Chương 5: Nhị thần nữ truyện

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

chương 5: Chuyện hai gái thần

Hồi ấy là năm thứ tư niên hiệu Thuận Thiên. Sau khi đại định, khách bộ hành sung sướng được đi trên đường sá của ta, người buôn bán vui mừng được bày hàng hóa ở chợ của ta. Thượng kinh là nơi đô hội. Bỗng một hôm có hai người đàn bà đến ngồi trong một quán chợ để xem bói và đoán số. Hai người này sáng ở chợ Thanh Xuân, chiều ở chợ Dừa, khi ra Kinh Ấp, lúc về Tràng An, không nhất định ở nơi nào, hình như có ý ngược xuôi để dò xét sự gì. Nhìn kỹ hình dung thì thấy một người ước ngoài bốn mươi, tóc xanh đã điểm sương trắng, mặt ngọc đã nhạt màu hồng, nhưng cái vẻ phương phi thùy mị còn đủ làm cho thiên hạ xao lòng. Còn cô gái trẻ thì đương tuổi cập kê, mặt hoa da tuyết. Thực là:

"Triệu Yến cùng xe hờn kém sắc
Thôi Oanh đối diện thẹn thua xinh"

Tuy ăn mặc mộc mạc, quần nâu áo vải, mà gương mặt sáng sủa ưa nhìn. Nhiều chàng trai ham sắc sinh lòng mơ tưởng. Nhưng hễ kẻ nào manh tâm trêu ghẹo thì tự nhiên rối trí nhức đầu. Bởi vậy, không ai dám đến gần cả. Ngày nọ đến quán chợ từ sáng sớm, trải hai chiếc chiếu cói, trên đặt nữa bộ sách số và một con rùa bề ngang độ một tấc, trên treo mảnh vải đỏ, có hai câu viết chữ mực: "Bói toán không thần -  Ba đồng một quẻ". Bày xong, hai người cùng ngồi xuống chiếu, cất tiếng hát.
Người nhiều Tuổi hát rằng:

"Ngựa không vảy! Ngựa không vảy(1),
Con báo thù cha, ai rằng không phải?
Thấm thoắt giáp hoa gần nửa đấy (2)!
Mẹ vậy, mẹ vậy!
Gió cuốn không thể nhờ,
Cánh bay không thể cậy.
Mối giận Kim Lân(3) dốc sông ngòi,
Đêm ngày tóc bạc lo ngay ngáy,
Ngựa không vảy! Ngựa không vảy!"

Cô gái trẻ hát:

"Đông Ngu! Đông Ngu!
Đã trải ba thu
Ba thu chữ "Độc" nặng căm thù(4).
Núi có cây dâu, thiếp có hiền phu.
Thế nào ru? Thế nào ru?
Khua ngọc chơi đế đô,
Chưa thể chừa cơm lên thiên cù(5),
Lên thiên cù, cùng hoạn ngu.
Kìa kìa đỉnh núi tượng nàng Tô."

Khúc hát chuyển nghìn vạn đoạn, tiếng hát rất thảm buồn. Người di chợ đứng nghe xung quanh, có kẻ phải sa nước mắt.

Họ hát xong mới tiếp khách. Cách đoán số thì chỉ khẽ bấm đốt ngón tay mà đoán được giàu, nghèo, thọ, yểu, việc sinh tiền, việc tử hậu... Rất thần tình; cách xem bói thì chỉ hơ qua mai rùa mà tính rõ năm, tháng, ngày, giờ, chuyện còn mất, chuyện tử sinh... Đều đúng cả. Đoán xong, hé môi son, bảo nhỏ khách rằng:

- Trả cho tôi ba đồng tiền và đặt cạnh chiếu cho tôi. Khi người xem đã đi khuất, họ trông thấy người nghèo đói nào đi qua là gọi lại chỉ cho tiền, không từng thò tay cầm của người đưa hay tự tay cầm đưa cho người khác. Cả chợ chưa ai trông thấy họ ăn uống ra sao. Hể mặt trời lặn là họ ra về . Có kẻ hiếu kỳ dò theo, có ý muốn xem họ trú ngụ nơi đâu, nhưng chỉ được vài bước là chóng mặt, ngã lăn, không theo được nữa. Cứ như thế đến hơn ba tháng thốt nhiên một hôm kia, người nhiều tuổi tuy cùng đi với Cô gái trẻ nhưng không hát, cũng không xem bói, đoán số, mà nét mặt buồn rười rượi. Cô gái trẻ vẫn hát như mọi hôm. Người không biết thì cho là điên.

Hồi ấy có một nhà nho già, quê ở phường Đại Lợi, vì nhà nghèo, ngồi dạy học ở đất Đông Anh, tiếp được tin cha ốm nặng, cho học trò nghỉ rồi một mình đi bộ về nhà. Vì lòng hiếu thúc giục, nhà nho đi không kể đêm tối. Đầu Canh năm vừa đến bến đò Bồ Đề. Trong ánh trăng tàn, cụ nhác trông thấy hai người ở trên ngọn cây bồ đề đi xuống, bước đi ung dung , không ra dáng leo cây, nhà nho vốn có chính khí, nghỉ là ma, vội chạy lại túm áo hai người ấy, định giết. Té ra chính là hai cô thầy bói thường ngày ở chợ.
Nhà nho già quát :

- Ngày ở trong chợ , đêm ở ngọn cây, chúng bay há không phải là yêu tinh ư?

Hai người đàn bà ấp úng nói không ra lời, Nhà nho lấy làm lạ, ôn tồn nói rằng:

- Ta không phải là bọn thiếu niên ở Ngũ Lăng (6), mà vốn là một nhà nho tài cao học rộng, buồn vì thời loạn không ra làm quan. Ngày nay thiên tử đã lên ngôi, nhiều người vui vẻ ra phò vua giúp nước, thì ta lại già rồi. Người xưa có câu: “ Bóng chiều đẹp vô hạn, chỉ tiếc sắp hoàng hôn!” Vì vậy, ta cố gây dựng cho lũ hậu tiến, mong để lại chút ơn nhỏ về đời sau. Hiện nay , trong số hơn hai trăm công thần thì một nửa là học trò của ta. Xét tình hai người, quyết không phải là kẻ bán nghề kiếm ăn, mà là người đang muốn tìm kiếm sự gì. Sự thể ra sao, nên nói cho thật.

Hai người nghe lão nho nói hai tiếng “công thần” thì động đến bản tướng của mình. Người có tuổi che mặt khóc và nói:

- Tôi chính là cháu dâu Long vương. Năm xưa vì chồng tôi thích hương sen trắng, bị chàng Kim Lân rủ rê cùng bơi đến hộ Dâm Đàm (7) chơi , không ngờ gặp phải ngày Vương Thông xem đánh cá ở đó, bị nó bắt được, đem giết đi. Con trai tôi xin Với Long vương đi bảo thù cha, bấy giờ nó cưỡi ngựa không vảy, rẽ nước lên trần. Khi con tôi rời thủy cung ra đi,tôi bảo nó rằng: "Con báo thù cha là con có hiếu, nhưng mẹ đã già, khuya sớm thiếu người chăm nom, con phải hẹn cho đúng ngày về". Con tôi khóc mà thưa rằng "Con đi chuyến này, nếu báo được thù cha thì đúng nữa hoa giáp sẽ về phụng dưỡng mẹ. Nếu thù mà kia không trả được, thì con sẽ không có ngày về!". Từ bấy đến nay, đã qua ba mươi sáu năm, tựa cửa chờ con, không nơi nương tựa, tôi đành giả tiếng đi bói để tìm con. Hôm mới đây, tôi đã được tin: Sau khi lên cõi trần, con tôi thờ Vua Lê, rất được tin yêu. Nó đã từng làm thích khách, lén được vào dinh Vương Thông, nhưng ba lần đâm đều không trúng cả.

Khi vua Lê giảng hòa với Vương Thông, cho Thông được toàn thân về nước, con tôi nghĩ mệnh vua là trọng, đã không dám trái mệnh vua thì thù cha không bao giờ báo được. Nó bèn trông về thủy cung, bái vọng tôi, rồi treo cổ lên cây tự sát, cách đây đã bốn năm rồi. Việc đã chẳng ra làm sao, tôi muốn về ngay thủy phủ. Nhưng nghĩ đến cái nghĩa cùng đi với nhau, sao nỡ vội dứt, tôi nán ở lại mươi ngày nữa với sơn Cô.

Nhà nho già nghe, động lòng thương xót. Cụ hỏi đến người thiếu nữ. Thiếu nữ kéo vạt áo lau nước mắt, hé bộ răng nhỏ, cúi đầu thưa rằng :

- Thiếp không phải là người quái dị mà là vợ Sơn thần Đông Ngu . Khi Hoàng Phúc làm quan trấn thủ, tính hay đào xẻ núi non, đã làm đoạn thương long mạch núi Mẫu Sơn. Vì thế, mạch Mẫu Sơn khô cạn. Phu quân thiếp giận lắm, thường sai người rình đợi xe Hoàng Phúc đi qua thì quăng đá cho gãy nát bánh xe để báo thù. Phúc đoán biết việc ấy, không dám qua núi nữa. Phu quân thiếp bèn cưỡi hổ thần lên hầu tinh quan tòa Nam Tào, hỏi việc dưới nhân gian để mưu toan trả thù cho mẹ. Tinh quan đem sách Thái Ất ra tính và nói: “Rồi đây Hoàng Phúc về triều, Vương Thông ra trấn, nhưng sau hơn mười năm nữa sẽ có người họ Lê tên Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Phúc sẽ cầm quân sang cứu viện, đến ải Lê Quan thì bị Lê Lợi bắt sống. Từ đấy thiên hạ đại định”. Phu quân thiếp mừng lắm, liền thác sinh vào nhà họ Bùi. Lúc chia tay, thiếp khóc xin theo “Vợ chồng hai người như một, lang quân liều chết vì mẫu thân, thiếp đem kim chỉ xin tòng quân”. Phu quân thừa ngoảnh lại bảo: “Người xưa nói: Đàn bà ở trong quân, binh khí sợ không mạnh. Giang sơn này, thần dân này, khanh khanh hãy ở lại một mình làm chủ. Đợi ba năm sau khi đại định, lại sẽ cùng nhau chăn gối như xưa. Nay đi theo làm gì?" Nói xong, đi ngay. Thiếp hằng ở trong thạch động, bấm đốt tay, đến nay đã hai mươi bốn năm. Lòng những e chồng mắc mồi phú quý ở trần gian mà quên lời ước cũ, thiếp mới mượn cớ bói toán, ca hát, tìm khắp nơi nơi, may ra phu quân thiếp nghe thấy tiếng ca mà động lòng chăng. Thế mà đã ba bốn tháng nay vẫn không dò được tung tích. Dám hỏi lão nho có biết gì về việc này chăng?

Nhà nho già nói:

- Công thần nhiều lắm, lại đều được ban quốc tính. Vì thế, khó thể theo họ tên cũ mà dò tìm. Sơn cô hãy nói hình dạng con người để tôi nhận kỹ xem sao?

Thiếu nữ nói:

- Phu quân thiếp thân cao, đầu nhọn (8), vành tai có hai chấm đỏ, sắc rất sáng tươi, tính tình ít nói, thường khi cả ngày ngồi yên, không cất tiếng (9). Lòng bàn tay trái ngấn chữ “nhân” (人), lòng bàn tay phải có ngấn chữ "cửu" (九) Hai chữ ấy chắp lại thành chữ “cừu” (仇). Do khi thác sinh, sợ có quên thù chăng nên phải ghi hai chữ ấy vào lòng tay để nhớ. Dám hỏi lão nho có biết người nào như thế chăng?

Nhà nho già ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Cô từ xa đến thực phí công. Người ấy chính là quan Tham tán quân vụ Bùi Khả Gia ở phủ Tiền quân thống chế và cũng là môn sinh của tôi đấy. Nghe nói khi Hoàng Phúc xuống ngựa dập đầu xin hàng, anh ta cười lớn mấy tiếng rồi tự tay trói Phúc giải về dâng công. Sau khi đại định hai năm, anh ta tâu bày vì tòng chính nhọc mệt, xin về dưỡng bệnh ở núi Tam Đảo. Hoàng thượng ưu đãi, ban cho quốc tính, gọi là Lê Khả Gia, tước Minh Tự. Được một năm, giữa giờ Dậu, ngày mười bảy tháng trước, anh ta đã bị bệnh mất, còn tìm làm gì?

Thiếu nữ đang buồn hóa tươi, mỉm cười nói rằng:

Vợ đi, chồng lại về
Tìm nhau như Sâm Thương (10) Biết lòng ông thần núi,
Vì thiếp phải vội vàng.
Đoạn, sửa chữa khăn áo, chắp tay với chào nhà nho già. Chớp mắt, hai người thần nữ đã biến mất.

LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC

Núi xanh nước rộng, Sự tích mơ màng; bể bút làn văn, tả nên sự thật. Đọc bài này mới biết lòng trung hiếu, tình ân ái, dương gian, âm phủ cũng giống nhau. Cái người gọi là nhà nho giá, có lẽ tiền thân là Văn Trung Tử (11) chăng?

Chú thích:

1. Một loài cá không vày nào đó .

2. Một hoa giáp có sáu mươi năm

3. Kim Lân: con cá chép. Mối giận Kim Lân là ý nói chồng nàng vì Kim Lân rủ đi chơi đến nỗi bị Vương Thông giết ( xem đoan dưới ).

4. Chữ "độc" (毒) do chữ "sinh" (生) và chữ "mẫu" (母) ghép lại. Câu này ý nói báo thù cho mẹ.

5. Hai câu này lấy ở bài ca của Lý Bật đời Đường. Khua ngọc chơi đế đô là ý nói phú quý, vì ngày xưa các nhà phú quý lấy Ngọc (kha) làm nhạc ngựa. Chừa cơm lên thiên cù là ý nói thành tiên.

6. Ngũ Lăng, một nơi cổ tích đời Hán. Có tiếng là phồn hoa, khách hào hoa các nơi đến tụ họp, chơi bời ở đây rất nhiều.

7. Tức Và hồ Tây

8, 9. Ám chỉ vào núi

10. Sâm Thương tức là sao Hôm, sao Mai, ý nói không bao giờ gặp nhau.

11. Văn Trung Tử. một đại nho đời Tùy, dạy học trò nhiều người thành đạt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro