Pháp, Mỹ và tình yêu với Tự Do

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cái này mình rant rất là nhiều nhưng mà cuối năm thì mình sẽ tổng hợp lại một chút. Về cơ bản, không phải không có lý do mà mình mặc định rằng Pháp đóng một công rất lớn trong việc khai sinh ra Mỹ.

Lý do người Pháp ủng hộ Mỹ trong chiến tranh giành độc lập với Anh gồm có 2 lý do:

1. Cạnh tranh với Anh. Cái này là quá rõ ràng.

2. Phong trào Khai Sáng của Pháp đã khiến cho người Pháp liều mạng ở Bắc Mỹ. Cái việc họ trợ giúp cho người Mỹ là để hiện thực hóa giấc mơ và lý tưởng của mình về tự do và nền chính thể cộng hòa. (Museum of the American Revolution, unknown)

Giúp đỡ Mỹ không phải chỉ có mỗi chính thể quân chủ của Pháp, mà còn là cả những người dân Pháp. Quyết tâm làm cách mạng của người Mỹ đã tạo ra một làn sóng lớn trên toàn nước Pháp (Office of the Historian, unknown). Có thể nói rằng nước Mỹ được khai sinh ra từ phong trào Khai Sáng của Pháp. Người Mỹ được người Pháp trực tiếp chỉ dạy về những tư tưởng về quyền bình đẳng của con người. Trung tâm của mọi cuộc nổi dậy của Mỹ là tư tưởng Khai Sáng. Ngoài ra, chính vì tư tưởng Khai Sáng được truyền trực tiếp từ Pháp sang Mỹ, nên từ Mỹ mà tư tưởng này được phổ biến khắp Đại Tây Dương (Marks, 2018).

Có thể kể một số nhân vật người Pháp tiêu biểu đã tham gia vào Cách mạng Mỹ và một số người Mỹ bị ảnh hưởng bởi Pháp. Người Pháp nổi tiếng nhất trong Cách mạng Mỹ là Marquis de Lafayette. Ông tham gia cuộc chiến tranh này ở độ tuổi 19, với niềm tin rằng mình sẽ mang lại cho nước Mỹ vinh quang và chính nghĩa, thậm chí đã thăng đến chức thiếu tướng ở quân đội Mỹ (Shaw, unknown). Pierre Charles L'Enfant, người thiết kế ra Washington DC là người Pháp (Museum of the American Revolution, unknown). Thomas Jefferson, kiến quốc phụ của nước Mỹ, một người gốc Anh, là một francophile đích thực. Ông là một trong những đại sứ đặc mệnh toàn quyền đầu tiên của Mỹ tại Pháp, và cực kỳ đam mê lối sống của người Pháp (The French Life, unknown). Benjamin Franklin là nhân tố chính khiến người Pháp được truyền cảm hứng và ủng hộ nhiệt thành cho cuộc Cách mạng Mỹ (Office of the Historian, unknown). "Hãy cho tôi tự do hoặc cho tôi cái chết!", tuyên bố của Patrick Henry tại Công ước Virginia lần thứ hai (1775) được ảnh hưởng bởi câu nói "Con người sinh ra tự do và ở mọi nơi anh ta đều bị xiềng xích" của nhà văn người Pháp là Jean-Jacques Rousseau (Mcgee, 2020)

Cách mạng Mỹ được gọi là Chiến tranh trăm năm thứ 2 giữa Pháp và Anh bởi một số nhà sử học (Shaw, unknown). Từ năm 1775 đến năm 1777, Pháp ủng hộ Mỹ trong tối bằng cách cung cấp và viện trợ vũ khí, tiền bạc cho Mỹ (The Editors of Encyclopædia Britannica, unknown). Đến khi Franco-American Alliance được ký kết năm 1778, Pháp công khai ủng hộ Mỹ, và "dồn toàn bộ sức mạnh quân sự của mình chống lại Anh" (Shaw, unknown). Trong điều khoản hiệp ước, "hòa bình chỉ có thể đạt được khi có sự đồng ý của cả Pháp và Mỹ" (The Editors of Encyclopædia Britannica, unknown). Người Anh nỗ lực chia rẽ khối liên minh Pháp Mỹ và thất bại, và chỉ đến khi Anh và Pháp giải quyết được bất đồng thì người Mỹ mới có thể ký hiệp ước Paris (Mcgee, 2020). Sự hỗ trợ của người Pháp đóng vai trò quan trọng khiến Anh đầu hàng trong trận Yorktown năm 1781 (Office of the Historian, unknown). Trong bức tranh Siege of Yorktown được treo ở Điện Capitol ở Mỹ, cờ của Bourbon và cờ của Mỹ được đặt song song nhau. Việc ngưỡng mộ người Pháp thậm chí được xem là "một nghĩa vụ yêu nước" đối với dân thuộc địa Mỹ (Kaplan, 1956, p.34)

Để Mỹ có thể độc lập, quân đội Pháp lúc đó đã dồn quân chiến đấu với quân đội Anh trên các thuộc địa khắp thế giới. Vì Anh phải dàn trải nhân lực vật lực trên các trận chiến ở các thuộc địa khác, Mỹ trở thành một vấn đề phụ, nghĩa là nếu Anh không nhả 13 thuộc địa ở Bắc Mỹ ra thì cả đế chế Anh Quốc sẽ sụp đổ (Shaw, unknown). Năm 1776, Pháp chuyển cho Mỹ khoảng 300.000 pound thuốc súng, 30.000 súng hỏa mai, 3.000 lều, hơn 200 khẩu pháo và quần áo cho 30.000 binh sĩ (Museum at Yorktown, unknown). Nếu chỉ tính trước năm 1777 thì số tiền mà Pháp chu cấp cho Mỹ là 1,3 tỷ livres, quân đội Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào Pháp. Chính hiệp ước năm 1778 giữa Mỹ và Pháp đã cho người Mỹ tính chính danh, từ đó nhận được thêm sự trợ giúp của các cường quốc Châu Âu khác. Sau đó, 12.000 lính Pháp, 22.000 nhân lực hải quân và trên 63 tàu chiến tham gia vào cuộc chiến (Mcgee, 2020). Ở một nguồn không chính thức, aka mình đọc từ trong group của các bạn người Mỹ, thì thống kê số người Pháp chết vì chiến tranh độc lập Mỹ nhiều hơn người Mỹ chết vì quê hương của họ. Chi phí đã đổ vào Bắc Mỹ khiến cho nền kinh tế của Pháp sụp đổ và Cách Mạng Pháp đã xảy ra, chấm dứt nền quân chủ của Pháp (Shaw, unknown). Quan điểm của mình rằng Pháp là một người mẹ bán mạng để sinh ra đứa con là Mỹ không phải không có căn cứ.

Sau thất bại ở Yorktown, khi người Anh đầu hàng, họ chỉ hành quân quay đầu về phía người Pháp, qua đó phủ nhận sự nỗ lực và vai trò của người Mỹ trong cuộc chiến tranh giành độc lập này. Thiếu tướng người Pháp là de Lafayette rất tức giận, nên đã lệnh cho đội của mình chơi bài Doodle Yankee (một bài hát được người Anh sáng tác để chế nhạo người Pháp). Ngay lập tức, người Anh quay ngoắt lại nhìn người Mỹ. (Fleming, 2013)

Thôi nói đến Cách mạng Mỹ, hãy nói đến những yếu tố khác suốt quá trình lịch sử ngoại giao giữa Mỹ và Pháp:

- Mối quan hệ giữa hai nước này không phải lúc nào cũng êm thấm, nếu không muốn nói là mâu thuẫn khá nhiều, nhưng có một thực tế là Pháp là đồng minh đầu tiên và lâu đời nhất của Mỹ và hai nước này chưa bao giờ thực sự xung đột với nhau.

- Nhà sử học người Pháp Édouard de Laboulaye đề xuất ý tưởng về việc tặng Tượng Nữ Thần Tự Do cho Mỹ vào năm 1865 để kỷ niệm 100 năm Mỹ độc lập khỏi Anh (1865 là năm mà Mỹ bãi bỏ chế độ nô lệ). Sau đó, điêu khắc gia Frédéric-Auguste Bartholdi đã thiết kế nên bức tượng này. Nhà báo Joseph Pulitzer đã viết rằng: "Đó không phải là món quà của các triệu phú Pháp dành cho các triệu phú Mỹ, mà là món quà của toàn thể người dân Pháp dành cho toàn thể người dân Mỹ." (Little, 2021)

- Rất nhiều lần Mỹ và Pháp suýt trở mặt thành thù, nhưng số phận không cho hai quốc gia này đứng trên hai chiến tuyến khác nhau. Pha lật kèo ngoạn mục nhất là về New Orleans. Sau khi Thomas Jefferson trở thành tổng thống, ông viết: "Trên địa cầu có một vị trí duy nhất, mà ai sở hữu nó thì chính là kẻ thù tự nhiên và thường xuyên của chúng ta. Đó là New Orleans.". Đó chính là Pháp, nước kiểm soát toàn bộ vùng Louisiana bao gồm New Orleans. Tuy nhiên, không ai ngờ được rằng Mỹ chỉ cần mua đứt cả vùng Louisiana từ tay Pháp vào năm 1803 là vấn đề được giải quyết. Được Pháp bán cho Louisiana, kích thước của Mỹ tăng gấp đôi, cho Mỹ sự tiếp cận với các tuyến vận tải đường thủy nội địa lớn nhất thế giới. Tim Marshall đã viết rằng, nhờ có vụ mua bán này, mà "lộ trình dẫn đến sự vĩ đại của Hoa Kỳ phát xuất từ đó.". (Marshall, 2016, p.72-73) (đoạn đọc được cái này mình nổi da gà luôn má ơi)

- Vào năm 1964-1966, mâu thuẫn giữa Mỹ và Pháp dâng cao. Những năm này, Pháp liên tục có những phát ngôn và động thái đi ngược với chính sách của Mỹ, khiến Mỹ liên tục đẩy mạnh truyền thông chống Pháp. Đối với động thái này, tổng thống Pháp thời bấy giờ đã nói: "Lợi ích của Hoa Kỳ là có bên cạnh mình không phải một vệ tinh, mà là một đồng minh độc lập, luôn ở bên mình trong lúc nguy nan." (Journoud, 2011, tr.222 [bản dịch tiếng Việt của NXB Đại học Sư phạm]). Năm 1966, Pháp đã rút khỏi cơ cấu chỉ huy quân sự NATO. Tổng thống Pháp yêu cầu tất cả các căn cứ của NATO phải rời khỏi lãnh thổ Pháp. Trụ sở NATO đã được chuyển từ Paris đến Brussels. (CVCE.eu, unknown)

Như vậy, mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp phức tạp hơn đa số mọi người tưởng. Không chỉ có Anh, Pháp cũng góp một công lớn trong việc khai sinh và định hình nước Mỹ. Qua những sự kiện trên, chúng ta có thể kết luận rằng tinh thần tự do của Mỹ được thừa kế và di truyền hoàn toàn từ Pháp. Pháp là chính là quốc gia mà Mỹ (có muốn cũng) không bao giờ có thể ghét nổi (và ngược lại). Cho dù bạn không nhìn dưới góc độ Pháp là mẹ của Mỹ, thì chí ít có thể khẳng định rằng Pháp là "thầy" của Mỹ. Không có Pháp thì sẽ không có Mỹ ngày nay. Sự tồn tại của nước Mỹ là sự tiếp nối tham vọng của nước Anh và là sự tôn vinh dành cho nước Pháp.

Để làm đoạn kết cho bài viết, mình xin kể lại có lần mình thấy bà artist kia bias France đăng tweet thế này:

"Tôi tra ra được rằng Frank nghĩa là "người tự do"

Vậy ra, từ thuở xa xưa cho đến tận giờ, người vẫn chẳng hề thay đổi chút nào."

-

Tài liệu tham khảo:

CVCE.eu (unknown). France and NATO. Truy cập 31/12/2023: https://www.cvce.eu/en/recherche/unit-content/-/unit/02bb76df-d066-4c08-a58a-d4686a3e68ff/c4bbe3c4-b6d7-406d-bb2b-607dbdf37207

Fleming, T. (2013). A short history of "Yankee Doodle". Truy cập 31/12/2023: https://allthingsliberty.com/2013/12/short-history-yankee-doodle/

Journoud, P. (2011). De Gaulle et Vietnam. Éditions Tallandier.

Kaplan, L. S. (1956). The philosophes and the American Revolution. Social Science, 31(1), pp. 31-35. https://doi.org/10.2307/41884421

Little, B. (2021). Why the Statue of Liberty Almost Didn't Get Built. Truy cập 31/12/2023: https://www.history.com/news/statue-of-liberty-funding-pulitzer

Marks, J. (2018). How Did the American Revolution Influence the French Revolution?. Truy cập 31/12/2023: https://www.history.com/news/how-did-the-american-revolution-influence-the-french-revolution

Marshall, T. (2016). Prisoners of Geography. Elliott & Thompson.

Mcgee, S. (2020). 5 Ways the French Helped Win the American Revolution. Truy cập 31/12/2023: https://www.history.com/news/american-revolution-french-role-help

Museum at Yorktown (unknown). How did the French Alliance help win American Independence?. Truy cập 31/12/2023: https://www.jyfmuseums.org/learn/research-and-collections/essays/how-did-the-french-alliance-help-win-american-independence

Museum of the American Revolution (unknown). France and the American Revolution. Truy cập 31/12/2023: https://www.amrevmuseum.org/france-and-the-american-revolution

Office of the Historian (unknown). French Alliance, French Assistance, and European Diplomacy during the American Revolution, 1778–1782. Truy cập 31/12/2023: https://history.state.gov/milestones/1776-1783/french-alliance#:~:text=Between%201778%20and%201782%20the,protected%20Washington's%20forces%20in%20Virginia

Shaw, T. (unknown). France in the American Revolution. Truy cập 31/12/2023: https://www.battlefields.org/learn/articles/france-american-revolution

The Editors of Encyclopædia Britannica (unknown). Franco-American Alliance. Truy cập 31/12/2023: https://www.britannica.com/event/Franco-American-Alliance

The French Life (unknown). Thomas Jefferson: Founding Father & Francophile. Truy cập 31/12/2023: https://www.thefrenchlife.org/2017/10/11/famousfrancophile/

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro