Chap 17. Bánh chẻo*

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


*trong tiếng Trung, bánh chẻo còn có tên gọi là 'bánh xếp' hoặc phổ biến hơn với chúng mình là 'sủi cảo'.

-----

Năm mới đến, ăn bánh chẻo, vạn sự an.

Tôi cứ ngỡ mùa đông sẽ khiến thời gian ngưng đọng, tựa như từng mảng tuyết dịu dàng ôm lấy gian nhà nhỏ của tôi nhưng xem ra năm nay không còn giống vậy nữa. Chớp mắt một cái đã sắp đến năm mới, tôi nhâm nhẩm tính lại khoảng thời gian được ở nhà cùng cha mẹ rồi có chút tiếc nuối.

Hôm nay là ngày cuối cùng của năm, ngày chúng tôi cùng nhau ăn bữa cơm tất niên để tạm biệt năm cũ.

Từ sáng sớm, mọi người trong nhà đã tất bật chạy ngược xuôi, cả phủ để nhộn nhịp vô cùng. Trước mỗi gian phòng đều được treo đèn lồng, tấm thảm màu xanh dương ở thềm cửa phủ đã đổi sang màu đỏ, đồng bộ với bộ đệm ngồi đặt trên từng chiếc ghế gỗ được chạm trổ tinh xảo.

Trong bếp cũng vang lên tiếng cười đùa của những nữ nhân đẹp nhất phủ đệ nhà họ Lưu chúng tôi. Củi đã đỏ lửa, nồi nước dùng đã sôi, mẹ đang dặn mọi người nhất định phải mặc bộ trang phục mới tối nay để đón năm mới, đợi mấy ngày nữa tuyết tan, chúng tôi sẽ cùng nhau lên núi hái trà. Tôi mỉm cười, vừa lắng nghe từng câu chuyện của, vừa chuẩn bị trước các nguyên liệu làm vỏ bánh chẻo. Mẹ sẽ cùng các gia nhân khác làm món chính, tôi chủ trì cho nồi bánh chẻo và điểm tâm.

Tất niên năm nào cũng vậy, nhà chúng tôi và nhà anh Tô Kiệt sẽ cùng nhau dùng bữa, thưởng trà và đàm đạo về chuyện buôn bán năm vừa qua. Lúc xong xuôi việc bếp cũng đã là giờ Dậu, tôi thay quần áo rồi đến phủ đệ của Tô bá bá đón cả nhà sang ăn tối.

Cơm tất niên luôn là bữa cơm thịnh soạn nhất, món chính có thịt lợn hun khói, cá hấp, gà ủ muối, sau đó sẽ là bánh tổ, hoa quả và bánh trôi cùng trà nóng. Bánh chẻo sẽ thường sẽ để lại sau bữa tối, cả nhà cùng nhau gói bánh rồi nấu chín, cùng nhau ăn lúc giao thừa nhưng tôi làm trước một ít để mọi người thử hương vị mới. Vì đã rất lâu rồi hai anh em chúng tôi mới về nên cha mẹ đều muốn chúng tôi ăn thật nhiều, Tô bá bá kể chuyện ở xưởng nhuộm, mẹ tôi nhắc chúng tôi không được quên ngày lên núi hái trà, Tô bá mẫu hỏi tôi có cần chuẩn bị gì thêm để làm bánh chẻo không, cha tôi thì dặn chú Lê quản gia mang sẵn bộ trà cụ của ông ra sân trước.

Khi anh đang chuẩn bị nói về dự định mới thì gia nhân mang lên đĩa bánh chẻo tôi làm. Tất cả đều vô cùng bất ngờ, tôi mỉm cười mời mọi người ăn thử vì hương vị sẽ không giống như trước. Vỏ bánh bớt đi mùi thơm của bột mì, thêm vào vị thanh mát của rau xanh quyện đều với nhân thịt mềm, trong khi đó nhân chay lại mang chút bùi bùi, nồng ấm của nấm và hành lá. Tôi ăn hai miếng, không nhịn được mà gật gù cảm thán bánh vừa đủ như những gì mình tưởng tượng trước khi làm.

"A!" - Đột nhiên Tô bá bá kêu lên rồi lấy ra một đồng tiền vàng. - "Ta cũng cắn trúng tiền vàng rồi!"

Chẳng là mỗi lần đến bữa cơm tất niên, tôi vẫn giữ thói quen truyền thống, nhét một đồng tiền vào bánh như một lời chúc phúc, ai cắn được thì năm mới sẽ gặp nhiều may mắn. Cả nhà lập tức tràn ngập tiếng cười, cha tôi chắp tay chúc mừng ông vì sau bao nhiêu năm, cuối cùng bá bá cũng trúng chiếc bánh chẻo đặc biệt này.

"Tiểu Vũ nấu ăn ngon như thế này mà chỉ có chúng ta được thưởng thức, không biết khi nào mới có thêm một cô nương xinh xắn đến chung vui vậy nhỉ?"

Một câu hỏi bất ngờ của Tô bá bá làm tất cả mọi người chú ý đến tôi. Tôi cũng không vội, chậm rãi nhai hết miếng bánh trong miệng rồi lễ phép đáp lại:

"Tô bá bá lo cho cháu như vậy, cháu rất biết ơn nhưng cháu vẫn còn đang đi học ở Thượng Hải, sau này cũng chưa biết sẽ trở về An Huy lúc nào nên chuyện thành thân quả thực chưa nằm trong dự liệu của cháu. Nếu có cơ duyên kết đôi cùng ai thì cháu cũng rất vui mừng mà đón nhận, còn hiện tại cháu tò mò không biết anh Tô Kiệt đã có ai trong lòng chưa ạ?"

Mọi ánh mắt dần dần đổ dồn về phía anh tôi đang ngồi đối diện, dường như tất cả đều mong chờ câu trả lời của anh ấy nhiều hơn. Tôi mỉm cười đầy tinh quái, quả cầu lửa này nên ném được cho ai thì ném chứ đâu có ai dại mà giữ bên người.

"Nếu nhà ta đã muốn biết thì sắp tới con không có ý định kết hôn vì những kế hoạch đang dang dở. Tại đây, con cũng xin phép thông báo, đợi khi xuân về, con sẽ lên tàu đi giao thương ở Tân Gia Pha* một thời gian." - Anh Tô Kiệt đáp, sau đó ám chỉ cho gia nhân rời khỏi phòng ăn.

"Năm ngoái con đã để Ngũ Tử sang đó thử buôn bán lụa và vải của cha con, vốn giữa năm nay cậu ấy về là để cùng con quay lại nhưng vì một số chuyện ngoài ý muốn ở Thượng Hải nên kế hoạch phải tạm dừng. Hiện tại xưởng lụa và trà ở An Huy có cha mẹ con và Lưu thúc cai quản, Thượng Hải cũng đang ổn định nên con để Ngũ Tử ở lại, còn mình sẽ tự sang Tân Gia Pha. Ngoài lụa thượng hạng của nhà, con còn mang thêm trà của Lưu gia theo."

Tôi hoàn toàn không ngờ đến nước đi này của anh Tô Kiệt, lời đến miệng lại không biết phải nói sao. Đảo mắt nhìn sang cha mẹ và bá bá, bá mẫu, họ dường như đã biết trước việc này nên tất cả đều trông bình tĩnh hơn tôi rất nhiều.

"Con chưa nói với Tiểu Vũ vì việc giao thương còn mới, không có gì là chắc chắn cho đến trước năm mới." - Anh Tô Kiệt giải thích. - "Tên tuổi của lụa Tô gia ở Xiêm La đã có một chỗ đứng vững chắc, con cũng đã cho người thân cận trông coi, còn Tân Gia Pha là nơi mà con muốn trà của Lưu gia toả sáng. Con hi vọng mọi người sẽ tin tưởng con."

Một khoảng lặng nữa lại tiếp tục. Tôi nhìn cha mẹ tôi, cha mẹ anh Tô Kiệt rồi suy ngẫm cẩn thận một lần nữa.

Tuy nói rằng chúng tôi đều ở Thượng Hải nhưng có một thời gian anh tôi hoàn toàn biến mất khỏi Trung Hoa để gây dựng cửa tiệm lụa của nhà họ Tô ở Xiêm La. Trước khi đi, anh tôi bảo Ngũ Tử gửi tôi một lá thư, nói rõ anh ấy sẽ đi bao lâu, ở Thượng Hải đang có ai, cần tôi để ý chuyện gì trong công việc của gia đình.

Đó là lần đầu tiên anh để tôi toàn quyền quyết định mọi thứ, Ngũ Tử cũng luôn đi cùng tôi nhưng sâu lòng tôi vẫn là một sự ấm ức khó có thể nói ra vì tôi nghĩ như thế là ích kỷ. Tôi biết mình không thể ngăn cản lý tưởng của anh, dù muốn làm vậy thì cũng đã muộn rồi. Anh Tô Kiệt căn bản không cho tôi quyền lựa chọn mà đặt lựa chọn của anh ấy vào tay tôi, bất kể tôi có muốn tiếp nhận hay không.

Tôi vẫn nhớ ngày tôi trở về căn nhà cũ vào một buổi chiều sau khi đi cùng Ngũ Tử đến vài cửa tiệm, nằm trên bậc thềm là đôi giày da bạc màu, chiếc áo măng tô đầy mùi muối của biển vắt trên tay ghế và nhìn vào căn phòng tờ mờ ánh sáng sau tấm rèm, anh Tô Kiệt đang chìm vào giấc ngủ sâu.

Tất cả người trong gia đình chúng tôi đều hiểu rất rõ chuyến đi tới đây của anh sẽ còn khó khăn gấp vạn lần.

"Cha mẹ luôn tin tưởng con." - Tô bá mẫu nói. - "Con đã trưởng thành và đưa sản nghiệp của nhà ta đến nhiều nơi, ta rất tự hào về con nhưng cũng mong con nhớ giữ gìn sức khoẻ, bảo vệ bản thân thật tốt."

"Đúng vậy, không gì quý hơn tính mạng nên nhất định phải cân nhắc kĩ." - Cha tôi căn dặn.

Anh Tô Kiệt mỉm cười, nói cảm ơn cả nhà và bữa ăn tiếp tục trong tiếng cười nói vui vẻ, chỉ riêng tôi thì không thể thoải mái như trước.

Bữa tiệc của chúng tôi dừng lại vào giờ Tuất, cả nhà chuyển ra sảnh để cùng nhau uống trà. Tôi vào phòng trong lấy thêm áo cho cha mẹ, khi bước ra tấm bình phong, tôi bỗng dừng chân, lặng đi trước quang cảnh trước mắt. Ánh nến trong đèn lồng đỏ bập bùng thắp sáng giữa bầu trời tuyết rơi, hương thơm của trà quẩn quanh trong không khí, tiếng cha mẹ anh Tô Kiệt kể câu chuyện cười, cha tôi đang xoa nắn bàn tay của mẹ tôi, còn bà vỗ nhẹ lên tay ông.

Tôi hít một hơi thật sâu, bình ổn tất thảy những xao động trong lòng, tiến đến bên cha mẹ và nhẹ nhàng khoác áo choàng lên vai họ.

Ngoài sảnh, chú Lê đã giúp tôi đặt sẵn một chiếc bàn dài, bày biện tất cả nguyên liệu và dụng cụ cần thiết. Làm bánh chẻo cần trải qua đủ các công đoạn, từ làm vỏ bánh, chuẩn bị nhân thịt và chay đến gói bánh và nấu chín. Nếu chỉ có một người làm thì sẽ mất nhiều thời gian nhưng cả nhà cùng nhau làm thì chẳng mấy chốc mà xong.

Nhân thịt và chay đã được tôi chuẩn bị trước bữa ăn giờ có lẽ đã thâm đủ gia vị. Nhân thịt có đủ cả ba loại là thịt gà, thịt lợn và thịt bò, còn thêm một ít tôm và cá, đem băm nhỏ rồi trộn cùng hành, rau, nấm hương. Nhân chay thì dùng cải thảo, hành lá, cần tây, cải bó xôi, nấm, cà rốt, tép tỏi và mộc nhĩ.

Vỏ bánh là thứ tôi muốn làm khác so với các năm trước bởi vì bánh chẻo truyền thống có vỏ màu trắng ngà, còn của tôi là bánh chẻo ngũ sắc. Cải bó xôi, củ cải đỏ và bắp cải tím đã được rửa sạch, đặt trong đĩa, tôi đem tất cả cắt nhỏ, giã nát rồi ép lấy nước. Kế tiếp, tôi rây bột đều vào bốn chiếc bát, lần lượt trộn đều từng bát với một ít nước muối và từng loại nước ép.

Khi bột trong bát dần chuyển thành một khối, tôi đưa cho anh Tô Kiệt thực hiện công đoạn tiếp theo là nhào bột. Bột được nhào càng chắc và đều tay bao nhiêu thì vỏ bánh càng dẻo, đến chừng một khắc, bột biến thành một khối mịn màng, anh tôi đặt chúng lại vào bát để bột nghỉ, không quên phủ kín miệng bát bằng tấm vải xô.

Bột nghỉ đủ rồi, mẹ và bá mẫu sẽ bắt đầu làm vỏ bánh. Mẹ rây lên mặt bàn một ít bột bắp, khối bột mang màu xanh ngọc của cải bó xôi được nặn thành một thanh bột dài, dùng dao cắt thành từng phần nhỏ bằng nhau, mỗi phần chia làm đôi rồi viên tròn trong lòng bàn tay. Bá mẫu ấn nhẹ chúng xuống và dùng cán bột cán chúng thành những chiếc vỏ bánh mỏng, độ tròn và dày đều tăm tắp. Với những người mới bắt đầu làm bánh chẻo thì khâu làm vỏ này bao giờ cũng rất khó khăn nhưng tôi tin rằng chỉ cần kiên trì không bỏ cuộc, dùng trái tim và đầu ngón tay cảm nhận thì bất cứ ai cũng có thể làm nên một đĩa bánh chẻo tuyệt hảo.

Kế tiếp đây là gói bánh. Tôi thường dùng thìa nhỏ múc một phần nhân đặt vào giữa miếng bột đã cán mỏng, sau đó gấp lại thành hình bán nguyệt. Có nhiều cách để gấp bánh chẻo, tôi thường gấp theo cách truyền thống, trên thân bánh sẽ xuất hiện một dải những đường cong đều tăm tắp, còn cha tôi thích biến thêm một hàng xương cá và chiếc đuôi nhỏ cho mỗi chiếc bánh.

Chẳng mấy chốc chiếc khay gỗ phủ bột đã đầy ắp bánh chẻo xếp ngay ngắn thành từng hàng, chờ tôi đem vào bếp để dì Lê luộc chín.

Trong bếp, lò tiếp tục đỏ lửa, dì Lê dùng chiếc muôi đảo bánh cho chín đều rồi múc chúng vào đĩa gốm mà gia nhân đặt sẵn. Đĩa nào đầy bánh, tôi liền đặt vào giỏ mây, đậy kín lại và bọc bằng vải dày, nhanh chóng mang lên nhà chính.

Hoàn thành khay bánh cuối cùng, tôi nghe lời mẹ về phòng thay đồ trước để kịp giao thừa. Hôm nay là tất niên, tôi mặc một bộ trường bào trắng thêu hoa văn chìm bằng chỉ vàng, bên ngoài là áo chẽn bằng nhung màu đỏ mận, phần cổ và tay áo có lớp lông dày giữ ấm. Vì phòng tôi cách xa với gian nhà chính, tôi nhờ gia nhân mang áo choàng và đôi ủng đi tuyết của mình đến phòng nghỉ phía sau phòng khách để đêm nay đi tản bộ.

Thời gian chậm rãi chảy trôi, tôi pha thêm một tuần trà nữa thì vừa lúc giao thừa. Cây pháo nổ vang khoảnh sân nhà, ánh lửa lấp lánh bừng sáng giữa làn khói mỏng toả ra từ dải pháo. Đám trẻ con nhà dì Lê vui mừng kêu lớn, chạy xung quanh cha mẹ chúng, vừa sợ vừa thích tiếng pháo đì đùng.

Xung quanh phủ nhà chúng tôi vang lên không ít tiếng pháo quen thuộc, ngoài đường cũng không thua kém. Tôi rất vui, nhìn ngắm mọi người chưa đủ còn dắt tay đám trẻ con cùng chạy quanh dải pháo đang đốt giữa sân. Cho đến khi chúng được đốt hết, đám trẻ mới tản ra, cha mẹ tôi và bá bá, bá mẫu đưa đưa chúng tôi những phong bao màu đỏ tươi như một lời chúc may mắn. Tôi và anh Tô Kiệt cũng đã chuẩn bị trước, kính cẩn gửi cha mẹ, chẳng có gì mong đợi nhiều, chỉ mong họ luôn khoẻ mạnh.

Đợi dải pháo cháy hết, tôi mới thay ủng, khoác thêm áo choàng lông rồi xin phép cha mẹ đi tản bộ một lúc. Anh tôi thấy vậy cũng lập tức lấy áo mặc, tạm biệt cha mẹ rồi rảo bước cùng tôi.

Bên ngoài vẫn chưa ngớt tiếng pháo, đám trẻ con mặc áo chần bông cầm theo đèn lồng đỏ rủ nhau ghé nhà chơi, chúng vừa chạy vừa cười khanh khách, thỉnh thoảng còn hét lên đầy thích thú. Mùi trầm của nhang hương lẫn vào lớp sương khói ẩn hiện, tuyết trắng bay trong đêm đen, chậm rãi thấm xuống nền đất dưới chân.

Con đường này đã lớn lên cùng chúng tôi, khi xưa có cha mẹ nắm tay dắt đi, lúc thành niên chỉ còn lại hai anh em đi dạo đêm giao thừa như một ước định hàng năm. Chúng tôi chưa bao giờ thất hẹn, chỉ cần dây pháo cuối cùng trong nhà được đốt thì anh em tôi đều ngầm hiểu rằng đã đến lúc ra ngoài.

Chuyến đi mở đầu năm mới không quá xa cũng không quá gần, đi từ đầu phố đến cuối phố rồi vòng lại, cứ vậy đi mười vòng là vừa vặn để tôi và anh Tô Kiệt nói về những điều khó có thể giãi bày trước mặt cha mẹ. Năm nay rất khác, chẳng ai trong chúng tôi chịu mở lời trước bởi những chuyện anh ấy vừa nói trong bữa cơm tất niên.

Tuyết rơi ngày càng dày, tôi giương cao chiếc ô mình cầm theo từ nhà, vừa vặn che được cả người kế bên.

"Khi em gặp chuyện với Diệp Lâm An, anh đang thu xếp để quay lại Xiêm La cùng Ngũ Tử nhưng kế hoạch phải tạm hoãn." - Anh nói. - "Vết thương của em rất nặng, nhà cũ cũng không còn an toàn nên anh bảo Ngũ Tử ở lại cùng anh giải quyết rồi tính tiếp. Tuy nhà An tiểu thư rất tốt nhưng chung quy chuyện nhà là chuyện nhà, về sau anh lại không ở Thượng Hải nên đến hôm nay mới có thể nói với em về Tân Gia Pha."

Anh ấy ngừng lại một lúc, sau đó nói tiếp:

"Anh không có ý định giấu em. Anh không đảm bảo mọi thứ sẽ thuận lợi như anh mong đợi, sợ rằng nói ra sẽ khiến em thất vọng."

Lời này anh Tô Kiệt đã đốt lên ngọn lửa nhen nhóm trong lòng tôi.

"Mấy chuyện liều mạng anh làm đâu có thiếu." - Tôi đáp lại. - "Khi em còn đang mải trồng hoa quanh nhà thì anh đã kéo Ngũ Tử đến xưởng lụa nghiên cứu cách nhuộm vải mới, sau này anh cũng là thanh niên duy nhất lên Thượng Hải mà không thất bại trở về, thành danh một phương, anh nghĩ em không biết anh vào sinh ra tử bao nhiêu lần sao? Hay anh cần em viết ra từng chuyện anh làm từ khi em còn nhỏ? Vì sao một kẻ tai to mặt lớn như Diệp Lâm An lại phải bắt cóc em mà không trực tiếp đối đầu với anh chứ?"

Anh Tô Kiệt không nhìn thẳng vào mắt tôi, tay phải theo thói quen lục tìm một điếu thuốc nhưng lấy ra rồi lại không hút mà chỉ ngậm ở miệng. Tôi hạ giọng nói tiếp:

"Chúng ta lớn lên cùng nhau bao nhiêu năm, em hi vọng anh có đủ niềm tin ở em để nói về những điều anh đang dự tính. Anh là người có chí lớn, em nhìn danh tiếng anh ở Thượng Hải cũng đủ hiểu anh quyết tâm như thế nào. Em có thể bỏ qua chuyện anh đột ngột sang Xiêm La mà chỉ gửi cho em một lá thư giải thích qua loa nhưng chuyện anh vừa thông báo trên bàn ăn khiến em cảm thấy hụt hẫng. Em không muốn trở thành người ngoài trong chính gia đình của mình. Chuyện ấy thật sự rất đau lòng!"

Tôi giống như trút hết nỗi uất ức dồn nén bấy lâu nay, chẳng còn màng mình đang đứng giữa đường, liệu có ai đang nghe thấy hay không. Tay tôi nắm chặt cán ô đến mức ửng đỏ, trái tim nhảy múa trong lồng ngực báo hiệu cho tôi biết mình đã mất bình tĩnh đến thế nào.

Nhắm mắt điều hoà lại nhịp thở của mình, tôi chợt nghĩ có lẽ vì những chuyện này mà thái độ của anh ấy với An Sinh không nóng cũng chẳng lạnh, để chị ấy dần dần chết tâm.

"Em xin lỗi, em đã cư xử không đúng." - Tôi nói.

"Không sao, nếu là anh thì anh cũng sẽ tức giận như vậy. Tiểu Vũ chắc đã nhẫn nhịn lâu lắm rồi." - Anh Tô Kiệt nói. - "Anh xin lỗi. Anh chưa nghĩ kĩ đã tự ý quyết định như vậy."

Tôi hé mắt nhìn anh tôi đang cúi đầu đầy hối lỗi, cuối cùng cũng không đành lòng, vỗ vai anh như an ủi.

"Sắp tới anh đi Tân Gia Pha, em sẽ lo liệu cho Ngũ Tử. Đến ngày thành hôn anh nhớ về là được." - Tôi nói. - "Em sẽ không hỏi thêm ông hỏi anh về chuyện của anh và chị An Sinh nữa, thời gian anh không ở đây em sẽ thường xuyên qua thăm chị ấy. Một mình giữa Thượng Hải cô đơn như vậy, có người bầu bạn vẫn tốt hơn."

Anh Tô Kiệt gật đầu đồng ý, chúng tôi lại tiếp tục đi dạo. Anh kể cho tôi nghe về Tân Gia Pha và kế hoạch sắp tới. Thỉnh thoảng tôi đáp lại bằng một số suy nghĩ của mình nhưng phần lớn đều là anh nói. Đôi mắt anh sáng lấp lánh, có lúc đưa tay lên mô tả cho tôi đất nước ấy trông ra sao trên tấm bản đồ, đâu là núi, đâu là biển, đâu là đồng bằng. Anh Tô Kiệt chưa từng tới đó nhưng tôi hiểu anh đã chuẩn bị rất kỹ cho hành trình này.

Giống như một ngày mùa hạ bình thường của rất nhiều năm trước, khi tôi đang ngồi luyện chữ trong thư phòng, anh Tô Kiệt đột nhiên gập quyển sổ da dê luôn mang theo bên mình lại và kiên định nói với tôi rằng anh ấy sẽ đến Thượng Hải.

Quá canh ba, chúng tôi mới bắt đầu quay về. Trước cửa nhà ai cũng treo lồng đèn đỏ nên đường đi không hẳn là quá tối, tuyết không còn rơi nữa nhưng tôi vẫn chưa hạ ô để chúng đón những giọt sương đêm lạnh buốt.

Đến cửa phủ nhà tôi, anh Tô Kiệt đón lấy ô mà tôi đưa, đột nhiên mỉm cười rồi nói:

"Hôm nay anh nhận ra Tiểu Vũ của nhà ta đã thay đổi, trưởng thành hơn và... mở lòng mình hơn. Từ nhỏ đến lớn em luôn là một đứa trẻ ngoan ngoãn, khéo léo, mọi người trong nhà nói gì em cũng sẽ làm theo nếu em cảm thấy phù hợp. Dù anh buôn bán bên ngoài, gặp đủ hạng người nhưng lại chẳng thể đoán em đang nghĩ gì."

Anh xoa đầu tôi rồi quay người đi, bước xuống bậc thềm.

"Mai anh qua nhà em ăn mì trường thọ nhé." - Tôi gọi anh.

Anh Tô Kiệt làm kí hiệu đồng ý, tôi nhìn anh đi khuất rồi vào phủ.

Trở về phòng, tôi vừa thay đồ vừa ngẫm nghĩ không biết mình đã thay đổi từ khi nào. Phải chăng là lúc bắt đầu quen biết với anh Tiểu Minh, hay khi tôi trò chuyện cùng chị An Sinh?

Một thoáng trong tôi gợi lại kí ức của mùa xuân năm ngoái. Lúc đó tôi mới quay lại Thượng Hải sau kì nghỉ đông, sợ anh Tiểu Minh chưa ăn bánh chẻo nên đã làm hai đĩa đem đến Di Hoà, sau đó còn mượn một cuốn sách ẩm thực về nhà, vẽ phác hoạ xong thì quên không rút ra mà đem trả sách, đến khi nhớ ra thì đã có người mượn mất.

Người ấy là Tán Đa.

Trong đầu tôi lập tức hiện ra khung cảnh mình nhìn thấy khi tỉnh giấc trên chiếc ghế mây ngoài ban công ở Di Hoà. Ngài ấy ngồi quay lưng về phía tôi, mái tóc đen bay nhẹ trong gió, bờ vai rộng che đi nửa khoảng trời trước mắt tôi. Tán Đa đang vẽ màu nước trên toan, phần tay áo sơ mi được gập gọn đến khuỷu tay, lộ ra cánh tay rắn chắc, đẹp đẽ như thuộc về một vị thần trong truyền thuyết.

Tôi lờ mờ nhận ra ngài ấy ngồi ngược chiều ánh sáng nhưng vì chưa tỉnh táo nên tôi không hỏi Tán Đa tại sao lại ngồi như vậy. Giờ ngẫm lại, tôi bỗng vỡ lẽ, dường như khi đó ngài ấy làm vậy để che đi ánh mặt trời chói chang phía Tây bầu trời, trở thành tán cây dịu mát ru tôi chìm vào giấc ngủ sâu.

Nghĩ tới đây, tôi liền cảm thấy dư vị ngọt ngào tan chảy trong trái tim mình. Không biết Tán Đa ở Mãn Châu thế nào, có lẽ ngài ấy sẽ không ăn bánh chẻo mà nấu những món ăn của quê hương ngài ấy.

Với tay tắt đi ngọn đèn bàn cạnh giường, tôi kéo rèm rồi cuộn mình trong chăn ấm, nghĩ về lời nói của mẹ và anh Tô Kiệt, về tôi của thời gian qua, về Thượng Hải.

Còn có cả Tán Đa.

Nếu ngày đó tôi rút bức vẽ như mọi lần thì sẽ không có ngày hôm nay và phải chăng ông trời đã an bài để tôi gặp được một người khiến mình biết nhung nhớ?

Câu hỏi ấy của tôi cứ vậy mà chìm vào hư vô, không ai có thể trả lời cho tôi nhưng tôi biết rằng gặp được ngài ấy là một niềm hạnh phúc mà tôi muốn ích kỷ giữ lại làm của riêng. Chúng tôi sắp gặp lại nhau rồi, tôi muốn kể với ngài ấy rất nhiều chuyện ở An Huy, bao gồm cả câu chuyện tôi đang giấu kín trong tim mình.

-------
*Tân Gia Pha được nhắc đến ở chương này chính là đất nước Singapore, còn Xiêm La là Thái Lan ở hiện tại.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro