Chương 8. Bánh sinh nhật của người phương Tây

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

-----
Gần cuối tháng Tám, Thượng Hải bước vào những ngày mùa thu mát mẻ và có phần yên bình hơn những đêm mùa hạ không ngủ. Tôi vẫn làm những công việc thường ngày của mình, đến cơ quan gửi tài liệu định kỳ, sau đó đi dạo trên phố, chọn một quán cà phê nào đó ngồi lại, vừa thưởng thức hương vị quen thuộc khi còn đi du học, vừa vẽ một bức tranh ký hoạ. Đến gần trưa, tôi thường sẽ qua chợ Vĩnh Lợi, đến quầy điểm tâm mua bánh rồi đem đến tiệm sách Di Hoà nho nhỏ nằm trên phố Cẩm Đường.

Hôm nay là một ngày bình thường như thế. Tôi mở cửa bước vào tiệm Di Hoà, Tiểu Minh vẫn giống như lần đầu tiên gặp mặt, tươi cười niềm nở đón chào tôi. Tôi đưa cho Tiểu Minh hộp bánh mới mua, sau đó đi về phía khu giá sách ẩm thực ở gian trong tầng một như một thói quen. Tôi rút ra cuốn Ẩm thực tứ phương nhưng bên trong vẫn như cũ, không có lá thư của Lưu Vũ.

Tôi thở dài, đặt sách lên giá. Đã ba tuần kể từ khi tôi nhận được lá thư cuối cùng của em từ tay Tiểu Minh.

Hôm đó là Thất tịch, tôi có chút việc đột xuất nên phải quay lại cơ quan vào buổi chiều, đúng lúc trời mưa to nên chẳng thể về sớm như dự kiến, cũng không thể qua Di Hoà. Sáng hôm sau tới cửa tiệm, tôi vẫn nhớ sắc mặt Tiểu Minh rất kém, dường như cả đêm không ngủ. Tôi chưa kịp hỏi thăm, anh ấy đã rút ra một phong thư đưa cho tôi, còn vội vàng viết cho tôi một trang giấy.

"Tán Đa, thư này là Lưu Vũ nhờ tôi đưa cho cậu. Tối hôm qua có một toán người đến đây tìm em ấy rồi đưa em ấy đi. Tôi không rõ họ là ai, Lưu Vũ cũng không chịu nói làm tôi nóng ruột cả đêm, đến giờ vẫn không có tin tức gì. Cậu mau đọc thư Lưu Vũ viết đi, xem em ấy có nhắc gì không."

Lúc ấy tôi còn chưa biết Lưu Vũ là ai nhưng khi mở lá thư, nhìn thấy nét chữ mềm mại quen thuộc, tôi liền hiểu ra.

Thì ra người bạn Vũ Tử của tôi tên là Lưu Vũ.

"Gửi Tán Đa,

Đây rất có thể sẽ là lá thư cuối cùng tôi gửi cho ngài trong khoảng thời gian sắp tới. Tôi xin lỗi vì không thể giải thích rõ ràng ngay bây giờ nhưng hi vọng ngài có thể giúp tôi để ý tới anh Tiểu Minh trong lúc tôi không ở đây.

Tôi sẽ trở về sớm thôi. Tán Đa nhất định phải đợi tôi nhé.

Ký tên
Vũ Tử"

Mặc dù Lưu Vũ đang trấn an tôi bằng ngôn từ của mình nhưng lòng tôi vẫn nóng như lửa đốt. Tôi bảo Tiểu Minh mô tả lại đám người đưa Lưu Vũ đi, anh ấy nói chỉ có một người vào trong tiệm sách, dáng người cao lớn như tôi, trông rất bảnh bao và trên vạt áo comple bên trái thêu phù hiệu hình rặng trúc cùng một chữ 'Diệp' viết theo lối Triện. Tôi nhìn hình vẽ trên giấy trông rất quen mắt, liền lôi quyển sổ kí hoạ ra lật tìm.

Người bình thường vẽ kí hoạ kiến trúc sẽ chỉ tập trung vẽ nhanh, chủ yếu là mô tả toàn bộ khung cảnh tổng thể nhưng tôi thì khác, sau khi hoàn thiện bức tranh lớn, tôi có thói quen vẽ đặc tả các phần nhỏ trong bức tranh lớn ấy thành các bức kí hoạ riêng biệt, tỉ mỉ vẽ lại các hoa văn hoặc tên biển hiệu, câu đối xuất hiện trên các sự vật hoặc toà nhà. Đây cũng là điểm khiến các bức tranh của tôi được đánh giá cao và sử dụng nhiều ở nơi tôi làm việc. Hình thêu mà Tiểu Minh mô phỏng có khả năng là đặt may riêng cho một nhóm người hoặc bang phái nào đó bởi tôi từng tới các quán rượu để vẽ tranh và nhìn thấy không ít người mặc áo có hình thêu riêng kiểu như vậy. Tôi lật giở một hồi thì tìm thấy một bức có hình vẽ giống hệt như của Tiểu Minh, có điều bức tranh ấy vẽ một phủ đệ cổ ở đầu phố Giang Đông.

Tôi đưa cho Tiểu Minh xem, anh ấy liền gật đầu liên tục, tay chỉ vào phù hiệu. Tôi cất gọn phong thư vào túi rồi nói với Tiểu Minh rằng mình sẽ thử quay lại căn phủ đệ kia một chuyến xem có tìm được manh mối gì không.

Đi bộ từ Di Hoà tới đó cũng phải mất gần ba mươi phút đồng hồ. Tôi đứng trên vỉa hè phía đối diện giả vờ vẽ tranh nhưng thực tế là quan sát căn phủ đệ này từ bên ngoài. Biển hiệu trên cổng đề hai chữ 'Diệp viên' và khắc phù hiệu hình rặng trúc giống như bức ký hoạ của tôi. Phủ đệ đặt tại vị trí vô cùng đắc địa với hai mặt giáp hai trong số các con phố lớn nhất của trung tâm Thượng Hải, mặt hông bên phải giáp với một con hẻm nhỏ. Quan sát vài chiếc xe hạng sang đưa khách tới Diệp viên cùng quy mô của phủ đệ, tôi đoán chủ nhân của nơi này mang họ Diệp, là một người không tầm thường. Muốn biết người này thực sự là ai, có lẽ tôi phải quay lại cơ quan một chuyến.

Để tránh bị nghi ngờ, tôi thăm dò bên hông phủ đệ trước. Đó là một con hẻm thông từ phố Giang Đông sang đường Bạch Tác, hầu như không có mấy ai qua lại. Tôi cẩn thận quan sát trong khi vẫn giữ tốc độ của một người đi dạo bình thường. và rồi đương lúc tôi định rời khỏi con hẻm, một vật thể nơi góc tường bỗng loé sáng dưới ánh nắng mặt trời làm tôi chú ý. Đó là một cây bút máy màu đen viền bạc, trên thân khắc tám chữ giống hệt nét viết của Lưu Vũ. Tôi nắm chặt cây bút rồi quan sát lại toà phủ đệ một lần nữa nhưng không tìm được manh mối nào khác.

Cẩn thận lau sạch cây bút bằng khăn tay xong, tôi quyết định rời khỏi đó, xuôi theo hẻm đi về phía đường Bạch Tác rồi trở lại cơ quan để tìm gặp người đồng nghiệp tên là Hiroshi Akigawa.

Từ ngày đặt chân tới Trung Hoa năm 1931, tôi đã lấy tên là Vũ Dã Tán Đa, còn danh tự thật trên giấy tờ là Uno Santa. Tôi sinh ra và lớn lên ở Nhật Bản, năm mười sáu tuổi được cha mẹ cho đi du học ở châu Âu cùng chị gái trong hai năm rồi trở về mẫu quốc làm phụ tá cho một giáo sư đại học nghiên cứu về kiến trúc. Năm hai mươi mốt tuổi, tôi được cử đến Mãn Châu với trọng trách ghi chép lại đời sống hàng ngày của dân chúng làm tư liệu lịch sử. Hiroshi Akigawa là một trong những người cùng nhóm với tôi từ khi rời Nhật Bản tới nay.

Khác với tôi, Akigawa thường hay lăn lộn trong địa bàn hoạt động của giới xã hội đen Trung Quốc ở Thượng Hải nên mạng lưới thông tin của cậu ấy rất rộng. Khi tôi quay lại cơ quan, Akigawa đang cặm cụi đánh chữ. Cậu ấy chẳng thèm nhìn tôi mà mở miệng hỏi:

"Điều gì khiến cậu quay lại đây vào một ngày đẹp trời như thế này vậy?"

"Tôi có chút chuyện nhờ cậu giúp." – Tôi nói.

Tiếng máy đánh chữ dừng lại, Akigawa nhìn tôi đầy nghi hoặc:

"Thiếu gia của gia tộc Uno mà cũng có ngày nhờ tôi trên đất Trung Hoa này ư? Tôi nhớ công việc của chúng ta không liên quan tới nhau lắm, sao cậu không điện cho anh rể của cậu ấy?"

"Chuyện này mà nhờ anh ấy sẽ mất nhiều thời gian nên tôi mới hỏi cậu." – Tôi mỉm cười. – "Cậu có thể giúp tôi tìm thông tin về chủ nhân của phủ đệ Diệp viên ở đầu phố Giang Đông, đoạn giáp với đường Vũ Môn không?"

Akigawa ngẫm nghĩ một lát rồi chạy sang phòng bên đi tìm tài liệu. Tôi cũng không dám giục, tự mình rót một li trà trên bàn để uống.

Gia thế của tôi là một điều bí mật bởi vì chỉ cần là người Nhật Bản thì đều biết đến gia tộc tôi ở mẫu quốc. Vậy nên ngoại trừ Akigawa và người quản lý trực tiếp của chúng tôi ở cơ quan thì mọi người đều không biết tên thật của tôi mang họ Uno. Anh rể mà Akigawa nhắc đến là chồng của chị gái tôi, hiện tại là sĩ quan quân đội cấp cao ở Mãn Châu. Anh ấy là một người rất tốt bụng và hiền hoà, thường hay giúp tôi nhận thư của chị và em gái gửi cho tôi, còn thu xếp thuê cho tôi một căn nhà trong khu vực của người ngoại quốc ở Thượng Hải để tôi có thể tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau.

Trái ngược với gia tộc phụng sự cho Thiên hoàng từ thời kỳ lật đổ Mạc phủ Tokugawa của anh rể, người nhà Uno chúng tôi đã hơn trăm năm đứng ngoài các cuộc tranh chấp chính trị để chuyên tâm làm nghiên cứu lịch sử và văn hoá Nhật Bản. Nhờ uy tín xây dựng lâu đời đó nên Thiên hoàng cực kì coi trọng gia tộc Uno, chỉ định cho tôi đi du học rồi đến Trung Quốc thực hiện công việc nghiên cứu.

Akigawa trở lại với một quyển sổ tay da màu đen, bên ngoài dán một tờ giấy nhỏ ghi tháng và năm ghi chép.

"Chủ nhân của phủ đệ cậu hỏi tên là Diệp Lâm An, người trong giới hay gọi hắn là Diệp tiên sinh. Hắn là một tay thương nhân có máu mặt ở Thượng Hải, chuyên buôn bán với người Nhật Bản, tôi nghe nói hắn đang muốn làm ăn cả với người ngoại quốc. Người trong giới thượng lưu lẫn xã hội đen đều biết tiếng tăm của hắn. Phủ đệ mà cậu hỏi được mệnh danh là "ngự hoa viên" của Thượng Hải, dành riêng cho người giàu có học thức đến thưởng trà và không phải ai cũng được vào đây làm khách." – Akigawa chau mày. –  "Nói chung là quy định khá ngặt nghèo, nếu cậu muốn đến thì nên nhờ anh rể cậu đặt chỗ hộ sẽ tốt hơn. Nhưng sao cậu lại hỏi về người tên Diệp Lâm An này thế?"

"À, tôi đi qua căn phủ đệ này thì thấy rất đẹp và đặc biệt nên hơi tò mò về chủ nhân của chúng." – Tôi trả lời. – "Ngày mai tôi sẽ đem cháo gà tới cho cậu ăn sáng được không?"

"Một lời đã định." – Akigawa giơ ngón tay cái với tôi. – "Nếu không còn việc gì thì cậu về đi, tôi còn phải làm nốt việc."

Cảm giác bất an vẫn luẩn quẩn trong lòng, tôi nhìn ra cửa sổ bên bàn trà rồi bất giác hỏi Akigawa một câu:

"Cậu thấy người tên Diệp Lâm An đó có nguy hiểm không?"

Akigawa ngẫm nghĩ một lúc rồi đáp:

"Cậu biết đấy, tôi giao du với đám người xã hội đen cũng được hơn một năm nay, thượng vàng hạ cám gì cũng từng gặp qua nhưng khi nhắc tới tên họ Diệp này, bọn họ đều nhìn nhau với một ánh mắt ái ngại và dè chừng. Để nhận định Diệp Lâm An nguy hiểm hay không thì khó nói nhưng người có thể khiến ai cũng biết đến ở Thượng Hải thì tay không thể không nhuốm máu." – Akigawa nói. – "Bất kể là trực tiếp hay gián tiếp."

Tôi cảm ơn Akigawa lần nữa rời khỏi cơ quan, quay về tiệm Di Hoà. Vì Lưu Vũ đã nhờ nên tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm với Tiểu Minh. Tôi bảo Tiểu Minh bình tĩnh đợi thêm một vài ngày nữa vì có thể hiện tại anh họ của Lưu Vũ đang lo cho em ấy nên chưa thể báo cho Tiểu Minh biết.

Tiểu Minh mất ngủ tới ngày thứ năm thì nhận được một phong thư vô danh báo bình an nhét qua khe cửa của tiệm Di Hoà. Anh ấy an lòng trở lại, mỗi ngày đều ngủ rất ngon, còn tặng tôi bánh mì của tiệm bánh đối diện.

Vào ngày thứ hai mươi mốt kể từ lần cuối cùng nhận được thư của Lưu Vũ, tôi thức trắng đêm hoàn thiện bức tranh dành tặng em ấy nhân dịp bước sang tuổi hai mươi hai.

Trong căn phòng tối với ánh đèn bàn và tiếng đàn piano phát ra từ chiếc máy nghe đĩa than, tôi băn khoăn nghĩ xem mình nên viết gì cho Lưu Vũ. Tôi mở ngăn kéo bàn làm việc ra, cẩn thận cầm lấy chiếc hộp đựng cây bút mà mình nhặt được rồi nhẹ nhàng vuốt ve dòng chữ khắc trên thân bút.

'Tĩnh thuỷ lưu thâm, vô cụ vô uý' – 'nước lặng chảy sâu, không lo lắng cũng không sợ hãi'. Tám chữ này giống như một bùa chú vỗ về trái tim bất an của tôi, khiến tôi nghiêm túc suy ngẫm về cuộc đời mình cùng mối quan hệ với Lưu Vũ trong suốt hơn một năm qua.

Vì đi theo chị gái sang châu Âu từ sớm, cộng với gia thế có phần đặc thù nên Tán Đa tôi chưa từng có một người bạn thực sự. Lần đầu tiên tới phương Tây theo học kiến trúc là để phục vụ cho gia tộc và mẫu quốc, tôi không cho phép bản thân nghỉ ngơi một phút nào mà dùng hết khả năng của mình để thu nạp kiến thức, sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức. Trở về Nhật Bản, tôi không ngừng di chuyển trên khắp đất nước cùng giáo sư được Thiên hoàng chỉ định, những phút giây nghỉ ngơi trong ngày chỉ có thể làm bạn cùng sách và thiên nhiên. Rồi khi nhận được tin tôi phải tới Mãn Châu, người bố luôn mỉm cười của tôi đã gọi tôi vào phòng làm việc để nói chuyện riêng. Bố nói tôi là niềm tự hào của gia tộc, mang bộ óc của một người tài nhưng không vì thế mà tôi sở hữu trái tim ngây ngô của một kẻ mọt sách nên ông hi vọng tôi sang Mãn Châu vẫn sẽ tiếp tục là chính mình.

Sinh trưởng trong một gia tộc lớn nhất nhì ở Nhật Bản, tôi nghĩ rằng trái tim mình không thể ngây ngô nhưng điều đó không có nghĩa tôi thoả hiệp với tình cảnh để đánh mất đi lí tưởng và sơ tâm của mình. Với tâm thái của một người đứng ngoài cuộc, tôi sớm đã nhìn thấu cơn sóng ngầm đang cuộn trào bên dưới mặt nước tĩnh lặng chảy trong mối quan hệ phức tạp của giới cầm quyền Nhật Bản. Đó cũng là lí do vì sao tôi thấm nhuần nguyên tắc bất di bất dịch của gia tộc Uno trong suốt hơn một trăm năm qua, rằng mình không được phép để đánh mất tính khách quan của lịch sử theo dòng chảy ấy.

Hiroshi Akigawa là một trong những học trò xuất sắc của vị giáo sư mà tôi phụ tá nhưng cá tính của cậu ấy khá bất cần, đặc biệt thích tìm hiểu về văn hoá theo cách riêng của mình. Vì những điều ấy mà Akigawa là người duy nhất bỏ qua xuất thân để làm bạn với tôi một cách chân thành từ khi cùng nhau chu du khắp Nhật Bản.

Thế nhưng cho dù Akigawa có thân thiết với tôi bao lâu đi chăng nữa, tôi vẫn không thể chia sẻ với cậu ấy những sở thích, lí tưởng và niềm đam mê của mình. Tôi thừa nhận bản thân có chút cô độc, nếu chẳng thể nói với ai thì tôi cũng không buồn bã mà sẽ cất giữ chúng trong chiếc rương của riêng mình. Cho đến khi chuyển tới Mãn Châu, cuộc sống của tôi hoàn toàn bị đảo lộn. Lần đầu tiên trong cuộc đời mình, tôi cảm thấy bất lực và nghi ngờ về năng lực của bản thân. Tôi phải học cách hoà mình vào một nền văn hoá có phần lạc hậu hẳn so với những nơi mình từng đi qua. Thời gian đầu ở Mãn Châu quả thực là một thử thách lớn đối với tôi khi tôi chưa thông thạo tiếng Trung và sức khoẻ bị ảnh hưởng vì không thích nghi kịp với khí hậu ở đây. Sau một thời gian đạt được thành quả làm việc xuất sắc, Thiên hoàng điều tôi và Akigawa tới Thượng Hải vào năm 1933 với tư cách mới để đảm bảo Lực lượng quốc tế gìn giữ hoà bình và trật tự cấp phép cho chúng tôi sinh sống như người ngoại quốc.

Tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau, niềm đam mê của tôi chỉ có một thứ, đó là ẩm thực. Ẩm thực là con đường dễ dàng nhất để tìm thấy niềm vui, ẩm thực không lừa dối con người, ngon là ngon mà tệ là tệ. Có thể nói rằng niềm đam mê cháy bỏng ấy trong tôi chưa bao giờ tắt cho tới ngày tôi đặt chân tới Trung Hoa. Giây phút nhận ra mình không thể khơi lên chút lửa nào, tôi như quay cuồng trong sự nghi ngờ về mục đích sống bấy lâu nay của mình. Tôi lao đầu vào học hành và làm việc, thử sức ở nhiều thứ mới nhưng không tìm được câu trả lời mà bản thân mong muốn.

Tôi đã định bỏ cuộc vào ngày tôi vô tình tìm thấy tờ giấy ghi chú của Lưu Vũ ở tiệm sách Di Hoà. Sức mạnh của tờ giấy ấy không hề nhỏ bởi vì chúng khiến niềm đam mê vốn đã tắt ngóm trong trái tim tôi bỗng nhiên rực cháy trở lại, trong chốc lát đã chiếm trọn lấy tôi, khiến tôi choáng váng. Tôi vẫn còn nhớ như in tờ giấy ghi chú của Lưu Vũ với nét chữ mềm mại nhưng sắc bén như lưỡi kiếm katana của võ sĩ đạo, cùng những hình vẽ tỉ mỉ về chu trình làm món tiểu long bao. Nét chữ là nết người, tôi phải thừa nhận rằng mình chưa từng gặp được một ai có nét chữ đẹp như của Lưu Vũ và những gì em ấy viết trên tờ ghi chú đó đã kích thích trí tò mò của tôi về em. Tôi liều một phen mà viết thư cho Lưu Vũ. Cảm giác hồi hộp khi đặt quyển sách kẹp phong thư lên giá, rồi cả sự rộn ràng trong trái tim khi nhận về lá thư hồi đáp của em ấy, đến giờ tôi vẫn cảm thấy mọi thứ như thể chỉ vừa mới diễn ra trong chớp mắt.

Sự xuất hiện của Lưu Vũ trong cuộc đời năm hai mươi ba tuổi của tôi đã kéo tôi thoát khỏi vòng xoáy của ngờ vực, rối rắm và vô vọng. Những lá thư tỉ mỉ chứa đựng sự chân thành của em cho tôi biết không phải tôi không thể chia sẻ lí tưởng và đam mê của bản thân với người khác, mà là bởi tôi chưa gặp được đúng người vào đúng thời điểm của vận mệnh.

Trong hơn một năm trò chuyện với nhau, sự chân thành ấm áp ẩn dưới ngôn từ của Lưu Vũ đã bảo bọc trái tim tôi trong hành trình thích nghi với Trung Hoa một lần nữa, dịu dàng khích lệ tôi cởi mở tiếp nhận một nền văn hoá không giống trong tưởng tượng, khiến tôi càng ngày càng có cảm hứng tìm hiểu về nơi này.

Và tìm hiểu về con người của Lưu Vũ.

Tôi vẫn luôn muốn được nhìn thấy Lưu Vũ một lần dù chỉ là vô tình đi qua nhau trên đường hoặc chẳng may nếu trời thương, tôi có thể chạm mặt em ở tiệm sách Di Hoà của Tiểu Minh. Nhưng tôi cũng hiểu rằng thân thế của mình có chút đặc thù, nói trắng ra chính là tôi và em đang đứng trên hai bờ chiến tuyến của một cuộc giao tranh chỉ trực nổ ra vào một thời điểm bất ngờ nào đó trong tương lai. Vì vậy, tôi thà rằng cứ trò chuyện qua thư như hiện tại còn hơn để cuộc gặp gỡ của chúng tôi trở thành dấu chấm hết.

Lưu Vũ là một người cực kì tinh tế, em ấy luôn khéo léo cất đi những gì liên quan tới cuộc sống cá nhân của mình để tôi không nắm được bất kỳ thông tin nào về em ấy và tôi cũng làm y hệt như thế. Chúng tôi dần trở nên thân thiết và ngầm xây dựng sự ăn ý thông qua những con chữ nhưng đồng thời mỗi người cũng bảo vệ bản thân và đối phương thật tốt. Tôi không thể nói rõ điều ấy bởi vì cảm nhận cá nhân không phải là một cơ sở vững chắc để đánh giá.

Nếu hỏi tôi có sợ đánh mất mối quan hệ này không, tôi thừa nhận là có, thậm chí đó còn là một nỗi sợ mang tính thường trực. Tôi là người lãng mạn nhưng cũng luôn sống vì hiện tại. Tôi biết mối quan hệ qua thư là một mối quan hệ giống như đi trên băng mỏng và nếu không cẩn thận thì sợi dây liên kết của tôi với Lưu Vũ sẽ hoàn toàn bị cắt đứt.

Hai mươi mốt ngày mất liên lạc với em bỗng chốc trở thành một điểm nghỉ để tôi nhìn lại sức ảnh hưởng của Lưu Vũ lên cuộc sống của mình. Khi những phút giây sốc nổi ban đầu của tình bạn qua đi, tôi dần chuẩn bị sẵn tâm thế rằng em sẽ im lặng biến mất vào một lúc nào đó và tôi cần trở về với hành trình cô độc của mình. Nhưng điều tôi không ngờ tới nhất là trong lúc nguy hiểm đang kề cận, Lưu Vũ lại nhớ tới tôi.

Thà rằng cứ tan biến vào không khí như bong bóng nước thì tôi sẽ sớm quên đoạn kí ức này nhưng vì em đã nhớ tới tôi nên tôi chẳng thể quên được em trong những đêm khuya dài đằng đẵng.

Ngày thứ hai mươi ba kể từ khi Tiểu Minh đưa cho tôi phong thư của Lưu Vũ, tôi bắt đầu một ngày mới như mọi khi. Đi dạo, vẽ tranh, mua một ít hoa tươi rồi tới tiệm sách Di Hoà, bước vào gian trong tầng một nơi có khu sách ẩm thực quen thuộc để rút ra cuốn Ẩm thực tứ phương.

Ngày thứ hai mươi ba chờ đợi Lưu Vũ, lá thư tôi kẹp trong sách đã được thay bằng một phong thư mới của em.

Chậm rãi mà hồi hộp, tôi mở thư ra đọc, trái tim trong lồng ngực trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết.

"Gửi Tán Đa,

Lần trước ngài hỏi tôi sinh nhật năm nay tôi muốn món quà gì từ ngài, ngài nhớ chứ?

Hiện tại tôi đã có câu trả lời rồi.

Tôi muốn gặp ngài và chúng ta cùng nhau ăn bánh sinh nhật của người phương Tây.

Ký tên
Lưu Vũ"
------

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro