Má Huế

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Câu chuyện tôi sắp viết ra đây dựa trên một cuộc đời hoàn toàn có thực, đã được truyền thông đưa lên mặt báo cách đây gần 1 tháng, nhưng do không nhớ rõ tên nhân vật nên tôi xin phép gọi bà là "Má Huế", cũng như chính cái tên thân mật mà người ta hay gọi bà như vậy.

Giữa lòng Sài Gòn hối hả tấp nập, không một chút nào ngơi nghỉ những dòng xe cộ qua lại vô tâm, mặc cho những việc xảy ra xung quanh đều nhanh chóng trôi vào quá vãng, họ chỉ đi ngang qua nhau như một định mệnh nào đó đã an bài, rồi tất cả lại bị cuốn vào dòng thời gian vô thủy vô chung.

Mỗi khi có tiếng xe trật tự inh ỏi vang từ xa tới, những mảnh đời mưu sinh trong cái chợ trời nhỏ này lại nháo nhác cuốn gói gom đồ chạy tán loạn tứ phương, chỉ duy có bà cụ già ngồi dưới tán cây rộng kia là vẫn bình thản, móm mém nhai bữa trưa ít ỏi của mình cùng với tủ thuốc nhỏ và chiếc bàn vé số bên cạnh. Trật tự đô thị nơi đã quen với hình ảnh này. Họ tỏ ra vô cùng thông cảm, thấy bà đã già yếu lọng khọng nên không nỡ đuổi đi như người khác, nhưng cũng qua loa hỏi bà vài câu trước khi rời đi : "Sao má già rồi, không ở nhà con cháu nuôi mà lại ra đây buôn bán làm gì?"

Bà cụ hướng đôi mắt đã kèm nhèm của mình vào các chú trật tự, miệng cười phúc hậu rồi trả lời, giọng thấm đẫm hương vị già cỗi, đậm đặc chất Huế : "Má vô phước không nhờ được tụi nó, chứ giờ biết làm sao?"

Nhiều câu hỏi của khách khứa lai vãng hỏi về cuộc đời bà cũng chỉ nhận lại được một câu trả lời giống như vậy.

Má Huế, giống như cái tên, có cuộc đời buồn như những cơn mưa xứ Huế, lất phất đổ xuống từ ngày này sang ngày khác, rồi tạnh ngắt lại trong cái sự cô đơn não nề.

Năm 1960, cả nước mới vừa đứng lên từ nạn đói khủng khiếp, lại phải hứng chịu thêm đau thương từ những đợt càn quét của đế quốc Mỹ khi chúng đổ bộ vào Việt Nam. Chiến tranh khiến gia đình lưu lạc, chồng hi sinh ngoài chiến trường, một mình thân góa phụ yếu đuối bồng bế hai đứa con giữa vùng đất nắng gió, cảnh đời đưa đẩy làm bà trôi dạt vào miền Nam, rồi đặt chân lên mảnh đất Sài Gòn này.

Ở miền Nam đã lâu, mọi thứ đều thay đổi, nhưng bà vẫn còn giữ được cái chất giọng trọ trẹ đặc trưng của xứ Huế, nên người dân ít khi gọi cái tên cúng cơm của bà là Vân mà thường gọi bằng cái tên nghe thân mật vui vẻ hơn, là Má Huế, vừa kính trọng lại vừa yêu thương.

Bà Vân có hai đứa con trai, thằng lớn đã trải qua hơn năm đời vợ, hiện giờ đã lưu lạc nơi đâu bà cũng không biết, thi thoảng có trở về xin tiền bà, phần lớn dành cho nhậu nhẹt chứ không chuyên tâm làm ăn. Bản năng làm mẹ không cho phép bà đứng nhìn con cái như thế, biết sao được, con mình mình không thương thì có ai mà thương nó nữa. Nói đoạn, bà cũng tủi mủi đành lòng đem số tiền dành dụm mấy tháng trời buôn bán khó khăn ra cho con, để cho nó đi làm ăn xa. Cuối cùng, nó vẫn bỏ bà lại mà ra đi.

Đến đứa thứ hai, cũng đã lập gia đình, cũng nợ nần chồng chất, bị người đời chửi là bất hiếu, nó buồn tủi nên đưa vợ con về ở với má. Bà Vân không thể kìm nổi niềm xúc động, chỉ thấy mắt mình đã ngập ngụa tầng hơi nước khi được hỏi về đứa con trai : "Ban đầu thấy nó về, má mừng lắm. Nhưng riết rồi cũng vậy, má ở một mình quen rồi, má tự lo được. Nhiều lúc thấy nó ngủ không dám gọi, má chỉ kêu xe ôm chở ra ngoài chùa rồi bán đến chiều tối, lại kêu xe ôm đưa về nhà."

Cuộc đời đầy rẫy những biến cố thăng trầm, trải dài qua nửa thế kỷ cũng đến lúc phải phai tàn, má Huế thấy tủi hổ cho hoàn cảnh bản thân. Ở cái tuổi gần đất xa trời thế này rồi, má chỉ có suy nghĩ, "Má có con cháu đùm đề...cũng như không!"

Về quê, có lẽ là tâm niệm cuối đời của bà Vân. Sống trong miền Nam, bà vẫn luôn đau đáu nhớ về quê cha đất tổ, nỗi lòng nặng trĩu như đòn gánh trên vai. Miền đất bà sống, nơi có nắng gió chan hòa quấn quýt, nơi con sóng bạc đầu khơi xa, nơi lam lũ đói nghèo thấm vào từng thớ thịt, từng tấc đất cánh rừng, nơi gánh chịu đau thương mất mát giữa hai miền, và là nơi giữ gìn cuộc đời của bà, từ lúc sinh ra cho đến khi lìa cõi đời.

"Má ở xã Quảng Ngạn, huyện Hương Điền. Muốn đi đến đó phải qua chợ Sịa, chợ Đò, bến Trụ...Quê má đẹp lắm, nằm bên đầm phá Tam Giang mênh mông nước, gió lộng quanh năm. Mấy chục năm nay, bận mưu sinh, má chưa bao giờ được về. Năm nay má thấy mình yếu rồi, chắc không còn cơ hội để về thăm cố hương, mồ mả ông bà nữa." Má Huế nghẹn ngào nước mắt khi tâm sự về quê nhà, chỉ mong muốn một lần trở lại đó để thỏa cái nỗi nhớ canh cánh trong lòng suốt mấy chục năm nay.

Thân cò lặn lội nuôi con, vất vả lắm mới dựng được căn nhà tuềnh toàng cạnh một con kênh, sống được ít lâu thì chính quyền lại giải tỏa, bà được đền bù một căn hộ nhỏ ở khu chung cư chung sống với những người tốt bụng khác.

Đơn độc giữa Sài Gòn mưu sinh, không ít lần má Huế phải gặp bọn trộm cướp manh động đã chiếm đoạt toàn bộ số vốn ít ỏi mà bà có, lúc đó bà chỉ biết ngồi khóc.

Hằng ngày, ngoài tiền bán đồ cho khách, bà còn phải gồng gánh thêm khoản xe ôm, mà nhiều hôm trái gió trở trời thì lại đau nhức, thuốc thang cũng không ít. Tiền bà kiếm được phải trả nợ cho các chủ mối, tính riêng từng đồng lẻ đã thiếu thốn, nay gặp phải bọn lưu manh cướp đoạt thì những số nợ lên đến hàng trăm hàng triệu không biết cả đời bà bao giờ mới hoàn trả đủ.   

Hôm nay như mọi ngày, bà ra chùa ngồi bán đồ cho khách. Đến gần giữa trưa, bọn trật tự lại đi ngang, bà vẫn bình thản ngồi chỗ đó như không có gì xảy ra.

Vơ vội hộp cơm èo uột lúc vắng đường, bà tranh thủ lùa vào miệng mấy muỗng cơm nhai móm mém, vừa ăn mắt vừa xa xăm nhìn về một xứ Huế thân yêu năm đó...

Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro