tiếp

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi đó, dân cư còn thưa thớt, những khúc sông ở Miệt Thứ, U Minh, Vàm Nao hay thậm chí phải đến bảy tám chục phần trăm kênh rạch sông ngòi ở miền Tây này đều thưa thớt dân cư, chuyện đi cả ngày trời mới gặp một thôn xóm nhỏ không phải là lạ. Do đó, trong giới sông nước truyền miệng nhau vô vàn những huyền thoại, truyền thuyết về ma quỷ yêu tinh. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, cố tôi vẫn nhắc đi nhắc lại với nội tôi như vậy. Nhưng thanh niên trai tráng, cũng đã từng cầm dao chọc tiết heo cả mấy năm trời, cho nên ông tôi cũng có phần gan dạ hơn, nếu không muốn nói là khá ngang tàng.

Cho đến khi những câu chuyện tưởng chừng như chỉ được nghe kể, bất ngờ ập đến, ông tôi mới biết sợ ma là gì. Chuyện là có lần nọ, ghe chở gạo đi từ Tiền Giang về Năm Căn. Lúc chiều đến một ngã ba, từ ngã ba đó đến sông Năm Căn còn chừng hơn ba mươi cây. Bỗng nhiên lúc đó nổi lên trận cuồng phong, mây đen kéo mù trời, trong phút chốc ông tôi đánh lái nhầm vào hướng khác với hướng định đi. Hai người trên ghe đều không biết mình đi nhầm đường, phần vì nhánh sông nào cũng đều toàn cây cả, phần vì đường này họ ít đi, với lại, ông kể, khi đó có cảm giác như tâm trí mình bị tấm khăn trùm lên vậy.

Ghe chạy một đoạn khá dài, khi này họ mới hay mình đi nhầm đường. Trời cũng đã tối, khúc sông này quanh co hiểm hóc dễ va phải cây hay mắc cạn nên đành dừng lại, đợi đến sáng đi sẽ tiện hơn. Đó là một đêm âm u, không trăng, chỉ có ánh sao le lói, xung quanh chốc chốc vang lên tiếng con gì đi ăn đêm cùng ếch nhái vọng lại từ những hàng dừa nước mọc đầy hai bên sông. Lúc nhìn lên bờ, thấp thoáng sau rặng dừa đó, ông tôi thấy có ánh lửa, có vẻ như hướng kia có thôn xóm. Ông tôi bảo người bạn ở lại coi ghe, để mình đến đó hỏi đường.

Trước khi lên bờ, bạn ông bảo: “Làm nghề này chớ nên coi thường quỷ thần, huống hồ gì nơi này còn là rừng, ma độc thú dữ chắc cũng không thiếu, mày lấy chân nhang để vô túi áo, có chuyện không lành thì chạy nhanh về đây la lớn, tao sẽ biết!”

Ông tôi tuy cả gan, nhưng phần nào lời người bạn kia nói cũng có lý, ông ra sau lái, khấn vái vài câu rồi lấy một ít chân nhang từ lư hương (trên các ghe loại này thường có một bàn thờ, dân đi ghe gọi là “bàn thờ Bà Cậu”) nhét vào túi áo. Đoạn ông lấy theo cây rựa, giắt bên người rồi cầm đuốc phóng lên bờ. Phía sau hàng dừa nước cũng có một con đường mòn, khá dễ đi. Đúng là phía xa thấp thoáng một vài túp lều tranh, trước những căn nhà đó là một khoảng sân rộng, họ đốt một đống lửa và đang đứng xung quanh.

Càng lại gần, mùi thịt nướng càng đậm đà ngào ngạt khiến ông tôi thấy rất thèm, hình như mọi người đang lễ cúng gì đó. Thấy ông tôi tới, dân làng đồng loạt quay qua, vẻ mặt hết sức trang nghiêm. Thấy vậy ông vội xin lỗi, kể rõ sự tình rồi chỉ xin hỏi đường về Năm Căn. Lúc đó, trưởng làng hồ hởi ra tiếp. Làng này có tập tục thờ Kim Thử Quân, nghĩa là con chuột thần, hôm nay là ngày vía của nó, dân làng đang tụng kinh thì thấy ông đến, họ còn sợ là thổ phỉ (những năm 40, từ vùng Vàm Rau Răm xứ Tiền Giang trở về sông Hậu, ai còn lạ gì tướng cướp Đơn Hùng Tín).

Lâu quá mới có khách ghé làng, họ tiếp đãi hết sức nồng hậu, rượu thịt ê hề. Chừng vài tuần rượu, khi đó ông tôi cũng đã ngà say, ông tôi liền kể là đi chung với một người bạn, trưởng thôn rất nhiệt tình, kêu ông tôi mời bạn lên chơi cho vui. Ban đầu ông cũng năm lần bảy lượt từ chối, nhưng họ mời quá, thấy ai cũng vui vẻ, ông tôi mới nói là để ông tôi ra kêu người bạn ấy lên. Vị trưởng làng đạo mạo nói: “Vùng này tối tăm, nhiều rắn rết, bậu đi một mình qua không yên tâm!”, nói vậy liền cử thêm hai thanh niên hộ tống ông tôi ra ghe.

Đường ra lúc này hơi khó đi, vì ông tôi đã say, vô tình thế nào lại vấp té, chân nhang trong túi đâm vào da, rồi văng cả ra ngoài. Dù gì cũng là thanh niên trai tráng, da thịt rắn chắc, nhưng không hiểu sao cú đâm của mấy cái chân nhang lại làm ông tôi đau điếng, suýt nữa đã hét thành tiếng nếu không vì ngại hai cậu thanh niên đi theo. Ông tôi lồm cồm bò dậy, bỗng nhiên ông suýt ngã thêm cú nữa, khi nhìn vào hai người bên cạnh: chẳng hề có thanh niên nào cả, trước mắt ông là hai con chuột to như con trâu, đứng bằng hai chân sau, cái đuôi gớm ghiếc đang vẫy vẫy.

Cũng may lúc đó chúng đang quay sang nhau cười, và còn ghê hơn khi bọn yêu tinh này còn nói được tiếng người. Con bên trái ông bảo: “Lão thúc, chưa gì đã say, sao cùng chúng tôi uống đến sáng đây?”

Con còn lại cũng cất lên tràng cười chít chít như chuột kêu, nói: “Hay là lão thúc mượn cớ để lên ghe ngủ khì một giấc vậy?”

Nếu không có những ngày tháng làm đồ tể, có lẽ ông tôi đã run bắn người mà bại lộ rồi, nhưng cũng may, khi đó ông hết sức bình tĩnh, xác định mình đã lọt vô ổ yêu tinh, phen này muốn thoát chỉ có cách lừa bọn chúng để khỏi phải bị ăn thịt. Ông tôi cười khà, cố nén sợ, tỏ ra bình tĩnh và bảo: “Chư huynh chớ có đùa, mỗ tôi còn uống sung lắm, nhưng để mỗ tôi đi tiểu tiện cái đã, không thôi chưa ra đến nơi thì mỗ tôi chắc chết vì mót tiểu chứ chưa cần say!”

Hai con chuột tinh không mảy may nghi ngờ, để ông tôi vô bụi rậm “hành sự”. Thấy thời cơ đến, ông vòng qua bụi rậm, chạy hết sức về bến ghe đậu, vừa thấy hàng dừa nước, ông tôi la lên thất thanh, không phải vì để làm ám hiệu với người bạn trên ghe, mà vì hai con chuột tinh lù lù đu trên đọt cây dừa nước, phóng xuống chắn ngang đường.

Ông tôi nhảy thót về sau, né được một cú tát của con chuột. Đôi mắt nó long lên sòng sọc, đỏ như máu, lưỡi thè ra hết sức hôi thối. Hai con dồn ông tôi vào một góc hết sức nhanh lẹ, một trong số chúng lao tới định cắn vào đầu ông tôi.

Phập.

m thanh gãy gọn vang lên, một cây rựa phang thẳng vào đầu con chuột tinh, não nó phọt cả ra ngoài, tròng mắt như muốn trào ra ngoài. Thì ra là người bạn của ông tôi. Anh ta lấy đà sau cú chém, nhào đến bên cạnh ông tôi quát: “Còn không mau rút rựa ra!” Ông tôi khi đó mới định thần, hai người lập tức phản công. Con chuột tinh còn lại kêu lên những tràng chít chít, tựa hồ như kêu gọi đồng bọn, rồi định bỏ chạy, ông tôi phóng cây rựa phạt mất nửa đầu của nó. Hai người chạy trối chết phóng lên ghe.

Ông tôi chống sào đẩy ghe ra xa, bạn ông thì hì hục nổ máy. Chỉ nghe thấy trên bờ, muôn vàn những tiếng chuột kêu điếc cả tai. Chúng vồ đến như cơn lũ, gãy hết cả đám dừa nước, định bụng phóng lên ghe bắt trọn hai người. Nhưng may sao, máy ghe nổ kịp lúc. Ông tôi lúc này kéo hết tốc lực, mặc dù chiếc ghe chạy không nhanh như ngựa phi, ít ra phần nào cũng cắt đuôi được lũ chuột. Ghe chạy băng băng giữa con sông rộng mênh mang giữa đêm, bên bờ vẫn vọng lại tiếng chuột chạy như vũ bão, thậm chí có con còn phóng sông bơi theo. Khỏi phải kể cũng biết ông tôi và người bạn kia nào dám ngả lưng, một mạch chạy thẳng, tới đâu thì tới.

May sao, khi trời vừa hửng sáng, họ cảm giác được rằng mình đã chạy chừng năm mươi cây thì đã nghe những tiếng rao của chợ nổi. Tuy nhiên, lòng dạ nào mà dám dừng lại, hai người vẫn cứ phăng phăng chạy tới, không hề giảm chút tốc lực, họ bóp kèn inh ỏi cả một khúc sông để xuồng nhỏ tránh sang một bên. Đối với hai người, đám đông đang họp chợ kia có chắc là người hay không, hay thực ra là bọn chuột tinh giả dạng, chờ họ chạy chậm một chút là lao lên xé nát thân thể.

Ghe cứ thế mà chạy, đến khi trời sáng hẳn, chừng mười giờ trưa, họ đến sông Năm Căn. Con sông rộng phải đến vài trăm mét, nước sông cuồn cuộn vả vào thân ghe làm hai người chao đảo. Lúc này, họ mới dám hạ tốc độ. Ông tôi vả vào mặt người bạn mấy cái để coi có phải mơ hay không, đến khi má cả hai sưng vù thì mới thôi.

Thì ra, lúc đêm qua khi ông tôi vừa lên bờ được một đoạn, người bạn kia nhìn theo thấy hướng ông tôi chỉ lúc nãy không hề có ánh lửa thường, mà là những đốm lửa ma leo lét màu xanh lơ. Biết có chuyện chẳng lành nhưng lại không thể kêu lên để ông tôi quay lại, sợ bứt dây động rừng, phần vì ông tôi đã đi được một đoạn xa, vị này nhanh chóng xuống máy, đổ đầy dầu rồi chống sẵn sào, buộc dây hờ vì nước không mạnh lắm, tiện tay xách cây rựa phóng lên bờ rượt theo ông tôi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro