Hà Hội 1944

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hà Nội đầu năm 1944.

Nửa năm trôi qua tương đối an bình là bình an trước cơn bão. Nhật can thiệp sâu vào Việt Nam cùng Pháp thỏa hiệp. Chiến tranh thế giới thứ hai lại khiến hai tên giành giật nhau để đổ vào chiến tranh. Dù thế nào, người chịu thiệt hại nặng nề nhất là nhân dân Việt Nam. Nhật buộc nông dân phải nhổ lúa trồng đay và thầu dầu phục vụ chiến tranh. Nhổ lúa rồi thì lấy gì mà sống đây? Điều lo sợ của Đảng Cộng sản Đông Dương cũng sẽ đến. Vì vậy, khảo sát tình hình chuẩn bị phát động chiến tranh là hết sức cần thiết.

Đơn vị chiến đấu của Thiên Yết đột nhiên muốn cử vài cán bộ đi điều tra tình hình Hà Nội để chuẩn bị khởi nghĩa, đánh vào đầu não địch ở Hà Nội đầu tiên. Tất nhiên, anh một lần nữa được điều đi cùng bốn đồng chí khác. Bởi từ lần đi trước, ai nhìn thấy anh cũng bảo anh nhớ Hà Nội.

Lần thứ hai đến Hà Nội, Thiên Yết vẫn cảm thấy Hà Nội như một cô gái khép mình ngủ say, không như Hà Giang, phải gánh chịu vô số bom đạn. Anh nhớ da diết hình ảnh cô gái mười sáu với hai bím tóc cùng chiếc nón rộng vành. Có lẽ anh không phải đang nhớ Hà Nội mà chính là nhớ em. Từng giờ anh đều chiến đấu để bảo vệ quê hương, từng khắc đều là để bảo vệ em, không để em chìm vào chiến tranh, cho em thấy hòa bình trên đất nước em yêu.

Mọi người tản ra tìm hiểu tình hình và liên lạc với người nằm vùng. Không khí Tết hãy còn nhưng sắc trời ảm đạm man mác buồn. Trên gương mặt mỗi người dân nơi đây đều ngập tràn nỗi lo sợ, đau đáu không yên. Có lẽ những cái thở dài của ông bà, những giọt nước mắt của mẹ đã làm vơi đi ánh lấp lánh trong đáy mắt con trẻ chỉ để lại nét bơ phờ. Chiến tranh Việt Nam chỉ toàn đau thương và chết chóc. Chiến tranh, khi nào mới kết thúc?

Những ngày ở chiến khu, Thiên Yết ngước nhìn vùng trời Hà Giang chỉ thấy màu xanh đầy sức sống của rừng cây. Bây giờ, anh nhìn thấy bầu trời Hà Nội sao đượm buồn, áng mây che đi ánh nắng ấm áp. Ánh sáng hòa bình chưa bao giờ chạm đến Hà Nội. Chỉ vì nơi đây là thủ đô, là trung tâm đầu não. Ngày ngày trên đường phố đều là quân giặc, sáng Pháp, chiều Nhật, nửa đêm mới đến lượt người dân. Cướp nước, giết người, vắt kiệt máu người Việt phục vụ chiến tranh, còn tội ác nào chúng chưa làm sao? Lòng Thiên Yết nặng trĩu lại miên man thăm thẳm không đáy, chỉ có ánh mắt anh kiên cường sáng rực.

Thiên Yết đến chỗ hẹn với người nằm vùng để nhận thông tin. Đó là một quán nước nhỏ bên đường, bình thường chẳng ai để ý đến. Lúc bước vào, anh lập tức quét mắt bốn phương. Trong quán chỉ có bốn người khách, hai nam ngồi riêng và hai nữ đang nói chuyện với nhau. Một trong hai cô gái đó làm anh bất ngờ. Cô gái đội nón rộng vành, thắt tóc hai bím và đeo chiếc túi lệch, cô gái trong trái tim anh, chẳng phải em sao.

Xử Nữ thấy Thiên Yết liền cười cười chạy đến ôm lấy cánh tay anh vẫn nụ cười thuần khiết đó nhưng sao lại thiếu đi phần tươi tắn. Đuôi mắt em dài hơn, sầu muộn chồng chất cũng nhiều hơn. Em không còn là cô gái ngây thơ nửa năm trước anh gặp. Em cũng chính là cô gái tràn đầy nhiệt huyết anh thấy lúc đó. Xử Nữ đổi thay rồi.

- Chú Yết, chú uống chén nước.

Xử Nữ nhanh tay rót cho Thiên Yết một chén đầy nước mát. Anh gật đầu cười nhẹ rồi nói cảm ơn.

- Chú không phải lo, quán này là của người quen.

Trong lúc Thiên Yết uống nước, em nhẹ giọng nói. Từ khi anh bước vào, em đã thấy mắt anh cẩn thận do xét xung quanh. Xử Nữ khó hiểu, thực sự chỉ cần nhìn là biết được ai ta, ai giặc sao?

- Vậy ra cháu là người liên lạc?

Anh hạ chén nước nhìn Xử Nữ. Em gật đầu quả quyết hệt như lần đầu tiên anh gặp em. Một khi đã quyết định khắc ghi một ai đó trong tim mình thì dù bao lâu đi nữa, hình bóng, cử chỉ của người đó cũng không thể nào phai mờ được. Và lạ thay, anh khắc em cùng đất nước vào nơi chứa đựng sự sống của mình.

- Đây là sách của chú Tuấn, chú ấy nói chỉ có chú Yết mới có thể đọc được.

Tay Xử Nữ thoăn thoắt lấy từ trong túi ra một cuốn sách dày cộm. Thoạt nhìn vô cùng bình thường nhưng Thiên Yết biết, có vài trang có đánh dấu, phải đọc và sàng lọc từ cần thiết ghép lại sẽ thành lá thư hoàn chỉnh. Một phương pháp đòi hỏi kỹ năng phân tích rất cao nên chỉ có Thiên Yết có thể làm được.

- À, chú đây là chị Lệ. Chị ấy tham gia du kích ở chỗ cháu.

Cô gái ngồi cạnh Xử Nữ nhẹ nhàng cười với Thiên Yết. Anh chỉ gật đầu qua loa. Em gọi là chị nhưng thực tế cô ấy lại xấp xỉ tuổi của anh. Trên gương mặt cô ấy tràn đầy nét trưởng thành, già dặn. Nhưng chỉ đọng lại chút tình yêu cách mạng, tình yêu đất nước chứ không nhiều vô kể như em.

- Em chào anh, nghe danh đã lâu.

Lệ nghiêng đầu nói với Thiên Yết, đôi mắt cô ấy sắc sảo như hai ngọn đèn thăm dò đáy vực sâu thẳm trước mắt. Em ngồi bên cạnh giương to mắt hình anh khó hiểu.

- Em chưa biết à, chú Yết của em từng lãnh đạo một tiểu đội đánh phục kích tiêu diệt hai mươi lăm tên địch đấy.

Nhìn vào đôi mắt trong vắt của Xử Nữ, Lệ chậm rãi kể chiến công của anh lấp đầy sự tò mò của em.

- Chú Yết, sau này cháu lên chiến khu chú phải chỉ dạy cháu đấy chú nhé.

Tiếng cười khúc khích của Xử Nữ lại vang lên trong không gian vắng lặng trong quán như tiếng chuông gió giữa cánh rừng bạt ngàn. Em không biết, Thiên Yết ở chiến khu vẫn luôn nhớ thanh âm thuần khiết này hệt như tiếng bom đạn không thể nào chạm đến.

- Được thôi. Chỉ sợ cháu không học nổi!

Anh nói bâng quơ.

- Sao có thể. À, lần này chú có ở lại không?

- Có thể. Dù sao cũng không cần về ngay.

Thiên Yết nhìn cô gái nhỏ trước mắt. Vừa nhận được câu trả lời, Xử Nữ đã trở nên rạng rỡ, vui tươi. Thoáng, anh thấy trong mắt em có ánh mặt trời vĩnh cửu, xinh đẹp và ấm áp.

- Tốt quá. Chú lại đến nhà cháu nữa nhé.

Anh gật đầu.

- Chú phải đi xem bố trí lực lượng, có lẽ tối mới đến được.

Vừa nghe đến đây Xử Nữ đã xụ mặt xuống nhìn rất không vui.

- Anh ấy đi lo chuyện kháng chiến, chứ có phải đi chơi đâu!

Lệ ngồi bên cạnh đưa tay nhẹ nhàng yêu thương vuốt tóc em.

- Chiều chú đến nhé.

Vừa đứng lên Thiên Yết vừa thu dọn chút đồ bày trên bàn rồi rời khỏi quán. Xử Nữ nhìn người đã đi xa kia đến thất thần. Anh vẫn cao gầy như ngày trước, bóng lưng trải dài đơn độc. Em tựa hồ có thể thấy tấm lưng anh mang rất nhiều gánh nặng đối với đất nước. Trong lòng anh chưa bao giờ đặt vận mệnh dân tộc lơi lỏng. Nếu chiến tranh không sớm kết thúc anh sẽ không được ngơi nghỉ, vùi cả cuộc đời mình ở chiến khu với bom đạn. Cái chết lúc nào cũng chực chờ anh. Cướp đi sinh mệnh anh. Cướp anh xa khỏi em.

- Từ trước đến giờ, ngoài em ra, chị chưa từng thấy ai ấp ủ nhiều khát vọng như anh ấy.

Mắt Lệ ánh lên nét kỳ lạ khi nhìn ra khoảng không gian vắng lặng mà vừa nãy đã từng có một chàng trai hiện hữu. Mạnh mẽ như sóng biển cuộn trào.

Thiên Yết rảo bước trong lòng Hà Nội đến những nơi tập trung khác thu thập tình hình, gặp gỡ bốn đồng đội còn lại dặn họ làm việc cẩn thận. Theo thông tin anh nhận được thì Pháp - Nhật đã ngấm ngầm đối đầu với nhau. Việc Nhật mở rộng khu vực chiếm đóng xuống miền Nam khiến Pháp lo sợ dần mất Đông Dương. Thực tế Nhật đã nuốt trọn Trung Quốc thì thêm một Đông Dương nữa cũng chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng Pháp lại được Anh hậu thuẫn, quân Đồng Minh đang chiếm ưu thế trên chiến trường với phát xít. Tháng 6 năm 1941 Đức tấn công Liên Xô sau khi chiếm nhiều nước ở châu Âu nhưng thất bại nặng nề, tạm thời án binh bất động. Vì vậy, trước mắt Nhật không lật đổ Pháp, còn tương lai không lường trước được.

Hà Nội đẹp biết bao. Hoa đào nở khắp nơi, cánh hoa hồng phấn mong manh lại e ấp. Nhưng dường như cả hoa cỏ cũng cảm nhận được nỗi đau của chiến tranh. Ngày nào còn bóng giặc trên đất nước, ngày ấy hoa không thể rực rỡ, tươi vui. Hà Nội thật buồn. Thiên Yết cảm nhận được mình cũng yêu Hà Nội như Hà Giang.

Trời dần tối, anh bước về phía Hà Tây nơi có làng Yên Nghĩa, có một đóa hoa tam giác mạch. Hoa đào rất đẹp, kiêu sa nhưng lại không có sự mạnh mẽ, bình dị của tam giác mạch. Con đường đất đỏ không còn nhếch nhác vì mưa nữa, một con đường nhựa lạ lẫm. Vì để phục vụ cho chiến tranh, Nhật đã trải lên da thịt của vùng đất này một lớp nhựa nóng bỏng mặc cho nó đang gào thét đau đớn. Sáu tháng trước trên con đường này Thiên Yết gặp gỡ Xử Nữ, một ngày mưa tầm tả. Thật buồn cười anh đã đi qua làng Yên Nghĩa mà không hề biết, nếu không gặp em, có thể sẽ đi mãi không đến.

Cuối cùng cũng đến nhà Xử Nữ, qua sáu tháng, làng một chút cũng không thay đổi vẫn nguyên vẹn nét son sắt như ngày đầu. Từ xa Thiên Yết đã thấy em ngồi ở bệ cửa ngóng trông, nhìn về phía con đường xa xăm. Thấy dáng anh, mắt em liền rạng rỡ, cũng đủ biết, người em chờ là anh. Trong nhà thấp thoáng bóng người, đèn dầu lập lòe chỉ biết được người đó là phụ nữ.

- Chú Yết, chú đến rồi!

Em gấp gáp chạy đến kéo anh vào nhà. Nương theo ánh đèn, Thiên Yết nhìn rõ được, đó là một người phụ nữ trung niên tóc búi, mặt có chút vết tích của thời gian. Song lại vô cùng mạnh mẽ giống Xử Nữ.

- Mẹ, chú Yết đến rồi!

Thật vội vã Xử Nữ kéo anh ngồi xuống một bàn đầy thức ăn, thịnh soạn hơn lần trước một chút. Trên bàn chỉ toàn hương vị của Tết.

- Cháu chào bác ạ.

Thiên Yết cúi đầu chào mẹ của Xử Nữ. Người phụ nữ đó chỉ cười hiền hậu nhìn anh. Bà như thấy hình ảnh thời niên thiếu của chồng mình nơi chàng trai trước mặt.

- Sau này gọi là bác Lan nhá. Con bé Xử Nữ chỉ biết làm người ta phiền phức thôi.

Dứt lời bà quay sang cốc nhẹ lên đầu em một cái. Ánh mắt chứa chan niềm yêu thương vô bờ. Nhưng lại thiếu chính là sinh khí. Ánh mắt này anh từng thấy. Giống với khoảnh khắc bác Tám An biết tin con mình nằm lại nơi chiến trường mãi mãi. Thiên Yết đánh mắt nhìn ngang, một bàn thờ đơn sơ trên đó có di ảnh của một người đàn ông trạc bác Lan. Người này không cười vậy mà đáy mắt lại ánh lên niềm vui. Song là một bức ảnh trắng đen vẫn không thể tái hiện chân thật nhất tình cảm của người chụp. Chỉ có nỗi đau vô hình, đâm từng nhát lên hai người phụ nữ trong gia đình này. Người trong ảnh, Thiên Yết biết. Ông ấy là người thầy đầu tiên dẫn dắt anh những ngày đầu tham gia vào cách mạng. Cũng là người truyền ngọn lửa bùng cháy sang anh. Hóa ra, Xử Nữ là nhận được ngọn lửa ấy từ cha mình. Cũng vì thế mà anh thấy em thay đổi. Nỗi mất mác này quá lớn, buộc em phải trưởng thành hơn.

- Sao mẹ nói thế được, con chỉ là đang giúp chú ấy thôi.

Xử Nữ vừa chia cơm vừa giương mắt nhìn Thiên Yết cười cười.

- Khi nào cháu về lại chiến khu?

Bà đột nhiên hỏi.

- Có lẽ ngay hôm sau ạ.

Hơi do dự một lát, anh vẫn trả lời.

- Chú ở lâu thêm chút đi. Cháu vẫn còn muốn nghe chuyện.

Lúc này, Xử Nữ dẩu môi nhìn anh, hành động đó cùng hai bím tóc dài khiến anh cảm thấy buồn cười, hệt như một đứa trẻ bảy tuổi.

- Ăn cơm đi. Cháu à, con bé này nó mua hết cái chợ về nấu đấy cháu.

Bà châm chọc cô con gái nhỏ của mình. Trong khi đó, Xử Nữ gắp vào chén trống của Thiên Yết một phần bánh chưng, món ăn không thể thiếu của ngày Tết. Anh nhìn bánh chưng trong bát, lại thấy nhớ mèn mén ở Hà Giang da diết.

Bữa cơm ba người nhanh chóng hoàn tất, Xử Nữ mang bát đi rửa như thường lệ. Bác Lan nhìn về phía bàn thờ thơ thẩn, mắt bà mờ đục, nước mắt ngân ngấn chực rơi. Thiên Yết hai lần đến đây. Hai lần chứng kiến nỗi đau của chiến tranh. Cuộc chiến phi nghĩa của thực dân và phát xít trên đất Việt Nam chẳng khác nào trận giày xéo cuồng vọng không có điểm dừng. Từng nhát từng nhát đâm vảo tim, cướp đi phần hồn của người ở lại. Lòng anh thắt lại, đau đến uất nghẹn.

Bác Lan loạng choạng bước vào buồng ngủ. Lúc này, Xử Nữ đã rửa bát xong, em đến vặn bấc đèn lớn lên. Ánh sáng không còn lập lòe mà lóa lên một chút.

- Chú Yết, chú giải thông tin cho cháu xem với.

Ngồi xuống bên cạnh anh, hai tay Xử Nữ chống cằm nhìn Thiên Yết.

- Cháu chờ chút nhé.

Dứt lời, anh lấy từ ba lô quyển sách Tuấn đưa cùng một tờ giấy vàng và một cây bút. Thiên Yết bắt đầu lật vài trang rồi ghi ghi chép chép rất nhanh. Xử Nữ lén nhìn qua, chữ anh đẹp lắm, gầy và mảnh hệt như anh. Ngón tay thon dài thoăn thoắt lướt trên trang sách vô cùng chuyên tâm. Em si mê ngắm anh làm việc, giá như ngày nào cũng được thấy anh như vậy thì tốt biết mấy. Nhưng làm sao khoảnh khắc bình yên này có thể dừng lại được, khi mà chiến tranh chẳng bỏ qua điều tốt đẹp nào?

- Xong rồi!

Đột nhiên Thiên Yết thốt lên khiến Xử Nữ ngơ ngác nhìn anh khó hiểu. Anh cười cười, vẫn nụ cười nhẹ mà ấm áp, tay xoa mái tóc mượt của em.

- Sang năm Nhật sẽ đảo chính Pháp.

Anh nói.

- Sao ạ? Một quyển sách dày như thế mà chỉ có một câu ngắn ngủn thế kia thôi ạ?

Em dường như không tin lắm.

- Cũng không phải ngắn như vậy nhưng tóm lại là thế.

Xử Nữ nửa hiểu nửa không hiểu gật đầu. Em lười biếng ngáp một cái, gương mặt thơ dại lại làm anh bật cười. Ở chiến khu, hiếm khi đồng đội thấy anh cười.

Tay anh xé mảnh giấy vàng vừa mới ghi chép được, đốt dưới ánh đèn. Xử Nữ không hiểu, anh bảo làm như thế nếu địch có bắt được anh cũng không có bằng chứng và cũng không để lộ thông tin mật. Điều đó chứng tỏ, dù bị tra khảo, hành hạ, dù chết anh cũng không khai ra bất cứ thứ gì.

Cả hai người ai cũng buồn ngủ đến mí mắt dính vào nhau. Chỗ ai nấy về mà ngủ. Khi Xử Nữ nằm bên cạnh mẹ, bà vẫn chưa ngủ, ánh mắt thăm thẳm không yên.

- Con à, yêu ai thì yêu, đừng chọn bộ đội. Khổ lắm con à!

Giọng bà mười phần chua xót. Em hiểu chứ. Mẹ yêu bố, bố là bộ đội. Ngày đêm mẹ đều lo cho bố ở chiến khu, lo đến tiều tụy cả thân. Nhưng cuối cùng, bố vẫn nằm lại chiến trường, bố vẫn không thể trở về, không thấy được hòa bình. Em còn chưa kịp cảm nhận được tình thương của bố. Dường như bố chỉ là khái niệm, người đàn ông em gọi là bố cũng chỉ mờ nhạt. Có lẽ vì thế mà biết tin bố hy sinh, em không buồn như mẹ, không hề suy sụp. Nhưng Xử Nữ nào hay, trong thâm tâm em là người đau đớn nhất khi mà ngay cả một khái niệm cũng không thể dùng nữa rồi. Bố ra đi để lại cho em tự hào. Cũng để lại hy vọng và hoài bão ấp ủ, để ngọn lửa cách mạng bùng cháy trong em. Đó là món quà cuối cùng ông để lại cho đứa con gái bé nhỏ của mình.

Nhưng câu nói của mẹ khiến Xử Nữ phải suy nghĩ. Bà có ý gì? Đang muốn nói đến Thiên Yết sao? Yêu bộ đội thì có sao? Nếu cả em, cả anh đều phục vụ cho cách mạng thì sẽ rất hoàn hảo đấy thôi. Em sẽ được chiến đấu cùng anh, cùng anh ở Hà Giang, ngày ngày đều có thể thấy anh. Không, sẽ không bị chiến tranh chia cắt như bố và mẹ. Xử Nữ không muốn rời xa anh.

Sáng hôm sau, Thiên Yết lại phải đi sớm, Xử Nữ biết nên mang bánh chưng đưa anh cùng đồng đội ăn dọc đường. Có thể vì tối hôm qua ánh đèn tờ mờ khiến anh không nhìn thấy, bên cạnh bàn thờ là một bình hoa. Hoa tam giác mạch khô mà mấy tháng trước anh đưa em. Xử Nữ đặt hai điều em yêu thương nhất bên cạnh nhau để nhắc em một khắc cũng không được quên lý tưởng cách mạng. Vì một người đã ra đi, vì một ở lại mà sẽ chiến đấu, dùng xương máu của mình để góp phần thực thi hòa bình, độc lập.

Trước khi đi, Thiên Yết đã đưa cho Xử Nữ một túi nhỏ, anh bảo đó là hạt tam giác mạch mùa vừa rồi. Anh nói thêm, hoa tam giác mạch năm nay đột nhiên lại rộ hơn năm trước, hoa nở khắp nơi trên đồi, biến nơi ấy thành đồi hoa. Em nghe đến say mê. Ngày hôm đó, em cứ nâng niu túi hạt lúc nào cũng mang bên mình. Tựa hồ cảm thấy anh chưa từng đi, ấm áp như nắng xuân một ngày độc lập.

- Chú, chú chờ ngày cháu đến Hà Giang nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro