Chương 2: Thiềm Thừ miêu duệ ký

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Chương 2: Truyện dòng dõi con thiềm thừ

Cóc và ếch, hai con đều là dòng dõi con thiềm thừ, ở phủ Thanh Hư, ăn thuốc ngọc thỏ, nhiễm hương quế tiên, không hiểu đã trải qua mấy vạn năm.

Một đêm rằm kia, chúng nhìn xuống nhân gian, bỗng sinh lòng yêu non xanh nước biếc, mến người đông cảnh đẹp, bèn nảy ra ý muốn xuống ở cõi trần, nài xin với Hằng Nga. Hằng Nga thuận cho. Bấy giờ hai con cũng duỗi đùi, múa tay, nhảy xuống trần gian.

Từ khi xuống trần, cóc vẫn giữ được bản tính trời sinh: mặc áo vải thô, ở nơi kín đáo. Ghét đàn kiến đớp người ta, thì thè lưỡi đớp liền; thấy giống giun uống nước mạch, thì há miệng nuốt ngay. Khi không làm những việc ấy, cóc ngậm miệng ngồi yên không thích chi cả. Cóc phun nọc xanh để chống lại lũ gà vịt đến trêu ghẹo. Nọc ấy nhiễm vào chỗ nào thì da chỗ ấy phồng lên, rồi nứt vỡ ra. Vì vậy các loài vật không tốt đều không dám đến gần cóc. Người ta bị mụn nhọt độc, lấy thịt cóc đắp lên thì khỏi ngay; trẻ em mắc chứng ngũ cam gầy yếu, cắt đùi cóc mà ăn sẽ béo tốt. Vì thế không ai nỡ giết cóc. Tính cóc hay quyến luyến chỗ ở; nếu ai lấy vôi bôi vào mình nó rồi đem tống đi xa, thì chỉ vài ba ngày sau, nó lại trở về nơi cũ. Cóc lại chăm lo làm việc thiện: những khi hạn hán, nó nghiến răng cho cảm động trời đất, mưa gió đến ngay. Cóc được lòng trời đến như thế.

Ếch thì khác hẳn: hắn ta giữ mãi kiến thức của Bạch Đế[1]: sinh trong hang lỗ bùn lầy, mặc áo gấm hoa, dâm dục và bạo ngược vô chừng. Rủ nhau đàn đúm khắp chốn sông hồ đồng nội. Cá, tôm, sâu bọ, nhiều con bị ếch sát hại. Ngay đến cua cậy có đôi gươm, khi đi thường giương thẳng lên, tự đắc không ai làm gì được mình. Thế mà ếch chỉ vỗ tay vào mai cua để đánh lừa, cua ta mắc mẹo, thu hai càng lại, liền bị ếch đớp nuốt ngay. Đấy, ếch ngông cuồng bạo ngược đến như thế. Vào khoảng tháng năm, tháng sáu, trời hay mưa rào, ruộng đồng đầy nước, ếch cứ ồm ộp đua nhau mà kêu, lại bắt đôi với nhau, đuốc soi đến nơi vẫn không tỉnh. Đấy, nó hoang dâm đến như thế.

Người ta ghét ếch lắm, rủ nhau đi bắt, đem về chặt đầu, lột da, dùng các vị cay nấu thành món ngon. Bởi vậy, ếch ở trong mưa, thì người ta dùng đuốc soi bắt; ếch ngồi tại bờ bãi, thì người ta dùng lưới mà vơ. Con nào rúc sâu trong hang lỗ thì người ta dùng lưỡi câu sắt và ngành cây mà lôi ra; con nào lặn lặn bơi bơi ở ao bèo, vũng lau thì người ta dùng cần trúc, dây tơ, móc mồi mà nhử. Thế là bao nhiêu cái tham lam, tàn bạo thường ngày nuôi cho ếch béo tốt, đều làm món ăn ngon cho người.

Ôi! Thế mới hiểu rõ câu nói của tiên triết: “Phàm những người ít lòng tham dục mà không bảo toàn được tấm thân thì xưa nay ít có; còn những kẻ nhiều lòng tham dục mà vẫn bảo toàn được tấm thân, xưa nay cũng hiếm.” Thật đúng là vậy.

LỜI BÀN CỦA SƠN NAM THÚC:

Đây chỉ là bài ký dòng dõi con thiềm thừ. Nhưng trong đó vạch rõ người ít dục vọng thì giữ được thân, kể nhiều dục vọng thì thân phải mất. Phân tích từng chữ, thần diệu tinh vi, mà câu nào cũng vẫn là lời ghi truyện cóc và ếch. Lớn lao thay lời nói của thánh vương: nói gần mà ý xa.

Ghi chú:

[1] Cuối đời Tây Hán, Công Tôn Thuật chiếm cứ một khu vực, tự xưng là Bạch Đế. Vì Thuật kiến thức hẹp hòi, nên người đương thời ví thuật như ếch ngồi đáy giếng. Ở đây nói: “giữ mãi kiến thức của Bạch Đế” là nói giữ cái kiến thức của con ếch dưới đáy giếng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro