Đề 4

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đề bài: Phân tích nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành. Bình luận ngắn về tính sử thi đậm nét trong truyện ngắn này.  

                           Bài làm

Nguyễn Trung Thành, sinh năm 1932 tại Quảng Nam là nhà văn gắn bó mật thiết với chiến trường Tây Nguyên. Truyện ngắn này được Nguyễn Trung Thành viết vào mùa hè năm 1965. Đó là thời kì Mĩ đổ quân ào ạt với miền Nam nước ta. Truyện được đăng trên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng miền Trung - Trung Bộ (1965), sau đó in trong tập Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc. Trong truyện ngắn Rừng xà nu, tác giả đã khắc họa hình tượng nhân vật Tnú đầy sinh động, cụ thể chủ yếu bằng bút pháp lí tưởng hóa vối cảm hứng ngợi ca, khẳng định. Đây là một anh hùng vừa mang dấu ấn thời đại vừa gắn bó, tiêu biểu cho một tập thể anh hùng vừa mang dáng dấp sử thi huyền thoại vừa đậm chất Tây Nguyên.

Truyện kể về phong trào nổi dậy của dân làng Xô Man ở Tây Nguyên. Nhân vật trung tâm của tác phẩm Rừng xà nu là Tnú. Anh mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được dân làng đùm bọc, cưu mang. Thuở nhỏ, Tnú đã cùng Mai vào rừng tiếp tế cho cán bộ. Tnú làm liên lạc rất giỏi, mưu trí và gan dạ. Trong một lần vượt sông để chuyển thư của anh Quyết lên huyện, Tnú bị giặc bắt, tra tấn rất dã man. Ba năm sau, Tnú vượt ngục Kon Tum trở về làng, anh Quyết đã hi sinh, Tnú thay anh lãnh đạo dân làng đánh giặc. Bọn giặc lùng anh không được, chúng bắt vợ con anh và đánh đập và tra tấn hết sức dã man. Không chịu được cảnh thương tâm ấy, anh đã xông ra để cứu vợ con nhưng thất bại. Anh bị bắt, bị đốt mười ngón tay bằng giẻ tẩm nhựa xà nu nhưng anh không hề kêu van. Dân làng Xô Man, dưới sự chỉ huy của cụ Mết đã nổi dậy tiêu diệt tiểu đội giặc và cứu sống Tnú. Tuy mỗi ngón tay chỉ còn hai đốt,nhưng Tnú vẫn quyết tâm tham gia bộ đội giải phóng. Nhân dịp trở về thăm làng, cụ Mết đã nhắc lại câu chuyện đời anh cũng như đêm nổi dậy hào hùng của dân làng Xô Man cho mọi người nghe. Như đã nói, Tnú có hoàn cảnh xuất thân rất đặc biệt: mồ côi cha mẹ, anh lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của dân làng Xô Man, có tấm lòng trong sạch, tâm hồn tươi sáng theo lời cụ Mết nói: "Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta". Khi trưởng thành, anh giữu vai trò quan trọng đối với dân làng Xô Man, có sức mạnh uy hiếp kẻ thù (biểu hiện qua lời nói của thằng Dục: "Con cọp đó mà không giết sớm, nay nó làm loạn rừng núi này rồi"). Trong quá trình tham gia cách mạng ở làng, anh bị địch bắt, trên lưng ngang dọc những vết dao chém. Đau xót hơn, anh phải chứng kiến cảnh vợ con bị địch tra tấn dã man đến chết, bản thân anh cũng bị bắt trói, bị giăc đốt mười ngón tay nên bị thương tật vĩnh viễn khi mỗi ngon tay đều mất đi một đốt đầu tiên.

Như mọi nhân vật được xây dựng để ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, điểm nổi bật của Tnú là sự gan góc, dũng cảm. Ngay từ nhỏ, khi được giác ngộ cách mạng, được học chữ, Tnú đã thể hiện quyết tâm học chữ bằng cách "cầm lấy một hòn, tự đập vào đầu, chảy máu ròng ròng". Đi liên lạc cho anh Quyết, Tnú tỏ ra thông minh, nhanh nhẹ: "Tnú hay quên chữ nhng đi đường thì đầu nó sáng lạ lùng". Đặc biệt, Tnú đã "xé rừng mà đi", "không thích lội chỗ nước êm, cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi ngang, vượt trên mặt nước, cỡi lên thác băng băng như một con cá kình". Bị địch bắt, Tnú nuốt luôn lá thư như để bảo mật. Dù bị địch tra tấn dã man nhưng Tnú kiên quyết không khai báo để chứng tỏ sự trung thành với cách mạng, ý chí bất khuất trước kẻ thù của Tnú. Để Tnú và dân làng "bỏ mộng cầm giáo mác"; giặc đã đốt tay anh: "nó quấn dẻ (đã tầm dầu xà nu) lên mười đầu ngón tay Tnú. Rồi nó cầm lấy một cây lửa. (...) Một ngón tay Tnú bốc cháy. Hai ngón, ba ngón (...) lửa bắt rất nhanh. Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc. Đau đớn, "anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng (...) Răng anh đã cắn nát môi anh rồi". Nhưng anh vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, "không thèm kêu van". Tiếng thét duy nhất của Tnú chính là hiệu lệnh thúc giục dân làng nổi dậy giết giặc.
Phẩm chất khiến nhân vật gây được nhiều xúc động trong người đọc chính là sự sâu nặng nghĩa tình. Chứng kiến cảnh vợ con bị địch tra tấn dã man, đầy lo lắng, đau đớn, "anh đã bứt đứt hàng chục trái vả mà không hay". Căm thù tội ác của kẻ thù "ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn", bất chấp lời can ngăn của cụ Mết, anh vẫn "nhảy xổ vào giữa bọn lính để che chở cho vợ con: hai cánh tay rộng lớn như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai". Ngày trở về làng, bàn tay anh đã vốc nước từ suối, từ máng nướ đầu làng. Lòng anh đầy xúc động khi để cho vòi nước của làng mình dội lên khắp người như ngày trước. Tình cảm với người thân, với quê hương chính là động lực thôi thúc Tnú sống mãnh liệt và chiến đấu mạnh mẽ.

Sự vùng dậy của dân làng đã cứu thoát Tnú để rồi sau đó anh vượt lên nỗi đau riêng mà vào giải phóng quân đi chiến đấu vì độc lập tự do của buôn làng, của đất nước. Tính kỉ luật cao của người chiến sĩ cách mạng: ba năm xa nhà với bao nhung nhớ, nhưng phải có phép anh mới về và về đúng theo quy định. Trở về làng, Tnú đã kể cho dân làng nghe: trong một trận chiến đấu, đôi bàn tay thương tật của anh vẫn sẵn sàng giáng những đòn trừng phạt vào kẻ thù khi anh đã bóp chết tên chỉ huy đồn bằng chính đôi tay ấy khi nó cố thủ trong hầm. Có thể nói, Tnú tham gia bộ đội với một nhận thức sâu sắc hơn: giết được giặc ở bất cứ nơi nào trên đất nước cũng là giết được thằng Dục, kẻ thù của gia đình anh, của quê hương anh. Đó là một nhận thức sâu sắc mà anh rút ra được từ nỗi đau của bản thân, của buôn làng, của đất nước và từ cuộc chiến đấu của quê hương.

Tác giả đã khắc họa thành công hình tượng Tnú- một anh hùng vừa mang dấu ấn thời địa vừa gắn bó, tiêu biểu cho một tập thể anh hùng, vừa mang dáng dấp sử thi huyền thoại, vừa đậm chất Tây Nguyên. Tnú là cây xà nu bất khuất, tiêu biểu cho sức mạnh, ý chí của cộng đồng dân tộc, cho số phận và hành động của con người Tây Nguyên. Trong chiến tranh, anh cũng là nhân vật tiêu biểu cho chủ nghĩa anh hùng của nhân dân miền Nam thời chống Mĩ.

Tính sử thi của Rừng xà nu được thể hiện trên hầu hết các phương diện nội dung và nghệ thuật nhưng nổi bật nhất là ở đề tài - chủ đề, nghệ thuật trần thuật, xây dụng hình tượng nghệ thuật và ngôn ngữ - giọng điệu trần thuật như đã nêu trên. Điều này đã khẳng định nét nổi bật trong phong cách nghệ thuật của tác giả (sáng tác thường mang đậm tình sử thi khi thường khai thác những đề tài có ý nghĩa lịch sử, đề cập đến vận mệnh của dân tộc, nhân dân) cũng như góp phần làm rõ một đặc điểm quan trọng có ý nghĩa về mặt thi pháp của văn học 1945-1975: văn học giai đoạn này chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

Không chỉ ngợi ca nhân vật trung tâm Tnú, Rừng xà nu còn là bản anh hùng ca về cuộc đấu tranh vũ trang đồng thời của đồng bào các dân tộc miền núi và cũng là hình ảnh của cả đất nước trong kháng chiến chống Mĩ. Với lời văn trau chuốt, giàu hình ảnh, tác phẩm đã tái hiện được vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của núi rừng, của con người và của truyền thống Tây Nguyên. Qua đó, khúc sử thi trong văn xuôi hiện đại thời chống Mĩ này cũng đã khẳng định tài năng và tấm lòng của Nguyễn Trung Thành - một nhà văn gắn bó máu thịt với vùng đất Tây Nguyên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro