Ngoại truyện 1. Tự truyện của Tiểu Minh (2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

-----
Thượng Hải trở lại dưới nền hoà bình mới, người phương Tây, người Nhật Bản và cả giới thượng lưu Trung Quốc chẳng mấy chốc mà quy tụ ở chốn phồn hoa này. Đầu tháng Hai năm 1934, một thanh niên ngoại quốc đã tới Di Hoà, dần dần thay đổi cuộc sống của cả tôi và Lưu Vũ.

Cậu thanh niên ấy đến tiệm Di Hoà khi trời đã tối, hôm đó Lưu Vũ có việc bận trên trường nên không thể qua chỗ tôi sau giờ học. Vừa nhìn thấy cậu thanh niên ngoại quốc kia, trong đầu tôi bỗng nảy ra một sự so sánh giữa hai người họ, rằng nếu Lưu Vũ giống ánh trăng dịu dàng bước vào Di Hoà với hào quang của ban mai thì người này lại bừng bừng khí thế của vầng thái dương, chiếu rọi cửa tiệm của tôi khi phố đã lên đèn.

Cậu ấy rất cao lớn cùng bờ vai rộng và vững chắc, đôi chân dài thẳng tắp, hoàn toàn đối lập với vẻ ngoài nhỏ nhắn của Lưu Vũ, vừa bước vào đã đứng choán cả một góc tiệm sách. Gương mặt rất nam tính, đường xương hàm sắc lẹm như lưỡi dao, sống mũi cao thẳng và đôi lông mày rậm được cắt tỉa gọn gàng, đặc biệt dưới mắt phải có một nốt lệ chí rất giống Lưu Vũ. Lúc đầu tôi có hơi e ngại vì khí thế của cậu ấy quá lớn nhưng ai ngờ vừa nhìn thấy tôi thì cậu ấy liền cười rộ lên như một đứa trẻ, đôi mắt to híp lại thành hai đường cong nhỏ.

Tôi theo mẹ nuôi giao thiệp với người ngoại quốc từ sớm nên ngay khi người thanh niên này xuất hiện, tôi đã biết cậu ấy là người Nhật Bản. Thế sự xoay vần, sau trận chiến năm 1932, rất nhiều người tỏ ra khinh ghét người ngoại quốc nói chung nhưng hoà bình đã lập lại ở nơi này, Thượng Hải trở thành khu vực phi quân sự hoá, những thương nhân có tầm nhìn đều biết nên giao thương cùng ai để thu về nhiều lợi nhuận. Tôi không dám nói mình là một người có tầm nhìn nhưng dù sao tôi cũng có mắt, nếu một người ngoại quốc bình thường không làm hại tôi thì tôi chẳng có cớ gì để ghét bỏ họ cả. Thế nên người đến tiệm sách ở chỗ khác có thể chỉ toàn là người Trung Quốc nhưng ở chỗ tôi thì có cả người Trung Quốc, người Anh, người Pháp và người Nhật.

Cậu ấy vô cùng lịch sự, cũng rất thân thiện, nhìn thấy tôi thì nói lời chào nhưng tôi chỉ có thể gật đầu đáp lại, đưa tay chỉ lên miệng và tai rồi lắc đầu. Nụ cười của cậu ấy hơi cứng lại, ngượng ngùng chắp tay tỏ ý xin lỗi tôi, tôi liền xua tay, chỉ về phía bàn làm việc rồi đưa tờ bìa giới thiệu để cậu ấy đọc. Người thanh niên đọc rất chăm chú, sau đó cầm bút viết lên phần giấy trắng bên cạnh:

"Ở đây có sách về ẩm thực Trung Hoa không?"

Lúc ấy tôi rất kinh ngạc bởi vì trong nhiều năm tôi trông coi tiệm sách này, chỉ có một mình Lưu Vũ là người thuê sách về đề tài này.

Ngày ấy, tôi thấy mẹ nhập về tận hai thùng sách lớn đều là sách ẩm thực đến từ nhiều nơi trên thế giới với đủ loại ngôn ngữ. Tôi bê sách vào tiệm rồi dùng tay làm ký hiệu hỏi bà:

"Vì sao mẹ vẫn nhập sách ẩm thực về khi chẳng có ai ngó ngàng tới chúng?"

"Mẹ và con không phải hai người sẽ để ý tới chúng hay sao? Ẩm thực là một thứ không thể thiếu của mọi nền văn hoá, mẹ mong có thể lưu giữ chúng được chút nào hay chút ấy, đặc biệt là những cuốn sách thuộc về Trung Quốc của chúng ta. Người ngoại quốc đã ghi chép, biên soạn và lan truyền nền ẩm thực của họ qua sách từ rất lâu rồi nhưng chúng ta thì cứ bất ổn liên miên, bao nhiêu sách quý đều hoá thành tro tàn trong vòng xoáy của chiến tranh."

Tôi vẫn nhớ khi ấy mẹ thở dài một hơi, đôi mắt nhìn vào vô định nhưng rất nhanh liền vui vẻ trở lại, bảo tôi kiểm kê rồi xếp lên giá sách trống mà bà đã dọn dẹp sẵn.

"Tôi có. Cuốn sách tiên sinh muốn tìm tên là gì?" – Tôi viết.

"Tôi cũng chưa biết nữa. Tôi muốn xem tất cả."

Tôi bèn đưa cậu ấy tới giá sách ẩm thực nằm ở gian trong tầng một, dặn cậu ấy nếu có vấn đề gì thì tìm tôi.

Người thanh niên ngoại quốc lưu lại không lâu, chỉ thuê duy nhất một quyển là Ẩm thực tứ phương rồi rời đi. Lúc kí tên lên sổ, tôi mới biết họ tên của người ấy.

Chàng trai Nhật Bản như vầng thái dương đó tên là Tán Đa.

Ngày hôm sau Lưu Vũ tới Di Hoà sớm hơn bình thường, tôi vừa vào nhà riêng một lát thôi mà ra ngoài đã nhìn thấy em ấy đang tìm kiếm thứ gì đó ở khu sách ẩm thực. Lưu Vũ ủ rũ nhìn tôi rồi hỏi tôi cất cuốn Ẩm thực tứ phương rồi ư. Tôi thản nhiên vừa uống trà vừa lật sổ ra đưa cho em ấy xem.

"Có người thuê cuốn sách ấy rồi. Mấy ngày nữa người ấy quay lại trả thì anh sẽ báo cho em." – Tôi ra hiệu với Lưu Vũ. – "Nhưng có chuyện gì sao?"

Lưu Vũ lắc đầu không chịu nói, đôi mắt bình thường vẫn luôn sáng rực bỗng ảm đạm đi vài phần.

Khoảng một tuần sau đó, Tán Đa quay trở lại trả sách và thuê thêm vài cuốn khác, Lưu Vũ trùng hợp đến Di Hoà cùng ngày, nhanh chóng đem Ẩm thực tứ phương giở ra xem. Tôi nhớ lúc ấy là chập tối, tôi nhờ Lưu Vũ trông cửa hàng giúp tôi một chút để vào nhà hâm lại đồ ăn, khi tôi quay ra thì liền cảm thấy em ấy có chút gì đó khang khác nhưng không rõ là ở đâu.

Lưu Vũ thấy tôi thì ngoan ngoãn xin phép lên tầng hai ngồi một lát rồi sẽ xuống. Tôi đương nhiên là đồng ý, từ sau khi Lưu Vũ cưu mang tôi về An Huy, tôi liền coi em ấy như em ruột của mình, thay Tô Kiệt để ý tới em ấy.

Lưu Vũ vậy mà đem cuốn Ẩm thực tứ phương để lại giá sách, cầm Bí quyết tiệc cung đình về nhà, nét mặt cũng trở nên vui vẻ hơn lúc đến.

Từ ngày ấy, Tán Đa trở thành khách quen của tiệm Di Hoà nhưng điều kì lạ là dù cuối cùng cậu ấy có thuê bao nhiêu cuốn sách đủ mọi đề tài thì việc đầu tiên cậu ấy làm sau khi chào tôi là đi thẳng tới khu sách ẩm thực, vẻ mặt hớn hở và tràn ngập hi vọng như thể có ai cất giấu đồ ăn trong mấy cuốn sách ấy vậy. Lưu Vũ cũng y hệt như vậy, tuy không biểu lộ rõ ràng như Tán Đa nhưng ánh mắt của em ấy chẳng giấu được sự háo hức, bước chân cũng nhanh nhẹn hơn thường ngày. Lúc đó tôi chợt nghĩ mẹ tôi giờ đây có thể an tâm được rồi vì ngoài chúng tôi thì còn Lưu Vũ và Tán Đa chuyên tâm tới nền ẩm thực mà bà đau đáu khi tại thế.

Tán Đa vô cùng thân thiện, luôn luôn trò chuyện với tôi mỗi khi ghé tiệm sách. Tiếng Trung của cậu ấy cũng rất tốt, nét chữ rồng bay phượng múa cuồn cuộn khí chất của một bậc nam tử hán đại trượng phu làm tôi cảm thán khôn cùng, còn xin cậu ấy cho tôi giữ lại mấy tờ giấy để tập viết theo. Chẳng mấy chốc mà chúng tôi trở nên thân thiết, Tán Đa cứ đến ngày lễ là lại gửi tặng tôi rất nhiều đồ ăn, nhiều tới mức tôi phải chia cho Lưu Vũ mỗi khi em ấy đến Di Hoà.

Dần dần, tôi bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn lắm. Chẳng hạn như khi Tô Kiệt gửi  cho Lưu Vũ trà Hoàng Sơn Mao Phong của An Huy, em ấy cứ liên tục dặn tôi không được uống lúc trông tiệm làm tôi chỉ có thể dùng loại trà xanh bình thường để mời Tán Đa khi cậu ấy đem cho tôi Thanh đoàn tử và bánh cuộn thừng. Rồi cả dịp Tết Đoan ngọ cũng thế. Lưu Vũ, với tinh thần dời non lấp biển, tự gói và tự luộc hơn ba mươi cái bánh ú, đem cho tôi tận mười cái còn hai mươi cái gửi cho anh Tô Kiệt. Tôi trố cả mắt khi thấy Lưu Vũ khệ nệ xách tay nải toàn là bánh ú tới Di Hoà cho tôi, bảo tôi ăn đi cho em ấy vui.

Tôi ái ngại nhìn Lưu Vũ nhưng em ấy chỉ để lại cho tôi một bóng lưng rồi chạy vút vào khu sách ẩm thực. Tôi thừa nhận tính cách của đại thiếu gia họ Lưu này rất hào phóng và trượng nghĩa, tôi cũng rất hạnh phúc khi có thể giúp em ấy cảm thấy vui vẻ nhưng mười cái bánh ú với mười loại nhân khác nhau này làm tôi không thể cười nổi. Trùng hợp làm sao, tối hôm đó đúng lúc tôi vừa bê năm đĩa bánh lên tầng hai ngồi ăn thì Tán Đa tới sau vài tuần biệt tăm biệt tích. Tôi lập tức giữ cậu ấy lại ăn cùng mình. Tán Đa cũng không từ chối, vừa ăn vừa tủm tỉm cười như đứa trẻ được kẹo, tôi hỏi thì chỉ luôn miệng khen ngon. Ừm, Lưu Vũ nấu cái gì cũng ngon thật, tôi rất thích nhưng tôi tin là đôi mắt tôi chưa từng sáng chói như hai cái đèn pha của Tán Đa lúc bấy giờ.

Ngẫm nghĩ lại một chút, tôi cảm thấy sự trùng hợp này cũng quá kì lạ đi. Lưu Vũ là kiểu người luôn tính toán kĩ càng, mọi khi đều đem cho tôi đồ vừa đủ với sức ăn của tôi nhưng từ sau khi Tán Đa xuất hiện một thời gian thì phần ăn của tôi lập tức biến thành của hai người, buộc tôi phải đem chia cho cậu ấy ăn cùng. Tán Đa thì cũng... hào phóng không kém, đi chợ có món gì ngon cũng đem đến Di Hoà khoe bằng được, rủ tôi ăn cùng, tôi không nhận cũng đòi để lại cho những vị khách khác, mà khách khác của tôi làm gì có ai ăn ngoại trừ Lưu Vũ đâu?

Nhưng Tiểu Minh tôi được dạy rằng nói ít làm nhiều, có một số chuyện nếu người khác không nói thì mình không nên hỏi. Vậy nên dù tôi chẳng biết bằng cách nào và tại làm sao mà Lưu Vũ và Tán Đa lại "trông có vẻ" quen biết nhau thì tôi cũng mắt nhắm mắt mở bỏ qua. Đương nhiên tôi có lo cho an nguy của Lưu Vũ nên không dám tuỳ tiện mặc kệ hai người đó nhưng tôi tin tưởng đại thiếu gia nhà thương buôn nổi tiếng như em ấy sẽ không để mình bị thiệt, còn Tán Đa cũng là một thanh niên tốt, có thể bầu bạn cùng Lưu Vũ, giúp em ấy bớt đi nỗi cô đơn nơi thành thị này.

Nếu không có chiến tranh thì tốt biết mấy. Tôi thầm cảm khái. Có lẽ hai người họ sẽ thoải mái trò chuyện ở tiệm Di Hoà của tôi, thay vì cứ lén lút như thể tôi mất thêm đôi mắt của mình vậy.
-----
Spoil nhẹ chapter 6 là Lưu Vũ cuối cùng cũng nhìn thấy Tán Đa rồi! 🥳🥳🥳

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro