[Đam Mỹ] Thiên Nhai Khách

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác giả: Priest
Thể loại: Đam mỹ, cổ trang giang hồ, 1×1, ấm áp, hài, HE
Tình trạng: Hoàn

oOo

Văn án:

Thiên Song, nơi phàm là người sống có miệng có thể nói đều không ra được. Tuy nhiên kẻ đứng đầu nơi này lại muốn thoát ly, trở lại “làm người”

Quỷ cốc, nơi cực ác người ăn thịt người, quỷ cắn quỷ. Kẻ đứng đầu, quỷ chủ, đến ác quỷ cũng phải sợ, lại muốn thoát khỏi nơi đây, quay về nhân gian “làm người”.

Mới nghe thì có vẻ u ám đáng sợ, nhưng thực ra truyện khá ấm áp, chỉ là hành trình quay lại “làm người” của 2 kẻ không kính già không yêu trẻ.

oOo

Cảm nhận, đánh giá:

Thiên Nhai Khách xoay quanh câu chuyện về thủ lĩnh Thiên Song Chu Tử Thư vốn đứng trên vạn người chỉ dưới một người, hưởng hết vinh hoa phú quý mà đời người mơ ước, thế nhưng cũng có lúc mỏi gối chùn chân. Những năm tháng ấy, y trả giá bằng máu, lạnh lẽo, tuyệt không có chút ấm áp tình người. May mắn khi y buông hết tất cả, gặp được hắn – khoảng trời tự do chỉ của mình y. Tình yêu của họ không nhiệt tình như lửa mà nhẹ nhàng, bình đạm như gió, như mây

Danh lợi ta không ham, chỉ nguyện cùng người nắm tay đi đến chân trời góc biển. Tựa truyện “Thiên Nhai Khách” phải chăng chính là mang ý nghĩa đó? Các nhân vật trong truyện đều có cá tính riêng biệt, và câu chuyện gắn liền với họ đều khiến mình tò mò không thôi, muốn đọc để xem những con người ấy rồi sẽ ra sao, những gì sẽ chờ đón họ sau vô vàn những đao quang kiếm ảnh. Bài chỉ đề cập đến những nhân vật gây ấn tượng mạnh cho mình.

Một thủ lĩnh Thiên Song Chu Tử Thư vốn nhìn quen chuyện ngươi lừa ta gạt trên đời, đứng trên vạn người chỉ dưới một người, hưởng hết vinh hoa phú quý mà đời người mơ ước, thế nhưng cũng có lúc mỏi gối chùn chân. Những năm tháng ấy, y trả giá bằng máu, đứng trên đỉnh cao danh vọng nhưng lại lạnh lẽo, tuyệt không có chút ấm áp tình người. May mắn khi y buông hết tất cả, gặp được hắn – khoảng trời tự do chỉ của mình y. Tình yêu của họ không nhiệt tình như lửa mà nhẹ nhàng, bình đạm như gió, như mây. Thường nói “chân nhân bất lộ tướng”, Ôn Khách Hành cũng thế. Hắn điên điên khùng khùng, cần đê tiện có đê tiện, nhiều lúc biến thái khiến ngươi đánh giá thấp hắn, nhưng lúc nghiêm túc, hắn sẽ khiến ngươi phải nhìn bằng cặp mắt khác. Dường như trời sinh hắn để dành chi y, chỉ y chịu được sự điên khùng ở hắn và chỉ duy mình hắn mới có thể bức một thủ lĩnh Thiên Song nổi tiếng bình tĩnh như y phát điên mọi lúc.

Cặp đôi để lại niềm thương cảm sâu sắc nhất cho mình hẳn là cặp của Cố Tương và Tào Úy Ninh. Tuy có một kiếp sau viên mãn nhưng kiếp này lại gặp lắm chông gai. Ma đạo và chính đạo cần phân biệt rạch ròi đến thế sao? Tự xưng là chính phái nhưng lại “thừa gió bẻ măng”, “giậu đổ bìm leo”, để tâm ma điều khiển thì có khác gì những kẻ bị cho là tà ma ngoại đạo? Nên nói, khó lường nhất vẫn là lòng người. Lại nói 2 người này, chẳng qua chỉ là quân cờ thí cho âm mưu của kẻ khác. Thật may là duyên kiếp này không trọn được tiếp tục ở kiếp sau.

2 người nữa mình muốn nhắc đến, một là Liễu Thiên Xảo si tình, người kia là Diệp Bạch Y mãi ôm một mối tình tuyệt vọng. Nữ nhân, dù cường đại ra sao, đến cuối cùng vẫn muốn tìm cho mình một bờ vai nương tựa. Hắn rót vào tai nàng những lời đường mật, đối nàng dịu dàng – cách mà nhưng người từng gặp chưa từng đối xử với nàng như thế, khiến nàng rơi vào cạm bẫy mà hắn giăng ra. Nàng như con thiêu thân vẫy vùng trong tuyệt vọng, tin tưởng hắn và rồi hi sinh vì một kẻ chưa từng yêu mình. Có đáng giá không? Hắn sẽ yêu nàng vì chính nàng mà không mê muội nàng vì lớp mặt nạ hoàn hảo ấy? Những tưởng đã tìm ra người thích hợp, tỉnh lại hóa hư không, giấc mộng một đời nàng chấp nhất như gió thoảng mây bay. Nếu nói Liễu Thiên Xảo si tâm vọng tưởng thì Diệp Bạch Y lại là kẻ cô đơn, tuyệt vọng nhất. Còn gì đau đớn hơn việc gặp đúng người ở sai lầm thời gian? Chỉ trách y gặp người kia quá trễ, chỉ trách hoa rơi hữu ý, nước chảy vô tình. Trường sinh bất lão có ý nghĩa gì khi phải sống mà không có ái nhân bên cạnh? Dõi theo từng bước con hắn trưởng thành, làm việc cuối cùng cho hắn dưới tư cách một hảo hữu, rồi từ đây lưu lạc về phía chân trời. Bóng lưng ấy luôn thẳng tắp, bất khuất, nhưng lại càng cô đơn đến lạ. Ôm tình cảm tuyệt vọng, tưởng có thể cùng hắn trọn đời (dù chỉ với tư cách một bằng hữu), nhưng hắn cũng bỏ y mà đi. Cuộc đời này còn gì có thể giữ y lại? Chỉ mong kiếp sau có thể gặp lại người…

Bể tình vô biên, một khi lạc lối sẽ chẳng thể quay đầu. Có duyên nợ sẽ được cùng nhau, có duyên không phận cũng như 2 đường thẳng song song, lướt qua đời nhau mà thôi. Đời này chỉ nguyện cùng người, vĩnh viễn…

“Một buổi chiều ngày nào đó, Diệp Bạch Y trong một tửu quán nhỏ húp hết một hơi mì nước cuối cùng trong lòng bỗng nhiên hờ hững nghĩ, người còn sống, cùng người đã chết, đấy đều là chuyện quá khứ.

Những người thân ở trong cục đều tự bi ai ấy, tỷ như y, tỷ như Dung phu nhân, tỷ như Ôn Khách Hành, tỷ như Chu Tử Thư, tỷ như Triệu Kính, thậm chí Cố Tương Tào Úy Ninh, bọn họ đều ý đồ “nhảy ra”.

Diệp Bạch Y muốn nhảy ra khỏi nguyền rủa thiên nhân hợp nhất kia; Dung phu nhân muốn nhảy ra khỏi Trường Minh sơn băng thiên tuyết địa kia; Ôn Khách Hành muốn nhảy ra khỏi quỷ vực, trở về nhân gian; Chu Tử Thư muốn nhảy ra khỏi Thiên Song, tự do tự tại; Triệu Kính muốn nhảy ra khỏi quy tắc của cả giang hồ, trên cao nhìn xuống, tay nắm càn khôn; Cố Tương và Tào Úy Ninh muốn nhảy ra khỏi thành kiến thâm căn cố đế của thế gian, di thế độc lập mà bên nhau.

Bọn họ đấu đá, tranh đoạt, cơ quan tính hết, bỏ sinh quên tử.

Giống như là một cái vực sâu, có người nhảy qua, liền ra ngoài, có người không qua được, liền ngã chết.

Mà vực sâu kia, có một cái tên, gọi là – giang hồ.”

--------------------------------------

Từ giã cõi người, trở lại cõi người

Thiên Nhai khách chắc hẳn là một niềm dây dưa khác của tác giả với Thất gia, mà Thất gia lại là chấp niệm ban đầu của tác giả với chốn Hoàng tuyền, U minh. Chỉ là lần này, địa ngục tồn tại ngay ở nhân gian, ngay tại nơi sinh ra con người, mà cũng là nơi chôn xác con người. Nói trần gian là thiên đường, cũng có thể nói trần gian là địa ngục khắc nghiệt nhất…

Thế gian này, chẳng còn lắm thứ có thể rõ ràng mà phân định trắng là trắng, đen là đen nữa rồi!

Gần đây tôi luôn tâm niệm một câu “Nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Bởi vì không muốn tự mình khắt khe với cuộc đời, để đổi lấy cuộc đời hà khắc với mình, nên mới dùng cách này để nhìn nhận con người, nhìn nhận thế sự, nhìn nhận tiền căn hậu quả của từng câu chuyện. Mà càng lúc có lẽ càng tham lam hơn, biết được một ít, lại muốn biết nhiều hơn về những chuyện từ xa xưa.

Giống như là, biết được vì sao Chu Tử Thư – một kẻ bệnh tật da dẻ vàng vọt sắp chết – là một mỹ nhân lại chẳng muốn người khác chỉ nhìn vào nhan sắc của mình. Người đẹp, mà chỉ một lòng muốn giấu đi cái đẹp, để tránh “phiền toái”.

Nhưng mà “phiền toái” đến thì phải đến. Ôn Khách Hành mắt nhìn mỹ nhân từ xưa đã chuẩn, trên đường đời, ngắm được người thứ nhất rồi thì tưởng định cả đời không thèm nhìn đến người thứ 2, nào ngờ, nhìn trúng người thứ 2 thì lại tủi thân mà nuốt uất hận vào trong: vì sao con người sinh ra thì phải chịu uất ức, phải chịu bị số phận bày bố?

Truyện của Priest luôn có một mỹ nhân, hoặc hai mỹ nhân. Nói chung, lúc nào cũng có mỹ nhân. Mà văn phong của Priest không nhanh không chậm, không vội vàng cũng không rề rà. Có hài, có bi. Nhưng tuyệt không hời hợt. Mà dẫu là truyện viết xong đem đến cho người ta cảm giác như tác giả nhàn rỗi viết để giết thời gian, thì cũng cẩn thận từng li từng tí.

Cái bi trong Thiên Nhai khách chính là con người ta, và số phận của mình. Những kẻ không có lý tưởng, nuôi nấng tâm ma tham lam vô độ trong người thì không nói. Còn những người có lòng, nặng lòng thì sao đây? Tất cả đều thê thảm! Dù cho mỗi lần xuất hiện đều rất uy phong lẫm liệt. Mà ánh sáng càng rực rỡ, thì cái bóng càng đậm. Đứng ở nơi càng cao, nơi đó gió thổi càng lạnh lẽo.

Chu Tử Thư bán mạng gần 30 năm, cuối cùng cũng chẳng biết mình nên sống vì điều gì, vì cái gì mà đứng ở nơi cao nhất, trong bóng đêm, lẻ loi chôn vùi hết tất thảy tình cảm riêng tư, ra vẻ một kẻ vô tâm vô phế, cần nhẫn tâm thì nhẫn tâm đến tột cùng, mà cần mềm lòng thì không được mềm dù chỉ một khắc một giây. Đến lúc biết mình muốn gì rồi lại là lúc gần chết. Nhân sinh hỷ nộ ái ố của một đời người đằng đẵng mấy chục năm, tác giả dứt khoát gói gọn trong 30 năm của Chu Tử Thư, khiến người ta vừa đọc vừa nơm nớp lo, lo mỹ nhân chết rồi thì làm sao đây!!

Còn Ôn Khách Hành, cũng gần 30 năm cuộc đời, chắc không gặp được Tử Thư, cũng sẽ chẳng thèm sống lâu thêm nữa. Tại vì con người sống mà không mục đích, thì còn ý nghĩa gì. Cái loại sống nhàn nhã, vô định như vậy chắc chắn Ôn Khách Hành không làm. Bởi vì từ nhỏ, may nhờ có đầu óc linh hoạt, mà cũng vì đầu óc linh hoạt, mà phải sống cuộc đời của Ác quỷ, tăm tối lạnh lùng, hiu quạnh tẻ nhạt.

Thiên Nhai khách nhè nhẹ mà châm chọc hết thảy những chuyện tưởng từng là luân lý của cõi người. Anh hùng thiên hạ, mà tụ năm tụ bảy đòi đánh đòi giết một vài người, đánh không lại thì liên thủ, đánh hội đồng thì có gì mà huênh hoang, toàn một đám ngụy quân tử. Bí kiếp võ lâm từ đâu trở thành một chi tiết hấp dẫn của các tựa truyện kiếm hiệp giang hồ, qua vài chương, vài cái nhìn, vài lời châm chọc của một vài nhân vật, trở thành chuyện đáng cười. Người tự cho mình là thông minh thì vương vương tự đắc, cho mình là tiêu sái cách biệt nhân thế, cuối cùng cũng tự hại mình, vì không biết thức thời.

Chu Tử Thư và Ôn Khách Hành, hai kẻ này nói không thông minh mới là chuyện cười. Nhưng chân chính thông minh chính là biết thức thời. Mà kẻ thức thời còn là trang tuấn kiệt. Xuất thân tà ma ngoại đạo, người gặp người hãi, nhưng lại là trái tim thuần khiết đẹp đẽ, như một đứa trẻ nhỏ vô tư, khát cầu yêu thương, khát cầu bình yên giản dị.

Điểm đến nằm trên đường thẳng, nhưng để đến được nơi đó, chưa chắc có thể đi thẳng. Đường vòng của hai người này chính là một kẻ làm sát thủ trong bóng tối, một kẻ làm đại ma đầu không nhìn ánh mặt trời, đến cuối cùng, cũng may là người có tình, có tâm, có chấp niệm, lại đến được với nhau.

Có thể nói truyện hài nhiều hơn bi, bởi nếu xoáy vào cái bi, sẽ là ngàn vạn đá tảng đè lòng người. Ôn Khách Hành nói chuyện mất cha mất mẹ, tự tay ôm lấy xương mẹ mình, tự răng cắn rách da thịt cha mình, chuyện kể bâng quơ, thêm vài giọt nước mắt để đổi lấy một lần yếu lòng của Chu Tử Thư, tranh thủ chiếm tiện nghi của người ta. Hoàn cảnh thì sắp mây mưa vần vũ, mà chuyện kể thì bi thương. Những lúc như vậy, nên bi, hay nên hồ hởi hưởng ứng mưa gió??!!

Thiên Nhai khách còn là câu chuyện về hy vọng và cam chịu. Chu Tử Thư đóng đinh lên người, chấp nhận cái chết nhưng lại chẳng mong chết quá tẻ nhạt. Càng không mong tẻ nhạt, càng khuấy đảo thế gian thì trái tim cũng chẳng yên ổn để cam chịu nữa, một câu “đừng chết” Chu Tử Thư nói với Ôn Khách Hành, mà chắc là cũng tự nói với mình. Cái dáng vẻ thờ ơ hờ hững uống rượu chẳng thèm nhìn người, giả vờ với ai?

Ngược lại, Ôn Khách Hành vì không chấp nhận, không cam chịu, nên mới dùng hy vọng nhỏ nhoi mà biến mình thành kẻ cao cao tại thượng, mạnh mẽ không ai sánh bằng. Để có thể được làm điều mình muốn làm, được gặp người muốn gặp, câu nói “Người đừng chết có được không?” của Ôn Khách Hành, không chỉ triệt để kéo đổ sự cam chịu của Chu Tử Thư, còn là đánh đổ hết băng tuyết trong lòng mình.

Trích lời của hai kẻ chuẩn bị kéo mây kéo mưa về mà toàn gặp bóng đèn làm cái kết.

Chu Tử Thư: “Ta chết, người có thiệt không?”

Ôn Khách Hành: “Thiệt, cả đời này ta chưa từng thiệt như thế!”

Vậy mới thấy, “Sống – là một từ thật đẹp”.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro