Phần 6: Tranh quyền đoạt vị

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cuối cùng thì ước muốn của chúa thượng đã thành hiện thực.

Từ ngày Tuyên phi có mang, chúa đã cho người đi lễ bái khắp các đền chùa những mong nàng sẽ sinh con thánh. Còn bây giờ thì nàng đã thật sự hạ sinh cho chúa một đứa trẻ mạnh khỏe, bụ bẫm dễ thương, chúa hết sức yêu mến nó và dành thời gian cho hai mẹ con Thị Huệ nhiều vô kể. Những thê thiếp khác của người vốn đã bị lãng quên thì lại càng không được người nhớ đến nữa, cảm giác như cả phủ chúa rộng lớn mà chỉ mỗi Đặng Thị Huệ là có con với người thôi. Dương Quý phi dù bất bình nhưng vẫn chưa thể làm gì cả. 

Khi đứa bé được đầy trăm ngày, chúa lấy tên hồi nhỏ của mình là Cán đặt tên cho con trai mà người hết mực yêu chiều, còn chỉ định rõ ràng viên quan sau này dạy dỗ nó nữa. Khoa thi Hương năm ấy, chúa lấy hai câu: "Sơn xuyên anh lục, hà hải tú chung" (khí thiêng của sông núi tụ lại, sự tốt đẹp của biển hồ chung đúc nên) để làm đề thi. Các quan văn võ cũng có nhiều kẻ lấy chữ "Tinh huy hải nhuận" (sao sáng biển hòa, cái điềm sinh thánh nhân) làm câu chúc mừng. Đặng Tuyên phi vui mừng hơn bao giờ hết, nàng mong con mình khôn lớn sẽ thành tài nên cũng lo nuôi nấng, chăm sóc Cán thật chu đáo. 

Vương tử mới có một tuổi mà đã văn vẻ tinh thông, đối đáp gãy gọn, cử chỉ chẳng khác gì người trưởng thành. Mỗi khi các quan lại đến thăm, Cán đều đón tiếp với dáng bộ nghiêm chỉnh. Có người cách hàng năm mới gặp mà vương tử vẫn nhớ rõ họ tên, kể lại chuyện cũ vanh vách. Chúa thượng còn sai quan làm bài ca tụng mười sáu chữ để người trông nom dạy dỗ con trai truyền miệng cho, Cán chỉ nghe qua một lần là đọc thuộc trôi chảy liền. Thấy vương tử thông minh có tài như vậy, chúa càng yêu quý con mình hơn. 

Đặng Thị Huệ cũng không muốn làm người thất vọng, nàng đặt hết niềm tin vào Trịnh Cán. Nào ngờ mọi chuyện còn đang thuận lợi thì vương tử đột ngột lâm bệnh, chẳng biết có phải là do đã học hành quá nhiều hay không. Cán còn nhỏ tuổi mà đã bị bao nhiêu kì vọng dồn hết lên đầu, lại phải thức khuya dậy sớm nên sao tránh khỏi việc nhiễm bệnh chứ! 

Nhìn con trai ngày càng gầy gò ốm yếu, lòng Thị Huệ như có ai dùng dao cắt vào. Đám ngự y trong phủ đã kê đủ loại thuốc thang mà bệnh tình của vương tử vẫn không thuyên giảm, nàng phải tính đến chuyện mời người từ ngoài dân gian về chữa bệnh cho Cán. Chúa đang trăm công ngàn sự mà vẫn phải quan tâm đến đứa con trai yêu thì được một viên quan mách với mình: "Người này tuổi đã cao, hành y cứu thế trong dân gian không ai là không biết, còn được mệnh danh là Hoa Đà tái thế nữa kia, tại sao chúa thượng không mời người này về chữa trị cho vương tử?" 

Chúa hỏi vị thầy thuốc tài giỏi đó là ai, viên quan tâu: "Là danh y Lê Hữu Trác."

Chúa biết đến danh y này đã lâu nên lập tức mời đến phủ trị bệnh cho Trịnh Cán, khiến Lê Hữu Trác dù đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phải vượt ngàn dặm xa xôi tới nơi kinh thành. Ông đoán vương tử do ở chốn trướng rủ màn che, ăn quá bổ, mặc quá ấm nên phủ tạng yếu đi, kê đơn thật cẩn trọng để chữa trị. Dù đã được chúa khen ngợi là "hiểu sâu y lý" nhưng vì đám ngự y trong phủ sinh lòng đố kỵ nên đơn thuốc của Lê Hữu Trác không được sử dụng, thành ra bệnh của vương tử Cán mãi vẫn không khỏi. 

Chuyện của Trịnh Cán còn chưa xong thì lại đến lượt chúa thượng lâm bệnh. Người ở trong phòng suốt mà chẳng muốn ra ngoài, Tuyên phi cùng đám nô bộc phải tất bật lo cho cả hai bên. Các quan viên lại tới tấp tâu có chuyện cần xử lý, trong phủ dần trở nên hỗn loạn, một vài kẻ đã có ý mời con trai trưởng của chúa là Trịnh Tông về để lo chính sự.

Trịnh Tông là con trai của chúa và Dương Quý phi, nhưng từ nhỏ chàng đã không được cha yêu thương nên chỉ có thể học hành dựa vào các quan, thi thoảng mới về phủ thăm mẹ. Nghe tin chúa thượng đang gặp chuyện, chàng cũng gấp rút từ nhà riêng của thầy dạy đi về. Người đầu tiên Tông gặp không phải cha mình mà lại là mẹ chàng - Dương Ngọc Hoan. 

- Nhi thần khấu kiến mẹ. 

Tông tỏ ra ngoan ngoãn, hiếu thảo hơn bất kỳ người con nào ở chốn xa hoa này, nhưng trên mặt Dương Quý phi lại có nét không vui. Nàng đã chẳng còn cầm tách trà trên tay và bình thản thưởng thức như mọi khi nữa. 

- Đứng lên đi. Ta có chuyện muốn nói. 

Nàng biết rõ bây giờ không phải là lúc yên bình. Cái phủ này đã thay đổi quá nhiều kể từ khi người đàn bà họ Đặng đó bước chân vào, một phần cũng là do nàng nữa.

Tại sao năm xưa nàng lại hồ đồ đến mức đưa một thiếu nữ son trẻ, có nhan sắc trời cho như ả ta vào nơi đây để rồi ả cướp mất trái tim của chúa thượng, gây ra biết bao phong ba bão táp và làm đảo lộn cả cái phủ này? Từ khi có Đặng Thị Huệ ở bên, người cha kính mến của con trai nàng đã trở nên khác hẳn, không còn là bậc minh chúa luôn quên mình vì muôn dân nữa. Người tối ngày chỉ lo bày ra hàng trăm trò vui để chiều lòng Tuyên phi, lại còn ham mê tửu sắc đến nỗi bệnh tật bắt đầu bủa vây, còn công sự thì bỏ bê khiến trăm họ lâm vào cảnh khổ sở. 

Bây giờ mà người vẫn có thể đường hoàng nắm trong tay quyền lực sao? Nếu mọi chuyện còn tiếp tục như thế này thì vận mệnh tồn vong của Đàng Ngoài sẽ trở nên như thế nào? 

Dương phi chẳng hề mong chuyện này xảy ra, nhưng nàng đã sớm nghĩ đến cái cảnh chúa thượng qua đời, ngôi Thế tử của Tông mãi vẫn chưa được định đoạt nên người kế vị tiếp theo chắc chắn sẽ là Trịnh Cán - con trai cưng của ả họ Đặng kia. Thật không dám tưởng tượng nổi một đứa trẻ ốm yếu như Cán mà ngồi lên ngôi chúa thì mọi chuyện ra sao. Đặng Thị Huệ nhất định sẽ không tha cho hai mẹ con nàng, chẳng sớm cũng muộn, nàng và Tông con nàng sẽ phải chết dưới tay ả ta mất thôi. 

Thế nên ngay bây giờ nàng phải ra tay trước, để bảo toàn tính mạng cho cả hai người, để Tông sớm ngày được vinh hiển và trở thành một vị chúa được dân chúng tin yêu. 

Trịnh Tông nghe mẹ nói thì toát mồ hôi hột, chàng chưa từng nghĩ đến chuyện đại nghịch bất đạo này. Dù chúa thượng có thay đổi ra sao thì đối với chàng, đó vẫn là người cha đáng kính nhất, anh minh nhất. Nhưng đúng là từ ngày Đặng Tuyên phi kia xuất hiện, người đã không còn như trước nữa rồi. Ý chí đánh đông dẹp bắc, tấm lòng yêu dân giờ đã biến đi đâu mất. Trước đó người đã đối xử không phải với hai mẹ con chàng, bây giờ đã có thêm ả ta và Trịnh Cán thì người lại càng tệ bạc hơn. Thân là trai trưởng mà lại bị chính cha và rất nhiều quan thần coi thường, thật sự Tông cũng có chút không phục.

Dương Ngọc Hoan thấy con trai vẫn còn phân vân thì giận dữ ra mặt, quay lưng bỏ vào nhà trong.  Nghĩ đi nghĩ lại, Trịnh Tông không biết nên quyết định như thế nào cho phải nên đành cáo từ mẹ để đi thăm chúa thượng đang lâm bệnh, hi vọng cha sẽ không quên chàng. Nào ngờ đến trước cửa, đám lính canh lại chặn không cho Tông vào, chàng có to tiếng cũng chẳng làm được gì cả nên phải thất vọng đi về. 

Liên tiếp mấy ngày không được vào yết kiến cha, Trịnh Tông bắt đầu thấy bất mãn. Chàng đã suy nghĩ rất nhiều về những lời nói của mẹ nhưng vẫn chưa đủ can đảm để thực hiện việc động trời kia.

Một bữa có người muốn gặp mặt Tông, khi biết được đó là Huy quận công Hoàng Đình Bảo thì trong lòng chàng lại dấy lên một sự nghi hoặc và thù ghét. Hắn ta còn mang theo rất nhiều lễ vật nữa. 

Đình Bảo vốn giữ chức trấn thủ Nghệ An, rất được nhân dân kính trọng nên chàng đã nghĩ kẻ này có ý làm phản. Tông bàn mưu với hai vị quan họ Nguyễn giết chết Đình Bảo, nào ngờ nhờ mối quan hệ giữa vợ mình với Đặng Tuyên phi nên hắn lại thoát được, còn về triều và giúp chúa rất nhiều. Sau chuyện của Đặng Mậu Lân, chúa thượng lại càng tin dùng tên quan đáng ngờ này hơn. Bây giờ đang lúc nước sôi lửa bỏng, trong phủ rối loạn, hắn muốn gặp Trịnh Tông để làm gì? 

Tông không cho Đình Bảo vào nhưng vẫn nghe hắn nói, nào ngờ hắn lại thấu tận ruột gan chàng khiến Tông rất tức giận. 

"Đặng Tuyên phi tuy được chúa sủng ái nhưng con nàng ta là vương tử Cán vẫn còn bé, ngài thì đã trưởng thành nên thần nghĩ... chúa thượng sẽ không mạo hiểm bỏ con trưởng mà lập con thứ đâu." 

Tông cho rằng Đình Bảo chỉ là một tên nịnh hót, gió chiều nào xuôi chiều ấy nên đuổi đi và còn nói riêng với kẻ hầu người hạ:

"Thằng giặc ấy sao không ở trấn Nghệ An để làm phản mà lại về triều làm gì? Một ngày kia ta sẽ tịch thu gia sản của hắn, ta cũng đâu thèm mấy món lễ vật đấy." 

Đình Bảo nghe được câu ấy thì sợ lắm, nghĩ rằng mình không được thế tử bao dung nên lập tức trở mặt, liền lén lút đi gặp Tuyên phi. Bấy giờ Đặng Thị Huệ vẫn phải lo cho chúa thượng và con trai, nàng nghĩ Huy quận công sẽ giúp đỡ được chúa chuyện công sự nên không ngần ngại mà đồng ý ngay lập tức. Chúa thấy vậy thì lại càng tin tưởng vợ yêu và Đình Bảo hơn, người yên tâm mà ở trong phòng dưỡng bệnh, nửa bước cũng không ra ngoài. Do đấy, Đình Bảo được vào giữ chức trong chính phủ, lãnh chức trấn thủ Sơn Nam bằng cách vắng mặt. Quyền thế Đình Bảo làm nghiêng lệch cả trong kinh, ngoài trấn, ai ai cũng phải tuân lời.

Suốt một thời gian mà chẳng thấy bóng dáng chúa thượng đâu, nhiều lời đồn ác ý bắt đầu nổi lên, rằng Huy quận công thì lạm quyền khiến cả phủ đều bất bình, rằng chúa bị bệnh rất nặng và đã sắp phải truyền lại ngôi chúa cho con trai. Trịnh Tông nghe được mấy câu mà lòng đã như lửa đốt, đứng ngồi không yên, lại thêm Dương Quý phi cứ thúc giục nên chàng đã có phần lo sợ. Cuối cùng, Tông cũng phải làm cái chuyện mà chàng chẳng hề nghĩ rằng mình sẽ làm. 

Chàng bàn mưu với gia thần họ Đàm trung thành cùng đám đầy tớ nhỏ, tìm cách trừ khử hai kẻ gây nhiễu loạn trong phủ là Tuyên phi và Hoàng Đình Bảo. Theo lời khuyên của họ, chàng phải bí mật chứa sẵn binh khí và chiêu mộ rất nhiều dũng sĩ, dự định khi chúa thượng qua đời thì sẽ đóng cửa thành lại, giết Huy quận công, bắt giam Đặng Thị Huệ rồi báo cho quan hai trấn Tây, Bắc vào hộ vệ. Tông nghe theo, vay ngầm của nội thị đến một ngàn lạng bạc để lo cho binh lính và sắm sửa khí giới, đồng thời báo việc đó cho hai viên quan họ Nguyễn khi trước để họ sẵn sàng dự bị. Tất cả đều diễn ra cẩn thận, kĩ lưỡng để Trịnh Tông có thể dễ dàng lên ngôi chúa, cả phủ sẽ được bình an, muôn dân trăm họ không phải rơi vào cảnh lầm than nữa. 

Nhưng giữa chốn sóng gió này thì không gì có thể giữ kín được, đôi khi người mà ta tin tưởng, gần gũi nhất lại chính là kẻ phản bội ta. Ngoài Hân quận công Nguyễn Phương Đĩnh ra thì Trịnh Tông còn có một người thầy khác chuyên về giảng dạy sách vở. Ông họ Ngô, rất được người trong phủ kính trọng, thường hay đi cùng kẻ học trò làm việc giữ sách. Tên học trò khôn lanh biết được chuyện Tông có ý làm phản nên đã nói lại với thầy, Ngô tiên sinh một nửa vì sợ hãi trước phe Đặng Tuyên phi và Hoàng Đình Bảo, một nửa vì không muốn ủng hộ Trịnh Tông nên đã gấp rút đi báo cho viên quan. Kẻ làm quan này lại cho con dâu của mình vào làm thị tỳ hầu hạ Đặng Tuyên phi và sai thân tín điều tra nên chuyện đã tới tai Thị Huệ.

 Nàng đang phải chăm sóc cho chúa thượng và con trai, khi biết Trịnh Tông có ý phản nghịch thì đã rất bất ngờ. Bấy lâu nay tuy Huệ ít khi gặp mặt Tông nhưng trong mắt nàng, đó vẫn là một đứa trẻ ngoan ngoãn hiếu thuận, sao có thể mưu bày ra cái việc tự ý điều binh, muốn giết hại quan lại của triều đình và bắt giam cả nàng cơ chứ? 

Chúa thượng còn đang bệnh, nàng cũng không muốn người biết con trai của người lại dám làm phản, gây ra đại tội như thế này...


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro