Chương 10. Hoàng Sơn Mao Phong

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 10 tới rồi đây!

Xin lỗi mọi người vì sự chậm trễ này 🙏🏻 Cuối năm công việc ngập đầu làm không xuể nên tôi phải trầy trật viết lách trong đêm nhưng khó có thể hoàn thiện sớm. Đợt Tết vừa rồi tôi đã mang cả máy tính theo để viết nốt chiếc chap này.

Cảm ơn mọi người đã đợi tôi nghen. 🧡💙
-----

Tháng Chín, trời vào thu. Không khí oi bức của mùa hạ dần nhường chỗ cho ánh nắng dịu nhẹ và những cơn gió mát. Thượng Hải vẫn vậy, vẫn tấp nập và rộn ràng, chỉ có cây cỏ dần thu mình lại, lá xanh lặng lẽ đổi màu trong đêm, bên dưới ánh sáng le lói qua đám mây của vầng trăng khuyết.

Rời khỏi Di Hoà, tôi rảo bước tới chợ Vĩnh Lợi tìm Đan Châu – một cô nương chuyên làm điểm tâm để mua nguyên liệu làm nhân bánh Trung thu. Đan Châu từ Bắc Bình chuyển tới, quê gốc ở Sơn Đông, vô cùng nổi tiếng ở chợ với những món điểm tâm làm từ hoa và mứt quả. Bánh của Đan Châu cực kỳ ngon, hình dáng nhỏ nhắn với vỏ bánh dẻo và nhân bánh đầy đặn, chỉ cần cắn một miếng sẽ nhớ mãi hương thơm của hoa lan toả trong khoang miệng. Dù chỉ bán hàng ở một khu chợ bình dân nhưng tôi cho rằng điều làm nên sự đặc biệt của chị ấy nằm ở nguyên liệu thượng hạng và cách làm bánh độc nhất vô nhị.

Đầu tháng Chín, Đan Châu bắt đầu bày biện một góc bán bánh Trung thu với hai loại nhân là thập cẩm trứng muối và đậu xanh. Nhớ đến giao hẹn với Tán Đa, tôi liền mua hai chiếc về Di Hoà ăn cùng anh Tiểu Minh. Giây phút cắn miếng bánh đầu tiên, cả tôi lẫn anh ấy đều kinh ngạc nhìn nhau vì hương vị thơm ngon lạ kì của bánh. Thập cẩm trứng muối và đậu xanh là hai loại nhân quen thuộc nhưng Đan Châu đã biến chúng trở thành những món quà mỹ vị ẩn trong lớp vỏ bánh nướng màu nâu sậm. Giống như bánh hoa, Đan Châu làm nhân bánh đầy nhưng không ngấy, vị mặn của trứng muối tan nhẹ nơi đầu lưỡi, cuộn trong lớp mứt và vị ngọt bùi của hạt điều. Bánh đậu xanh lại càng xuất sắc lạ thường dù chỉ dùng đậu xanh nghiền, khi ăn sẽ cảm thấy hương hoa cỏ mùa thu thoang thoảng trong khoang miệng.

Hai tuần trước khi quay trở lại trường học, tôi viết một lá thư hẹn Tán Đa gặp nhau ở Di Hoà rồi hỏi mua nguyên liệu của Đan Châu. Chị ấy vui vẻ đồng ý, còn cho tôi một phần nguyên liệu mang về để tự làm thử tại nhà.

Thực ra làm bánh Trung thu với tôi không khó. Thương nhân buôn bán trà cụ như nhà tôi đương nhiên cũng phải học về trà và các loại điểm tâm ăn cùng. Mỗi khi Tết Trung thu tới, tôi sẽ cùng cha mẹ và mấy gia nhân trong nhà ngồi làm bánh Trung thu ở hậu viện, nhân bánh tuy vẫn là hai hương vị truyền thống nhưng chúng tôi thường thay đổi công thức để phù hợp với vị trà thu hoạch cùng năm. Theo thời gian, tôi luyện thêm được tay nghề làm bánh Trung thu của riêng Lưu gia, tuy chưa ngon được như bánh của Đan Châu nhưng tôi có lòng tin ở khả năng của mình.

Vấn đề nan giải duy nhất bây giờ là nướng bánh như thế nào.

Ở Thượng Hải, chỉ có các tiệm làm bánh mỳ phương Tây hoặc những người có điều kiện mới có lò nướng. Khi tôi kể chuyện này vào buổi chiều trước ngày hẹn, anh Tiểu Minh đã nghĩ ra một kế sách vẹn toàn. Vì căn bếp khá nhỏ nên anh ấy đã dọn dẹp toàn bộ phòng khách tầng hai để tôi chuẩn bị dụng cụ làm bánh trước, còn chuyện lò nướng thì chỉ có thể mặt dày sang tiệm bánh đối diện xin nướng nhờ mẻ bánh.

Tiểu thư chủ tiệm bánh đối diện đều biết mặt chúng tôi nên khi thấy tôi kể câu chuyện làm bánh của hai anh em, cô ấy đã hào phóng cho tôi mượn riêng một lò nướng và dặn tôi quay lại vào đầu giờ chiều mai lúc vắng khách.

Mẻ bánh làm thử đầu tiên của tôi không thành công lắm nhưng tôi đã áng chừng được nhiệt độ của lò để tính toán thời gian nướng bánh. Nhân bánh may mắn không có vấn đề gì cả, hương vị vẫn giống như bánh của Lưu gia.

Tiệm Di Hoà hiếm hoi có được một ngày vắng khách nên anh Tiểu Minh ung dung pha thêm một ấm trà mới rồi lên tầng hai ngồi cùng tôi. Khi tôi đang mải ghi chép lại cách nướng bánh, anh ấy gõ tay xuống mặt bàn, ra hiệu cho tôi nhìn anh ấy.

"Khi nào thì em quay lại trường học?" – Anh Tiểu Minh hỏi tôi.

"Dạ, một tuần nữa ạ." – Tôi đáp.

Anh Tiểu Minh ngập ngừng một lát rồi hỏi tiếp:

"Vậy chuyện của em và Tán Đa, em tính sao?"

Tôi đột ngột dừng bút, mực từ ngòi bút máy thấm lên giấy thành một dấu chấm tròn nhưng trước khi chúng loang rộng ra, tôi đã kịp nhấc bút viết nốt câu chữ đang dang dở.

"Em cho rằng chuyện học của em không ảnh hưởng gì tới chuyện gặp mặt của chúng em." – Tôi trả lời. – "Em vẫn sẽ đến đây tự học như mọi khi và không để ai biết mối quan hệ giữa em và ngài ấy."

Tôi ngừng bút, ngửng lên nhìn vào đôi mắt lo lắng của anh Tiểu Minh. Anh ấy thở dài rồi chỉ tay lên trần nhà và ra hiệu:

"Mỗi khi hẹn gặp cậu ấy, em hãy dùng phòng khách tầng hai nhà anh. Từ lúc mẹ mất, anh không còn lưu lại căn phòng ấy nhiều nữa, nếu để trống thì cũng phí."

Tôi ngẩn ra nhìn anh Tiểu Minh, dường như không tin vào mắt mình. Anh ấy tỏ vẻ kiêu ngạo, ra hiệu một lần nữa kèm theo một lời dặn dò:

"Không phải anh ủng hộ em làm những chuyện rủi ro đâu nhé mà là anh không muốn em hay cậu ấy gặp nguy hiểm."

Tôi xúc động mấp máy hai tiếng cảm ơn. Anh ấy thở dài vỗ nhẹ lên vai tôi như an ủi.

"Chiến loạn khắp nơi, chúng ta đều nên cẩn thận."

Tôi biết chứ, sự việc với Diệp Lâm An là một hồi chuông cảnh tỉnh cho cả tôi và anh họ cho dù chúng tôi chưa từng để lộ ra sơ hở nào từ khi lên Thượng Hải. Thế nhưng đó cũng là một điềm báo để tôi biết mình cần trân trọng hiện tại hơn tất thảy những lo toan khác, mà hiện tại của tôi có Tán Đa.

Sáng hôm sau, tôi dậy từ sớm để tới chợ lấy nguyên liệu như đã hẹn với Đan Châu rồi rung chuông cửa tiệm Di Hoà khi anh Tiểu Minh còn chưa mở cửa. Tôi cẩn thận kiểm tra lại từng nguyên liệu và bày biện chúng cùng dụng cụ làm bánh lên bàn, trải tờ giấy hướng dẫn mà mình đã vẽ minh hoạ sang một bên rồi xuống bếp pha một ấm Kỳ Môn hồng trà.

Cùng với Hoàng Sơn Mao Phong, đây là loại trà nổi danh nhất của An Huy và anh Tô Kiệt là người đầu tiên đem chúng đến với những thương nhân phương Tây ở Thượng Hải. Lá trà Kỳ Môn có màu đen sẫm, chồi bóng với đỉnh vàng, khi ngâm mình trong nước sẽ dần toả ra hương hoa nhẹ và có gì đó ngọt ngào hơn trà xanh. Tôi thường đợi khoảng năm phút rồi mới thưởng thức tách trà. Màu nước trong veo với sắc đỏ cam rực rỡ, hương vị đậm đà nhưng mượt mà, còn có mùi của trái cây tươi thoang thoảng tràn ngập khoang miệng.

Mỗi người trong gia đình tôi sẽ có một cách pha trà và thưởng trà riêng, cha mẹ tôi thích uống nhạt và vị thanh nên thường ngày chỉ pha một ít lá trà khô. Anh Tô Kiệt lại thích vị trong trẻo nhưng đậm đà nên thường lấy nhiều lá trà hơn và ngâm chúng trong nước nóng lâu hơn cha mẹ tôi. Còn tôi lại thích uống đậm nên sẽ múc nhiều lá trà nhất, ngâm trà cũng đợi đến khi nước trà không thể đậm màu hơn được nữa thì mới bắt đầu thưởng thức.

Đồng hồ quả lắc điểm mười giờ sáng, tôi cầm khay trà ra ban công ngồi trong lúc đợi Tán Đa tới. Trời xanh và nắng nhẹ, gió mơn man thổi qua giàn cây leo khiến tôi dần thả lỏng trên chiếc ghế dựa rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Khi tôi mở mắt ra, người tôi được đắp một chiếc áo khoác mỏng, còn ghế bên cạnh có thêm một người nữa.

Tán Đa đang chăm chú vẽ gì đó với cuốn sổ nhỏ đặt trên chân nên không phát hiện ra tôi đã tỉnh dậy. Chẳng muốn phá vỡ sự yên bình này, tôi yên lặng ngắm nhìn ngài ấy giống như tôi đã từng nhìn qua khe cửa dưới nhà.

Nếu dùng từ 'quý ông' để miêu tả Tán Đa thì không được đúng lắm nhưng tôi nhất thời chưa tìm được từ ngữ nào phù hợp hơn. Lần hẹn đầu tiên của chúng tôi không chỉ dừng lại ở cảm giác hồi hộp mà còn có bất ngờ và tràn ngập hạnh phúc. Khi nhìn thấy diện mạo thực sự của Tán Đa trong phòng sách, tôi đã choáng ngợp đến mức trái tim mình run lên. Nét điển trai của ngài ấy vô cùng cuốn hút, toát lên sự lạnh lùng đặc trưng của người Nhật nhưng chỉ cần ngài ấy mỉm cười thì cảm giác lạnh lùng kia lập tức biến thành gió xuân ấm áp.

Dường như cảm thấy điều gì đó, Tán Đa ngừng bút rồi quay đầu lại nhìn tôi. Ánh mặt trời soi chiếu lên gương mặt góc cạnh khiến nốt lệ chí dưới mắt ngài ấy như toả sáng.

Tán Đa mỉm cười, rót thêm trà vào cốc của chúng tôi rồi nói:

"Thời tiết rất đẹp, trà cũng rất thơm. Thấy em ngủ ngon quá nên tôi không nỡ gọi em dậy."

Tôi cảm thấy đôi tai mình đang nóng dần lên vì xấu hổ, nhanh chóng ngồi dậy chỉnh trang đầu tóc và quần áo. Chiếc áo khoác đắp trên người trượt xuống, tôi liền kéo lên xem thì nhận ra áo rất lớn, không giống cỡ áo của anh Tiểu Minh cho lắm. Tôi nghi hoặc nhìn sang Tán Đa, ngài ấy đưa tay ra ngỏ ý muốn lấy lại.

Nghĩ tới mùi hương bạch đàn trên áo, tôi càng xấu hổ hơn, vội vàng bảo ngài ấy vào làm bánh cho kịp giờ. Tán Đa bật cười khe khẽ, vắt chiếc áo lên thành ghế rồi xắn áo sơ mi lên, lộ ra cánh tay mạnh mẽ với đường mạch máu ẩn hiện bên dưới làn da trắng sứ.

Để làm vỏ bánh, những nguyên liệu như nước đường, dầu ăn, bột nở và nước tro tàu cần được pha sẵn và để nghỉ vài tiếng trước khi trộn cùng bột mì đã được tôi chuẩn bị từ đêm hôm qua. Quy trình làm bánh Trung thu đối với một người mới như Tán Đa sẽ có chút phức tạp nên tôi quyết định bắt đầu từng bước một cùng ngài ấy. Nhào bột sẽ không dùng nước lọc mà dùng lòng đỏ trứng gà và nước đường, khuấy đều đến khi chúng hoà quyện vào nhau rồi nhào trộn đến khi tạo thành một khối bột mềm và dẻo mịn. Tay nghề của Tán Đa rất khá, nhào bột chắc chắn vô cùng, còn nhớ đặt bột vào bát và đậy kín lại bằng khăn sạch.

Trong lúc ngài ấy nặn bột, tôi xắn tay vào chuẩn bị nguyên liệu làm nhân bánh. Hạt điều đem rang chín rồi bóc vỏ, vừng trắng thì ngược lại, xát vỏ rồi mới rang trên chảo. Lạp xưởng luộc chín đem thái hạt lựu, xắt nhỏ mứt bí, mứt sen và mỡ đường, lá chanh thì thái sợi. Tán Đa vừa nhào bột xong đã hào hứng nói muốn tự tay làm, tôi liền đưa cho ngài ấy rồi đứng bên cạnh rót nước sốt trộn nhân và rắc bột nếp vào bát.

"Ngài mệt không?" – Tôi hỏi.

"Tôi không." – Tán Đa đáp. – "Nhưng bánh Trung thu phức tạp thật đấy. Nếu không có em chắc tôi chẳng thể làm được."

"Lần đầu tiên ngài làm được như thế này là rất giỏi rồi. Hồi còn nhỏ em còn bị mẹ mắng vì làm hỏng bột mì đấy."

Đợi Tán Đa trộn nhân xong, tôi kéo chiếc bát đựng trứng về phía chúng tôi, múc một phần nhân đặt vào lòng bàn tay mình.

"Đây là lòng đỏ trứng vịt muối em đã làm trước." – Tôi giới thiệu. – "Chúng ta sẽ chia nhân làm hai nửa, đặt lòng đỏ trứng vào một phần rồi úp nửa còn lại vào, vê tròn là hoàn thiện."

Tôi vừa nói vừa hướng dẫn Tán Đa thật chậm rãi để ngài ấy nắm được cách làm. Tán Đa ồ lên như một đứa trẻ, nóng lòng làm theo tôi, chẳng mấy chốc đã làm xong mười phần nhân bánh thập cẩm.

"Sau đây, chúng ta sẽ bao nhân." – Tôi nói. – "Đây là phần đặc biệt khó, ngài hãy nhìn kĩ nhé."

Tôi xắt bột thành từng phần theo tỉ lệ, vê tròn rồi đặt trên bàn cán đã rắc sẵn bột mì khô. Đem từng viên cán thành hình tròn dẹt sao cho phần mép dày hơn phần giữa một chút, đặt nhân vào giữa và nhẹ nhàng kéo lớp vỏ bột bao kín lấy.

Tôi chăm chú miết từng góc bánh, miệng vẫn không ngừng chia sẻ làm sao để vỏ bánh không bị rách rồi bỗng nhận ra Tán Đa đã đứng sát mình từ lúc nào không hay. Trái tim tôi đập mạnh, phần cánh tay chạm vào lồng ngực ngài ấy như phải bỏng, hơi thở nam tính phả vào tai tôi, lướt qua gò má khiến tôi bối rối lạ kỳ.

Tôi hắng giọng, nói Tán Đa hãy làm thử cho tôi xem. Đôi mắt ngài ấy sáng trong và lấp lánh, ngây thơ nói một chữ 'được' rồi cẩn thận làm lại từng bước như tôi chỉ dẫn.

Đôi tay của Tán Đa rất đẹp, ngón tay thon dài cẩn thận kéo lớp vỏ bánh bao lấy nhân nhưng vì tay ngài ấy to hơn tôi, động tác làm bánh cũng có chút vụng về. Tôi bật cười, chủ động nắm lấy tay ngài ấy để hướng dẫn. Hình ảnh bàn tay nhỏ bao lấy bàn tay lớn trông hơi buồn cười nhưng tràn ngập cảm giác của sự ngọt ngào. Hơi ấm từ bàn tay ngài ấy truyền thẳng tới trái tim tôi khiến chúng tan chảy như que kem dưới nắng hè.

Bước cuối cùng trước khi đem nướng là đóng khuôn bánh. Tán Đa nói ngài ấy khoẻ hơn tôi, đóng khuôn sẽ chắc chắn hơn nên không cho tôi làm tiếp nữa. Tôi đành đứng một bên xếp bánh lên khay, sẵn sàng đem sang tiệm bánh đối diện.

Lựa lúc Di Hoà không có khách, tôi cầm khay bánh chạy sang bên đường còn Tán Đa thì ở lại nói chuyện với anh Tiểu Minh. Cả hai chúng tôi đều muốn cùng nhau nướng bánh nhưng điều kiện không cho phép, tôi đành phải để Tán Đa ở lại. Cô chủ tiệm bánh rất vui vẻ mời tôi vào, vì diện tích căn nhà nhỏ nên lò nướng và quầy làm bánh không có vách ngăn, khách có thể vừa mua bánh vừa xem bánh được tạo ra như thế nào.

Trong tiệm không có ai, tôi kéo ghế ngồi trước lò, vừa căn giờ vừa trò chuyện với chủ tiệm về các loại bánh ngọt mà chị ấy học được từ một đầu bếp người Pháp. Nướng bánh Trung thu cần tính toán thời gian chính xác, đồng hồ vừa điểm đủ năm phút, tôi lập tức lấy bánh ra, xịt nước lên bánh rồi để bánh nguội khoảng mười phút thì phết hỗn hợp mà tôi đã pha sẵn lên bánh. Đợi bánh nguội hẳn, tôi cho vào lò nướng để nướng lần thứ hai.

Đương lúc tôi đang nói về bánh Trung thu của Đan Châu thì chuông gió treo nơi đầu cửa ra vào vang lên tiếng kêu lanh lảnh, chủ tiệm lập tức đon đả đón, còn tôi thì giật mình nhận ra vị khách vừa bước vào chính là Tán Đa.

Ngài ấy liếc nhìn tôi rồi nói với chủ tiệm rằng mình sẽ tự chọn bánh. Chị ấy vui vẻ đưa cho ngài ấy một chiếc khay và chiếc kẹp bánh rồi đứng một bên đợi. Tôi nén cười, thỉnh thoảng liếc nhìn Tán Đa. Đợi tới khi ngài ấy nhìn về phía mình, tôi liền ra hiệu bằng tay:

"Sao ngài lại ở đây?"

Tán Đa chọn bánh rất nhanh cũng rất nhiều, chị chủ tiệm nhìn thấy thì mặt mày như nở hoa. Trong lúc chị ấy mải tính tiền và gói bánh, Tán Đa lén trả lời tôi:

"Tôi muốn thấy em nướng bánh."

Tôi suýt bật cười thành tiếng, vừa đúng lúc phải lấy bánh ra. Tôi nhanh tay kéo khay bánh ra ngoài, xịt nước và để nguội lần nữa rồi lại cho bánh vào lò nướng.

"Ngài về trước đi. Lát nữa em sẽ quay lại." – Tôi ra hiệu.

Tán Đa gật đầu rồi nhận lấy bánh từ chị chủ tiệm và rời đi. Cửa vừa đóng lại, chị ấy liền tới tấp khen ngợi, nào là nam tính quá, phong độ quá, nào là hào phóng quá, mua hết cả bánh của chị.

"Chỉ là ngài ấy là người Nhật Bản." – Chị ấy nói. – "Nếu là người Trung Quốc hoặc người phương Tây, chị sẽ chẳng ngại mà hỏi thăm thêm."

Tôi hơi chột dạ, ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi:

"Chị nghĩ sao về người Nhật Bản?"

"Trước đây chị rất bài xích họ, chỉ cần là người hơi hao hao giống người Nhật hoặc có thể giao tiếp cùng họ, chị đều vô cùng ghét bỏ và né tránh nhưng sau khi làm việc cho vị đầu bếp người Pháp, chị đã học được nhiều điều."

"Đâu cũng vậy thôi, đều có người này người kia." – Chị ấy nói tiếp. – "Nếu họ không làm hại mình thì chúng ta không có lý gì để ghét bỏ họ chỉ vì quốc tịch của họ. Ở đất Thượng Hải này, thượng vàng hạ cám gì cũng có, chung quy cũng chỉ là để sinh tồn."

Chị ấy thở dài rồi không nói thêm gì nữa. Tôi đợi đồng hồ điểm hai giờ thì mở lò nướng ra. Nhìn những chiếc bánh màu nâu óng ánh, thơm phức lộ ra dưới ánh đèn, trái tim trĩu nặng của tôi liền nhẹ bẫng.

Tôi chạy một mạch về nhà anh Tiểu Minh, đôi chân nhanh nhẹn bước lên tầng hai nơi có một người đã dọn dẹp mọi thứ đâu vào đó trong lúc tôi vắng mặt. Tán Đa đang ngồi ngoài ban công, trên bàn là bộ trà cụ bằng sứ Thanh Hoa mà tôi để sẵn ở nhà anh Tiểu Minh. Vừa nghe thấy tiếng tôi, ngài ấy đã quay lại với nụ cười sáng rực như vầng thái dương. Tôi vô thức mỉm cười theo, thầm nghĩ người Nhật thì sao chứ, Tán Đa tốt như vậy, tôi không bỏ lỡ ngài ấy quả là quyết định đúng đắn.

Tán Đa háo hức chạy vào đón lấy chiếc khay đựng bánh Trung thu trên tay tôi.

Bánh Trung thu đậu xanh làm đơn giản hơn nhân thập cẩm nên tôi thường để đến cuối cùng mới thực hiện. Đậu xanh thơm ngọt bọc lấy lòng đỏ của trứng vịt muối rồi bao nhân giống như nhân thập cẩm, chỉ có hương vị là hoàn toàn đối lập.

Dưới ánh nắng dịu của mùa thu Thượng Hải, chúng tôi hồi hộp cầm dao cắt miếng bánh Trung thu nhân thập cẩm đầu tiên và thật tuyệt vời khi chiếc bánh hoàn hảo đúng như tôi kì vọng.

Vỏ bánh giòn xốp mà không cháy, nhân bánh hoà quyện, mỡ đường chảy ra phủ lên từng lớp nguyên liệu khiến chúng lấp lánh như ngọc thạch nhiều màu. Lòng đỏ trứng nhỏ nhắn màu vàng cam nằm chính giữa tô điểm thêm cho màu sắc của bánh.

Chúng tôi đồng thời cắn thử một miếng rồi đắm chìm trong hương vị tuyệt hảo của chúng. Vỏ bánh thơm mùi bột mì thượng hạng tới vị bùi của hạt dưa, chút ngọt của lạp xưởng, rồi cả vị mặn nơi đầu lưỡi thuộc về lòng đỏ trứng vịt. Tôi hài lòng gật gù vì tay nghề làm bánh không kém đi, điểm khác biệt duy nhất là bánh của tôi có thêm hương thơm thoang thoảng của hoa bởi Đan Châu đã ướp mứt trong cánh hoa sen trước khi bán.

Gió thổi len qua giàn dây leo trên lan can, Tán Đa bắt đầu pha một bình trà Hoàng Sơn Mao Phong bằng trà cụ của tôi.

"Tôi thấy có bộ trà cụ này lúc mới đến nên đã hỏi mượn Tiểu Minh." – Ngài ấy giải thích, xem ra anh Tiểu Minh không nói cho ngài ấy biết chúng thuộc về tôi. – "Ở nhà tôi có một bộ trà cụ Nhật Bản, một hôm nào đó tôi sẽ mời em thưởng thức, còn hôm nay tôi sẽ thử pha trà theo cách của người Trung Quốc."

Ngài ấy cầm ấm nước nóng tráng qua tất cả trà cụ, tôi kéo ghế tới gần sát với ghế của Tán Đa rồi điều chỉnh tư thế ngồi ngay ngắn.

"Khi tới Mãn Châu, tôi đã tìm được một bậc thầy về trà đạo của Trung Quốc." – Tán Đa nói tiếp. – "Ban đầu, danh sách mà Mẫu quốc gửi cho tôi có năm cái tên. Tôi ghé thăm từng người và phát hiện ra họ đều có cách pha trà không giống nhau, sự hiểu biết về trà đạo Trung Quốc của họ cũng có sự khác biệt. Tôi cảm thấy không đúng lắm, cho dù mỗi người có một cách thưởng trà khác nhau nhưng nền tảng và nguyên tắc trà đạo về cơ bản là giống nhau. Người bạn làm chung với tôi lúc ấy đã đưa cho tôi địa chỉ của một người khác và bảo tôi tới đó thử xem sao. Người ta gọi ông ấy là Hoàng sư phụ, là một người dân bình thường ở khu phố của dân lao động nghèo, nói chuyện có vẻ suồng sã và tham tiền nhưng vừa nghe thấy chữ 'trà' thì như biến thành một người khác."

Tôi yên lặng lắng nghe, âm thầm quan sát từng cử chỉ của Tán Đa.

"Hoàng sư phụ rất ghét người Nhật Bản nên khi tôi nói muốn tìm hiểu về trà đạo, ông ấy đã thẳng tay sập cửa trước mặt tôi. Tôi cũng không nản chí, mỗi ngày đều tới gõ cửa xin bái phỏng, viết thư trình bày rõ mục đích của mình." – Tán Đa nói, đổ nước trà đầu tiên đi. – "Cuối cùng, vào ngày mưa đầu tiên ở Mãn Châu, một đứa trẻ đến nhà tìm tôi, bảo với tôi rằng ông ấy muốn gặp tôi."

"Ngài đã viết gì trong thư?" – Tôi hỏi.

"Tôi viết mình chỉ là một người tìm hiểu và ghi chép văn hoá thuần tuý, mong muốn duy nhất của tôi là không để những tinh hoa này bị vùi lấp trong chiến tranh và thời gian." – Tán Đa trả lời. – "Dù chỉ còn một người biết đến chúng cũng là một cơ hội để lưu giữ chúng trong dòng chảy lịch sử."

Dứt lời, ngài ấy dùng hai tay nâng chén trà về phía tôi, tôi liền đáp lễ đón lấy chén.

Người uống trà lâu năm sẽ luôn có sự đánh giá trong vô thức, đặc biệt là khi loại trà họ uống lại thuộc về quê hương của họ. Tôi cũng không ngoại lệ.

Trà Hoàng Sơn Mao Phong được trồng xung quanh dãy núi Hoàng Sơn của An Huy, lá trà lượn sóng, đầu lá sắc nhọn, trên thân phủ lông tơ trắng mềm. Khi pha, trà sẽ toả hương hoa và hạt dẻ, nước trà có màu xanh vàng nhạt. Tôi uống thử một ngụm nhỏ, hương vị êm dịu và ngọt ngào lan toả dần trong miệng, cả cơ thể thoải mái vô cùng.

"Ngài theo học Hoàng sư phụ được bao lâu?" – Tôi hỏi.

"Ông ấy chỉ cho tôi bảy ngày để học hết mọi thứ. Hàng ngày, tôi đều mang đồ ăn sáng tới nơi ở của ông ấy, học đến trưa thì nghỉ, buổi chiều lại học tiếp tới tối." – Tán Đa nói, dường như đang chìm đắm trong hồi ức. – "Ban đầu, thái độ của Hoàng sư phụ với tôi rất gay gắt. Tôi cũng không chấp nhặt vì tôi tin rằng sự chân thành của mình sẽ khiến ông ấy thay đổi."

"Và tôi đã đúng, ông ấy dần dần không còn khó chịu với tôi nữa." – Tán Đa uống thêm một ngụm trà nữa, đôi mắt nhìn vào vô định. – "Tôi biết ông ấy vẫn có thành kiến với người Nhật nên đã lén để lại tiền học bên dưới hộc bàn. Trước khi tôi rời đi, Hoàng sư phụ nói những gì ông ấy dạy tôi chỉ là kiến thức cơ bản bởi mức độ hiểu biết trà đạo còn tuỳ thuộc ở mỗi người, có người học một năm đã nắm được tinh tuý, có người cả đời cũng chẳng hiểu được sâu hơn."

"Nhưng Hoàng sư phụ cũng nói người có tâm ắt sẽ tìm thấy chân trời của mình vào một ngày nào đó."

Bầu không khí quanh chúng tôi như đọng lại, mây trắng trên trời đã che khuất mặt trời từ lâu, thỉnh thoảng chỉ còn vài tia sáng lọt qua đám mây ấy.

Tôi ngẫm nghĩ một lát, cuối cùng vẫn là tự tay đun nước tráng trà cụ, chuẩn bị pha một vòng trà mới.

Tôi không dám tự xưng mình là một người hiểu biết sâu rộng về trà đạo nhưng chúng vẫn luôn là niềm tự hào của Lưu gia, là thứ tôi được truyền dạy từ khi còn nhỏ nên trà đạo dường như đã thấm vào con người tôi, chảy trong huyết quản của tôi. Chiến tranh loạn lạc, Lưu gia cũng rất vất vả mới có thể gìn giữ trà đạo của Trung Quốc nên tôi có thể hiểu được phần nào tình cảnh của Hoàng sư phụ. Ông ấy thay đổi để tồn tại nhưng trà vẫn là một nỗi niềm đau đáu và sự kiêu ngạo của mỗi người yêu trà, hiểu trà.

Giây phút nhìn thấy bộ trà cụ đặt trên bàn khiến tôi lập tức cảnh giác giống như Hoàng sư phụ. Đây là buổi gặp mặt thứ hai của tôi và ngài ấy, chúng tôi vốn chưa chia sẻ gì nhiều về thân thế của nhau nên tôi có chút chột dạ. Điều tôi không ngờ tới là Tán Đa đã chọn tôi để chia sẻ câu chuyện của mình, pha cho tôi một bình trà mà có lẽ ngài ấy chưa từng pha cho người Trung Quốc nào khác ngoại trừ người dạy ngài ấy về trà đạo.

Tán Đa dùng tấm lòng chân thành để đối đãi, sự kiêu ngạo bên trong Hoàng sư phụ đã bị đánh động, bức tường tôi xây lên để bảo vệ bản thân mình cũng như thế.

"Ngài biết tên loại trà chúng ta đang uống không?" – Tôi hỏi Tán Đa.

"Tôi biết đó là trà mà em đã từng tặng tôi nhưng chưa biết tên loại trà ấy là gì." – Ngài ấy trả lời.

"Ngài không tò mò về tên gọi của chúng sao?" – Tôi dò hỏi.

"Em viết trong thư rằng đó là trà của quê em nhưng không đề cập tới tên nên tôi hiểu là em muốn giữ bí mật về thân thế của mình."

Tôi mỉm cười. Tán Đa rất chân thành, cũng rất ngây thơ.

"Trà này tên là Hoàng Sơn Mao Phong, được hái trên núi Hoàng Sơn thuộc An Huy. Bộ trà cụ này là quà tặng ông nội đặt làm riêng cho em khi em mới sinh ra." – Tôi chậm rãi rót nước nóng vào trong ấm. – "Lưu gia ở An Huy nổi tiếng nhờ nghề sản xuất trà cụ và kinh doanh trà nên từ nhỏ em đã được ông nội và cha dạy về trà đạo."

Tôi không nhìn thấy vẻ mặt của Tán Đa nhưng tiếng thở của ngài ấy cho tôi biết ngài ấy rất bất ngờ về những gì tôi nói. Tôi nhẩm tính thời gian rồi đổ nước trà đầu tiên đi, rót nước nóng vào ấm một lần nữa.

"Trà của ngài rất ngon. Chỉ là pha trà cần tịnh tâm, trong lòng ngài còn nhiều xao động nên hương vị chưa thật sự trọn vẹn."

Tôi chia sẻ thẳng thắn, đồng thời đặt trước mặt ngài ấy một chén trà mới và nói:

"Đây là lần đầu tiên em pha trà mời một người ngoại quốc thưởng thức. Mong rằng ngài sẽ không chê em."

"Tôi sẽ không."

Tán Đa khẳng định rồi nghiêng đầu uống. Tôi cũng nhấp một ngụm trà nhỏ, chậm rãi kể tiếp:

"Ông nội kì vọng vào em rất nhiều nhưng lúc nhỏ em vô tình mắc bệnh, sức khoẻ bị ảnh hưởng không ít nên lớn lên không thể gánh vác chuyện buôn bán của gia đình. Ông rất thương em, luôn nói với em rằng ông cần em khoẻ mạnh sống một đời bình an nhưng em hiểu rằng trong thâm tâm ông vẫn còn nỗi khắc khoải với cơ đồ của Lưu gia."

"Vì cha mẹ chỉ có một mình em nên anh họ đã đứng ra thay em quán xuyến chuyện kinh doanh của gia đình để em có thể chú tâm vào chuyện học. Em đã cố gắng để không khiến người nhà phải thất vọng, cũng không để bản thân cảm thấy xấu hổ vì kém cỏi hơn người khác."

"Ngài biết không, ngày em nhận được giấy trúng tuyển vào trường đại học là ngày em vô cùng hạnh phúc. Nó như thể một dấu mốc chứng minh cho em biết mọi sự cố gắng của em đã được đền đáp xứng đáng. Em theo học thứ ít người học, lại dùng chúng để thi đỗ vào đại học hàng đầu của Thượng Hải, lúc ấy em nghĩ là mình đang nằm mơ. Tờ giấy trúng tuyển ấy là tấm vé để cha mẹ em chấp thuận cho em lên đây cùng anh họ."

"Trước khi mất, ông nội dặn em 'thương trường giống như chiến trường, vạn sự đều phải cẩn thận." – Tôi kể tiếp. – "Vậy nên em và anh họ chưa từng ở gần nhau để đảm bảo an toàn cho em và chuyện kinh doanh của gia đình. Nếu ngài hỏi em rằng em có cảm thấy cô đơn hay không, em nghĩ là em đã quen với chúng mất rồi, còn tự tay xây một bức tường ngăn cách bản thân với thế giới bên ngoài để sự cô đơn ấy được vẹn nguyên."

"Nhưng ngài đã tới." – Tôi mỉm cười.

"Ngài đã tới." – Tôi nhắc lại, ngửng đầu nhìn Tán Đa.

Mây trên trời trôi theo gió, ánh mặt trời một lần nữa chiếu xuống vạn vật nhưng thật kì lạ làm sao, tôi cảm thấy chúng chẳng thể nào rực rỡ bằng nụ cười dịu dàng của người ngồi kế bên tôi.

Vì vậy, cảm ơn ngài đã kiên nhẫn chờ đợi em và tin tưởng em.
-----

Mọi thông tin về cách làm bánh nướng được tham khảo tại Wikipedia tiếng Việt và thông tin về Kỳ Môn hồng trà, Hoàng Sơn Mao Phong được cung cấp từ website Trần Ký Trà.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro