Chương bảy: Mộng về đời cũ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thanh men theo màn sương mờ ảo mà đi vào cõi mộng. Từ lúc y gắn hồn mình với nửa hồn còn khuyết, kí ức của một thuở thiếu thời y bỏ lại sau lưng bắt đầu sống dậy trong những đêm mơ. Kể ra cũng lạ lùng. Người trần thường mơ về điều mình ao ước, thần tiên nằm những giấc tiên tri. Riêng Thanh, y mơ để nhớ về cuộc đời đã cũ. Thoạt tiên những gì y thấy khi nằm mộng chỉ là vài vụn quá vãng tủn mủn, lợt lạt và vô nghĩa. Dần dà, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, hệt như cảnh và người trong chiếc đèn kéo quân y vẫn chơi thời còn thơ dại.

Thanh lần mò trong khoảng không vô định hồi lâu. Theo từng bước y đi, sương mù dẫn lối tản ra, hoà vào màn đêm đặc quánh. Trăng chênh chếch ở một góc trời. Trăng hạ tuần, trăng lưỡi liềm, thứ ánh sáng nhạt nhoà chẳng đủ soi tỏ viên gạch nâng gót chân người xưa trở về chốn cũ. Dưới ánh trăng phủ màu nhờ nhờ, cơ ngơi của gia đình vào hạng khá ở một làng ven nội hiện ra trước mắt Thanh vừa lạ vừa quen. Hai cây mít bằng tuổi gia chủ chễm chệ một khoảng không gian trước nhà. Hàng cau mướt xanh bên bể nước mưa chỉ dùng vào việc pha trà và sắc thuốc. Một ao sen kì lạ nở hoa ngay ngày đông giá rét. Và sau căn nhà mái ngói đã phủ bụi thời gian, thấp thoáng bóng dáng vườn xoan y vẫn hay lui tới, vẫn thường lủi thủi tìm quả non, nhặt lá rụng.

Thanh dừng chân trước bậu cửa. Đứng ở bậu cửa ghé vào, y thấy ngọn nến bạch lạp thầy mình ưa dùng chiếu sáng một góc nhà vắng lặng. Trên ván ngựa thầy mình thường tiếp khách, y lờ mờ trông thấy hai dáng người ngồi im, một già cả, một trai tráng. Ông lão quắc thước, cũng là người cha già trong một gia đình neo người, đang tỉ mẩn đi những đường dao bén ngọt trên củ thuỷ tiên cụ tự tay chọn lựa. Anh con trai ngồi bên rót trà mới pha ra chén, kính cẩn mời cha mình nhấp ngụm đầu tiên. Dưới nền đất lạnh, cái hoả lò đã xong công việc được giao nằm chỏng chơ một góc, mấy đốm lửa đo đỏ còn sót lại cũng tắt dần rồi lịm hẳn, không đủ sức mà bùng lên thêm một lần nào nữa.

Ý chừng thấy việc gọt thuỷ tiên cũng tầm tầm rồi, ông cụ quắc thước nọ ngừng tay, để tạm sang một bên mà đón lấy chén trà anh con rót. Cụ hỏi như gợi chuyện: "Có phải qua giêng hai, anh lại lên đường như mọi lần?"

Anh con trai lễ phép đáp: "Thưa thầy, đúng là con định như thế."

"Nay anh đi những đâu? Đã định nơi nào cụ thể chưa?"

"Thưa thầy, con chưa nghĩ ra. Tính con vốn thế, bấy nay cứ đi khắp nẻo chứ không định trước bao giờ."

Đặt chén trà xuống mặt ván ngựa, ông cụ ra chiều trịnh trọng mà nhìn anh con trai, cũng là người con cả cụ không tài nào hiểu nổi: "Thầy hỏi anh câu này."

Rồi cụ ngập ngừng, cất giọng se sẽ: "Trước thầy tưởng tính anh như tính con bằng, con kình, không thể ở yên một chỗ. Anh đi vì tiếng gọi từ đời phiêu bạt, số phận đã định sẵn như thế, không ai có thể cầm chân anh. Thành thử mẹ anh mong anh ở nhà mãi nhưng thầy cũng không cản anh bao giờ. Song, bấy lâu nay, thầy lại nghĩ..."

"Có phải anh đi mãi là bởi chưa biết mình phải dừng ở chốn nào?"

Câu hỏi của người cha già đến quá đột ngột khiến anh con trai chưa thể trả lời ngay. Mãi khi ngoài thềm vẳng mấy tiếng gà gáy tàn canh, người đàn ông giống Thanh như đúc ấy mới gật đầu, vẻ ngượng nghịu.

Bấy giờ, Thanh mới nhớ rằng gã trai trẻ ngồi trong nhà kia là mình của tuổi hăm tư, hăm nhăm. Và lần tâm sự hiếm hoi giữa hai cha con diễn ra vào một đêm giáp Tết.

Độ ấy, sau khi giật được cái thủ khoa ở kì thi hương như đã hứa với hai cụ thân sinh, Thanh bỗng giở giói, bỏ cả cử nghiệp mà đi theo tiếng gọi của đời phiêu bạt. Ba người còn lại trong nhà nghe thế, thôi thì phản ứng đủ kiểu. Bà Nguyễn cho rằng con mình hoặc bị người ngoài rủ rê, hoặc bị quỷ ma làm cho mê muội. Cậu em chắc mẩm anh mình thường ngày giữ kẽ như sư nên giờ mới lên cơn trái khoáy. Chỉ có thầy y là bình tĩnh hơn cả. Ông bảo sinh ra làm con trai, ai cũng sẵn tấm lòng khát khao những thứ mới mẻ. Ông khuyên vợ không nên giữ rịt con trong luỹ tre làng, bởi nơi ở của chim bằng phải là giữa trời cuồn cuộn mây, cũng như cá kình phải được vẫy vùng ngoài bể lớn.

Thế là ở tuổi mười chín, Thanh bắt đầu quen với gió bụi đường trường. Khi đi bộ, khi ngồi đò. Tối tìm trọ hoặc ngả lưng trong khoang thuyền chờ trời sáng. Cái lối sống hối hả ấy theo y khi y đặt chân sang các làng bên sông. Thăm thú hết các làng bên sông rồi, Thanh lại tìm đến những vùng đất mới. Ở đấy, y thường tìm đến các nhà khấm khá, ngỏ lời với họ cho mình ngồi dạy học và kiếm bữa qua ngày. Rồi y nhận việc gõ đầu đám trẻ trong làng, dự những cuộc bình văn, thi thoảng nhâm nhi cút rượu đĩa lòng với mấy ông bạn cùng chí hướng. Cuộc sống trôi qua êm đềm và chính vì lẽ đó, dù là mảnh đất nào, y cũng không ở được lâu, cứ bắt đầu quen mùi là lại quảy khăn gói, ôm tráp điếu lên đường đến với xứ lạ.

Thanh lang thang đây đó cũng phải gần sáu năm. Trong sáu năm này, y đã quen thói ngủ lang và nếm cơm thiên hạ, chỉ về nhà mỗi dịp giáp Tết rồi lại khăn gói lên đường khi qua giêng hai, thành thử suốt một năm trời, y chỉ ở với thầy mẹ được mấy tháng. Những ngày đông đủ, hai cha con chuyện trò thâu đêm. Ông Nguyễn hỏi con mình chuyện đường trường, dò ý con về tương lai, có khi còn tỏ cho con biết độ này trong người cụ không bằng trước, ắt hẳn đã đến lúc cụ phải sửa soạn dần cỗ áo quan hợp ý mình. Được đà, trong lần hai cha con tâm sự năm ấy, cụ bỗng hỏi Thanh một điều cụ chưa nói bao giờ.

"Có phải anh đi mãi là bởi chưa biết mình phải dừng ở chốn nào?"

Anh con trai ngồi trong nhà, cũng là Thanh của tuổi hăm tư hăm nhăm, gật đầu với nét ngượng nghịu hiếm lắm mới hiện lên mặt. Y ngượng vì bị cha nói trúng tim đen. Y ngượng vì phải thừa nhận rằng lí tưởng của mình không cao cả như mọi người vẫn nghĩ. Hoá ra mọi người chung quanh, và, cả chính bản thân y nữa, đều đã nhầm. Hoá ra y không phải chim bằng sải cánh giữa mây trời cuồn cuộn, càng không so được với cá kình vẫy vùng ngoài bể khơi. Y chỉ là con đò nhỏ trôi hoài, trôi mãi vì chưa tìm được bến đậu.

Lại thêm mấy tiếng gà rời rạc vẳng vào màn đêm đương tan dần. Thanh của rất nhiều năm sau này đứng lặng trong bóng tối, đau đáu nhìn Thanh của tuổi hăm tư hăm nhăm tỏ lòng bên ngọn nến cháy dở, bên người cha già nửa đầu bạc trắng.

"Chắc thầy thất vọng về con lắm. Sáu năm trước con bỏ nhà bỏ cửa, bỏ lại thầy mẹ và em Sinh ở đây, bỏ cả chuyện trường ốc rồi đi. Đi... chẳng vì điều gì đặc biệt. Con chỉ đi vì chân chưa muốn nghỉ, nhưng càng đi lại càng lạc lối. Có những đêm trằn trọc trong một quán trọ dọc đường, con lại tự hỏi mình là ai, mình sinh ra ở đời để làm gì. Một kẻ đến mình là ai còn không rõ sẽ chẳng gánh được trách nhiệm nào với xã hội đâu."

Mấy gian nhà ngói lại chìm trong yên lặng. Ông Nguyễn nhìn đứa con cả, thốt: "Từ bé đến giờ, đây là lần đầu tiên con chịu nói với thầy những gì con nghĩ."

Ngỡ ngàng, anh con cả họ Nguyễn ngẩng đầu, để rồi y chợt nhận ra cha con họ chưa bao giờ gần gũi đến thế. Có lẽ là bởi ánh nến. Ánh nến làm đôi mắt người cha thêm thăm thẳm. Ánh nến làm khoé môi người cha thêm dịu dàng. Thanh của rất nhiều năm sau này vẫn đứng lặng trong bóng tối, chăm chú lắng nghe lời cha như vọng về từ nẻo xa mà tạc vào lòng từng tiếng một.

"Cả này, thầy sống được đến bây giờ cũng có nghĩa là đã đi gần hết quỹ đời mình. Cả đời thầy từ khi còn bé đến lúc trai trẻ, về già, thầy phải theo ông bà con lên ngược xuống xuôi, sau này luống tuổi mới gây dựng được một cơ ngơi tạm gọi là khá để cả nhà ta nương nhờ. Thầy nhìn nhiều, trải cũng nhiều. Thầy nghiệm thấy ở đời, con người ta khổ lắm. Khổ vì đèo bòng quá nhiều trách nhiệm. Khi con người ta đến với thế giới này, ông trời đã buộc vào chân đứa bé ấy bao xiềng xích. Đứa bé đỏ hỏn mà người ta ẵm bồng khi ấy đã được định sẵn trách nhiệm với cha mẹ nó, với người lạ mà sau sẽ cùng nó nên vợ nên chồng, với cả làng, cả nước. Nhưng phải có những trách nhiệm ấy, con người mới là con người. Phải có xiềng xích giữ tay chân, người ta mới đứng vững được trước cuộc đời nhiễu nhương khó đoán."

"Cả này, người ta đến với đời bằng tiếng khóc, nghĩa là đã vào bể khổ. Nhưng thầy nhớ lúc mẹ con sinh con ra, mặc cho mọi người giở đủ trò, con vẫn ráo hoảnh, chỉ đưa mắt nhìn chung quanh một lượt rồi thôi. Con không khóc, không cười, chỉ nằm im. Mọi người bảo thế là số con ấm êm, trời định sẵn cho con một đời bằng phẳng, không biết khổ là gì. Con tài giỏi hơn người, muốn gì được nấy. Mẹ mong con đứng đầu kì khảo hạch, thế là người ta phải gọi con là ông đầu xứ thật. Con hứa với thầy sẽ đỗ giải nguyên ở kì thi hương, đấy cũng không phải lời hứa hão. Đường đời con bằng phẳng, đến giờ vẫn chưa biết vấp ngã là gì, thầy lo lắm con ạ. Con người ta sống ở đời phải biết khổ, biết sợ. Còn con, nhiều khi thầy tưởng con chỉ sinh ra để ngắm đời chứ không gánh lấy chút trách nhiệm nào với xã hội. Người như thế... trời dễ bắt về lắm con ơi. Con cứ việc đi. Con phải biết mình là ai, phải biết mình sống vì lẽ gì."

"Con phải tìm được chốn về trong tâm hồn, bằng không con sẽ phải lang bạt đó đây, ngay cả khi thân xác trở thành tro bụi. Nếu con không tìm được thì ở đâu cũng thế, nơi nơi đều là đất khách, chẳng chốn nào là nhà."

Ông cụ dốc hết những lời gan ruột mà dặn dò con mình, những mong đời nó sẽ đổi thay. Rồi, chẳng biết làm sao mà ông cụ quay mặt ra phía bậu cửa, hỏi bằng giọng buồn thê thiết.

"Cả này, con đò ấy đã tìm được bến đậu chưa?"

***

Ánh trăng chênh chếch ngoài song. Trời rét như cắt. Cái rét ngọt đặc trưng của tháng Chạp cắt thịt cắt da, cắt cả ruột gan con người, làm tình làm tội bao kẻ đang oằn mình trong manh chiếu rách.

Thanh trở mình ngồi dậy. Nay y tỉnh giấc sớm hơn mọi ngày, song không phải vì rét. Y xỏ chân vào đôi guốc sơn có quai ngang bằng da thuộc rồi vớ lấy đĩa đèn dầu lạc. Lau xong đĩa đèn, y mới đổ thêm một lần dầu nữa. Thấy ngọn dầu lạc bên mép đĩa gốm men xanh chưa đủ tỏ, y lại thắp thêm một cây bạch lạp. Thoáng chốc, trong nhà sáng như ban ngày. Ánh sáng của bọn đèn nến đương độ sung mãn át cả mảnh trăng xế treo lơ lửng ngoài song.

Chà răng bằng miếng cau khô và súc miệng bằng nước chè đặc rồi, Thanh mới trịnh trọng bắt đầu công việc mình đã liệu trước độ chục hôm. Y bày ra phản một cái bát chiết yêu, một con dao mài thật sắc và củ thuỷ tiên mình mua từ dạo nọ. Sau mấy ngày ngâm nước, lớp áo sẫm màu cánh gián bọc ngoài củ thuỷ tiên đã nhạt bớt và nhựa trong củ cũng phai đi ít nhiều. Bấy giờ Thanh mới cần đến ngón gọt tài tình của mình, cái ngón gọt năm xưa được thầy y đem ra ví với tay nghề của một ông cụ đã dùng hơn nửa quỹ đời vào cái thú chơi thanh quý bậc nhất.

"Lần đầu chơi thuỷ tiên mà anh gọt được thế này, khá quá. Phải ai không biết, có khi người ta còn tưởng anh là một nghệ nhân đã gọt thuỷ tiên hơn nửa đời người. Anh thử nói thầy nghe, lần đầu chơi thuỷ tiên, anh lĩnh hội được gì?"

"Con chỉ học theo cách thầy gọt thôi. Hễ thầy làm gì là con bắt chước theo đấy, y hệt."

"Vậy anh thấy thuỷ tiên có gì đặc biệt?"

"Thưa, với con, hoa nào cũng thế, không có loài nào là đặc biệt hơn cả."

"Thế ra anh chưa học được gì ở thú chơi này?"

"Thưa vâng. Phải chăng con còn nhiều điều thiếu sót khiến thầy bận lòng?"

"Không, cả ạ. Xem đường dao và dáng thế thuỷ tiên của anh, thầy phải khen thực bụng là tài tình lắm. Rễ hàm én, bẹ móng rồng, lá xanh ngọc, hoa ba tầng. Ngay cả những bậc cao niên, dễ họ cũng phải cho đây vào hạng toàn bích. Hồi bằng tuổi anh, thầy cầm củ thuỷ tiên mà không biết xuống dao chỗ nào mới phải. Anh có tài thật, chỉ hiềm một nỗi..."

"Thưa, xin thầy chỉ bảo cho con."

"Anh chỉ lo học theo thầy mà quên mất cái hồn của thuỷ tiên, không coi thuỷ tiên là bạn. Cho nên với anh, thuỷ tiên không khác gì vật chết. Trước khi xuống dao, anh phải hình dung ra câu chuyện đời nó, phải mường tượng dáng thế thuỷ tiên sau này như bóng hình một người bạn anh chưa biết mặt. Anh phải săn sóc nó, phục dịch nó, bầu bạn với nó như tri kỉ. Chơi thuỷ tiên phải nhọc thế đấy, con ạ."

Thanh tự nhận bản thân không phải hạng tối dạ, song năm ấy y cũng đành bó tay trước những lời căn dặn của thầy mình. Quả thực chúng mơ hồ quá. Giá ông Nguyễn có bảo y phải gọt và uốn cho dáng thế thuỷ tiên được hài hoà, toàn bích, y đã hiểu mà làm ngay, chẳng chút sai lệch. Ấy mà cụ lại dặn con mình phải hình dung ra câu chuyện đời hoa ngay từ nhát dao đầu tiên, phải mường tượng dáng thế thuỷ tiên sau này như bóng hình một người bạn chưa biết mặt, thế mới đâm ra oái oăm. Con người ta đâu thể vẽ ra trong óc bóng dáng một kẻ họ chưa gặp lần nào. Thanh, khi ấy mới chỉ là một cậu trai tuổi còn chửa chạm đầu hai, không tài nào hiểu nổi những lời cao siêu ấy, đành nài thầy giải thích rõ hơn nhưng ông Nguyễn chỉ nhìn con, mủm mỉm và không cắt nghĩa thêm bất cứ điều gì.

Nhưng giờ thì Thanh đã hiểu, hiểu rằng thuỷ tiên không phải tạo vật vô tri, hiểu rằng sự tồn tại của nó trong mắt nghệ nhân là độc nhất vô nhị. Mỗi người hình dung thuỷ tiên theo một cách khác nhau. Có người coi thuỷ tiên là tri kỉ trăm năm mới được dịp gặp gỡ một lần. Có người coi thuỷ tiên là nàng tố nữ nối liền cõi mộng với trần ai. Còn Thanh, y cầm củ thuỷ tiên còn vẹn nguyên lớp áo mà óc đã mường tượng ra cảnh gia đình sum vầy bên mâm cơm ngày Tết. Thuỷ tiên sẽ tô điểm cho bức tranh gia đình có y, có Hạo, và bấy giờ y sẽ trỏ bát hoa nở nụ hàm tiếu, nói nó là điềm lành báo hiệu một năm may mắn cho chúng ta.

Nghĩ thế, ánh mắt Thanh nhìn củ thuỷ tiên bỗng hiền hoà và tươi vui hơn hẳn. Y nâng củ thuỷ tiên như người ta nâng niu vật báu. Y cầm con dao sắc như gã thầy cúng đang chuẩn bị thực hiện một nghi thức thiêng liêng. Rồi tay y thoăn thoắt mà tỉ mẩn, lưỡi dao nghiêng và bén đi mấy đường thật ngọt. Mùa xuân ngủ lịm dưới lớp áo nâu bợt ló đầu ra. Một màu xanh non mờ mờ, căng tràn nhựa sống.

Người ta vẫn bảo thú chơi thuỷ tiên đòi hỏi lắm công phu. Cứ nhìn củ thuỷ tiên chẳng to là mấy, ấy mà riêng công đoạn gọt cũng khiến Thanh tiêu tốn cả canh giờ. Xong việc, nhìn ra ngoài thềm, trăng đã phai nhoà trên nền trời mù sương từ lúc nào không hay. Một mùi hương thơm nức đưa sang như gọi mời. Thanh dừng tay, vừa cười vừa hỏi mình: "Cậu ấy đã dậy rồi cơ đấy?"

Rồi y pha một ấm trà sâm, bày một đĩa bánh khảo. Môi cứ tủm tỉm như con trẻ ngóng mẹ về chợ, mà cũng giống gái lớn chờ đợi tình lang. Bên tai, tiếng guốc mòn quen thuộc lại vang lên, thong thả gõ vào nền gạch. Trước mặt, nụ cười âu yếm xuất hiện từ màn sương, đẹp tựa nắng đào sau một đêm mưa tầm tã.

Trong khoảnh khắc ấy, giữa bể khơi mênh mông chưa khi nào thấy bờ bên kia, giữa mưa gió chòng chành chẳng bao giờ ngơi nghỉ, lần đầu tiên, Thanh thấy con đò nhỏ năm xưa trôi hoài, trôi mãi đã tìm được bến đậu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro