6 - phận đời con gái

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ hôm Dương về làm dâu nhà người, cô Song Ngư buồn hẳn. Thỉnh thoảng lại ra ngồi trước hiên, nhớ con bé lúc nào cũng í ơi gọi "cô ơi!", đặng là thế mà nào có giữ được, nó cũng đã tới cái tuổi dựng vợ gả chồng, lại còn được cậu cả đằng đó rước đi. Cô nỡ lòng nào ngăn cấm, kể ra mất đi đứa để bầu bạn lòng cô lại thấy tủi cái thân mình.

Từ lúc nó đi, căn buồng này trống vắng hẳn. Bữa nay muốn ra ngoài cho thảnh thơi đầu óc, cô dặn cái Nương chuẩn bị để đi với mình, con bé tuy chậm nhưng không nhiều chuyện như đám người làm trong phủ, tránh được thị phi bao nhiêu hay bấy nhiêu.

- Bẩm cô, đến giờ rồi ạ.

Cái Nương đi vào, lễ phép bẩm cô. Nó mới vào phủ chưa bao lâu, cái gì cũng ấm ớ không biết, may sao cô Song Ngư hiền lành không giống như người khác, cô nhẹ nhàng bảo ban nó lắm, nom nó cũng bớt sợ hơn.

- Thế đi thôi, ra hàng vải xem có tấm nào đẹp cô đem về may cho Nương.

Cô Song Ngư cười nom đẹp lắm, thế mà sao chẳng ai rước nhỉ? Cái Nương nghĩ bụng, nó mới vừa tròn mười lăm tuổi, nhưng nó cũng hiểu đến cái tuổi của cô cũng đã yên bề hết rồi, vậy mà cô vẫn ở giá đến giờ kể cũng lạ. Cô chẳng xấu xí gì, mà học cao hiểu rộng ấy thế mà vẫn chẳng lấy một đám nào tới rước. Lúc nào trông cô cũng buồn buồn, nó nghĩ nom cũng thương cô.

Con bé Nương hí hửng đeo tay nải lẽo đẽo theo cô Song Ngư, chưa bao giờ nó vui như hôm nay. Từ bé nhà nghèo, ăn còn không còn thì làm sao mà dám nghĩ tới cái áo mới mặc bao giờ.

- Bẩm cô. Chả là cái khăn hôm qua cô kêu con vứt, mà con thấy đẹp quá, cô cho con giữ lại được không cô?

Ra tới cổng, cái Nương đi lên rón rén hỏi cô. Nó sợ đem ra dùng cô mắng nó chết.

- Nếu Nương thích thì để cô cho cái mới dùng, đồ của đàn ông không nên lấy vẫn hơn.

Lại nhớ tới cô vẫn hậm hực, không biết con trai nhà ai, bề thế ra sao cô cũng mặc. Người thì mặt mũi không tới nỗi nào, sao mà vô duyên thế không biết.

Cái Nương dấm dúi đút vào túi áo, nó giữ lại cái khăn này biết đâu sau này có duyên với cậu thì sao, nó không biết cậu con nhà ai, nhưng cậu đẹp ngời ngời như thế cũng không phải người tầm thường. Sau này có mà nhỡ, nó lại được như chị Bạch Dương cũng nên, nó cười thầm trong bụng. Nuôi một giấc mộng đẹp là được gả cho nhà giàu, làm con dâu nhà phú ông, hồi đó còn xa vời chứ giờ đến cả chị Bạch Dương thân phận dân đen như nó còn được lọt vào mắt của cậu cả nhà họ Trịnh, thì nó cũng làm được.

Bữa nay cô Song Ngư ra ngoài mua sắm ít vải về may áo, đi đến nửa đoạn đường làng chân cô chững lại. Nhìn ra cánh đồng lúa dài bất tận, đàn cò tung cánh bay khắp cả một vùng trời, gió thổi phà phà thơm mùi hương lúa, cô đứng lặng lẽ ở đó nhìn một lúc mới chịu đi.

Lòng cô lại nghĩ cái phận mình còn chẳng bằng một đàn cò đang tíu tít cạnh nhau ở đằng xa, biết đến bao giờ mới được hưởng cái phúc phận được làm dâu nhà người nom nó như thế nào.

- Nay lòng cô nóng ruột quá Nương ơi, Nương đi với cô ra miếu đầu làng thắp hương nhé.

- Vâng, thưa cô.

Nay miếu không phải ngày rằm, mùng một nên thưa thớt người đến. Cô đợi Nương đi mua bó hương, với bó hoa dâng lên ban. Từ ngày Dương lấy được cậu cả bên phủ họ Trịnh, người ta mới biết tới cái miếu bỏ hoang này. Vậy mà cô cũng đi, cũng tới hoài mà đặng chẳng lấy một bóng người tới rước. Giờ mà có người hỏi, dù là thầy đồ nghèo mà tâm người ta tốt cô cũng ráng chịu để người ta rước về.

- Lần đầu có thể tôi không tin, nhưng lần thứ hai thì có vẻ tôi với đằng ấy có được xem là hữu duyên không?

Song Ngư nhìn xung quanh, cô không thấy một bóng người, vậy mà tiếng nói lại văng vẳng đâu đây. Cô ngước lên nhìn chàng trai đang đủng đỉnh ngồi vắt vẻo trên cành đa.

- Thưa anh, tôi chẳng dám nhận cái phúc phần ấy.

Cậu cúi xuống nhìn đằng đó một cách si tình, nom chạm mặt có hai lần. Nhưng cậu để ý cô từ hồi chị dâu còn làm sen cho bên phủ ông Yến, cậu hay ví cô là "sắc nước hương trời", cậu biết rõ là cô chưa có ai rước, mà cô thì có vẻ không mấy ưa cái ngữ như cậu, tính cậu thì ham chơi, nói rước ai về nghe có vẻ xa vời, nhưng cậu tu tỉnh thì ngọc ngà châu báu trên đời khó tìm mấy cậu cũng đem đến để xin rước cô về.

- Không phải ngày rằm mà đằng ấy cũng tới thắp hương à?

Cô không đáp lời, nào có quen biết gì cho cam, vậy mà cứ như thân thiết lắm. Bình thường cô không phải cái ngữ kênh kiệu như thế này đâu, chỉ tội cái con người kia xấu tính, cô đâm ghét.

- Cô ơi, hương nhà này thơm phức, từ bé đến giờ con chưa bao giờ được ngửi mùi hương thơm ơi là thơm thế này cô ạ.

Nương chạy ù về, trên tay ôm chặt lấy bó hương. Loại hương cô mua thơm phưng phức, nó đắt gấp mấy lần những loại hương khác, nhà thị nào có bao giờ được dùng, mà đến ngay cả hương rẻ nhất bu cũng còn phải đắn đo nữa là.

Thị nghe thấy giọng đàn ông đâu đây, Nương nhìn sau rồi lại nhìn trước, mãi khi tiếng nói phát ra từ trên cành cây đa nó mới ngẩng lên nhìn. Cái Nương cứ nhìn cậu đến ngẩn ngơ ra đó, con nhà ai mà đẹp đến nao lòng người thế nãy, hay là vì nó dân đen, toàn gặp đám trai làng đen nhẻm nên khi nhìn cậu nó mới được mở mang tầm mắt.

- Nương, sao mà đứng đến thẩn thơ ra thế. Nhanh kẻo về mưa to mất.

Cậu ngồi trên ấy nằm chống cằm nhìn xuống, cô đi đâu là ánh mắt cậu dõi theo thế ấy. Thị vội vã cẩn thận gói lại đồ bỏ vào nải.

Cô đi đằng trước, Nương lẽo đẽo theo sau, nhưng mắt thị thỉnh thoảng vẫn ngoảnh lại nhìn cậu từ đằng xa. Bỗng dưng nó ước ao một ngày được như chị Bạch Dương, đến chị còn trèo cao được thì thị tội gì mà không làm được.

...

Từ cái ngày đi lấy chồng, Bạch Dương vừa lạ nước lạ cái. Cứ theo cái thói quen dậy sớm pha trà cho cô Song Ngư, giờ về phủ nhà họ Trịnh, cũng lóc cóc dậy pha trà từ sớm. Vì thế mà làm cậu thức giấc, dậy ân cần hỏi xem gà còn chưa gáy đã dậy làm gì.

- Cậu ngủ thêm đi, em...quen giấc rồi, không sao ngủ được nữa.

Bạch Dương ngồi mở từng cánh sen được ủ qua đêm ngoài đầm, cẩn thận cho vào ấm trà. May sao hồi ấy được đi hầu cho cô Song Ngư, cái gì cũng được cô chỉ bảo, đi về nhà chồng rồi thị cũng không thấy mình mịt mờ, xấu hổ về xuất thân của mình.

- Tôi rước mợ về không phải để mợ dậy sớm pha trà cho tôi.

- Vậy cậu rước em về để làm gì? Em quen với cái việc hầu hạ người khác, giờ về cậu bắt em ngồi một chỗ em không làm được.

Vừa tròn canh bốn, gà gáy cũng là lúc người làm trong phủ bắt đầu thức giấc. Bạch Dương lại nhớ đến cảnh mình nằm trên chiếc chõng dưới nhà, chạy tất tưởi làm đủ thứ việc quần quật đến tối mịt mới xong, đến độ đặt lưng một cái là ngủ. Đến khi lấy chồng, bỗng thấy không quen.

- Mấy hôm nữa tôi lên kinh thành một chuyến, mợ đi cùng tôi nhé.

- Thưa cậu, em ngu dốt, đưa em theo chỉ làm vướng víu phiền hà cho cậu thôi.

Ngọn đèn dầu phập phồng lên xuống, cái mùi hương trà ngào ngạt tỏa ra khắp gian phòng. Cậu bước xuống giường, cũng không hề trách mắng, cau có với thị câu nào.

Cậu đủng đỉnh đi về phía thị, ánh mắt cậu nhìn thị mà khiến hai má Bạch Dương đỏ bừng vì ngại. Dẫu đã nên vợ nên chồng, thì khoảng cách của hai người vẫn như con hầu và cậu cả, nó đã ăn sâu vào trong tiềm thức của nó từ khi mới lọt lòng. Người trên kẻ dưới, có cùng một hạng bao giờ.

- Để tôi phân tích cho mợ nghe, tôi rước mợ về là ý của tôi, tôi không muốn người khác nghĩ vợ mình ngu dốt. Không biết thì có thể học, tôi có thể dạy mợ con chữ, phép tắc gia quy u sẽ chỉ bảo mợ dần dần. Tôi và mợ cũng là con người, có cái đầu để biết suy nghĩ, có chân tay để hoạt động, chúng ta giống nhau, không phân biệt giai cấp.

Bỗng thị rưng rưng, ấm ức thì có làm được gì. Cả phủ không ai nói thì ánh mắt cũng đủ làm thị thấy hổ thẹn. Chỉ có bà cả là dịu dàng hỏi han, còn ông Bách thì chẳng mấy khi ở nhà.

Suốt ngày cậu chỉ ở trong phòng bận bịu với đống sổ sách. Đâu có biết bà hai hôm nào cũng phải móc mỉa thị, nhưng đâu có như hồi còn con gái, thích cãi thì cãi, giờ mà làm càng mặt mũi cậu để đi đâu, bà cả lại bị bà hai nói là có đứa con dâu vô phước.

- Có gì khó nói mợ cứ kể cho tôi.

- Dạ không, em chỉ thấy nhớ nhà thôi.

Cậu ngồi bên cạnh, vén sợi tóc mai qua vành tai cho mợ. Là cậu chưa làm tròn trách nhiệm, từ ngày cưới mợ về cậu bận bịu việc ở phủ, cho đến việc trên kinh thành. Cái chức quan văn quèn cũng là cái gách nặng đè trên vai, dù là cai quản một ngôi làng, hay cả huyện thì cũng là từng ấy con người tin tưởng mình.

- Vậy đợt tôi lên kinh thành, hôm ấy tôi sẽ đưa mợ về nhà chơi mấy hôm với thầy u. Mợ thấy thế nào?

- Cậu nói thật ạ? Thế cậu cho em về chơi mấy hôm, nhỡ bà cả không đồng ý thì sao?

Thị vừa mừng vừa lo, cậu tốt với thị quá. Nhưng Bạch Dương lắm lúc còn không nghĩ phận mình cũng có phúc được làm vợ cậu, mà tội cái là thị chẳng biết yêu là thế nào, cũng không biết vì sao cậu lại yêu một con ở như thị nữa. Gặng hỏi mãi cậu cũng chỉ bảo "nào mợ thương tôi, thì tôi sẽ kể cho mợ". Ơ thế thì chắc chẳng bao giờ.

- Mợ yên tâm, tôi sẽ bảo với u là đưa mợ lên kinh thành cùng tôi.

Màn trời hửng sáng qua rặng hoa dành dành, cậu cười hiền - mà nom đĩnh đạc bao nhiêu. Bạch Dương ngày nào cũng nghe cái đám gái làng ca thán về phận mình, chợt thị thấy có được tấm chồng như ý cũng tốt, nhưng sao vẫn làm cho thị buồn vì cái gì mình trèo cao quá, khi ngã cũng đau lắm.

Tiếng gõ cửa của cái Phúc bên ngoài làm cậu cau mày, bình thường chỉ khi trời sáng rõ thì khi ấy mới được bén mảng qua phòng cậu, vậy mà bữa nay trời còn chưa tỏ mà đã dám làm phiền cậu mợ.

- Có việc gì à?

- Bẩm cậu mợ, bà cả bảo con qua gọi mợ dậy. Bà dặn, mợ mới về làm dâu, lạ nước lạ cái bà không nói, nhưng sau này mợ phải dạy sớm lo chu toàn bữa sáng cho phủ, xong mợ còn là mợ cả - sau này cùng cậu tiếp quản cả cái phủ này, nên càng phải gánh vác nhiều hơn ạ.

Cái Phúc đứng bên ngoài truyền lại đầy đủ lời của bà hai căn dặn. Thị cũng không muốn phiền hà cậu mợ, nhưng bà hai nghiến răng nghiến lợi bắt ép thị, không làm bà bắt quỳ giữa cái nắng chang chang thì thị chết mất.

Ánh mắt đăm chiêu của cậu nhìn mợ là hiểu cậu không muốn thế, nhưng nếu là lời u căn dặn thì phải có lý do.

- Cậu đừng lo cho em, em quen việc luôn chân luôn tay rồi. Giờ ngồi không em chịu.

Bạch Dương đứng dậy, không đợi cậu phải nói hộ lời mình. Dẫu sao mình về làm dâu, cũng đâu phải cành vàng lá ngọc mà đợi người ta hầu hạ, thôi thì biết điều thì dễ sống, đâu còn vô tư như cái ngày còn con gái.

...

Phủ ông Yến lúc nào cũng huyên náo, lúc thì phía bà ba ở cũng là ồn nhất. Từ ngày cậu Xử Nữ cưới vợ, ngày nào bà cũng nỉ non đòi ông Yến tìm vợ cho cậu ba, bà xin không được bà gào và khóc, bà làm đủ trò. Trong khi cậu ba chỉ xin u mình bớt kiếm chuyện lại cho yên ổn nhà cửa, mà bà nào có nghe. Bà không xin được, bà lại qua chê trách Kim Ngưu - nói mợ cũng chỉ là cái ngữ xuất thân nghèo hèn, suy cho cùng cậu cả học rộng hiểu nhiều, được ông Yến cưng chiều là thế thì cũng chỉ đứng ngang hàng với phận gái của ông đồ nghèo mà thôi.

Lúc ấy Kim Ngưu ngồi thơ thẩn trước hiên nhà, thị chẳng mấy quan tâm đến chuyện trong phủ làm gì. Đời thị cũng đâu còn gì nữa. Lấy chồng rồi cũng chỉ như cái xác không hồn, đợi tới ngày mình già đi, và từ dã cõi đời hẩm hiu này.

Chồng thị thì cứ như ngậm hột thị, cả ngày có khi chẳng mở miệng nói câu nào. Ngay cả cái đêm động phòng, cậu vờ uống say để mặc thị ngồi trên giường, còn mình quay lưng nằm một góc ngủ từ lúc nào. Lúc ấy nước mắt thị rơi mà không dám phát ra thành tiếng.

Thị nhớ nhà, nhớ thầy, nhớ cả Thiên Yết. Nếu lúc ấy thị nghe cậu - hai đứa trốn đi biết tăm thì có phải cái ngày động phòng thị không phải tủi thân mà khóc.

Còn cậu, quay lưng vào trong tường, mà mắt cậu vẫn mở. Cậu thức trắng cả đêm hôm ấy, cậu còn biết mợ khóc rưng rức sau lưng mình. Cậu không can tâm thì chuyện cũng đã thành, dù có quỳ trước phòng thầy u thì cũng không thay đổi được.

Thấm thoát cũng được hơn tháng, bà cả dặn dò mụ Thon nghe ngóng bên ấy thế nào, mà từ ngày lấy vợ cậu cả còn lầm lì hơn ngày trước, cả ngày cứ tự nhốt mình trong phòng, làm bà đứng ngồi không yên, mất ăn mất ngủ.

- Bẩm bà, vợ chồng cậu cả cả ngày ai làm việc ấy, thậm chí còn không nói với nhau nửa lời. Con sợ bà còn lâu mới có cháu để bồng đấy bà ạ.

Mụ Thon cả ngày nhờ người nghe ngóng mới có tí thông tin để bấm báo với bà cả. Bà ngồi trên cái ghế, miệng đang nhai miếng trầu đỏ nòm bỗng dừng. Chết dở, thế này thì con mụ Hạnh được thể chửi rủa thằng con của bà đây mà.

- Gọi mợ cả qua đây cho bà.

- Vâng thưa bà.

Thằng con của bà lúc nào cũng làm bà lo lắng, từ tấm bé cho đến khi nó lấy vợ cũng không để cho bà yên. Nó đi thi trạng nguyên không đỗ, nó buồn một thì bà buồn mười, nó bị ông Yến mắng rồi bắt quỳ gối ở ngoài hơn ngày trời thì bà là người đau nhất.

- Dạ bẩm u, u cho gọi con có chuyện gì không ạ.

Kim Ngưu mặt buồn dầu thấy rõ, bà cả cũng biết nguyên do. Con gái nhà người ta đẹp là thế, mà từ ngày lấy chồng trông già đi vài tuổi.

- Cũng chẳng có gì, từ ngày con về phủ đến giờ ta và con chưa có nói chuyện với nhau nhiều, nay đẹp giời gọi con qua  cũng chỉ để hỏi han mấy lời.

Ánh mắt thị ngẩng lên nhìn bà cả, thị trước nghe tiếng bà cả đã lâu, nên mỗi lần đứng trước bà là thị cứ run run. Nhưng nay giọng bà ân cần như thế làm thị thấy là lạ. Nói đúng thì kể từ ngày về phủ, thị chưa từng ngồi nói chuyện với bà cả hôm nào, nay bà mời qua đây thị sợ lắm, sợ bà quở trách vì không làm tròn trách nhiệm của người vợ, mà nào thị có muốn, dù không có tình cảm thì thị vẫn cố chăm sóc, cố mở lời với cậu cho người ta đỡ dị nghị, nhưng cậu đâu có thèm để tâm.

Nhiều lúc thị chỉ biết khóc cho phận mình, nhưng lại an ủi rằng người ta thà rằng cứ thế chứ quan tâm thị có khi thị chưa chắc đã đáp lại. Trong lòng thị giờ chỉ có Thiên Yết, mà cũng không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.

...

Thằng Đẽo hớt hải chạy về phòng bẩm báo với cậu ngay tức khắc chuyện bà cả mời mợ qua phòng nói chuyện. Nó sợ bà cả mắng mợ, mà cả cái phủ này ai chả biết bà cả ghê gớm thế nào, nhìn mợ mỏng manh yếu đuối thế làm sao mà chịu được.

Vậy mà khi nó báo với cậu, cậu dửng dưng như không. Cứ như chuyện chả phải của nhà mình. Rõ chán cậu, dù rằng đấy cũng là vợ mình, thế mà cậu nỡ lòng nào để mợ đứng ra hứng chịu như thế cơ chứ.

Cậu biết rõ bà cả sẽ không làm gì mợ đâu, vì u là người đích thân đi hỏi cưới cho cậu thì lấy cớ gì làm khó người ta. Cũng đâu phải cậu tự ý dẫn về, để u chướng tai gai mắt, giờ cả phủ đồn ầm là cậu đối xử không tốt với mợ, rồi nói mợ đủ điều cũng không liên quan đến cậu.

- Xong chưa? Ra ngoài.

Thằng Đẽo không dám cãi nửa lời, nó ôm sự hậm hực đóng cửa phòng lại. Nó thấy rõ ràng cậu quá đáng, cậu lỡ đối xử với mợ như thế là cậu không được, lúc nào nó gặp mợ trông mợ cũng như cái xác không hồn. Giờ mợ gặp chuyện cậu cũng không thèm quan tâm, bảo sao đám người ở túm tụm lại bàn ra tán vào.

...

Bữa nay lập hạ - nghe được tin cậu hai nhà ông Bách sắp thắng trận trở về, cả làng được thể náo loạn từ làng trên xóm dưới. Cậu vốn từ nhỏ đã theo ông Bách học võ, bốn năm trước cậu được đặt cách lên kinh thành thi võ, ấy vậy mà năm đó cậu đỗ võ trạng, làm rạng danh nhà họ Trịnh. Đến nay đã qua mấy mùa hạ, cậu một mình trinh chiến ở biên cương, giờ về hẳn ai lấy cũng tò mò xem mặt mũi cậu thay đổi thế nào. Hẳn sẽ đen và hầm hố lắm.

Sư Tử lặn lội ở ngoài đồng từ sáng sớm, còng lưng mò từng con ốc về để bán cho người ta. Mới đầu vụ gieo mạ để đến độ tháng mười một là rục rịch gặt lúa là vừa. Nhà Thị nghèo, cứ đến vụ lúa là ai thuê thì mình làm, đâm ra quần quật cả ngày cũng chưa xong việc.

Tiếng chân ngựa uỳnh uỵch từ đằng xa xa, mặt nước đằng này bỗng rung chuyển theo nó. Không biết bữa nay có chuyện gì mà nhiều ngựa đi về làng thế này?

Không biết có chuyện gì, thị cũng phải gom cho đủ rổ ốc này về cái đã. Chân nấm tay bùn, nào có thảnh thơi mà ngắm xem ai về làng đâu.

Từ xa xa, cờ của nước An Nam bay phấp phới trên ngựa, lao vun vún về phía cổng làng. Phía trước, nom cái dáng quen quen, thị nhớ ra là cậu hai phủ họ Trịnh, cậu khoác lên mình bộ áo giáp nom nghiêm nghị y như ông Bách. Cậu đi biền biệt hai năm giời, chắc cậu đánh thắng trận thật rồi, thị còn nghĩ cậu đi lâu như thế có khi bị giặc giết rồi cũng lên.

Thị lại nhớ đến ngày xưa, hồi cậu mới vừa tròn mười lăm tuổi. Và thị lúc ấy cũng đã ngấp nghé tuổi mười bảy. Lúc ấy thị ngày nào cũng phải gánh thuê hai thúng bưởi đem bán cho người ta, chẳng may qua con kênh bị ngã - hai cái thúng đổ ụp xuống nước, bưởi chôi lềnh phềnh hết cả lên.

Hôm ấy cậu đi ngang qua, đi tới con kênh thấy thị tất bật nhặt từng quả bưởi cho vào thúng. Bấy giờ cậu thương tình, buộc ngựa vào gốc cây gần đó, chẳng nói chẳng rằng xuống phụ thị một tay. Thị chả biết con trai nhà ai, nhưng nhìn cái tướng tá uy nghiêm, dáng ngồi trên lưng ngựa cũng khác với đám trai mà thị từng biết. Cậu nhặt xong rồi, thị cũng cẩn thận đội ơn cậu nhiều, lúc ấy cái mặt cậu dữ lắm nhưng người ta giúp mình thì âu cũng đâu phải người xấu xa. Mãi về sau, khi cậu đỗ võ trạng thị mới biết cậu là cậu hai nhà họ Trịnh.

Phi ngựa qua mặt thị, ánh mắt cậu xượt qua chỉ trong vài giây, nhưng đủ để thị biết bao năm giời ra trận, cậu chững chạc và gai góc hơn nhiều. Cả đoàn ngựa vụt qua trong tích tắc, nhưng ánh mắt khi cậu nhìn thị thì không sao quên được. Nhưng mình cũng chẳng dám nghĩ xa vời làm gì, lo cho cái phận gái ế này đi đã, còn mà nghĩ về cái ước mơ sang giàu thì khó lắm.

...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen4U.Pro