[Truyện Tình trai] Minh Tâm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Mỹ Ctrl + B (Hắc Hồng Hoa)

Beta: Hắc Dạ Tuyền

Thể loại: Truyện Tình trai, 1x1

Bối cảnh: Cổ trang, không gian giả tưởng, văn hóa Việt Nam.

Link wordpress: https://mycontrolb.wordpress.com/2014/07/17/minh-tam/

CẢNH BÁO: Đây là truyện ngắn tình trai, tức là về tình yêu đồng giới nam.

A/N: Đây là truyện ngắn đầu tay của tôi, nó được viết trong vòng đúng một đêm, vào thời điểm tôi mới 17 tuổi. Giờ đọc lại thấy lậm Tàu kinh khủng. Nhưng dù sao đứa con đầu lòng này cũng đặt nền móng cho việc viết lách của tôi, vậy nên tôi post lên đây, như một lời tri ân tới Minh Tâm vậy. Yêu con nhiều. <3

----- ----- ----- ----- -----

Minh Tâm

Phía tây kinh thành có một quán trọ mới mở tên là Tịch Dương Lâu. Chủ quán tính tình dễ gần, nhã nhặn, năm nay trạc ngoài bốn mươi nhưng không vợ không con. Chẳng biết ông có điểm xấu hay tật ách nào không mà ở cái tuổi này vẫn vò võ một mình, có người tò mò bèn lân la dò hỏi, ông cũng chỉ trả lời qua loa cho phải phép: "Vợ con tôi đều đã qua đời, thuở ấy nghèo khổ quá, mang bệnh nặng cũng không có tiền chạy chữa. Bản thân tôi chưa thể nguôi ngoai, vả lại nghĩ mình không phải con trưởng nên chẳng muốn đi thêm bước nữa."

Trăm người trăm ý, có kẻ khen ngợi ông sống có tình có nghĩa, cũng lắm kẻ chê bai rằng ông cố chấp, dở hơi, riêng mấy người độc miệng lại lắc đầu: "Rõ nhà vô phúc!" Thường thì người ta cứ xì xào bàn luận như thế một thời gian rồi cũng thôi. Dẫu sao cũng có phải chuyện nhà mình đâu, quan tâm nhiều làm gì cho mệt xác. Tuy nhiên, tin đồn về ông chủ Tịch Dương Lâu lại là ngoại lệ.

Khi lời đồn cũ vừa sắp sửa lặng đi, thiên hạ lại rộ lên chuyện ông chủ Tịch Dương viết bài ca khóc vợ khóc con rồi mời nhà trò nổi tiếng trong kinh về hát. Lần này, lời đồn theo tiếng ca nương lan xa ra khắp cả kinh thành. Ngẫm kĩ thì rõ là nhờ mấy lời bàn tán ấy, Tịch Dương Lâu mới trở nên phát đạt. Người ta đến uống một chén chè xanh cũng vì chủ quán: quân tử đến thăm hỏi "ông chủ Tịch Dương Lâu tài hoa", thiếu nữ trốn tới trộm ngắm "ông chủ Tịch Dương Lâu chung tình", người trong thành lũ lượt tới xem ông chủ Tịch Dương mặt ngang mũi dọc thế nào, người ngoài thành vào cũng nghe danh ông chủ Tịch Dương nên cũng tới thuê phòng thử xem sao.

Ông chủ vốn là người nhìn xa trông rộng bèn lựa thời cơ này mà mua lấy chữ Tín ở đời. Khách cảm vì tình, say vì hũ rượu Tịch Dương nồng đậm, yêu cái ánh trời chiều ráng đỏ như đôi môi mỹ nữ bên ngoài cửa Tịch Dương. Dần dà, cái tên Tịch Dương cũng đi vào thơ ca được người kinh thành rỉ tai nhau, trở thành nơi:

"Đã tới kinh thành ghé Tịch Dương
Ngắm bóng liễu hoa khoác nghê thường"

Ôi trời..... Sự đời hay dở thế nào, nhiều khi lại được quyết định bởi mấy lời đồn đại.

~~~~~

Chàng khăn gói lên kinh ứng thí khi vừa tròn song cửu [1], đó là lần thứ nhất đặt chân đến nơi phồn hoa đô hội ấy. Vào cái khắc bước qua cổng thành cao vời vợi, điều đầu tiên chàng nhìn thấy là lớp lớp những người. Trong dòng người tấp nập, bỗng chợt thấy bản thân hồi hộp xen lẫn cả tự hào. Chàng là Chu Văn Nhã – tự Đan Tâm – đầu xứ Sái [2].

Nhã thuê tạm một gian phòng trọ ở phía tây kinh thành. Có phòng là đã thành công một phần nào rồi, bởi hai ngày nữa là nhập trường mà nhiều sĩ tử có lẽ vẫn chưa tới được điểm thi. Đi thi một mình đường sá xa xôi hãy là một chuyện, trước lúc vào trường lại còn phải tự chuẩn bị lều chõng, củi lửa gạo dầu. Với cánh đàn ông mà nói, mấy thứ như thế quả cũng đáng để phải lo toan.

 Thời buổi vua quan sa đọa, kinh đô vốn đã loạn sẵn, vào mùa thi lại càng náo loạn gấp mấy ngày thường. Loạn đương nhiên không phải bởi thí sinh, thử hỏi mấy cái ông học trò trói gà không chặt kia thì bày nổi chuyện gì? Loạn ở đây là loạn do đám thừa nước đục thả câu, gồm cả thương nhân, thợ thuyền tứ xứ cho đến quan quân triều đình,..... nhân dịp thí sinh về nhiều thì giở quẻ làm ăn. Thí sinh càng bồn chồn lo lắng bao nhiêu, đám người này lại càng như mở cờ trong bụng bấy nhiêu.  

Con buôn kinh thành khéo ăn khéo nói, một chốc đã lôi kéo được đám học trò gà mờ từ quê lần đầu ra tỉnh. Tốt và không tốt, đắt và rẻ cứ loạn cào cào. Nhiều cậu tần ngần nửa ngày ở hàng mới chọn được một bộ giấy bút, nhiều cậu nghe lời ngon ngọt vung một nắm tiền để mua, đến lúc giở ra khoe mới bị mấy ông đàn anh từng đi thi nhiều lần chỉ cho là mua phải đồ rởm.

Nhã không vội nghe theo đám thương nhân. Chàng theo chân một vài ông đàn anh cùng nhà trọ, tới cùng một cửa hàng họ tới, chọn mua bộ đắt nhất. Các cụ đã dạy: "Tiền nào của nấy" cấm có sai bao giờ. Chuyện đi thi là chuyện hệ trọng, dẫu có ăn đói mặc rách cũng phải chuẩn bị giấy mực cho đường hoàng tử tế.

~~~~~

Hôm ấy, đang dò thăm trước đường tới trường thi thì thấy một đám đông giữa chợ, Nhã đã bụng bảo dạ "rõ là việc thị phi", định tránh xa kẻo tai bay vạ gió. Thế nhưng loáng thoáng nghe tiếng bảo trẻ con tội nghiệp, chàng khựng bước, lân la hỏi mấy người vừa chen từ trong đám đông ra. Chả là có thằng bé ăn mày vô phúc đi đường đụng trúng con quan, tên này hách dịch có tiếng, giờ đang bắt tội bắt nợ thằng bé. Nhã cau mày, tính toán trong thoáng chốc rồi mới rẽ đám người bước lên nói đỡ: "Công tử là bậc đại nhân, lẽ nào lại chấp nhặt kẻ tiểu nhân như thế?" Nói thêm mấy lời nữa, vừa khéo cho thằng bé ăn mày thoát tội, vừa vuốt xuôi được tên hách dịch kia.

Mọi chuyện xong xuôi, mọi người tản về, Nhã cũng toan cất bước thì bỗng thấy một kẻ tiến lại, chắp tay chào hỏi, tự xưng tên là Lý Thiệu Phong. Chàng thận trọng đánh giá người thanh niên tuấn tú đang tươi cười trước mắt, nhìn quần áo sang trọng kia, ắt phải là con nhà giàu có. Thấy Nhã hơi nghi ngại, hắn bèn giải thích: "Nhìn cậu Chu là học trò mà dám đứng lên nói lí lẽ, ta thấy cảm phục vô cùng. Vậy nên mới đường đột ra làm quen danh tính thế này." Rồi lại ngỏ lời: "Ta là người kinh thành, nếu cậu vướng mắc điều gì ta sẵn sàng giúp đỡ." Lúc đó chàng đã dợm nghĩ, âu cũng là duyên số.

~~~~~

Trước nay học võ, Lý Thiệu Phong chưa từng quan tâm tới đám sĩ tử cắp quyển đi thi - cái đám mà hắn vẫn hay giễu cợt là "phường lòi tói" [3], "dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm". Hơn nữa, những kẻ ấy thi đỗ, ra làm quan rồi đều phục tùng cho triều đình mục ruỗng, thì dù văn hay chữ tốt bao nhiêu cũng vẫn hại dân hại nước chẳng khác gì lũ mua quyền chạy chức. Đinh ninh như thế cho đến ngày nhìn thấy kẻ thư sinh ấy. Dáng thẳng như trúc, lời lẽ cứng cỏi rõ ràng. Hắn thầm giật mình, âu cũng là số trời định sẵn.

Thật chẳng biết lúc đó nghĩ gì. Có chăng thấy sự cứng cỏi khéo léo kia mà nảy sinh cảm phục. Có chăng là trời xui đất khiến, kỳ ngộ tương phùng. Vậy là lôi kéo chàng đi khắp kinh thành, chỉ đường dẫn lối tận tường tỉ mỉ. Lại còn tốt bụng hào phóng mời rượu mời trà, so tài thơ phú, luận bàn kinh thi suốt hai ngày trời.

~~~~~

Ngày ấy, kẻ học trò tỉnh lẻ mới chân ướt chân ráo lên chốn thị thành đã gặp được một vị công tử hào hoa phong nhã lấy thịnh tình mà tiếp đãi mình, trong lòng chàng cảm thấy vô cùng may mắn. Tuy vậy, chàng nào có thể tin tưởng hắn hoàn toàn ngay từ đầu. Bởi dù ngây thơ tới đâu cũng là người có ăn có học, cũng sống sót được mà vượt đường xa tới kinh thành, huống hồ Chu Văn Nhã chẳng phải kẻ ngây thơ gì cho cam. Có chăng chỉ là vì cảm thấy quý mến nụ cười của hắn. Vả lại, chàng thì có gì để mất đâu, mà người kia là kẻ quyền quý muốn gì được nấy, nào có lí do để hại mình.

Vậy là chàng thả lỏng hoàn toàn những đề phòng, những toan tính mà đi theo hắn khắp chốn kinh đô hoa lệ. Lại còn cùng hắn thưởng trăng làm thơ. Trước khi thi cũng nên để cho mình thoải mái tư tưởng một chút.

~~~~~

Trường thi Hội kinh thành tấp nập nhân tài. Năm ấy, nghe nói giải Hội nguyên nhất định sẽ về tay cậu cả nhà Lại Bộ Thượng thư họ Hoàng. Thậm chí có kẻ còn quả quyết Trạng nguyên khoa này phải bảy, tám phần là thuộc về tay hắn.

~~~~~

Mới tờ mờ sáng ngày nhập trường, chàng đã thấy Lý thiếu gia đứng chờ sẵn trước cửa phòng trọ. Hắn vẫn tươi cười niềm nở như phút đầu gặp mặt, chắp tay cung kính chúc chàng sớm đăng khoa.

Hắn còn chu đáo tìm tới một tay nô bộc khỏe mạnh đeo hộ chàng bộ lều chõng lỉnh kỉnh từ đây tới tận trường thi chờ xướng danh. Chàng cũng không câu nệ, chỉ khách sáo vài câu rồi để tên nô bộc đeo hộ luôn. Ngựa cũng chuẩn bị sẵn rồi, còn gì mà phải làm khổ bản thân, lại làm phụ lòng tốt của hắn.

Các cụ đã dạy: "Phúc bất trùng lai", cấm có sai. Phúc là điều hiếm có, nên nếu có phúc tới thì phải hưởng cái đã.

~~~~~

Ngày ra bảng kì đệ nhất, chuyện cậu cả nhà họ Hoàng đứng đầu đã chẳng còn cần bàn cãi. Người ta trầm trồ ngợi khen: "Hổ phụ sinh hổ tử, quả là nước nhà có phúc!" Ngày ra bảng kì đệ nhị, rồi kì đệ tam, ba chữ Hoàng Kiên Thạch vẫn giữ nguyên vị trí trên bảng đúng như ý nghĩa của chính dòng tên ấy, "vững vàng tựa đá". Người kinh thành lại được thêm một dịp để xuýt xoa.

~~~~~

Lúc Thiệu Phong tới nhà trọ phía tây thành, chàng đã sắp xong hành trang, chỉ đợi hắn tới để từ biệt. Chàng có vẻ buồn, hắn mở lời an ủi:

– Không sao. Thi cử thì được tích sự gì chứ? Cũng chỉ được một cái danh hão thôi. Trạng nguyên khóa trước cậu biết đang ở đâu không? Lão ở Quốc Sử Quán giữ một chức nhàn quan đấy! Nghe đồn cả nhà nheo nhóc, bổng lộc còn chẳng đủ ăn.

Chàng lắc đầu, nhìn hắn:

– Lý công tử không cần thử lòng tại hạ. Tại hạ thi trượt lần này là do học hành dốt nát. Thi trượt thì nhất định phải đi thi lại. Thi tới bao giờ đỗ mới cam lòng..... Bởi vì, người như tại hạ ở đời muốn ngẩng cao đầu, chỉ có một con đường này. Thà rằng bổng lộc ít ỏi, nhưng đã là người đọc sách thánh hiền, không thi cử, không ra giúp nước cứu đời thì thử hỏi còn có thể làm gì? Chẳng lẽ cả đời ở đồng quê ăn bám vợ con gia đình, bỏ phí tài năng, mặc kệ thế sự? Ai làm được, chứ tại hạ không làm được.

Lý Thiệu Phong mỉm cười, thấy mình quả nhiên nhìn đúng người:

– Ta hiểu rồi. Vậy ta hẹn ba năm sau gặp lại. Ta sẽ đón cậu.

Chàng cười, đi tới, chắp tay chào Lý Thiệu Phong:

– Khoa thi năm tới nữa, tại hạ nhất định không bỏ cuộc. Chắc chắn một ngày, tại hạ sẽ được gặp lại ngài trên chính điện, thưa Vương.

"Kẻ này đã biết rồi sao?" Hắn cố đè nén sự kinh ngạc, nhìn chàng bình thản:

– Vậy, ta sẽ chờ.

Chàng dúi vào tay hắn một bọc giấy, bắt hắn phải nhận lấy:

– Tự của tại hạ là Đan Tâm, Chu Đan Tâm. Xin cáo từ.

Chàng đi thẳng, không ngoái lại nhìn. Hắn bần thần đứng ở đó, không đuổi theo. Chỉ mở bọc giấy Nhã vừa trao cho trước khi đi. Là một mảnh ngọc bội xanh biếc và trong suốt, trên mặt đề hai chữ "Minh Tâm" trong cụm "Khắc Cốt Minh Tâm" nghĩa là "Ghi Lòng Tạc Dạ". Còn có một bức thư, chàng viết chữ Nôm ngắn gọn, ngòi bút rất sắc: "Đan Tâm xin hoàn trả bằng chút này. Tạ ơn Vương. Hẹn ngày gặp lại."

Rõ ràng chàng không phải một tên học trò lòi tói [3], nhưng nếu chàng là lòi tói, ắt phải là một cái lòi tói có thể buộc chặt ba hồn bảy vía người ta. Thiệu Phong mỉm cười, nhìn theo cái bóng người dần xa mà thấy tấm lòng mình cũng như đang bị trói.  

~~~~~

Ba năm đối với đời người không ngắn không dài, nhưng cũng đủ để xảy ra rất nhiều chuyện. Trong ba năm này, quả thật đã xảy ra chuyện lớn.

Trấn Bắc Vương lấy danh nghĩa diệt trừ hôn quân dấy binh lật đổ đường huynh Điện Liên Đế, rồi tự mình lên ngôi, lấy hiệu Trấn Hưng. Việc binh đao làm nhiều điều đổi khác. Chiến tranh nổ ra dẫu vì chính nghĩa hay không, cuối cùng vẫn phải có thương vong, vẫn phải có máu đổ. Có lẽ đúng như người thời sau vẫn nói: chiến tranh nào phải trò đùa.....

Hậu quả sau cuộc chiến nào chẳng là máu và nước mắt, nhưng mỗi cuộc chiến lại có một người cầm quyền riêng, mỗi người cầm quyền lại có một cách khu xử [4] riêng biệt, chính cách khu xử riêng biệt ấy rồi mới trở thành ấn tượng cuối cùng mà hậu thế muôn đời soi xét tới. Trấn Hưng Đế vừa lên ngôi đã giảm tô, giảm thuế, khôi phục nông nghiệp, chấn hưng giáo dục. Minh quân được lòng dân, người dù có bảo thủ đến đâu cũng không thể cất quân chống đối. Nghe nói sau đó, Bắc triều gửi sắc phong quốc vương sang, củng cố cho Trấn Hưng Đế an tọa ngai vàng.

~~~~~

Khoa thi năm Trấn Hưng thứ nhất, Chu Đan Tâm trở lại kinh thành. Cảnh vật ba năm trước đã không còn như xưa nữa, quán trọ trước đây cũng không thấy tăm hơi. Thôi vậy.

Người ta nói: Trạng nguyên ba năm trước vốn là tài tử Lam Yên, nhưng sau khi đăng khoa lại dính vào tham ô công sách. Tân đế lên ngôi đã ra lệnh xử trảm y. Người ta còn kháo nhau: Hoàng công tử năm đó không thấy tên mình yết bảng, uất ức thổ huyết mà chết. Sau đấy, nhà Lại Bộ Thượng thư họ Hoàng mấy chục người làm quan lớn bé đều treo ấn từ quan, cáo lão về quê. Thật giả lẫn lộn, không phải người trong cuộc thì biết đằng nào mà lần?

Nhã hỏi thăm hết thảy những gì đã qua của ba năm về trước. Chỉ còn có một người hẹn gặp mà chưa thấy đâu. Đúng lúc chàng định quên, thì hắn lại lù lù xuất hiện trước mặt chàng. Vẫn cười cười niềm nở ân cần chu đáo như cũ.....

~~~~~

Thật ra ở đời, có nhiều chuyện con người buộc lòng phải tự dùng đầu óc mà suy đoán. Suy đoán thế nào cũng không thể chính xác tới từng chi tiết nhỏ nhặt. Trong đó những chuyện ấy lại còn những chuyện bị kẻ có chủ ý che giấu và bóp méo ý nghĩa. Suy đi tính lại, nghĩ tới nát óc cũng không tận tường.

Thế nên là tốt nhất cứ ngồi yên đấy, đoán mọi khả năng xem có ảnh hưởng tới bản thân không. Có thì tránh trước cái đã. Mà không thì thôi, bình yên đã là tốt lắm rồi.

~~~~~

Trạng nguyên Chu Đan Tâm vinh danh Bảng vàng tuổi vừa tròn hai mươi mốt. Quả đúng là tuổi trẻ tài cao. Đứng trước chính điện, lòng pha trộn biết bao cảm xúc, Tân Trạng nguyên uống chén rượu vua ban.

Hắn trước mắt chàng là Lý Thiệu Phong – Trấn Hưng Đế ngự phía trên cao.

~~~~~

Khi chàng trở thành Ngự sử, hắn vẫn thường đến phủ đệ của chàng bàn chính sự, thậm chí nhiều hôm còn qua đêm tại nhà chàng. Hôm đầu tiên chàng cũng can ngăn, nhưng hắn nói hoàn toàn không có ảnh hưởng gì. Mà ngẫm ra cũng chưa có ảnh hưởng gì lắm. Vậy thì thôi, để hắn lại cũng được.

Nhưng được mấy hôm, Nhã phát hiện ra cái hại vô cùng lớn của việc này. Thường thì khi thiết triều, nếu hắn ở trong cung thì không sao, hễ cứ đến Ngự sử phủ thì lại phải dậy thật sớm. Chàng lại khuyên thêm một lần nữa, rằng: "Mong hoàng thượng giữ gìn long thể mà về cung đi ạ." Ngập ngừng một chút, chàng tiếp tục: "Vả lại, người cũng nên vì tương lai xã tắc mà khai chi tán diệp [5]."

Hắn có vẻ hơi giận, nhưng sau đó cũng nghe lời can gián không tới nhà chàng nữa, ngược lại chuyển thành ngày ngày triệu chàng vào cung.

Có những chuyện ai ai cũng hiểu, chỉ có một điều là ai ai cũng làm ngơ. Quốc gia bình an, trăm họ no ấm. Còn gì phải oán thán nữa?

~~~~~

Năm Trấn Hưng thứ bảy

Ngự sử Chu Đan Tâm, một đời tận tụy thanh liêm mắc bạo bệnh qua đời khi mới hai mươi bảy. Nước nhà mất đi một rường cột. Vua vô cùng đau xót, tự tay ban hai chữ "Minh Tâm". Hán tự đề "Minh Tâm", dịch ra là "Lòng sáng".

Nhưng trên đời này, lại có rất nhiều từ cùng âm khác nghĩa. Riêng những chữ đọc lên là "Minh" thôi cũng có rất nhiều rồi. Ví dụ "Minh" trong cụm "Khắc Cốt Minh Tâm" – "Ghi Lòng Tạc Dạ" cũng là một trường hợp vậy...

~~~~~

Năm Trấn Hưng thứ tám

Vua nạp phi. Đồng Quý phi là trưởng nữ của Tri phủ Thái Châu Đồng Liêm, dung mạo đoan trang, hiền lương thục đức.

~~~~~

Năm Trấn Hưng thứ chín

Đồng Quý phi sinh hạ hoàng tử. Đêm hạ sinh có rồng vàng xuất hiện, hoàng tử vừa sinh ra dung mạo đã khôi ngô tuấn tú. Vua mừng rỡ, lập tức phong hiệu Bảo Tâm Thái tử.

Đất nước vững tựa âu vàng [6].

~~~~~

Năm Trấn Hưng thứ hai mươi hai.

Đô thành vào mùa thi lại trở nên đông đúc, chỉ có điều cái đông hôm nay là đông vui náo nức chứ chẳng còn là náo loạn như những năm xưa cũ. Sĩ tử khắp nơi tấp nập lên kinh ứng thí, thật là vừa đủ mặt các loại tài tử: từ tài trong hiền tài đến tài trong tiền tài. Thôi thì, tài nào cũng là tài, thương nhân lại được một phen mở cờ trong bụng.

Phía Tây kinh thành.

Tịch Dương Lâu vừa được sửa sang, khuôn viên được cơi nới ra gấp đôi. Ông chủ Tịch Dương Lâu vốn quý trọng sách vở, mỗi kỳ thi lại giảm tiền trọ cho học trò sĩ tử xuống chỉ còn ba phần so với thường ngày. Thế nên tuy nay khuôn viên đã được nới rộng thì cũng vẫn đông tấp nập.

Ông chủ quán Tịch Dương về phòng nghỉ ngơi. Thời thế xoay vần chẳng biết đâu mà lần. Ông đóng chặt cửa, lột lớp mặt nạ của ông chủ hiền hòa phúc hậu ra, đằng sau lớp giả trang là khuôn mặt của kẻ thư sinh trói gà không chặt hơn hai mươi năm về trước.

Ông chính là vị Ngự sử đã quá cố nhiều năm trước đây, chính là chàng Chu Văn Nhã – Chu Đan Tâm ngày ấy.

Cũng lâu rồi.....

Chàng đã từng cảm khái khi biết có kẻ dấy binh lật đổ phế đế, từng bồn chồn khi nghĩ rằng vị vương gia mình từng gặp trước đây có thể trở thành vua, và đến khi nhìn thấy bảng kỵ húy [7] yết trước trường thi, chàng cũng từng hoảng hốt. Nhưng khi đứng trước mặt hắn trên thềm chính điện, trong lòng chàng lại chẳng hề gợn chút sợ hãi nào.

Lúc đó, hắn ngồi từ rất cao mà nhìn xuống chàng đang quỳ phía dưới. Và trong một khắc nhẹ dạ với bản thân, Nhã bỗng nảy sinh ý muốn được chạm vào vua. Lúc ấy, chàng chỉ biết tự mắng mình một tiếng bất trung. Sự thật rành rành phơi bày trước mặt: hắn là quân, mình là thần, phép Tam cương chàng hiểu rõ hơn ai hết, ấy vậy mà chẳng hiểu tại sao cái dục vọng quái lạ kia trong lòng chàng vẫn được nhen lên mãnh liệt vô cùng.

Chàng cố giữ khoảng cách lễ nghi với hắn. Hắn lại phong chàng làm Ngự sử, miễn cho chàng khỏi phải hành lễ rồi cứ thế mà thường xuyên kín đáo tới chơi. Lúc hứng lên sẽ mắng chàng là cổ hủ, là cứng nhắc, chàng sẽ vâng vâng dạ dạ hứa rằng sửa đổi, còn hắn cũng sẽ phá lên cười. Trẻ con như thế, hiền lành như thế, nhiều lúc thấy người này chẳng hề giống kẻ đã từng cầm binh mà thống trị giang sơn một chút nào. Có những khi nhắm mắt lại, Nhã ước giá như hắn đơn giản là Lý Thiệu Phong ngày trước mà thôi. Như thế có phải là tốt hơn không nhỉ? Nhưng hỏi xong lại bật cười tự giễu, tự phủi sạch câu hỏi của mình. Bởi giá như chỉ là giá như, hắn là vua, hắn gánh trên vai bao nhiêu sinh mệnh.

Chàng nhận ra, mình càng cự tuyệt, hắn càng tiến lại gần hơn. Gần đến nỗi, chính chàng đến lúc bàng hoàng nhận ra thì đã không biết nên gọi là gì. Chỉ biết rằng: cuộc đời chàng, kể từ lúc cha mẹ lần lượt mất đi, chưa từng có ai gần gũi như thế.

Chàng cũng thường hay nghĩ về thời gian xưa cũ. Nhớ rằng mình đã từng kinh bang tế thế, ở bên cạnh giúp đỡ hắn làm cho đất nước ngày một lớn mạnh vững vàng. Nhớ rằng khoảng thời gian đó, mình cũng thực sự hạnh phúc ra sao, nhớ cái cách hắn hay nhìn mình mà nói rằng:

Gọi ta là Phong.

Nhớ cái cách hắn ôm mình mà giữ lại. Còn nhớ rất nhiều, nhiều lắm..... Nhớ sử sách đã nhiều lần ghi lại rằng trên đời này, thực sự có một loại tình yêu nảy sinh giữa hai người đàn ông.

Hắn nói, hắn sẽ không để chàng lấy vợ, cũng không nạp phi lập hậu. Hắn còn nói cấm chàng nhắc tới bốn chữ "khai chi tán diệp". Hắn sẽ bỏ, bỏ tất cả. Nhưng, chính chàng lại chẳng thể nào từ bỏ nổi. Chàng không thể để hắn và chính bản thân bị hậu thế ngàn đời sau nhìn lại rồi mắng câu: hôn quân loạn thần.

Phải. Cho đến cuối cùng, chàng mới chính là kẻ ích kỷ nhất. Sống đến hai mươi bảy tuổi trên đời, chàng không thể nào vì một chữ tình mà vứt bỏ chữ danh. Chàng càng không thể nhìn cảnh đất nước này suy tàn sụp đổ chỉ vì ý muốn của hai người. Thế nên tốt nhất là ngay từ lúc này, khi mọi việc mới chỉ manh nha bắt đầu, chàng sẽ rút lui.

Vậy là chàng mắc bệnh. Vậy là Ngự sử đại nhân qua đời.

Giả chết trước mắt hoàng đế đã khó, giả chết trước mắt Lý Thiệu Phong thì quả thật khó bằng lên trời. Chàng đã phải chuẩn bị rất lâu, cũng may nhờ một vị cao nhân tình cờ gặp trên đường trước đây - một kẻ cũng đang giả chết, chính là Hoàng Kiên Thạch – vị tài tử đã mờ nhạt như cơn mơ của kinh thành những ngày xưa cũ.

Nhã chợt thở dài, sự đời khó đoán. Con trai họ Hoàng ai cũng theo khoa cử ra làm quan, còn con gái thì đời nào cũng có người vào cung làm phi tần hoàng hậu. Họ Hoàng nhìn qua đích xác là đang cực thịnh. Nhưng những kẻ khôn ngoan luôn hiểu rằng cái gì quá cũng không tốt, một dòng họ cực thịnh quá tất phải bị diệt trừ. Có vị hoàng đế nào muốn ngoại thích soán ngôi đâu?

Chỉ hiềm công đức nhà họ Hoàng quá sâu dày, không thể đang dưng mà lật đổ. Hơn nữa, Điện Liên Đế và mấy đời tiên đế trước quá nhu nhược, phải dựa thế họ Hoàng, vậy nên việc hạ bệ cả cái dòng họ quyền thế nhất Việt Xuân vào lúc bấy giờ gần như là không thể. Nhưng thời thế thay đổi, Lý Thiệu Phong rõ ràng không phải là một kẻ nhu nhược. Bởi vậy, Tân Hoàng đế vừa đăng cơ đã ngay lập tức tra xét cải tổ lại triều đình. Mà trên đời có dòng họ nào làm quan mà thanh liêm trung thành tuyệt đối? Đến lúc "tra ra" manh mối tạo phản của họ Hoàng, lại cộng thêm hàng tá tội lặt vặt tích tụ từ bao đời nay, chẳng phải là tru di cửu tộc sao?

Nhưng Lại Bộ Thượng thư Hoàng đại nhân nào phải kẻ không biết nhìn xa trông rộng. Ông biết Lý Thiệu Phong từ nhỏ, biết tài lực hắn ra sao, biết chí khí hắn thế nào, cũng nhìn ra hắn luôn coi họ Hoàng là cái gai trong mắt. Ông dựng lên toàn bộ vở kịch con trai uất ức mà chết, chuẩn bị luôn tinh thần cùng họ Hoàng kết thúc thời vàng son. Lấy lí do tổ tiên dạy: "Trưởng nam thi ba lần không đỗ, lập tức biết phúc phận phò vua đã hết". Vậy là đệ nhất gia tộc chốn kinh kỳ hàng chục người treo ấn từ quan.

Người tốt bao giờ chẳng được lãng quên nhanh hơn kẻ gian thần tặc tử xấu xa. Thôi thì thà bị lãng quên còn hơn bị muôn đời bêu rếu. Nhã thấy lòng mình bỗng nhiên nhẹ nhõm, tuổi trẻ cống hiến hết mình, mong rằng nửa kiếp còn lại cứ được sống như thế này rồi chết đi bình thản.

Một ngày, chàng và hắn sẽ không còn trên đời này nữa. Một ngày, tất cả sẽ chỉ còn là cát bụi. Một ngày, đoạn sử sách này sẽ chỉ còn là mớ lí thuyết suông dành cho đám sĩ tử làm văn cử nghiệp [8]. Có lẽ, vạn năm sau, khi ta và người của kiếp này đã chìm vào quá vãng, khi ta và người đã trải ngàn kiếp luân hồi, giữa bể người mênh mông này, chúng ta lại được làm kẻ qua đường của nhau.

Cứ chờ đợi đi.

Khắc cốt minh tâm.

~~~~~

Hết.

Mùa đông năm 2013
Ký: Mỹ Ctrl+B

————————-

Chú thích:

[1] song cửu = 2 x 9 = 18 tuổi: Đây là cách ghi tuổi phổ biến trong văn học xưa. Từng xuất hiện trong truyện Nôm "Lục Vân Tiên".

[2] đầu xứ: Thi Hương thường được tổ chức theo cụm thi nhỏ tức là từng xứ. Người đỗ đầu mỗi xứ thường được gọi là "ông đầu xứ + (tên nôm na của xứ đó)". Cái này tôi tham khảo từ truyện "Khoa thi cuối cùng" của Nguyễn Tuân.

Sái: tên gọi chệch nôm na của làng Thái Hưng thuộc phủ Thái Châu (địa danh giả tưởng sẽ còn xuất hiện sau)

[3] lòi tóiNghĩa đen là sợi dây xích sắt hoặc chão buộc thuyền. Nghĩa bóng là cách gọi giễu kẻ học trò dốt nát mà tỏ ra hay chữ. Do hình thù ngoệch ngoạc khi viết chữ Hán theo lỗi thảo của kẻ dốt nát, học hành kém cỏi. Nghĩa bóng này từng xuất hiện trong bài "Phường lòi tói" của Hồ Xuân Hương.

[4] khu xử (Động từ) (Từ cũ): đứng ở giữa để dàn xếp, phân xử. Ví dụ: "Cụ đốc khu xử như vậy, thật hợp tình hợp lý, anh em học trò kính phục là phải." ("Lều chõng" – Ngô Tất Tố)

[5] khai chi tán diệp: sinh con đẻ cái

[6] âu vàng: (kim âu ) là cái bồn bằng đồng hay bằng vàng, tượng trưng cho một giang sơn toàn vẹn và vững bền, thường dùng để chỉ cơ đồ của một nước. Từ này xuất hiện trong bài "Chiêu Lăng thạch mã" ("Con ngựa đá ở lăng vua Trần Thái Tông") của vua Trần Nhân Tông: "Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/Sơn hà thiên cổ điện kim âu". Dịch nghĩa: Xã tắc hai phen bon ngựa đá/Non sông nghìn thuở vững âu vàng.

[7] Bảng kỵ húy: Trong quy chế thi thời xưa, thí sinh không được phép viết tên họ, tên tự, tên hiệu, tên húy,... của hoàng thất vào bài thi. Tất cả những chữ cấm này được viết trong một bảng kỵ húy đặt trước trường thi, các sĩ tử ngoài việc học hành sách vở phải học thuộc toàn bộ cái bảng dở hơi này. Cái này tôi tham khảo từ "Lều chõng" của Ngô Tất Tố.

[8] văn cử nghiệp: thứ văn đi thi, cốt để cho người chấm đọc vừa lòng, dùng để đỗ đạt lên làm quan.

————————-

Thêm một chút gì về Lý Thiệu Phong nhé. Ừ, bút sa gà chết, viết rồi thì chịu, không sửa được nội dung nữa. Thôi thì có lẽ, cứ để tình yêu chôn vùi dưới lớp vàng son, dưới đáy sâu tâm hồn của một vị minh quân vậy. Bởi, mỗi người có một sứ mệnh riêng, mà sứ mệnh của Lý Thiệu Phong đã được định sẵn từ thuở hắn ôm mộng bá vương rồi. Hắn không phải của riêng một người, hắn là của bách tính, hắn là của trăm họ, hắn thuộc về đám dân đen con đỏ trên khắp giang sơn này. Có thể ban đầu, hắn không hoàn toàn ý thức, nhưng may mắn cho trăm dân của hắn là: Chu Đan Tâm – người Trấn Hưng Đế yêu, lại biết rất rõ. Vậy là chàng chủ động rời xa. Chàng hi sinh rất lớn hay không hề hi sinh? Hành động ấy là cao thượng hay là ích kỷ? Đứng dưới mỗi góc độ, có lẽ, chúng ta lại có một câu trả lời riêng.

Còn về Lý Thiệu Phong, ai bảo là không đau? Hoàng đế cũng là con người. Cũng yêu, cũng đau lắm. Nhưng giống như Einstein từng nói: Thiên tài khác với người thường ở chỗ họ luôn biết giới hạn. Chu Đan Tâm biết giới hạn, Trấn Hưng Đế cũng vậy. Hắn dằn nỗi đau xuống đấy. Thậm chí cảm tưởng, cái nỗi đau mà tôi – tác giả không viết thành lời ấy còn lớn hơn của Chu Văn Nhã. Bởi còn gì đau hơn khi phải chứng kiến người mình yêu thương mất đi, mình phải lấy người mình không yêu, phải diễn một vở kịch tình yêu cho cả thiên hạ hiện tại, cả thiên hạ tương lai xem? Còn gì đau hơn khi phải chôn chặt tấm lòng mà viết hai chữ "Minh Tâm" mà có lẽ chỉ một mình mình hiểu trọn? Có điều gì là nhung nhớ hơn khi đặt tên cho đứa con đầu lòng là Bảo Tâm – giữ trọn mãi, bảo vệ mãi chữ "Tâm" đã vuột khỏi tầm tay? Đau lắm, đau nhiều lắm chứ.....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro