Ngày chín mươi tám không có mây: Hũ kem vani ấy trong mắt em

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày chín mươi tám không có mây: Hũ kem vani ấy trong mắt em

Tôi còn nhớ có lần em bảo tôi, mây âm u trông giống hũ kem vani màu lạ.

Nhưng ngày 98 trời nắng đẹp, tôi không có cơ hội nói cho em nghe tôi thích hũ kem vani ấy trong mắt em.

Em ôm lấy tôi, đôi tay em vờn ra sau những lọn tóc còn tôi trong ngực em thoắt biến từ một cụ già của năm tháng mòn mỏi trong cái dạng hình ấy thành đứa trẻ con mất kẹo. Tôi siết chặt lấy eo em để rồi khi tiếng tim em đập rót tràn lỗ tai, tôi mới ngưng được đôi dòng chảy xiết từ khóe mi mình.

Và lặp lại một lần nữa,

“Hannie, anh yêu em.”

Khắc ấy tôi nghe vai em giật nảy, vòng tay ôm lấy tôi bỗng chốc đơ cứng.

Để rồi sau, như chưa có điều gì xảy ra, đôi bàn tay em áp lên má tôi, kéo tôi ra xa một khoảng. Tôi bỗng thấy đôi mắt em từ khi nào đã ầng ậng nước, Jeonghan không cho tôi thốt lên điều gì, em bỗng run giọng thủ thỉ tôi nghe,

“Cheol, anh chưa bao giờ gọi em như thế.”

Rằng em bỗng ngẩng mặt lên, trốn chạy ánh mắt tôi, nói tiếp,

“Tại sao đến ngày thứ 98 anh lại gọi em như thế?”

Tôi không bất ngờ,

Có lẽ vậy.

Bởi vì chúng tôi đã chia tay hôm nay.

—-

Ngày ấy em nói chia tay trước, em không muốn yêu tôi nữa.

Em nói có lẽ em đang làm tôi mệt và như thế khiến em thấy tội lỗi, và tin rằng có lẽ em nên là người giải thoát cho chúng tôi.

Và em nói,

“Chia tay đi, Cheol.”

“Em xin lỗi.”

“Hannie” là tên thân mật mà chỉ cha mẹ mới gọi em nhưng họ bỏ đi mất chỉ để lại em một mình. Sau này, Jeonghan nói với tôi, nếu sẵn sàng yêu em hãy gọi em như thế vì điều đó chứng tỏ rằng, tôi là gia đình của em và em cũng vậy.

Nhưng cho đến ngày thứ chín mươi tám từ lời yêu cho đến tên gọi ấy, tôi đều không thể nào thốt ra được.

Em mất tích sau hai dòng tin nhắn.

Tối ngày thứ chín mươi tám, tôi không thể tìm thấy em.

___

Tôi còn nhớ khi đó đồng hồ điểm sáu giờ tối, tiếng leng keng leng keng của chuông day nhẹ, đập vào màng nhĩ như thường lệ. Ấy là vào lúc tôi còn làm việc. Tôi nghĩ nhiều đến em, trong chốc lát trong lòng có điều gì khiến tôi lo lắng lạ để rồi lại cho rằng là vì gần kề cái ngày kia, tôi chỉ mau tay tạc nốt một con thỏ nhỏ đưa khách rồi chuẩn bị dọn đồ về nhà.

Tôi làm nghề tạc tượng thủ công, trong mấy năm qua  cũng chỉ có nó là phù hợp.

Song, chợt phát hiện ra điện thoại đã sập nguồn từ lâu, tôi vội cắm sạc chỉ để nhìn hai dòng tin nhắn lạnh lùng đè lên ảnh tôi và em trước màn hình.

Tôi đã nghĩ khoảnh khắc sáng điện thoại hắt vào mắt có một màu đen đúa, đen đúa đến nỗi choáng váng.

Tôi về nhà, nhà của chúng tôi, mở toang cửa.

Không em.

Từ “nhà” bỗng trở thành chốn ở.

Do không em.

Nhưng ngoài tiếng thở dốc, tôi không nghe thêm điều gì. Tôi chỉ nhớ mình đứng thẳng lại, hít một hơi sâu, đầu óc trống rỗng, đóng cửa bít đi thứ ánh sáng ngoài hành lang. Trong nhà không còn gì khác, tôi gảy lên chiếc công tắc đèn cạnh bên, nấu một bát mì.

Lúc bấy giờ trong trí óc chỉ vỏn vẹn một con chữ.

“Quen.”

Tôi đã quen như thế này, có nhiều người còn chẳng nói chẳng rằng đã bỏ tôi đi, tôi chỉ nghĩ rằng, ừm thì em vẫn còn lịch sự với tôi lắm.

Tôi vẫn ăn uống, xem phim, có chăng chỉ vào xưởng một lúc kiểm tra dụng cụ. Tối lại đi ngủ.

Ba giờ sáng.

Nhưng chỉ lúc tôi vừa nhắm mắt, nghe hàng mi chạm rát da mặt, nơi đầu môi vương vị mặn mà chẳng của muối mì.

Tôi thấy mình trong giấc mơ, ôm lấy chăn bông còn hơi người, đầu gối co cứng chẳng tài nào bỏ trốn khỏi cơn run, cơn run vì thiếu thuốc, run vì một người khác lạ trong đời mà cứ ngỡ là tạm bợ.

Nhưng tôi vẫn dối lừa bản thân rằng, đã quen, quen rồi, không sao cả, cũng không phải trong hơn nghìn năm qua tôi chưa từng bi lụy. Rồi sẽ hết, rồi tôi sẽ sống tiếp và lặp lại đời mình một vòng khác. Quen, đã quen lắm nên không sao, quen, rồi sẽ hết, sẽ chẳng còn buồn.

Chỉ là tôi chưa chuẩn bị kịp, em đi vội quá mà thôi.

Hoá ra qua nghìn năm có lẻ mà tôi vẫn ghét cảm giác bị bỏ lại.

Nhưng khi ấy tôi vẫn cho rằng, tôi chưa yêu em đến thế.

—-

Sáng đến cũng như ngày thứ một trăm, tôi thức dậy một mình. Cuốc bộ đến xưởng làm từ năm giờ sáng, xung quanh không có đồng nghiệp. Tôi nghĩ mình đã ngồi đờ đẫn ở đó một lúc lâu cho đến khi nghe tiếng gõ cửa và tiếng dụng cụ xóc nảy trong túi đồ lỉnh kỉnh của Mingyu như thường lệ. Tôi nhìn hắn một lúc, không nói gì, hắn cũng nhìn tôi ra vẻ buồn bực lắc đầu.

“Lại nữa à anh?”

Kim Mingyu, thực ra hắn không biết nhiều bởi nếu một ngày kia vui miệng nói ra tôi hơn hắn tám nghìn tuổi có lẽ tôi không còn cái nghề tạc tượng vắt vai nữa mà chỉ còn dán mác thần kinh có vấn đề lên trán trong suốt nửa đời còn lại của hắn.

Chẳng qua giờ đây trong mắt hắn, tôi chỉ là một thằng cha suốt ngày bị bồ đá. Và bi lụy đến mức có thể chết vì buồn chán. (Chết ở đây có nghĩa là tôi muốn chết thật, tôi đã nói rồi. Đã có khoảng ba bốn lần hắn nhìn thấy tôi trong tình trạng hơi tàn sức cạn trên giường bệnh, tôi không chết được, tôi biết, nhưng còn hắn thì không, lần nào cũng khóc la inh ỏi mà có lẽ giờ đây sự tồn tại của tôi thôi cũng đủ để hình thành trong hắn một nỗi ám ảnh mỗi khi nhìn thấy con người ta chia tay).

Có thể là tôi ham yêu nhưng cũng ham bị bỏ.

Thế cũng được, nghe bớt điên hơn hẳn.

“Ừ.”

“Chẳng có gì thay đổi cả.” Tôi nói.

“Thế tối nay anh định nhảy ở đâu để em gọi cấp cứu cho?”

Tôi bật cười nhưng vẫn trả lời hắn,

“Tháp Namsan.”

“Thật đấy?” Hắn vẫn không khỏi nổi cái chứng ngạc nhiên ấy mà hỏi tôi.

“Ừ.”

“Anh thông minh lắm, chết trong lúc bay thì có phi cả hoả tiễn đến cũng không cứu nổi anh.” Hắn đùa cợt là thế nhưng sau mấy phút ngẫm nghĩ, sắp xếp đồ đạc lên chiếc bàn phía sau tôi, xong lại thì thầm trong miệng,

“Thật hả anh?”

“Không thật.” Tôi cúi xuống gầm bàn, mở ngăn kéo lôi ra dụng cụ đẽo gọt, với tay lấy một miếng gỗ còn nguyên, giật một tờ đơn trên giá có tên Hwang Hyung Min.

Bỗng nghe tiếng thở phào.

“Không đến Seoul, ra chỗ gần đây thôi.” Tôi lại nói, tiếng thở phào đứt đoạn.

Sau tám tiếng làm việc, qua trưa vì tôi không thấy đói và miệng đắng nghét đến mức cảm tưởng như dịch dạ dày đã trào ra cuống họng. Nhưng tôi vẫn ổn, có lẽ thế, rồi lại nghe Mingyu nói chuyện với ai đó trước khi tiếng đôi giày da của hắn vỗ bồm bộp trên sàn tiến đến gần tôi. Hắn ngập ngừng đôi ba phút trước khi mở lời với tôi,

“Anh Cheol này, lát…lát nữa ăn tối với em nhé.”

“Ăn tối với cậu để anh mày tạm gác nhảy lầu hả?”

Hắn hoảng hốt xua tay, lại nói, “Không, không có, anh cứ nhảy rồi gửi… gửi định vị, chẳng là Won… Wonwoo mới lấy bằng thạc sĩ, tối nay tụi em ăn mừng ở nhà nên… nên mới muốn gọi cả anh. Ý em ấy là muốn càng đông càng… càng vui.”

Wonwoo là người yêu hắn.

Nhưng thằng bé mới học năm ba đại học, nếu trí nhớ tôi không bị cơn hoa mắt làm mờ cả trí óc. Ba năm những tám bằng thạc sĩ cơ à?

“Thế chú mời những ai rồi?” Tôi cười mỉm, hỏi hắn.

“Có… có anh là một người. Nhưng mà không lo, em… em đang mời thêm rồi.”

À, rồi chốc lát nữa, lúc tôi đến hắn sẽ nói rằng mấy người hắn mời do đang là giữa tuần nên bận hết, chỉ còn tôi.

Nhưng tôi không muốn phiền đến hắn, hôm nay tôi không chết, ngày kia cũng không và sẽ chẳng bao giờ kể cả khi có thêm nhiều người khác nữa đến bên tôi và bỏ tôi đi.

Tự làm tổn thương mình, trước kia không vì yêu mà lụy, giờ cũng không. Tôi chỉ thích cảm giác đau, và ghét bị bỏ lại.

Tôi cho là thế, đến ngày thứ chín mươi chín tôi vẫn cho là như thế.

Tôi không yêu em, không phải vậy.

Nhưng do em chưa chết, tôi không nỡ nhắm mắt lại rồi không nhìn thấy được em nữa.

Vậy thôi.

“Chú cứ về đi.” Tôi đứng dậy, khoác áo lại, thu dọn đồ đạc trên bàn.

“Hôm nay anh không nhảy được, chân anh đau nên chú chưa phải lo.”

Vì chưa đến ngày một trăm của em, tôi vẫn muốn nhìn thấy em, tìm thấy em.

“Anh…?”

“Anh nói thật, một trăm phần trăm.” Tôi ngắt lời hắn, song tiếp tục, “Bởi vì nghe chú la váng đầu lắm, anh định ngã dập đầ…”

“Thôi anh đi đi, anh nói chưa thì là chưa, em tin rồi. Nhưng mà có cần đến mức đấy không? Dù em biết là cơ thể anh như cao su dẻo sau mấy lần trước nhưng mà cao su thì cũng có hạn sử dụng mà anh?”

Nhưng mà anh mày thì vô hạn.

Còn tuần hoàn nữa.

“Ờ, anh mày sẽ chú ý.” Tôi gật gù, chợt nhận ra câu trả lời của mình có chút bất hợp lý. Tôi giơ ngón tay cái lên, tạm biệt hắn rồi đi về, mặc hắn vẫn đứng yên lặng sau tôi.

Nghĩ cũng thật may mắn, rốt cuộc sống bấy lâu nhưng số tôi vẫn gặp được kha khá người tốt. Mà suy đi diễn lại, cũng không tài nào biết được ấy là lẽ may vận hay xui xẻo bởi vì gặp rồi sẽ không còn muốn người ta rời đi. Ấy thế mà lúc nào cũng chỉ còn tôi ở lại.

—-

Thực ra, có một điều tôi chưa nói, tôi biết đi tìm em ở đâu.

Quay trở về sáng hôm ấy, khi tôi ngồi đờ đẫn trước cửa kính xưởng, lúc ấy không phải do tôi nghĩ suy điều gì mà chỉ là, phía bên kia đường, tôi nhìn thấy em.

Năm giờ sáng ngày chín mươi chín, trời đầy mây mù.

Em khoác chiếc áo mưa mỏng màu vàng, em không nhìn thấy tôi nhưng vẫn đứng lâu thật lâu. Chỉ có mình tôi thu em vào mắt, sợ chớp mắt, em lại đi mất. Chúng tôi không di chuyển, có lẽ vì tôi và em đều chung một nỗi sợ không tên, cho đến khi đám đông ngày càng ồn ào chật ních phố xá mưu sinh, một chiếc xe taxi đi ngang qua, em mới trốn thoát khỏi tầm mắt tôi.

Tan làm, tôi đi theo bước chân mình ra đến Nanji Hangang, dải sông trong vắt ngang qua những tán lá xanh rộng tản vàng gần thu. Nhưng do tiết trời âm u, cảnh vật buồn bã đến kì lạ. Nương theo những vạt cỏ ra đến bãi ghế đá và dãy lan can thưa thớt người ngắm cảnh, tôi tìm được Jeonghan.

Em đứng tựa vào vách thành, hơi vươn người, đón gió thu. Gió luồn lách qua những lọn tóc mềm của em, từ bao giờ đã chuyển sang vàng nhạt và cũng từ lúc nào đó tôi nghe trái tim mình bỗng bị màu tóc trong bức tranh mang dáng dấp em có ngọn gió thu cuốn đi mất, cuốn đi theo cả tiếng tim đập của tôi.

Em nói, em thường ra đây lúc buồn, tôi chỉ ích kỉ cho rằng mình là nỗi buồn ấy của em để tìm đến đây.

Bởi vì, tôi chưa từng là nỗi buồn của ai trong đời mình.

Bởi vì, tôi sống lâu nhưng mờ nhạt đến nỗi khó có ai bận tâm.

Như vô hình.

Tôi chợt nhận ra dường như mình không kỳ vọng điều gì,

Cho đến trước khi gặp em.

Và khi em bắt gặp tôi, thời gian như ngừng lại. Tôi đã tưởng tượng ra nhiều viễn cảnh, kể cả cái hình ảnh em đánh tôi nằm úp sấp dưới mặt đường kia hoặc đơn giản chỉ rằng em quay lưng bỏ tôi đi. Sống đến từng nấy năm, tôi tôi luyện cho mình cách nghĩ đơn giản hoá vấn đề, chẳng hạn như đi chợ không kì kèo thì sẽ chẳng thể có tranh cãi về giá cả, hay như tạc tượng cho khách chỉ nghe mô tả một lần chi tiết không chỉnh sửa sẽ không có hỏng hóc. Rằng hạn chế hoá rủi ro bên ngoài để bên trong thoải mái tan vỡ.

Nên rủi ro đối với cụ già vừa tròn tám nghìn tuổi như tôi rất ít khi xảy ra nhưng đến khi gặp em mới biết được điều quan trọng, đó là một khi đã xảy ra thì vô phương cứu chữa.

Ví dụ như tôi điển hình là của giờ phút này, đã suy nghĩ nhiều đến loạn óc nhưng vẫn chẳng thể biết em sẽ làm gì, đến nỗi không chỉ trong mà ngoài da thịt đã có vết nứt nẻ.

“Tan vỡ.”

“Tan vỡ.”

“Tan vỡ.”

Nhưng em mỉm cười với tôi. Chạy về phía tôi.

Em còn 1 ngày 1 tiếng 25 phút.

Ôm tôi vào lòng.

Em nói,

Jeonghan đã nói,

“Em nhớ anh, Cheol, hay cứ để em làm phiền anh nhé, hình như em hối hận rồi.”

Và em hôn, trong mắt có màu kem vani của mây thu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro