Thèm tắm tiên ở Bath

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Từ Stonehenge, xe buýt dừng tại khu chính tòa của Đức Trinh nữ Maria hay còn gọi là nhà thờ Salisbury, di sản văn hóa của UNESCO, có hơn 750 tuổi gần đó để ăn trưa trước khi lên đường tới Bath. Nơi đây có tòa tháp cao nhất (123m), nhà thờ chính lớn nhất, mảnh sân bên trong lớn nhất ở Anh và một trong những tháp đồng hồ cổ nhất trên thế giới. Tương truyền, khi có ý định xây nhà thờ, Đức Giám mục của thành phố Sarum bắn một mũi tên theo hướng ông dự định. Mũi tên trúng một con hươu. Thế là ông quyết định xây chính tòa ngay chỗ con hươu nằm chết.

Chúng tôi là người ngoại đạo nên không hiểu hết ý nghĩa của chuyện cầu kinh. Việc có thể làm là vào trong đứng dưới tượng của Đức Chúa Jesus và Đức Mẹ Đồng Trinh xin sự bình yên trong tâm hồn dưới mái vòm tuyệt đẹp. Bên trong không có nhiều hàng ghế như thường thấy ở các nhà thờ mà chỉ là mấy cái xếp thẳng hàng cho mọi người ngồi làm lễ. Tôi đến sờ vào các trụ đá được mài nhẵn thin, mấy trăm năm nay vẫn vững vàng nâng đỡ mái vòm chạm trổ hoa văn. Vừa chạm vào tảng đá đã thấy lạnh run nơi bàn tay và dường như nghe đâu đó tiếng cầu kinh từ xa xưa vọng lại.

Bốn đứa mua vài cái sandwich khô như ngói kèm mấy chén xúp với bánh ngọt lót lòng. Vừa ăn vùa cằn nhằn, tại sao người Anh lại có thể ăn uống chán đến thế này. Giờ mà có ổ bánh mì đầy thịt với chả lụa hay tô phở tái nóng hổi nhiều hành, chắc tụi tôi giành lộn nhau mà ăn cho đã.

Người ta ví Bath như một thị trấn cổ và xinh đẹp nhất còn sót lại của Vương quốc Anh. Chuyện kể vào đầu thế kỷ 1 sau Công nguyện, khi đế chế La Mã hùng cường bành trướng gót giày của mình khắp châu Âu hay sang tận trời Phi nóng cháy. Nước Anh xinh đẹp cũng không thoát khỏi việc trở thành một phần thuộc địa của họ. Trên bước đường viễn chinh hùng cường, người La Mã dừng chân đến Bath và phát hiện ra nguồn nước nóng tự nhiện khổng lồ có từ thời đồ sắt. Thế là cả đoàn binh quyết định xây dựng hệ thống nhà tắm giống y chang kinh thành Roma để thư giãn. Có lẽ vì thế mà Bath khác biệt với các thành phố ở Anh, bởi kiến trúc La Mã hiển hiện trên từng nhà thờ, đền đài, dinh thự và cả từng viên đá lót đường. Dân xứ này gọi Bath theo tiếng Latin là Aquae Sulis bởi họ muốn dâng tặng nguồn nước tinh khiết này cho Sulis (nữ thần Minerva) nữ thần đồng trinh của thơ ca, y học, trí tuệ, thương mại, dệt, hàng thủ công, ảo thuật của người Roman cổ

Phải công nhận tay lái của anh tài xế quá ư là lụa mới có thể điều khiển chiếc buýt to đùng chở mấy chục người đi dọc con đường nhỏ xíu, uốn éo nhu vòng eo cô thiếu nữ đương xuân, đi qua khu đồi rợp bóng cây để vào trung tâm thành phố. Chúng tôi phải bám chặt thành ghế chứ không là bị nhồi như xe chở heo. Gan lì như tôi, mà mỗi lần lắc bên này trộn bên kia, cũng muốn ói ra hết mớ bánh mì khi nãy vừa ăn cho sạch bụng. Xe chạy ngang cây cầu Pulteney bắc qua sông Avon phía Tây thành phố. Dòng sông hiền hòa, trôi lững lờ như chàng thanh niên (có vẻ) lười biếng đang bơi du thuyền chở khách xuôi dòng. Giữa khung cảnh thanh mát như thế này, người ta không nỡ khuấy động mái nước trong lành để phá vỡ sự bình yên của khách viễn du đứng ven bờ hay ngồi quán xá uống ly trà chiều, ăn bánh ngọt. Xe lên phía Bắc, tới khu phố Royal Crescent (Vòng cung Hoàng gia) gồm 30 ngôi nhà cất liền kề nhau, mặt trước có 14 cột theo kiến trúc Gothic Hy Lạp, như vòng thành vĩ đại, bảo vệ Bath khỏi kẻ thù xâm lược hay bão tố của dòng Avon những ngày hung hăn.

Giữa tháng Bảy, trời xứ Bath dìu dịu. Gió nhè nhẹ, mơn man từ bốn phía của bảy ngọn đồi xanh, mang theo mùi đồng cỏ thơm lừng kèm chút nồng nàn của hoa cúc trắng lẫn hương bánh táo nhà ai đang nướng. Gọi là thành phố cho to, chứ Bath giống như thị trấn xinh xinh, đi một vòng là hết những con đường lát đá cũ xưa, ánh lên màu thời gian và dấu chân viễn xứ làm người ta có cảm giảc mình đang lạc vào miền cổ tích mộng mơ của hoàng tử, công chúa và phù thủy độc ác quyền năng cùng bà tiên hiền hậu với mái nhà cũ xưa lợp ngói đỏ nằm trong thung lũng bao quanh bởi bảy ngọn đồi nhuốm thời gian.

Xe dừng lại ở ngay truơc Thermes Romains, giống dinh thự hai tầng nguy nga chứ không phải là nhà tấm công cộng nằm ở trung tâm Bath. Hướng dẫn viên đưa mỗi người một đồng xu để bỏ vô trạm khi vào cổng và dặn hai tiếng sau phải tập trung trước quãng trường để lên xe buýt về lại London. Cả đoàn chậm rẫi bước lên hành lang lát đá hoa cương đến bể nước và phòng tắm. Hai ngàn năm chứ ít ỏi gì, vậy mà mái vòm lợp ngói lẫn mấy trụ đã chạm trổ hoa văn dường như bất biến với thời gian. Bên dưới hồ tắm, dòng nước không biết tự bao lâu rồi chưa thay, ánh lên màu xanh của rong rêu. Người ta nói nước chảy đá mòn. Kiến trúc ngâm mình dưới nước trước sau cũng sẽ lụi tàn. Chẳng hiểu sao người xưa kết nối khối đá vô tri này bằng chất liệu gì, mà hai ngàn năm mọi thứ vẫn sừng sững uy nghi không lay chuyển.

Theo các nhà khảo cổ, từ những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ nhất, tới lúc người La Mã bị đánh lui, nhà tắm kiểu này thấy khắp nơi trong thành phố. Là chỗ để gặp gỡ, chuyện trò, thư giãn sau ngày lao động chứ không hẳn dành riêng cho chiến binh và quý tộc. Người ta đã tìm thấy được gần 130 tấm bảng trừng phạt ở Bath (Bath curse tablets) viết bằng tiếng Latinh, vén lên một phần lịch sử lâu đời của Bath. Trên đó, họ khắc vài mẫu chuyện hay luật lệ về việc trừng phạt người ăn cắp áo quần, nữ trang hay tiền bạc trong nhà tắm từ thế kỷ thứ 4.

Tội đưa tay chạm vào dòng nước. Cảm giác ấm ấm, rân rân theo từng tế bào da, thấm sâu vào mạch máu. Hèn gì, cả thế giới luôn ngất ngây trước nguồn nước nóng chảy ra từ mạch ngầm trong lòng đất. Tôi nhắm mắt lại, tưởng tượng quanh mình là khung cảnh của thuở xưa, người chiến binh La Mã ngực rộng như cánh đồng, vai ngang như ngọn đồi trọc cỏ, đang trầm mình trong dòng nước bốc khói ngạt ngào khoáng chất. Và cạnh đó, vài thiếu nữ ngực trần, đẹp như tượng thần Venus, đang cầm khàn lẫn mớ trái cây ngọt lịm để hầu hạ các dũng sĩ của lòng mình, vừa thắng trận trở về từ chiến trường rẫy đầy nguy hiểm.

Tôi thì thầm vô tai Thắng: “Chỗ này mà vắng người, anh sẽ lột đồ, trần truồng nhảy xuống cái ùm, ngâm mình trong nước khoáng để trị bệnh lười và thư giãn gân cốt sau chuyến bay dài và mấy tiếng đồng hồ ngồi xe”. Thắng gật gù: “Em sẽ làm y chang anh, nhưng nhớ mỗi người một góc nhé”. “Ôi, làm như báu lắm, chẳng ai thèm dòm em đâu!”.

Quảng trường thành phố chen chúc cả ngàn người từ khắp mọi miền của nước Anh và cả thế giới. Cạnh đó là nhà thờ xứ Bath, vốn là một tu viện được xây dựng từ năm 1967. Trải qua nhiều lần bị phá hủy và xây dựng lại, Bath Abbey trở thành nhà thờ cho tới bây giờ. Đúng lúc đang có buổi lễ tốt nghiệp đại học. Hông biết bọn trẻ ăn cái chi, uống thứ gì, mà chân dài thòng, cao như cây sào. Đứa nào cũng roi roi, mặc áo choàng đen, đội mũ hình vuông, miệng nói líu lo đặc sệt kiểu Anh, gắng lắm mới hiểu được. Mà cũng lạ, chừng chục năm nữa thôi, cũng các thanh niên này sẽ uống bia rượu như hũ hèm, phá tướng, rồi béo ú lên mất đẹp.

Có con chim nào đó liệng cánh báo hiệu mặt trời sắp lặn ở phía Tây. Dưới hàng cây to của các ngọn đồi, mặt trời không rực rỡ như buổi ban mai mà óng ả vàng như mật ngọt thơm lừng rót trên thảm xanh tươi tốt. Mấy cái bánh trưa nay không đủ làm tụi tôi no dạ. Thế là ghé vô quán đồ ăn nhanh bên đường mua bánh mì gặm cho đỡ đói. Khô muốn rách cuống họng nên tôi hông thèm, đi mua kem về mút cho ngon miệng. Cái thành phố Anh đất chật, người đông, xứ Bath không ngoại lệ. Đường xá bé xí xi, quá trời người nhưng họ vẫn dành phần đất hiếm hoi, xây vỉa hè cho bà con ngồi ngắm đất trời thư giãn.

Buổi chiều se se lạnh, ngồi ăn kem bên vỉa hè cạnh chậu hoa đủ màu rực rỡ thắm tươi, sau một ngày mệt mỏi đi thăm ba di sản văn hóa của UNESCO nằm cạnh nhau trong bán kính chưa tới 20 km, tự nhiên muốn ở lại ngủ với Bath một đêm, sáng ra nghe lũ chim chuyền cành phía ngọn đồi xa, ngửi mùi thơm của sương đêm lẫn với hương hoa, uống ly trà kiểu Anh và tìm một nhà tắm nước nóng nào còn mở cửa, ngâm mình như người Roman cổ, một lần đến Bath, không chịu quay bước rời chân.








Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro