Trên chuyến xe bus giữa lòng Sài Gòn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu chuyện nhỏ này được viết vào ngày 28/07/2017, giữa trời Sài Gòn mưa tầm tã, dữ dội và cồn cào đến đau rát lòng người.

Tôi muốn nói vài thứ nhỏ nhặt trước khi gõ ra mấy dòng về câu chuyện này, vì đó hoàn toàn là một "thứ" có thật mà tôi được đóng vai như một nhân vật vừa được tham gia cũng vừa là người ngoài cuộc chứng kiến câu chuyện sắp kể ra. Không biết do sự an bài hay sắp đặt của một thế lực siêu nhiên nào đó hay do chúng ta thường tin tưởng rằng ông trời ban cho ta cái duyên tiền định, nhưng những chi tiết trong câu chuyện này lại diễn ra như tất cả đều có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến khó mà tin được, cứ như đã được móc nối với nhau theo cách hoàn hảo nhất từ trước đó vậy! Điều tôi nói, cũng là điều tôi chứng thực và còn cảm nhận được, không biện minh cho sự thật nó ra sao, vì dẫu ra sao thì cũng không bằng cách các bạn đọc, suy, nghĩ và "tin" câu chuyện này theo cách riêng của các bạn. Và, một lần nữa, tôi mong câu chuyện này có thể phần nào làm vơi bớt đi nỗi đau đáu của chính tôi, và cho cả niềm mong mỏi của một đời người cơ cực được lắp đầy, được đền đáp xứng đáng, được xoa dịu mỗi tuổi xế chiều...khi câu chuyện này được kể ra.

---

Quãng đường từ làng Đại Học quận Thủ Đức đến quận 6 thành phố Hồ Chí Minh nhất định phải là quãng đường dài nhất đối với sinh viên học tập và sinh sống tại "cái làng" này. Chúng tôi không ngoại lệ. Lựa được duy nhất ngày đẹp trời, nắng khô ráo, 28/07, cả hai đứa đều rảnh cả nên mới quyết định đi ra quận 6 để lấy giấy chứng nhận thành tích cho phong trào chúng tôi tham gia trước đó. Khi hoàn thành xong xuôi công việc thì lại quay về theo dự định. Nhưng trời xui đất khiến thế nào đó mà thời điểm quay về trời chuyển âm u, mây mù giăng lối, làm nhụt chí cả hai, thế nên việc quay về cơ sở Đinh Tiên Hoàng được nhất trí ngay sau khi đề xuất hơn là việc phải bắt tuyến xe quay trở về hẳn làng Đại Học. Và cũng không ai ngờ rằng nó chính là cái duyên đưa chúng tôi lên tuyến xe số 14, nơi tôi được nghe câu chuyện này và bây giờ tường thuật lại ở đây.

Mưa nặng trĩu hạt, rơi không ngớt, cứ theo làn gió mạnh bật vào làn xe lưu thông trên đường, rồi cả chúng tôi khi đứng đợi xe. Hạt mưa cuồng nộ quật vào làn da đau rát. Gió giận dữ cuốn dù phăng phăng. Chúng tôi núp dưới cây dù yếu ớt nhưng quật cường, và rồi cuối cùng phép màu cũng đưa xe bus số 14 tới nơi.

Chỉ vừa khắc leo lên xe, cả hai đều nhắm băng cuối mà chạy tót vào ngồi. Và tôi thì được ngồi cạnh một phụ nữ đã đứng tuổi, cô ấy ngồi góc ngay sát cửa xe phía sau. Khi trình diện thẻ sinh viên để lấy hai vé xe bus được trợ giá, cô đứng tuổi góc xe ngay lập tức lên tiếng hỏi, giọng niềm nở chân thành, đậm chất miền Tây dân dã, bộc trực mà dịu dàng, "Hai con là sinh viên hả?"

Tôi vốn là người luôn coi trọng nụ cười, nên cũng đáp lại bằng một nụ cười với cô ấy, "Dạ, tụi con là sinh viên ạ."

"Ai da, con cô cũng là sinh viên nè!", cô mừng rỡ như bắt được vàng, mà chúng tôi thì không hiểu sao, cô lại hỏi, "Thế con sinh viên trường nào, học năm mấy?"

Tôi trả lời tôi và bạn ngồi cạnh đều là sinh viên Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, năm thứ hai. Thế là cô cũng được dịp tự hào khoe rằng con cô học năm thứ ba trường Đại Học Bách Khoa, đang thực tập và học tại quận 10.

Sau đó là cả một câu chuyện dài được kể ra, trong tâm tình tiếc nuối đầy kiêu hãnh, nghiệt ngã nhưng cũng đầy uy nghiêm. Câu chuyện xuyên suốt một màn mưa, trong chuyến xe băng ngang giữa lòng Sài Gòn vội vã, mịt mờ, vô tâm.

"Con trai cô lớn như vậy mà cô chẳng nhờ nó được cái gì, nó cũng không giúp cô cái gì, việc nặng trong nhà chỉ có cô làm hết."

"Nó bận lắm, sáng sớm đã đi khỏi nhà đến tối khuya mới về, bảo là đi thực tập gì đó ở Thủ Đức, xong lại đi qua quận 10, nó học kỹ sư cơ khí mà, đi riết thôi con ơi."

"Nhà cô thì có cô trông nom nhà cửa, mấy việc sửa sang nặng nhọc trong nhà của đàn ông cũng một tay cô làm, kêu nó thì nó bảo lịch bít hết rồi không về nhà được."

"Bởi vậy đấy, tiền học thì cô đóng, mà kêu phụ giúp thì không được gì, thế nên mỗi lần cô kêu nó giúp nó không chịu là hai mẹ con lại gây nhau, cãi nhau suốt à con ơi."

"Nó có đi làm thêm bên Highlands Coffee đó con, nó đi theo mấy đứa bạn của nó, tiền lương một tháng được tầm 2 triệu thì nó dằn túi, ra đường trong người phải có tiền, để đổ xăng, sửa xe, ăn uống tiêu xài cá nhân."

"Còn tiền học thì cô vẫn phải lo! Nó bảo mẹ đóng tiền học cho con chứ sao con tự đóng được?", đoạn cô bật cười, cái nét cười khắc khổ hằn lên vết nhăn trên đôi trán đã loáng thoáng vết chân chim, gò má nhấp nhô đung đưa, hiền hậu như người mẹ đã giang sương giang nắng qua thời gian, để lại dấu ấn của tuổi già rõ rền rệt trong ánh mắt của cô.

"Lúc nào cô cũng hốt hụi chót hết.", lại bật cười, tiếng phát ra thanh thản như không hề có chút oán trách nào trong đó cả.

Cho con tất cả, đó là sứ mệnh thiêng liêng của mỗi bà mẹ. Cô chính là một bà mẹ như vậy. Đau khổ, khó khăn, tức giận bao nhiêu cô cũng giấu trong lòng, không nói ra, được dịp tâm sự cùng người lạ cô mới đem hết mà bộc bạch, mà xót thương cho số kiếp của mình.

"Thằng nó mới bây lớn mà đã có nhà bên kia bắt rể rồi. Về nhà chưa kịp ăn miếng cơm bên kia gọi cái nó chạy một mạch sang bển ở luôn cả ngày. Nhà bển có công ty nên họ mới bắt rể mà. Con bé nhà bển học Kiến Trúc, thằng này thì Bách Khoa, coi bộ cũng được lắm chứ con."

Đến đây thì cuộc trò chuyện ngưng lại, tôi suy nghĩ mà cô chắc cũng đang suy nghĩ, đời cô sao mà hẩm hiu quá, suốt cuộc đời buôn lưng bán mặt làm lụng cốt được nhờ con cái sau này, mà giờ chúng nó lại dứt tình bỏ cô mà đi sao?

Trời mưa nặng nề vẫn cứ kéo dài một khoảng thời gian, bỗng dưng tôi thấy đường quận 6 hôm nay sao mà dài miên man, lê thê, tiếng vỡ tan giọt nước trên mặt thủy tinh cửa kính cứ từng đợt lách tách, lộp bộp...

Nhân vật không thể không nhắc đến trong câu chuyện trên chính là cô lơ xe đầy thân thiện, đã tiếp tục tiếp thêm động lực cho cô mở lòng hơn về cái số phận ẩm ương bạc bẽo của mình.

"Thằng kia nó đi rồi nhưng ở nhà vẫn còn một đứa nữa, nó cũng ngoan lắm, có điều thì cũng phải lo tiền ăn học y chang như thằng anh nó thôi à."

"Đứa thứ hai của chị cũng là con trai luôn hả?", cô lơ xe cười cười vui vẻ.

"Không, nó con gái đó. Con gái mà vẽ đẹp lắm, cũng học Kiến Trúc như bên kia kìa. Mà nó thì cũng đi học rồi về nhà, tiền ăn mẹ lo hết, hai anh em cứ sáng ra "Mẹ ơi, tiền, mẹ ơi, tiền" là cô lại phải cho tiền tụi nó đi học, biết là bao nhiêu!"

Cô lơ xe xởi lởi, cũng tiện nói, "Em ba đứa, hai trai một gái, mà đứa con gái thì gả đi rồi chị ơi."

"Ối trời ơi gả đi là sướng rồi, đỡ biết bao nhiêu, khỏi phải lo lắng gì nhiều. Em được thằng con trai thì người ta bắt rể mất rồi, còn con này không biết sao, nó chỉ biết học rồi cứ mơ màng, mơ màng, mơ mơ màng màng, màng màng thôi."

Tới đây tôi chợt thoáng qua suy nghĩ trong đầu, trước đây có đọc qua một câu như thế này "Con gái là mối làm ăn lỗ nhất của cha mẹ, đầu tư bao nhiêu rốt cuộc cũng không thu lời được cái gì.", và hiện tại tôi cho rằng chữ "con gái" nên thay bằng "con cái" thì đúng hơn. Con cái nghĩa là đứa nào là do mình sinh ra đều là con mình cả, chứ không phải phân biệt đực - cái ở đây.

Cô đứng tuổi, tôi không biết tên vì đã không hỏi, nhưng về quê quán thì có thể đoán lờ mờ được rằng cô ây là dân miền Tây đặc trưng bởi chất giọng Nam của mình. Con cái rồi sau này chúng nó lớn chúng nó đi, cô chỉ còn lại "ông già chồng ở nhà" với cô - theo cách gọi của cô là như vậy.

"Ổng bị liệt cả hai chân phải ngồi xe lăn, đâu có đi đứng làm được gì. Mỗi lần mà đái ỉa toàn một mình em bồng ổng vào nhà tắm, tại có đứa nào ở nhà đâu mà nhờ. Mà chị biết không, nhiều khi em đang ngoài đường cái ổng gọi về, ổng muốn đi đái ỉa mà không tự đi được, em thì có lúc về nhà đâu có kịp...bởi vậy ta nói nó khổ lắm chị ơi."

"Bồng ổng vô nhà tắm để ngồi cầu là cực nhất, có khi em thấy như cánh tay của em nó rời ra luôn, nặng quá mà em thì yếu làm đâu có nổi..."

Một người phụ nữ già yếu, gánh lên vai đòn gánh của sức nặng thời gian, của số phận đã định đoạt cả cuộc đời cô phải như vậy. Chồng con có lẽ là mối bận tâm luẩn quẩn và duy nhất cả một cuộc đời của cô. Thời gian cô dành cho bản thân, có lẽ không nói ra ai cũng thầm hiểu, là tiết kiệm để nuôi dưỡng cái gia đình nhỏ của cô bao năm qua. Sống chỉ vì chồng, vì con mà không một giây phút ngơi nghỉ, cô nhất định là một trong những người phụ nữ yếu đuối mạnh mẽ nhất mà tôi từng biết.

"Có lúc nhà hư đèn, hư ống nước, hư xe cộ, chồng em ổng có vào sửa. Mà nỗi cái là cái tay ổng đâu có vặn được nổi con ốc, vậy là lại về tay em. Hai cái chân bị liệt phải ngồi xe lăn, lúc trước thì ngồi sau xe em chở được, rồi dần dần lưng không chịu nổi, cái giờ phải ngồi xe lăn luôn. Xong hai cánh tay bị teo cơ, đâu có hoạt động mạnh được. Ổng ngồi đó ổng chỉ em phải mua cái này cái nọ, rồi về ổng chỉ cho làm, rồi em cũng ra mua đồ ổng dặn, cũng làm, rồi cũng xong."

Cô lơ xe cười, nhưng chua chát, "Chị mới bị mà chị đã than, em biết cái cảnh đó rồi. Chồng em hồi đó cũng bị liệt, toàn một tay em bế bồng lo cho ổng không à."

Tôi lặng người. Có lẽ duyên phận đã sắp xếp cho những số phận cùng cảnh ngộ được gặp nhau, trên chuyến xe bus này, khi nó đang chầm chậm lăn bánh giữa biển mưa lọt thỏm trong lòng Sài Gòn rộng mênh mang...

Đột nhiên mưa bỗng đổ ào xuống như trút nước, chính là ngang qua đoạn này. Con đường mờ mịt trong làn nước bàng bạc, hư ảo. Tôi không biết phải định hình rằng nó thực sự là trùng hợp hay chỉ là ngẫu nhiên thôi nữa. Chắc không phải ông trời đang khóc thương cho những số phận hèn mọn đau khổ đâu nhỉ? Có chăng chỉ là trời đổ cơn mưa xuống cho đời trôi đi những bất công, xóa tan đi bất hạnh luôn vây lấy những mảnh đời cơ cực mà cả một đường đời chỉ biết cúi mặt lo toan cho đủ no ấm, mà họ vẫn hằng mơ ước hằng ngày...

Thứ khiến cô bám víu lấy cuộc sống nghèo mà cực này không chỉ có là những niềm hy vọng vào hai đứa con, mà còn chính là niềm tin mãnh liệt của cô vào số phận. 

"Em nghĩ kiếp này em trả nợ xong cho ổng, em xuống lỗ cũng yên lòng. Kiếp trước chắc mình có nghiệp, có nợ nhiều quá, mà nợ ổng nên phải trả thôi."

"Chứ chị biết sao không, ổng đâu phải người Việt đâu, ổng bên nước ngoài. Lặn lội bốn biển qua tới đây tìm mình, gặp được rồi cưới, chắc mình đúng là mắc nợ kiếp trước quá nhiều mà."

"Mình có nợ thì mình phải vui vẻ mà trả, phải thành tâm, nhẫn nhịn chứ vừa trả mà cứ lầm bầm than thở, vừa chửi này nọ có khi nợ không trả nổi mà còn tạo nghiệp nữa."

  "Nhiều lúc mình cũng nóng, cũng bực, cũng nổi sùng lên, nhưng đâu có dám quát tháo hay chửi bới gì đâu.", cô kể.  

"Em ăn chay cầu nguyện, tuần nào cũng đi chùa. Xong việc ở trong nhà, lo cho ông già chồng với hai đứa con mà hết việc là em chỉ thích đi chùa thôi. Mình sống có học đạo lý, biết về Phật thì mình sống cho thiện, cho ngay lành, nợ mà trả xong thì em chỉ muốn thoát kiếp, xuống nằm cho yên ổn."

"Mà nhắc thằng con trai mới khổ, em sợ bên bển người ta có chịu làm xui với mình hay không, tại mình làm gì mà có công ty như người ta đâu.", cô cười lớn, cười lên trên nỗi đau của chính mình, không phải để chối bỏ sự thật thiếu thốn mất mát của mình, mà là cười để trào phúng, để quên đi nỗi lo dằn vặt mình đã bao nhiêu năm trời.

"Có khi người ta giao hàng làm, em đóng gói bao bì, nhiều đơn lên tới cả chục triệu em phải làm tận một giờ sáng đó chị. Xong giờ cái lưng lâu lâu nó lại đau điếng lên, chân cẳng cũng không còn khỏe như xưa nữa, trời lạnh là nó tê cứng hết, tại vì hay ngồi lâu làm hàng không có đi lại thường xuyên được. Mà cũng may là được làm ở nhà, nên mình tiện, làm xong thì gửi lại cho người ta."  

"Sợ cái gì chứ người ta bắt rể mà, người ta đâu có cần mình giàu hay nghèo, quan trọng là mình có tiền không thôi.", cô lơ xe tiếp lời, ẩn ý có lẽ là tiền cưới hỏi hay của hồi môn gì cho con cháu mai sau, nhưng chỉ cần qua chữ "tiền" thì tức khắc họ đã hiểu được nhau. Có trong cùng hoạn nạn hay cùng một hoàn cảnh nào đó con người ta mới thực sự hiểu được rõ về nhau.

"Mình đào ao thả cá mà cá chưa lớn có người khác người ta câu mất mẹ nó rồi!", cô đứng tuổi và cô lơ xe đều bật cười thành tiếng, đầy sảng khoái, chắc cũng là một nụ cười châm biếm làm bớt đi không khí căng thẳng của câu chuyện mà thôi.

Bên ngoài trời vẫn còn mưa nhưng đã ngớt dần không còn lớn như lúc nãy. Và có lẽ cũng là hồi kết cho câu chuyện đằng đẵng về sự day dứt của những phận người phụ nữ bạc mệnh, yêu chồng, thương con. Xe cũng đã ra khỏi quận 6, và đang đi giữa quận 10 ngùn ngụt phương tiện lưu thông trên đường.

Kỳ lạ là, chắc là do trùng hợp, trong xe radio bác tài xế bật lại đang phát bài Duyên Phận, đúng ngay đoạn "...trĩu đôi vai gánh nhọc nhằn...". Tôi đoán chắc lúc này không ai để ý đến chuyện bài hát, bởi vì họ còn đang bị lạc trong cuộc đời của chính họ, duy chỉ có tôi là vừa nghe được tiếng mưa, vừa nghe được tiếng hát, vừa nghe được cả tiếng than thở của những kiếp người...

"Cho em xuống cái trạm đầu ngay sau bùng binh nha chị."

Cô lơ xe gật đầu, xe chạy tiếp một đoạn rồi dừng lại, cửa mở, cô đứng tuổi bước ra. Tôi có chào cô nhưng do tiếng mưa át nên có lẽ cô không nghe thấy. Cô xuống xe với hai bao hàng 60kg to tướng, phải cất nhờ ở cốp xe nên khi dừng lại phải đợi người lấy ra giùm. Chắc đó là hàng mà cô đã kể ở trên, để cô đem về đóng bao bì, kiếm tiền nuôi dưỡng gia đình mình.

"Tới đi.", cô lơ xe hô to.

Bánh xe bắt đầu lăn tròn, cán qua vũng nước ngập ngụa đen ngòm ven đường làm nó bắn lên tung tóe, mưa lại tiếp tục rơi.

Tuyến xe bus số 14 lại chạy xuyên qua lòng Sài Gòn, mặc cho cơn mưa bao trùm tất cả.

Tôi có ngoái đầu lại nhìn cô ở trạm xe vừa xuống, xe chạy càng xa nên tôi chỉ thấy được bóng dáng thô kệch, già yếu của một người đàn bà, cứ dần dần lẩn khuất rồi biến mất hẳn sau màn mưa...

Hết.

Sài Gòn, ngày 29/07/2017.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro