Chương năm: Một mối lo, một ước muốn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngay sau hôm xảy ra sự việc làm xôn xao cả tổng, thầy Thanh thay mặt bà Thi đau ốm liệt giường và cậu trai thân đang mang tội mang tật đến thưa chuyện với ông lý Cự. Không biết sáng ấy họ đã nói với nhau những gì mà kể từ khi đó, bề trên bỏ ý định bêu Hạo giữa đường giữa chợ, bà bá Khường cũng nhắm mắt cho qua, không còn nhắc nhỏm hay làm khó cậu trai từng chung đụng xác thịt với con mình. Hạo chỉ phải nộp tiền vạ cho làng, số tiền mà thầy đồ nhà bên đã lo liệu thay cậu ngay trong buổi sáng hôm ấy.

Thanh chặn được miệng những người có tiếng nói trong làng, còn tiếng nói của đám dân đen chiếm số đông trên mảnh đất người ta vẫn sống vì cái nhìn của kẻ khác, y chẳng thể ngăn nổi, dẫu thân mình có mọc thêm nhiều tài phép đi chăng nữa. Chuyện Hạo ăn nằm với cậu hai nhà bá Khường đã vượt luỹ tre làng mà lan sang các làng chung quanh. Ai cũng biết cậu là người có tội. Người ta tránh cậu như tránh mả hủi. Nhà có con gái lớn đóng cửa bảo nhau, bố mẹ dặn con phải lấy Hạo răn mình, không được học thói lăng loàn, trắc nết. Đàn bà có chồng giữ rịt chồng ngay bên, sợ Hạo còn hơn cả sợ mấy cô ở phường buôn hương bán phấn. Người ta chỉ trỏ bàn tán mỗi bận cậu ngang qua. Họ bảo cậu nhơ nhuốc, bảo mẹ cậu không biết dạy con. Họ lấy làm lạ khi một người dạy chữ như thầy Thanh chưa ghê sợ mà tránh xa cậu, hơn cả thế, y còn niềm nở giúp đỡ cậu trai láng giềng đầy tai tiếng như thể chuyện cậu cũng là chuyện mình. Thế rồi người cho con theo học thầy Thanh giảm hẳn. Liền mấy ngày, mấy gian nhà ngói sân gạch của đồ Thanh không ngớt người ra vào. Đủ mọi loại người, nhưng vấn đề tựu trung chỉ có thế. Họ cho rằng đời một người làm thầy phải mực thước và trong sạch, không được vẩn một nét nhơ. Mặc dầu hiện tại y vẫn chưa làm chuyện gì phạm phải tục làng, song hành vi bao che cho kẻ nhơ nhuốc cũng đủ khiến người ta ngờ rằng trong y có mầm mống của sự nổi loạn. Họ sợ hạt giống ấy sẽ vùi sâu và nảy nở trong tâm trí con em mình, sợ cả một cái gì đó mông lung xa vời mà chính họ còn chẳng rõ.

"Thi thoảng Khán không theo kịp chúng bạn nhưng nó cũng không phải đứa trẻ kém trí. Cái nó thiếu là sự kiên trì, cái nó cần là một người thầy sẵn lòng dẫn nó bước từng bước thật vững. Xin bác nhớ điều này, đừng la rầy nó quá." Thanh mời vị khách bịt khăn vuông đã bạc một chén trà pha từ nước mưa trong bể quý, giọng vẫn ôn tồn, thây kệ người đối diện cứ đứng ngồi không yên. "Bác hãy hỏi ý cháu rồi mới quyết định cho cháu theo học thầy nào. Nếu học cốt để thi, dốc lòng vì cử nghiệp thì hãy gặp cụ bảng Kiều ở làng Vân. Hành văn cụ khiêm tốn, mẫu mực, mỗi trang viết đều là khuôn vàng thước ngọc đáng để người đi thi học theo, đích thị là lối văn trường ốc. Còn nếu cháu nó muốn thứ văn chương sửa mình, tỏ mình thì chịu khó đi xa chút nữa gõ cửa nhà cụ đồ Lĩnh."

Nắng chiều nhạt dần rồi tắt hẳn. Bóng tối ngập đầy các ngõ ngách, tràn qua cánh cổng khép hờ, níu lấy mỗi bước chân Hạo đi. Đứng ở bậu cửa ghé vào, cậu thấy ngọn nến bạch lạp của thầy Thanh chiếu sáng một góc nhà vắng lặng. Lại gần chút nữa, cậu tưởng đâu mình là vị khách tục lạc vào chốn bồng lai. Bên cạnh ngọn nến và đĩa đèn dầu lạc, đỉnh đồng thư thả nhả những sợi khói mảnh như tơ, óng ánh như nắng đào đọng trên ngọn cau sau một đêm mưa tầm tã. Thanh ngồi yên trong khoảnh sáng con con. Một tay cầm bút lông, một tay lần giở tập quyển. Mắt chăm chú nhìn trang sách không rời. Và nửa mặt trông nghiêng xiết bao thành kính. Trước cảnh tượng ấy, lòng Hạo bỗng quặn thắt vô cớ. Rồi cậu đâm ra lo lắng vẩn vơ. Cái ý nghĩ Thanh là một vị thần xa xưa trong thiên huyền tích nào đó người đời vẫn kể lại sống dậy và nảy nở trong óc cậu, rõ ràng hơn bao giờ hết. Cậu dừng bước, ghìm cả tiếng thở, sợ mình sẽ làm vẩn đục cả khoảnh khắc thiêng liêng.

Nhưng rồi người ấy vẫn chú ý đến sự hiện diện của cậu. Thanh ngẩng đầu. Thấy là cậu, y nhoẻn cười, nét mặt hiền từ và trang nghiêm xa lạ ban nãy đã biến mất lúc nào không hay, chỉ còn sự dịu dàng nhất mực đong đầy tầm mắt. Y hỏi, cũng là để tỏ lòng: "Cậu đến rồi đấy à? Tôi mong cậu mãi."

Thấy thế, lạ lùng thay, ngực Hạo không còn trĩu nặng như vừa rồi và chân bước cũng nhẹ bỗng. Cậu quên mâm cơm mình sắp sẵn bên nhà chờ y, quên cả những ý nghĩ rối ren trong lòng mình lúc này. Cậu lại gần án thư nơi y đang ngồi, hỏi bằng giọng thật khẽ: "Thầy đang làm gì thế?"

Thanh đáp luôn: "Tôi ngồi chấm tập quyển của bọn học trò vừa xin thôi học ấy mà."

Hạo thắc mắc: "Học trò xin thôi học rồi mà thầy vẫn ngồi chấm tập quyển của mấy cậu ấy ư?"

Thanh gật đầu, như một lẽ đương nhiên: "Phải. Cha mẹ chúng nó bắt chúng nó thôi học ở đây, bắt chúng nó bỏ lại cả tập quyển viết dở vì sợ... dính dớp. Tụi nó bỏ được, tôi thì không. Đây là chút việc cuối cùng tôi có thể làm để trọn nghĩa thầy trò, mặc dầu tụi nó còn chẳng biết đấy là đâu."

Nói đoạn, y lại nhúng một cây bút lông khác vào nghiên son, khuyên một vòng ở góc trang giấy, ý rằng đoạn này viết khá và đề thêm vài lời bình. Hạo nhìn bao con chữ thẳng thớm tuôn ra từ ngọn bút của thầy đồ nọ, đắn đo hồi lâu, cuối cùng cậu vẫn nói ra điều mình canh cánh trong lòng: "Vừa nãy sang đây, tôi đã gặp bác Tị gái trước cổng nhà thầy."

Thanh lầm bầm đôi câu trong họng, vừa hỏi vừa tự trả lời mình: "Bác Tị gái? À, là mẹ thằng Khán."

"Vâng." Hạo nói tiếp. "Bác Tị gái là người thứ mười."

Như đoán được cậu định nói gì, lần này Thanh không ngẩng đầu nhìn cậu, chỉ ừ một tiếng ra chiều đã biết.

Không rõ người bên cạnh hiểu ý mình thật không, Hạo đành tiếp tục cắt nghĩa: "Mấy ngày nay người ta kéo nhau đến xin thầy cho con thôi học, bác Tị gái là người thứ mười. Mười người trong ba ngày... So với trước kia, lớp của thầy chỉ còn non nửa."

Thanh vừa giở liền mấy trang giấy vừa đáp lời cậu trai nhà bên, vẫn chất giọng thản nhiên, vẫn nụ cười ngàn năm không đổi: "Không chung nếp nghĩ thì không đi cùng đường, ấy cũng là sự thường. Vả chăng học ai cũng vậy thôi, miễn là người ấy dẫn dắt được ta trên con đường học đạo làm người."

Thanh coi chuyện người ta rủ nhau xin cho con thôi học ở đây là chuyện thường. Còn Hạo, cậu lại chẳng bình tĩnh được như thế.

"Thầy biết tôi muốn nói gì mà. Người ta ngại thầy qua lại với tôi nên mới... ghét lây thầy."

"Cậu thử nói tôi nghe, tôi qua lại với cậu thế nào?"

"Thì... thầy thay tôi ra mặt với làng, giúp tôi trả tiền vạ, với cả... thầy còn cho kẻ đầy tai tiếng như tôi bước chân vào cửa nhà mình."

"Chúng ta là bạn, là láng giềng. Chút chuyện cỏn con ấy, chẳng lẽ tôi không làm được?"

"Chúng ta là bạn, là láng giềng nhưng tôi cũng... Tôi cũng là người mang tội."

"Người khác buộc tội cậu vì việc cậu làm trái với thói thường, trái với điều mà họ tin tưởng bấy lâu nay. Còn cậu, cậu cũng thấy mình sai ư?"

Phải người bình thường nghe được câu này, họ sẽ cho Thanh là một gã gàn dở vì đã làm một việc thừa thãi. Chẳng kẻ có tội nào chịu thừa nhận lỗi lầm là ở mình. Ví như chuyện đôi tình nhân tư thông vỡ lở, cả hai sinh sự cãi vã, anh đổ tội cho ả vốn tính lẳng lơ, ả viện cớ anh nửa ve nửa nạt. Ví như chuyện mấy đứa con trai con gái nhà nghèo đi ở trong những gia đình khá giả hơn, bị bắt quả tang ăn trộm chiếc vòng, đôi khuyên của chủ rồi mà vẫn khản cổ kêu gào tôi không có lỗi. Ví như chuyện người đàn bà bỏ thuốc độc vào bát canh của chồng, giữa lúc làng ngả vạ ngoài đình vẫn một mực đổ tại gã chồng khốn nạn, tại mẹ chồng cay nghiệt, tại phận mình hẩm hiu. Người ta không thèm để tâm đến lí lẽ của kẻ trong cuộc, bởi như thế thì chẳng khác nào cho họ cái cớ để phủi sạch mọi lỗi lầm họ gây ra, bởi đúng sai ở đời là do số đông trong xã hội quyết định.

Vậy mà ngay lúc này, đồ Thanh, kẻ tưởng như thấu tỏ nhân tình thế thái lại hỏi cậu trai bị làng bắt tội một câu ngây thơ hơn cả con trẻ: Cậu cũng thấy mình sai ư?

"Không. Tôi thấy mình không sai." Hạo trả lời, rõ ràng và mạch lạc, nhẹ nhàng mà quả quyết. Nhưng rồi ánh sáng trong mắt cậu chợt tắt, giọng nói cũng ngả màu ảm đạm. "Tôi chỉ... không muốn mình làm liên luỵ đến người khác, nhất là thầy."

"Hoá ra với cậu, tôi lại là người khác?"

Cạn dầu, ngọn lửa bên mép đĩa lụi dần. Nó gom chút sức tàn cho tim đèn nở hoa lần cuối rồi lịm hẳn. Ngọn nến bạch lạp kế bên cũng đã đi qua gần hết quỹ đời của mình. Thanh mặc kệ lũ đèn nến đương cơn hấp hối, bỏ dở cả công việc đang làm, tạm gác bút lông và tập quyển chi chít những khuyên son sang một bên để nói chuyện với cậu trai nhà bên cho ra nhẽ. Y không thể ngồi yên thêm một khắc nào nữa. Càng nói, Hạo càng vạch rõ ranh giới giữa cậu và y như thể họ chỉ là hai kẻ xa lạ. Càng nghe, Thanh càng đâm ra hờn trách như người ôm cả bụng tin yêu để rồi vỡ lẽ thứ gọi là tình nồng chẳng qua cũng chỉ là đôi câu thương hão. Y lờ mờ nhận ra mình đã thay đổi vì cậu trai trước mặt, nhưng đổi thay thế nào, bấy giờ chính y còn chẳng rõ.

Y chỉ biết điều mình tha thiết lúc này. Ấy là...

"Trước kia cậu tự nhận mình là một linh hồn lẻ loi, và tôi là nửa còn lại. Giờ thì sao? Cậu bắt tôi phải trơ mắt đứng nhìn một nửa hồn mình chết mòn? Cậu định gạt tôi ra khỏi đời cậu như bao người khác?"

"Cậu sợ mình làm liên luỵ đến tôi, nhưng liệu cậu có biết tôi sợ gì nhất? Tôi không quan tâm người đời nghĩ về tôi thế nào, nói với tôi ra sao, chỉ riêng cậu, tôi..."

Y nắm lấy đôi tay ngập ngừng bên vạt áo nhuộm màu nâu non. Cảm giác ấm áp nơi da thịt chạm nhau lan ra khắp cơ thể, len lỏi vào từng ngõ ngách trong sâu thẳm tâm hồn. Rồi, y buột thốt những lời mình còn chẳng ngờ đến.

"Cậu coi tôi như người dưng kẻ lạ, với tôi, ấy mới là điều tàn nhẫn nhất."

***

Trời nhọ mặt người, Hạo mới giật mình tỉnh dậy. Cái giấc ngủ nông choèn chập chờn bắt đầu từ độ canh tư đêm qua tai hại quá. Nó khiến người cậu uể oải vì mệt, quên luôn nếp sinh hoạt thường nhật. Cậu chỉ kịp xỏ chân vào đôi guốc cũ đẽo bằng gộc tre, vốc vội ít nước đựng trong chum vại ở gốc cau để rửa mặt súc miệng rồi cứ thế đi thẳng sang nhà bên cạnh.

Bấy giờ, ba cậu học trò của đồ Thanh đã có mặt ở nhà thầy. Cậu lớn nhất, ăn mặc gọn ghẽ nhất, đi guốc mộc mà tiếng êm như người ta đi chân trần trên cỏ là trưởng tràng. Trưởng tràng cắt đặt công việc đâu ra đấy. Vốn hiểu tính thầy học, bao giờ anh cũng nhận lấy vinh dự pha trà hầu thầy mỗi sớm mai, không để mấy thằng cu mũi còn vệt ngắn vệt dài động vào chén tống chén quân trong khay trà của thầy. Hai cậu khác nhỏ hơn, lần lượt thay phiên trong số tám đứa còn lại. Đứa thì lo việc quét dọn từ chỗ phản thầy ngồi ra tận sân gạch, đứa thì bưng nghiên mực, nghiên son ra cầu ao, hì hục mài. Sáng nay trưởng tràng cắt lượt thằng Thái, con bác Vải hàng xáo và thằng Câu, con anh mõ Liêm của làng. Hai đứa trạc tuổi nhưng khác nhau về tính nết, thành thử có chút việc cỏn con anh lớn chia cho cũng kèn cựa từng tí một. Trưởng tràng ngồi bên hoả lò thấy thế, xẵng giọng, khẽ gắt: "Chúng mày bé mồm thôi. Có mau làm việc không kẻo thầy dậy thì mỗi đứa chúng mày lại no đòn."

Câu đe ấy của anh lớn hai đứa Câu, Thái nghe mãi thành quen. Mấy hôm đầu mới học ở đây, chúng nó còn biết sợ khuôn phép nhà thầy. Ai cũng bảo người đi dạy chữ cho con trẻ có ngón đòn lợi hại lắm. Cái roi mây trong tay thầy phải bằng mười cây sào, cán chổi cha mẹ chúng nó vớ được mỗi khi nóng giận. Cái roi mây ấy cứ nhằm lúc các cậu chểnh mảng sự học hay chòng nhau, đánh nhau là lại được thể reo lên những tiếng vun vút và vẽ lên da thịt chúng nó mấy lằn đỏ tợn. Vậy nên mấy buổi đầu nghe anh lớn đe nẹt bằng đòn roi của thầy, hai đứa sợ lắm và giữ kẽ luôn luôn. Nhưng rồi theo học ít lâu, mấy cậu ma mới nào giờ đã thành tinh, lọc lõi đủ đường. Chúng nó hiểu tính thầy mình, biết tỏng cái roi mây đặt bên tráp son đựng sách chỉ để trưng chứ chẳng gieo vạ cho ai bao giờ. Thế là mặc anh lớn cứ việc đe, hai đứa Câu, Thái đâm ra nhờn và tiếp tục cãi nhau chí choé.

Cổng nhà đồ Thanh lại hé ra một khoảng be bé đủ để một người tầm thước lách vào. Tiếng guốc mòn âu yếm gõ vào nền gạch, thong thả cắt ngang câu chuyện của ba cậu học trò trong một buổi sớm đầu đông. Trời đã tỏ mặt người. Trưởng tràng trông ra ngoài sân, thấy rõ mặt mũi của cậu trai vừa tới.

Trước sáu con mắt hướng về phía mình, người ấy hơi cúi đầu, cất giọng khe khẽ: "Các cậu cứ để đấy tôi làm cho."

Hạo. Óc ba cậu học trò nảy ngay ra cái tên ấy. Cái tên được nhắc đến luôn luôn trong những câu chuyện phiếm người ta nói dở lúc đi chợ, làm đồng. Mọi người trong làng, cả đàn ông lẫn đàn bà, từ già đến trẻ đều nhẵn mặt cậu trai đầy tai tiếng. Chín cậu học trò còn theo học đồ Thanh cũng vậy. Thấy cậu đến, trưởng tràng, Thái và Câu nhận ra ngay. Mỗi người phản ứng một kiểu. Thái nhìn Hạo bằng ánh mắt của một ông bá hách dịch trông xuống đầy tớ của mình, mặt hằm hằm, tay buông cái chổi nãy giờ vẫn lê sàn sạt trên đất. Câu hiền hoà hơn, vẻ mặt ngơ ngác đến tội, thấy bạn bỏ dở công việc cũng định bắt chước làm biếng. Chỉ có trưởng tràng là người lớn hơn cả. Anh lườm hai thằng cu đứng đực giữa sân gạch rồi quay sang Hạo, và dù cậu nhỏ hơn mình vài tuổi vẫn cứ tôn trọng mà gọi bằng anh như thường: "Anh cứ để đấy tụi nó làm. Mới có tí việc đã ỷ lại người khác thì thành ra hư thân, mai này còn làm được gì cho làng cho nước nữa."

Đương dở câu chuyện, giữa lúc ấm đồng đặt trên hoả lò đã rít lên mấy hồi báo hiệu nước sôi, Thanh thong thả bước từ nhà trong ra, điềm nhiêm phân xử cho một vụ án tự phát: "Phải đấy. Hạo này, cậu cứ để các cậu ấy được tự nhiên."

Nhác thấy bóng thầy, ba cậu học trò giật mình, vội vàng làm nốt công việc được giao. Hai thằng Thái và Câu đã lủi ra xa từ lúc nào không biết. Thanh mời Hạo vào nhà, đón lấy ấm trà từ tay trưởng tràng rồi đích thân rót cho cậu một chén. Hạo đáp lễ bằng điệu bộ cung kính nhưng vẫn không ngẩng đầu nhìn người trước mặt.

"Tôi đã dặn cậu không phải dậy sớm sang đây, sao cậu không nghe? Tôi không có thói quen ăn sáng, trà thì đã có học trò pha, cậu cứ nằm thêm một lát cho khoẻ người."

"Tôi đã nhận việc hầu thầy, sao có thể mặt dày nằm gan trên giường mà để các cậu ấy làm thay cho được."

"Cậu còn nói thế là tôi giận đấy. Tầm này chắc cụ nhà cũng sắp dậy. Cậu ngồi đây uống với tôi tuần trà rồi hãy về thổi cơm cho cụ ăn sớm. Đừng lo cho tôi."

Mới đỡ đần việc nhà cho Thanh được mấy ngày mà Hạo đã thuộc nằm lòng nếp sống của người làm thầy lạ lùng này. Sáng, Thanh dậy khá muộn. Bình thường lớp học đã có trưởng tràng lo, anh lớn dạy em nhỏ nên mãi khi mặt trời chiếu vào hiên nhà, y mới thong thả rời giường. Thanh không có thói quen ăn lót dạ vào khoảng thời gian đầu ngày. Dậy rồi, y chỉ cần nhâm nhi trà nóng, đốt thêm một thỏi trầm là người tỉnh táo và khoẻ khoắn ngay. Hai bữa trưa và tối, y ăn sao cũng được, miễn rằng quà chiều là một thức mới để y thoả cái thú khám phá món lạ. Bởi vậy, ở nhà thầy Thanh, bao giờ Hạo cũng chăm chút cho bữa chiều hơn cả. Có lúc là chè là bánh, còn hôm nay, cậu đã phải đi một thôi đường ra tận chợ xa để mua bằng được mẻ châu chấu tươi rói về rang với lá chanh cho thầy Thanh ăn vặt.

Rang xong mẻ châu chấu, mùi thơm ngào ngạt từ nhà ngang đưa lên. Hai thằng Câu, Thái phải ở lại chịu phạt nào còn bụng dạ để nhẩm nốt bài cũ. Mấy nét chữ thi nhau bò lê bò càng trong trí óc non nớt của hai cu cậu. Hai cậu đói lắm, nhưng vì sợ thầy nên đành len lén nuốt nước miếng và hít hà thật khẽ cho vợi cơn thèm. Biết tỏng trò mình muốn gì, Thanh nén cười cốt để giọng sao cho tự nhiên mà phán: "Hôm nay đến đây thôi."

Nghe thế, hai thằng Câu, Thái lập tức thở phào một hơi nhẹ nhõm như tội nhân được đặc xá. Rồi khi nghe thầy dõng dạc bảo anh bếp mang quà chiều cho thầy trò chúng nó cùng ăn, hai cậu lại nhảy cẫng, mặt tươi tỉnh nom không khác gì một người bán ế thình lình gặp khách sộp. Cánh mũi hai cậu nở to và lồng ngực căng phồng thứ hương thơm của thức quà dân dã. Hai cậu chăm chăm nhìn ra trước cửa, mắt hấp háy đợi chờ một thứ gì đó quan trọng lắm. Và, kìa! Anh bếp ở nhà ngang đã đi lên với hai đĩa châu chấu rắc lá chanh giòn rụm. Thằng Câu hớn hở reo to, còn bạn nó là Thái thì đổi sắc, mặt tiu nghỉu.

"Hoá ra anh bếp nhà thầy lại là n... hắn ạ?"

Vốn Thái định gọi Hạo là theo thói quen, vì trong mắt nó một kẻ bị làng bêu còn hèn kém hơn cả người làm mõ, đầy tớ của cả làng. Nhưng bài học mấy hôm trước vẫn vẹn nguyên trong trí óc non nớt của đứa trẻ trạc tuổi mười hai, rằng thầy không thích học trò của mình coi thường gã trai kia, dù chỉ là một tiếng gọi. Thành thử cái tiếng đã ra đến miệng mà Thái còn phải nuốt lại vào trong, đổi bằng tiếng hắn gượng gạo vô cùng.

Ngồi ở bên kia phản, đồ Thanh thản nhiên trả lời câu hỏi mang ý trách móc của học trò mình: "Nhà thầy còn ai nữa đâu mà chẳng phải nhờ đến cậu Hạo." Rồi y nhìn cậu trai nhà bên, cất tiếng mời bằng giọng dịu dàng: "Cậu ngồi đây ăn cùng thầy trò tôi cho vui."

Hạo đặt hai đĩa châu chấu rang lên phản, toan lui ra thì lại nghe Thanh mời một câu như thế. Không muốn y phải khó xử trước đám học trò, cũng là để người khác không cảm thấy khó chịu vì sự có mặt của mình, cậu lắc đầu, chối khéo: "Thôi, tôi còn dở tay dưới bếp, chưa xong ngay được. Thầy và các cậu ấy cứ ăn trước đi."

Chưa để thầy kịp lên tiếng, Thái đã ngứa miệng chen vào: "Anh ta chỉ là một tên đi ở hầu thầy, sao thầy lại mời anh ta chung mâm với thầy trò mình thế? Con không chịu đâu."

"Thầy dạy anh những gì, anh lại quên rồi à? Anh phải tôn trọng người trước mặt mình, dù đó là thầy dạy anh, cha mẹ anh hay bất cứ ai khác. Cậu Hạo đây không phải kẻ đi ở để hầu thầy, chính thầy mới là người cần cậu ấy đỡ đần chút việc. Anh nghe rõ rồi chứ?" Khoé môi Thanh chùng xuống, đôi mày khẽ chau ra chiều không hài lòng. "Vả lại, anh không chịu cũng phải chịu. Thường ngày là cậu Hạo nấu, thầy và cậu ấy ăn chung, còn hôm nay là anh gặp dịp ăn ké. Nếu anh không muốn, thầy cũng không ép được. Thế nào, anh có muốn ăn không?"

Như người bị dồn vào thế bí, Thái nghĩ mãi mà vẫn không biết nên trả lời thầy thế nào mới phải. Châu chấu rang giòn rắc lá chanh thái sợi là món khoái khẩu của nó, nó muốn ăn, song lại ngại chung mâm với Hạo. Người làng vẫn bảo chung đụng với người có tội thì mình cũng thành hạng nhơ nhuốc đấy thôi. Nó sợ chuyện đến tai cha mẹ nó và mông nó sẽ lại hứng trọn mấy lằn roi đỏ tợn. Nghĩ thế, nó rùng mình, toan từ chối nhưng đĩa châu chấu rắc lá chanh cứ ngào ngạt đưa hương như gọi mời. Cuối cùng, bản tính ham ăn của con trẻ trong nó vẫn chiến thắng.

Nó cúi mặt, ngượng nghịu mà ậm ừ: "Con muốn... ăn."

Thế là bữa chiều nhà đồ Thanh hôm ấy có cả thảy bốn người dự. Thanh, Hạo và hai thằng Câu, Thái. Trưởng tràng giữ kẽ, không chịu ngồi chung mâm với thầy nên đã viện cớ xin về từ sớm. Thái vốc cả nắm châu chấu vào mồm nhai nhồm nhoàm, cố gắng ngồi xa Hạo nhất có thể. Câu ngoan hơn, cái ngoan của một đứa trẻ sinh ra trong gia đình ba đời làm mõ, mới nứt mắt đã quen với ánh nhìn khinh thường của người làng. Câu vừa ăn vừa khen Hạo khéo không ngớt miệng. Nó thấy cậu trai trước mặt dịu dàng và lành như củ khoai, khó mà gắt gỏng với ai, khác hẳn những gì người làng vẫn bàn tán. Nó hiểu mình gắn bó với cậu cũng bởi cái số bị người đời hắt hủi coi khinh, và về đây lại được thầy Thanh che chở, dẫn lối.

Bữa quà xong, chiều cũng tàn. Thanh và Hạo lẳng lặng đứng bên nhau trong mấy gian nhà vắng tiếng con trẻ. Cuối cùng, vẫn là Thanh lên tiếng trước: "Trẻ con vô tư, nó nói thế chứ bụng dạ không có gì đâu. Cậu đừng để trong lòng."

"Tôi chấp gì một đứa trẻ con chứ. Những gì trẻ con nói, suy cho cùng vẫn chỉ phản ánh suy nghĩ của người lớn chung quanh nó thôi." Hạo ngẩng đầu nhìn thầy đồ trước mặt, chẳng rõ có phải do ánh nến hay không mà mắt cậu thình lình ngời sáng, sáng đến lạ thường. "Vả lại, đâu phải đứa nào cũng ghét tôi theo cách mà người lớn vẫn thường nhồi vào óc con trẻ."

Tâm trí Thanh bỗng phủ một màu trắng xoá trước nụ cười vắng mặt đã lâu nơi cậu trai đa sầu đa cảm. Y chợt thấy lâng lâng trong dạ, hệt như người vô tình tìm được báu vật mình từng đánh mất.

"Cuối cùng cậu cũng chịu nhìn thẳng vào mắt tôi rồi."

Hạo ngạc nhiên. Thanh tiếp tục dốc cả tiếng lòng.

"Mấy hôm nay cậu cứ tránh mặt tôi mãi. Lúc nói chuyện với tôi cũng thế, cậu chẳng hề nhìn tôi. Phải chăng hôm ấy... hôm ấy, tôi đã làm cậu sợ?"

Hôm ấy là hôm nào, cả hai đều nhớ rõ. Hôm ấy, cũng trong gian nhà tù mù, cũng bên án thư lờ mờ ánh nến, Thanh đã nắm lấy tay Hạo mà thổ lộ với cậu điều y sợ nhất. Y sợ mình bị gạt ra khỏi đời cậu như bao kẻ lạ, sợ ngày nào đó họ sẽ trở thành người dưng.

"Không phải đâu. Chỉ là đang lúc rối trí, tôi chưa biết mình nên làm thế nào mới phải." Cậu ngần ngại một hồi, cuối cùng vẫn hỏi người bên cạnh điều mình canh cánh bấy lâu. "Sao hôm ấy thầy lại nói thế với tôi?"

Ngoài sân, nắng đã tắt hẳn, trời loang lổ mực tàu. Bóng tối ngập đầy dần khiến khoảnh sáng con con bao bọc hai người hẹp lại, khiến họ gần nhau hơn, gần đến độ họ có thể nghe rõ hơi thở và tiếng trống ngực rộn ràng của người kia vấn vít bên tai mình. Rồi, Thanh cất tiếng trả lời, giọng chưa bao giờ dịu dàng đến thế.

"Hồi tôi còn nhỏ, cha tôi có nói về tôi thế này. Ông bảo tôi làm gì cũng dễ dàng, sống thì hời hợt với mọi điều chung quanh, thành thử tôi sinh ra ở đời mà chỉ như kẻ ăn tạm ở nhờ chứ không gánh lấy chút trách nhiệm gì với xã hội. Lớn rồi, trải cũng đã nhiều, tôi ngẫm thấy lời cha tôi nói đúng lắm. Cảnh và người tôi đang nhìn thấy, chỉ cần quay lưng độ một chốc thôi là tôi đã quên mất chúng từng hiện hữu trước mắt mình thế nào. Mọi người cũng dễ dàng lãng quên tôi như một cái bóng. Tôi cứ sống như thế, cứ mải miết mà hững hờ cho đến khi gặp cậu."

"Cậu là người đầu tiên tôi quan tâm đến thế, cũng là người đầu tiên quan tâm tôi nhường này. Ở bên cậu, cảnh và người vốn mờ nhạt trong mắt tôi bỗng hiện lên rõ ràng. Cậu kéo tôi gần lại với cuộc đời, cho tôi cảm giác được sống và là chính tôi. Vậy nên... hơn cả bị người đời quay lưng, cậu coi tôi như người dưng kẻ lạ, với tôi, ấy mới là điều tàn nhẫn nhất."

Thanh không phải là người hay nói về bản thân mình. Trước kia, trong những lần chuyện trò giữa đêm muộn, bao giờ Hạo cũng thổ lộ mọi điều cậu canh cánh trong lòng, còn Thanh chỉ ngồi yên, im lặng và lắng nghe tất cả. Chẳng lúc nào y nói về mình, về cha mẹ và phần đời trước khi hai người gặp nhau. Nhưng giờ chuyện đã đổi khác. Lần đầu tiên, y chủ động giãi bày điều mình hằng tha thiết, còn Hạo, cậu lại nghe cả và tạc vào lòng mình từng tiếng một.

"Con người tôi không tốt đẹp như thầy tưởng đâu. Tôi chỉ là một thằng ích kỉ, một gã tham lam. Lúc nào tôi cũng tỏ vẻ mình phải sống vì người khác, nhưng chẳng bao giờ tôi làm được. Từ đầu đến cuối, tôi vẫn chỉ sống cho riêng mình. Với thầy cũng thế. Nếu tôi thực lòng nghĩ cho thầy, nhẽ ra tôi phải tránh thầy thật xa, kiên quyết từ chối mọi sự giúp đỡ của thầy chứ không phải... ỡm ờ như hiện tại. Nhưng tôi không làm được." Hạo nhìn y, hỏi y như thể đang hỏi chính mình. "Dù có phải liên luỵ đến thầy đi chăng nữa, tôi vẫn muốn bầu bạn với thầy. Tôi ích kỉ như thế, liệu thầy có hối hận không?"

Thanh cười, chẳng chút chần chừ. "Sao có thể nói cậu ích kỉ, nếu đó là ước muốn của cả đôi ta?"

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro