Cố gắng (Tạp bút)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhìn màn mưa dày đặc ngoài cửa kính xe, lòng anh rối bời.

Chuyến xe đêm nay cũng giống như chuyến xe những đêm trước. Tiếng bánh xe ma sát với mặt đường làm người ta hoảng sợ. Mà không, có lẽ chỉ những người đã quen thuộc với những chuyến xe tử thần này như anh mới biết để mà sợ. Khác với mấy tháng trước, cần phải mở kính xe để nghe tiếng gió rít gào như lốc xoáy bên tai, hay để gió táp bỏng rát như dao cắt vào mặt, bây giờ chỉ cần chú ý lắng nghe tiếng bánh xe chạm vào mặt đường, anh cũng có thể đoán được xe chạy nhanh đến mức nào, một trăm cây số một giờ, một trăm hai mươi cây số một giờ, hay hơn thế nữa. Hai ông anh đi vượt biên viết thư về kể rằng, đường ở nước ngoài rộng lắm, đẹp lắm, xe ở nước ngoài chạy nhanh lắm, hơn trăm cây số một giờ là bình thường. Chắc tại đường ở đây không rộng lắm, cũng không đẹp lắm, nên mỗi lần xe chạy hơn trăm cây số một giờ, anh đều cảm thấy Diêm vương đã ở sát bên cạnh. Vào những đêm mưa gió tầm tã như thế này thì cảm giác đó càng trở nên chân thật hơn.

"Rít..." Tiếng bánh xe cà vào mặt đường tạo thành âm thanh chói tai, sởn cả gai ốc.

"Tới Sóc Trăng rồi. Thằng quỷ này muốn chết hay sao mà lần nào tới chỗ này nó cũng đánh cua như vậy?! Có ngày lật xe rồi mày đem cá về cho dòng họ mày ăn thiệt luôn con ạ!" Một ý nghĩ vẩn vơ xuất hiện trong đầu anh, xen lẫn vào hình ảnh lần anh tìm nó để xin được đi ké những chuyến xe như thế này.

*** *** ***

Nhìn nó tu ực một cái, hết cả ly cà phê nước nhất mới vừa rỏ ra khỏi phin, anh lắc đầu: "Nhìn mày uống, tao tưởng cà phê dão chứ."

"Buồn ngủ lắm! Có gì nói lẹ đi cha. Ngủ chút xíu còn quay đầu xe về." Nó cáu bẳn.

"Tao đi với mày được không?" Tay lấy muỗng khuấy cà phê liên tục, anh nhẹ giọng hỏi.

"Khùng hả mậy? Về thì lát leo lên xe về. Có chủ cả gì ở trên xe đâu mà ngại. Không đi đâu nữa thì lên xe ngủ với tao rồi chút về luôn. Chuyện vậy cũng rào trước đón sau. Giống hệt đàn bà." Nó quạu quọ đáp lời.

"Không phải, tao muốn theo xe của mày đi lên đây hàng ngày, đi lên rồi đi về chung luôn." Anh thở dài thậm thượt, giọng nói đầy vẻ bất lực và không tình nguyện.

Ừ thì đúng là anh không tình nguyện. Làm sao mà tình nguyện cho được? Nếu ai không biết xe cá Cà Mau lên Sài Gòn chạy như thế nào thì cứ đến hỏi anh, anh nói cho mà nghe.

"Đúng bảy giờ lăn bánh, đúng mười giờ tới Bắc Cần Thơ, đúng mười một giờ tới Bắc Mỹ Thuận, trước hai giờ sáng phải tới Sài Gòn. Nhất định phải qua Bắc Cần Thơ lúc mười giờ, để được qua Bắc Mỹ Thuận lúc mười một giờ. Tại sao hả? Vì chuyến phà mười một giờ là chuyến cuối, xe mà kẹt lại bờ bên đây, thì mày có thể đem cá về chia nhau ăn, vì trễ chợ rồi. Đúng là chạy xe luôn. Đã lắm. Chạy xe chung với thần chết mày ạ." Lời của chính thằng quỷ này bốc phét về những chuyến xe cá nhanh dữ dội và đầy rẫy nguy hiểm của nó vẫn còn văng vẳng bên tai, mà giờ này anh lại ngồi đây để đề nghị nó cho anh đi chung.

Thằng quỷ này lúc đó nhìn anh như thể anh mới là quỷ thật sự. Rồi nó chép miệng hỏi bâng quơ: "Sao vậy?"

"Tao lên tìm thứ gì về cho vợ tao bán. Đi xe đò hết cả tiền lời." Anh cười trừ, để cây muỗng xuống, cầm cốc cà phê nước nhất lên, tu ực một cái, hết sạch. "Thôi, lên xe ngủ, lát về."

...

Rồi sau đó, anh đi chung với nó, có khi lên rồi về ngay, có khi ở lại dăm ba bữa. Có thằng bạn làm lái xe cũng hay. Dù là xe thần chết hay xe gì cũng được, đỡ tiền xe trong lúc này là hay rồi.

*** *** ***

Năm nay, anh hai mươi tám.

Khi đám bạn con bồng con bế, anh mới lấy vợ, lúc hai mươi bốn. Sau hơn hai chục năm chơi bời lêu lỏng, chẳng làm việc gì ra trò ra trống, anh quyết định chí thú làm ăn. Để bảo đảm điều đó sẽ xảy ra, má anh cưới chị cho anh. "Có vợ rồi nó sẽ lo mần thôi", má anh nói vậy với tất cả bà con đến dự đám cưới.

Mà má anh nói đúng thiệt. Từ ngày có vợ, anh chăm chăm lo làm, làm đủ thứ, từ làm thợ bạc, làm nước mắm, bán củi, bán cây, bán than. Trong đầu anh chỉ có một ý nghĩ duy nhất, là anh phải cố gắng, phải hết sức mà làm, cho vợ anh, cho con anh được sung sướng.

Chỉ là, thời thanh niên, anh làm việc bông đùa, nên liên tục thất bại. Lúc đã là trụ cột gia đình, anh làm ăn chăm chỉ, kết quả cũng là liên tục thất bại.

Có thất bại anh hiểu tại sao, như lần anh không nghe mọi người khuyên, lấy tiền lời đi mua một chiếc sáu bảy để chở chị đi chơi mỗi tối.

"Phung phí quá! Mai mốt buôn bán không được rồi thâm vốn cho coi." Chế hai anh nói vậy. Nhưng lúc đó anh không cho là đúng. Phung phí gì chứ? Vợ anh đẹp, anh phải chở đi khoe thôi.

Mà vợ anh đẹp thật, đẹp lắm. Tóc chị dài ngang lưng, đen óng, mượt mà. Đôi mắt chị to tròn, long lanh, sáng rực. Đôi môi chị chúm chím, căng mọng, ửng hồng. Anh nhớ sau đám cưới, má biểu hai vợ chồng anh chụp một bôi hình để làm kỷ niệm. Chủ tiệm chụp cho hai vợ chồng một tấm, sau đó lại ngỏ ý chụp không cho chị một kiểu, với điều kiện tiệm phải được giữ lại một tấm hình của chị để trưng trong tiệm của họ. Chế hai anh hay được chuyện này, cười tít mắt cả tháng, gặp ai cũng khoe: "Vợ thằng Sáng chụp hình y như diễn viên điện ảnh. Tui đâu có tiền rửa hình nó đem về, nhưng tấm hình treo ở tiệm Hoa Phượng là hình nó đó." Con Út em anh cũng vậy, suốt ngày dắt bạn lại đó coi hình chị dâu. Vậy đó, mọi người đều thấy hãnh diện vì vợ anh đẹp. Ai cũng khoe, tại sao khi anh mua xe chở đi khoe thì lại phản đối?

Đến ngày thật sự buôn bán không được thì anh mới thấy chị mình nói đúng, nhưng đã trễ rồi. Chế hai giận lắm, kiên quyết không cho ai giúp, hai vợ chồng phải đi trốn nợ cả tháng. Rồi mọi người nhớ bé Nhí quá, đứng ra điều đình với người ta xong, lại kêu vợ chồng anh về.

Nhưng cũng có những lần anh chẳng hiểu lý do tại sao mình thất bại. Như lần gần đây nhất chẳng hạn. Buổi chiều, chị đến nhà má anh lấy hết tiền tích cóp của hai vợ chồng để đưa cho anh đi mua củi về bán. Năm giờ sáng là đi rồi. Hai vợ chồng ngủ một đêm. Sáng thức dậy, trong nhà chỉ còn hai vợ chồng với bé Nhí, tiền bạc, quần áo mất sạch. Vậy là lại trốn nợ.

"Chắc là tại ý trời!" Chị nói vậy, anh không tán đồng, cũng chẳng màng tranh cãi.

Anh mệt mỏi, thất vọng, và chán nản, không phải vì năm lần trốn nợ, mà vì những lần chẳng phải tại anh cũng chẳng phải tại chị như thế. Nhưng anh không bỏ cuộc, anh vẫn không ngừng cố gắng để vợ con anh được sống sung sướng.

Anh quyết định lên Sài Gòn tìm món gì về bán. Vợ anh có giang mua bán lắm. Vẻ mặt thật thà, nụ cười hiền hậu, giọng nói ngọt ngào, bao nhiêu đó là đủ để buôn bán rồi. Với lại, anh cũng không buôn gian bán lận gì cả, bán có lời thì thôi. Chỉ là như vậy thì hai vợ chồng sẽ phải sống xa nhau.

Mấy bữa gần đi, anh cứ thấy bần thần trong người. Anh đã quen với cuộc sống có vợ con bên cạnh rồi. "Rau cháo cũng được, có cần phải đi hay không?" Anh tự hỏi mình không biết bao nhiêu lần. Anh muốn tìm một lý do nào đó để ở lại với vợ con, sống đắp đổi qua ngày cũng được.

"Thôi, đi đi anh. Mình thì sao cũng được, nhưng con lớn rồi, em không muốn bé Nhí phải thua thiệt người ta." Chị vừa may áo cho đứa con gái ba tuổi của hai người, vừa thỏ thẻ.

Nhìn tấm vải nhỏ xíu hơi sờn cũ, vốn là cái ống quần của chị, nay sắp thành áo của con, anh quyết tâm đi. Đi để tìm cuộc sống sung túc cho vợ con.

Chỉ là, đi thì đi, chân ướt chân ráo, lạ nước lạ cái, làm sao bằng những bạn hàng sành sõi bao nhiêu năm cho được. Tính ra đã bảy tám tháng, anh cũng đổi bảy tám mặt hàng, nhưng cũng chỉ đủ hai mẹ con chi dụng qua ngày mà thôi. Đó là, anh không tốn tiền xe đi lên đi xuống đó.

...

Mà bé Nhí...

Lúc trước anh chả bao giờ xa con lâu. Con bé quấn lấy anh suốt, lúc nào cũng ôm chân ba, câu cổ ba, nắm tay ba.

Lần đầu tiên anh đi ba ngày mới về, nó cứ ôm chân anh khóc nghẹn, đôi tay nhỏ bé quàng chặt lấy cổ anh không buông, lúc ăn cũng không buông, lúc ngủ cũng không buông, giọng nói non nớt cứ lặp đi lặp lại, bắt anh phải hứa là không được đi nữa.

Những lần sau đó, con bé quen dần với sự vắng mặt của anh. Nhưng lúc anh ở nhà, con bé vẫn bám ba không rời. Anh nhớ có lần anh vừa bước vào nhà, ôm lấy chị. Con bé ở đâu chạy lại, mắt ươn ướt, cái miệng bé xinh nói ra lời hờn dỗi: "Ba không thương bé, ba chỉ ôm mẹ, ba không ôm bé.", làm anh với chị phải dỗ dành cả buổi tối.

Mấy tháng nay, chị bận tối mặt tối mũi, chẳng thể nào trích ra thời gian lo cho con bé. Nhà anh chị lại ở cặp mé sông. Xóm này người lớn luôn bận rộn với cơm áo gạo tiền, không có thời gian chú ý tới tụi nhỏ, đã có mấy đứa nhỏ rớt xuống sông chết đuối. Vì vậy, anh với chị bàn nhau gửi con ở nhà bà nội, tức là sẽ sống chung với má và gia đình chế ba của anh. Chế ba có bốn đứa con, hai đứa con gái lớn đã mười lăm mười sáu, nên tụi nó giữ giùm bé Nhí.

Lần này anh về, ghé nhà má ăn sáng thì nghe con Ngọc méc: "Cậu Sáu, con bé Nhí dạo này nó hư lắm, sáng nào cũng đòi ăn bánh mì. Mua về rồi, còn nóng, còn sạch, nó lại không ăn, cầm ổ bánh mì quậy cả buổi, nguội ngắt nguôi ngơ, dơ hết mới nó chịu ăn."

Anh nhìn con, không biết nói sao. Anh cưng con anh lắm, lúc nào anh cũng thấy nó ngoan ngoãn và hiểu chuyện cả. Nhưng hoàn cảnh phải gửi con nhà chị, anh cũng cần phải hỏi rõ ràng.

Anh cúi xuống nhìn mặt con, nhẹ giọng ôn tồn: "Sao vậy con?"

"Bé làm mùi ba." Con bé trả lời bằng giọng nói ngọng nghịu.

"Con làm gì?" Anh khó hiểu hỏi lại.

"Bé làm mùi ba, để bé diễn diễn cho ba coi." Nói xong, con bé lấy ổ bánh mì đặt giữa hai lòng bàn tay, rồi chà xát một lúc lâu, sau đó đưa bàn tay mềm mại nhỏ xíu lên mũi anh: "Nè, ba coi, mùi ba. Bé nhớ ba, bé thích làm vậy."

Trong một phút, đầu óc anh trống rỗng, cổ họng anh nghẹn ứ, hốc mắt anh nong nóng. Anh chẳng biết mình đang ở đâu, đang nói gì, đang làm gì, thì đã cảm thấy bàn tay bị nắm lấy.

Con bé kéo tay anh, đưa lên mũi mẹ nó, giọng nghèn nghẹn: "Mẹ... mẹ... Ba không tin bé. Mẹ ngửi xem, bé nói có đúng không? Mùi của ba."

*** *** ***

"Sáng! Sáng!!!" Tiếng thằng bạn hét toáng lên làm anh giật cả mình.

"Gì?" Anh gằn giọng.

"Sắp tới Bắc Cần Thơ rồi. Mưa lớn quá, mày nhìn tiếp tao coi tụi dọn đường nó ra chưa?"

Tụi dọn đường là những người sống gần bến phà, có xe honda, luôn mua sẵn ba suất vé thường cho một xe cá, để được ưu tiên không phải đợi phà. Lần nào họ cũng đậu xe honda cách bến phà tầm hai cây số, dẫn xe lên phà và đưa vé. Những chuyến xe cá tử thần rất cần những người như vậy để không mất thời gian. Và để làm cho nó gần tử thần hơn chút nữa, vì chả bao giờ cần thắng. Nói thật, anh luôn nghĩ rằng, nếu cung đường này không có Bắc Mỹ Thuận và Bắc Cần Thơ, thì những thằng tài xế như thằng quỷ ngồi bên cạnh anh đây sẽ sớm sanh nghề tử nghiệp, vì chẳng có nổi một phút nghỉ ngơi. Và người đi ké xe như anh sẽ nhanh chóng chết cùng với nó. Rồi anh sẽ bỏ lại vợ con bơ vơ trên cõi đời này.

"Mày nghĩ gì mà tao gọi mấy tiếng không trả lời vậy?" Một lần nữa, giọng thằng bạn vang lên cắt ngang suy nghĩ của anh, "Nhớ vợ con hả? Mới đi chưa được năm tiếng mà mậy?"

Anh im lặng, không đáp. Ừ, thì anh nhớ vợ con. Từ khi lên xe anh đã nhớ quay quắt hình ảnh con bé chà ổ bánh mì vào tay rồi bảo rằng "Nè, ba coi, mùi ba. Bé nhớ ba, bé thích làm vậy."

"Thôi đi mày, thằng Hiền chẳng nói là buôn gỗ được lắm hay sao? Nếu lần này làm được, mấy chốc mày sẽ rước vợ con mày lên Sài Gòn ở chung."

Đúng vậy, anh phải cố gắng mà làm, hết sức mà làm. Không vì mình cũng phải vì con. Mà mấy lần thất bại, mấy lần trốn nợ, anh cũng chẳng lo sợ. Vậy mà hôm nay...

Từ lúc cưới chị, anh chỉ biết không ngừng cố gắng, chị khuyên anh cố gắng, chị ủng hộ anh cố gắng. Giờ này, anh với chị còn phải cố gắng vì con bé nữa. Sao anh lại có thể ở đây mà thương xuân buồn thu như thế?

Phải, anh phải cố gắng. Con bé là động lực cho anh tiến tới, chớ không phải là trở lực để anh chùn chân. Anh phải tìm cho được cuộc sống sung túc cho vợ con anh.

Nếu nghề làm gỗ khá, cuối năm nay, anh sẽ rước hai mẹ con lên Sài Gòn, mướn một căn nhà nhỏ để ở chung.

"Cuối năm nay. Rất nhanh thôi. Phải cố gắng." Anh vừa nghĩ vừa đưa tầm mắt sáng rọi nhìn qua màn mưa giăng giăng ngoài cửa kính xe, tiếp thằng bạn tìm mấy người dọn đường.

--- --- ---

02/11/2017

Truyện này chỉ đăng duy nhất ở nhà yakikoza trên Wattpad. Trang doctruyenhot.com, truyenfun.com, yeudoctruyen.com, truyenkul.com đang trộm truyện của mình và những tác giả khác trên Wattpad hòng kiếm tiền quảng cáo. Xin các bạn đừng đọc truyện trên những trang này nhằm chung tay dẹp nạn trộm cắp trắng trợn và kiếm tiền trên công sức, đam mê của người khác. Rất cảm ơn!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro