1. Ngộ (遇)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sớm.

Nàng ngồi trên chạc cây thứ ba từ dưới đếm lên, lưng dựa vào thân cây, một chân đong đưa trên không trung. Nắng chảy qua kẽ tay, đổ đẫm tà váy nàng. Thỉnh thoảng như nghĩ ra chuyện gì vui vẻ, nàng lại cười một mình.

Nàng lim dim tận hưởng tiết trời thanh lạnh của sớm mùa hè. Hai con chim mào vàng làm tổ trên cây sanh gần đó luôn bảo cuộc sống của nàng thật chán ngắt. Nhưng nàng không bận tâm. Tâm nàng trước giờ lặng như mặt nước cuối chiều, chỉ lấy pháp môn làm niềm vui. Như thế với nàng đã là đủ.

Khói hương trầm lãng đãng bay đến mơn trớn cánh mũi nàng, khiến nàng thấy buồn ngủ. Bóng mây vờn qua mắt khi nàng chập chờn chìm vào giấc điệp.

Đột nhiên, âm thanh sột soạt của vải quần áo cọ vào nhau từ đâu vẳng đến. Cả tiếng đế giày gấp gáp đạp lên nền đá lạnh. Ban đầu nàng nghĩ là chú tiểu nào đó bị sai ra đây quét sân, nhưng sau lại thấy không phải. Chư tăng ở chùa Vân Yên vốn không mang giày – người đã xuất gia chỉ được sở hữu ba chiếc y và một chiếc bình bát – nên tiếng giày kia chắc chắn là của người ngoài. Chùa Vân Yên lại ngụ bên mạn sườn núi Yên Tử, một nơi hoang vu cách biệt chốn kinh kỳ nên hãn hữu khách vãng lai, chỉ dịp lễ lạt thì mới có kẻ đến thắp hương cầu may. Vậy tiếng giày này từ đâu mà có? Nàng lấy làm lạ, nhưng vừa mở mắt ra thì thấy đã có người đang đứng cạnh gốc mai.

Đứa bé ấy chỉ tầm sáu, bảy tuổi. Khuôn mặt nó trắng trẻo, vầng trán cao và rộng, đôi mắt ngước nhìn mai sáng như ngọc. Dáng đứng của nó khảng khái, tự tin, tỏ rõ thiên tư dĩnh ngộ hiếm thấy ở một đứa trẻ. Trang phục nó mặc nàng chưa thấy bao giờ: áo sô đen, hông thắt dây thao vàng, chân mang giày thêu. Trông nặng nề chẳng hợp với một đứa bé.

Nàng đang nghĩ ngợi thì đứa bé đã lên tiếng:

– Sao chị lại ở trên cây?

– Cậu bé nhìn thấy ta à? – Nàng tròn mắt.

– Tại sao lại không? Nhưng sao chị lại ở trên cây?

– Người phải có căn cơ cao mới nhìn thấy được ta. Cậu bé còn nhỏ mà đã thấy thì quả là...

Đứa trẻ nọ không bận tâm đến những lời độc thoại của nàng. Nó chợt cắp tay sau lưng như một vị quan hống hách. Giày thêu bước chậm trên nền đá, mắt nhìn nàng khẽ nheo lại.

– Phụ nữ thì không được trèo cây.

Nàng ngớ ra rồi suýt cười thành tiếng.

– Đúng là đặt điều. Phụ nữ sao không được trèo cây?

– Nhân đạo dạy, nam phải tuân theo tam cương, ngũ thường, nữ phải giữ gìn tam tòng, tứ đức. Tam tòng có vị gia tòng phụ, ký giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tứ đức có công, dung, ngôn, hạnh. Người phụ nữ có dung thì dung nhan thanh tươi, tư thái phiêu dật. Có hạnh thì ngoài bày nghiêm nghị, trong bày đoan trang. Không sách nào chép rõ phụ nữ không được trèo cây, nhưng chị không thể nói ấy là đặt điều xằng bậy bởi trèo cây cũng chẳng phải hành động thuỳ mị, đoan trang gì.

Cứ mỗi câu đứa bé thốt ra, nàng lại thêm một lần kinh ngạc. Nàng sống trên đời ít nhiều cũng đã vài trăm năm nên thấu suốt âm dương, tỏ tường Phật pháp. Đến những danh tăng thông huệ nhất còn phải tán thưởng học thức của nàng. Thế mà giờ lại có một đứa trẻ đứng kia giảng giải cho nàng về tam tòng tứ đức. Các Sa môn đắc đạo từng là thầy nàng – những người nàng rất mực cung kính – nếu còn tại thế và chứng kiến chuyện này, hẳn sẽ được một dịp cười thoải mái.

Song le nàng vẫn phục tuệ giác của đứa bé này. Tuổi còn nhỏ mà đã ham học hỏi thì tương lai ắt sẽ thành người tài. Nàng cười tủm tỉm:

– Vậy nếu ta vẫn muốn trèo cây thì sao?

– Thì... – Đứa bé nghĩ một lát rồi hồn nhiên đáp – Thì chị không phải phụ nữ. Chị là con khỉ cái.

Miệng lưỡi sắc bén, nhưng trẻ con thì vẫn hoàn trẻ con! Nàng khẽ lắc đầu, tâm không giận nhưng hứng thú nói chuyện thì bỗng chốc tan biến. Mặc kệ đứa bé, nàng ngả đầu vào thân cây sần sùi và bảo:

– Nói xong rồi thì về đi. Ta muốn chợp mắt một lúc.

Thấy nàng nhắm mắt lại, xem chừng là sẽ ngủ thật, đứa nhỏ mất hẳn khí thế. Nó hỏi vẻ rụt rè:

– Chị giận em sao?

Nàng không đáp.

– Em chỉ nói như sách dạy thôi mà. Sao chị lại giận em?

Nàng nghiêng đầu sang một bên, tỏ ý không muốn nghe nữa. Chừng như thấy không lay chuyển được nàng, đứa bé tủi thân quay đầu bỏ đi. Nhưng không hiểu nghĩ gì, nó lại chần chờ đứng lại. Đoạn nó tháo chiếc ngọc bội dắt bên thắt lưng ra, nhẹ nhàng đặt xuống cạnh gốc mai.

– Em cho chị cái này, chị đừng giận em nữa nhé. – Nghĩ ngợi thế nào, nó còn đanh đá chêm vào – Thầy em nói chỉ có kẻ tiểu nhân mới giận dai. Nếu chị còn giận thì em sẽ mách thầy!

Nói đoạn nó đứng phắt dậy, tay khẽ phủi những cánh mai đậu trên vai mình. Thoắt cái, mai lả tả rụng đầy nền đá. Nàng nhìn gió thổi mai trắng vấn vít trên mũi giày đen như nhung, bỗng có ý nghĩ trên đời chẳng còn gì đẹp hơn thế nữa.

Thấy đứa trẻ sắp rời đi, nàng buột miệng nói với theo:

– Sách dạy những điều cao siêu, nhưng có dạy cảnh sắc nhìn từ trên cây đẹp thế nào không?

Đứa bé quay đầu lại nhìn nàng, ngớ ra, không biết nên đáp sao cho phải. Nàng bật cười khanh khách.

– Ta là mai yêu. Cậu bé tên gì?

Mắt đứa trẻ bừng sáng.

– Em là Trần Khâm, chị gọi Khâm là được.

Trần Khâm vốn định ở lại thêm chút nữa, nhưng chớm thấy bên ngoài có người đang dáo dác tìm mình, cậu bé mới tần ngần bảo:

– Nay mai em sẽ lên núi thăm chị.

Rồi chạy biến đi, màu nắng còn vấn vương trên tóc. Ánh mắt nàng thơ thẩn rơi trên phiến ngọc bội trắng tuyền, lòng xao xuyến.

Dưới cái nắng nồng hương hạ đầu mùa, đó là buổi đầu tiên nàng hạnh ngộ Hoàng trưởng tử Khâm của nhà Trần, cũng là người sẽ trở thành Hoàng đế Nhân Tông sau này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro