Chú Vũ Xuân Thiều | Tư liệu ảnh - Những Lá Thư

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chân dung chú Vũ Xuân Thiều.

Ba thứ đại diện cho cuộc đời của chú Thiều: Máy bay MiG-21 là sự nghiệp, cuộc sống bị cướp đi bởi máy bay B-52 và đại bàng đá là món quà của tình yêu.

Trong "Thương Lượng Với Bầu Trời" (TLVBT) mình có nhắc về "món quà đại bàng bằng đá cẩm thạch có thể phát sáng vào ban đêm", tư liệu này hoàn toàn có thật.

Những bức thư do chú Thiều viết, mình có trích nguyên văn bức thư chú viết vào ngày 21/12/1972 trong TLVBT.

Về chất liệu giấy pơ luya màu xanh cũng hoàn toàn lấy cảm hứng từ những tư liệu về chú Thiều mà mình tìm kiếm được. Chị dâu của chú Vũ Xuân Thiều có nói: "Cùng đơn vị với chú Thiều có anh Tuân-thợ máy, nhà cũng ở phố Đặng Dung. Mỗi lần anh Tuân về tranh thủ, chú Thiều đều nhờ mua giúp phong bì và giấy pơ-luya màu xanh. Chú ấy tế nhị và lãng mạn lắm. Không nói nhiều nhưng hành động thì rất cụ thể".

(Tư liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn).

"Với B52, tất cả đều sẵn sàng quyết chiến" Thượng úy Vũ Xuân Thiều nhập ngũ năm 1965, khi vừa 20 tuổi, đang là anh sinh viên năm thứ ba khoa Điện tử viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội. Anh hy sinh khi mới 27 tuổi. Lứa SV Bách khoa năm đó có 10 người nhập ngũ, trở thành phi công lái máy bay chiến đấu MIG 21. Người em áp út của anh, bà Vũ Kim Bình, kể rằng trở thành phi công là mơ ước từ thuở nhỏ của anh. Mỗi cuốn vở của anh thường xuất hiện những chiếc máy bay phản lực ở góc trên cùng bên phải. Học lớp 7, anh tham gia vào CLB mô hình máy bay ở trường. Người anh trai cả của Thượng úy Vũ Xuân Thiều, đại tá Vũ Xuân Thăng cũng nói, Vũ Xuân Thiều giấu nhà thi tuyển phi công, thi đến lần thứ hai mới đỗ. Rồi anh đi Liên Xô học, trở về thành phi công của đại đội 5 bay đêm, trung đoàn 921. Rất lâu sau này, trong những cuốn sách của đồng đội viết về anh, gia đình mới biết, những năm 1968-1970, anh là phi công trực tiếp chiến đấu chiến trường khu 4.


Những dòng thư anh viết về cho gia đình thường vội vàng, ngắn gọn. tranh thủ những giờ phút rỗi rãi, bởi chính như chủ nhân của những lá thư cũng viết: "Dạo này con bận quá, hầu như ít lúc nào rỗi rãi. Có rỗi cũng phải ngủ và nghỉ vì quá mệt". Tháng 4 năm ấy, Mỹ bắt đầu dùng B52 đánh phá từ vĩ tuyến 17 trở ra Hà Nội. Ngày 16-4 cũng là ngày lần đầu tiên Mỹ sử dụng B52 đánh cả vào Hà Nội và Hải Phòng. 60 máy bay ném bom các kho xăng dầu gần Hà Nội vào buổi chiều. Còn ở Hải Phòng, một nửa diện tích nội thành, thị trấn Đồ Sơn và sáu xã ven biển huyện Kiến Thụy, An Hải bị bom đạn tàn phá. Lá thư đề ngày 16-4-1972, anh viết: "Hôm nay máy bay Mỹ đánh Hà Nội. Con nghĩ nhà nên tìm cách sơ tán bớt lũ trẻ không thể nào lường hết được mức độ ác liệt của những cuộc chiến đấu sắp tới. Tụi nó dám dùng B52 để đánh Hà Nội lắm chứ". Những ngày ấy, trung đội bay đêm đã biết mình sắp bước vào cuộc chiến cam go và nguy hiểm. Có một điều kỳ lạ là dù căng mình với từng đợt bom đạn của kẻ thù, người lính ấy vẫn giữ cho mình một thái độ bình tĩnh, "Với B52, tất cả đều sẵn sàng quyết chiến bằng bất cứ giá nào cũng đánh, bất cứ điều kiện nào cũng đánh". Dường như đó là khí thế chung của Hà Nội những ngày ấy, khi đáp trả lại lời dọa dẫm "đẩy lùi bắc Việt Nam về thời kỳ đồ đá" của kẻ thù khi đó. Anh trấn an gia đình, "Tụi con khá vất vả, nhưng chưa ăn thua gì, chỉ vất vả hơn so với trước thôi"


"Đây không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà thân yêu của mình"Trong lá thư ngày 22-5-1972, người lính viết những dòng đầy tính dự cảm: "Có lẽ rồi sẽ đến lượt chúng con. Khi cuộc chiến tranh ở giai đoạn tàn khốc nhất, hủy diệt các thành phố. Khi đó tất nhiên những máy bay như B52 sẽ được dùng vào đêm nhiều hơn và chắc đó sẽ là thời cơ của bọn con. ... Người ta bảo với chúng con, "Đừng nghĩ đến những chiếc F4 mà hãy nghĩ đến những chiếc B52". Không biết rồi sẽ ra sao. Nếu chiến tranh kết thúc mà không có dịp để góp một phần nhỏ của mình thì thật đáng buồn". Đó cũng là lá thư duy nhất Vũ Xuân Thiều tiết lộ nhiệm vụ bay đêm với gia đình. Nguy cơ B52 vào Hà Nội đang rất gần. Trong cái sốt ruột muốn làm một cái gì đó đóng góp cho Hà Nội, những lá thư luôn thường trực nỗi lo lắng cho gia đình. Là người đối mặt trực tiếp với máy bay địch, hơn ai hết, anh hiểu hậu quả thảm khốc của những trận bom. Anh dặn nhà "Ở chỗ mẹ, hầm đó làm cẩn thận chưa. Cần phải có nắp cẩn thận. Nhà mua tre mà lát nóc hầm. Mẹ đừng chủ quan, ở sơ tán cũng cần hầm tốt", dặn em đừng ham chơi quá, dặn bố trú bom thì trú sang hầm câu lạc bộ mới an toàn.....


Bảy tháng sau, Mỹ cho B52 rải thảm Hà Nội. Và chính người lính lúc nào cũng canh cánh căn nhà mình có an toàn không ấy, trong lá thư cuối cùng, đề ngày 21-12, anh viết: "Trải qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề của mọi người vì phải đứng nhìn lửa bom hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội và những vùng phụ cận. Rồi sẽ còn chồng chất thêm nhiều tội ác như thế nào nữa. Đó là điều mà ai cũng lo lắng và căm giận. Con nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho cái ngôi nhà thân yêu của mình, cùng với....". Lúc đó, không chỉ có anh, tất cả, đều giữ trong lòng một ngôi nhà chung, và phải chiến đấu "bằng bất cứ giá nào" để bảo vệ nó, đấy là Hà Nội. Lá thư vỏn vẹn mấy dòng đó mãi mãi dừng lại ở những dòng chữ dở dang, sau này được đồng đội chuyển về nhà. Mẹ anh ghi lại đằng sau dòng chữ: "Kỷ niệm cuối cùng của con". Đêm ngày 28-12-1972, con chim én ấy quả cảm lao chiếc MIG 21 của mình vào pháo đài bay B52, cháy rực bầu trời. Đó là chiếc máy bay thứ hai và là chiếc B52 cuối cùng do bộ đội không quân Việt Nam bắn hạ được ghi nhận trong chiến dịch 12 ngày đêm năm 1972.


Sáng ngày 29, đại tá Thăng trực ban tại Tổng cục chính trị, ông nhận được tin có một phi công Việt Nam hy sinh. Ông xử lý thông tin như mọi ngày, mà không hề biết rằng đó chính là người em trai của mình. Vào ngày kết thúc chiến dịch, 1-1-1973, hai người em của Vũ Xuân Thiều đạp xe lên sân bay thăm anh. Mọi khi hai người lên, nếu không phải anh mình thì cũng là những người bạn thân thiết của anh ra đón, dẫn đi chơi. Nhưng lần này lạ là chỉ có một đồng đội ra báo, anh Thiều đang chiến đấu ở chỗ khác. Không ai biết anh trai mình đã hy sinh cách đó vài ngày. Không ai đủ can đảm thông báo thông tin đau buồn ấy cho hai người em mới mười lăm mười sáu tuổi. Mãi đến giữa tháng 1-1973, cả gia đình mới biết tin.


Và cũng vì nhiều lý do, phải đến 15 năm sau, tên của người phi công anh hùng cùng chiến công bắn hạ chiếc B52 cuối cùng trong chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, mới được chính thức nhắc đến trong một bài báo. Năm 1994, Thượng úy Vũ Xuân Thiều được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.Lại sắp đến ngày 28-12, năm nay, bạn bè đồng đội anh sẽ lại về đông đủ. Chúng tôi nghe kể rằng, người con gái anh yêu năm xưa, sau này lập gia đình với một người đồng đội của anh. Cả hai vẫn thường đến thăm gia đình anh. Trong căn nhà của người anh hùng, đồ đạc của anh vẫn còn được giữ lại: chiếc tủ nhỏ để đồ cá nhân với chiếc móc khóa anh tự làm, những bài báo, những tấm ảnh về anh. Cả mảnh vỡ từ chiếc B52 anh bắn hạ và mảnh vỡ của chiếc MIG 21 anh lái, đều được giữ lại. Con chim đại bàng, quà tặng của người yêu, cũng được bày ở đó.Và vẫn còn những giọt nước mắt. Vết thương chiến tranh, đâu phải cứ thời gian là có thể lành.



(Trích)Lá thư ngày 22-5-1972: Có lẽ còn rất lâu mới có dịp để về Hà Nội – còn dịp để vào thăm mẹ và mọi người càng khó hơn. Con vẫn khỏe và hoàn toàn bình thường. Cuộc sống thời chiến cũng chẳng đảo lộn là bao _ có chăng chỉ vất vả hơn một chút. Tất nhiên chưa vất vả bằng những đứa khác không bay đêm như tụi con. Có lẽ rồi sẽ đến lượt chúng con. Khi cuộc chiến tranh ở giai đoạn tàn khốc nhất, hủy diệt các thành phố. Khi đó tất nhiên những máy bay như B52 sẽ được dùng vào đêm nhiều hơn và chắc đó sẽ là thời cơ của bọn con. Còn bây giờ ngồi yên mà nhìn tụi ngày làm ăn_vui mừng cùng những thắng lợi của chúng nó và chia sẻ cả những nỗi buồn trước những mất mát không thể tránh được trong chiến đấu. Sốt ruột vô cùng nhưng không ai làm gì được. Người ta bảo với chúng con, "Đừng nghĩ đến những chiếc F4 mà hãy nghĩ đến những chiếc B52". Không biết rồi sẽ ra sao. Nếu chiến tranh kết thúc mà không có dịp để góp một phần nhỏ của mình thì thật đáng buồn.Ở chỗ mẹ, hầm đó làm cẩn thận chưa. Cần phải có nắp cẩn thận. Nhà mua tre mà lát nóc hầm. Mẹ đừng chủ quan, ở sơ tán cũng cần hầm tốt.Bố mẹ đừng lo gì cho con, hoàn toàn chẳng có gì đáng lo, dù rằng nghĩa vụ có khi còn thay đổi theo tình hình thực tế nữa.


Lá thư ngày 16-4-1972: Có lẽ ở nhà mong tin con và ngược lại, con rất mong tin ở nhà. Hôm nay máy bay Mỹ đánh Hà Nội. Con nghĩ nhà nên tìm cách sơ tán bớt lũ trẻ không thể nào lường hết được mức độ ác liệt của những cuộc chiến đấu sắp tới. Tụi nó dám dùng B52 đế đánh Hà Nội lắm chứ. Tụi con khá vất vả, nhưng chưa ăn thua gì, chỉ vất vả hơn so với trước thôi.Ngồi nhìn cột khói Đức Giang mà đau lòng. Ngồi nghe tin tụi nó đánh các thành phố mà uất ức và nhất là khi nghe tin đánh Hà Nội. Với B52, tất cả đều sẵn sàng quyết chiến bằng bất cứ giá nào cũng đánh, bất cứ điều kiện nào cũng đánh. Tình hình phát triển không bất ngờ chút nào, nhưng khá nhanh so với trước chắc cũng gây nên nhiều khó khăn. Đối với thành phố đông dân như Hà Nội lại càng khó hơn.Ở nhà mình nhiều người già và trẻ con quá. Bố mẹ kể cho con nghe kế hoạch ở nhà ra sao, khi tình hình tiếp tục diễn biến căng thẳng như thế này


Lá thư ngày 21-12-1972: (nguyên văn)Trải qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề của mọi người vì phải đứng nhìn lửa bom hết đợt này đến đợt khác rải xuống Hà Nội và những vùng phụ cân. Rồi sẽ còn chồng chất thêm nhiều tội ác như thế nữa. Đó là điều mà ai cũng lo lắng và căm giận. Con nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho cái ngôi nhà thân yêu của mình, cùng với....

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro