Bánh Mỳ Mỏ... Đơi!

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đọc ở đâu đó bảo rằng người Pháp để lại ở Việt Nam món bánh mỳ. Nhưng thứ bánh mỳ nay là phổ biến ở Việt Nam lại không do người Pháp nướng ra, mà do người Việt Nam nướng. Ăn nóng, nó giòn ngoài vỏ, ruột trong mềm, rất thơm.

Lại đọc trong sách hướng dẫn người Anh đi du lịch, do người Anh viết, chỉ dẫn rằng, nếu đến Việt Nam nên nhớ mua bánh mỳ, bán sẵn ở nhiều nơi (chứ không chỉ trong các nhà hàng), ở ngay các quán cóc ven đường cũng có. Đó là thứ bánh mỳ do người Việt Nam nướng, rất ngon, lại rẻ.

Nhớ thời bao cấp, có bột mỳ, chỉ biết ngào rồi nặn dẹt ra đem luộc, gọi buồn là "nắp hầm" (trông giống cái nắp đậy hầm tăng-xê thời tránh bom của giặc Mỹ); thành thử có vế đối phát sinh lúc ấy: "Nhìn toàn cục thấy mỳ toàn cục (cục mỳ nắp hầm). Sau thì tiến lên làm được mỳ sợi. Bánh mỳ chỉ có đi Hà Nội mới mua được. Đi Hà Nội mua được bánh mỳ về làm quà là... nhất.

Nhớ cũng thời ấy, học ở Hà Nội, ăn phát ớn "nắp hầm", mỳ sợi, thì bắt đầu có bánh mỳ cho ăn bữa sáng. Song hỡi ôi! Chỉ buồn là bánh mỳ ăn sáng (được nửa cái) lại được phát vào bữa ăn chiều hôm trước, nên, lúc ấy đói lắm, chả đứa nào để dành được bánh mỳ đến sáng hôm sau, quá lắm chỉ đến 9 giờ đêm, cấu véo thế nào mà nó đã hết veo.

Những năm ấy công nhân ngành Than cũng xơi mỳ, lúc đầu thì "nắp hầm", sau thì mỳ sợi, cuối cùng là bánh bao, vẫn tịnh không thấy bánh mỳ. Hình như làm bánh mỳ là một bí quyết, không phải dễ làm được.

Mà, bột mỳ thời ấy xấu lắm. Bánh bao tôi ăn ở trên công trường mỏ Đèo Nai chua loét, lại có rất nhiều xác mọt lẫn trong đó. Bạn dành hẳn cho hai cái, dù đói, cũng chỉ ăn hết một cái là chán, phải bỏ, vì miệng thấy vừa chua, vừa đắng.

Thế mà bây giờ, đi đến công trường, phân xưởng nào trong ngành Than, được mời ăn, người ta đều mời nếm bánh mỳ do chính đơn vị làm ra. Ăn ở đâu cũng thấy bánh mỳ được làm rất ngon, rất khéo. Không phải một bữa, mà nhiều bữa tôi xin được ăn bánh mỳ thay cơm.

Bánh mỳ ở than Mông Dương to, mềm, thơm. Bánh ở Khe Chàm vỏ giòn, hơi cứng, cầm tay nhãy dầu, bơ. Bánh mỳ ở Hà Ráng lại có hình tròn, pha vào đó sữa, trứng, bơ, giống như loại bánh sandwich. Hôm tôi đến Hoành Bồ, không kịp ăn sáng, đến đó đã có một ổ bánh mỳ còn nóng, thơm phức các cô nhà bếp dành cho. Bánh mỳ ở Thành Công, ở 917 cũng thơm, giòn như vậy. Bột mỳ trắng, không chua, không mọt.

Bữa ăn của thợ mỏ giữa ca hôm nay thường là bánh mỳ, ăn kèm với sữa vinamilk, uống với sữa đậu nành. Chỉn chu hơn là Nam Mẫu, bánh mỳ ăn kèm với giò, chả và uống sữa đậu nành. Thứ ăn kèm - giò, chả, sữa còn phải mua, bánh mỳ và sữa đậu nành là do đơn vị tự làm lấy.

Đúng là làm được bánh mỳ phải có giai đoạn "chuyển giao công nghệ". Thợ làm bánh mỳ đến đơn vị hướng dẫn cách đắp lò, cách ngào bột, cách ngâm ủ bột, cách làm bánh, nướng bánh... Khi nào người nấu ăn ở đơn vị làm thành thục thì chuyển giao. Có đơn vị như ở Thành Công, thợ hướng dẫn làm bánh mỳ được trả công 1,6 triệu đồng/tháng, khi đã đến giai đoạn chuyển giao, anh ta lại có dự định xin ở lại, trở thành công nhân của xí nghiệp.

Cũng ở đơn vị này, lãnh đạo xí nghiệp đã tuyển các công nhân vốn nhà có tay nghề gia truyền để vào nấu sữa đậu nành, tiến tới là làm đậu phụ. Họ cũng có dự định tuyển lựa người biết làm giò, chả... hòng thay đổi khẩu vị cho bữa ăn giữa ca thợ mỏ kèm với bánh mỳ - một bữa ăn phụ song rất quan trọng đang là phổ biến trong Than...

Và điều bất ngờ song rất thú vị khiến tôi phải ngồi viết bài báo này, đó là bánh mỳ mỏ đang được những người bán bánh mỳ dạo rao bán rộn rã khắp hang cùng ngõ hẻm, suốt từ sáng tới tận đêm khuya ở thành phố mỏ - Hạ Long: Bánh bơ, bánh mỳ mỏ đơi!... Bánh bơ, bánh mỳ mỏ đơi!...

Bánh mỳ mỏ có gì hấp dẫn vậy, mà phải rao cụ thể đến thế?

Thì rõ ràng là nó nóng giòn, ngon, thơm rồi; song hơn thế, có lẽ là do nó to đầy đặn và... chân thật!

ST.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro