Chương 11. Đậu hũ Ma Bà

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

------

Tiết Lập đông ở Thượng Hải không lạnh như ở An Huy. Bù lại, những ngày mưa ở thành phố này sẽ bất chợt đến giống như cách cơn gió đầu đông phả vào khung cửa sổ một sáng tinh mơ, khi tôi chạm chân xuống sàn nhà và rùng mình nhận ra đông về.

Thời tiết này rất thích hợp để làm đậu hũ Ma Bà ăn cùng cơm trắng.

Tôi chọn một bộ quần áo thật ấm, thắt chặt khăn quàng cổ rồi tới chợ Vĩnh Lợi mua ba bìa đậu hũ non, thịt bò băm, xương và các loại gia vị. Tôi sẽ nấu tại nhà mình rồi đem tới tiệm Di Hoà, Tán Đa nói ngài ấy sẽ đến sau khi xong việc ở cơ quan và sau đó chúng tôi có thể dùng bữa tối cùng anh Tiểu Minh.

Món ăn nổi tiếng của vùng Tứ Xuyên này rất dễ làm nhưng nhất định cần phải có hoa tiêu, ớt chỉ thiên, tương đậu bản và đậu nành đen lên men.

Đầu tiên, tôi ướp thịt bò cùng muối và tiêu, cắt đậu hũ thành viên hình vuông, ngâm trong nước sôi bỏ muối khoảng một phút thì vớt ra cho ráo nước. Sau đó, đem tương đậu bản, đậu nành đen và tỏi xanh cắt nhỏ. Tôi bắc chiếc chảo sâu lòng lên bếp, đun nóng hai thìa dầu rồi chiên thịt bò đến khi chúng giòn tan thì vớt thịt ra. Tiếp theo, tôi múc thêm một thìa dầu vào chảo, đảo tương đậu bản với lửa nhỏ tới lúc chúng chuyển sang màu đỏ tươi rồi cho đậu nành đen lên men, tỏi, hành lá, gừng vào tiếp. Đảo hỗn hợp liên tục đến khi chúng toả ra hương thơm.

Bước tiếp theo cần đổ nước, tôi thường ninh xương lấy nước thay vì chỉ dùng nước lọc. Trong chảo còn cần thêm tương đậu nành, đường và một nửa phần thịt bò, đợi nước sôi lên thì tiếp tục đun nhỏ lửa. Sau cùng, cho đậu vào chảo, thời gian đun càng lâu, nước sốt càng ngấm vào đậu nhiều hơn.

Đậu hũ non rất dễ vỡ nên khi nấu, tôi chỉ dùng thìa đẩy đậu lùi về sau rồi múc nước sốt rưới lên đậu. Vì tương đậu bản và đậu nành đen đều có vị mặn nên tôi thường không cần nêm thêm muối. Khi nước sốt đặc lại, tôi cho nốt thịt bò vào chảo và rưới một chút dầu vừng. Sau cùng, rắc bột hoa tiêu lên trên là có thể ăn được rồi.

Tôi cẩn thận múc đậu vào một chiếc nồi đất, hương cay nồng của ớt và tiêu khiến tôi chợt nhớ lại lần cuối cùng mình làm món ăn này là hơn một năm trước.

Khi ấy đã có một số chuyện xảy ra với tôi, chẳng hạn như tôi không thực sự có niềm tin với bản thân ở bộ môn vẽ kí hoạ. Việc này đã ảnh hưởng trực tiếp tới điểm số của tôi ở trường, nó không quá tệ nhưng thầy giáo nói rằng thầy ấy không cảm nhận được cá tính của tôi như những môn học khác. Lời nhận xét này càng khiến tôi nghi ngờ khả năng của mình nhiều hơn.

Tôi đã nghĩ chỉ cần chăm chỉ thì tôi sẽ làm được tốt và ngày nào tôi cũng vẽ, vẽ tới quên ăn quên ngủ, vẽ đến gác cả những bức tranh thuỷ mặc mà tôi yêu thích sang một bên. Khi gần tới kì thi cuối của môn, thầy giáo yêu cầu chúng tôi thực hiện ba bản vẽ kí hoạ. Tôi đã chọn ra ba bức tranh đẹp nhất để nộp lên nhưng cũng chỉ có mình tôi bị thầy trả lại bài tập. Thầy nói lúc trước tôi không tìm được phương hướng nhưng lần này tôi thậm chí còn đánh mất cả bản thân mình.

Lời nói ấy giống như một cái búa đánh thẳng vào đầu tôi khiến tôi choáng váng.

Hôm ấy Thượng Hải có nắng đẹp, mọi người trong lớp đều vui vẻ rủ nhau ra vườn hoa gần trường tập vẽ nhưng tôi chẳng có chút hứng thú nào, trong lòng không đơn giản chỉ là ủ rũ bình thường.

Từ khi ý thức được việc mình không thể tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình, tôi dần trở nên ít nói hơn. Có một buổi sáng khi tôi thức dậy, tôi cảm giác được sự bất lực và kém cỏi bủa vây lấy mình, đè nặng trong lồng ngực tôi và ở lại đó ngày qua ngày. Tôi không dám chia sẻ cùng ai trong gia đình, tự vật lộn với sự tự ti của bản thân rồi học cách xoa dịu chúng, làm bạn cùng chúng, trưởng thành cùng chúng.

Thực ra những cảm giác không mấy dễ chịu này đến và đi giống như cách cơn gió đầu mùa cuốn lấy chiếc lá vàng còn sót lại trên cành cây trơ trọi. Chúng từng là một tảng đá gai góc và sắc nhọn cứa vào tâm hồn tôi lúc thiếu niên và cũng tan biến vào hư không đương lúc tôi chẳng còn để ý tới.

Những xúc cảm ấy bất ngờ ghé thăm tôi một lần nữa vào ngày tôi nhận lại những bức vẽ của mình. Chúng trở lại lồng ngực tôi hệt như buổi sáng năm ấy, rõ ràng và chân thực đến sững sờ, ngay dưới ánh nắng rực rỡ của Thượng Hải.

Ngày hôm đó, tôi cũng ăn đậu hũ Ma Bà nhưng hương vị của chúng đắng ngắt, chìm đắm vào suy nghĩ của tôi mỗi khi lời nhận xét của thầy giáo vang lên văng vẳng trong đầu.

Tôi quyết định nghỉ học hai tuần ngay trước kì thi cuối năm học, cả ngày chỉ quanh quẩn ở tiệm Di Hoà đọc sách, nấu ăn và đi dạo trong thành phố. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi không còn muốn vẽ nữa.

Trùng hợp làm sao, Tán Đa gửi cho tôi một lá thư mới, trong đó ngài ấy kể về nghề nghiệp của mình. Những câu từ giản dị và cởi mở trong lá thư giống như cơn mưa rào sau những ngày nắng hạn, dịu dàng hồi sinh tâm hồn lạc hướng của tôi. Tán Đa vô cùng chu đáo và nhiệt tình, chẳng những gửi cho tôi những bản vẽ của ngài ấy mà còn hướng dẫn tôi từng bước nắm được kĩ thuật vẽ kí hoạ. Tôi không dám kể cho Tán Đa nghe về khó khăn mình đang gặp phải nhưng cũng vì là ngài ấy, tôi mới có động lực để bắt đầu lại từ đầu.

Trong một tuần ngắn ngủi, tôi dựa vào những gì Tán Đa dạy để hoàn thiện ba bức tranh mà thầy giáo yêu cầu, đồng thời bước vào kì thi cuối năm với tâm thế tĩnh lặng như nước, trong lòng không vướng bận chút phiền muộn nào.

Gần cuối tháng Sáu, tôi được gọi lên văn phòng nhận kết quả thi và thật bất ngờ, bảng điểm của tôi gần như đạt tuyệt đối tất cả các môn, đứng nhất toàn khoa. Thầy cô giáo và bạn bè cùng lớp liên tục chúc mừng tôi, riêng chỉ có thầy dạy vẽ kí hoạ hỏi tôi đã làm gì để tìm lại chính mình.

Đồng hồ dưới nhà điểm năm giờ chiều, những ký ức ngày đó cũng dừng lại. Tôi thay bộ quần áo ở nhà sang một bộ trường bào bằng gấm màu trắng, bên ngoài mặc khoác dạ dài tới đầu gối, đeo khăn quàng cổ và đội một chiếc mũ để tránh gió.

Phố đã lên đèn, dòng người vội vã trở về nhà trên những con đường trung tâm của Thượng Hải. Cẩm Đường cũng nằm trong trái tim của thành phố này nhưng dường như sự tấp nập ngoài kia đã bị ngăn lại nơi ngã rẽ.

Tôi mở cửa bước vào Di Hoà, trong tay là chiếc giỏ mây lót khăn bông bọc nồi gốm đựng đậu hũ. Tiệm sách không có ai, anh Tiểu Minh vừa thấy tôi đã hí hửng chạy ra đón lấy chiếc giỏ, bảo tôi đi theo vào nhà trong. Trên bàn ăn trong bếp đã bày sẵn một âu cơm trắng, một bát canh xương gà với rau củ, một đĩa dưa chua và ba chiếc bát sứ trắng. Anh ấy nóng lòng đặt giỏ mây lên bàn, rón rén mở nắp giỏ rồi hít một hơi thật sâu, vẻ mặt cực kỳ thoả mãn.

Trong lúc đợi Tán Đa đến, anh Tiểu Minh tranh thủ thu dọn sổ sách của tiệm, còn tôi lên gác chuẩn bị trà cụ và bàn ghế để thưởng trà sau bữa tối. Ban công tầng hai chỉ đủ để hai người ngồi nên tôi đã bê chúng vào trong nhà, kê thêm một chiếc ghế, đốt nến thơm và đổi một chiếc bàn rộng hơn. Bên ngoài trời đã tối, ánh đèn đường màu vàng nhạt hắt lên giàn dây leo trên lan can trông giống như những chú đom đóm trốn sau lớp lá xanh. Tôi nhoài người nhìn xuống con phố yên tĩnh bên dưới, vừa vặn chạm phải ánh mắt đang hướng lên của Tán Đa.

Gương mặt lạnh lùng của ngài ấy lập tức tan thành nụ cười trẻ thơ, vẫy tay đầy hào hứng về phía tôi. Tôi vui vẻ đáp lại, ra hiệu cho ngài ấy vào trong rồi nóng lòng chạy xuống nhà mở cửa mời ngài ấy vào nhà.

Đợi anh Tiểu Minh đóng cửa Di Hoà, tôi mới mở nắp chiếc nồi đất ra. Hương thơm của Tứ Xuyên toả ra khiến mấy người chúng tôi đều cồn cào ruột gan, sốt ruột nếm thử miếng đậu đầu tiên trong bát mình.

Tôi sẽ mô tả hương vị của đậu hũ Ma Bà trọn vẹn trong bảy từ - tê, cay, nóng, tươi, mềm, thơm và xốp. Vị tê cay của hoa tiêu Tứ Xuyên và ớt chỉ thiên xâm chiếm vị giác của tôi như một quả cầu lửa, ăn thìa đầu tiên sẽ chưa cảm nhận được nhưng chỉ cần thêm một chút thì cả người sẽ nóng bừng lên, tiếng xuýt xoa không thể ngừng lại. Đậu hũ non tươi mềm, vừa vào miệng đã tan ra, hoà trong vị ngọt của gạo trắng và vị mặn của tương đậu. Càng nhai, hương thơm càng lan rộng, càng ăn càng cay nhưng cũng chẳng thể cưỡng lại vị đậm đà của đậu hũ.

Có lẽ vì quá đói bụng mà chúng tôi chỉ mải ăn, chẳng ai nói với nhau câu nào cho tới khi âu cơm vơi đi một nửa. Sau bữa tối, chúng tôi lên gác ngồi uống trà, câu chuyện của chúng tôi dần thoải mái hơn. Từ những câu hỏi xã giao ban đầu, anh Tiểu Minh bày tỏ ấn tượng ban đầu khi gặp chúng tôi.

"Tán Đa chắc chắn chưa được nhìn thấy dáng vẻ của Lưu Vũ khi mặc đồng phục đâu nhỉ." – Anh Tiểu Minh ra hiệu. – "Ngày đầu tiên thằng bé tới đây với bộ trường bào trắng trông giống như thiên thần bước từ trong tranh ra vậy, vừa xuất hiện đã bừng sáng cả cửa tiệm của tôi."

"Em rất mong có cơ hội được nhìn thấy Lưu Vũ mà anh nói tới." – Tán Đa nhìn tôi chăm chú. – "Hẳn là em cũng sẽ bất ngờ lắm."

Ánh mắt của ngài ấy như có lửa khiến tôi ngại ngùng không dám nhìn thẳng, quay sang hỏi anh Tiểu Minh về lần đầu anh ấy gặp Tán Đa.

"Chà, giờ ngẫm lại anh vẫn thấy hình ảnh của cậu ấy hiện rõ trong tâm trí." – Anh Tiểu Minh cảm thán. – "Tán Đa của lúc đó rất khác. Cậu ấy lịch sự và thân thiện nhưng vẫn khiến anh hơi dè chừng."

Anh Tiểu Minh nhấp một ngụm trà rồi lại nói tiếp:

"Lúc ấy anh nghĩ Tán Đa trái ngược hoàn toàn với Lưu Vũ, giống như mặt trăng và mặt trời. Nào ngờ khi hai người ngồi cạnh nhau, anh nhận ra sự trái ngược ấy lại có nét hài hoà, như thể hai em bù trừ cho nhau vậy."

Trái tim tôi như lỡ một nhịp, trong lòng hơi chột dạ. Tôi đưa chén trà lên miệng rồi liếc nhìn người ngồi ở ghế bên. Trong phòng chỉ bật một chiếc đèn ở góc, ánh sáng nhập nhoạng hắt lên từ đèn đường bên dưới khiến tôi không nhìn rõ biểu cảm của ngài ấy.

Một khoảng lặng đến với chúng tôi rồi Tán Đa bắt đầu nói về câu chuyện của mình ở châu Âu.

"Tôi rời khỏi mẫu quốc khi vừa tròn mười sáu tuổi. Nhờ đặc thù của gia đình, tôi và chị gái có thể an toàn tới Thuỵ Sỹ bằng tàu thuỷ và sinh sống tại đây. Chúng tôi dự định sẽ sang Pháp và Anh quốc học tập nhưng vì những bất ổn chính trị cùng thời điểm ấy mà chúng tôi đành phải ở lại Thuỵ Sỹ theo lệnh của cha mẹ. Hai năm sau đó, chị gái và tôi trở về mẫu quốc sớm hơn dự kiến."

Tôi đang châm thêm một vòng trà mới thì bất chợt nhận ra cách nói này của Tán Đa rất giống lúc chúng tôi mới quen biết. Có lẽ vì anh Tiểu Minh ở đây nên ngài ấy không muốn kể chi tiết hơn và dù tôi đang tràn đầy nghi hoặc về Tán Đa, bản thân tôi tự nhủ rằng đó là chuyện riêng tư của ngài ấy.

Chỉ là cảm giác hụt hẫng vẫn xâm chiếm lấy cõi lòng của tôi, bóp nghẹt trái tim tôi trong chớp mắt rồi biến mất.

"Sau khi về mẫu quốc, chị gái tôi quen biết anh rể rồi thành hôn một năm sau đó. Còn tôi cũng không ở lại nhà mà đi theo một người thầy tiếp tục nghiên cứu về kiến trúc và văn hoá của Nhật Bản." – Tán Đa nói tiếp. – "Người bình thường ở tuổi mười tám sẽ học trung học, quen biết bạn bè mới, trải qua những điều mới mẻ, nhỏ bé và thường nhật. Tôi thì ngược lại, chỉ biết vùi đầu vào sách vở và hội hoạ. Mãi tới khi đi theo thầy giáo, tôi mới có được một người bạn đầu tiên là đồng nghiệp bây giờ của tôi."

"Ông trời đã ưu ái tôi nên mới an bài để tôi tìm thấy tiệm sách Di Hoà khi vừa chuyển tới Thượng Hải, để tôi quen biết và trở thành bạn của hai người." – Tán Đa đột ngột giãi bày. – "Nhân đây, tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn tới Tiểu Minh. Anh chưa từng vì dòng máu của tôi mà từ chối hay phân biệt tôi với những người khác, luôn giúp đỡ tôi và chia sẻ với tôi về Trung Hoa. Anh cũng cho tôi biết rằng có dũng khí cũng là một loại tự tin của riêng mình."

"Cảm ơn anh." – Tán Đa bỗng đứng dậy, cúi đầu với anh Tiểu Minh khiến chúng tôi hốt hoảng.

Anh ấy ú ớ ra hiệu, ý muốn nói không có gì để cảm ơn cả, rằng đã làm bạn thì không cần câu nệ tiểu tiết. Đợi đến khi anh Tiểu Minh ngồi xuống, Tán Đa mới quay về phía tôi, chân thành giãi bày:

"Gần đây tôi học được một câu nói, đó là "Tẫn tại bất ngôn trung". Tôi hi vọng Lưu Vũ hiểu tấm lòng của tôi đối với em. Cảm ơn em."

Tán Đa cầm lấy chén trà, kính cẩn đưa về phía tôi. Tôi cũng đứng dậy đáp lễ, cất giấu toàn bộ sự rung động của mình vào tách trà trong tay. Vị ngọt của trà tràn ngập trong khoang miệng và tôi chợt nhận ra không biết từ lúc nào, tôi đã bắt đầu gửi gắm tâm tình khó nói của mình vào chén trà dành cho đối phương.

Chúng tôi rời khỏi Di Hoà khi gần tới giờ xe điện dừng hoạt động. Tán Đa nói ngài ấy đi cùng đường nên muốn đưa tôi tới bến xe, tôi cũng không từ chối, trong lòng cảm thấy vui vẻ.

Trời trở lạnh hơn khi về đêm, trên đường không có mấy người đi lại nhưng chúng tôi vẫn đội mũ và quàng khăn che đi gương mặt mình. Tôi và Tán Đa lặng lẽ rảo bước đi bên nhau, ánh đèn đường phía sau đổ lên người chúng tôi tạo thành hai cái bóng một cao một thấp. Tôi lén mỉm cười, cố ý điều chỉnh đôi chân mình đi cùng một nhịp với Tán Đa, cái bóng cũng vì thế mà đồng điệu lạ thường.

"Ban nãy có Tiểu Minh nên tôi không tiện kể nhiều hơn cho em nghe." – Ngài ấy đột nhiên giải thích với tôi bằng tiếng Anh. – "Bây giờ lại đang ở ngoài đường, tôi cũng không thể nói thêm điều gì nên Lưu Vũ cho tôi nợ tới lần sau nhé."

Tôi bất chợt dừng lại nhưng chỉ chớp mắt đã nối tiếp bước chân của Tán Đa.

"Sao ngài lại nói với em về chuyện ấy?" – Tôi lí nhí nói qua lớp khăn che miệng, trong lòng vẫn không tin vào những gì ngài ấy vừa mới nói.

"Lưu Vũ đã mở lòng kể cho tôi về cuộc đời của em, về gia đình của em thì tôi cũng muốn nói với em về gia tộc của tôi, về quá khứ của tôi." – Tán Đa đột nhiên dừng bước, mũi chân hướng về phía tôi. – "Tôi cảm nhận được những nghi hoặc của em về tôi tối nay nhưng tôi không muốn em hiểu lầm rằng tôi đang che giấu điều gì đó với em."

Tôi biết cứ cúi gằm mặt xuống như thế này rất bất lịch sự nhưng tôi chưa có đủ dũng khí nhìn vào người đàn ông đứng bên mình bởi cơn sóng trào dâng trong lồng ngực đang khiến tôi mất kiểm soát. Tôi nhắm mắt lại, điều chỉnh lại hơi thở gấp gáp của mình rồi ngẩng đầu lên, chuẩn bị đáp lại bằng một giọng điệu vô cùng khách khí.

Khoé mắt Tán Đa cong cong nhìn tôi chăm chú và tôi biết ẩn sau chiếc khăn len kia là một nụ cười lấp lánh và trong trẻo. Những gì tôi muốn nói cũng theo tia sáng ấy bay lên không trung, hoà vào màn đêm của Thượng Hải.

Chẳng mấy chốc chúng tôi đã tới bến xe điện, chuyến xe cuối cùng cũng vừa vặn đi về phía chúng tôi. Tán Đa lập tức kéo mũ sụp xuống che kín gương mặt mình, tôi cũng không dám phản ứng lại vì tôi hiểu ngài ấy không muốn người ngoài nhìn thấy chúng tôi đi cùng nhau. Đợi tới khi xe điện dừng lại trước mặt, tôi mới nhỏ giọng chào tạm biệt Tán Đa rồi bước lên xe, đi thẳng xuống hàng ghế cuối cùng.

Xe lăn bánh, tôi lén quay đầu nhìn qua khung cửa sau lưng. Tán Đa vẫn đứng dưới cột đèn đường, giơ tay vẫy nhẹ với tôi. Tôi cũng vẫy tay đáp lại, ánh mắt chẳng thể rời khỏi ngài ấy cho tới khi bóng dáng của ngài khuất sau ngã rẽ.

Trên xe chẳng có mấy người, tôi yên lặng nhìn ngắm Thượng Hải qua ô cửa sổ đang hé mở, trong lòng như có một dòng suối ấm áp chảy qua, xoa dịu tất cả những hụt hẫng và nghi hoặc vô danh. Những bảng hiệu đầy màu sắc trên tuyến phố trung tâm lướt qua đôi mắt tôi dần nhường chỗ cho những con phố yên tĩnh hơn, nơi vạn vật đã chìm vào giấc ngủ bình yên.

Một năm trước, thầy giáo bộ môn vẽ kí hoạ hỏi tôi đã làm gì để tìm thấy chính mình.

Tôi nói tôi đã buông bỏ cây bút để học cách cầm lại chúng một lần nữa.

Giờ đây, tôi nghĩ có lẽ đó chưa hẳn là câu trả lời chính xác nhất.

Nếu có thể quay trở lại khoảng thời gian ấy, tôi nhất định sẽ nói với thầy giáo rằng tôi tìm thấy chính mình bởi lẽ tôi đã gặp được một người khiến tôi muốn tìm lại mình một lần nữa.
-----
*Thông tin về món đậu hũ Ma Bà được tra cứu tại Wikipedia bản tiếng Anh

Update: Đây có lẽ là chap struggle nhất của tôi từ trước tới giờ vì bị lạc lối với câu chuyện mình xây dựng và viết trong thời gian bận rộn. Tuy nhiên, tôi đã dừng lại, suy nghĩ xem tôi muốn viết tiếp Thư tình như thế nào. Về cơ bản tôi đã định hướng lại được mọi thứ, bây giờ chỉ cần viết liền mạch thì sẽ không rơi vào trạng thái như chap 11 nữa. Cảm ơn mọi người vẫn luôn kiễn nhẫn với tôi nha 🧡💙

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro