Hình Phạt (Punishment)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Những chuyện xảy ra khi còn thơ bé, tôi không thật sự nhỡ rõ. Đó là điều bình thường, ai cũng mất đi phần nào ký ức về những điều như vậy, từ những thứ vụn vặt cho tới những điều đáng lẽ không bao giờ được phép quên. Những lời hứa trẻ con, hay nguồn cơn của những nỗi sợ vô hình mà khi lớn lên ta đã quên mất lý do.

Nếu để nói về những điều con trẻ màu hồng thì dễ lắm, tưởng tượng một cuộc sống thường thấy, nghịch dại đôi lần, kéo nhau đi chơi đâu đó, quậy phá linh tinh. Trêu trọc mấy đứa ngố rừng, nghịch chuông cửa, trèo cây hái trộm quả gì đó ngon ngọt, xong rồi bị chủ nhà tóm cổ, hoặc không.Bình thường tới đáng ghen tị.

Hay do tôi quá ảm đạm nhỉ? Mà không hẳn, tôi nghĩ là mình từng có ký ức như thế, chắc vậy. Nhưng nó không rõ ràng đến mức có thể kể về nó với ánh mắt sáng ngời trong trẻo như cách tôi được nghe từ những người qua đường trên mạng. Tại sao chỉ qua mấy dòng chữ trên màn hình mà tôi biết được á? Không phải dễ thấy quá sao, những con người bình thường và rực rỡ ấy? Thật sự rất chói mắt.

Hôm ấy, bố dắt tôi và chị theo, chị bế tôi, vì chênh lệch 14 tuổi của hai chị em mà nhiều lúc tôi, mẹ và chị vẫn hay bị nhầm là ba bà cháu, một số ít những câu đùa mà tôi nhớ được về một gia đình hạnh phúc. Hôm đó, tôi có vẻ vui khi chị bế mình đi theo bố, đi chơi đâu đó, sẽ vui lắm, tôi không thật sự nhớ cảm xúc của tôi khi đó thế nào, tôi mới chỉ 4-5 tuổi thôi.

"Chào mẹ đi con."

Với một đứa bé chưa hiểu chuyện đời thì việc chính bố mình nói rằng, hãy gọi một người đàn bà trông chỉ ngang tuổi chị mình là "mẹ" không phải điều gì gây sốc cả, đúng không? Chị tôi, chị ấy đã run rẩy đến mức nào, hay là chị ấy đã lặng thing không nói nên lời, hay là chị cảm thấy ghê tởm tới tắc nghẽn dây thanh quản? Khi ấy tôi chỉ biết, nhìn lên chị, tôi thấy một biểu cảm rất đáng sợ, thứ mà một đứa rất quấn chị và cũng sợ bị chị mắng, chưa bao giờ được thấy. Tôi không gọi cô ta là mẹ nhưng tôi nhớ là bằng cách nào đó, sau đấy tôi đã gọi cô ta là "dì". Tôi không nhớ.

Thời gian sau đó, tôi thấy thật kỳ lạ, chị tôi ở nhà nhiều hơn thì phải? Chị ấy đọc truyện tranh và tiểu thuyết nhiều hơn trước đây. Tôi cũng biết đọc rồi, thế là khá giỏi so với những đứa nhóc 4-5 tuổi nhỉ? Thể loại đọc cũng rất nặng đô đó, "Thám tử lừng danh Conan". Có chút sợ sệt khi lần đầu thấy cảnh người chết, nhưng thứ ám ảnh tôi hơn cả là cái bóng đen của tên thủ phạm. Nó rất kỳ dị và đáng sợ, cặp mắt như nhìn sâu vào trong tôi vậy. Nhưng lạ thay, tôi không rời ra được, tôi vẫn thích đọc, vẫn chăm chú, dù chẳng thế hiểu hết. Tôi đang bắt chước chị mình sao? Năm ấy, chị tôi thi rớt đại học.

Có gì đó không ổn, gần đây gia đình tôi có gì đó không đúng. Mẹ cứ kỳ kỳ, bố thì ít về nhà hơn. Mẹ bảo rằng bố đi công tác, ừ thì cũng đúng, bố tôi đi làm xa mà. Nên lâu hơn một chút cũng không sao ha? Hay là nó thật sự không lâu, mà chỉ do đứa bé ấy nghĩ vậy? Bố không còn thích nói chuyện với tôi nhiều lắm, nếu về, ông ấy đa số là nghỉ ngơi, và sẽ càm ràm nếu tôi làm phiền. Tại sao vậy? Tôi không nhớ lắm, nhưng khi nhìn cuốn album, hồi tôi 3 tuổi, gia đình tôi đi chơi, trông bố cười tươi lắm, vậy sao bây giờ bố không nhìn con nữa? Hay là do con học không giỏi? Con làm sai gì sao?

Mẹ có nói với tôi rằng chị tôi ngày xưa được điểm 10 thường xuyên, ngoan hiền tháo vát đảm đang các thứ các kiểu, hình mẫu lý tưởng thật sự. Tôi nghĩ rằng, có lẽ do bố không thấy tôi ngoan, không đủ giỏi, chỉ được điểm 9 thì không có gì đáng giá cả. Mình sẽ lấy điểm 10, để bố khen mình! Tôi đã ngây thơ vậy đấy. Ngây thơ nghĩ rằng nếu mình bắt chước chị, tôi có thể có được sự nhìn nhận của bố mẹ. Đó có lẽ là lý do tôi đọc bộ truyện về thám tử kia, dù là tôi khi ấy thật sự chẳng hiểu nổi phân nửa nội dung. Ngày mai có bài kiểm tra, tôi ôn bài, rồi đi ngủ. Đêm đó, tôi lén dậy, hay là háo hức mà khó ngủ nhỉ? Tôi chỉ nhớ là mình lấy cái gì đó thắp sáng, len lén mở album ra coi, tấm hình ngày xưa bố cười rất tươi. Tôi hí hửng lắm.

Hôm sau, tôi về nhà, tí tởn khoe điểm 10 toán.

"Chị mày ngày xưa còn giỏi hơn,
mới có thế đã tí tởn"

Bố nói vậy, mà không thèm nhìn vào mặt tôi. Mẹ cũng vậy, chỉ ậm ừ cho qua. Do tôi không giỏi bằng chị sao? Nhưng mà, chị chỉ đọc Conan thôi mà, trong khi tôi dù hơi chểnh mảng nhưng vẫn có học hành ôn tập. Tại sao vậy? Cô giáo khen tôi học giỏi tiếp thu nhanh, nhưng bố mẹ không chịu nhìn tôi, con chỉ cần một lời khen thôi, bố mẹ à....

Sau này khi lên cấp ba, tôi nhìn lại cuốn album. Và tìm thấy một bức ảnh khác. Cũng là lúc nhỏ, 2 năm sau tấm ảnh tươi tắn nọ, cả nhà trong tấm ảnh đó đều trông rất khó chịu, không dịu nhẹ như trước. Phải rồi, đổ vỡ. Tôi đốt bỏ những tấm ảnh đó đi, như một cách chạy trốn thực tại.

Trở lại ngày ấy, tôi thử nhớ xem mình còn kỷ niệm gì vui vẻ gì khác. À, hồi đó, gần nhà tôi có một đồn công an, tôi và anh hàng xóm hay lẻn vào đó chơi ở cái sân có bàn bóng bàn. Chả nhớ là chơi cái gì nhưng tôi nghĩ là mình khá vui. Cơ mà, sau hôm họp phụ huynh, mẹ mắng tôi vì giáo viên nói rằng tôi có hơi chểnh mảng, nên chỉ được học sinh tiên tiến, không phải là học sinh giỏi, như chị tôi. Bà mắng khá gay gắt, có lẽ vì tôi đã làm bà xấu mặt do mình không đủ ưu tú chăng? Nhưng điều thật sự làm tôi chết lặng là những lời sau cùng bà ấy nói:

-Thà nuôi con chó còn bán được tiền, nuôi mày tốn cơm. Cái thứ nặng đũng quần!

Vậy ra, đó là cách mẹ nhìn tôi. Nhưng cũng đúng, có lẽ do tôi làm chưa tốt, nên bà hối hận vì đã sinh ra tôi, vì tôi không được ưu tú.

-Nhìn chị mày kìa, sao mày không giống nó?

Lần đầu tiên trong đời, tôi căm tức và ghen ghét chị mình.

Thời gian sau đó, mẹ đi làm ở ngoài nên vắng nhà nhiều hơn, chị cũng hay ra ngoài, nên trừ lúc đi học ra còn không tôi sẽ bị nhốt trong nhà. Tôi nghĩ đây là hình phạt vì mình không cố gắng. Có hôm trời mưa lớn, sấm chớp đì đùng, tôi giật mình từng chặp, cửa khoá, bên ngoài thì nhoà đi vì cơn mưa dồn dập, xoá mờ cảnh vật. Điện vụt tắt, bóng tối bao trùm cùng tiếng sấm. Tôi sợ hãi, mẹ chưa về, bố không ở nhà, chị ra ngoài, tôi gào khóc vì hoảng loạn. Ngoài cửa có tiếng xe máy, mẹ và chị đã về. Tôi lao ra, đập cửa khóc lóc. Cửa mở, chị cúi xuống ôm tôi cho tôi đỡ khóc, nhưng tôi chăm chăm nhìn mẹ. Vẻ mặt lãnh đạm của bà ấy khi đó làm tôi thấy như thể cơn mưa ngoài hiên nhà vẫn còn rất ấm áp. Em không cần chị, em cần mẹ cơ....

Không nhớ từ lúc nào, nhưng tôi về sau, không còn sợ bóng tối, cũng chẳng sợ mưa với sấm sét nữa. Hình phạt đó cũng coi như là có tác dụng.

Lớn hơn một chút nữa, tôi dần hiểu ra mọi chuyện. Một vạn câu hỏi vì sao, đều có những câu trả lời tại vì. Bố tôi muốn ly dị và đi bước nữa với một cô gái mà ông chuộc từ cái lầu xanh hay nhà thổ gì đó. Cô ta bằng tuổi chị tôi, nghĩ đến đó tôi thoáng buồn nôn. Một đứa trẻ 6 tuổi muốn nôn mửa khi nghĩ tới bố mình. Còn những đứa trẻ khác, được bố đưa đón sau khi tan trường. Gia đình tôi đang trên bờ vực đổ vỡ. Cô ta có bầu với bố tôi, và bố đưa cô ta về ra mắt ông bà nội. Ông bà rất giận dữ, họ hàng cũng bàn tán. Tôi thấy khiếp đảm bố mình, ông có thể nhẫn tâm đến mức vứt bỏ mẹ con tôi. Nhưng bất giác tôi nhận ra một thứ đáng sợ hơn tất thảy. Lý do cho sự không nhìn nhận ấy, có lẽ thế. Bởi vì, tôi là bằng chứng của sự đổ vỡ. Là đứa trẻ nhắc mọi người xung quanh nhớ về tấn bi kịch ấy. Là hiện thân của vết nhơ.

-Sau này có muốn lấy vợ không nhóc?
-Cháu sẽ lấy thật thật nhiều vợ!!!

Tôi buồn nôn vì sự ngây ngô của mình ngày bé, tôi đã vô thức muốn biến mình thành thứ đang khinh bỉ, tởm lợm đó. Hay phải chăng vì tôi mang cùng một dòng máu với ông ấy, nên đó là bản năng? Từ ấy, tôi luôn rất giận dữ nếu có ai đó nói rằng: Thằng cu này giống bố nó quá nhỉ?

" Không! Tôi không giống ông ấy!"

-Chứ không lẽ giống ông hàng xóm?

Tôi thầm nghĩ, mấy bác hàng xóm cũng rất tốt tính và vui vẻ, nếu giống họ, có lẽ còn là may mắn, phải không?

Nỗi sợ chính bản thân mình, ham muốn chối bỏ chính cái thân phận ấy, cùi gằm mặt vì không muốn ai nhìn vào, sự ghen ghét với người chị hoàn hảo, cứ lớn dần. Tôi là kẻ thất bại ngay ở vạch xuất phát, phải không?.

Có hôm, khi đang xem hoạt hình bên nhà anh hàng xóm đối diện, tôi chạy về nhà lấy cái băng DVD siêu nhân hay hoạt hình gì đó, nhưng mẹ mắng tôi vì chểnh mảng học hành. Mai là ngày nghỉ mà, con mệt lắm mẹ à...tôi ra khỏi nhà, băng qua đường thật nhanh. Tôi muốn chạy trốn khỏi áp lực nơi đây.

Tiếng phanh xe chói tai thật đấy.
-----------------------------------------------------------

Tôi tỉnh lại, về cơ bản thì tôi bị thương ở đầu. Nên đang được đặt lên giường để quét cái gì đó. Tôi nhìn qua phía mẹ, trong lòng bất giác tò mò. Nếu mẹ thật lòng không muốn, tại sao lại còn sinh con ra vậy, mẹ ơi?

Khám và chuẩn đoán xong, không bị thương nặng lắm thì phải. Nhưng mà, cái tôi sợ hơn là phản ứng của mẹ. Bà ấy sẽ trách mắng tôi đi đứng không cẩn thận, làm bà ấy tốn tiền đi viện, làm mất thời gian của bà ấy. Bất giác tôi tự hỏi, chỉ là nếu như. Nếu như, lần tai nạn ấy thật sự lấy đi mạng sống của tôi, thì có nhẹ nhàng hơn không? Nếu tôi chưa từng được sinh ra, thì gia đình tôi sẽ khá hơn, nhỉ? Mẹ có thể ly dị, không cần thiết gượng ép bản thân vì tương lai của tôi, vì miếng đất mà bố tôi sở hữu. Bà ấy sẽ không cần phải cảm thấy kinh tởm khi nhìn thấy gương mặt đổ nát này. Nhưng tôi không chết, có nghĩa là tôi phải tiếp tục hình phạt, chắc là thế.

Năm tôi vào lớp một, chị tôi kết hôn. Sau này tôi nhận ra một phần lý do mẹ không ly dị là vì chị. Bà muốn chị ấy có một lý lịch đẹp khi về nhà chồng. Có lẽ đó là lý do lớn nhất, bà thật lòng thương chị ấy. Đánh đổi lại là việc phải chịu trách nhiệm với việc sinh ra tôi. Chị tôi đáng giá đến mức ấy đấy. Cuối cùng chị ấy cũng tìm được hạnh phúc, tôi không biết chị có yêu anh ta không, tôi cũng chẳng hiểu. Nhưng tôi biết anh ta là người tốt dù vẻ mặt hơi có dáng dấp dân anh chị. Thôi thì vì trông nom tôi nên hai người có mấy khi được đi riêng mà không có con kỳ đà này đâu. Cơ mà chỉ cần không giống lão ta, thì chắc chắn chị sẽ hạnh phúc. Ghen tị thật đấy, chị được giải thoát rồi....

Tại sao tôi lại không có được những thứ chị ấy có? Câu hỏi ấy cứ luẩn quẩn khi tôi tham dự đám cưới của chị. Tôi xấu bụng thật, đúng không?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro