Nhắm Mắt Thấy Sao Trời

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Truyện ngắn này các nhân vật thuộc về Anise. Một chút vị của mùa thi.

***

Quần đùi lưng thun tôi bỏ quên trong phòng được má nhanh chóng đem vào nhà tắm cho tôi ngay sau khi tôi í ới gọi. Sài Gòn hôm nay thứ Bảy thiếu nắng lại đổ cơn mưa rả rích từ sáng sớm tới giờ làm nước trong bồn inox đặt trên sân thượng lạnh thấu xương, dội xuống từ vòi sen buốt cả mặt tôi. Nước nhỏ rong róc từ mái tóc như mưa ngoài kia, ướt đẫm vai chiếc áo phông cũ in logo 'Guuci' sai chính tả. Chiếc quần đùi trên móc nhựa cứ tần ngần đứng nhìn tôi cả năm phút đồng hồ như dò xét. Có lẽ mắt nó giấu trong hai cái túi hai bên hông cũng nên. Và dù không biết miệng nó ở đâu, tôi gần như quả quyết rằng nó đang hoặc bĩu môi hoặc nhếch mép cười bộ dạng thảm hại của tôi.

Và chắc khi má tôi lôi nó ra khỏi tủ đã vô tình gián đoạn cuộc bàn tán sôi nổi của nó với đám áo quần còn lại về tin sốt dẻo gần đây ở chợ Bống: thằng Trúc con ông Phú bán bánh mì ở đầu đường - tôi - rớt Đại học.

Tất nhiên, đó toàn là do tôi tự đoán lấy, vì cũng như những người khác, tụi nó đời nào đả động đến chuyện này trước mặt tôi. Sự im lặng né tránh đó như một dấu từ bi, đối với cả tôi và cả họ, vì thế có nghĩa là tôi không cần phải làm bộ cười hề hề và người ta không phải làm bộ thông cảm xót thương.

Đang suy nghĩ vớ vẩn thì tôi giật mình vơ lấy cái quần và nhanh chóng mặc vào, nhường lại phòng tắm cho chị Đan đang đập cửa đùng đùng bên ngoài hối thúc.

"Tao tưởng mày ngủ trong trỏng luôn rồi! Con trai mà tắm lâu thấy sợ!" Chị chỉ kịp cảm thán có thế rồi hung hăng xông vào trong, đóng sập cửa lại như chạy giặc. Tôi còn nghe loáng thoáng mấy chai xà bông bị đá đổ.

Chị Đan hơn tôi ba tuổi và đang học năm hai Đại học. Chị thấp người, nhưng tay chân săn chắc hơn và thoạt nhìn cũng nhanh nhẹn hơn tôi, dù dĩ nhiên là đôi chân dài cho tôi lợi thế di chuyển hơn chị. Má tôi toàn bảo chị sẽ "ế chổng mông" vì cái tật bộp chộp, ruột để ngoài da mà hay bị hiểu lầm là vô duyên (và gia đình tôi đang đang dần tin những gì má nói vì hai mươi mốt tuổi rồi mà chị vẫn không có một mảnh tình vắt vai, dù chị hay phân bua rằng tại mình thích thế). Chị tôi làm gì cũng theo cảm tính, chẳng bao giờ có kế hoạch rõ ràng, kiểu tới-đâu-hay-tới-đó. Chị thường bảo tương lai mơ hồ lắm, lo làm gì, đến cuối cùng tự nhiên đâu cũng vô đó thôi. Hồi ba năm trước chị chọn thi Đại học Báo chí chỉ vì coi một bộ phim tài liệu về nhà báo, để đến năm thứ hai thì nhai không nổi mấy thứ văn chương trừu tượng nữa, lại còn phải ngồi một chỗ viết luận cả ngày nên chị nhảy qua học Điều dưỡng để được chạy tới chạy lui cho giãn gân cốt.

Những lý do nghe thì ngớ ngẩn mà chị đưa ra để giải thích cho hàng tá các quyết định bồng bột của mình thường làm ba má tôi đi từ phản ứng hết sức kịch liệt đến thở dài ngao ngán. Ba má càng lo lắng cho cái đầu đầy ngẫu hứng của chị thì càng bấu víu vào nhân cách buồn tẻ, dễ đoán của tôi bấy nhiêu. Một đứa luôn nằm trong vùng an toàn. Một đứa luôn làm đúng theo kế hoạch. Cho tới hôm thứ ba vừa rồi.

"Con Yến đang không biết nên học Ngoại Thương hay Ngân Hàng chị à. Con bé hay lưỡng lự lắm, ăn bánh mì xíu mại hay heo quay nó còn không quyết định được ấy!" Giọng cười hô hố của bà Châu từ xe bánh mì của má tôi trước hiên vọng oang oang cả vào nhà trong làm tôi đứng trong bếp cũng không thoát được. Bà Châu hay mua bánh mì kẹp xíu mại, giò, chả cho con gái trước khi đưa con nhỏ đi học thêm năm ba chỗ trong tuần. Dạo này thi xong, vừa biết kết quả thì tần suất xuất hiện của bà ngày thêm dày đặc, có hôm mua bánh mì tới ba lần mà mỗi lần nán lại tới nửa tiếng như để "mai phục", chờ tôi ló bản mặt đáng thương ra cho bà tận mắt nhìn, và chắc rằng tôi biết chuyện con Yến đậu hai trường.

Mà tôi đâu dám trách bà Châu. Được dịp thuận tiện như vầy, đời nào bà lại không tận dụng để đáp trả ba tôi - người hay khoe khoang đủ điều về tôi với bà khi tôi và con Yến còn học chung Cấp Hai. Con nhỏ em họ đang du học ở Mỹ lâu lâu gọi điện về nói chuyện với tôi; hình như bị cuộc sống tự lập làm cho già đời hẳn, nó nói chuyện chẳng khác gì bà cụ non mà phán câu xanh rờn: "Đàn ông Việt Nam sĩ diện lắm, anh Trúc!" Rồi nó đưa ra một đống ví dụ so sánh ông Tây, ông Ta để làm bằng chứng, nhưng có lẽ đối với tôi, bằng chứng sống động nhất chính là ba.

Lớn lên trong lòng chợ Bống, tôi nghĩ cuộc sống chợ búa cũng căng thẳng ghê lắm, giống như chị Đan hay so sánh với cái "sô bít" (showbiz). Những ngày còn nhỏ bắc ghế nhựa ngồi trước hiên bán hàng với má làm tôi nhận ra cái khu này bé hơn cái mắt muỗi, nơi mà người nào cũng biết lý lịch trích ngang trích dọc của nhau - con cái nhà ai, làm nghề gì, có vợ chồng gì chưa, ngày ăn mấy bữa - và bí mật là một khái niệm gần như không tồn tại. Việc ra sức chứng tỏ bản thân cũng là điều khó tránh, vì nếu không thể giấu được cái xấu thôi thì khoe triệt để cái tốt ra để người ta còn mắt tròn mắt dẹt ngưỡng mộ. Đó là quy tắc mà ba tôi đặc biệt răm rắp tuân thủ. Dĩ nhiên, dân làm ăn buôn bán đâu có ai ngu tới độ tiết lộ cho xóm làng biết mình làm ăn có khá không, kiếm được bao nhiêu tiền - rủi như bị người khác cạnh tranh thì sao? Thành ra phong trào "khoe con" của mấy phụ huynh khu chợ Bống được ưa chuộng hết thảy.

Ba tôi ít khi khoe chị Đan, dù chị là lớn trong nhà, cũng vì cái tính bộp chộp, tùy hứng của chị. Lần duy nhất mà ba vỗ ngực chạy qua hết hàng thịt của ông Hùng, tới hàng rau bà Dung và quầy trái cây của cô Bé để kể lể về "con Đan" là hôm chị đậu Đại học. Hồi ấy ba má tôi không trông đợi gì nhiều ở chị nên tin đó đối với họ chẳng khác nào trúng số độc đắc. Phần lớn thời gian còn lại, ba dành để nói về "thằng Trúc". "Thằng Trúc" của ông tuy không phải thành phần nhất trường hay nhất lớp nhưng đại khái là năm nào cũng có một tờ giấy khen hay một xấp tập gói giấy kiếng hoa đem về cho ông để sẵn trước nhà, có ai tới thì tiện đem khoe. "Thằng Trúc" không quá xuất sắc, nhưng đủ đều đặn và đáng tin tưởng cho ông đặt trọn "mặt mũi" lên tên nó. Má tôi cằn nhằn ba tôi hoài chuyện khoe khoang đó, nhưng bà cũng mặc ông muốn làm gì thì làm, và lâu lâu khi có người tới vu vơ nhắc "thằng Trúc" thì bà không nhịn được mà mím môi cười.

Nhưng sau hôm thứ Ba thì ba má tôi và "người ta" đổi vế cho nhau. "Người ta" thì luôn miệng "thằng Trúc, thằng Trúc", còn ba má tôi lại câm như hến, chỉ biết vờ bận gói bánh mì hoặc cười trừ lái sang chuyện dạo này mưa nhiều quá.

Tôi rớt Đại học. Ba tôi không tỏ thái độ gì. Không trách mắng. Không nhắc tới. Không gì hết. Má tôi thì dành cho tôi sự quan tâm sâu sắc. Tôi lười không rửa chén sau bữa trưa, bà cũng chẳng nói gì mà bắt chị Đan làm với lý do "thằng Trúc mệt". Sự đãi ngộ đặc biệt từ mọi người có lẽ là vì tội nghiệp, sợ tôi còn sốc. Và dù hơi muối mặt, nhưng tôi cũng ung dung cho phép bản thân đón nhận rồi mặc sức ru rú trong nhà, trốn sau lưng ba má và ngủ vùi để chờ ngày chợ Bống quên mất sự tồn tại đáng xấu hổ của tôi. Đời "thằng Trúc" ai cũng biết vốn dĩ đã được vạch ra rạch ròi - tốt nghiệp Trung học, thi vào Sư Phạm Tiếng Anh, ra làm giáo viên dạy ở mấy trung tâm, lương tháng khoảng hai chục triệu là ổn, nuôi một con chó và một con mèo, một năm du lịch nước ngoài một lần, một vợ, hai con. Giờ nó bị xáo trộn ghê gớm như vậy, tôi xứng đáng được chút bình yên, xa lánh khỏi cái nhòm ngó của chợ Bống.

Tôi lững thững ôm tô cơm thịt kho trứng về phía bàn ăn inox giữa nhà, vừa bật ti vi, đặt mông xuống chiếc ghế nhựa đỏ thì chị tôi đã ra khỏi nhà tắm từ lúc nào và đang lù lù đứng sau lưng tôi.

"Tóc mày dài rồi kìa Trúc. Mày để nó chấm vô mắt vậy không thấy khó chịu hả?" Vừa nói, những ngón tay mũm mĩm của chị vừa chạm vào phần tóc mái còn ướt lòa xòa trước trán tôi làm tôi tự động ngả người qua một bên để né tránh. "Mày ăn xong, đi qua nhà chị Thơ nhờ chỉ cắt tóc cho. Nhìn mày thấy mà ghê."

"Thì kệ nó đi, chị Đan để ý làm gì? Thấy ghê cũng có ba má với chị chứ ai nhìn đâu!" Tôi phản bác, lắc lắc đầu cố ý cho mấy sợi tóc mà chị vừa vén qua rơi về vị trí cũ, tay xúc muỗng cơm đầy nhét vào miệng.

