Lời Hẹn Một Đời

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




DISCLAIMER: TẤT CẢ TÌNH TIẾT ĐỀU LÀ HƯ CẤU, KHÔNG CÓ LỊCH SỬ. OOC XIN NHẬN. VÔ LÝ XIN NHẬN.

------------------

Hạ Huyền giật mình tỉnh giấc. Ý thức hẵng còn đang mơ màng giật nảy dậy theo cú xóc của con tàu, âm thanh ong vang trong tai dần tụ lại thành tiếng người sắc nét. Mất mấy giây hoàn hồn, anh mới ngồi dậy, xoay cổ. Lúc nãy ngủ không có chỗ dựa, gật gù suốt buổi khiến cho cổ hơi đau. Bên ngoài cửa sổ, nhà ga đang tiến lại gần. Anh nheo mắt nhìn đống vali ngổn ngang dưới chân, áo bành tô màu trầm lẫn với áo dài truyền thống ầm ĩ chen chúc nhau thành một đống lổn nhổn. Tàu càng lại gần, đám đông càng gấp gáp, vạch vàng trước đường ray như một sợi chỉ vô hình túm bọn họ lại, tưởng chừng chỉ nới lỏng một phân nữa thôi, tất thảy sẽ ùa ra như đê vỡ.

Vừa vào tháng Bảy, trời không trong. Tầng mây xám nhờ ườn mình trên đầu như một tấm bạt khổng lồ, tán qua cả cột đồng hồ tòa soạn trồi lên giữa nhung nhúc những mái nhà ở tít xa. Dường như càng lúc nó càng trĩu xuống dưới một áp lực cận kề nào đó, Hạ Huyền nhìn trời, chậc một tiếng rồi mở cặp lấy ô ra, rẽ qua đám đông đến đầu đường gọi một chiếc xe kéo.

Gần giữa trưa, trên đường chỉ có lác đác vài người, chủ yếu là xe kéo chờ khách với mấy sạp hàng rong. Xe chạy qua những dãy nhà quen thuộc, lẩn mình qua kẽ hở dưới tán ngô đồng xum xuê, ngoặt vào một lối rẽ. Mưa bắt đầu lất phất, phu xe vớ chiếc nón trúc bên cạnh đội lên đầu, vó ngựa vẫn đều bước.

Mưa chuyển mình rất nhanh. Chỉ trong nháy mắt, nước đã ào ào xối xuống nóc xe như đang muốn xé toạc nó ra, chui vào vồ lấy anh. Cảnh vật bên ngoài hóa thành một thước phim nhiễu, hết thảy đường nét sắc màu đều nhòe đi thành những bóng mờ ảm đạm, chỉ còn mình anh là khán giả thực duy nhất.

Đi được ít lâu, xe dừng lại trước một tòa viện cũ, anh đưa mấy đồng cho phu xe rồi nhanh chóng bước xuống, mở ô ra. Mưa ngớt thành một khúc rả rích ôn hòa. Anh gõ mấy cái lên cánh cổng gỗ tróc loang lổ, dưới chân có vết nham nhở như bị cạy. Ngày trước từng có một tấm bản lề ở đấy.

Ít lâu sau, cổng mở, một mái đầu bạc phơ thò ra, ông lão cất giọng vui vẻ.

"Tiên sinh về rồi đấy à? Mau mau vào đi, thiếu gia vừa uống thuốc xong, phiền ngài đợi một lát rồi thiếu gia sẽ qua ngay."

Anh gật đầu, bước vào theo ông lão. Dáng người ông nhỏ thó, lưng hơi còng, nhưng bước chân vẫn rất nhanh nhẹn. Giàn hồng leo trong sân đang vào đúng độ ra hoa, tán lá xum xuê điểm từng khóm rủ xuống mái hiên, rung rinh hứng nước mưa. Ông dẫn anh vào gian chính, rót trà cho anh rồi lui đi. Khói cuộn tròn trên chén trà nóng, anh nhấp một ngụm, nhìn chiếc đèn lồng đỏ khẽ đung đưa trước căn phòng ngủ đóng im lìm ở phía đối diện.

"Hạ Huyền."

Anh đặt chén xuống, quay mặt, ngón tay vô thức cong lại.

Ông lão biết ý lui ra ngoài. Người vừa cất giọng bước tới gần rồi ngồi xuống bên cạnh. Trong phòng chỉ còn hai người, người ấy nhìn anh chăm chú.

Ngoại trừ tóc hơi dài, bọng mắt hơi to, tổng thể không mấy khác biệt.

"Sao không gọi em ra đón?" Người ấy hỏi.

"Khỏi cần. Mưa lắm."

"Đi mệt không?"

"Bình thường."

"Ăn trưa chưa?"

"Chưa."

"Đói không? Em làm đồ ăn sẵn rồi. Bảo già Vĩ mang lên cùng ăn luôn nhé."

"Ừm. Đợi một lát đã, tôi muốn nói chuyện với em."

Người ấy bật cười, hai mắt cong lên như vầng trăng. Tảng đá mơ hồ trong lòng Hạ Huyền đặt xuống.

"Em mới uống thuốc à?"

"Ừ. Lát nữa sẽ buồn ngủ cho xem. Em không muốn dùng nhiều, nhưng bác sĩ cứ nhắc đi nhắc lại. 'Ba lần một ngày trước khi ăn', 'Ba lần một ngày trước khi ăn', 'Ba lần một ngày trước khi ăn'. Đấy, ba lần. Cứ bảo thuốc ngoại chữa bách bệnh. Xạo hết. Uống mãi mà có khỏi đâu."

"Phải kiên trì."

"Anh nói chẳng khác gì bác sĩ cả," người ấy bĩu môi, mặt hơi xụ xuống. Hạ Huyền thấy buồn cười.

"Khỏe rồi, tôi đưa em đi du lịch."

"Không tin."

"Thật." Hạ Huyền nói.

"Đi đâu?"

"Nam Kinh, Trùng Khánh, Tân Cương, Hàng Châu, đâu cũng được."

"Em muốn đi cưỡi ngựa ở Tân Cương."

"Được."

"Đi leo Vạn Lý Trường Thành."

"Được."

"Leo Tây Tạng."

"Được."

"... Đi châu Âu."

"Được."

"Sộp ghê." Tiếng cười của người ấy giòn tan, vùi đầu vào cổ anh, ngửi mùi hương trên người anh. Nước trong suốt nhỏ tí tách dưới chỗ mái bị dột, đốm đỏ vẫn đung đưa ở khóe mắt. Màn mưa xám ảm đạm chưa tan. Trong tiếng mưa, người ấy thì thào rất nhỏ, cho Hạ Huyền nghe, mà cũng cho chính mình nghe.

"Cả hai đều phải kiên trì."

Hạ Huyền thở khẽ trong lòng.

.

Ngày anh tòng quân, Sư Thanh Huyền cũng có mặt.

"Đừng khóc."

"Ai thèm khóc." Sư Thanh Huyền nói, quẹt ngón tay qua khóe mắt. "Anh đừng có mà khóc."

Anh bật cười, hơi rũ mắt nắm lấy tay cậu. Xung quanh bọn họ, những bà mẹ, những người vợ, đám trẻ con khóc ré lên không hiểu ý nghĩa của sự ồn ào này. Hôm nay trời cũng không trong. Anh mặc bộ quân phục màu xám, mái tóc dài chỉ mới một tuần trước giờ đã cắt hẳn thành húi cua, lại khiến gương mặt có vẻ sáng sủa lạ thường. Sư Thanh Huyền vẫn thường bảo anh trắng quá, giờ đi dầm mưa dãi nắng, chẳng biết có đen đi được tí nào không.

"Tôi đi trước, xem ở đấy có cái gì hay mà người ta khen suốt thế, để xem có xứng đưa em qua chơi không nhé."

"Được. Viết thư về, kể hết, cái gì cũng phải kể."

"Ừ."

"Rồi về nhớ phải đưa em đi du lịch."

"Ừ. Nhớ mà."

Sư Thanh Huyền nắm lấy tay anh, nhìn thật lâu, muốn nhớ thật kỹ dáng hình này, giọng nói này, ánh mắt này, muốn làm gì đó nhiều hơn. Xung quanh cậu, người ta không ngần ngại trao nhau những nụ hôn gấp gáp, những cái ôm thân mật, những lời âu yếm mùi mẫn. Tình yêu của bọn họ phơi bày ra trước ánh sáng trong cảnh biệt ly, kiêu hãnh, bi thương, cao thượng, đẹp đẽ, thứ tình yêu hết thảy ai nhìn vào cũng phải rơi nước mắt.

Cậu bỗng thật sự thấy mệt quá. Sư Thanh Huyền bước tới, ôm chặt lấy anh, vùi mặt trộm đặt một nụ hôn lên mái tóc húi cua của anh, đeo lên cổ anh một thứ hẵng còn mang hơi ấm của lòng bàn tay cậu. Dường như chính anh còn chưa kịp hoàn hồn, cậu đã buông ra. Tất thảy chỉ trong một khắc ấy thôi.

Con tàu lăn bánh, ống khói hơi nước ở đầu tàu rít lên từng hồi inh tai, cậu đứng ở bến, níu theo đôi mắt anh đến tận khi con tàu đã mất dạng, nghĩ đến rất nhiều thứ.

.

29.7.1937

Giờ này em đang làm gì?

Ở đây đang là buổi chiều, ở chỗ em đang là mấy giờ?

Em đã uống thuốc chưa? Dạo này vẫn ăn đủ chứ? Thuốc này uống mất ngủ, tôi đã dặn già Vĩ mỗi ngày phải nấu trà tâm sen cho em rồi, táo nhân mang về từ lần trước chắc sắp hết, nhớ bảo già Vĩ mua ở cửa hàng thứ ba tính từ đầu phố Giang Hải chứ không phải cửa hàng đối diện. Ở đấy họ sao kỹ.

Hôm nay đào hào phát hiện một hòm xu cổ, anh em chia nhau mỗi người một đồng làm vật may. Chẳng biết may được bao nhiêu, nhưng chắc em sẽ thích, tôi mang về cho em.

Tôi mới đổi một nửa bánh xà phòng cho Đại Hùng, cậu ta cho tôi nửa lọ mực. Ở đây giấy viết thư hiếm lắm, mực lại càng khó tìm. May mà tôi còn cuốn sổ tay, nếu không chỉ dựa vào trí nhớ để kể cho em thì cũng đau đầu. Cái gì cũng phải nhớ, mà tôi thì lại không giỏi kể chuyện.

Tháng Bảy ở vùng này lạnh với khô hơn chỗ mình. Ở đây còn có cả sóc nữa, em chưa được thấy sóc bao giờ, lúc nào về tôi sẽ mang một con về cho em nuôi, con nào hiền hiền, nhỏ nhỏ thôi. Cây cỏ cũng có nhiều giống lạ. Các anh em đã học được cách thổi lửa không cần mồi. Thịt thú rừng thật ra khá ngon, mặc dù làm hơi cực.

Ban ngày rất mệt, nhưng tối đến đặt lưng xuống lại hay trằn trọc. Vật may của em tôi luôn mang bên mình.

Mong em vẫn khỏe. Nhớ em nhiều.

.

"Thiếu gia! Thiếu gia! Có thư!"

Sư Thanh Huyền khoác áo chạy vội ra ngoài, không cả buồn mang ô.

"Cậu mau mau vào nhà đi. Ướt hết bây giờ!"

"Thư đâu già?"

"Thư đây. Lão đang cầm đây. Cậu vào đi kẻo ướt, thư cũng không đọc được dưới mưa mà. Nào nào..." Già Vĩ vừa nói vừa hối Sư Thanh Huyền vào nhà. Cậu ngồi xuống giường, cảm thấy cả người khẽ run lên, tim bắt đầu đập hơi mạnh. Cậu chống tay, cúi đầu thở từng hơi thật chậm.

"Đúng rồi. Thở chậm thôi, nào," ông rót một chén trà cho cậu, "Rồi. Uống một ngụm đi. Thư ở đây, không đi đâu cả."

Sư Thanh Huyền nhắm mắt, cảm thấy trái tim đã miễn cưỡng bình ổn lại. Cậu không mở mắt, nhận trà từ tay già Vĩ, nhấp một ngụm, tập trung vào hơi nóng đang tuột xuống cổ họng, chảy dọc qua con tim, tan ra như đốm than nhỏ trong bụng. Cậu nhấp thêm một ngụm nữa, vẫn nuốt thật chậm.

"Lão để thư ở đây nhé."

Sư Thanh Huyền đặt chén trà xuống. Già Vĩ lui ra. Cậu ngồi ngây người, nhìn chằm chằm vào xấp thư trước mặt.

Chẳng biết bao lâu sau, cậu mới run run vươn tay tới xấp thư, rút dây buộc, mở lá thư trên cùng.

29.7.1937

Giờ này em đang làm gì?

.

Bịch.

Cậu lính đang chạy ngay cạnh anh gục xuống. Máu chảy ra từ giữa trán.

Hạ Huyền chẳng có thời gian suy nghĩ, giật chiếc thẻ tên ở cổ cậu ta, nhặt lấy khẩu súng rồi tiếp tục chạy.

Một thứ xé gió vụt qua người anh, anh không chậm bước, không quay đầu lại.

Đạn bay tứ tung, khói lửa mù mịt. Một bên tai của anh đã ù đi từ bao giờ, tiếng nổ, tiếng súng, tiếng người như bị dìm nghẹn dưới nước sâu thăm thẳm, không thể phác ra nổi một đường nét rõ ràng.

Thời gian biến thành gió, không gian cũng biến thành gió, lao vun vút qua khóe mắt. Chiếc khoá trường mệnh giấu sau cổ áo đóng kín, va hờ vào ngực anh theo mỗi cú xóc. Nhịp đập ấy là điều hiện hữu duy nhất với Hạ Huyền bây giờ.

Hạ Huyền còn có lời hứa, rất nhiều lời hứa, anh chưa bắt sóc, nhưng đã đẽo một chiếc lồng gỗ nhỏ cho con sóc. Cuốn sổ tay đã viết quá nửa già, còn một cây quạt anh mua lúc đi qua một tiệm đồ thủ công nhỏ dưới chân một ngôi đền. Quạt làm bằng trúc đơn giản, hai mặt tô trắng, chỉ có độc một chữ "Phong", không hiểu sao lại làm anh nhớ đến cậu. Khi ấy chiến tuyến còn chưa đến đỉnh điểm, chẳng biết giờ tiệm thủ công có còn hay không.

Một nòng súng hiện ra sau làn khói. Hạ Huyền lao đến.

.

Sư Thanh Huyền đang mơ.

Anh đứng ở phía đối diện, nắm một sợi chỉ đỏ. Anh mặc bộ quân phục màu xám lúc chia tay, cậu không nhìn rõ mặt anh lắm, nhưng cậu nhận ra dáng người anh.

Anh kéo khẽ sợi chỉ, hình như anh muốn gọi cậu. Cậu giật mình hoàn hồn, lần theo sợi chỉ bước thật nhanh đến chỗ anh.

Cậu bước mãi, bước mãi, cậu nhận ra khoảng cách ấy hình như chẳng thu hẹp lại chút nào. Cậu lại cố gắng mau bước chân, cảm thấy hơi thở đã bắt đầu hơi hụt. Cậu phải dừng lại, chống đầu gối hít hai hơi thật sâu rồi nhìn lên. Anh vẫn đang đứng đấy, chờ, hình như anh đang mấp máy gì đó.

"Em không nghe được." Cậu hô, tiếng cậu không to lắm.

Cậu lại bước tiếp, lần này không dám đi quá nhanh.

"Em không nghe được." Cậu lại hô, nhưng vẫn không đủ to. Cậu giơ hai tay vẫy, lắc đầu. Hình như anh không hiểu. Cậu đành tiếp tục bám theo sợi chỉ, nhưng bước chân càng lúc càng nặng như rót chì. Sư Thanh Huyền bỗng rất bực, cậu càng cố đi thật nhanh, cả người cậu lại càng như bị níu xuống. Vẫn chỉ một khoảng cách ấy, nhưng cậu chẳng hề gần anh thêm chút nào.

"Đợi." Cậu khàn giọng gọi, cả người cậu sắp oằn xuống. Cậu mệt vô cùng.

"Đợi em một chút thôi." Cậu cố níu vào sợi chỉ.

Sợi chỉ chợt đứt phựt.

Sư Thanh Huyền mở bừng mắt.

Ngọn đèn dầu vẫn đang cháy leo lét trên bàn, ánh nến đổ bóng dài lên bức thư vàng vọt. Xung quanh không một động tĩnh, cửa chính đang mở, hẳn là gió thổi tung ra từ bao giờ, chiếc đèn lồng buông mình lơ lửng trước phòng.

Cánh tay bị tì vào mép bàn hơi tê. Sư Thanh Huyền đứng dậy, kéo kín áo khoác, bước ra. Bên ngoài tối om, bầu trời phủ một tầng mây lãng vãng đục ngầu, chẳng nhìn thấy trăng sao. Giấc mơ kỳ lạ ban nãy hẵng còn đè nặng trong tâm trí cậu. Sư Thanh Huyền vô thức thấy bất an.

Cậu thở nhẹ một tiếng, quay vào đóng cửa, định bụng sáng mai sẽ dậy sớm một chút vào thành phố gửi một bức điện lên miền Bắc.

Vào khoảnh khắc khi khe hở giữa hai cánh cửa sắp thu hẹp lại bằng một bàn tay, một ánh sáng đỏ ối lóe rực khắp bầu trời Thượng Hải, mang theo một tiếng nổ rầm trời, xé toạc không gian thành hàng vạn những mảnh vỡ mơ hồ.

.

"Ngày 13 tháng 10, như một nỗ lực cứu vãn cuối cùng trước thế suy tất yếu, quân địch dội bom xuống ba thành phố Thượng Hải, Nam Kinh, Tô Châu. Ngày 16 tháng 10, địch bị đẩy lùi hoàn toàn ở tiền tuyến phía Bắc, Tổng Tư lệnh trước khi bị bắt giữ đã tự tử trong đồn, thư ký cố vấn xin hàng, hàng ngàn tù binh bị bắt giữ. Ngày 18 tháng 10, nước địch tuyên bố thua trận, trao trả lại vùng lãnh thổ đóng chiếm, cắt một phần lãnh thổ ở biên giới phía Nam cho Trung Quốc."

.

Hạ Huyền tỉnh lần đầu vào ngày thứ ba, nhận được tin vào ngày thứ tư.

Khi vừa nghe tin, anh đã muốn đi ngay tức thì, cho đến khi y tá trưởng đến ấn một cú đau điếng không thương tình lên xương sườn anh, Hạ Huyền mới nằm xuống, gặm nhấm sự chờ đợi. Nắng rọi vào ô cửa sổ cố gắng bấu víu lên những con người bước qua. Sắc vàng bạc đi, lặng lẽ trườn dần ra ngoài cửa, nhường chỗ cho tấm màn đen đến độ tách những con người trong bệnh viện hẳn khỏi thế giới bên ngoài, rồi màu đen ấy lại bừng tỉnh, nắng lại chiếu vào. Một vòng tuần hoàn như sáp nhỏ giọt, kéo thõng xuống gần chạm đến đáy, mỏng dính, rồi đứt. Hạ Huyền chú mục vào giọt sáp ấy như một nỗi ám ảnh, không dám thở mạnh, không dám đặt mình ra ngoài sự giày vò của nó, bởi bên ngoài ấy là những suy nghĩ còn khủng khiếp hơn nhiều.

Đến ngày thứ mười, cuối cùng anh cũng được xuất viện. Bệnh viện cho anh một cây gậy bịt đế cao su, cùng một ít tiền tiêu dọc đường. Những người lính lên chuyến tàu về Thượng Hải về quê trong chiến thắng, về để gặp lại một đống hoang tàn.

Gió tháng Mười Một heo hắt lạnh lẽo, không gian mịt mù. Không còn xe kéo, anh đi bộ về toà viện cũ. Một bên tai anh đã bị tổn thương vĩnh viễn, dáng đi của anh hơi nghiêng về một bên như chiếc xe mất trọng tâm. Anh bước qua những mảng tường sập đen thui, thoáng thấy mấy bóng người lầm lũi đẩy xe cút kít tìm, tìm gì, trong những đụn gạch vỡ, anh không biết. Anh đi qua tiệm thuốc thứ ba tính từ đầu phố Giang Hải, toàn bộ phần đằng sau đã sập, chỉ còn lại lớp mặt tiền dựng đứng như một tấm bìa đồ chơi, giả vờ làm một cái nhà. Tiệm cắt tóc nơi cậu khăng khăng đòi dẫn anh tới trước ngày tòng quân không thấy đâu, nhưng anh biết mình không đi sai đường. Tóc anh bây giờ đã lại dài ra rồi, da cũng đã đen đi một ít.

Đoạn tường bao quanh phía Tây và Nam toà viện cũ đã biến mất, chẳng cần bước vào, Hạ Huyền cũng có thể nhìn thấy cảnh tượng bên trong.

Không còn giàn hồng leo, khoảnh sân nhỏ lấp kín đất đá. Mái ngói đã rụng hết gạch, để lộ ra khung xương bên trong. Cái nhà vẫn còn nguyên hình dáng, Hạ Huyền thậm chí có thể nhìn ra giường ngủ phòng cậu đứng từ đây, chiếc bàn nhỏ trước giường, bọc một lớp bụi đất dày, cái đèn lồng trước phòng ngủ thì đã rơi đâu chẳng rõ.

Mười ngày, vô vàn suy nghĩ, vô vàn nỗi sợ, sự chờ đợi thống khổ ăn mòn Hạ Huyền từng giây từng phút. Nhưng giờ đây, khi đối mặt với hiện thực, hàng ngàn cảm xúc lại trung hoà lẫn nhau, tích tụ lại quá nhiều, quá lớn, để rồi hoàn toàn vỡ oà như bong bóng dưới áp lực, tan biến không chừa lại một vết tích về bất cứ thứ gì bên trong, chỉ để lại cái xác rỗng.

Anh nhấc bước.

Gian chính không còn cửa, chiếc bàn uống trà vẫn còn, bên trái là phòng già Vĩ và phòng bếp, đã biến mất theo bức tường phía Tây. Hạ Huyền không sang bên ấy.

Anh cẩn thận lựa chỗ đặt chân trong đống đổ nát, bước vào phòng ngủ, phát hiện ra cái ghế gỗ rơi ngang trên mặt đất, một chân đã bị gãy. Anh dựng nó lên, lấy một miếng gạch lót xuống dưới, phủi qua loa trên mặt ghế rồi ngồi xuống.

Trời sẩm tối. Bầu trời tháng Mười Một chẳng có sự huy hoàng của những mùa khác. Màu trắng mờ dần, tối dần đi, như thể ai đó đang vặn nhỏ đèn, thật chậm rãi, cho đến khi, "tách" một tiếng, chỉ còn độc một màu đen kịt, nuốt trọn lấy bóng lưng cô tịch đang run lên từng hồi trong căn phòng chết.

.

Cái lạnh ban đêm chọc đến vết thương cũ của Hạ Huyền. Anh ngồi mãi cho đến lúc kiệt sức thiếp đi, rồi lại tỉnh dậy vì đau, cứ ngồi lặng lẽ như thế trong không gian yên ắng. Anh lấy vật từ trong túi áo ra. Viên đạn gần như xuyên qua mặt khóa. Bác sĩ bảo phúc tinh của Hạ Huyền rất thiêng, bởi chiếc khóa trường mệnh ấy thật sự đã cứu anh một mạng. Viên đạn chỉ cần chệch đi một chút nữa thôi. Khoảng cách giữa sống và chết chỉ mỏng bằng một sợi tóc như thế.

Nhưng đường ranh ấy hình như đã trở nên vô nghĩa rồi. Bởi Hạ Huyền cảm giác mình đã già đi cả chục tuổi, cảm giác bây giờ mình ngã xuống và chết ở đây cũng được.

Chỉ là anh chưa được chết. Già Vĩ còn đang đợi anh. Cậu còn đang đợi anh.

Hạ Huyền quơ cây gậy, bước ngược lại con đường ngày hôm qua. Thượng Hải là một thành phố trẻ, bình thường từ sáng sớm phố phường đã bắt đầu rục rịch. Sự tĩnh mịch này khiến người ta cảm giác mình đã lạc vào một thế giới khác.

Trại cứu tế là một nhà hàng cũ có tiếng trên phố, được trưng dụng khẩn cấp sau khi bệnh viện bị sập trong đợt thả bom. Một nửa số người trong đây đã được chuyển đi, chỉ còn lại những người vô phương cứu chữa, hoặc chưa có người thân đến nhận. Giờ còn đang sáng sớm, ba bốn y tá nữ đã dậy để kiểm tra tình trạng bệnh nhân. Một nữ y tá ngồi ở quầy trước cửa ghi sổ sách. Hạ Huyền hắng giọng.

"Xin lỗi."

Nữ y tá nhìn lên.

"Tôi..."

"Anh đến nhận người đúng không?" Nữ y tá hỏi.

Hạ Huyền hơi đờ người, một thoáng sau mới gật đầu.

"Họ tên là gì?"

Ở trong góc phòng, một nữ y tá cúi người nhìn một bệnh nhân, sau đó vội vàng đi gọi bác sĩ, đồng thời ra hiệu với ba nữ y tá ở gần. Giọng Hạ Huyền nghẹn lại.

"Họ tên là gì, thưa anh?"

Bác sĩ và bốn nữ y tá xúm lại quanh chiếc giường, ít lâu sau, một chiếc cáng được mang tới.

"Sư... Sư Thanh Huyền, và Mẫn Vĩ."

Hai nữ y tá khiêng cáng phủ vải trắng đi qua sau lưng anh, tấm vải gồ ghề ra ngoài, mất hút. Nữ y tá trước mặt đang giở danh sách, nỗi sợ hãi lạnh lẽo bò dần lên người anh. Hạ Huyền suýt nữa lên tiếng.

"Trong đây không có."

Hạ Huyền hơi nghiêng đầu, chỉ vào bên tai phải. Nữ y tá hiểu ra, lặp lại rõ ràng.

"Trong danh sách không có ai tên như thế. Anh phải đi tìm thôi. Ngay lầu một là những bệnh nhân chưa xác định được danh tính."

Không phải người nào cũng xác định được danh tính, đây là điều dễ hiểu. Cùng với nỗi sợ đang dần choán lấy, một thứ khác bắt đầu nhen nhóm mà anh không dám chạm vào.

Hạ Huyền gật đầu, từ chối đề nghị đi cùng của nữ y tá rồi quay đi. Ba bốn dãy giường bệnh trải dài trước mắt anh, hình ảnh bệnh viện quân y như sống lại trước mắt. Hạ Huyền có thói quen làm việc nhanh gọn, nhưng lần này, anh không dám đảo mắt, chậm chạp lết mình đến giường bệnh đầu tiên. Trên giường là một bà lão, ngoại trừ bó bột quanh cổ, cả người bà hoàn toàn bình thường như chỉ đang ngủ. Ở giường ngay kế bên là một người đàn ông trung niên, ống quần ông xẹp xuống đột ngột ở đoạn ngay dưới đầu gối. Sang đến giường bên cạnh là một bé trai, nếu nhìn mặt em chỉ khoảng mười một, mười hai tuổi, nơi lẽ ra phải là bàn tay đang quấn băng trắng.

Hạ Huyền ngây người nhìn em chốc lát, rồi kéo mình đi tiếp. Anh bước qua từng giường bệnh, nhìn từng khuôn mặt, từng cơ thể tàn tạ hay lành lặn, nỗi sợ hãi lơ lửng như lưỡi dao trên đầu, trong bất cứ khắc nào cũng có thể rơi phập xuống. Khi nhìn thấy một dáng người quen thuộc đang nằm quay lưng về phía mình, Hạ Huyền khựng lại, ngay cả lúc đối mặt với nòng súng, khi người bạn chiến đấu bên cạnh ngã xuống như một món đồ vô tri vô giác, Hạ Huyền cũng chưa từng sợ hãi đến nhường này. Anh vô thức siết chặt chiếc khóa trong túi áo, ép mình đi tới gần.

Nhưng đó không phải Sư Thanh Huyền.

Hạ Huyền tưởng mình có thể ngã quỵ.

Hết một dãy, rồi một dãy, đến giường bệnh cuối cùng, thứ tàn đỏ nhen nhóm trong lòng anh bùng lên thành một đốm sáng.

"Nếu anh không thấy thì đến trại tị nạn ở nhà hát cũ." Nữ y tá nói bằng một giọng chuyên nghiệp, không hề để lộ ra một chút cảm xúc nào. Hẳn lời này cô đã nói rất nhiều lần, với rất nhiều người rồi. Hạ Huyền gật đầu cảm ơn, bước ra ngoài, đi về phía nhà hát cũ.

.

Trái ngược hẳn với trại cứu tế, nhà hát la liệt người. Những con người may mắn thoát chết xáp lại gần nhau, nỗi ám ảnh còn chưa tan, tương lai vô định ở trước mắt, chỉ có hơi ấm hữu hình của người thân mới làm chiếc mỏ neo cho con thuyền bấp bênh của họ.

Vẫn cái tên ấy, Sư Thanh Huyền, Mẫn Vĩ, vẫn một nữ y tá, giở danh sách, ngón tay hơi gân guốc lướt dọc theo hàng tên. Sợ hãi chen lẫn hy vọng dâng lên, sắp bóp nghẹn anh. Chiếc khóa trường mệnh trong túi áo như sắp đốt bỏng anh.

Hạ Huyền bỗng nghe thấy có người gọi tên mình.

Tiếng gọi ấy không lớn, bị át đi bởi một bầu những âm thanh hỗn loạn khác, không phát ra từ người phụ nữ này.

Lại một tiếng gọi nữa, gần hơn, Hạ Huyền không tìm thấy nguồn của nó, nó như ở khắp xung quanh anh, bủa vây lấy anh, lại cũng như đang trốn tránh khỏi anh, vuột khỏi tầm tay anh.

Nhưng giọng nói ấy, đến tận lúc cận kề cái chết, anh cũng không quên.

Hạ Huyền quay lại.

Sư Thanh Huyền đứng ở đằng xa, bằng xương bằng thịt, lành lặn, ánh mắt ấy thật hơn bao giờ hết, mang ánh sáng đến xua tan cơn ác mộng giày vò đeo đẳng.

Sư Thanh Huyền lại lần theo sợi chỉ đỏ, lần này, nó đưa anh đến gần cậu.

.

Già Vĩ yếu đi nhiều sau đợt ấy, hai năm sau ông qua đời. Đến năm 1941, chiến tranh lại nổ ra, Hạ Huyền được miễn tòng quân vì thương tích cũ. Hai người chuyển về quê, tìm một căn nhà bỏ hoang, nghe nói chủ nhân đã bỏ đi từ trước năm 37.

Mọi người trong làng ban đầu rất hiếu kỳ về sự xuất hiện của hai thanh niên lạ mặt. Cả hai đều còn trẻ, nhưng lại không đi lính, không ở thành phố, thậm chí còn không lấy vợ mà lại sống cùng nhau, như hai ông bạn già về quê quy ẩn cuối đời.

Hạ Huyền từng hứa sẽ đưa Sư Thanh Huyền đi du lịch khắp nơi, nhưng hoàn cảnh không cho phép, bởi vậy anh đổi lại bằng những thứ khác. Anh đào một khoảnh sân nhỏ ở đằng sau, trồng rau, nuôi gà. Ở trước nhà có hai cây ngân hạnh, hai người chờ hái quả vào mùa hè, ngắm sắc vàng nhuộm rực sân mùa thu. Không mang được sóc về, anh xin một con chó con trong làng cho Sư Thanh Huyền. Sinh nhật Sư Thanh Huyền, anh tặng cậu một cây quạt thủ công.

Đông qua, xuân tới, bốn mùa nối đuôi như đèn kéo quân. Cuộc sống cuối cùng cũng đã tìm thấy một nhịp điệu, vui có, mà buồn cũng có, nhưng trên tất cả, có sự bình yên. Hai người từng quay về Thượng Hải một lần sau hòa bình. Thành phố năm nào đã hoàn toàn thay da đổi thịt, phải mất cả buổi sáng, họ mới tìm lại được về tòa viện cũ, chỉ thấy nó đã biến thành một con đường, những năm 40 mãi nằm lại đấy trong dòng chảy của thời gian.

Ngày Sư Thanh Huyền đi, trận mưa rào đầu tiên của tháng Bảy vừa hạ. Cơn suy tim tới đột ngột trong giấc ngủ im lìm.

Không ai biết trong giây phút cuối cùng của mình, Sư Thanh Huyền có mơ hay không. Hạ Huyền thích nghĩ là có.

Nếu có, hẳn trong mơ, Sư Thanh Huyền đã thấy rất nhiều chuyện. Thấy lần đầu hai người gặp nhau, Hạ Huyền tưởng cậu chỉ là một tên công tử bột, tiểu tư sản sắp ngã đài, còn Sư Thanh Huyền nghĩ anh là một nhà báo cực cấp tiến, nhưng quá lạnh lùng. Thấy lần đầu hẹn hò, Sư Thanh Huyền mời Hạ Huyền vào nhà, sự im lặng khó xử khiến cho cậu thẹn chín mặt, quay phắt đi toan đóng cửa, suýt nữa dập vào tay anh. Lần đầu tiên thật sự xa nhau, Sư Thanh Huyền dồn hết hy vọng và không cam lòng cả một đời vào chiếc ôm vội vã, mang anh về từ bom đạn khói lửa.

Nếu có, hẳn trong mơ, Sư Thanh Huyền cũng đã thấy khung cảnh ấy, trong nhà hát nguy nga bị trưng dụng làm trại tị nạn, giữa hàng trăm con người, một bóng người đứng ở cửa, chống gậy, người hơi nghiêng về bên trái. Tóc người ấy đã hơi dài, dầm mưa dãi nắng lâu như vậy, da chắc cũng đã phải đen đi.

Người ấy quay đầu lại, dường như chưa định hình được tiếng gọi tên mình đến từ đâu. Sư Thanh Huyền lại gọi. Rồi trong một giây khắc.

"Hạ Huyền."

Họ đã tìm được nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro