Phần 4: Hôn sự bất hạnh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phủ chúa...

Đặng Thị Huệ vịn vào tay nữ tỳ, khẽ bước từng chân đi dạo trong vườn Long Trì, thi thoảng lại nhẹ nhàng xoa lên bụng của mình. Trong đó, có một đứa bé đang lớn dần, lớn dần.

Từ khi mang thai con đầu lòng với chúa, cuộc sống của nàng trong phủ chẳng khác nào một vị nữ hoàng. Nàng được thăng lên bậc Tuyên phi, nhìn những kẻ ngày ngày hầu hạ dưới chân mình mà hưởng thụ vinh hoa phú quý nhưng vẫn nơm nớp lo sợ đứa trẻ này sẽ gặp chuyện. Chúa thượng ngày càng yêu chiều và quan tâm đến nàng hơn, dành phần lớn thời gian để ở bên vợ yêu. Cao lương mỹ vị mà Huệ ăn hàng ngày cũng phải cho thử trước, nàng đi đâu cũng có cả một đoàn thị nữ và thái giám theo sát, không dám để người phụ nữ của chúa chịu thương tổn gì dù một sợi tóc, những thứ hồng trang phấn sức, xiêm y vóc lụa, chúa ban thưởng rất nhiều cho nàng. Các thê thiếp khác của chúa càng lấy làm ghen ghét lắm.

Người ta thường nói đúng, mẹ vinh nhờ con. Bằng mọi giá, nàng phải bảo vệ được máu mủ của mình. Khó khăn biết bao lâu nàng mới có mang đứa con này, gian khổ đến chừng nào thì nàng mới có thể leo lên ngôi vị Tuyên phi. Những gì đã đạt được tới ngày hôm nay, nàng nhất định sẽ không để vụt mất khỏi lòng bàn tay.

Đâu phải có mỗi Đặng Tuyên phi được sống no đủ trong nhung lụa, người thân duy nhất của nàng cũng theo chị gái mà hưởng thụ sự xa hoa nơi phủ chúa. Phải, đó chính là Đặng Mậu Lân. Từ ngày được đón vào phủ, thoạt đầu hắn còn quy củ phép tắc, biết kính trên nhường dưới nhưng càng về sau thì lại càng sỗ sàng, vô lễ. Được chúa ân sủng, còn thêm chị làm chỗ dựa nên dần dà hắn chẳng kiêng nể ai hết, ngông nghênh đi lại tự do trong phủ, trêu ghẹo thị tỳ, uy hiếp nô bộc khiến nhiều người kêu ca oán thán. 

Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả những gì mà đứa em trời đánh của Tuyên phi gây ra. Lâu ngày hắn cũng học đòi theo chị mình mà sắm sửa y phục, đồ dùng không khác gì của chúa thượng, Thị Huệ chỉ nghĩ em trai ham phú quý nên cũng bỏ qua. Lân lại đòi thêm thật nhiều những tên tay sai cao to lực lưỡng làm hộ vệ cho mình, ngày ngày cầm gươm vác giáo đi nghênh ngang khắp kinh ấp. Hắn nuôi trong nhà hơn trăm gia đồng, thường cho đội mũ đeo gươm, ra ngoài chợ phố đi nhung nhăng, uống rượu say đánh người bị thương, quan Kinh doãn không kiềm chế nổi. 

Mỗi khi Lân đi ra, đem theo đến hàng mấy chục con chó săn, con nào cũng đeo nhạc vàng, khoác áo thêu, hét trước hò sau lấp cả đường lối cho bách tính qua lại. Hễ gặp xe kiệu của bất kỳ đám quan quân nào thì hắn cũng đều cố ý giở trò, gây sự dẫn tới đôi bên xô xát, dĩ nhiên phần thắng luôn thuộc về kẻ họ Đặng. Hắn lấy làm thích thú vì trò đùa của mình khi thấy đối thủ nhục nhã nên càng ngang nhiên mãi ra. Quan lại kêu ca rồi tới tai chúa, người cho đó là sự bồng bột nóng nảy của Lân nên cũng dàn xếp cho im chuyện.

Kiêu căng, phá phách, gây tai họa cho đàn ông còn chưa đủ, Lân chuyển sang đàn bà con gái, kể cả dân nữ nhà lành. Đi ngoài đường mà gặp người nào vừa mắt là hắn lập tức sai tay chân quây màn trướng ngay tại chỗ rồi lôi người ấy vào giở trò liền, nếu không chịu thì tra tấn thật tàn bạo, ai nhìn đến cũng phải lắc đầu lè lưỡi mà chẳng dám can ngăn vì hắn có thể đem Tuyên phi ra đe dọa. Ở kinh thành lâu ngày, tiếng dữ đồn xa, thiên hạ sợ Lân như sợ beo cọp.

Một bữa hắn lại cùng đám tùy tùng dắt chó đi lòng vòng khắp các phố xá, người dân ai nấy đều cố tình lảng tránh, sợ vạ đến thân. Lân thấy vậy thì tức lắm, hắn sai bắt ngay một dân nữ ưa nhìn lại mà giở thói dâm dật, cưỡng bức. Cô gái đó thà chết cũng không chịu bị vấy bẩn, tên ôn tặc liền tra tấn khiến nàng ấy thương nặng, máu chảy đầm đìa. Chồng của nàng ấy kiện đến quan, Lân dù có hống hách ngạo mạn tới đâu cũng bị tống vào lao ngục Ngự sử đài. Đặng Thị Huệ nghe tin, dù đang bụng mang dạ chửa cũng phải tất tả mà chạy đến phủ quan xin tha cho em. 

Còn biết bao nhiêu điều mà đứa em hung ác ngang ngược đã gây ra khiến Huệ rất phiền lòng. Nàng bỏ gia đình mà vào phủ chúa, cha mẹ mất sớm nên Mậu Lân mới không được dạy dỗ đàng hoàng, tới nơi tới chốn rồi trở thành một kẻ làm càn làm bậy như ngày hôm nay. 

...

-Nương nương...

Tiếng của một thị tỳ vang lên làm Huệ giật mình, gương mặt vẫn không tránh khỏi vẻ sầu não. Nàng phải nghe đám hạ nhân tranh nhau hỏi han:

- Nương nương, sao trông người lại buồn rầu như vậy? Người có tâm sự gì ư?

- Nương nương, người phải giữ gìn sức khỏe, nếu không sẽ ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mất.

Nghe mấy lời đó mà Thị Huệ sực tỉnh, nàng chạm vào cái bụng đang lớn dần của mình. Một nô tỳ thân cận với nàng cất tiếng:

- Nương nương, không lẽ... người buồn vì chuyện của em người? 

Quả nhiên là hạ nhân ở bên, có thể nhìn thấu tận tâm can nàng thế này. Đặng Thị Huệ khẽ gật đầu, nàng thở dài một tiếng: 

- Lân ngày càng không coi ai vào đâu, làm những chuyện phạm pháp, thân là chị mà ta lại chẳng thể dạy dỗ nó...

Thị nữ kia cúi người:

- Nương nương, nô tỳ có mấy lời muốn nói, mong nương nương thứ tội. 

Tuyên phi quyền năng quay sang nhìn ả với ánh mắt đồng ý. Đã đến nước này rồi thì còn chuyện gì mà nàng không thể nghe nữa chứ? Ả thị nữ kia kính cẩn:

- Nương nương, thiết nghĩ em người người ham mê nữ sắc, hay làm nhiều chuyện hại đến con gái nhà lành, vậy tại sao người không chủ trì cho ngài ấy một mối tốt mà yên gia bề thất, tránh những tai tiếng sau này? Ngài ấy nếu đã có một thê tử tài sắc vẹn toàn, việc gì mà phải ra ngoài đường cưỡng bức dân nữ nữa! Kính mong nương nương soi xét.

Thị Huệ nghe mấy lời đó thì không khác nào rẽ bóng đêm nhìn thấy mặt trời. Đặng Mậu Lân cũng đã đến tuổi thành gia lập thất, xứng đáng có một mối lương duyên yên ấm rồi mà nàng lại bỏ quên chuyện này bấy lâu, khiến cho hắn ngông cuồng làm điều tàn bạo, chẳng coi ai ra gì. Nếu Lân của nàng đã khát khao sắc dục đến thế thì tại sao không gả cho hắn một mỹ nữ để êm chuyện chốn dân gian? Một người chưa đủ thì thêm nhiều người nữa, tam thê tứ thiếp có là vấn đề gì? 

Lời lẽ văn vẻ của một thị nữ nhỏ nhoi đã giúp Huệ giải quyết được chuyện của em trai, nàng suy nghĩ ngay về người con gái thích hợp cho Mậu Lân. Đám tiểu thư khuê các có thấm vào đâu, nàng muốn Lân đệ phải làm chồng một nữ nhi dòng dõi vương tôn quý tộc thì mới vẻ vang, mới làm yên lòng kẻ kiêu căng như hắn. 

Con gái của chúa thượng...

Con gái của chúa thượng...

Chính phi của chúa sinh được hai công nữ * . Công nữ cả là Ngọc Loan đã được gả cho Đương trung hầu họ Bùi, còn công nữ thứ hai vẫn đang đến tuổi cập kê. Nàng tên húy là Trịnh Thị Thuyên, tự Ngọc Lan, sống trong cung Thủy Tinh để kiêng nắng kiêng gió. Ngọc Lan ốm yếu từ nhỏ, thân thể gầy gò nên được chúa hết sức quan tâm và lo lắng. Người dặn thị tỳ trong cung phải đi nhẹ nói khẽ, không được làm kinh động tới công nữ. Khi Ngọc Lan đã lớn, mỗi lần vào thăm chúa, chúa đều cho phép cùng ngồi với mình như lúc còn bé. Phàm những điều nàng cầu xin chúa, không có lời nào là không đắt. Các quan vào hàng công thần, quý tộc, nhiều người đã có con trai tới cầu hôn nhưng chúa chưa hứa gả cho ai. Đã có lần chúa hạ chiếu chỉ cho các quan văn võ, cùng con cháu các dòng họ công thần vào phủ để cho công nữ tự kén chọn. Chúa bảo nàng hễ chọn được ai vừa ý thì chúa sẽ gả cho người đó nhưng Ngọc Lan vẫn chẳng muốn thành hôn. Một người con gái dòng dõi tôn quý lại dịu dàng, hiền lương và có nhan sắc như vậy, không phải là quá phù hợp với Đặng Mậu Lân hay sao? 

Nhưng... hôn sự này liệu có được chúa thượng đồng ý? 

Người sủng ái Huệ như vậy, yêu cầu nào của nàng mà người lại dám từ chối cơ chứ? Huống hồ chuyện đại sự giữa Lân và Ngọc Lan còn có thể trừ đi cái tính ngang nhiên ngỗ ngược của hắn, không phải là đôi việc vẹn toàn hay sao? 

Nghĩ là làm, ngay hôm sau Tuyên phi liền đi ngỏ ý với chúa về hôn sự cho Đặng Mậu Lân. Người cứ tưởng vợ yêu đã chọn được cô nương nào vừa ý cho tên em trai hung tàn khắp chốn kia, ngờ đâu đó lại chính là con gái cưng của người. Ban đầu chúa thượng khéo léo tìm cách chối từ, song vì quá yêu Thị Huệ nên cũng phải ậm ừ cho qua chuyện. Bây giờ Tuyên phi còn đang mang trong mình cốt nhục của chúa nữa, người không muốn làm phật ý nàng vì sợ hậu họa sau này.

Chúa vẫn chưa quên được chuyện Thị Huệ bỏ cơm ba bữa vì lọ nước hoa đáng giá mười xe ngọc ngày trước, dù nàng đã bảo mình chán ăn là do mới có mang. Lúc này mà người không đồng ý với yêu cầu của nàng thì chắc chắn sẽ có chuyện chẳng lành xảy đến. Nhưng Ngọc Lan là cô con gái chúa vô cùng thương yêu chiều chuộng, gả con bé cho Lân thì chỉ sợ sẽ có kết cục không tốt đẹp. Dần dà, tiếng đồn lan xa, cả phủ đều biết chuyện Đặng Tuyên phi dạm hỏi công nữ Ngọc Lan cho tên ác ôn Đặng Mậu Lân và chúa cũng đồng ý.

Chuyện tới tai các quan, ai cũng tới tấp can ngăn Trịnh Sâm:

- Chúa thượng, Đặng Mậu Lân là cậu ruột của công nữ, hôn sự này e là trái với luân thường đạo lý, sẽ bị thế gian chê cười.

- Chúa thượng, Đặng Mậu Lân là kẻ ngông nghênh càn rỡ, chẳng coi vương pháp ra gì, người tuyệt đối không thể gả công nữ cho hắn ta.

- Chúa thượng, thứ lỗi cho hạ quan nói thẳng, người đã quá yêu chiều hai chị em họ Đặng rồi. Xin người hãy phế truất Đặng Tuyên phi, chém đầu Đặng Mậu Lân để làm gương cho thiên hạ, có như vậy thì mới yên dân, cuộc sống của bá tánh mới ấm no trở lại...

Cứ tưởng nghe những lời đó thì chúa thượng sẽ đổi ý, ngờ đâu người lại nổi giận với các quan: 

- Cái gì mà phế phi xử tử? Các ngươi đang chọc tức bổn chúa đấy à? Bổn chúa đã quyết rồi, sẽ sớm chọn ngày lành tháng tốt cho Ngọc Lan thành thân với Đặng Mậu Lân. 

Ai nấy đều lắc đầu sợ hãi, sớm đoán được chuyện không hay sắp xảy đến. Dương Quý phi và những thê thiếp khác cũng cầu xin chúa nhưng người vẫn chỉ bỏ ngoài tai những lời đó mà quyết tổ chức hôn lễ thật linh đình. Đặng Mậu Lân lấy làm đắc ý, hắn sắp được hưởng thụ những điều mình khao khát rồi, mặc kệ bao lời đồn đoán xôn xao cả trong triều ngoài nội.

Hôm đó Đặng Tuyên phi đi sắm sửa các đồ tân hôn cho em trai, nàng lại được dịp ngắm cảnh phồn hoa của kinh thành dù những lời chỉ trích vẫn còn qua miệng lưỡi của dân chúng. Tình cờ nàng bắt gặp một người lái buôn từ đâu đến, mang theo một đôi giày tuyệt đẹp chẳng khác chi giày cho tiên nữ. Nàng lấy làm thích thú lắm, muốn mua giày nhưng vẫn còn bận lo cho Lân, không kịp hỏi giá mà đi làm chuyện khác luôn. 

Hôn lễ diễn ra tưng bừng và êm xuôi, có điều mọi chuyện vẫn chưa yên. Bề ngoài thì chúa giả bộ đồng ý, bày ra một lễ thành thân xa hoa rực rỡ để che mắt thiên hạ nhưng bên trong thì vẫn lo âu, không muốn Mậu Lân trở thành chồng của Ngọc Lan. Người sợ con gái mình yếu ớt, sẽ chẳng chịu nổi một tên cường bạo như hắn. Người lấy cớ Ngọc Lan bệnh tật để ngăn cản nàng cùng Lân làm lễ hợp cẩn**, còn sai quan A Bảo và thị nữ đi theo để bảo vệ, đồng thời cho Nội Giám Sử Trung Hầu giám sát mọi việc, quyết không cho Đặng Mậu Lân động tới công nữ. Đệ đệ của tuyên phi mang tiếng là đã trở thành quận mã*** nhưng cứ đến gần nàng là lại bị Sử Trung Hầu ngăn cản, hắn lấy làm tức bực vô cùng. 

Một bữa Lân chẳng chịu nổi nữa, lớn tiếng với Sử Trung Hầu rằng:

- Chúa nói con gái của chúa là tiên giáng trần nhưng xem ra thì không bằng con bé làm đầy tớ xách giày cho ta, quý hóa cái nỗi gì? Thật tình, bổn quận mã cũng chẳng ham hố gì chút nhan sắc của nó, nhưng đã trót tốn kém bao nhiêu mới lấy được một con vợ, tuy chẳng ra hồn nhưng ta cũng phải cho một trận mây mưa, bắt nó phải nhũn ra như bùn mới thôi. Có thế mới mong bù đắp được chút ít phí tổn, xong thì ta sẽ đuổi đi cũng chẳng sao. Còn ngươi nữa, muốn sống muốn tốt thì tìm đường mà biến đi kẻo mang tiếng là ta không báo trước.

 Sử Trung Hầu điềm nhiên nói:

- Đó chẳng qua là mật chỉ của chúa thượng, hạ thần đâu dám tự ý làm như thế.

Đặng Mậu Lân càng giận dữ:

- Ngươi thử về hỏi chúa xem, nếu ở hoàn cảnh như bổn quận mã thì liệu chúa có chịu nổi không?

Sử Trung Hầu nói:

- Quận mã đừng nên quá lời như vậy. Chúa làm sao lại có thể đem sánh với kẻ tầm thường được.

Đặng Mậu Lân nổi giận, mặt đằng đằng sát khí, mắng rằng:

- Ngươi dám đem chúa ra để dọa bổn quận mã nữa à? Chúa là cái quái gì?!

Dứt lời, hắn tuốt gươm chém Sử Trung Hầu chết ngay tại chỗ và hạ lệnh đóng chặt cửa dinh lại, nội bất xuất, ngoại bất nhập, dự tính thủ tiêu xác của Sử Trung Hầu để phi tang. Ngọc Lan nằm trong cung mà tim đập chân run, sợ hãi tột cùng, nàng bèn sai một thị tỳ chui qua lỗ hở nhỏ, chạy về phủ chúa để báo tin. Thật không ngờ tên hung tàn họ Đặng lại dám làm càn tới mức này, đúng như những gì chúa thượng đã dự tính. 

Nghe tin, Trịnh Sâm cả giận, sai đem lính đến để bắt Đặng Mậu Lân. Hắn tuốt gươm, đứng chắn ngang trước cửa và dọa rằng:

- Đứa nào muốn thí mạng thì hãy vô đây!

-----------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích: 

(*) :tương tự như "thế tử", con gái của vương tôn quý tộc, chúa phải gọi là "công nữ" để phân biệt với con gái vua "công chúa" 

(**) lễ hợp cẩn: đêm tân hôn, hai vợ chồng uống chung một chén rượu gọi là lễ hợp cẩn

(***) quận mã: chồng của công nữ hay chồng của quận chúa thì được gọi là "quận mã" để phân biệt với "phò mã" (chồng của công chúa)



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro