[Đông]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TRUYỆN NGẮN: ĐÔNG
Tác giả: My Whailen.
Ảnh: Google

* Có người từng nói “Sống là để chết”, người khác lại bảo rằng “Chết là để sống”.
Câu nói ấy tới tận bây giờ, tôi mới hiểu được.
Đứng giữa làn gió tung bay, vang vọng thanh âm của kí ức xưa cũ.
“Sống chỉ là chờ đợi cái chết, tại sao phải sống tiếp?”
“Chết mới là sự giải thoát, là khởi nguồn của sự sống”
Thở dài một hơi, nhìn xuống dòng nước chảy xiết tưởng như quen thuộc.
Gió thật lạnh, nhưng lòng người lạnh hơn.

1.  Tôi khắc mẹ ngay khi mới hít thở được ngụm khí đầu tiên của thế giới này.
Qua lời kể của bà, mẹ tôi vì mất máu quá nhiều, từ trần ngay trên bàn đẻ. Kể từ khi những tấm hình siêu âm đầu tiên là con gái, bố tôi đã ép mẹ phá thai nhiều lần nhưng bất thành, quay sang nghiện ngập cờ bạc rượu chè liên miên, những lúc về tới nhà đều trong trạng thái không còn nhận thức. Lần nào bà cũng nghẹn ngào kể lại, bố say thì sẽ đánh đập mẹ, tần suất mỗi lúc một tăng. Có đợt bà lên thăm bất chợt, vô tình chứng kiến cảnh mẹ tôi cong mình ôm bụng, bố túm tóc mẹ, dùng hết lực bình sinh của một người đàn ông mà thẳng tay đánh đập, dù bà có lao vào can ngăn, bố cũng không hề nể mặt, vẫn tiếp tục thú vui thú tính kia. Nhiều lần bà đã khuyên nhủ mẹ ly dị, nhưng mẹ cố chấp không nghe, luôn miệng đứa trẻ không thể không có cha. Mẹ nói mẹ không muốn tôi phải giống mẹ, muốn tôi có được cuộc sống đủ đầy mà trước đây mẹ không có.
Cuối cùng, vào khoảnh khắc bước một chân sang cửa tử của mẹ, bố vẫn đang chìm đắm trong men rượu, chìm đắm trong thú vui vô đạo đức kia.

Tôi được bà ngoại nuôi nấng, chưa từng được gặp mặt bố, hay nói đúng hơn, bố không biết đến sự tồn tại của tôi.
Có lẽ những năm tháng sống bên bà là những năm tháng vui vẻ nhất của tôi, vô lo vô nghĩ, không có phiền muộn. Sáng phụ bà làm đồng, chiều rong ruổi cùng đám bạn thả diều, mò cua bắt ốc, tối được nằm trong sân nghe bà kể những câu chuyện xưa cũ hồi còn chiến tranh. Tuy hạnh phúc là thế, sâu trong thâm tâm của một đứa trẻ, mỗi lần nhìn về phía các bạn được bố đưa cho cây kẹo mà ông vừa trên đường về mua được, hay cái áo mà mẹ mới đan len mặc vào mùa đông, tôi thèm lắm. Tôi biết bà yêu thương tôi nhiều vô chừng, nhưng lòng tôi vẫn luôn trống trải hai tiếng “Bố”, “Mẹ”. Nhìn thấy các bạn xung quanh như vậy, tôi vừa ghen tỵ vừa buồn bã, có lẽ nếu như bố mẹ mình ở đây, mình cũng sẽ giống như các bạn.
Thời tiết giao mùa, bà bị ốm nặng mấy đợt, sức khỏe bị mai một đến mức chỉ còn thoi thóp trên giường. Ngày tiễn đưa bà, các bác vây quanh giường, rấm rức khóc rất lâu. Bà cho gọi tôi đến bên giường, dùng chút sức lực cuối cùng nắm lấy tay tôi, đôi mắt bà như nhìn sâu vào tâm can, cảm giác như thể đang giao phó, thều thào nói:
“Sống, phải sống!”
Bàn tay gầy gò đang nắm lấy tay tôi trượt xuống, tiếng khóc than bao trùm cả căn phòng.

2. Bố tôi xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc sống của tôi là vào ngày cuối đám hiếu của bà. Khi ấy, tôi đang phụ các chị dọn ghế cất, nghe loáng thoáng gần đó tiếng chửi mắng của các bác.
Hiếu kì, tôi lách qua đám người, thấy một dáng người tuy lạ nhưng cũng thân thuộc, dù khác xa so với tấm ảnh cưới bà cho tôi xem, nhưng tôi vẫn có thể nhận ra được trung tâm của cuộc chửi bới ấy là người bố đã vứt bỏ tôi 12 năm trước, là người bố mà tôi hằng ngóng trông.
Đại đa số đều trách bố tôi bất hiếu, không coi trọng nhà mẹ vợ, mắng mỏ sự bê tha của bố.
Phảng phất quanh người bố tôi là mùi rượu vẫn đượm nồng.

Tôi được chuyển đến ở với bố. Bấy giờ tôi mới biết, bố đã tái hôn, và họ có một em trai kém tôi hai tuổi, trông rất đáng yêu.
Tôi vô tư muốn làm thân với “gia đình mới”, tuy bà kể bố rất đáng sợ, nhưng khoảnh khắc bố cầm tay tôi bước vào nhà, tôi cảm thấy bàn tay to lớn ấy thật ấm áp. Đám trẻ con trong làng lúc nào cũng được bố cõng, lúc nào cũng trêu tôi là đồ không có bố mẹ. Cuối cùng bây giờ thì tôi đã được ở bên bố rồi, thậm chí còn có thêm mẹ kế xinh đẹp, một cậu em trai, tôi không còn phải ganh tỵ với chúng nó nữa. Tôi đã nghĩ nhất định lần tới về quê, tôi sẽ kênh kiệu khoe với chúng, và chúng sẽ biết tôi lợi hại như nào!

Tôi dè dặt gọi dì là mẹ, dì tát tôi một bạt tai, nhanh đến mức tôi không kịp nhìn rõ, chỉ cảm nhận được bên má nóng rát. Dì bắt tôi gọi là dì, giọng điệu của dì lúc đó khiến tôi lạnh người, có lẽ là do tôi quá vội vàng. Bà dặn trẻ con ngoan thì phải giúp đỡ người lớn, nên tôi luôn cố gắng làm gì đó đỡ đần phần nào cho dì. Mỗi lần muốn giúp đỡ, ngỡ rằng sẽ được cái xoa đầu dịu dàng khen thưởng như bà hay làm, dì lại đổ tội cho tôi. Bữa thì đổ là tôi không biết phụ giúp dì, hôm thì bảo tôi ăn trộm, ăn cắp trang sức của dì. Tôi không hề làm, luôn đi tìm bố để minh oan, thứ tôi nhận lại chỉ là sự cáu gắt quát mắng của bố, và đi kèm là những trận bị roi quật rất đau.
Những câu chuyện mà bà từng kể về bố lần lượt ùa về như đèn kéo quân, rằng bố đã đối xử với mẹ như thế, giờ đến tôi cũng không khá khẩm hơn. Tôi tưởng tìm đến bố là tìm thấy được mái ấm mà tôi luôn khao khát, không ngờ đó lại là vực sâu. Đến hổ còn không ăn thịt con, vậy thì tại sao bố lại nỡ lòng nào đối xử với tôi như vậy? Tôi cũng là con của bố cơ mà!

Cậu em trai ban đầu cũng có ý cùng tôi kết thân, nhưng mỗi lần hai đứa muốn cùng nhau làm gì đấy đều bị dì bắt gặp, dì mắng tôi độc hại, muốn dụ dỗ con trai dì học theo thói hư tật xấu của nông thôn, em trai bị mắng rất thê thảm, tôi thì bị đánh. Cuối cùng cả hai đành ngậm ngùi nước sông không phạm nước giếng, em trai né tôi, tôi cũng tương tự. Nhưng ngẫm lại, “gia đình” ấy chỉ có mỗi em là còn coi tôi là một con người, thành tâm đối xử với tôi.
Để giữ được sự “sạch sẽ” của gia đình, dì đẩy tôi đi học ở một ngôi trường cấp hai nội trú gần nhà. Trường cũng không phải dạng tốt lành gì, bạo lực học đường, trộm cắp diễn ra như cơm bữa. Tôi còn nhớ có một lần cuối tuần về nhà, tôi bị các bạn phục bên đường đánh để trấn lột tiền tiêu vặt, không có nổi một đồng tìm được, chúng càng hăng máu đánh tiếp, về nhà với tình trạng bị thương từ đầu đến chân, không những không được băng bó, dì nhốt tôi ở ngoài để tránh làm bẩn nhà dì vừa lau, đi loan tin tôi đi đánh nhau với bọn đầu gấu, rồi học thói hư tật xấu của mấy kẻ phi pháp ngoài xã hội, rồi bị đánh đến ngu người. Tối cùng ngày, tôi bị bố treo lên xà, dùng roi quật tới tấp, men rượu trong người khiến ông không còn giữ nổi tình người, nếu như không phải em trai vội chạy đi gọi 113, có lẽ tôi đã thành cái xác chết treo ở đấy rồi.
Tôi dần hiểu ra, từ đầu ông ta đã không coi tôi là con, thậm chí đến con chó còn được ông nựng chơi đùa, tôi không bằng được con chó trong mắt ông, và cả dì cũng chẳng khác bố là bao.
Dù trên lớp bị bạn bè bắt nạt, về nhà thì bị đánh đập đổ oan vô cớ, vết thương cũ chồng lên vết thương mới, nhưng vì bà từng nói con đường ngắn nhất tới thành công là học thật giỏi, tôi không ngừng nỗ lực cố gắng, thi đỗ được trường cấp 3 nằm trong top thành phố. Nhận được thông báo nhận học trên tay, tôi vui đến mức quên đi hết mọi thứ, quên đi sự hiện diện nhức nhối của vết thương chồng chéo trên da thịt.
Tôi đưa giấy báo cho bố, với hy vọng có thể thấy được một chút niềm vui trong đôi mắt của ông. Giáo viên chủ nhiệm khen tôi hết lời, vì đã lâu rồi một ngôi trường nội trú mới có học sinh đỗ trường top, cô còn khẳng định chắc nịch với tôi là bố sẽ rất vui khi thấy được giấy báo này. Tôi trong lòng như nở hoa, nhìn thấy bố đọc, môi không nhịn được mà nở nụ cười, tôi đang chờ lời khen của bố tôi, sự công nhận của ông, một cái xoa đầu như những người bố khác trong lớp khen con họ. Hôm đó tôi đi nhận giấy thấy nhiều bạn được bố mẹ khen ngợi, được xoa đầu, còn được quà nữa. Trường của họ đỗ được đều thấp hơn trường tôi, liệu rằng bố có khen tôi như thế không, không biết chừng tôi sẽ được thưởng quà. Trên đường về tôi đã nghĩ được quà rồi, tôi sẽ xin bố nuôi một bé mèo, trong khu vườn gần công viên có đàn mèo con mới sinh, lúc đó tôi sẽ lấy một em về để bầu bạn. Mới nghĩ đến thôi tôi đã phấn khích đến phát run, nhưng vẫn nén lại im lặng chờ bố tôi lên tiếng.
Bố nhìn tờ giấy rồi quay sang nhìn tôi, ánh nhìn lộ rõ vẻ phức tạp. Tôi không biết lúc đó bố nghĩ gì, sự xuất hiện của dì cắt ngang sự im lặng giữa hai bố con, dì nói tôi không cần phải đi học, rất tốn tiền, nên để dành cho em trai. Dì còn nói là đã sớm tìm cho tôi một công việc ở xưởng da giày, có thể đi làm được luôn từ ngày mai. Tôi thất kinh, cố gắng chờ bố tôi lên tiếng, chờ đợi hy vọng mong manh rằng bố tôi sẽ phản đối lại dì, khen tôi, cho phép tôi nuôi mèo, cho phép tôi đi học. Sự im lặng kéo dài khiến cho hy vọng của tôi dần trở thành ảo tưởng, tôi khóc nấc lên, quỳ ôm chân bố cầu xin. Bấy giờ ông mới có phản ứng, máy móc hất chân đá tôi văng vào tường. Ông không trả lời, như ngầm đồng ý lời của dì. Cứ thế bố đi ra khỏi phòng, dì theo sau nói thêm gì nữa nhưng tôi sớm đã không nghe rõ. Tôi gào khóc đến lạc cả giọng, không biết bản thân bất tỉnh khi nào. Nửa đêm tỉnh lại, thấy bóng dáng em trai nhỏ đang rón rén đắp chăn cho tôi. Thấy tôi tỉnh giấc, em giật mình, nhưng rồi nhanh chóng đặt vào lòng tôi một con lợn đất, thút thít bảo tôi cầm lấy để đóng tiền học, em còn dúi vào tay tôi tờ giấy báo bị vò nát, có lẽ là dì đã vứt vào thùng rác. Em trai ôm tôi rất chặt, hai đứa chúng tôi cùng sụt sùi, không dám to tiếng sợ bố và dì tỉnh giấc. Em nói đã nghe thấy cuộc trò chuyện, em cũng muốn giúp tôi, nhưng em sợ mẹ, sợ cả bố, em chỉ có con lợn tiết kiệm. Tôi cầm lên, không cần dùng nhiều sức, nhưng lúc đó với tôi, con lớn ấy thực sự rất nặng.
Sau khi đưa em trai về phòng ngủ, tôi thu dọn đồ rồi rời khỏi nhà ngay trong đêm. Hóa ra em trai đã nghe thấy dì bàn với bố từ lâu về việc không muốn cho tôi học cấp 3, muốn cho tôi đi làm tại xưởng giày của nhà dì để dễ quản lí. Nhưng như vậy khác nào biến tôi thành công nhân không công cho dì? Em trai nói vốn đã ngưỡng mộ sự nỗ lực của tôi, nếu tôi bị bắt thôi học như vậy thì thật không công bằng. Em cũng biết mình không làm được gì, từ đó lì xì mỗi năm em đều giấu đút vào lợn, mẹ cho tiền tiêu vặt cũng không mua kẹo, tinh nghịch cười bảo tôi ăn nhiều kẹo sâu răng nên em không thèm, đó là tất cả những gì em có thể làm cho tôi. Em cũng bảo là em cũng đã nói dối mẹ lợn cầm đi học bị mất, nên không phải lo cho em.

3. Lang thang một mình giữa đêm vắng, tôi tạm trú tại một cửa hàng tiện lợi. Trong lúc lục lọi tìm thông tin người quen trong chiếc điện thoại cục gạch, tôi đọc được một tin nhắn được gửi đã lâu từ bác tôi, đại ý tin nhắn là nếu có khó khăn gì thì hãy đến tìm bác. Bác trai sống một mình ở cùng thành phố, chỉ làm nhân viên công ăn lương bình thường, nhưng khi tôi đến tìm nhờ sự giúp đỡ, bác vô cùng niềm nở chào đón. Tôi bắt đầu ở cùng với bác, nhờ bác tôi đã có được một công việc làm thêm ở cửa hàng tiện lợi, bác cũng giúp tôi lo liệu thủ tục nhập học, hào phóng đóng trước học phí cho tôi. Có vẻ như bố không đi tìm tôi, mỗi lần đi qua khu nhà mình từng sống, tôi đều cố nán lại một chút để tìm thông báo tìm người. Không có bất cứ một thông báo tìm người nào, lúc nào cũng là những tờ quảng cáo vay tiền vớ vẩn. Cũng đúng, ông coi tôi không bằng một con chó, sao lại phí sức đi tìm tôi được.
Tưởng chừng như những ngày tháng ác mộng đã kết thúc, nhưng không ngờ đó mới là sự khởi đầu.
Học được một thời gian, giữa những con người ưu tú, cộng thêm việc làm việc ca đêm khiến tôi không đủ thời gian học tập, đôi lúc còn ngủ gật trên lớp, thành tích luôn ở top cuối, giáo viên đã nhiều lần phê bình nhắc nhở, thậm chí muốn gọi cho phụ huynh, nhưng tôi đều cố gắng xin xỏ mong cô bỏ qua, hứa rằng bản thân sẽ nỗ lực hơn.
Tôi có kết thân được với một vài người bạn, họ luôn sẵn sàng giúp đỡ tôi, đặc biệt là có một cô bạn luôn cho tôi mượn vở ghi chép, giảng cho tôi nghe những phần chưa hiểu, thậm chí đôi lần còn nói đỡ cho tôi. Tôi vô cùng trân quý cô ấy, nên có gì đều chia sẻ cho cô, cả những tổn thương trong quá khứ, kể về hoàn cảnh bản thân hiện tại. Phải nói, tôi với cô ấy như hình với bóng, không tách rời.
Mỗi ngày sau khi tan học, tôi sẽ trở về để chuẩn bị cơm nước để hai bác cháu cùng nhau ăn, cảm giác quây quần kể cho nhau nghe chuyện diễn ra hàng ngày khiến tôi cảm thấy giống như một gia đình vậy. Tuy nhiên có đôi, không hiểu vì sao, ánh nhìn của bác lên tôi càng ngày càng kì quái, lòng tôi không khỏi có chút bất an.
Tôi bước sang tuổi 17, cơ thể đã có những biến đổi rõ rệt về giới tính, càng lúc ánh nhìn của bác càng lạ. Tôi có vài suy đoán, nhưng đều không dám khẳng định, bởi trong lòng tôi bác chính là người có ân tình quá lớn, cảm giác còn như một người cha luôn ân cần săn sóc tôi, sao bác lại có thể hại tôi được?

Trong giữa lớp 11, các lớp bắt đầu đẩy nhanh tiến độ học tập để sớm chuẩn bị cho thi đại học, vì vậy, tôi quyết định nghỉ công việc làm thêm, bắt đầu chuyên tâm vào học tập. Khi người ta muốn thì sẽ tìm cách, tôi sử dụng hết mọi tế bào thần kinh não bộ lao mình vào học tập, học ở bất cứ thời điểm nào, bất cứ đâu, thành tích của tôi cứ thế mà tiến bộ một cách ổn định, khiến cho giáo viên hài lòng, đồng thời cũng giúp tôi giải đáp những phần kiến thức bị hổng. Vì đã nghỉ công việc làm thêm, thời gian tôi ở nhà với bác tăng lên, cái cảm giác sợ hãi của tôi vẫn còn ở đó, thậm chí có nhiều lúc tôi đang học bài đột nhiên cảm nhận thấy ánh nhìn chằm chằm sau lưng, quay lại đang thấy bác đang nhìn tôi, cười cười rồi bỏ đi.
Tôi cố đè cảm xúc của mình xuống, tự động viên mình nghĩ nhiều, tập trung vào học tập nhiều hơn.
Nỗi sợ của tôi ngày càng một rõ nét, bởi có lần tôi vô tình bắt gặp cảnh bác đang cầm nội y của tôi, đôi mắt không còn là người bác hiền lành của tôi nữa.
Tôi thường học bài đến tối muộn, không có tiền mua cà phê nên khoảng thời điểm 1, 2 giờ đêm là lúc mắt tôi không còn đủ tỉnh táo. Có những lần mệt quá đến mức gục ở trên bàn học, cũng may nhờ bác tôi nên lần nào tỉnh lại cũng là trên giường. Lúc đấy thực sự tôi không nghĩ gì nhiều, là do bác thấy tôi học mệt quá nên thương đưa tôi về giường mà thôi.
Nhưng đến một đêm, cả người tôi bị đè nặng nề đến mức ngộp thở, tôi mở mắt, lờ mờ thấy một bóng hình trên người tôi. Tôi giật mình, đôi mắt lấy lại sự tỉnh táo, là bác tôi!
“Bác lại bế cháu về giường đúng không ạ, cháu cảm ơn bác. Cũng muộn rồi, bác về nghỉ sớm đi ạ.”
Tôi cố kiềm sự sợ hãi, mở lời, mong rằng bác sẽ xuống khỏi người tôi. Thực sự tôi rất sợ, bản thân sớm đã không thể ngừng run rẩy, nhưng khi thấy bác tôi nhếch môi cười, một nụ cười mà sau này mỗi cơn ác mộng của tôi đều hiện hữu, nước mắt đã rơi lúc nào không hay.
“Bác ơi, đừng như thế. Cháu sợ.”
“Không sợ, ngoan” - Giọng bác khàn khàn, ánh lửa trên mắt như muốn nhấn chìm toàn bộ cơ thể tôi, bàn tay nắm chặt lấy bả vai, đè nặng xuống giường, không có lối thoát cho tôi. - “Sẽ sướng.”

Đêm ấy, tôi mất đi cái ngàn vàng.

4. Ánh nắng chói chang rọi qua cửa sổ làm tôi tỉnh giấc, cơn đau lôi tôi về thực tại, vệt máu đỏ chói mắt trên ga giường làm tôi buồn nôn. Chạy vào nhà vệ sinh không ngừng nôn khan, khắp người tôi toàn sự dơ bẩn, tôi không nhịn được, xả nước không dừng. Tôi lấy xà phòng chà toàn bộ cơ thể, chà mãi, chà mãi đến hết bánh xà phòng.
Chưa đủ! Vẫn chưa đủ!!
Thật bẩn, tôi lao ra định lấy thêm bánh xà phòng khác, nhưng bị trượt chân ngã xuống đất. Đập vào trước mắt là chiếc gương dài, trên nền da trắng ấy lại có những vết tím đỏ lẫn lộn, nước mắt làm nhòe đi tầm nhìn, nhưng tôi vẫn thấy mình thật bẩn, thật sự rất bẩn…

Tại sao người tôi coi là ân nhân lại làm chuyện ghê tởm đấy với tôi?
Tôi lang thang trên đường, không biết là đi đâu,chỉ biết là đang cất bước.
Đi mãi đi mãi, tôi dừng lại tại một cây cầu.
Nhìn từ trên xuống, tôi có thể thấy dòng nước bên dưới chảy không chậm, liệu rằng nó có cuốn trôi đi sự bẩn thỉu trên cơ thể này không?
Tôi bần thần đứng trên cầu rất lâu.
Tôi không còn ai cả, người bố sớm đã không còn cần biết đến sự tồn tại này, người cưu mang mình lại làm nhục mình…
Tôi tự hỏi liệu giờ mình nhảy xuống, có thoát ra khỏi nơi đây không?
Thoát khỏi cái cuộc sống không ai nương tựa này, thoát khỏi cái thứ vận mệnh tệ bạc này.
Trên phim, người nhảy cầu tự tử thường để lại đồ vật tùy thân gì đó, như dép chẳng hạn. Phải chăng người ta làm vậy để thông báo lần cuối cùng ư? Rằng tôi đã chết rồi đấy, chết ở đây. Rằng sẽ có người thân nào đó biết đến để nhận xác.
Di thư cũng không có, chợt nghĩ có nên để lại dép hay không.
Nhưng rồi chính tôi cũng tự bật cười bởi suy nghĩ này, tôi làm gì còn ai quan tâm nữa đâu. Không, vẫn còn có cô bạn ấy, nhưng tôi nghĩ cô sẽ thông cảm cho tôi thôi, vì cô ấy hiểu tôi quá mà.
Bà ơi, mẹ ơi. Con đến với hai người đây.
Một tay vịn lên lan can cầu, định trèo lên. Bỗng từ đâu xuất hiện một bàn tay bám vào vai, ấn tôi xuống.
Tôi giật mình quay đầu lại nhìn, đó là một bà lão tóc bạc phơ.
Không hiểu vì sao hình ảnh bà ngoại thoáng qua trong tâm trí tôi, bà lão này thực sự rất giống bà.
Đến khi tôi nhận thức lại được thì bà cụ đã đi mất, tôi vội chạy xuống tìm kiếm nhưng không tìm thấy, bà lão biến mất như thể chưa từng đi qua đây vậy.
Một giọng nói đã lâu không được nghe bỗng văng vẳng bên tai.
“Sống. Phải sống!”

Tôi chạy như bay đến đồn cảnh sát, định tố cáo việc làm sai đạo đức của bác tôi. Đứng tần ngần một hồi lâu trước cổng, nhưng tôi không đủ dũng khí bước vào. Tôi sợ, sợ rằng cảnh sát nghe xong sẽ nhìn tôi bằng ánh mắt kì thị, sợ ra đường người ta gán mác, sợ bè bạn xa lánh. Tôi không thể chịu nổi cảm giác đấy, giờ trường học là nơi cuối cùng của tôi.
Cuối cùng, tôi quay đầu trở về.
Hôm sau, tôi đến lớp như chưa có chuyện gì xảy ra, bạn bè chung quanh hỏi han đôi chút, tôi chỉ cười xuề xòa là qua ngủ quên tới chiều.

Tôi bắt đầu lên kế hoạch giảm thời gian về nhà bác dần, dùng vài đồng tiền ít ỏi tiết kiệm mua bánh mì ăn tại cửa hàng tiện lợi sống qua ngày, đến đêm muộn khi biết chắc bác đã ngủ, tôi mới dám mở cửa vào nhà chốt cửa phòng đi ngủ, sáng sớm trước khi bác dậy tôi đã chạy đến trường. Tuy ngày chỉ ngủ được quanh quẩn chưa đầy 5 tiếng, nhưng ít nhất làm vậy giúp tôi an tâm hơn.
Cứ như vậy qua được học kì hai năm lớp 11, tôi dự ôn luyện nốt năm lớp 12, định thi vào một ngôi trường thật xa nơi đây.

5. Nếu như mọi chuyện có thể diễn ra suôn sẻ như vậy, có lẽ đời tôi đã khác.
Như bao ngày, đến gần 2h sáng tôi mới lọ mọ vào nhà, chạy thật nhanh lên phòng rồi chốt cửa lại, chuẩn bị chìm vào giấc ngủ.
Thật lạ, sao hôm nay lại đốt hương muỗi muộn như vậy?
Không hiểu vì sao hôm nay tôi ngủ nhanh hơn bình thường.
Tiếng lạch cạch từ phía cửa phát ra ngày một to dần, tôi mở mắt, hoảng hốt nhận ra rằng đương nhiên bác tôi phải có chìa khóa phòng, tôi ra sức trở mình nhưng không được, cả tấm thân nặng như chì. Tiếng cạch mở cửa, chưa bao giờ tôi cảm thấy sợ hãi tiếng kẽo kẹt của cửa như bấy giờ, đã quá trễ, khuôn mặt bác dần xuất hiện, trông thật ghê rợn và đáng sợ. Bác cười như dã thú, lao lên giường, gắt gao sờ mó.
“Bé ngoan, cùng anh tận hưởng đêm nay nào.”
Tôi bất lực nhìn cả thân thể to lớn kia di chuyển, cơn đau đớn liên tục truyền vào, nhắm nghiền mắt lại để né đi sự thật đang diễn ra trước mắt kia.
Phải rồi, có lần một thì sẽ có lần hai, lần ba, lần thứ n.
Mỗi đêm về sau tôi đều uống thuốc ngủ, mặc cho bác muốn làm gì thì làm. Chỉ cần uống thuốc, tôi sẽ không phải nhìn thấy sự ghê tởm kia thêm lần nào nữa.

Tần suất đi mua thuốc tránh thai của tôi ngày một tăng, dù có uống thuốc ngủ, nhưng sáng hôm sau tỉnh lại tôi vẫn có thể cảm nhận được cơ thể đã bị chịu dày vò như nào. Mỗi lần đi mua tôi đều phải đổi địa điểm mua, đến khi hết tiền tiết kiệm, tôi cũng không biết phải làm như nào.

Đến giờ trưa ăn cơm, ngửi mùi tanh của bát canh riêu, cơn buồn nôn ập đến, tôi vội chạy vào nhà vệ sinh nôn khan. Sự sợ hãi bỗng chốc xâm chiếm, không lẽ tôi có thai?

Tôi không dám chấp nhận sự thật, cố gắng bình tĩnh, lại nhớ đến nụ cười ghê rợn kia, lại không nhịn được nôn.
Chiều đấy tôi xin nghỉ học, đi mua que thử thai.
Hai vạch, là hai vạch.
Một sự kết tinh vô đạo đức đang trong bụng tôi.
Tôi phải phá nó, tôi còn trẻ, còn tương lai phía trước, đứa trẻ này không thể xuất hiện, nó là hiện thân của tội ác.
Nhưng tôi chưa đủ 18 tuổi, không thể tự đi phá thai. Tôi không biết phải nhờ cậy ai. Tìm kiếm một hồi lâu trên mạng, tôi dự định sẽ đi phòng khám tư.

6. Nhưng cuộc đời tôi vốn không phải là biển lặng.

Thuốc ngủ cũng đã hết, đêm ấy tôi đã dùng mọi thứ có thể chèn vào cửa ngăn bác vào, nhưng vẫn không thể nào thoát khỏi. Khi đang bị dày vò, tiếng của mở toang ra, là bác gái đã chứng kiến cảnh tượng kinh tởm kia. Cả người bác gái như phát điên, lao túm tóc tôi, chửi mắng tôi, tôi không còn nghe rõ liệu đó có phải là Tiếng Việt nữa hay không.
“Đồ mất dạy, không ai dạy cho mày là không được động vào người đàn ông đã có gia đình rồi hay sao?”
“Vì mày không có mẹ nên không ai dạy mày à, giờ tao dạy TAO DẠY!!!”
Mỗi câu nói của bác gái đều đi kèm với những cú đánh, như trời giáng, tôi bị đánh đập, cào cấu, bác gái dùng mọi thứ để đánh đập tôi, bụng tôi bị đạp mạnh xuống bậc thang, máu cứ thế mà  chảy ra ngoài, tôi dần rơi vào trạng thái mê man.
Hàng xóm xung quanh vì tiếng gào của bác gái mà dần tụ xung quanh, họ bắt đầu chụp ảnh, chỉ chỏ phán xét tôi. Không ai đề cập đến bác tôi, cũng không ai đứng ra bảo vệ tôi. Tất cả bọn họ đều quy tôi vào Con giáp thứ Mười ba, nói tôi là ăn cháo đá bát, lên giường với người có ơn với tôi, lên giường với chính bác mình.
Những đoạn video quay ngày hôm ấy nhanh chóng được phát tán lên mạng. Những thần cào phím dậy sóng lên tiếng chửi mắng tôi, nói tôi là hồ ly tinh, là đồ không có đạo đức, số đông người mong tôi mong chết đi.
[Đúng là loại người gì cũng có, giờ ngay cả bác ruột mà cũng không thèm tha.]
[Vô giáo dục, vô đạo đức, không hiểu tại sao có nhà lại nuôi một đứa con gái lẳng lơ như thế này]
[Cô ta làm gì có mẹ, sao mà có liêm sỉ được.]
[Tôi mà là cô ta, chắc giờ tôi đã treo cổ lâu rồi, không thể sống nổi với cái thể loại như vậy. Sống làm gì cho chật đất.]
[Bác trai kia cũng thật khổ, cứu cô cháu gái mà lại có vợ haiii]
[Nhìn mặt cũng đâu đến nỗi nào, có khi đã đi làm với nhiều thằng rồi, giờ bị bỏ, không biết tìm ai, nên….]

Chỉ một đêm, toàn bộ danh dự của tôi đã không còn. Trên mạng toàn những kẻ chỉ nhìn một phía mà lên chỉ trích tôi, toàn những thánh nhân thánh phật đeo mặt nạ đạo đức giả tạo đứng trên phím phán như thể họ biết tất cả mọi việc.

Khi hai bên bình tĩnh lại, bác gái nhìn tôi với cặp mắt khinh bỉ, cao giọng chất vấn tôi.
Hóa ra bác gái cùng con trai đã đi sang Nhật làm xuất khẩu lao động, định cư ở bên đấy, còn bác thì vì tính chất công việc mà ở lại Việt Nam làm công ăn lương, dự định hai mẹ con bên kia mua được nhà rồi thì sẽ sang ở cùng.
Đối diện với câu hỏi của bác gái, tôi kể hết mọi việc, rằng ánh nhìn của bác như nào, rồi bác đã dùng cả nhang mê để trói buộc tôi. Tôi còn kể rõ về việc mua thuốc, về việc đã trốn tránh bác như nào. Dù đã bấu chặt tay nhưng tôi không ngừng run rẩy, vì khi tôi kể lại, kí ức cũng ùa về, và tôi sợ chúng.
Nhưng có lẽ bây giờ còn có thứ đáng sợ hơn, chính là cái nhìn của xã hội.
Rõ nhất trước mắt tôi là ánh nhìn của bác gái.
Một người phụ nữ trung niên đã ngoài năm mươi, đôi mắt nghiêm nghị nhìn tôi, như đang cố tìm ra điểm nói dối của tôi trong câu từ vừa rồi. Tôi thấy trong ánh mắt bác gái là sự khinh miệt rõ rệt, dường như bác gái không chịu tin lấy lời của tôi dù là nửa chữ. Bác gái quay sang nhìn chồng, lần này bác quay sang chối thẳng thừng.
Bác uốn éo quỳ xuống chân bác gái mà thề thốt, rằng tôi chính là người quấn lấy ông ta trước, là tôi quyến rũ ông ta, cố tình mặc hở hang để dụ dỗ, tối qua mới chỉ là lần đầu trót dại, tất cả những gì mà tôi nói trước đó là giả, là muốn gạt bác gái.
Ông ta lại lôi việc kết hôn hơn 30 năm ra để lấy niềm tin của bác gái, cố gắng phủ nhận mọi tội lỗi mà bác đã làm cho tôi trong suốt quãng thời gian vừa qua.
Tôi trợn tròn mắt kinh hãi nhìn sự giả tạo mà bác tôi đang diễn, cả người tôi run lên vì phẫn nộ, thậm chí suýt chút nữa mà nói mình đã mang thai con của bác.
Vô thức sờ bụng dưới, cảm tưởng như trong đây không còn bất cứ dấu hiệu của sự sống nào. Không lẽ trong trận đánh tối qua, bác gái đã làm tôi sẩy thai ư? Cái thứ kết tinh ghê tởm kia đã biến mất rồi ư?
Tôi bật cười, nhưng nước mắt lại rơi lã chã trên mặt.
Đứa con của tôi, chết rồi. Tôi cũng chết rồi.
Bác gái nhìn tôi, nhớ lại cảnh tượng tối hôm qua. Bác gái vịn vào bàn, như ngộ ra điều gì, vội vàng mở điện thoại ra xem lại những ảnh và video của ngày hôm qua. Vết thương của tôi không quá nhiều, không hề sâu, nhưng tôi lại nằm trên một vũng máu đỏ tươi chói mắt. Bác gái hết nhìn tôi đến nhìn tấm ảnh, giọng bác bỗng run rẩy:
“Cháu….cháu mang thai ư?”
Tôi ngẩng mặt lên cười không đáp, cả hai vợ chồng bác đều sửng sốt, khuôn mặt trắng bệch. Bác gái không còn chút sức lực nào giữ lấy cơ thể, khụy người xuống thẫn thờ, bác nhìn thấy cũng vội ra đỡ bác gái, chỉ tay về phía tôi quát:
“Mày đừng có ngậm máu phun người. Mày ra ngoài làm với bao thằng, ai biết được đấy là con của ai. Đừng có đổ oan cho tao. Uổng công mấy năm nay tao cho mày ăn học.”
Tôi cười lớn hơn, không còn nhận thức được đấy là tiếng cười hay tiếng khóc. Hình ảnh ga giường màu đỏ đáng sợ, thân hình chi chít vết tím đỏ lẫn lộn trong gương ngày hôm ấy ùa về trong tâm trí. Không là ông thì là ai, chính ông đã đẩy tôi đến cầu, đẩy tôi đến ranh giới của sự sống còn.
Tôi điên cuồng lao đến chỗ bác, đẩy bác gái ra, trong tay tôi cầm con dao gọt hoa quả trên bàn.
Được, không phải là bác chứ gì. Vậy thì hãy xuống mồ chào con tôi đi!!!
Tiếng hét thất thanh của bác gái, vết máu tươi rỉ ra từ cánh tay bác, và tiếng cười rợn người của tôi hòa vào nhau, tạo thành một khung ảnh thật độc đáo.
Tôi bị đưa đến bệnh viện.
Sau một loạt các thao tác kiểm tra, kết quả khiến cho bác gái tôi chết ngất tại chỗ.
“Bệnh nhân bị va đập mạnh, mất máu quá nhiều nên thai nhi trong bụng không giữ được. Thai nhi được 1 tháng tuổi.”
“Bệnh nhân bị xâm hại nhiều lần.”
“Đối chiếu với tinh trùng có trong tử cung bệnh nhân, đã xác định được người xâm hại.”
Giấu làm sao được, tôi đờ đẫn nằm trên giường bệnh mà cười khẩy. Bác gái cũng biết rõ, tối ngày bác gái bắt được, ông ta còn chưa kịp cởi nốt quần bên trong, mà trong người tôi lại lưu tinh trùng của ông ta. Người ngu cũng biết được ai là người nói thật, ai là người nói dối.

Bác gái là người phụ nữ cả đời lao động cống hiến vì chồng vì con, chung sống với nhau cũng đã nửa đời người, mà giờ đây mới xuất khẩu lao động được vài năm, bác gái lại nhận được thông tin chồng thông dâm với cháu gái, làm cho cháu có con, mà giờ chính bác gái lại là người gián tiếp giết đứa con trong bụng của tôi, là máu mủ của người hơn 30 năm cùng giường với mình.
Bác gái ngất, hôn mê suốt 3 ngày.
Tôi ở bệnh viện chăm bác gái, còn bác trai thì đi đâu không rõ.

7. Câu chuyện đêm đó được lan truyền với một tốc độ mà tôi không ngờ đến, tôi không có điện thoại nên cũng không bắt sóng được tin tức, chỉ khi các cô điều dưỡng nhìn tôi và xì xầm bàn tán, tôi mới nhận ra được tính nghiêm trọng của sự lan truyền này.

Thực ra những người dùng mạng xã hội không hề ngốc, họ chỉ là đang cố tìm những người có những hành vi sai lệch, chỉ cần một đám lửa nhỏ thôi, họ cũng có thể thổi thành một đám cháy lớn.
Chuyện của tôi là một ví dụ điển hình. Sau khi bác gái tôi nhờ cậy công an gỡ các video kia xuống, thì dư âm vẫn còn đó. Tôi quay lại trường sau một tuần nghỉ, tất cả bạn học ai nấy cũng tránh né tôi, họ xì xầm còn to hơn cả những cô điều dưỡng ở bệnh viện, vô tình hay cố ý để tôi nghe thấy. Họ nói tôi là đứa con gái lẳng lơ, làm đix để kiếm tiền ăn chơi hoang phí, có người phụ họa theo bảo tôi là đứa không có mẹ, làm sao được dạy dỗ cẩn thận, vì thế mới leo lên giường làm con giáp thứ mười ba. Tôi không nhịn được lao vào đứa nói xấu mẹ tôi, bị đình chỉ học 1 tuần.
Ngày tôi đi học lại là ngày khởi đầu của những cuộc bắt nạt.
Tôi ngồi vào chỗ của mình, bị dính vào lớp keo, bị dội nước lau sàn của các bác lao công, bị ghẻ lạnh, mọi tội lỗi trong lớp đều đổ hết lên đầu tôi, dù chỉ là mất cây chổi, mọi người cũng sẽ bảo là do tôi lấy, trong khi về sau chổi được tìm thấy trong nhà kho, cũng chẳng ai thanh minh giải oan cho tôi.
Quá đáng hơn, họ thành lập một hội chỉ để làm nhục tôi trước mặt nhiều người, như quay video cảnh ép tôi nuốt nước bồn cầu, lột quần áo của tôi rồi đốt, bỏ lại tôi tại lớp học không một mảnh vải che thân. Những đứa con gái có người yêu chia tay thì giận cá chém thớt đổ lên đầu tôi, bảo tôi quyến rũ người yêu chúng, chỉ giỏi làm đix, làm đieesm, thi nhau buông lời mắng nhiếc sỉ nhục thanh danh tôi. Trên diễn đàn trước nhàm chán vô vị bao nhiêu giờ toàn những câu chuyện bàn tán về tôi rất xôn xao. Có những phụ huynh hay tin con em mình học cùng lớp với tôi, lần lượt yêu cầu giáo viên đuổi tôi đi, không thì sẽ chuyển trường cho con họ. Những bậc phụ huynh ấy nói rằng không thể để tôi làm vấy bẩn con họ được, nghe thật giống như dì vậy.
Dưới sự thúc ép của phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm hẹn gặp riêng tôi. Cô không còn sự nhẹ nhàng ân cần bảo ban tôi như ngày trước nữa, giờ chỉ là bộ mặt ghét bỏ như bao người kia, mong muốn tôi rời khỏi ngôi trường này.
Tôi không hiểu, rốt cuộc mình đã làm gì sai để phải hứng chịu những điều này, tôi nắm chặt lấy tay cô, tha thiết cầu xin cô cho tôi được ở lại học, năm cuối cấp rồi, tôi tốt nghiệp thì sẽ không ảnh hưởng đến trường nữa.
“Với cái “chiến công” hiển hách khắp mạng xã hội của em, có trường đại học nào dám nhận em nữa không?”

Tôi tìm đến cô bạn thân của tôi, người luôn giúp đỡ tôi từ lúc vào cấp ba đến giờ, với hy vọng sau những gì chúng chúng tôi đã từng trải qua với nhau, cô ấy sẽ tin tưởng tôi, sẽ là người cứu vớt tôi khỏi nơi này.
Cô đồng ý hẹn gặp mặt tôi, khi đến địa chỉ nhà cô, tôi chết lặng tại chỗ.
Khu nhà này…là khu nhà mà bố tôi ở.
Dì bước ra cùng cô, tôi không dám tin vào mắt mình, hô hấp như rối loạn.
Không thể nào.
Hai người họ nhìn tôi như một con ngốc, cùng nhau phá lên cười.
Cô ấy nói rằng, cô và dì tôi là họ hàng với nhau, dì đã kể cho cô nghe về tôi, nên khi mới vào cấp 3, cô đã cố tình tiếp cận tôi. Còn tôi thì như kẻ ngu tin vào tình bạn viển vông giữa hai người.
Cô còn nói, khởi nguồn của nhóm lập ra để khiến tôi nhục nhã chính là cô ấy. Cô đi lan truyền khắp trường về việc tôi là đứa trẻ không có mẹ, là đứa tiểu tam đi phá hoại hạnh phúc nhà người bác ruột. Và cũng chính là cô đã phát video tôi bị bác gái đánh cho toàn bộ lớp xem.
Cô cười cười nói với tôi, có sự hiện diện của tôi trong những năm tháng cấp 3 là vở kịch hay nhất mà cô từng tham dự, rất hay, rất vui.
Cô mở điện thoại cho tôi xem, những đoạn video tôi bị bắt nạt đều có hết trên máy cô ta.
Hóa ra từ đầu đến cuối là tôi đã sai.
Câu chuyện của chúng tôi được những người xung quanh tụm vào xem. Họ sớm đã nhận ra tôi, bắt đầu công kích chửi rủa, tôi cố gắng thanh minh, nói tôi không phải người như vậy, tất cả chỉ là giả dối.
Không một ai nghe.

Tại sao những người bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục lại trở thành kẻ tội đồ trong chính câu chuyện họ là nạn nhân?

8. Tôi cố gắng thoát ra khỏi đám đông ấy, nhưng họ nào tha cho tôi, những tiếng mắng mỏ bắt đầu có thêm những cái đánh, cái đá. Họ coi tôi như thứ để trút giận. Giữa cuộc sống của họ, kể cả họ cũng không phải người tốt, nhưng chỉ cần có kẻ xấu xí hơn họ, họ sẽ lấy cái danh nghĩa của cái thiện mà chà đạp, mà phán xét, che đi cái xấu xí của họ.

Tiếng còi của cảnh sát an ninh trật tự kéo đến, xua đám người kia ra, tôi nằm đó thoi thóp thực đáng thương.
Đám đông tản ra, tôi mới nhìn lại được lên ban công tầng 3 của nhà bố tôi, nơi đó có một cậu nhóc lớp 10 đang khóc lóc thảm thiết, tay cầm một chiếc điện thoại di động.
Lần này, chị lại nợ em rồi.
Nằm trong bệnh viện trị liệu, tôi nhận được một thông tin từ bác sĩ.
Tôi không còn khả năng mang thai.
Việc bị đánh đập nhiều năm đồng thời bị xâm hại nhiều lần khiến cho tử cung đã chịu tổn thương nặng nề, thêm một lần sảy thai, tôi vĩnh viễn không thể có con được nữa.
Đứa con đầu tiên cũng như cuối cùng của cuộc đời tôi, không đến từ người đàn ông mang danh nghĩa chồng tôi, người sau này sẽ rất yêu thương tôi mà lại là con của chồng của người khác, của người bác ruột của tôi.
Thật bi hài.

Tôi trở về thăm mộ bà, có vẻ như không được ai chăm sóc, cỏ dại đã mọc lên rất cao. Tôi dọn dẹp phần mộ, thắp hương cho bà, vừa khóc vừa kể cho bà nghe những chuyện tôi từng trải qua, cảm giác như ngày bé vậy, nằm trong lòng bà khóc thút thít kể về chuyện ra đồng làm rơi chiếc kẹo để dành mấy ngày.
Qua lời kể của các bà quanh nhà bà, tôi mới biết là bà là mẹ đơn thân nuôi nấng 3 người con, ông tôi đã bỏ bà đi theo người phụ nữ khác, để mình bà nheo nhóc với hai đứa con cùng bụng bầu 5 tháng, đó là lúc bà mang bầu mẹ tôi. Có lẽ đó là nguyên do mẹ tôi sống chết bám lấy bố tôi, mẹ muốn cho tôi một mái ấm trọn vẹn. Nhưng phải chăng do sự đánh đập tàn bạo của bố tôi trong những cơn say ấy cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến mẹ tôi mất trên bàn đẻ?

Tôi trở lại bên cây cầu mà năm trước tôi đã đứng với tâm thế kết liễu cuộc đời mình. Thực nhanh, một năm trôi qua không những không khiến tôi có động lực sống hơn, càng đẩy tôi vào vực sâu không đáy. Tôi tự hỏi liệu có phải là lần trước do trong lòng tôi còn sợ hãi, không dám nhảy, nên mới tự sinh ra ảo ảnh mang hình bóng bà để cản mình lại không?

Gió cầu thật lạnh, sắp sang hè mà trong cơn gió vẫn còn lưu lại sự giá lạnh của mùa đông đã qua. Mùa xuân của tôi sớm đã đóng băng từ lâu rồi chăng.
Không nhà, không người thân, không nơi nương tựa, không còn danh dự phẩm giá, cũng không còn được tâm trí ổn định.
Bác sĩ nói tôi mắc trầm cảm giai đoạn hai, muốn tôi vào viện tâm thần điều trị. Bác sĩ nói điều trị xong tôi có thể trở lại làm người bình thường, sống một cuộc sống bình thường.
Liệu sự “Bình thường” có thực sự bình thường như lời bác sĩ nói hay không?
Chính cái xã hội ngoài kia đã biến tôi trở thành người như thế này, chính họ biến tôi thành “kẻ lạc loài”. Giờ lại yêu cầu tôi chữa trị để thành người bình thường giống như họ ư?
Liệu khi chữa trị xong, họ sẽ nhìn tôi như nhìn một người bình thường chứ? Hay họ lại tiếp tục gắn mác cho tôi là kẻ điên, là kẻ bị tâm thần, muốn tôi tránh xa họ ra, đẩy tôi về lại một vòng lặp vô tận như trước kia ư?
Cái ác vẫn ở đó nhưng không ai đứng ra giúp tôi, kể cả khi tôi đang nói sự thật, họ không tin tôi. Vậy thì hà cớ gì lại phải trị cho tôi, chứ không phải là trị cho những kẻ kia, những kẻ mang bộ mặt đạo đức giả kia? Chính họ mới là mầm bệnh, là thứ đẩy tôi ra khỏi cuộc đời tôi, và có lẽ không chỉ tôi, mà còn là hủy hoại biết bao cuộc đời của người khác.
Ai trả cho tôi sự trong sạch đây?
Ai trả cho tôi sự bình yên đây?
Ai trả lại tôi đây?

Gió thật lạnh, nhưng lòng người còn lạnh hơn.
Lần này, như không còn lưu luyến, thoắt một cái đã không còn bóng dáng trên cầu.
“Sống. Phải sống!!”
“Vâng, giờ con sẽ bắt đầu sống đây. Con sẽ sống bên bà, bên mẹ. Con sẽ sống.”
“Sống chỉ là chờ đợi cái chết, tại sao phải sống tiếp?”
“Chết là sự giải thoát, là khởi nguồn của sự sống.”
Tiếng gió vù vù bên tai thật thoải mái, thổi đi mọi biến cố của tôi, trả lại cho nước một cô bé 12 tuổi ngây thơ trong sáng bên bà ngoại, rong ruổi trên những cánh đồng nước vi vu tiếng diều.

Sống là chết.
Chết là sống.
Cuối cùng, tôi đã được sống.
Gió thật lạnh, nhưng cũng thật ấm áp.

Ngày 16/08/23
Hoàn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro