Ngoại truyện 1. Tự truyện của Tiểu Minh (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

-----
Xin chào, tôi tên là Tiểu Minh, năm nay hơn hai mươi lăm tuổi, là truyền nhân đời thứ hai của tiệm sách Di Hoà trên con phố Cẩm Đường nhỏ nhắn của Thượng Hải.

Tôi là một đứa trẻ bị bỏ rơi từ khi còn quấn tã. Mẹ nuôi tôi nói bà tìm thấy tôi nằm trong một chiếc giỏ mây ở công viên thành phố khi đang đi dạo gần đó, cũng không biết ai đã bỏ lại tôi ở đấy. Bà là một goá phụ không có con nên đã đưa tôi về nhà chăm sóc, còn thu xếp làm thủ tục nhận con nuôi và giấy khai sinh cho tôi. Bà là chủ nhân đầu tiên của Di Hoà.

Mẹ nuôi tôi sau khi lấy chồng thì chuyển từ Bắc Bình về Thượng Hải, là một người phụ nữ tốt bụng và dịu dàng. Khi tôi lên bốn, bà phát hiện ra tôi phát triển không bình thường như những đứa trẻ đồng trang lứa nên đã đưa tôi đến bệnh viện. Bác sĩ nói tôi bị câm điếc, không rõ là do bẩm sinh hay bị bệnh mà thành, nói chung là không có cách nào chữa khỏi. Mẹ nuôi tôi không vì thế mà bỏ tôi mà tìm cách giao thiệp với người phương Tây ở Thượng Hải để nhập sách tiếng Anh, Pháp về bán và cho thuê, trong đó có cả sách dạy giao tiếp của người khiếm thính. Từ đó Di Hoà bắt đầu có thêm một tầng hai bày sách phương Tây, mẹ nuôi ban ngày dạy tôi học, trông tiệm, ban đêm lại chong đèn tự học ngôn ngữ ký hiệu. Năm tôi mười tuổi, bà bắt đầu dạy tôi thứ ngôn ngữ ấy.

Tôi cho rằng mình chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự lạc quan của bà. Bà nói thiếu đi hai giác quan thì dùng những giác quan còn lại để cảm nhận cuộc sống xung quanh, để tận hưởng chúng theo cách mà ít người có thể làm được. Người câm điếc như tôi không thể nói, không thể nghe nhưng có thể dùng đôi tay để cảm nhận sự vật tỉ mỉ hơn người khác, dùng đôi mắt để quan sát những thứ người bình thường bỏ qua, dùng cả cơ thể để tiếp nhận thế giới và để thế giới tiếp nhận mình. Tôi chưa bao giờ tự ti về bản thân mình bởi vì mẹ nuôi vẫn luôn kiên trì rèn luyện sự tự tin của tôi từng ngày, cho đến khi bà rời xa tôi để đi gặp cha nuôi vào một ngày xuân ấm áp.

Tôi bình lặng trông coi Di Hoà một mình được mấy năm thì Lưu Vũ xuất hiện. Tôi vẫn nhớ hôm đó là một ngày mùa thu năm 1931, khi tôi đang đứng trên cầu thang xếp số sách mới nhập về thì nhìn thấy một cậu sinh viên thanh tú bước vào tiệm, trên tay ôm một tập giấy vẽ và cặp sách màu đen. Lúc ấy cậu ấy chưa nhận ra tôi đứng ở góc khuất sau cầu thang nên tôi đã kịp quan sát cậu ấy một chút. Lưu Vũ có dáng người nhỏ nhắn và mái tóc đen tuyền, trên người mặc bộ trường bào màu trắng ngà kẻ sọc chìm, phần cổ áo thêu hình mây khói bằng chỉ bạc, trên ngực áo đeo huy hiệu của trường đại học. Cậu ấy bước từ ngoài phố vào tiệm như đem theo vầng hào quang rực rỡ của ánh nắng mùa thu, vô cùng thanh khiết và dễ chịu, cảm giác như tiên giáng trần vậy. Tôi cất gọn sách lên giá rồi bước ra, Lưu Vũ vô cùng lịch sự gật đầu chào tôi, tôi cũng đáp lễ cậu ấy rồi về bàn lấy một chồng sách khác, đem phân loại ở giá sách tầng một.

Tuy mất đi khả năng nghe, nói nhưng tôi may mắn có được một trí nhớ vô cùng tốt, mỗi vị khách đến với Di Hoà dù chỉ một lần tôi cũng nhớ như in nên họ thường xuyên quay trở lại làm khách quen của tôi. Lưu Vũ đến cửa tiệm của tôi ngày hôm đó là lần đầu tiên, tôi sợ cậu ấy sẽ hỏi mình điều gì nên chỉ loanh quanh xếp sách ở tầng một. Lưu Vũ xem sách rất cẩn thận, tự mình tìm hiểu cả tiệm sách mà không hỏi tôi bất cứ điều gì, áng chừng khoảng một tiếng đồng hồ cậu ấy mới tiến tới bàn làm việc của tôi, đặt lên vài quyển sách.

Khi tôi bắt đầu trông coi cửa tiệm, mẹ đã làm cho tôi một khay đựng hộp diêm cũ, bên trên mỗi hộp diêm viết một từ, chẳng hạn như 'thuê', 'mua', 'thanh toán', 'thời hạn thuê',... đi kèm một tấm bìa cứng nhỏ ghi rõ tên tôi và việc tôi không thể nghe thấy hay nói chuyện, đặt trên bàn để khách có thể tự đọc. Tôi đang định chỉ cho Lưu Vũ tấm bìa thì cậu ấy đã nhanh tay đưa cho tôi hộp diêm ghi chữ 'thuê'. Tôi hơi bất ngờ, chỉ vào hộp 'tất cả' mà nhìn cậu ấy, cậu ấy liền mỉm cười gật đầu.

Lúc bấy giờ tôi mới có cơ hội nhìn rõ gương mặt của Lưu Vũ. Nói sao nhỉ, tôi nghĩ rằng cậu ấy là người 'đẹp' nhất tôi từng gặp ở đất Thượng Hải này, tôi biết từ 'đẹp' này không phù hợp để mô tả một người con trai nhưng Lưu Vũ quả thực rất đẹp, vừa đẹp vừa rất có khí chất. Ngũ quan tinh xảo, đôi mắt sáng rực và trong trẻo, đặc biệt dưới đuôi mắt trái có một nốt lệ chí nhỏ càng làm đôi mắt của cậu ấy thêm cuốn hút. Lưu Vũ trông trẻ hơn so với một sinh viên đại học, có lẽ là do làn da trắng như sứ và vẻ ngoài thanh tú.

"Tôi có thể thuê toàn bộ phần sách này trong bao lâu vậy, Tiểu Minh?" – Lưu Vũ viết trên giấy mà tôi để sẵn cho khách trên mặt bàn.

Chữ cậu ấy vô cùng đẹp, mềm mại nhưng dứt khoát, khoảng cách giữa các nét đều tăm tắp, xem ra Lưu Vũ là một người vô cùng kỷ luật và chỉn chu. Tôi cầm bút viết câu trả lời:

"Cậu lần đầu tới đây nên hãy vui lòng đặt cọc giúp tôi hai đồng nhé. Năm cuốn có thể mượn trong mười ngày."

Lưu Vũ đọc xong thì cười rất tươi, gật gật đầu, sau đó làm dấu 'cảm ơn' bằng ngôn ngữ ký hiệu cho tôi xem, rút trong chiếc ví nhỏ ra hai đồng bạc đặt lên bàn.

Tôi vô cùng kinh ngạc, lập tức hỏi cậu ấy sao lại biết loại ngôn ngữ này. Lưu Vũ bảo anh họ gửi sách từ nước ngoài về nên cậu ấy học theo. Tôi mừng lắm, còn trả lại cho cậu ấy một đồng, bảo cậu ấy khi nào đọc xong sách rồi trả lại cũng được, số sách cậu ấy mượn vốn rất ít người hỏi thuê. Lưu Vũ cười lên cực kỳ dễ thương, liên tục nói cảm ơn tôi rồi hẹn sẽ sớm quay lại.

Từ đó, Lưu Vũ trở thành khách quen của tiệm Di Hoà, vài tháng sau thì trở thành ân nhân cứu mạng của tôi. Cuối năm 1931, Thượng Hải chuẩn bị trở thành chiến trường giữa Nhật Bản và Quốc dân đảng. Một buổi sáng bình thường giữa tháng Mười Hai lạnh giá, Lưu Vũ tới Di Hoà dặn tôi thu xếp cửa tiệm cẩn thận, sau đó gói ghém đồ đạc, trước khi trời tối sẽ đến đón tôi về nhà cậu ấy. Tôi có chút khó hiểu, Lưu Vũ liền nói với tôi anh họ cậu ấy nghe ngóng được tình hình sắp tới không ổn, quyết định sẽ rời khỏi Thượng Hải trong đêm. Lưu Vũ lo tôi một mình không nơi nương tựa nên xin anh họ cho tôi đi cùng. Tôi vô cùng cảm động, chẳng nói được lời nào mà đỏ mắt nắm chặt tay cậu ấy để cảm ơn. Lưu Vũ vẫn ôn hoà mỉm cười trấn an tôi, hẹn tôi lúc năm rưỡi chiều sẽ đến đón.

Hôm đó tôi đóng cửa tiệm cả ngày, cất toàn bộ sách xuống căn hầm bí mật mà cha và mẹ nuôi xây dựng trước đây, sau đó gói ghém di ảnh của cha mẹ và kỉ vật mà mẹ để lại rồi ăn một bữa cơm đơn giản cho chắc dạ. Mẹ nuôi dặn dò tôi vô cùng cẩn thận, chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào nên tôi luôn trang bị sẵn một túi lương khô và bi đông đựng nước. Khi tôi vừa khoá cánh cửa thông sang nhà riêng của mình thì cũng là lúc Lưu Vũ tới Di Hoà, cậu ấy nhanh nhẹn đón lấy túi đồ của tôi sau đó đưa tôi về nhà riêng của cậu ấy.

Quang cảnh đường phố Thượng Hải hôm đó vẫn như mọi ngày, hối hả và tấp nập nhưng đối với tôi, chúng giống như sự yên bình của đất trời trước cơn bão lớn, chẳng mấy chốc sẽ cuốn sạch tất cả những ánh sáng lấp lánh của chốn phồn hoa này. Trong lúc đợi xe điện, tôi tranh thủ ngắm nhìn thành phố một lần nữa, Thượng Hải của tôi chìm trong ánh hoàng hôn rực cháy nơi đường chân trời phía xa.

Lưu Vũ đưa tôi tới căn hộ của cậu ấy trên đường Nam Kinh, cẩn thận trải giường cho tôi nằm trong phòng dành cho khách, dặn tôi ngủ đi một chút để đêm nay còn có sức mà đi. Tôi gật đầu, sau đó ôm túi đựng kỉ vật của mẹ mà chìm vào giấc ngủ. Đêm đến, anh họ của Lưu Vũ – Tô Kiệt và một vài người nữa trở về, tôi cùng họ lặng lẽ rời khỏi trung tâm thành phố.

Đi đêm rất đáng sợ, nhất là ở thời điểm nhạy cảm khi ấy nhưng Tô Kiệt lại có thể thuận lợi đưa tất cả chúng tôi an ổn mà rời khỏi địa giới Thượng Hải, vừa đi vừa nghỉ chân mất hai ngày thì tới tỉnh An Huy – quê hương của Lưu Vũ.

Nhà của Lưu Vũ ở An Huy là dạng biệt phủ được xây dựng từ trước thời cải cách, tính ra cũng là một gia đình khá giả ở vùng này nhưng cậu ấy không nói gì, tôi cũng không hỏi. Dù sao tôi cũng đang đi ở nhờ nhà người ta, không nên biết quá nhiều. Lưu Vũ giới thiệu tôi với người thân rồi đưa tôi tới một gian phòng vô cùng ngăn nắp và sạch sẽ, trước cửa phòng có vườn tược, bên hông là hồ nước nhỏ, bốn mùa đều có thể cảm nhận hương sắc của thiên nhiên. Tôi xúc động rơi nước mắt, không ngừng ra ký hiệu cảm ơn Lưu Vũ. Cậu ấy vẫn nở nụ cười dịu dàng ấy nói tôi là người bạn tốt của cậu ấy, đây là điều nên làm.

Từ đó tới giữa năm 1933, tôi lưu lại nhà Lưu Vũ, trải qua bốn mùa xuân, hạ, thu, đông của An Huy, cùng người nhà cậu ấy lên núi hái trà, làm mâm cơm đón Tết, là những ngày tháng đầu tiên tôi được cảm nhận thế nào là sum vầy thực sự. Sau này tôi mới biết cha mẹ Lưu Vũ đều là thương buôn có tiếng ở An Huy, Tô Kiệt nối nghiệp họ, thay Lưu Vũ đứng ra đảm đương mọi chuyện kinh doanh trong nhà, còn mở rộng lên tận Thượng Hải.

Mùa thu năm 1933, Thượng Hải trở về với nền hoà bình dưới sự cai quản của Lực lượng quốc tế, Tô Kiệt rục rịch trở lại thành phố trước, tôi cũng theo anh ấy quay về tiệm Di Hoà. Có lẽ mẹ nuôi trên trời có linh thiêng, phù hộ cho căn nhà trên phố Cẩm Đường không bị phá hỏng quá nhiều. Tôi dọn dẹp mất ba ngày thì mở cửa trở lại, Thượng Hải cũng thay đổi hẳn so với trước đây.

Cuối năm 1933, Lưu Vũ quay lại trường học, hàng ngày tan học thì ghé tiệm Di Hoà ôn bài và đọc sách. Thấy cậu ấy ngồi bàn làm việc của tôi có hơi chật, tôi bèn kê thêm bàn ghế trên tầng hai để khách ngồi lại đọc sách hoặc ghi chép. Lưu Vũ từ đó nếu không ở trường, ở nhà thì cũng là đến chỗ tôi, dường như chúng tôi đều coi tiệm Di Hoà trở thành gian nhà nhỏ bên hồ nước ở An Huy.
-----

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro