Chương bốn: Khó xử

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùi nhang cháy thơm nồng lan toả khắp gian nhà nhỏ, át cả mùi mồ hôi túa ra trên lưng và mùi máu nhạt rỉ ra từ vết thương chưa khép miệng. Hạo quỳ trước bàn thờ gia tiên cũng đã gần nửa canh giờ. Lưng cậu trai trẻ vẫn chằng chịt vết roi, chỗ kín còn sưng đau nay càng thêm ê ẩm vì phải quỳ trong một khoảng thời gian dài. Đương lúc mỏi mệt gần như là mê man, cậu chợt nghe giọng mẹ vang lên từ chiếc giường ọp ẹp gần đó, đong đầy xót xa và bất lực: "Đứng dậy đi."

Bắt con quỳ trước bàn thờ gia tiên để hối lỗi, cuối cùng người chịu khổ vẫn là mình. Mình mẩy nó còn chưa khoẻ, vết thương chưa lành, khi quỳ chẳng thể thẳng lưng, lúc đứng dậy hai chân run lên thấy rõ. Thân nó đau một thì lòng người mẹ này xót mười, chẳng thể nào nhẫn tâm bắt nó quỳ thêm nửa canh giờ như đã nói.

Thôi thì, con dại cái mang.

Chồng mất sớm, chỉ để lại hai đứa con thơ cho thân đàn bà này nuôi nấng. Mọi hi vọng bà đều gửi gắm nơi thằng con trai nhỏ. Bà ước nó khoẻ mạnh, ít bệnh ít tật, lớn lên có thể gánh vác cả trời cao. Bà mong con mình thông minh sáng dạ, học lấy đôi chữ để thi cử làm quan hoặc về dạy con trẻ trong làng, miễn sao đủ ăn đủ mặc, vợ con đề huề, thân già này cũng được nương nhờ về sau. Còn đứa con gái lớn thì chỉ cần hay lam hay làm, đến tuổi thì tìm mối tốt gả đi, thế là xong chuyện. Nhưng chẳng đứa nào làm bà yên tâm. Con lớn thì nghịch như quỷ, vụng thối vụng nát, hay mò sang nhà hàng xóm trộm sách để đọc. Thằng nhỏ thì chỉ ham mê nấu nướng, hễ sểnh ra là lại chui tọt vào xó bếp, đụng vào nồi niêu củi lửa. Và giờ là chuyện tày trời này đây.

Họ Trần bao đời ăn ở lành hiền, chẳng hiểu sao đến đời bà lại nảy nòi ra những đứa trai chẳng ra trai, gái chẳng ra gái. Bà không tài nào hiểu nổi chính khúc ruột dứt ra từ người mình. Sinh ra trong thân đàn ông ở cái xã hội này đã là may mắn lắm rồi. Không phải làm lẽ cho người, chịu cảnh chồng chung, không phải mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày, càng không phải loanh quanh nơi xó bếp chật chội suốt cả đời con gái. Vậy mà làm đàn ông không muốn, nó lại học đòi theo đàn bà. Nó tranh việc nấu nướng với chị, giờ lại oằn mình dưới thân đàn ông khác. Bà đã làm gì sai, đã dạy gì sai để nó lầm đường lạc lối như thế này?

Ngay lúc bà còn nghĩ ngợi vẩn vơ, giọng nói rụt rè của cậu trai trẻ bỗng vang lên bên tai. Nó gọi, giọng sẽ sàng: "Mẹ."

Bà nhìn gương mặt con tái dại vì đau, cố tỏ ra nghiêm khắc mà hỏi: "Biết mình sai ở đâu chưa?"

Nó cúi đầu, không đáp.

Bà thở dài. Lần nào cũng thế, xưa nay vẫn vậy. Trông nó thế thôi nhưng bướng bỉnh lắm. Thuở nhỏ, khi bị bà nạt vì dám bén mảng vào xó bếp, cu cậu cũng thế này, chỉ ỉu xìu vâng dạ mà không chịu thừa nhận là mình sai. Lần này cũng thế, nhưng bà không thể tiếp tục nhân nhượng được. Nó đã lầm đường lạc lối rồi, là mẹ, bà phải giúp nó trở lại bình thường như bao người đàn ông khác trên thế gian này. Rồi bà lại nghĩ đến con Cúc, đứa con gái lớn đã đi làm lẽ ở làng xa của bà. Nó cũng không khác thằng em mình là bao, cũng nghịch ngợm rồi học đòi đọc sách như đám con trai trong làng, nấu nướng thì vụng về, chuyện nhà thì lười biếng, nhưng chẳng phải đi lấy chồng rồi thì vẫn thành vợ người đấy sao.

Nếu... con trai bà cũng vậy...

Bà Thi nhìn con trai mình, bảo nhỏ: "Hạo, con lấy vợ đi."

Nghe vậy, cả người Hạo bỗng trơ ra như tượng đá, môi mấp máy định nói gì đó nhưng rồi cũng đành nuốt ngược trở lại.

Thấy con im lặng, bà Thi lại nói tiếp, vẫn giọng ôn tồn giảng giải. Bà không trách cứ cậu chuyện vừa qua mà vẽ ra trước mắt con một tương lai kiểu mẫu, cũng là trách nhiệm cậu phải gánh trên mình: "Con xem. Chị con đi lấy chồng rồi, việc nhà này cần có người khác cáng đáng. Lấy vợ về để việc nhà có người đỡ đần, rồi hai đứa tu chí làm ăn, sinh cho mẹ cháu chắt trước khi mẹ về chầu ông bà và cha con. Nghe lời mẹ, được không?"

Hạo biết mẹ mình đang mưu tính chuyện gì. Cậu hiểu chứ, hiểu mẹ không nỡ trách phạt mình, cũng hiểu mẹ làm vậy chỉ vì muốn tốt cho mình mà thôi. Nhưng cậu không thể, cũng không cam lòng. Cậu nói khéo: "Mẹ, chuyện đó để sau này rồi tính. Nhà ta nghèo, con lại vừa như thế... có cô gái nào bằng lòng theo con đây. Mẹ cứ chờ... chờ một thời gian nữa."

Bà Thi cũng không ép con, chỉ dịu dàng mà cương quyết hỏi lại: "Con sẽ cưới vợ, sẽ cho mẹ một đàn cháu chứ?"

Hạo cúi đầu, nhỏ giọng đáp: "... Vâng."

"Con ngoan của mẹ." Bà Thi xoa đầu, âu yếm con như trước đây thường làm. "Mẹ làm vậy cũng vì muốn tốt cho con thôi. Đàn ông ở với đàn ông chẳng phải chuyện tốt lành gì. Người ta coi con như đàn bà mà khinh bạc, về già con không có con cái để nương tựa, rồi thì miệng lưỡi thế gian... Người đời có tha cho ai bao giờ đâu. Nghe mẹ, nhé."

Cậu biết chứ, biết mẹ làm tất cả là vì mình, nên cậu không thể ích kỉ mà thẳng thừng từ chối, mà nói với mẹ rằng mình không sai, rằng mình chỉ thích đàn ông, không có cảm giác gì với con gái. Những gì cậu có thể làm lúc này chỉ là nuốt ngược tất thảy vào trong, đáp bằng giọng chúa chát: "... Vâng."

Dường như đã hài lòng, bà Thi không bàn chuyện này nữa. Bà nói với con về thầy đồ nhà bên: "Con phải ghi nhớ công ơn của thầy Thanh suốt đời. Thầy là người đứng ra giải quyết chuyện này với cụ lý, cũng giúp nhà mình nộp vạ cho làng. Mấy nay tiền thuốc thang và ăn uống của nhà ta đều là thầy bỏ ra. Thầy chẳng nề hà gì việc nhà ta như những người khác."

***

Vừa mới bước chân khỏi gian nhà chật hẹp, Hạo đã thấy thầy Thanh đứng giữa sân nhà mình từ lúc nào không hay. Như một lẽ đương nhiên, cậu thở phào, mối lo nặng gánh hai vai phần nào đã vợi bớt. Chỉ trong chốc lát ấy thôi, buồng phổi không còn ngột ngạt nữa, cõi lòng cằn khô cũng được làn mưa xuân dịu dàng tưới tắm. Cậu bước đến bên cạnh y, hạ giọng hỏi: "Thầy sang từ bao giờ, sao không gọi tôi một tiếng?"

Sợ phiền đến bà cụ chưa khỏi ốm trong buồng, chẳng cần ai nhắc nhở, cả hai đều rời bước sang nhà Thanh. Y mượn cớ giải thích: "Tôi vừa mới sang thôi, vì thấy mẹ cậu và cậu đang nói chuyện nên không tiện xen vào." Thật ra y còn thấy cả cảnh cậu quỳ trước bàn thờ gia tiên nữa. Khi ấy lưng cậu không thẳng, tấm áo màu nâu non ướt một mảng lớn, chẳng rõ là máu hay mồ hôi, hay là cả hai. Y không đành nhưng lại chẳng thể xen vào chuyện nhà khác, chỉ có thể quay đi, thôi không nhìn nữa. Còn giờ thì khác, y bảo: "Cởi áo ra, để tôi xem lại vết thương trên lưng cậu."

Qua chuyện lần này, giữa y và cậu chẳng còn gì để mà ngần ngại nữa. Cậu cởi bỏ tấm áo màu nâu non đã ướt một mảng. Đúng như y nghĩ, vết thương chưa khép miệng lại rỉ máu, máu hoà cùng mồ hôi, trông mà ghê người. Y cẩn thận dùng vải sạch thấm đi rồi thoa một lần thuốc mới. Suốt cả quá trình ấy, y không nói, đến cả tiếng hít thở bình thường cũng hoá im lìm, động tác dịu dàng hết mực như sợ làm đau người kia.

Phía trước, Hạo đáp: "Lại phiền thầy rồi."

"Đừng khách sáo." Thoa xong, Thanh mới trả lời. Chưa để cậu mặc lại áo vì thuốc chưa khô, bất chợt, y nhớ đến chỗ bị thương bên dưới: "Phía dưới thì sao? Cậu thấy thế nào rồi?"

Nghe y hỏi thế, hai má cậu trai bỗng chốc đỏ ửng, cậu đáp bằng giọng lí nhí: "Chỗ đó... đỡ rồi." Thật ra chỗ đó chưa khỏi hẳn, vẫn còn sưng đau vì phải quỳ trong thời gian nửa canh giờ, nhưng sao cậu có thể mở miệng đáp thế.

Nhưng y chưa chịu dừng lại ở đó bởi chưa tận mắt kiểm chứng, lòng y chưa thể nào yên, vậy nên y cứ thản nhiên đề nghị: "Để tôi xem chỗ đó của cậu."

Cậu ngập ngừng: "Nhưng..." Chỗ ấy vốn là nơi tế nhị trên cơ thể, hôm qua phải cho y kiểm tra đã là quá lắm rồi, sao cậu có thể để chuyện này xảy ra thêm lần nữa.

"Cậu còn nhớ đêm qua tôi đã nói gì không?" Trong đáy mắt toàn là bóng hình cậu trai nhà bên, Thanh nắm tay Hạo, dịu dàng dệt nên lời hứa vững chãi nhất. "Tôi luôn ở đây, ngay bên cậu. Tôi khác với tất thảy mọi người ngoài kia. Vậy nên trước mặt tôi, cậu không cần giấu giếm bất cứ điều gì."

Một người thường ngày thờ ơ với mọi sự trên đời thình lình ngỏ lời hẹn ước, hơn cả thế, người ấy còn cho cậu thấy tấm lòng chân thành hơn bất cứ ai đang sống ở cõi tạm này. Cậu thấy tim mình êm ái, thấy mắt mình cay cay. Cậu tưởng như những lời thề thốt lâu bền nhất trong đất trời này cũng chỉ đến thế mà thôi. Rồi, nhìn vẻ mặt gần như là khẩn khoản của y, cậu chẳng thể làm gì khác ngoài việc nuốt ngược những lời định nói vào bụng, đáp bằng giọng run run: "Vậy... tôi... đành phiền thầy..."

Nói rồi, cậu chầm chậm cởi nốt manh vải còn sót lại trên người, quay người nằm sấp trên giường, vùi đầu vào gối như để trốn tránh. Mà ở đằng sau cậu, thầy Thanh ngẩn cả người. Đây là lần đầu tiên y quan sát cơ thể của cậu trai nhà bên một cách kĩ lưỡng dưới trạng thái bình thường. Làn da trắng mịn thường ngày khuất dưới lớp áo giờ hằn những vết roi chằng chịt, thấy mà xót mà thương. Đường cong phía dưới thân cậu đẹp như nét bút trong tay người thợ vẽ lành nghề, eo nhỏ tôn lên hai mông căng đầy, khiến vị thầy đồ nọ thấy mà ngẩn ngơ, không biết đặt tay xuống chỗ nào mới phải.

Ở phía trước, Hạo cũng thấy có điều khác thường mà đánh tiếng: "Thầy ơi?"

Nghe cậu gọi mình, y mới bừng tỉnh khỏi những suy nghĩ và cảm xúc vẩn vơ đang lờn vờn trong tâm trí. Y mở nắp cái liễn sứ đựng thuốc, trấn an cậu bằng giọng dịu dàng nhất có thể: "Được rồi. Có thể hơi đau, cậu cố chịu nhé."

Để tiện thoa thuốc, Hạo nằm sấp, nâng hông, tư thế này tôn lên hai gò mông căng đầy. Thầy Thanh vén núi mở đường, tìm cho ra giếng sâu khuất lấp giữa hai đồi tuyết trắng. Chỗ đó nhỏ, hãy còn sưng nhưng không còn chảy máu, không còn lẫn lộn máu đỏ và dịch trắng như đêm qua. Song, không hiểu sao lòng y vẫn thấy chộn rộn khó tả. Y ghét cảm giác này, ghét khi thấy cơ thể cậu hằn bao vết tích của kẻ khác, ghét khi biết có kẻ lỗ mãng chà đạp cậu không chút tiếc thương.

Chỗ ấy mong manh đến thế, sao kẻ đó có thể nhẫn tâm xuống tay với cậu?

Nếu y là kẻ đó, y sẽ nâng niu từng tấc da tấc thịt, dịu dàng âu yếm cậu từ ngoài vào trong.

Nếu là y, y sẽ...

Nghĩ vậy, tay dính thuốc của y càng nhẹ nhàng hơn. Y cẩn thận thoa một lớp thuốc bên viền ngoài, kiên nhẫn mở rộng rồi thoa ở bên trong. Lặp lại vài lần như thế, người dưới thân đã đỏ ửng như trời nhuốm màu tà, mà y cũng chật vật không kém. Hai bên thái dương rịn mồ hôi, cổ họng khô khốc một cách khó hiểu.

Đến khi xong chuyện rồi, ai nấy đều thở phào một hơi.

"Thuốc của thầy lạ quá." Hạo là người lên tiếng trước, hai má vẫn còn ráng hồng chưa tan. "Thuốc gì mà trông hệt như mỡ lợn."

Thanh đóng nắp cái liễn làm bằng sứ đựng thứ thuốc mịn màng như mỡ đông, hai đầu ngón tay vẫn nhớ cảm giác ban nãy khi thuốc chảy ra và cả nơi ấm áp mềm mại ấy. Ngoài mặt, y vẫn điềm nhiên mà rằng: "Có lẽ ở đây không có thứ thuốc này nên cậu mới thấy lạ thôi."

Hạo không mấy để tâm đến thứ thuốc Thanh thoa cho mình nên cũng không hỏi thêm, chỉ đáp: "Mấy nay phiền thầy hoài, tôi ngại quá. Tiền thuốc thang, mời thầy lang, tiền nộp vạ cho làng, tôi sẽ cố thu vén để trả hết trong thời gian sớm nhất."

"Cậu không cần phải trả." Thầy Thanh định nói thế, nhưng khi nhìn thẳng vào đôi mắt sáng long lanh và vẻ mặt thẳng thắn chân thành của cậu, y đành nuốt ngược những lời ấy vào trong. Y ép mình phải thoả hiệp: "Được rồi. Không cần phải vội."

Cậu nhoẻn cười, lòng cũng đoán được rằng y sẽ nói thế. Thuốc trên người đã khô, cậu nhanh chóng mặc lại áo quần, miệng lẩm bẩm: "Có lẽ ngày mai tôi phải sang làng bên kiếm việc thôi."

Y ngẩn người. "Vết thương trên người cậu vẫn chưa lành, sao đã vội đi làm thuê? Sao phải sang tận làng bên để kiếm việc?"

"Giờ nhà này chỉ còn lại mẹ và tôi, tôi cứ nghỉ ngơi thì lấy đâu ra tiền ăn, tiền thuốc thang và tiền vạ trả thầy?" Cậu đáp. "Chuyện của tôi, cả làng đều biết. Người ta tránh tôi như tránh mả hủi, có ai lại bằng lòng bỏ tiền ra thuê một kẻ tai tiếng đầy mình để rồi chuốc nhơ nhuốc vào thân."

Phải rồi. Hạo khác y, cậu chỉ là một người dân lao động bình thường, nhà còn có mẹ già hay đau yếu. Cậu không thể thong thả như y được, bởi tiền ăn, tiền thuốc thang rồi tiền trả nợ không tự nhiên mà có. Muốn có tiền thì phải làm việc, mà làm việc thì chỉ có thể lặn lội sang tận mấy làng xa tít tắp, nơi tiếng xấu chưa kịp đến tai những ông bá, bà bá cần thuê người thiên hạ.

Nghe cậu giải thích, Thanh cũng vỡ lẽ được phần nào cái oai oăm tại hại ở đời. Y chợt lặng tiếng, hai mày khẽ chau ra chiều tư lự lắm. Về phần mình, hiển nhiên, y không nỡ để cậu đi làm thuê làm mướn khi còn vết thương trên người chưa lành, nhưng y cũng hiểu cậu sẽ không nương nhờ ai, cũng không để ai thương hại. Ngẫm một lúc, y đành thử khuyên can: "Hay là cậu giúp tôi cáng đáng việc nhà?"

Hạo ngơ ngẩn một hồi.

Càng nghĩ càng thấy đây là chuyện tốt cho cả đôi bên, y nói tiếp: "Cậu cần việc làm, vừa hay, tôi cũng cần một người cáng đáng chuyện nhà cửa. Tôi cần người dọn dẹp nấu nướng. Cậu có làm được không? Tiền thuốc thang, tiền vạ nộp cho làng sẽ bù vào đấy."

Nghe y nói thế, cậu hiểu ngay rằng y đang muốn giúp mình, nhưng y đã giúp cậu quá nhiều rồi, sao cậu có thể mặt dày nhận tiếp: "Nhưng..."

"Đừng ngại, tiền trao cháo múc cả thôi. Cậu làm, tôi trả chứ đâu phải ăn trộm ăn cắp của ai đâu mà sợ." Y cười, không định để cậu có cơ hội từ chối. "Coi như đây là ý muốn của tôi, được không?"

Y đã nói đến thế, cậu cũng đành chịu thua. Cậu gật đầu, như thể tự hứa với mình: "Vậy... Sắp tới đành phiền thầy nhiều hơn. Tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình." Sẽ không để mấy gian nhà y trống trải, thiếu vắng hơi người như hiện tại. Sẽ không để y bữa ăn bữa không, nhất là không để y lẻ loi một mình như trước nữa.

Thấy cậu thuận theo ý mình, Thanh mừng lắm. Khoé môi y cong lên như mọi khi nhưng chẳng còn nửa vời, chẳng phải nụ cười cho qua chuyện, cho đẹp lòng người đối diện mà trước kia cậu hay thấy. Nụ cười ấy khiến cậu bâng khuâng rồi chẳng hiểu sao lại buột miệng: "Mẹ tôi thích thầy lắm đấy. Còn bảo tôi phải nhớ ơn thầy suốt đời." Cậu biết y mới chính là người con trai mẹ muốn, cũng biết mẹ định bụng sẽ nhờ y uốn nắn mình, không để mình lầm đường lạc lối.

"Vậy còn cậu thì sao? Cậu thấy tôi thế nào?"

Cậu nghĩ gì về y ư? Cậu mỉm cười: "Gặp được thầy là điều may mắn nhất trong phần đời ngắn ngủi của tôi." Dường như nỗi cô đơn trong mười mấy năm qua của cậu gom góp lại, chỉ chờ để đổi lấy lần gặp gỡ này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro