Một người bạn.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- "Lệ Sa, em nghe tin gì chưa? Ngày mai con Thái Anh sang Pháp du học."

Chị Tú chạy ùa vào phòng tôi, hớt hả. Cái tin Thái Anh sang Pháp du học, tụi trong lớp đồn ầm cả lên cả tuần nay chớ có phải tin sốt dẻo mấy đâu, chỉ có Trí Tú chị hai tôi là cập nhật chậm trễ. Dĩ nhiên là tôi biết, còn là người được biết đầu tiên. Người tên Thái Anh đối với tôi là bạn học, là hàng xóm, là cô thiếu nữ vừa tròn mười tám xinh đẹp, là người tôi si mê điên dại suốt ba năm qua.

- "Em biết rồi." _ Tôi trả lời, với chút ít ưu tư lấp ló sau đuôi mắt.

- "Em để con nhỏ đi thiệt đó hả?" _ Chị Tú kéo chiếc ghế gỗ ngay bàn học sát vào đầu giường, chị gác chéo chân và bắt đầu luyên thuyên về những chuyện thời thơ ấu, những việc đáng lý tôi phải làm như là chạy ù qua nhà Thái Anh và bằng mọi giá ngăn cản cô ấy.

Tôi đơn thuần là ngồi bó gối trên giường lắng nghe, và rồi để lời chị hai từ tai này lọt tai kia rón rén chạy đi mất. Chị Tú là người ngoài cuộc, chị ấy đối với Thái Anh đơn thuần là một người chị hàng xóm tốt tánh và xởi lởi. Nhưng với tư cách là chị hai tôi, chị ấy hiểu rõ con em mình hơn bất kì ai hết. Chị biết tôi tương tư Thái Anh, chị biết tôi mỗi ngày dậy sớm đèo Thái Anh đi học trên con xe đạp cà tàng cũ rích, biết tôi là con nhỏ phá phách chẳng ham học hành nhưng vẫn cam tâm tình nguyện thức mấy đêm liền chép bài cho Thái Anh lúc con nhỏ phải nghỉ học vì bệnh. Tình cảm tôi dành cho Thái Anh chất chồng cả thảy ba năm liền muốn nói ít cũng không được, thế nhưng đoạn tình cảm này, tôi biết, chị Tú biết, mọi người trong lớp đều hiểu rõ, chỉ duy nhất cô gái Thái Anh kia là chưa bao giờ nhận ra. Thử hỏi, bảo tôi chạy đến ngăn cản cô ấy với tư cách gì bây giờ?

- "Thái Anh chỉ xem em là bạn, với em, làm bạn cũng đủ rồi. Cô ấy sang Pháp là phải, cô ấy nói là muốn trở thành ca sĩ, bên đó có nhiều cơ hội cho ước mơ của Thái Anh, giữ Thái Anh lại chính là cản trở ước mơ của người ta, giữ lại chỉ vì em yêu người ta chính là em ích kỉ."

Tôi nói mà không tin vào tai mình, tôi có thể cảm nhận được đôi đồng tử đen láy của chị Tú co thắt đôi chút, trước mặt mình là một con nhỏ mười bảy tuổi, chị ấy sẽ không dám tin là chính miệng tôi nói về ước mơ về tương lai và về sự ích kỉ của con người. Vậy mà tôi thốt ra dễ dàng và trơn tru như không hề có một nỗi dằn vặt nào hiện hữu trong tâm trí. Chị ấy đứng dậy và vỗ vai tôi, tôi chỉ biết nhìn theo bóng lưng chị ấy bước ra khỏi căn phòng mà cười nhạt. Rốt cuộc tôi hèn mọn đến mức nào mà ngay cả lời tỏ tình đơn giản tôi cũng chưa một lần bày tỏ, nhưng liệu nói ra rồi tôi còn giữ được tình bạn quý giá hiện tại hay không?

.
- "Lệ Sa! Mấy người xuống đây tui nói nghe!" _ Thái Anh đúng là con nhỏ đáo để, cái sân thượng khó leo nhất Sài Gòn nó cũng dám trèo lên, đung đưa trên cây cầu thang sắt mục nát mà gọi tôi xuống. Tôi còn cách nào khác ngoài nhanh chóng tìm đường xuống, để con nhỏ đu người như vậy coi sao được.

- "Thiệt tình, định trốn mày mà không được." _ tôi gãi đầu, đội xụp chiếc nón lưỡi trai cố tránh ánh mắt của con nhỏ.

- "Ngày mai tui đi thiệt rồi đó." _ Thái Anh đá đá chiếc lá khô dưới chân, nói mà không thèm ngẩng mặt lên nhìn tôi.

- "Ừm. Đi thì đi đi. Nói tui chi nữa." _ Tôi ngã người dưới gốc cây cổ thụ trong công viên ngắm những tán cây ngoằn ngoèo vươn cành xoè tán che lấp mấy tia nắng vàng hoe rơi rớt từ mặt trời chói loá.

- "Bộ mấy người không định nói gì với tui thiệt hả?" _ Thái Anh phụng phịu, đống lá bàng khô bên dưới chân cũng bị cô đạp nát.

Tôi cởi chiếc nón trên đầu mình ụp vào mái tóc màu hạt dẻ của Thái Anh. Lợi dụng đó xoa xoa đầu con nhỏ.

- "Đội vô đi, nắng lắm. Coi chừng ấm đầu."

Tôi thấy mắt nó long lanh như mặt nước bị mặt trời chiếu vào, rồi Thái Anh chộp lấy tay tôi, đan từng ngón tay của nó vào bàn tay mình, bàn tay con nhỏ mềm mại và mịn màng như tay em bé. Tôi hôn lên bàn tay nó, như một lời từ biệt. Thái Anh nhào cả thân người nó ôm chầm lấy tôi, cả hai chúng tôi ngã lăn ra nền cỏ, có thể là công viên buổi trưa quá vắng vẻ, nên tôi nghe rõ từng tiếng đập mạnh mẽ trong lồng ngực Thái Anh.

- "Thái Anh? Mấy người bị sao đó? Tự nhiên ôm người ta, sến quá."

Tôi gượng gạo nói như đứa trẻ bị bắt quả tang ăn cắp cái bánh bao trứng cút mà bà nội để dành. Thái Anh nằm trên người tôi, tóc tai rũ rượi, dù nói thế nào nó cũng không định buông tôi ra.

Ánh nắng mười hai giờ trưa đúng là vừa chói chang vừa bức bối, thế mà ngay cả khi bị cô ấy đè lên người, bãi cỏ xanh dưới lưng tôi tựa hồ như chiếc giường lót nệm êm ái. Thái Anh dưới ánh nắng lại rực rỡ như con chim chào mào chập chững vung cánh tập bay, Thái Anh trước mặt tôi với khoảng cách rất gần đang thở nhẹ và đều đặn, tôi cũng chẳng dám nhúc nhích một li nào. Dù đây chẳng phải lần đầu tôi và Thái Anh đụng chạm cơ thể nhau, nhưng hôm nay người tôi rạo rực khó tả. Phải chăng cảm giác lạ lùng này là do sự dậy thì trong cơ thể mang đến? Người tôi toát mồ hôi và tâm trí thì mơ màng, tôi giữ tỉnh táo để không nghĩ rằng Thái Anh hiện tại là đang cố quyến rũ mình, bằng cơ thể, mùi hương, và đôi con ngươi mê hồn làm người ta nguyện đắm trong hồ nước phủ sương long lanh thuần khiết.

- "Tóc em thơm không? Là hoa bưởi mà Sa tặng em."

Đột nhiên Thái Anh đổi cách xưng hô, tôi chưa kịp bất ngờ lại bị mùi hương hoa bưởi trên tóc em quện lấy. Tôi nhắm mắt và thật thà ngửi. Hít lấy hít để cái mùi thân quen này trước khi rời xa nó. Dù em có đang thật sự muốn quyến rũ Lệ Sa này hay không, ít ra là tôi nên thừa nhận, trong đầu mình có loé lên vài viễn cảnh thiếu trong sáng và chưa đủ tuổi mặc dù trên người chúng tôi đang có nhiều hơn hai lớp quần áo.

- "Thơm. Hoa bưởi đương nhiên là thơm rồi." _ Tôi mở mắt, trả lời bâng quơ, nhẹ nhàng vuốt lại mái tóc suông dài ấy ngay ngắn nằm gọn hai bên tai.

- "Mai em đi rồi mà mấy người thiệt tình không có gì muốn nói với em sao? Bạn bè kiểu gì vậy?" _ tôi thấy đôi mắt bồ câu của em ngấn lệ, hàng lông mi cong dài run run, bờ môi kia thì mấp máy chẳng ngừng. Tai tôi nghe rõ hai chữ "bạn bè" mà em thốt ra sao mà nặng nề đay nghiến. Cả cái cách em đem ánh mắt mong mỏi đầy hy vọng và dò xét nhìn chằm chằm tôi. Phác Thái Anh! Em đang mong chờ điều gì ở tôi? Một câu xin em ở lại? Hay một cái vẫy tay chào nhau lần cuối?

- "Không."

Tôi dứt khoác nói, để em rời khỏi người tôi mà không có nổi một cái níu tay. Em ngoảnh mặt hậm hực chạy đi mất, nhìn bóng lưng mong manh của em ở đằng xa, tôi thấy em đưa tay mạnh bạo quẹt đi dòng lệ đã nhào ra mí mắt.

Tôi không buồn vì Thái Anh rời xa tôi, tôi buồn vì ngay cả khi em rời xa tôi mà tôi cũng không thể nói thẳng thừng với em là tôi thích em nhiều lắm, nhiều như nắng vàng mùa hạ, như lá rụng mùa thu. Tôi thích em mỗi mùa trong năm, thích em ngày này qua tháng nọ, thích em trọn vẹn ba năm thanh xuân chóng vánh. Nhưng tôi cũng mong em hiểu rằng tôi còn một nhiệm vụ quan trọng hơn để thực hiện, trước khi rước người về với mình. Có thể em thích tôi, tôi sẽ nghĩ như thế để trái tim mình được an ủi phần nào trong quãng thời gian xa em dài đằng đẵng.

Và em đã đi, ngày mọi người tiễn em ra phi trường tôi chỉ dám đứng nhìn từ xa, em vận lên thân thể ngọc ngà một chiếc váy suôn màu xanh lam cùng đôi giày búp bê màu trắng thời thượng. Che đôi mắt mình bên trong chiếc kính râm bản lớn sành điệu, em vừa vẫy tay vừa khóc. Tôi muốn lao đến ôm trọn thân thể mỹ miều kia vào lòng và dỗ dành em xiết bao. Nhưng tôi biết là chân tôi không đủ lực và trái tim tôi sẽ còn khốn khổ hơn nhiều. Em kéo vali đi khuất bóng hình sau khung cửa, lòng tôi không gợn sóng mà cuồn cuộn, trong suốt những ngày em còn lẩn quẩn bên mình, tôi quên mất chẳng kịp hỏi em một câu.

  "Em đi rồi em sẽ quay về đúng không?"

.

.

Tôi vì sao lại đớn hèn đến câu tỏ tình mà còn không dám ngỏ? Vì sao tôi không đứng lên giành lấy và khẳng định tình yêu của mình? Dĩ nhiên tôi có chứ, tôi có một kế hoạch lớn. Trước khi trở về nhà với hàng tá suy nghĩ bâng quơ chất chồng và nghe chị Tú luyên thuyên vẽ vời tô nét lại trang giấy kỷ niệm mà tôi gói ghém cất kỹ trong tim, tôi đã đến nhà Thái Anh, đó là một căn nhà ba tầng đồ sộ, khang trang nằm trên đại lộ Nguyễn Huệ.

"Con đừng theo đuổi Thái Anh nhà ta nữa, có thể chấp nhận để Thái Anh làm bạn với một đứa như con đã là khiêm nhường lắm rồi. Phác gia xưa nay không để con cái giao du với phường không cha không mẹ. Hãy buông bỏ Thái Anh, con thực sự không xứng với nó."

M'dame Hoàng Oanh nổi đình đám với mái tóc uốn bồng, hàng chơn mày lá liễu sắc nét và tẩu thuốc màu đỏ gạch chễm chệ mỗi tuần trên trang bìa nhật báo Văn nghệ, bà là mẹ của Thái Anh. Bà từng là cô ca sĩ nổi nhất nhì Sài Thành hai mươi năm trước, bây giờ khi đã lui xuống sau ánh đèn nhường sân khấu rực rỡ cho lứa ca sĩ trẻ nhưng người ta vẫn hay nghe được chất giọng vàng son của bà đọc mấy lá thơ tình qua radio mỗi buổi xế chiều chủ nhật. Ở cái tuổi tứ tuần này, bà vẫn giữ vẹn nguyên nét kiêu kỳ đạo mạo của một bậc đại mỹ nhân.

"Nhưng con thương Thái Anh thật lòng."

"Ta không phủ nhận rằng con không thương con gái ta. Mà ta nói rằng con không xứng với nó. Con nhìn xem, nhà ta giàu, uy quyền và tiền bạc đều không thiếu. Thái Anh lại là con gái độc nhất của vợ chồng ta, liệu ta có yên lòng không khi giao cả đời Thái Anh cho một đứa con gái đến cái nghề vẫn chưa có?"

Bà Oanh ngồi xuống bàn, bật chiếc zippo châm vào tẩu thuốc trên tay, gương mặt trầm ngâm của bà lẫn vào làn khói trắng đục. Nét âu lo và sầu muộn ánh lên đôi mắt kẻ chì đậm đen, bà ngồi trầm mặc giữa những bức tranh sơn mài treo trên tường, bà ngước nhìn xung quanh căn nhà rộng lớn và dừng mắt trên đôi giày da đã tróc và mòn đế của tôi.

"Uy quyền và tiền bạc. Ở thời này người ta dựa và hai thứ đó để đặt vào nhau niềm tin. Thái Anh chỉ du học bốn năm, nó cũng chẳng phải đứa ngốc mà không nhận ra tình cảm con dành cho nó. Chỉ cần sau bốn năm, con thay đổi được vị thế của mình, hãy đến đây, nếu lúc đó cả hai còn để nhau trong tim, tự tay ta sẽ trao Thái Anh cho con. Còn bây giờ, đừng nói gì, cũng đừng hứa hẹn, hãy chứng minh với ta bằng hành động."

"Có một chuyện người làm con thắc mắc quá. Bà không ghê tởm tình yêu giữa hai người con gái sao? Trong khi thiên hạ cho rằng đó là một căn bệnh đáng bị nguyền rủa."

Tôi khúm núm một hồi cũng có thể dồn hết sức bình sinh để hỏi bà một câu, một câu mà đáng ra tôi nên giữ trong lòng, Sài Gòn những năm năm mươi, ai đời chấp nhận chuyện hai đứa con gái đem lòng yêu nhau. Thế nhưng, bà đã từ tốn trả lời mà không chút quan ngại. Bà điểm xuyến cho tôi một nốt thăng đột ngột trong bản nhạc trầm mà tân thời người ta luôn áp đặt vào thân phận của một người phụ nữ.

"Ta không việc gì phải ghê tởm, bước sang hàng bốn mươi không có nghĩa là ta trở thành một bà già độc đoán và cay nghiệt, nhất là trong tình yêu, ai cũng có quyền được yêu, ta mặc kệ thứ chết tiệt nào có thể cản trở nó kể cả giới tính. Đời này có nhiều thứ đáng khinh hơn một mối tình của hai người đồng giới, Thái Anh được quyền làm mọi thứ mà con bé muốn. Con rồi sẽ trở thành một bậc quý cô, mà quý cô thì không bao giờ quan tâm người ta nghĩ con mẹ gì về mình, chỉ cần mỗi sáng thức dậy và kiếm thật nhiều tiền là đủ khiến cho cuộc sống con bận rộn rồi. Vậy nên, nếu muốn lấy Thái Anh, hãy thành đạt, đó là giao kèo giữa hai chúng ta."

Madame Hoàng Oanh trước mặt tôi vẫn lộng lẫy dù bà không còn đứng trên sân khấu, bà ngồi tựa lưng vào ghế đệm và mân mê tẩu thuốc bóng loáng, bà nói chuyện nhưng ít khi nhìn thẳng vào mắt ai chỉ ngó nghiêng đây đó, dù thế nhưng bà dễ dàng đọc vị được tôi, dễ dàng trấn tỉnh tôi. Với chiếc giọng trầm ấm pha chút bản lĩnh của bụi trần, tôi không rõ cuộc đời bà đã phải trải qua những cớ sự gì, người ngoài nhìn vào và nói rằng bà là một người đàn bà có đôi chút ngạo mạn, nói năng thiếu cả nể và đôi khi không biết khiêm nhường. Nhưng thật ra, so với tất cả những bà mẹ ở đất Sài Gòn, bà yêu thương và tôn trọng con cái hơn cả. Đối với đứa đáng ra không có tư cách trở thành trụ cột cho cuộc đời Thái Anh như tôi, bà không đay nghiến, phân biệt mà hướng đường dẫn lối. Có thể madame Hoàng Oanh mãi mãi sẽ không xuất hiện trở lại trên sân khấu và ngân nga mấy bản tình ca sầu bi ảm đạm nhưng bà ấy vẫn tỏa sáng trên chính sân khấu của cuộc đời mình. Tôi cúi chào bà và rời khỏi với một trái tim bừng lửa, lần đầu tiên trong đời mình tôi định nghĩa được thế nào là hai từ "khát vọng".

.
Tôi cùng chị hai Tú mở một hiệu may ngay trên đường Lê Lợi. Tôi biết mình không phải kẻ bị thời gian bỏ lại phía sau, chính tôi phải tạo ra thời đại của mình. Nhà may Lệ Tú vì chiều theo lối may Âu phục sành điệu và hiện đại lúc bấy giờ đã lấy lòng được bao thế hệ lớn nhỏ người dân, tôi trau chuốt xét nét từng đường chỉ mũi kim trong mỗi bộ đầm được làm ra, và may sao nó khiến người ta ấn tượng mong muốn mặc lên người.  Chẳng bao lâu nhà may của tôi vụt lên như diều gặp gió. Giữa hằng hà sa số các nhà may áo dài cho mỹ nhân tân thời, chúng tôi đánh liều rẽ sang hướng may những bộ Âu phục cho phần lớn cánh đàn ông chưng diện, cổ điển, thanh lịch, hợp thời. Người ta ghé đến chỗ tôi ồ ạt mỗi ngày, đàn bà có mà đàn ông cũng nhiều, họ ao ước ướm lên người những bộ váy kiểu Pháp sành điệu với lòng ham muốn trở thành một quý bà quyền quý. Ngay lúc tôi biết mình đánh đúng vào tâm lý của giới thượng lưu Sài Gòn, chỉ cần khoác lên mình lụa là gấm vóc thì giá trị con người lập tức được đẩy lên theo cấp số nhơn. Cũng chính ngay lúc đó tôi nhận ra thời của mình đã đến.

Thời gian đẩy tôi trôi đi cùng vô số bản thiết kế đồ Âu mới mẻ được may ra mỗi năm. Số người làm mà chúng tôi tuyển phải chép vào hai quyển sổ lớn mới kể đủ họ tên. Tôi mở thêm một xưởng may ngay trên con đường Pasteur trực tiếp cạnh tranh với các hiệu may áo dài nức tiếng xứ Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ. Hiện tại, tôi biết vị thế mình ở đâu, ít ra khi ngồi uống cà phê đối diện rạp chiếu bóng Lệ Thanh đã có hơn hai vị nam nhân xin phép đốt cho tôi điếu thuốc lá loại nhất. Người ta nịnh bọt và gán cho tôi cái danh cô ba Lệ Sa của nhà may Lệ Tú, và luôn được cúi đầu chào. M'dame Hoàng Oanh nói đúng, tiền bạc quy định cách cư xử ở đời. Bước đến được nấc thang danh vọng ngày hôm nay, tôi phải đánh đổi mười năm ròng rã. Thế mà, sau chừng đó thời gian cả tôi và Sài Gòn trải qua nhiều biến động của thời cuộc, Thái Anh của tôi vẫn chẳng chịu về.

Đã thế, tôi đành tự vác thân sang tìm em.

- Con Hồng, con Đào! Vô tao biểu.

- Cô ba kêu có chuyện chi? _ con Hồng nhanh chân chạy vào phòng tôi trước, nó ngó nghiêng mấy mẫu thiết kế tôi vẽ dở dang trên bàn, một lúc sau con Đào mới tàn tàn đi vào.

- Hai đứa bây kêu người may gấp bẩy bộ này. Nhớ dặn tụi nó may cho khéo._ Tôi chìa ra trước mặt nó bảy mẫu thiết kế đầm tây mà tôi ấp ủ từ lâu mong có dịp được khoác lên người Thái Anh.

- Gì đây? May từ đống giấy lộn này á hả? Cô ba bị ấm đầu hả? May đồ không có số đo mà kêu may. _ con Đào thân là người làm trong nhà, mà riết rồi nó như muốn leo lên đầu cô ba này ngồi, đôi lúc tôi cũng bất lực lắm.

- May theo số đo của Mademoiselle Trân Ni, đệ nhất thanh lịch Sài Gòn. Được chưa? _ tôi trả lời, đầy hằn hộc, rồi lại quay sang thoăn thoắt thu xếp quần áo.

- May cho ai mà tới bẩy bộ đầm tây nhiều dữ thần vậy cô ba? _ con Hồng thắc mắc.

- Thái Anh. Người yêu của tao. _ tôi cười mắc cỡ, mường tượng ra cái cảnh tôi nắm tay em dạo bước khắp nẻo trên đất Sài Gòn.

- Đã tỏ tình với người ta đâu mà xưng người yêu ngang xương vậy cô. _ con Đào lại giở thói nói leo, cái nhà may này người làm vốn kín miệng, chẳng biết sao xui xẻo lọt đúng con nhỏ bép xép nhất xứ Nam kỳ vô tiệm.

- Đây, bây giờ tao đi dẫn người ta về làm vợ tao luôn cho bây vừa lòng. Lo mà may xong bảy bộ trước khi tao về, không là tao trừ hết lương tháng này, nghe chưa?

.

Tôi có thể hình dung, tương tư một người cũng giống như tự gài một quả bom nổ chậm trong lồng ngực, từng giây từng khắc trôi qua tôi đều nhớ em đến phát điên mà chẳng thể làm gì được. Đầu óc tôi rối bời và bắt đầu suy nghĩ nhiều thứ, tôi_ một cô gái đã bước sang tuổi hai mươi bảy có một cuộc sống tưởng như bình ổn nhưng đầy hoảng loạn. Và quả bom ấy đã nổ, làm trái tim tôi tan tành vỡ vụn, ngay khi tôi đặt chân đến đất Pháp và nhận từ chính tay em bức thiệp đỏ muộn màng.

Tôi nhớ mình đứng ở bốt điện thoại, cầm tờ giấy nhăn nheo ghi lại số phone bà quản lí của cô ca sĩ phòng trà Thái Anh, tôi nghe tiếng đồng xu rớt vào thùng bên trong và nhận ra tay tôi đang run rẫy quay số.

- [Bonsoir~]

- [Tôi cần nói chuyện với mlle Phác. Làm ơn.]

- [Cô nói Thái Anh phải không? Rồi đợi một lát, Thái Anh đang dặm lại chút phấn cho đêm diễn tối nay. Nhưng mà cô đây là...]

- [Một người bạn.]

...

- [Thái Anh nghe, ai kiếm tui đó?]

Điều đầu tiên sau mười năm mới nghe được chất giọng ngọt ngào nơi em là đáy mắt tôi rưng rưng nhức mỏi, cố gồng để giọt nước mắt này không rớt xuống má, tràn trề thế gian. Lòng tôi vui mừng khôn xiết, đến nỗi chỉ muốn oà lên nức nở cho hả dạ tâm can.

- [Lệ Sa đây. Mình gặp nhau đi.]

- [Lệ Sa? Gặp,.. gặp bây giờ luôn sao?]

- [Không gặp nhau bây giờ thì bao giờ?]

.
- Tôi chỉ có hơn ba mươi phút để nói chuyện với Sa thôi. _ Thái Anh đặt chiếc túi xách đính cườm lấp lánh xuống bàn, chống cằm nhìn tôi.

- Ba mươi phút là đủ rồi. _ Tôi cười, lắc nhẹ ly rượu trên tay, nếu biết trước rượu Pháp chính gốc ngọt ngào như vậy, tôi nên qua bên này sớm hơn.

- Dạo này Sa sống tốt chứ?

- Từ khi nào em nói chuyện với tôi như hai người xa lạ thế?

...

- Tôi mở một tiệm may nhỏ, cuộc sống nói chung cũng đủ ăn đủ mặc. Còn em, chừng nào em về?

- Tôi...không có ý định về. Đang trên đà sự nghiệp phát triển, tại sao tôi phải về?

- Mười năm rồi em đâu có về.

- Sa cũng biết nói là mười năm. Sa cũng biết là mười năm chúng ta không hề liên lạc hay có lấy một lá thư, tự dưng hôm nay Sa xuất hiện, kêu tôi về. Sa lấy tư cách gì?

- Chuyện gì vậy Thái Anh? _ một người đàn ông lịch lãm và khoác lên thân thể cao kềnh bộ Âu phục trông như những bậc tài tử. Hắn kênh kiệu, liếc đôi mắt giận dỗi đục ngầu vào người tôi.

- Cô là ai? Định giành bản thu âm với Thái Anh nhà tôi có phải không? Này, tôi nói cho cô biết, đợi khi em ấy chính thức là vợ của con trai thống đốc này rồi, đừng hòng tôi tha cho bất kì ai đụng vào em ấy. _ hắn ta ngà ngà say, tôi nghĩ, bởi hắn sỉ vả vào mặt tôi mà không có lấy một cái nhìn chính diện, câu cú thốt ra lủng củng tiếng nọ vạ tiếng kia, nghe thêm chỉ tổ nhức đầu không được lợi lộc gì xấc.

- "Thái Anh" nhà tôi? _ hắn nói mà không biết gượng mồm.

- Khải Nguyên! Anh hiểu lầm rồi, đây là bạn cũ của em. Anh về trước được không? Lát nữa em sẽ giải thích với anh sau.

- Cô gái! Tôi đoán là chúng ta sẽ còn gặp lại. _ và hắn quay lưng đi, tôi bất mãn trong lòng mà không nói, Thái Anh giao du với loại người nóng tính như thế từ khi nào?

- Ai vậy?

- Chồng sắp cưới. Tôi vốn không định mời bất kì người thân nào ở Sài Gòn. Nhưng tôi muốn Sa thấy tôi trong ngày tôi lộng lẫy nhất.

- Cái gì? Em nói gì tôi nghe không tỏ?

Em đặt lên bàn tấm thiệp cưới bị nhào nát, trong đó có họ tên của em và của thằng ôn khi nãy, có địa điểm cụ thể, thời gian rõ ràng, và cái dòng bên ngoài phong bì đỏ, được đề tên tôi.

- Em hết yêu tôi rồi sao Thái Anh? _ tôi chết lặng, và chứng kiến sự tức giận của mình qua cái ly rượu bể nát trong tay.

- Không phải là còn yêu hay hết yêu, tình cảm này giống như một bình chứa, lâu ngày không đong ắt sẽ bay hơi đi. Tôi đợi Sa đến ngày hôm nay, tính luôn cả thời cấp ba ngắn ngủi cũng đã hơn mười năm, không phải là tôi không yêu Sa, mà vì tôi đợi cái ngày Sa nói yêu tôi lâu đến mức chính tôi hoài nghi về tình yêu đó. Cái tôi cần là một lời khẳng định kìa. Sa không nói tôi biết đường đâu mà liệu. Ở thời này vốn nhiều thăng trầm và biến cố, ai cũng cần có một chỗ dựa kinh tế vững chắc, và tôi cũng vậy thôi. Xin lỗi Sa, giữa chúng ta chỉ còn lại sự bỏ lỡ.

.
Tôi lại nhìn thấy bóng lưng gầy guộc của em nhưng khác là em đang vận lên người chiếc váy cưới trắng tinh khôi, tôi nuốt đắng cay trở ngược vào tim, nhớ là mình khăn gói đến đây dẫn người tôi yêu trở về quê hương chớ không phải gượng cười ngắm nhìn người bước vào lễ đường cùng một nam nhân khác. Oan nghiệt quá đỗi, sau mười năm dù sang giàu dù hèn mọn, thì ra, vị trí của chúng ta cũng chẳng có gì thay đổi cả. Chúng ta vẫn hoài là bạn của nhau. Cuối cùng thì tôi lấy cái danh cô ba Lệ Sa để làm gì? Phấn đấu đi đến ngày hôm nay để làm gì? Mười năm qua đổ vào hư vô đổ vào vô nghĩa mất rồi...

Tôi, Lệ Sa đã lấy mười năm chăm chỉ đem đổi ba mươi phút nhìn cô gái tôi thương rơi lệ. Rốt cuộc, tôi không rõ ai mới là kẻ đớn đau hơn?

Tôi tự cảm thấy cuộc đời mình thật nực cười, không phải do gia đình, xã hội hay giai cấp ngăn cản chúng tôi, chỉ là mỗi chúng tôi tự đẩy nhau ra xa vì chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi cần chờ đợi. Và rồi thời gian ngoảnh mặt làm ngơ, người chọn lối đi an toàn, kẻ khóc đời bạc khang trang.

Tiếc nhau một lời, là bỏ lỡ cả đời...

(Còn tiếp)

_author: Ngno970_

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro