Tây Tiến - đề 2 (8 câu tiếp theo)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tây Tiến (đề 2)

Cảm nhận 8 câu thơ tiếp theo.

A. Đặt vấn đề

Quang Dũng là 1 cây bút tiêu biểu cho thế hệ nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp và là 1 nghệ sĩ đa tài hoạt động nghệ thuật trên nhiều lĩnh vực. Tác phẩm của ông biểu hiện 1 hồn thơ phóng khoáng lãng mạn, 1 cái tôi hào hoa thanh lịch. "Tây Tiến" được viết năm 1948 là tác phẩm tiêu biểu nhất cho hồn thơ và phong cách nghệ thuật của Quang Dũng. Bao trùm bài thơ là 1 nỗi nhớ da diết đồng đội và mảnh đất miền Tây – nơi in dấu những ngày tháng gian khổ mà rất đỗi hào hùng của cả 1 thế hệ thanh niên Việt Nam sẵn sàng "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". 8 câu thơ dưới đây và cảm hứng chủ đạo là lãng mạn đã khắc họa nổi bật bức chân dung tinh thần của người lính Tây Tiến và vẻ đẹp mĩ lệ của vùng sông nước miền Tây.

"Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man diệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bên bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa"

B. Giải quyết vấn đề

I. Khái quát

- Hoàn cảnh sáng tác: Tây Tiến là tên của 1 đơn vị bộ đội được thành lập đầu năm 1947 có nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào và miền tây bắc bộ Việt Nam. Thành phần xuất thân của người lính Tây Tiến hầu hết là những học sinh sinh viên Hà Thành. Họ là những người lính trẻ trung hào hoa lãng mạn lạc quan yêu đời và chiến đấu rất dũng cảm. Quang Dũng là đại đổi trưởng của đoàn quân cho đến cuối năm 1948 thì chuyển đi nhận nhiệm vụ ở 1 đơn vị khác. Vào 1 buổi chiều cuối năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, trong nỗi nhớ da diết đồng đội và đơn vị cũ, Quang Dũng là sáng tác bài thơ "nhớ Tây Tiến" sau đó được đổi thành "Tây Tiến", tác phẩm được in trong tập "mây đầu ô" xuất bản năm 1986.

- Bài thơ có sự kết hợp giữa bút pháp lãng mạn và hiện thưc, song chủ yếu là cảm hứng lãng mạn. Các yếu tố thi nhạc họa hòa quyện với nhau tạo thành vẻ đẹp "thi trung hữu họa" rất độc đấo cho bài thơ. 8 câu thơ trên với những cảm hứng lãng mạn chiếm vị trí chủ đạo chi phối cả nội dung lẫn nghệ thuật của đoạn thơ, góp phần làm nổi bật vẻ đẹp hào hoa lãng mạn của người lính Tây Tiến và vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc

- Đoạn thơ vẫn nối tiếp mạch cảm hứng hoài niệm nhưng nỗi nhớ của nhà thơ đã chuyển từ khung cảnh hiểm trở hoang vu của núi rừng sang những không gian gần gũi thơ mộng. Và thay cho những nét vẽ rắn ròi gai guốc ở 14 câu đầu thì đến đây nhà thơ sử dụng những đường nét mềm mại uyển chuyển tinh tế và tài hoa.

II. Phân tích

1. Cảnh đêm liên hoan

Bốn câu thơ đầu đoạn đã vẽ lên 1 khung cảnh đêm liên hoan lửa trại – một đêm hội đuốc hoa đẹp lung linh rực rỡ.

"doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

Kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp

Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ."

- Đây là cảnh đốt lửa trại có đồng bào dân tộc tới góp vui, thường gặp trong kháng chiến, cảnh trong hoài niệm nhưng được nhà thơ khắc họa sống động như hiện lên ngay trước mắt. Bút pháp lãng mạn cùng sự hòa quyện mộng – thực, đã biến một đêm lửa trại bình thường thành 1 đêm liên hoan hoa đăng rực rỡ. Cấu trúc đảo ngữ đặt từ "bừng lên" trước cụm từ "hội đuốc hoa" khiến cả không gian núi rừng trở nên sáng bừng như được thắp bằng vạn ánh hoa đăng rực rỡ.

- Trong ánh sáng rực rỡ huy hoàng, hình ảnh những cô gái bản hiện ra thật mềm mại, uyển chuyển duyên dáng:

"kìa em xiêm áo tự bao giờ

Khèn lên man điệu nàng e ấp"

- Từ "kìa em" được đặt đầu câu diễn tả cảm xúc vui sướng bất ngờ của những người lính khi nhìn thấy những thiếu nữ Tây Bắc trở nên đẹp lộng lẫy trong "xiêm áo" ngày hội. Dáng điệu "e ấp" tình tứ cùng "man điệu" nồng nàn quyết rũ tâm hồn người lính ngây ngất đắm say

- Đêm hội không chỉ đậm tình quân dân thắm thiết mà còn mang đậm bản sắc văn hóa vùng cao. Từ trang phục lễ hội dân tộc tới âm nhạc xứ lạ mà cả nhạc điệu và vũ điệu đều quyến rũ say mê lòng người. Nhất là với những người lính trẻ Hà thành, tâm hồn lãng mạn hào hoa thì không gian sinh hoạt văn hóa mang màu sắc dân tộc đậm nét này để lại trong họ những ấn tượng mãnh liệt, khó quên.

- Câu cuối với 6/7 là thanh bằng trạng thái lâng lâng ngây ngất trong tâm hồn người lính trẻ. Vẻ đẹp khác lạ của cảnh thiên nhiên và con người nơi đây, không khí mê hoặc của đêm hội khiến tâm hồn người lính tràn ngập cảm xúc và đầy mộng mơ. Câu cuối như 1 điệu nhạc mãi du dương, ngân nga trong lòng người.

=> Cảnh đêm liên hoan lửa trại là khung cảnh ấm sáng tươi vui nhất trong những hoài niệm chiến trường của nhà thơ. Qua đó ta thấy được đời sống tinh thần phong phú, vẻ đẹp của những tâm hồn lạc quan yêu đời lãng mạn hào hoa và đầy chất thơ

2. Cảnh sông nước miền Tây

- Bốn câu thơ sau được viết bằng cảm hứng lãng mạn bay bổng với những nét chấm phá phác họa tinh tế có hồn để làm nổi bật vẻ đẹp thơ mộng huyền ảo của khung cảnh sông nước miền Tây trong 1 không gian bờ bãi mênh mang và thời gian hoàng hôn mờ ảo

"người đi Châu Mộc chiều sương ấy

Có thấy hồn lau nẻo bên bờ

Có nhớ dáng người trên độc mộc

Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa."

- Đoạn thơ khắc họa khung cảnh của 1 chiều sương nơi miền sơn cước. Chiều sương, đất trời ngập chìm trong khói sương huyền ảo rất nên thơ nhưng cũng vô cùng lạnh vắng. Cách nói "chiều sương ấy" gợi mở cả không gian lẫn thời gian hoài niệm, đồng thời gợi buồn, gợi nhớ da diết trong lòng người. "Sương khói" là nét đặc trưng của cảnh sắc thiên nhiên miền Tây từng được khắc họa trong nhiều bài thơ

"nhớ bản sương giăng nhớ đèo mây phủ" – tiếng hát con tàu (chế lan viên)

"nhớ từng bản khói cùng sương" – việt bắc (tố hữu)

- Vẻ đệp của dòng sông trong sương được khắc họa trong khung cảnh sông nước bờ bãi, lặng tờ hoang dại như thời tiền sử. Câu thơ "có thấy hồn lau nẻo bên bờ" rất tinh tế, gợi cảm và mở ra cả 1 khung cảnh bạt ngàn lau trắng trải dọc những bến bờ hoang vắng. Cách dùng từ "hồn lau khiến cảnh vật thiên nhiên như cũng thấm đẫm linh hồn, ngàn lau trắng hòa trong khói sương trắng gợi một vẻ đẹp hư ảo và rất đỗi thanh khiết nguyên sơ.

- Vẻ đẹp của con người sông nước miền Tây được khắc họa nổi bật trên nền của thiên nhiên kì vĩ, hoang sơ. Hai câu thơ "có nhớ dáng người trên độc mộc/trôi dòng nước lũ hoa đong đưa" đã vẽ lên những hình ảnh có tính đối lập hoàn toàn tương phản giữa 1 bên là con người nhỏ vẻ trên con thuyền độc mộc mong manh với 1 bên là sông nước bao la hùng vĩ. Nhưng hình ảnh con người không hề gợi cảm giác đơn độc hay lấn át mà ngược lại cảnh vật thêm ấm áp và bớt hoang vu. Khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên làm nền để khắc họa nổi bật vẻ đẹp khỏe khoắn của con người lao động vùng sông nước đang khéo léo điều khiển con thuyền trôi bang bang trên dòng sông mùa nước lũ cuộn siết.

- Vẻ đẹp sống động của những nhánh hoa rừng được miêu tả gợi cảm qua hình ảnh nhân hóa, từ láy tượng hình "đong đưa" không chỉ gợi hình mà còn gợi cảm và gợi hồn, những bông hoa mang vẻ đẹp đầy sức sống, chứa đựng 1 nguồn sống dạt dào từ bên trong. Hoa ấy như cũng có linh hồn cảm xúc và tâm trạng, biết làm duyên làm dáng quyến luyến tình tứ với con người. Vẻ đẹp của sắc hoa, hồn hoa Tây Bắc ấy chỉ có thể thấy qua cảm nhận tinh tế của những người lính trẻ đa tình tâm hồn lãng mạn hào hoa.

III. Nghệ thuật

- Đoạn thơ sử dụng những hình ảnh mới lạ, độc đáo, ngôn từ tinh tế, giàu giá trị tạo hình và biểu cảm. Nghệ thuật phối âm linh hoạt kết hợp với nghệ thuật phối thanh bằng trắc uyển chuyển tạo nên những nhạc điệu nhịp điệu phong phú độc đáo cho lời thơ. Các biện pháp tu từ nhân hóa đảo ngữ, điệp cấu trúc cùng những câu hỏi tu từ liên tiếp diễn tả nỗi nhớ da diết sâu đậm của nhà thơ với cảnh sắc thiên nhiên của con người miền Tây.

- Bút pháp chấm phá tài hoa cùng những nét phác họa đơn sơ mà tinh tế đã ghi lại được các hồn của một Tây Bắc đầy sắc hoa sương khói.

C. Kết thúc tác phẩm

Đoạn thơ đã đưa người đọc vào 1 thế giới tuyệt đẹp, mộng mơ huyền ảo, chất thơ chất nhạc hòa quyện tạo nên những giai điệu ngân nga xao xuyến hồn người. Ngòi bút tinh tế tài hoa của Quang Dũng không chỉ gợi hình ảnh của 1 Tây Bắc duyên dáng thơ mộng và còn ghi lạiđược vẻ đẹp tâm hồn của những người lính trẻ lãng mạn, hào hoa. 8 câu thơ là đoạn tuyệt bút của bài, hội tụ toàn bộ hồn cốt của cảnh và người, đoạn thơ đã minh chứng cho tài năng nghệ thuật xuất sắc của nhà văn đồng thời góp phần đưa "Tây Tiến" trở thành 1 trong những thi phẩm đặc sắc nhất của thơ ca cách mạng kháng chiến chống Pháp

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro