi có đến được hay không thì phải tùy thuộc vào ý trời.
Trước ngày bay tôi đã được biết điều này, thế nhưng vẫn im lặng lắng nghe chú Sang nói bằng vẻ mặt rất nhập tâm. Riêng thằng bé Duy Anh thì há hốc miệng để nghe tựa hồ muốn nuốt từng lời. Tôi khẽ thở dài. Vốn dĩ tôi cũng muốn được đi theo cung đường hàng không, nhưng số tiền mà người ở đường dây đưa ra quá lớn, bố mẹ tôi không lo liệu đủ. Suy đi tính lại, cuối cùng gia đình tôi đành phải lựa chọn đi đường bộ.
Nói đâu xa, ngay cả số tiền để đi đường bộ chúng tôi vẫn chưa có đủ. Gần đến ngày đi rồi mà tôi vẫn thiếu tiền. Cuối cùng mẹ tôi đành cắn răng bán con bò đang nuôi con cho một người trong làng để làm thịt. Con bê con nhớ mẹ nên cứ lồng lên đòi đi tìm. Người trong làng giết bò xong còn đem sang nhà tôi một ít. Bố tôi lấy để làm giò, thế nhưng tôi chẳng thể nào nuốt nổi. Sáng hôm sau mẹ tôi lại tiếp tục bán thêm một đàn gà nữa. Chuyến đi này của tôi có một con bò và mười sáu con gà phải đổi mạng.
* * * * *
Đường từ sân bay về tới nhà ở tạm phải đi trên cao tốc. Tiếng bánh xe nghiến vào mặt đường tạo thành những âm thanh ken két. Tôi nhìn ra bên ngoài cửa sổ nhưng chẳng thấy gì ngoài một màu trắng xóa. Giọng nói của thằng bé Duy Anh vang lên kéo tôi về với thực tại:
“Từ Nga mình sẽ đi đâu tiếp hả chú?”
Chú Sang nhún vai trả lời:
“Lần trước chú đi bằng đường hàng không sang tới Pháp nên không rõ.”
Gã thanh niên đang lái xe bỗng nhiên lên tiếng:
“Đi tới biên giới rồi xuyên rừng vào Ukraina rồi mới tới được Ba Lan. Nhưng mà giờ đường dây đang “động”, bọn cớm châu Âu có liên hệ với nhau, chúng nó đang càn quét nên không đi được. Ai cũng phải đợi. Cứ đòi đi tầm này thì có mà chết à? Mẹ kiếp!”
Gã chửi tục thêm vài câu như để xả ra nỗi tức giận của mình. Mọi người trên xe im lặng, không ai nói thêm điều gì nữa.

Mùa thu ở Đông Âu trời tối rất nhanh. Chưa tới năm giờ nhưng xung quanh đã mịt mùng, tôi chẳng nhìn thấy gì ngoài làn mưa rơi tầm tã trước ánh đèn xe ở phía trước. Xe dừng lại ở trong một căn nhà nho nhỏ nằm cạnh bìa rừng. Trung trọc cùng chúng tôi mang hành lý vào bên trong. Nhiều người vượt biên gọi nơi đây là nhà ở tạm, nhưng trong mắt tôi nó giống như một trạm trung chuyển.
Bên trong căn nhà có bật máy sưởi nhưng gió vẫn lùa vào liên tục. Chúng tôi đều mặc áo phao ấm nhưng vẫn run bần bật vì rét. Gã lái người bật đèn sáng rồi chỉ vào hai chiếc giường cỡ lớn kê giữa nhà rồi dặn dò: 
“Đàn ông nằm một giường, đàn bà nằm một giường. Tự mà chia nhau. Đồ ăn thức uống sẽ có người tiếp tế. Tuyệt đối không được tự ý ra khỏi nhà trừ khi cháy nhà. Vùng này có gấu, ra khỏi nhà mà bị vồ chết là bọn này không chịu trách nhiệm. Mọi người rõ cả chưa?”
Tôi và Duy Anh vâng một tiếng, những người khác chỉ lặng lẽ gật đầu. Việc tiếp theo là thu thập toàn bộ hộ chiếu của mọi người trong đoàn để tiêu hủy. Việc này khiến cho những người vượt biên, dù có bị cảnh sát bắt giữ thì cũng không bị trả về Việt Nam, mà sẽ tiếp tục ở lại châu Âu. Đơn giản là cảnh sát không thể nào xác nhận được quốc tịch của chúng tôi. Lúc đưa hộ chiếu cho gã tây cao lớn, tôi hiểu rằng, chúng tôi chính thức trở thành một kẻ vượt biên không thân phận.
Trung trọc liếc nhìn tôi một cái rồi đóng sầm cửa lại. Cái Phượng rủ tôi đi một vòng quanh nhà. Chúng tôi cầm ngọn đèn pin mò mẫm đi vào sâu hơn. Bên trong này còn kê thêm hai cái giường và một chiếc đệm nữa. Gian cuối cùng có một bức vách quây lại, ấy là nhà vệ sinh. Cái Phượng cố gắng tìm nước nóng thế nhưng chẳng có gì. Nó hỏi Trung trọc, gã cười nhạt:
“Đi vượt biên chứ không phải đi nghỉ dưỡng.”
Phượng toan nói gì đó, nhưng tôi vội vàng kéo giật tay áo lại, khẽ lắc đầu tỏ ý đừng nhiều lời với gã. Cái Phượng đành im lặng, vội vã đi vào trong.
* * * * *
Chừng nửa tiếng sau, có một gã tây cao to cầm theo một bao tải bước vào trong nhà. Nghe hắn kể lại tôi mới biết, trên cung đường cao tốc chúng tôi vừa đi có một vụ rượt đuổi, súng bắn ầm ầm, người dân không ai dám lái xe đi ngang qua. Chú Sang khẽ nói với chúng tôi:
“Ở bên này bắn nhau như cơm bữa. Chúng mày sau này sang Anh thì nhớ mà giữ lấy mạng.”
Trung trọc cùng gã tây đi cùng khệ nệ ôm từ xe vào cho chúng tôi hai thùng nước lọc và ba túi bánh mì rất lớn. Bụng chúng tôi đang sôi lên vì đói, vừa thấy bánh mì đã vội vàng chia nhau. Ấy vậy mà khi cắn miếng đầu tiên tôi đã vội vàng nhè ra ngay, Duy Anh đứng bên cạnh tôi càu nhàu:
“Bánh mì này khô khốc, thế này làm sao ăn được.”
Tôi ngoái đầu ra ngoài cửa thì đã thấy hai kẻ lái người leo lên xe rời khỏi, bỏ lại chúng tôi với đống bánh mì nguội ngắt. Anh chàng tên Đức lắc đầu chán nản:
“Thôi! Cố ăn đi! Không thì chẳng có thứ gì bỏ bụng đâu.”
Năm người chúng tôi ngồi trong căn nhà trống trải để gặm bánh mì cứng như đá. Bên ngoài gió thổi vun vút đập vào cánh cửa khiến tâm trạng của tôi càng trùng xuống.
Nhai vội đống bánh mì thì chúng tôi quyết định đi ngủ cho lại sức. Sau một hồi cân nhắc, cả nhóm quyết định sẽ nằm ở gian phòng phía trong vì nơi đó ấm áp hơn gian ngoài. Hơn nữa lại tiện ở gần khu vệ sinh. Tôi, Phượng và bà Loan ngủ chung trên một cái giường. Duy Anh, Đức Hà Nội và chú Sang ngủ ở giường bên cạnh. Không có bàn chải đánh răng, không có nước nóng để rửa mặt, chúng tôi nằm lên giường nhưng ai cũng thao thức, mỗi người đuổi theo một dòng suy nghĩ. Có lẽ vì lạ giường nên mãi tôi mới ngủ được.
Vào khoảng 3 giờ sáng, tôi nghe thấy tiếng Trung trọc nói chuyện điện thoại ở gian bên ngoài. Gã vào bên trong nhìn ngó một lát rồi mới đi ngủ. Một lúc sau tôi nghe thấy tiếng ngáy của gã từ bên ngoài vọng vào, át đi tiếng khóc sụt sịt rồi tiếng gọi mẹ trong mơ của Duy Anh. Tôi không nhịn được mà khẽ thở dài một tiếng. Không ai trong chúng tôi biết được chặng đường sắp tới sẽ thế nào.
Sáng hôm sau tôi dậy từ rất sớm. Tôi rón rén bước ra ngoài để đi đi lại lại, cảm nhận được sự tĩnh mịch của cảnh vật xung quanh. Đêm qua tôi đến đây khi đã muộn, thế nên chẳng kịp để ý bất cứ thứ gì. Sáng nay, vừa hé cửa ra tôi đã trầm trồ bởi cảnh tượng trước mắt. Hàng trăm cây bạch dương trổ lá vàng rực đứng lặng lẽ trong không gian tĩnh mịch. Nhìn đâu cũng thấy đống lá vàng, lá đỏ. Bầu trời và mặt đất lúc này như hòa làm một. Tia nắng yếu ớt của buổi sáng mùa thu dường như cũng chỉ là một nét chấm phá trên bức tranh thủy mặc. Tôi bước xuống sân, hai ống quần ngập lá. Lúc tôi đang mân mê ngắm nghía mấy chiếc lá nho nhỏ trong lòng bàn tay, thì Duy Anh đã đến bên cạnh từ lúc nào. Đôi mắt nó đỏ hoe và vẫn còn sưng mọng. Tôi tỏ ra không để ý đến điều đó, chỉ vẫy tay gọi nó lại gần. Thằng bé nhìn vào bên trong như sợ gã Trung trọc, nhưng rồi cũng rụt rè bước ra. Nó ngồi thụp xuống bên cạnh tôi thì thầm hỏi:
“Chị Lam đang làm gì thế?”
Tôi không trả lời mà hỏi ngược lại nó:
“Ở đây mới vào mùa thu chỉ có lá vàng. Chắc phải hai tháng nữa mới có tuyết. Trước đây em đã từng thấy tuyết chưa?”
Duy Anh gật đầu:
“Nhà bà nội em ở gần Fansipan. Nếu đến đó vào mùa đông thì có thể sẽ thấy tuyết.” 
Thằng bé nhoài người lấy một chiếc lá màu xanh ngắt hiếm hoi. Tôi buột miệng:
“Em còn nhỏ thế này sao bố mẹ lại cho đi vượt biên?”
Duy Anh im lặng không nói gì. Tôi bỗng cảm thấy câu hỏi của mình hơi riêng tư nên chẳng dám mở lời thêm nữa. Vài phút sau từ trong nhà có tiếng điện thoại vang lên, có lẽ có ai đó gọi cho Trung trọc. Tôi kéo thằng bé đứng dậy. Lúc tôi vừa đặt chân lên bậc tam cấp, thì nghe thấy tiếng Duy Anh thì thào rất khẽ:
“Mẹ em bị bệnh. Bố em vay tiền khắp nơi để lo cho em đi. Nếu em đi sang được đến Anh sẽ đến nhà của dì ruột để làm. Lúc đó gia đình em mới có tiền...”
Tôi ngừng lại một chút, rồi lặng lẽ kéo thằng bé vào bên trong. Trung trọc nói chuyện điện thoại xong thì lại ngáy như sấm rền. Những người trong đoàn cũng còn ngon giấc. Tôi cởi cái áo phao bên ngoài để hong cho khô. Duy Anh trèo lên giường, chui lại vào chăn rồi ló đầu ra hỏi chuyện tôi:
“Chị Lam thử nghĩ xem, bao giờ thì đoàn mình lại được đi tiếp?”
Mặc dù tôi biết rõ ngay cả người trong đường dây cũng không trả lời được điều này. Thế nhưng trước ánh mắt háo hức của thằng bé, tôi đành nói dối:
“Chị đoán chắc là vài hôm nữa thôi. Có lẽ chúng ta sẽ đến nước Anh vào đêm giao thừa đấy.”
Duy Anh nghe thấy thế cười rạng rỡ, trong giọng nói không giấu được sự háo hức:
“Nếu vậy thì mình sẽ được ngắm pháo hoa!”
Tôi mỉm cười hùa theo. Một chút hy vọng được nhen nhúm trong lòng.
* * * * *
Những ngày sau đó buồn chán đến cùng cực. Sáu người chúng tôi ở trong căn nhà nhỏ xíu với món bánh mì nguội ngắt. Hết đi ra lại đi vào. Chúng tôi ngồi tâm sự với nhau về hoàn cảnh của bản thân mình. Bà Loan kể cho mọi người nghe rằng trước đây bà vốn làm y tá trong một bệnh viện nhỏ. Hai vợ chồng bà không có con. Vốn dĩ định sống một cuộc đời đơn giản rồi lặng lẽ ra đi khi về già. Ấy vậy mà sau này bà Loan phát hiện chồng mình có con riêng ở bên ngoài. Đứa con ấy năm nay đã gần hai mươi tuổi.
Bà kể rằng lúc ấy đất trời như đổ sụp ở dưới chân. Bà không thể nào tin rằng mình bị lừa dối trong suốt một thời gian dài đằng đẵng như thế. Rồi bà quyết định ly hôn với chồng. Nhưng, lại là chữ nhưng đầy oan nghiệt ấy, lúc này bà mới phát hiện ngoại trừ một ít tiền tiết kiệm trong ngân hàng, nhà và đất đều đã bị người chồng chuyển đổi chủ sở hữu từ bao giờ. Bà ốm gần một tháng. Khỏi bệnh, bà đưa ra một quyết định liều lĩnh nhất cuộc đời. Ấy là vượt biên.
Bà cười nhạt bảo rằng, biết đâu ở vùng đất mới sẽ có người nào đó dành cho bà. Rồi thì gã chồng bạc bẽo kia nhất định sẽ phải hối hận. Cái Phượng nghe xong thì gật đầu đồng cảm, thậm chí nó còn tưởng tượng ra cái viễn cảnh, bà Loan sẽ lấy một người đàn ông ngoại quốc nào đó, và tất cả chúng tôi đều có mặt trong ngày vu quy.
Tôi không nói về hoàn cảnh của mình. Bởi vì lý do của tôi có mặt ở nơi này chẳng sâu xa như bà Loan, hay Duy Anh. Tôi có mặt ở đây là vì tương lai của gia đình, nói đúng hơn là vì tương lai của em trai tôi. Tôi không sao có thể quên được ngày tiễn tôi đi, bố tôi cầm một chiếc dù màu xanh đứng trong cơn mưa chiều tầm tã. Bố nói với tôi:
“Cố gắng sang đó làm ăn để gửi tiền về cho bố mẹ nuôi em.”
Từ bé đến giờ, chưa bao giờ bố tôi trở nên ân cần với tôi như thế. Tôi khẽ gật đầu, cố gắng không để rơi một giọt nước mắt nào. Khi chiếc xe oto lăn bánh, tôi mới sực nhớ ra, chiếc dù màu xanh ấy là thứ tôi dùng tiền thưởng học sinh giỏi hồi lớp tám để mua. Nó theo gia đình tôi đã bốn năm rồi. Phòng tuyến tâm lý trong tôi bị phá vỡ, tôi bật khóc nức nở. Tiếng lòng của tôi hòa cùng với tiếng sấm đì đùng trên bầu trời. Tôi lấy tay lau nước mắt, tự nhủ với mình rằng từ giờ về sau không được rơi nước mắt dễ dàng như vậy nữa. Và tôi đã làm đúng như vậy.
Ngay cả khi nhìn thấy bà Loan khóc rưng rức trước mặt mọi người, hay nghe thấy tiếng sụt sịt của Duy Anh hàng đêm, tôi đều cố gắng cắn chặt môi gần như bật máu. Trời đất bao la thế này, đâu có ai dư thừa thời gian để nghe tôi khóc?
* * * * *
Mấy ngày đầu tiên, chúng tôi còn kể cho nhau nghe nhiều chuyện. Dần dà về sau, những câu chuyện cũng trở nên nhạt dần. Tâm trạng sốt ruột ngày càng hiện rõ trên gương mặt mỗi người. Nhiệt độ xung quanh mỗi ngày một thấp đi, cả đoàn phải gắng gượng ăn những thức ăn nhạt nhẽo và chờ đợi tin tức chẳng bao giờ đưa tới.
Chú Sang và Đức Hà Nội đã mấy lần hỏi gã Trung trọc khi nào sẽ rời khỏi đây. Mỗi lần như thế, Trung trọc đều giải thích rằng đường dây đang bị “động”. Sau này bị làm phiền nhiều, gã gắt ầm lên và chửi sa sả. Mọi người không dám chọc giận gã nên chỉ biết tiếp tục chờ đợi.
Để vơi đi sự buồn chán, Đức Hà Nội bày trò dạy học tiếng Anh cho mọi người. Điều khiến tôi cảm thấy ngạc nhiên nhất là trình độ ngoại ngữ của anh ta rất giỏi. Về sau tôi mới biết, trước khi lưu lạc tới nơi này, anh ta đã từng là thủ khoa của một trường đại học danh tiếng. Sau này vì gia đình lâm vào cảnh túng quẫn nên đành ngậm ngùi rời bỏ giảng đường. Khi biết điều ấy, bất giác tôi cảm thấy nghèn nghẹn trong lòng. So với anh ta thì sự nuối tiếc của tôi về cánh cổng trường đại học dường như chẳng thấm tháp vào đâu.
Vào ngày thứ mười ba kể từ lúc chúng tôi đặt chân đến xứ người. Lúc ấy vào khoảng chín giờ tối, tôi nghe thấy Trung trọc nói chuyện điện thoại bằng vẻ mặt rất nghiêm trọng. Phản ứng đầu tiên của chúng tôi khi ấy là nhìn nhau lo lắng. Có khi nào cảnh sát của Nga tìm được đến nơi đây? Chú Sang thì thào trấn an mọi người:
“Không phải sợ! Kể cả cảnh sát đến đây cũng không làm được gì đâu. Hộ chiếu của chúng ta tới Nga đều là hợp pháp. Một khi bọn thằng Trung còn giữ hộ chiếu thì chẳng có ai có thể làm gì được. Yên tâm đi.”
Năm người chúng tôi thấp thỏm chờ cho Trung trọc nói chuyện điện thoại xong thì cử một người ra hỏi chuyện. Cái Phượng mỉm cười hỏi nhẹ nhàng:
“Có chuyện gì vậy anh Trung?”
Trung trọc hơi cau mày:
“Một bọn khác vừa bị bắt ở bên Pháp. Bọn cớm giờ làm chặt lắm. Mấy thằng người Thổ Nhĩ Kì làm nhiệm vụ dẫn đường cũng bị bắt đi luôn rồi.”
Tôi nghe thấy giọng cái Phượng run run:
“Vậy.... vậy giờ phải làm sao?”
Trung trọc hắt xì vài cái rồi uể oải đáp lời:
“Chẳng làm sao cả. Đứa nào bị bắt âu cũng là do số. Vượt biên như này chủ yếu là do may mắn.”
Một lúc sau gã nói vọng vào với chúng tôi:
“Mọi người cố gắng chờ thêm mấy ngày. Nội trong nay mai sẽ có một nhóm khác tới đây. Sau đó hai đoàn nhập lại để đi sang biên giới Ukraina. Lúc đó thì sẽ có người dẫn đường khác.”
Bà Loan buột miệng:
“Mấy ngày nữa hả Trung?”
Gã lạnh nhạt trả lời:
“Bà hỏi thế thì bố tôi sống lại cũng chẳng biết được.”
Mặc dù Trung trọc nói như thế, nhưng chút thông tin cỏn con mà gã mang đến cũng đủ để thổi bừng lên sự khắc khoải trong lòng mọi người. Tôi hí hoáy dùng chiếc dao nhỏ vạch một đường nho nhỏ trên vách tường. Ở một phần vách đối diện, tôi phát hiện rất nhiều vạch đã mờ dần vì thời gian. Một chút rùng mình thoáng qua, tôi mơ hồ không rõ đã có bao nhiêu người cũng giống như tôi, ngày ngày khắc lên vách tường chờ được chuyển đi vào chặng đường sắp tới.
* * * * *
___________________
Còn tiếp

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro

#kinhdi