"Vì có tao nhìn nên mới ngứa mắt đó Trúc," chị đáp ngay, hai tay chống nạnh, mặt mày cau có. "Mốt mày chịu ra khỏi nhà chắc mày râu ria, tóc tai xồm xoàm như người rừng luôn quá."

"Em ra khỏi nhà làm chi? Em có phải đi học Đại học như chị đâu?" Dù không cố ý nhưng giọng tôi vẫn phảng phất chút hậm hực như thể chị vừa nói động tới vết thương lòng mà tôi đinh ninh rằng vẫn đang rỉ máu từ hồi có điểm thi tới giờ.

Hình như chị cũng nhận ra điều đó nên thôi không hoành họe tóc tai tôi nữa. Đôi mắt hai mí của chị cụp xuống và cuộc đối thoại của chúng tôi rơi vào một nốt lặng dài, chỉ còn tiếng ti vi đang chiếu phim Hàn Quốc tới cảnh khóc lóc thảm thương cứu vớt sự lúng túng của cả hai chúng tôi.

"Mày ăn xong ra sau nhà tao cắt tóc cho." Chị tôi nói gọn lỏn rồi bỏ đi vô bếp, chẳng cho tôi kịp trả lời.

Tôi nghe từ trong bếp vọng ra leng keng, xoang xoảng tiếng chị lục lọi chạn chén bát - chắc là để tìm cây kéo con má tôi hay xài cắt mấy bao đường, bao muối. Nước từ vòi chảy trượt dài trên lưỡi kéo và rơi xuống đáy bồn rửa nhôm phát ra âm thanh đều đều, làm tôi không tài nào tập trung nổi vào bộ phim trên ti vi nên đành cắm cúi ăn cơm cho xong, để nguyên cái tô chưa rửa trong bồn rồi vác ghế nhựa theo chị ra sau nhà chỗ má tôi phơi quần áo.

Chị Đan đặt sẵn cái ghế nhựa chỗ thềm xi măng rồi chỉ mũi kéo vào nó biểu tôi ngồi xuống. Chiếc khăn bông còn ẩm hồi sớm tôi dùng để lau đầu trong nhà tắm cũng bị chị đem ra và quàng qua cổ tôi rồi kẹp lại sau gáy bằng chiếc kẹp quần áo bằng nhựa - chuyên nghiệp hệt như một thợ cắt tóc thứ thiệt. Đã lâu lắm rồi chị không đem mái tóc tôi ra làm thí nghiệm, từ lúc chị vào Cấp Hai và thôi chơi búp bê tới giờ. Hồi đó ba tôi mới mua về nhà cái máy vi tính mới keng có trò chơi tạo kiểu tóc làm chị mê tít. Chị tôi khôn ghê lắm, không bao giờ cắt tóc búp bê vì biết chắc nó không mọc lại được, nên mới lôi thằng em duy nhất của chị ra thực hành, báo hại tôi phải đội mũ đi học gần như hết những năm mẫu giáo và Tiểu học và bị bạn bè cười thúi mũi mỗi lần cô giáo bắt bỏ mũ ra. Dĩ nhiên là tôi vẫn sợ tài cắt tóc của chị, nhưng chẳng hiểu sao lúc nãy chị đề nghị tôi lại vô thức đồng ý. Chắc là tại tôi đã nhìn thấy chút ưu tư phảng phất trên nét mặt bầu bĩnh của chị. Nhưng tôi vẫn không kìm được mà thốt lên đầy van lơn khi chị bắt đầu đụng kéo:

"Chị Đan cắt đàng hoàng xíu nha!"

Chị hơi trố mắt nhìn tôi rồi bật cười ha hả, xém tí là lỡ tay xén luôn cái mái của tôi làm tôi hết hồn.

"Hồi nãy đứa nào nói nhà có tao với ba má chứ có ai nhìn đâu mà lo?" Chị tôi vừa nói vừa cười khùng khục, tay hơi run run khi đưa kéo luồn vào phần tóc sau gáy của tôi.

"Trời, em nói vậy thôi. Lỡ bữa nào có mấy đứa con gái dễ thương tới nhà mình mua bánh mì mà nhìn cái đầu em thấy ghê giống hồi Cấp Một thì tụi nó chạy hết, rồi ba má lấy đâu ra con dâu?" Tôi nói nửa đùa nửa thiệt, tự dưng nổi da gà khi da cổ tôi chạm vào lưỡi kim loại lạnh toát của cây kéo. Dưới sàn xi măng giờ đã xuất hiện vài nhúm tóc đen.

"Con dâu cái đầu mày. Ba nói mày tốt nghiệp Đại học rồi mới cho mày có người yêu mà." Chị Đan cốc đầu tôi một cái làm tôi suýt xoa rồi tiếp tục tỉa tót.

Chị nhắc đến Đại học làm tôi im phăng phắc, cuộc nói chuyện lại trở nên nặng nề dù một phút trước vẫn còn vui tươi. Nếu không phải là chị mà là bà Châu thì chắc tôi đã cười xòa rồi lái sang chuyện khác để tỏ ra mình mạnh mẽ cỡ nào. Nhưng trước mặt chị Đan, tôi không khỏi thấy mình như thằng nhóc Cấp Một năm xưa, lẽo đẽo theo sau lưng chị mỗi giờ ra về, đòi chị mua cho đủ thứ bánh kẹo, hay khóc ré lên mỗi khi chịu đòn của ba và chui vào phòng chị cho chị xức dầu lên cặp mông đỏ ửng lằn roi. "Thằng Trúc" mà ba tôi kể với chợ Bống "ngầu" bao nhiêu thì "thằng Trúc" trong mắt chị Đan tôi trẻ con, mít ướt bấy nhiêu. Vậy thì làm bộ trước mặt chị làm gì cơ chứ?

"Chắc ba má thất vọng ghê lắm ha chị," tôi lên tiếng sau một hồi im lặng, âm vực thật nhỏ như sợ ba má tôi đang dọn hàng đằng trước nghe được. "Con Yến hồi đó học lực khá hoài mà còn đậu tới hai trường..."

"Cho mày ăn học nhiêu đó năm mà đầu mày nghĩ được có bấy nhiêu thôi hả Trúc?" Chị tôi thở hắt ra, lại cốc đầu tôi lần nữa, nhưng nhẹ hơn, giống như một cái vuốt ve kín đáo.

Chị di chuyển từ phía sau ra trước mặt tôi, biểu tôi nhắm mắt lại rồi bắt đầu chải phần tóc mái cho vô nếp và cắt chậm rãi. Tóc rơi xuống mặt tôi, vài sợi đâm vào ngưa ngứa nhưng chị tôi liền đưa tay phủi giúp tôi.

"Tại em thấy ba má im lìm bữa giờ. Rồi mấy bà đi chợ cứ hay hỏi em hoài." Tôi cứng đầu phân bua.

"Tất nhiên là ba má buồn rồi," chị đáp, giọng nghiêm túc hẳn. "Nhưng ba má chỉ buồn mày thi rớt ngày đầu thôi, còn mấy bữa nay ba má buồn vì mày toàn ủ dột đó."

Tôi hơi gật gù, không dám cử động mạnh vì sợ chị lỡ tay cắt quá hớp. Điều chị vừa nói, tôi cũng lờ mờ biết được vì mấy nay má toàn nấu món tôi thích; còn ba lại một mình dọn hàng để tôi ngủ nướng cho thỏa; nhà có thiếu miếng ớt, trái chanh tôi cũng không bị sai đi mua như trước, chắc vì ba má biết tôi ngại ra ngoài nên cũng để tôi ru rú trốn sau vách tường an toàn, khuất khỏi tầm nhìn của người ta. Dù tôi hay tự nhủ rằng tôi không dám ra ngoài vì sợ mất mặt ba má, nhưng chính tôi biết rõ hơn ai hết sự trốn tránh này xuất phát từ nỗi hổ thẹn với bản thân mà ra. Tôi nói tại ba má hay tâng bốc tôi nên người ta giờ có cớ gièm pha, nhưng tôi vẫn nhớ y nguyên cảm giác sung sướng phát điên khi mấy bà ở chợ xúm xít lại xem phần thưởng, giấy khen tôi đem về. Tôi có thể đổ thừa ba má vì đã vô tình đưa tôi vào khó xử cùng với sự khoe khoang quá đà của họ, nhưng chính tôi cũng đã gián tiếp khuyến khích họ làm thế - bằng những cử chỉ tế nhị như cái cười mãn nguyện hay một lời nhắc khéo về chuyện con Yến thua điểm tôi.

Chính tôi chọn kiêu ngạo dù đã đủ khôn để phân biệt được phải trái. Tôi đã quá tự tin vào những kế hoạch định sẵn của mình. Để giờ này khi tôi đứng trên đống đổ nát ấy, chúng quay lại ám ảnh tôi như những bóng ma. Tôi toàn vạch ra kế hoạch để thắng, chứ chưa từng tính đường lui, vậy nên giờ tôi thấy mình cùng đường cũng thật đáng.

"Trúc à, em có biết vũ trụ này có khoảng bao nhiêu ngôi sao không?" Chị tôi bất ngờ đổi giọng dịu dàng và cách xưng hô ngọt xớt làm tôi thoáng giật mình, dù nghe câu hỏi chẳng có gì liên quan tới chuyện thi Đại học của tôi.

"Ờ... chắc khoảng mấy tỉ hả?" Tôi bối rối đoán mò, dù không để tâm câu trả lời của mình lắm.

"Một và hai mươi bốn số không." Chị Đan phủi phủi vài mẩu tóc trên trán tôi xuống, nhưng không tiếp tục cắt nữa mà nhìn tôi chằm chằm. Gương mặt trẻ hơn tuổi của chị bỗng chốc trở nên già đời hẳn. "Chị cá là tóc trên đầu em cũng không nhiều đến thế. Và mặt trời của chúng ta chỉ là một ngôi sao bé xíu trong đám sao đó thôi. Nếu trái đất của chúng ta còn chưa bằng một phần tư ngôi sao bé tí đó, thì con người có hơn gì hạt cát trong vũ trụ chứ, phải không?"

Chị cười hiền - sự dịu dàng quen thuộc mà hiếm hoi chị dành cho tôi mỗi lần tôi bị ba đánh chạy vào khóc lóc để chị dỗ dành. Có lẽ giờ tôi cũng thế, có điều không phải ba, mà là cuộc đời đang vả vào mặt tôi một cái đau điếng làm tôi chưa kịp hoàn hồn.

"Em lúc nào cũng suy nghĩ thật nhiều," chị Đan lại cúi người và luồn kéo vào tóc tôi dù vẫn tiếp tục nói. "Những lo toan đó luôn chắn giữa tầm mắt em và vũ trụ rộng lớn, làm em quên mất cuộc sống có nhiều điều hơn là những kế hoạch định sẵn. Hành tinh bé tí của chúng ta, trong cái Hệ Mặt Trời nhỏ xíu này, giữa hàng sa số các ngôi sao khác, lại là nơi có sự sống thì thử tưởng tượng còn biết bao nhiêu khả năng khác tồn tại ngoài đó mà chúng ta không biết?"

Tôi lẳng lặng nghe chị nói, nhắm mắt cho tóc khỏi rơi vào, trong đầu mường tượng cảnh vũ trụ mà chị đang miêu tả. Ở tuổi hai mươi mốt, chị tôi bồng bột như bất kì đứa trẻ nào, nhưng lại khôn ngoan như bất kì người trưởng thành nào.

"Vấn đề thực sự nằm ở chỗ chúng ta không biết. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ giải mã được cuộc đời và tất cả xác suất nó kèm theo. Em có thể tính toán được giá cả thị trường, lượng mưa vào ngày mai hay thậm chí năm sau, nhưng làm sao em biết được khi bước chân ra cửa em sẽ gặp ai? Làm sao em biết được người đó sẽ dẫn em tới những đâu, mở ra cho em điều mới mẻ gì? Em không biết, và cũng không bao giờ khám phá ra nếu em không đi cùng họ. Chị nghĩ trên đời này chẳng có hai con đường song song nào. Đến một lúc nào đó đường em đi sẽ rẽ nhánh, cắt ngang qua nhiều con đường khác, và có thể em sẽ lựa chọn sai lầm để bị đưa đến một nơi nào đó xa lạ, đáng sợ. Nhưng nếu em không chọn thì em mãi mãi cũng sẽ đứng ở ngã rẽ đó mà thôi. Có thể em biết rõ đích mình cần đến, nhưng đôi khi những ngã rẽ sẽ đưa em tới điều còn tuyệt vời hơn gấp ngàn lần mà em chưa từng nghĩ tới."

Bàn tay chị đặt lên vai tôi đầy ân cần. Vẻ ngoài láu táu, lăng xăng của chị và những lúc má tôi mắng chị ăn nói "ruột để ngoài da" làm tôi suýt quên mất chị còn có tâm hồn thật đẹp, một cái nhìn thật rộng, bao quát và tự do. Bấy lâu nay, tôi đã thèm khát sự tự do ấy mà không hề hay biết.

"Mở mắt không phải là cách duy nhất để nhìn vạn vật đâu Trúc. Nhiều khi em phải hít một hơi thật sâu, nhắm mắt lại mới thấy mảng đen vô tận của vụ trụ rộng lớn để nhận ra gánh nặng em mang thật nhỏ nhoi, rồi tiếp tục bước đi với niềm tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Còn bao nhiêu điều đang chờ em ngoài đó, chỉ cần em có đủ can đảm để đón nhận."

Khi chị vừa dứt lời cũng là lúc tôi không còn nghe tiếng kéo sột soạt trong làn tóc nữa. Tay chị thoăn thoắt gỡ chiếc kẹp nhựa ra tháo cái khăn tắm choàng quanh cổ tôi xuống. Đôi mắt tôi dần hé mở. Tôi thấy gương mặt mình phản chiếu trong tấm kính tối màu ốp trên khung sắt ở cửa sau nhà. Và tôi thấy khóe môi mình đang nở một nụ cười nhẹ nhõm.

"Cảm ơn chị," tôi thì thầm thật khẽ. Có lẽ điều chị vừa cứu rỗi không phải là mái tóc kinh khủng, mà là chính tâm hồn bị lo toan và sợ hãi bẻ mất đôi cánh lúc nào không hay của tôi. Dù chị chẳng đá động gì chi tiết tới chuyện thi của tôi, nhưng những điều tưởng như mơ hồ vừa rồi chị nói hóa ra lại là những chỉ dẫn chi tiết nhất mà bấy lây tôi hằng tìm kiếm. Con đường rẽ nhánh của tôi, tôi đã dừng lại đủ lâu để phải đi tiếp rồi.

"Mà Trúc nè, tao thấy mày qua chị Thơ kêu chỉ sửa lại cho chỗ tóc ở gáy đi. Hình như tao cắt một bên hơi sát đó."

Chị buông lời nhẹ tênh rồi nhảy chân sáo vào bếp, bỏ tôi ngơ ngác ngồi lại. Từ trong vọng ra tiếng nước chảy xuống bồn inox và tiếng lanh canh của muỗng đũa va vào thành tô sứ. 

"Mày đi đi, tao rửa tô cho!" Chị í ới nói lớn.

Chị tôi bộp chộp. Chị tôi đầy ngẫu hứng. Chị tôi nhắm mắt để thấy sao trời.

Tôi tặc lưỡi. Đi thì đi.

Fin.

Anise

 (26/06/2017)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro