Về Nhà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hối hả, tấp nập, đông đúc. Đó có lẽ là những tính từ chân thực nhất để miêu tả về Sài Gòn, thành phố của những người con xa quê.

Dường như nhịp độ bận rộn ấy vẫn không có dấu hiệu ngơi ngớt vào những ngày cuối năm thế này, thời điểm mà mọi người đã chuẩn bị lên chuyến xe về quê ăn tết, về với gia đình, ông bà tổ tiên.

Lặng người nhìn dòng xe đang hối hả chen chúc nhau trên đường, từng khuôn mặt đều không giấu nổi nét vui cười trong ngày cuối năm, gia đình sum họp đoàn tụ đi vườn hoa tết...Tâm chỉ mỉm cười nhạt tự mỉa mai bản thân mình.

Lại một năm nữa trôi qua, rồi năm nay cũng trôi qua như năm ngoái mà thôi. Năm nào chả vậy. Nên cho dù đó có là năm nào thì cũng vậy, chỉ bình thường như cuộc sống thường nhật thôi, đâu có gì đặc biệt.

Chưa đầy mấy ngày nữa là cái xóm trọ cũ này lại vắng tanh, im ắng như chưa từng có ai đến sống vậy. Lần lượt từng người một kéo hành lý của mình ra bến xe, leo lên, dần dần mất hút trong dòng người. Họ về nhà, về với cha mẹ sau một năm tha hương khắp chốn, không được thăm nhà, không còn được thấy cảnh ấm cúng sum vầy cũng lâu, nên chắc hẳn là họ rất vui và hạnh phúc rồi.

Tiếng trẻ con cười đùa ngớt dần, tiếng bàn tán xôn xao của bà con mọi ngày cũng bỗng dưng im bặt. Ngay cả đến ngọn lửa liêu riêu dưới nồi bánh chưng cũng tắt ngúm, chỉ lưu lại vết tro xám xịt nằm trỏng trơ trên mặt đất, đợi một cơn gió nào đó đi ngang qua và cuốn tung đi mất, rồi âm thầm tan biến vĩnh viễn trong không khí.

Xóm trọ chìm trong tịch mịch, u ám đến đáng thương. Nó sẽ còn im lặng dài dài...

"Nhà? Về nhà? Làm gì có nhà mà về!" Tâm vừa suy nghĩ vừa nặn ra một nụ cười khó coi, đau xót đến tận cùng, tư vị chua chát lan toả khắp nơi.

Từ lâu rồi, không biết chính xác là lúc nào nữa, Tâm không hiểu được cái khái niệm "nhà" là gì, và nó cũng chả tha thiết hay mong muốn gì được biết cả.

Lăn lộn trên cái đất Sài Gòn rộng lớn này cũng chẳng phải chuyện dễ dàng gì, nó lại bén duyên với cái nghiệp mà đối với mọi người là thứ dơ bẩn, cặn bã nhất của xã hội, nó...là đĩ.

Chả ai lại đi chấp nhận một con đĩ vào nhà của mình cả. Họ ghê tởm, ruồng bỏ, nguyền rủa nó. Ba má đã mất từ rất lâu, bà con họ hàng chẳng còn một ai, họ cũng đi tha hương trên đất khách quê người như nó, vậy nên nó cũng phải tự tìm đường sống cho bản thân mình. Không ai chấp nhận, cũng không có nơi nương thân để trở về, Tâm nghĩ có lẽ cả đời chắc nó cũng chẳng có nổi một căn nhà, theo đúng nghĩa của nó.

Vô tình một lần nó đi tới cái xóm trọ này, thấy bà con ở đây sống vui vẻ chan hoà, nó bỗng nhiên cảm thấy ấm áp hẳn lên. Nó vui vẻ xin bà chủ được thuê một phòng ở đây, bà là loại người tốt không thể nhắm mắt trước những tình cảnh bất hạnh như thế, liền đồng ý dẫn nó vào.

Tất cả những người ở đây, đều là thực khách tha phương đến từ khắp nơi, là những người con của mọi vùng miền tụ họp lại. Họ cũng có hoàn cảnh của họ nên bà chủ để họ ở lại đây, bớt tiền thuê phòng lại, mở tấm lòng cưu mang nhân hậu đáng quý của bà ra.

Tâm cảm thấy mình vui. Niềm vui ấm áp len lỏi trong lòng. Cái xóm trọ này là...nhà của Tâm!

Nó coi bà chủ như má mình, bà con hàng xóm như anh em trong nhà, cuộc sống có chút chật hẹp trong căn phòng ọp ẹp thiếu đủ thứ tiện nghi, nhưng nó thấy đây là một gia đình đúng nghĩa rồi.

Nói vậy chứ, tết nào nó cũng cô đơn.

Gia đình của nó lần lượt trở về với gia đình riêng của họ, bỏ nó lại một mình ở cái xóm trọ vắng tanh này. Cái lạnh buốt đầu xuân như cắt da cắt thịt, như ngọn dao đâm vào tim nó rồi xát muối lên, làm cơ thể trắng trẻo của nó run lên bần bật từng đợt, lạnh lẽo sâu vào trong cả tâm khảm.

Cả xóm hình như chỉ còn mỗi nhà của nó là sáng đèn, trong nhà cũng bày biện đồ cúng, nến, hương đầy đủ. Trái cây, bánh chưng, bánh tét cũng trang trọng nằm gọn trên đĩa, không khí tết đã ngập tràn, duy chỉ có một mình Tâm ở cùng với đống đồ cúng tết ấy.

Tiền đi khách được boa dành dụm cả năm trời, Tâm mỗi năm đều lấy nó để mua đầy đủ các loại thức ăn và vật thờ cúng dịp tết rồi để ở trong nhà. Nó biết rằng chỉ có một mình nó, nên cũng mua không nhiều, chỉ vừa đủ cho một người ăn trong ba ngày...Tâm làm vậy, không ai cho mình cái tết, thì mình tự cho mình vậy.

Có mọi thứ trong căn phòng nhỏ xíu, phần nào giúp Tâm bớt cô đơn lạc lõng, lấp đầy những mảng trống trong căn phòng, cũng như mảng trống trong lòng Tâm.

Nó cũng muốn thử cảm giác được dọn nhà tết, muốn đi dạo chợ hoa cùng người thân, muốn đi tảo mộ cho ông bà, muốn làm một người bình thường có gia đình bên cạnh mỗi khi tết về, vậy thôi.

Nhiều năm, gần đến thời khắc giao thừa luân chuyển giữa năm mới và năm cuối, vẫn có người đến tận xóm trọ này...tìm nó. Người ta muốn đi khách, nó lắc đầu ngán ngẩm, nhưng rồi cũng thuận theo mà leo lên xe, vụt đi trong đêm tối, thoát ra khỏi niềm vui đang tràn ngập trên mọi ngôi nhà, mọi con đường...

Ở cái xóm ấy, một mình cô đơn cũng buồn. Thôi thì người ta muốn, mình cũng đi, người ta bớt buồn, mình cũng ít cô quạnh hơn. Bởi vì, ở một mình hay ở với người khác cũng vậy thôi, chỉ là vào thời khắc đặc biệt khác với mọi ngày.

Năm nay cũng ảm đạm khiến xóm trọ càng heo hút, quạnh quẽ hơn.

"Chắc lại sắp có người đến."

Tâm nghĩ nghĩ, đoạn chậm rãi bước vào phòng, ngồi xuống rút cái hộp trang điểm cũ kĩ ra, bắt đầu quệt quệt vài nét phấn lên mặt trông cho tươi tỉnh hơn. Phụ nữ mà, thời gian chính là kẻ thù của nhan sắc.

Cũng không thể trẻ trung mãi được, nó rồi sẽ già đi như bao cô gái khác, chỉ còn biết trông cậy vào lớp phấn dày cộm trên mặt có thể che đậy đi dấu ấn thời gian in hằn trên gương mặt cứng đờ của nó.

Làm đĩ, không đẹp thì sao có khách được?

Nó cũng chẳng thiết phải suy nghĩ đến chuyện nhà cửa, nhà của nó ở đây thì cần đi đâu nữa? Không chồng con, không người thân, không gia đình, nó tự do trên mảnh đất khách quê người này, lăn lộn mãi cũng rơi vào vòng luẩn quẩn, tăm tối của xã hội.

Sài Gòn to lớn, nhưng trái tim nhỏ bé không cho phép nó gục ngã. Chỉ biết vô vọng mà tin theo, nên Tâm mới sống tới tận bây giờ, không thì có lẽ cũng thắt cổ đi theo ba má từ lâu rồi. Chả hiểu có cái gì cứ thôi thúc nó phải sống, nó nhất định phải sống...

Tiếng xe lạch cạch to dần, rồi ngưng bặt lại trong đêm. Hình như là đậu trước nhà nó, nó không buồn ra mở cửa để coi đó là ai nữa. Đằng nào người ta cũng tới gõ cửa kêu nó ra, chuyện này rất quen rồi, Tâm cũng không phản ứng gì.

Y như Tâm dự đoán, phía bên ngoài tiếng gõ cửa vọng vào, vang lên rành rọt. Nhưng hình như giọng nói lại có chút khang khác :

"Tâm ơi, bay có nhà không? Là tao nè, bà Linh nè."

Bất ngờ ập tới, là bà chủ nhà đang gọi nó!

"Giờ này mà bả còn tới đây, đặng tính không đón giao thừa với con cháu trong nhà à?" Tâm nghĩ một hồi rồi đi ra mở cửa.

Cạch. Cửa mở ra, bà Linh đang đứng trước mặt nó. Bà vẫn hiền hậu, chất phác, dưới ánh sáng mờ nhạt của đèn điện lại có chút ánh lên sự nhân hậu khiến người khác an tâm, bà giống người mẹ quá cố của nó quá!

"Trễ rồi, sắp giao thừa mà còn qua đây. Bà tính không ăn tết với con cháu sao, tui cũng sắp đi ngủ rồi..." Tâm tìm cách bao biện qua loa cho tình trạng của mình, không để ý đến khuôn mặt đã loè loẹt phấn son từ trước.

"Bay ở nhà một mình phải không? Thôi, tết này qua nhà tao cho đỡ buồn. Nhà cũng chả có ai, còn mấy đứa đi xa nói năm nay tụi nó không về được, tao ở với mấy đứa cháu buồn thúi ruột, mày qua cúng tết với tao rồi đón giao thừa luôn."

Tâm nghe xong liền sững người lại. Không phải nghe lầm chứ? Bả kêu nó qua nhà để cúng tết - cái việc mà trước giờ nó chưa từng làm với ai, chỉ có một mình.

"Bà kêu tui qua con cháu lại không thích, thôi tui không dám đâu." Tâm khoác tay cười cười, nét cười phảng phất sự cô đơn.

Bà Linh hiểu rõ hoàn cảnh của Tâm. Ai tết tư lại muốn đưa một con điếm vào nhà, có mà xui xẻo cả đời! Nhưng vì cái tính hay động lòng của bà Linh, bả vẫn kêu nó sang :

"Bay nghĩ làm chi? Tụi cháu tao nó còn nhỏ xíu hà, ai lại đi để ý bay. Nhà càng đông thì càng vui chớ sao."

Nói đến đây thì Tâm đã rưng rưng, cảm giác không thể thốt lên lời. Vậy là tiếng xe ban nãy không phải là tiếng xe đưa nó đến những cuộc vui triền miên hoan lạc, mà là tiếng xe đến để đón nó vào một căn nhà!

Thôi thì, về nhà vậy.

Tâm gật đầu, đoạn quay vào trong nhà rửa trôi toàn bộ son phấn đã trét lên mặt trước đó rồi lại quay trở ra. Nó thay một bộ đồ tử tế, như một người đàn bà bình thường vậy, không phải là xiêm y hở hang nó vẫn mặc thường ngày.

"Mèng đéc ơi, bay bày vẽ làm chi, mặc đại cái gì cũng được, cũng có phải đi tiễn ông táo về trời đâu."

"Nhưng cũng phải nhìn cho đàng hoàng, không đám cháu bà nó cười tui!"

Cả hai cùng nhìn nhau cười, đêm bỗng trở nên ấm áp, không còn hơi lạnh của cái xóm tiêu điều nữa.

Nói đoạn, Tâm theo bà Linh lên xe, bả đạp máy, cái xe cà tàng cứ lên ga rồi lại tắt, chắc nó cũ lắm rồi.

Cuối cùng bả cũng đạp lên được, đèn sáng đằng trước, dẫn xe chạy ra khỏi cái xóm trọ tối tăm kia, rời xa cả những cuộc đời u ám, bất hạnh...

Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro