Thương Quá Những Mùa Tết

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở quê tôi người ta chuẩn bị đón Tết rất sớm. Mới đầu tháng Chạp, từ sáng đến trưa, khắp làng đã rộn lên tiếng đùng đùng của những nhà đóng bánh nổ, tiếng cốc cốc của những cán dao gõ vào khuôn bánh in, tiếng lách tách của những chảo rang nếp nổ... Không khí Tết lúc này rộn hẳn lên.

Nhớ những ngày ấy, tôi lại ước cho thời gian quay ngược trở lại, để tôi được trở về những mùa Tết rộn ràng hạnh phúc, để được ngồi hàng giờ xem cha mẹ đóng bánh nổ, để được thưởng thức những lát bánh nổ cội (bánh đóng sau cùng từ những hạt nếp chưa nổ hết). Ôi những lát bánh nổ cội sao mà ngon đến thế! Nó lưu giữ trong tâm hồn tôi mãi đến tận bây giờ...

Ngày ấy, cha mẹ tôi làm bánh nổ rất ngon. Nguyên liệu và cách làm cũng giống như những nhà khác, nhưng hương vị rất đặc biệt, vừa giòn, vừa ngọt, vừa thơm. Đóng bánh xong cha mẹ tôi lại chuyển sang làm bánh in và một số bánh mứt khác để đãi khách, như: bánh đậu xanh, mứt củ lang, mứt bí đao, mứt đu đủ, mứt dừa, mứt gừng...

Bận rộn nhất là từ ngày 23 tháng Chạp, khi mọi người tiễn ông Táo về trời. Lúc này mọi người như chạy đua với thời gian để hoàn tất những công việc cuối cùng. Người thì lo rẫy cỏ, người thì lo cắt lá chuối chuẩn bị gói bánh tét, người thì lo đi chợ mua thức ăn dự trữ trong nhà, người thì lo chọn tre tốt, cao để dựng nêu (cây nêu cao khoảng 4m, bỏ nhánh, chừa đọt có lá, chờ đến Ba Mươi Tết mới dựng và mồng Bảy Tết thì mới hạ xuống), người thì lo sửa soạn chậu hoa cây cảnh để trang hoàng nhà cửa trong ba ngày Tết...

Ở quê tôi chỉ những nhà giàu có mới mua hoa ngoài chợ, còn hầu hết thì sử dụng cây nhà lá vườn. Nhà tôi, cha tôi giao cho hai chị em tôi việc dọn dẹp và trang hoàng nhà cửa. Cùng nhau quét mạng nhện, lau chùi cửa, rửa bàn ghế, rửa bình, ly chén bát... xong, chúng tôi chạy ra chợ mua giấy màu về cắt những bông hoa đủ màu sắc sặc sỡ, dán vào những cành cây chè tàu rồi cắm vào độc bình.

Thời buổi ấy làng tôi có phong trào làm hoa giấy. Hoa giấy rất quan trọng trong ngày Tết. Nó vừa thể hiện sự tươi mới của nhà cửa, vừa thể hiện sự khéo léo và tài nghệ của con người. Năm nào độc bình hoa giấy của chị em tôi cũng đều được khách khen. Chúng tôi lấy làm hạnh phúc lắm!

Sáng mồng Một Tết, mọi người đều mở rộng cửa để đón lộc, đón khách đến xông nhà. Sau khi đón khách xông nhà xong, mọi người lại kéo nhau về nhà thờ họ nội, họ ngoại để viếng tiên linh ông bà, tục gọi là mừng tuổi. Bọn trẻ chúng tôi thích đi mừng tuổi lắm, vì mừng tuổi sẽ có tiền lì xì. Những đồng tiền lì xì lúc ấy, bọn trẻ con chúng tôi không biết làm gì ngoài việc để dành ra Giêng mua sách vở phục vụ cho việc học tập. Nhà tôi cũng vậy.

Sau khi tiễn khách, cha tôi dẫn chị em tôi về nhà nội, nhà ngoại. Còn mẹ tôi thì ở nhà lo nấu nướng để cha tôi về cúng cơm bữa. Không chỉ mẹ tôi mà phụ nữ cả làng tôi ai cũng thế. Họ là những người khổ nhất trong ba ngày Tết. Hết nấu nướng cho tế lễ lại nấu nướng cho khách uống rượu. Chỉ có bọn trẻ con chúng tôi là vô tư, hồn nhiên chạy nhảy hết chỗ này đến chỗ khác...

Cứ thế, những mùa Tết rộn ràng hạnh phúc trôi qua, tuổi thơ tôi cũng trôi qua rộn ràng hạnh phúc.

Giờ đây quê tôi đã thay da đổi thịt. Những ngôi nhà mái rạ tường đất đã thay bằng những ngôi nhà tường gạch mái ngói đỏ tươi, hoặc những ngôi nhà cao tầng. Cuộc sống của người dân quê tôi không còn lam lũ như trước nữa. Con cái đã có công ăn việc làm ổn định. Chính vì thế mà họ không có thời gian chuẩn bị đón Tết sớm như trước nữa...

Lại thêm một mùa Tết nữa về. Vào độ này, không biết ở quê nhà không khí đón Tết có còn rộn ràng như trước nữa không? Không biết bọn trẻ con bây giờ có còn rộn ràng giúp gia đình trong những ngày Tết hay không? Không biết những đồng tiền lì xì chúng có giữ được như thời chúng tôi không, hay liệng vào những quán Internet?...

Nhắc đến Tết sao tôi cứ thấy nhớ quá, thương quá những mùa Tết của một thời đã qua.

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro