Nước mắt người cá

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người làng tôi biết đến sự tồn tại của Machida Keita - người gác biển trước khi biết đến Akaso Eiji.

Trong trí nhớ của tôi, chú ấy luôn là một người cao lớn, rất rất cao lớn. Sừng sững và vững chắc như hình ảnh luôn gắn với mình - ngọn tháp hải đăng. Đó là ấn tượng của đứa trẻ nhỏ xíu là tôi khi hình dung về chú, còn theo lời của những người khác, thì Machida Keita còn là người vô cùng ưa nhìn.

Thôi được rồi, nói trắng ra là đẹp trai, được chưa? Không phải tôi ganh tị gì cho cam, tự tôi thấy mình cũng không hề thua kém, chẳng qua là gương mặt của Machida thì được lòng các chị em hơn. Nước da trắng đến phát sáng, dẫu có dầm mưa dãi nắng đến bực nào, lông mày thì sắc nét, ngũ quan cương nghị, trông con người ấy cứ nổi bần bật giữa ánh Mặt Trời. Thậm chí không ai tin một con người xuất chúng như vậy lại có thể sinh ra ở ngôi làng tầm thường của chúng tôi.

Nhưng người tuyệt vời đến đâu cũng có khiếm khuyết, giống như ngọc có vết vậy, đầu óc Machida Keita có chút không bình thường. Vấn đề là, chú ấy luôn tin rằng, trên đời này có tồn tại... người cá!

Đừng cười, tôi biết là điều đó nghe rất ngớ ngẩn. Dĩ nhiên, với tư cách là người xuất thân từ làng chài ven biển, từ nhỏ chúng tôi đã được các bô lão nhồi nhét đủ các truyền thuyết trên trời dưới bể. Với những người đó thì đi nghi ngờ về sự xác thực của người cá chẳng khác nào đi hỏi làm người có cần ăn không. Nhưng chúng ta, những kẻ được sinh ra dưới thời đại khoa học hưng thịnh, ta phải biết khác chứ! Ai mà chẳng rõ mấy truyện về thủy cung, về người cá trường sinh bất lão chỉ là trò chơi tưởng tượng của con người, của những gã thủy thủ thèm khát nhìn nhầm hải cẩu, hải sư? Ấy thế mà Machida Keita lại một mực tin tưởng mới chết. Khổ thân, người làng đồn đoán có lẽ do tai nạn năm sáu tuổi bị ngã lộn cổ xuống biển đã để lại di chứng. Lúc ấy, ông Machida Tachiro - thân sinh ra chú - đã tưởng đi tong thằng con trai, làm vật tế cho Hải thần luôn rồi. Vì lần đó sóng to, gió mạnh, cha chú định thu mồi về bến, vậy mà chỉ kịp nghe một tiếng "Chủm!", quay qua đã chẳng thấy con mình đâu. Đêm ấy, bão vào bờ, dân làng không làm gì được, chỉ biết đem hết nồi niêu xong chảo ra gõ, kêu gọi thần biển thương tình, rồi đành ai về lo nhà người ấy. Trong tâm trí của gia đình Machida và cả dân làng, cậu bé Machida Keita thế là xong số. Bà mẹ đã khóc đến gần cạn hai con mắt. Nhưng bão tan, biển lặng, lão Hashi Nakeo, người dám ra biển đầu tiên, lại mò thấy chú bé Keita nằm thoi thóp trong mấy mỏm đá, người ngợm chẳng xây sát gì. Machida Keita tỉnh lại, quả quyết mình đã gặp người cá. Cậu nói khi cùng bố thu lưới, cậu đã nhìn thấy hai con mắt tròn xoe ngắm mình từ dưới nước, và chính nó là thủ phạm đã kéo cậu xuống, chứ không lẽ nào đứa nhóc đã được quen với mùi biển từ lúc lọt lòng, lại lỡ sẩy chân ngã nước, mà còn không biết tự xoay sở bơi vào bờ? Là sinh vật kỳ lạ đó bắt cóc cậu, nhưng cũng vẫn là nó, đưa cậu an toàn vào đất liền. Chẳng đâu vào với đâu. Người ta không tin vào đứa trẻ mới trải qua một đợt sinh tử, cho là trẻ con tâm thần bất ổn. Nhưng đám người già có vẻ hoảng sợ, nghĩ đây là điềm xấu. Xấu đâu chẳng biết, chỉ biết rằng thiệt hại duy nhất của làng năm đó lại là đám tang của chính lão Hashi. Mà chết trong cách kỳ cục nhất: đuối cạn. Chẳng hiểu vì lẽ gì, người ta phát hiện lão gục đầu xuống bồn tắm đang đầy tràn nước, tắt thở từ lâu. Điều tra đi theo hướng rằng lão định tắm đêm, rồi bị ngất trong tư thế đâm đầu vào bồn tắm nên mới ra cơ sự như thế. Vốn Hashi Nakeo không có ưu điểm gì tốt đẹp ngoài bợm nhậu, đánh bạc và hành hạ vợ con nên vụ này đã nhanh chóng dàn xếp êm đẹp cho xong. Ai xứng đáng ở vị trí nào thì đã nằm ở vị trí ấy, chẳng hơi đâu bới bèo ra bọ. Vậy nên khó có thể xếp được sự vụ trên vào chuyện lành hay họa.

Năm đó làng được một mùa cá rất xởi lởi.

Tính ra, thiệt hại duy nhất, là kể từ đó, không ai lôi được chuyện người cá ra khỏi đầu óc của cậu bé Keita nữa.

Tua nhanh đến rất nhiều năm sau, thời điểm tôi vẫn là thằng nhóc đội mũ hoa mầm non thì chú Machida đã hoàn thành xong bằng Đại học, quay trở về ngôi làng nhỏ của mình. Chú nhận công việc canh gác ngọn hải đăng - một việc mà chẳng ai thích làm - kết hợp với việc thu thập mẫu vật, miệt mài nghiên cứu về các sinh vật biển. Từ trí nhớ của tôi, chú ấy rất nổi tiếng, là người đàn ông mà cô gái nào cũng muốn lấy nhưng không ai bước vào được. Cánh cửa ngọn hải đăng lúc nào cũng mở cho bất kỳ ai, chỉ có trái tim của chủ nhân chúng là luôn luôn đóng chặt.

Không, không phải do tôi nghĩ nhiều quá đâu. Nếu là anh, nhìn tận mắt con người đó anh cũng sẽ thấy như vậy. Anh sẽ cảm giác như chưa từng có ai thân thiện đến thế, nghiêm túc và chính trực đến thế, nhưng đồng thời lại cô độc, xa cách vô cùng.

Cho nên người ta mới thầm gán cho chú ấy cái tên, Machida Keita - người gác biển. Bởi vì tầm mắt của chú lúc nào cũng chỉ một mực hướng ra biển khơi sâu thẳm mênh mông.

Những tưởng chú cứ như vậy cho đến hết cuộc đời, thì đến năm ba mươi, chú Machida đột ngột dẫn một con người vào thế giới bí ẩn của mình. Anh sẽ không hình dung được, với cái nơi nhỏ bé, đơn điệu này, tin tức ấy chấn động thế nào đâu. Cả làng phát sốt lên vì một người chưa biết mặt. Ai cũng hết sức tò mò kẻ may mắn đó trông ra sao và phải như thế nào mới lọt vào tầm mắt của chú.

Riêng lũ trẻ con chúng tôi thì thẳng thắn hơn người lớn nhiều. Chúng tôi không chờ đợi, mà trực tiếp chạy tới ngọn hải đăng xem mặt "cô dâu" của người gác biển. Bởi lẽ trẻ con vẫn luôn được chào đón ở đây, thỉnh thoảng chú Machida còn cho phép chúng tôi nhìn ngắm phòng mẫu vật của mình. Tuy nhiên, ngày hôm đó, cánh cửa luôn rộng mở lại đóng chặt. Thật đáng ngờ! Bọn bạn đẩy tôi xung phong đi trước, vì nhà tôi với nhà chú là hàng xóm, chúng tôi cũng coi là quen biết nhau hơn.

Trong nhà rất yên tĩnh, như nó vốn có, nhưng vẫn mang bầu không khí rất khác. Nếu là bây giờ nhìn lại, hẳn tôi sẽ nói được vài điều đại loại như đồ đạc kê kích rộng rãi hơn, cốc chén bát đũa đều có đôi, hay sự xuất hiện của lọ hoa xinh xinh... Có điều tầm mắt trẻ con bấy giờ chỉ biết cảm nhận chứ chưa thể lý giải tường tận. Tôi lúc ấy dò dẫm từng bước, chẳng thấy ai nhưng cũng không muốn ra ngay, sợ bạn bè chê nhát. Thế là cứ vào sâu hơn, sâu hơn tận phòng ngủ. Đấy là nơi tôi gặp người ấy lần đầu.

Để tôi nói với anh điều này. Người ấy đẹp lắm. Đẹp nhất trong số những người tôi gặp. Đừng cười, tôi biết anh không tin tôi. Đúng là trông tôi cũng chẳng già dặn tới mức thấy hết người đẹp trong thiên hạ. Tôi cũng biết thừa khái niệm "đẹp" thì có nhiều kiểu, mỗi người mỗi khác. Ở đây tôi chỉ muốn nói là, nét đẹp ấy, cái nét trong sạch, tinh khiết thuần diệu ấy, sẽ là lần duy nhất tôi được cảm nhận. Chỉ ở con người đó, khung cảnh đó và ngay thời điểm đó mà thôi, không có lần thứ hai. Tới tận bây giờ cũng chưa từng lặp lại.

Nhưng thôi, không rườm rà nữa, nói ngắn gọn lại, là tôi đã gặp chủ nhân mới của ngọn hải đăng. Người ấy đang ngồi trên giường, lơ đễnh nhìn ra cửa sổ với nắng, gió và biển rì rào. Tôi nhớ cảnh qua khung cửa đẹp như tranh vẽ, nhưng vẫn không thể đẹp bằng người trước mặt. Càng không thể so sánh với đôi mắt hiền hậu nhìn tôi mà sẽ sàng hỏi: "Ai?"

Tôi chạy biến.

Hổn hển chạy ra rồi, bị vây giữa lũ bạn nhao nhao lên đủ thứ, lúc ấy tôi mới nhận ra một điều. Người yêu của chú Machida, người mà chúng tôi đã tự mặc định là "cô dâu" đó, hình như lại là... đàn ông.

Rồi chuyện cũng chẳng giữ được lâu, vài ngày sau thì chú ấy đã chính thức giới thiệu với mọi người. Dân làng bắt gặp họ lững thững đi dạo trên đường vào buổi sáng sớm. Vài người dừng lại chào hỏi và chú Machida cũng không giấu diếm gì cả. Theo lời chú thì đây là người bạn thời Đại học, đến ở cùng cho vui, tiện thể nghỉ dưỡng vì vừa trải qua đợt phẫu thuật. Điều đó giải thích cho vẻ ngoài yếu nhược, mệt mỏi mà tôi thấy lúc đầu, cộng với việc người đó có phần nhút nhát, hầu như chỉ đứng nấp phía sau chẳng nói năng gì. Tuy chú giới thiệu như vậy, nhưng liếc sơ là mọi người đều biết tỏng, người bạn này hơn cả chữ "bạn" thông thường. Chứ gần chục năm trời, nào thấy tăm hơi bạn bè nào ở đất liền tới thăm chú Machida đâu. Mà chú ấy cũng chẳng thèm che đậy, công khai thể hiện những cử chỉ chăm sóc, quan tâm với người kia. Không hề giống với phong cách cẩn trọng, xa cách trước kia, như một con người khác.

Khỏi phải nói, trái tim các cô gái trong làng đã tan nát như thế nào. Mấy bà chị ấy vỡ lẽ ra rằng, suốt bao năm qua, họ thất bại không phải bản thân thua kém mà vì ngay từ đầu, giới tính của họ đã không hợp ý chú Machida rồi. Còn trong vòng đám đàn ông thì thầm lượt lại những cử chỉ trước kia của chú Machida, tính xem có khi nào chú thể hiện tính hướng mà mình không biết. Nhưng ngoại trừ nghiêm khắc đến phát chán và có vẻ thư sinh, đạo mạo hơn một chút, chú Machida vẫn nam tính như ai, thậm chí còn quật ngã được khối người trong đám nam nhi trai tráng.

Có điều, dù hoài nghi hay không, dù thất vọng cỡ nào, thì tất cả cũng giống như tôi, đều đồng ý rằng hai người ấy thật xứng đôi. Ngay cả những cô ngoan cố nhất, không chịu chấp nhận sự thật, mà tới khi được nhìn tận mắt, cũng đành nén lòng thở dài. Họ không đấu lại được. Vẻ đẹp của người đó là không thể bàn cãi, nó hợp mắt cả nam lẫn nữ, cả người già lẫn trẻ nhỏ. Từ chỗ là địch thủ, các cô lại đi mê mẩn cặp mắt đẹp hút hồn, như chứa cả biển khơi sâu thẳm sóng sánh, ước ao giá như mình được nửa như thế. Đấy là họ còn chưa thấy người ta cười đó nhé! Sau này, khi người bạn của chú Machida đã bạo dạn hơn thì chúng tôi mới phát hiện, người đó rất thích cười. Cười rất nhiều, cười hầu như mọi lúc, và chẳng ai nỡ cấm cản điều đó cả. Bởi nụ cười ấy, cũng như chủ nhân của nó, rất xinh đẹp. Nói thế này có phần nghe sáo rỗng quá, nhưng thật sự như tỏa nắng vậy! Chỉ với một nụ cười thôi ấy! Anh tưởng tượng được không, người ấy đứng đó, và mọi thứ xung quanh gần như phát sáng. Với làn da trắng như Mặt trăng đêm rằm, đôi mắt là ngàn vì tinh tú và nụ cười như Mặt trời, không ai là không gục ngã. Còn với tôi, người ấy là cả vũ trụ.

Chỉ tiếc là, những thứ quá xinh đẹp thì không nên sống với con người...

À, tôi quên chưa nói tên của người đó hả? Xin lỗi, tôi cứ tưởng nói lúc đầu thì anh sẽ nhớ. Vâng, tên đầy đủ là Akaso Eiji, còn chúng tôi thường gọi quen thuộc là Ei-chan.

Như trên đã nói, khi quen dần với cuộc sống nơi đây thì Ei-chan rất dễ thương. Anh ấy hay cười hay nói, dù đôi lúc hơi ngô nghê. Ei-chan thân với tụi thiếu niên chúng tôi hơn, tính anh cũng tò mò với bốc đồng y như trẻ con. Nên anh ấy cũng vừa yêu vừa kính trọng chú Machida hệt như đứa con sợ bố, đứa em sợ anh và một người vợ tôn sùng chồng. Tôi để ý thấy Ei-chan rất tin tưởng chú Machida, luôn nghe theo gần như mọi thứ, chỉ trừ những lúc chuồn đi chơi. Chú Machida hay nhờ tôi trông chừng Ei-chan mỗi khi chú đi vắng, vì "cậu ấy ngốc lắm" và cũng vì "Eiji có vẻ thích cháu". Nhưng toàn lo hão cả, bởi cứ hễ chú xa nhà thì Ei-chan như bị hết điện, anh ấy cứ nằm ườn uể oải, chẳng hề giống con người tươi tắn, thích làm nũng, thích trêu đùa trước đó chút nào. Những lúc ấy, Ei-chan chỉ nhìn xa xăm, cứ đăm đắm về phía biển.

Còn về việc chú Machida đi đâu, thì tuy nhiệm vụ chính là gác ngọn hải đăng nhưng thỉnh thoảng chú sẽ tranh thủ theo các con tàu xa đi thu thập mẫu vật. Chú ấy vẫn là trưởng trạm, túc trực thường xuyên, còn phụ giúp là một người nữa, chép nhật ký, ghi bảng tin, lau sửa thiết bị, lúc cần sẽ thay ca. Ngay cả Ei-chan nhiều khi cũng giúp cả việc bật đèn, vì đã được chú Machida hướng dẫn. Rồi đôi ba lần, chú ấy còn phải vào đất liền để tham dự hội thảo hội thiếc gì đó nên tựu chung mỗi năm cũng phải rời đảo năm sáu bận. Nên Ei-chan nhớ nhung là phải.

Có những khi tôi hỏi, sao anh không đi theo chú ấy, thì Ei-chan lắc đầu bảo "Không được, Keita không cho", hay "Anh không thể bơi"... hoặc đôi khi, thì thầm vẻ thần bí "Ra đấy, họ sẽ bắt đi mất". Tôi thì tôi chỉ thấy tội nghiệp cho thanh niên chắc cũng phải đầu hai rồi mà không biết bơi, thế mà đòi ra đảo sống, hơn nữa còn có vẻ mê man với biển. Đến nỗi chiều nào cũng thấy anh ấy tung tăng chạy ra bãi cát, ngâm chân trần dưới sóng, thậm chí có tối cũng mò ra. Hứng nhiều hơi biển mặn mòi, trải đầy nắng gió, bây giờ thì làn da anh cũng có vẻ sạm sạm rắn rỏi, ra dáng con dân làng chài đầy đủ tư cách lắm rồi.

Đáng tiếc là, người làng tôi vẫn chưa hoàn toàn tiếp nhận anh. Bỏ qua thời gian đầu bỡ ngỡ vì sự đẹp đẽ, đáng yêu, họ bắt đầu bàn tán về những hành động kỳ lạ của Ei-chan. Tôi đã nói là anh ấy như một đứa trẻ con rồi nhỉ? Đó không phải một phép ví von, mà sự thực hiển hiện như vậy. Không chỉ bắt gặp anh thường xuyên lầm bầm cùng với cây cỏ, động vật; thỉnh thoảng Ei-chan còn thốt ra những câu rất kỳ lạ, không đầu không cuối. Ví dụ như có một lần gặp bác Mita xách túi, anh nói "Bác đừng đeo túi đó nữa". Không ai hiểu, cho đến khi một xe máy rồ qua, móc vào chiếc túi, lôi bác Mita ngã dập đầu gối, đồng thời quai túi cũng đứt luôn. Rồi lần nữa, khi hai anh em ngắm ông Suichiro móc lưới, Ei-chan buột miệng: "Bác dệt đẹp quá, chỉ tiếc là không dùng được". Chẳng bao lâu sau, một con cá lớn đã dứt đứt chính mắt lưới đó, kéo theo toàn bộ mẻ cá của ngày hôm đấy đều xôi hỏng bỏng không. Rất nhiều lần như vậy. Họ rì rầm với nhau, rằng hình như Ei-chan còn dự đoán được chính xác thời tiết, rằng tại sao anh chưa từng nhắc đến cha mẹ hay người thân thiết ở đất liền dù đã ở được một thời gian, rằng có lẽ anh... không phải là người.

Sự việc càng trầm trọng hơn, khi người ta phát hiện ra thói quen kỳ lạ của Ei-chan. Chính tôi ban đầu cũng không biết, cho tới khi được kể lại. Chuyện xảy ra vào một lần bão đổ bộ. Nói thực, với dân đảo chúng tôi, bão biển chỉ như gió may ở đất liền. Mọi người cứ lặng lẽ ai làm việc ấy, lo chằng néo cửa nẻo, rồi nằm im đợi bão tan. Mây ùn ùn kéo tới giống đoàn binh rầm rộ, rồi gió mở đường thổi, và cuối cùng là biển gầm rú réo gào, tác oai tác quái hất từng đụn sóng vào bờ như mụ già héo quắt bị ai cướp mất đồ. Cũng chẳng sao, chúng tôi quen rồi. Đã lấy từ biển quá nhiều, thì cũng phải cho người ta trút giận chứ. Nhưng lần này thì khác. Gió rít được một lúc, thì chúng tôi dần dần nghe thấy âm thanh khác lạ. Lúc đầu chưa rõ, còn khi tập trung hơn thì tất cả đều nhận ra, ấy là tiếng hát. Không thể nghe rõ lời, nên gọi nó như tiếng hét thì đúng hơn. Trầm đục, mạnh mẽ, ngân nga theo một giai điệu khó hiểu. Giữa đêm tối đen, nó ma mị, quyến rũ theo cách khiến người ta rợn tóc gáy. Ta cảm giác như mình đang lạc vào một thế giới khác biệt, một thế giới không nên bước vào bởi nó vượt quá sự nhận thức của con người. Cả đêm tôi đã không ngủ được. Đầu óc trẻ con cho rằng ấy là mộng mị mình tưởng tượng, nhưng sáng hôm sau hóa ra cả làng đều nghe thấy. Tuy tránh nói thẳng ra, ai ai cũng đều có chung một ý nghĩ. Chẳng hiểu ý tưởng ấy tuồn ra từ đâu, mọi ánh mắt đều hướng về ngọn hải đăng sừng sững.

Nhưng làm sao có thể? Tôi lúc nào cũng ở bên Ei-chan, tôi quá rõ giọng anh ấy thế nào. Lẫn giữa đám đông trăm mét còn có thể nhận ra, Ei-chan rất trầm ấm, rất dịu dàng, đến tiếng "Vâng" anh còn nói khẽ. Chẳng có lấy một điểm chung, nếu so sánh với thứ âm thanh kì dị, rầm vang như sấm rền ấy.

Biết là vậy, thế mà khi đài báo đợt bão tiếp theo, cả ngôi làng vẫn trùm trong thứ không khí kì quái. Bão còn chưa tới, mọi người đã vội tắt hết đèn, leo lên giường đi ngủ. Nhưng dĩ nhiên là chẳng ai chợp mắt được. Về phần tôi, núp dưới tấm chăn kín mít, tôi thầm cầu mong tối nay sẽ chẳng có tiếng hát nào nữa.

Những cơn gió dạo đầu...

Và kìa! Lại là tiếng hát ấy! Lần này nó rõ ràng hơn nhiều, bởi không còn ai nhầm lẫn nó với tiếng gió rít, sóng vồ, tiếng nước mưa đập vào ống máng nữa... Nó là sản phẩm của một "người" nào đó, nhưng đồng thời cũng không một cổ họng nào trên thế gian này tạo được thứ âm thanh dài, rộng và nhiều cung bậc đến thế. Hòa cùng sự dữ dội của thiên nhiên, nó trở thành bản giao hưởng mê mang hỗn loạn, vừa đáng sợ vừa hấp dẫn, kêu gọi ta thoát khỏi thứ thể xác tù túng, để hòa mình vào cái cao cả, vĩ đại, cái nguyên sơ, thủy tổ nhất...

Lần này tôi đã thiếp đi, giữa thứ âm nhạc kì dị, bên cạnh chiếc gối ướt đầm nước mắt...

Đêm ấy tôi mơ. Về nơi biển xanh, rặng san hô, những con cá đủ màu sắc bơi lội, xung quanh lấp lánh ngọc trai và cả vài chiếc vẩy sáng lóa thoắt ẩn thoắt hiện. Tôi lơ lửng giữa lòng biển, nhìn lên đốm sáng phía trên. Bỗng một gương mặt quen thuộc hiện lên trước mắt, che mất tầm nhìn. Tôi biết người ấy, với hai con ngươi lóng lánh kể cả trong đêm tối. Người ấy đưa tay cho tôi nắm, nhoẻn miệng cười...

Mọi người trong làng đều đi đến một đáp án. Chẳng còn ai muốn giao du cùng anh Akaso Eiji. Trẻ con bị cấm tới gần anh, người lớn tránh mặt mỗi khi anh chào hỏi. Nỗ lực bắt chuyện chỉ đáp lại bằng sự im lặng. Còn mỗi mình tôi vẫn lẻn đi chơi cùng Ei-chan. Ngay từ đầu, tôi đã không quan tâm thứ niềm tin vớ vẩn mà đám người già cứ bám lấy. Đây là thời đại nào rồi? Giữa lúc người ta lo phóng tàu lên vũ trụ, tàu ngầm ra-da sục sạo mọi ngõ ngách, mà họ còn mù quáng vào những truyền thuyết thủy cung, người cá? Đó rõ ràng là hành động cô lập của cả một cộng đồng lên cá nhân nhỏ bé không thể kháng cự. Tôi căm ghét điều ấy. Nó giống y như trò bắt nạt hèn hạ tôi vẫn thường thấy ở trường học. Tôi không muốn trở thành như thế, tôi sẽ sống theo cách của mình, kệ mặc người đời. Tôi đã nói những lời rút ruột rút gan ấy với Ei-chan, trong khi ngồi cùng anh đợi chú Machida trở về. Ei-chan lắc đầu cười, nghe chừng chẳng tin lòng quyết tâm của tôi, nhưng anh cũng nhẹ nhàng xoa đầu thằng nhóc con bừng bừng nhiệt huyết. Tôi hiểu anh không muốn nghe thêm nữa, nên dừng lại, lòng thầm ước giá mình lớn đủ nhanh để bảo vệ anh.

Cuối cùng, chú Machida cũng về. Với một bên má sưng tím. Ei-chan hốt hoảng chạy ra đón. Ngồi trên bậc thềm cửa, tôi không thể nghe được hai người ấy nói gì. Họ đang sống trong thế giới riêng. Ei-chan vuốt má chú Machida, âu yếm hết sức có thể. Chú Machida nghiêng đầu dựa hết vào bàn tay thanh mảnh ấy, như đó là neo đậu của cuộc đời chú. Ei-chan đã nói thêm gì đó chăng, chỉ thấy chú lắc đầu nhè nhẹ. Rồi gấp gáp ôm chặt lấy Ei-chan, ghì anh ấy vào người mình. Ei-chan cũng chẳng nhỏ bé chi, mà vẫn nằm gọn gàng trong vòng tay chú ấy.

Tôi biết ai đã gây ra vết bầm trên mặt chú Machida.

Lần này chú Machida chẳng đi làm công việc gì cả, đơn giản là chú về nhà, nhưng nó còn bão tố gấp mấy lần những chuyến đi. Từ hồi trước, khi chú dẫn Ei-chan về, ông thân sinh đã không hài lòng rồi. Tuy nhiên, tính chú thì khó nắn mà ông Tachiro hẳn cũng hy vọng đây là hứng thú nhất thời, thêm vài tuổi nữa, biết đâu chú lại hồi quy về con đường đúng đắn. Nên ông ấy nhắm mắt kệ mặc, để bà vợ và hai đứa con gái thỉnh thoảng vẫn qua lại chỗ chú. Đám đàn bà thì thích Ei-chan lắm, khen anh vừa ngoan vừa hiền, lại dễ thương. Giờ thì chẳng còn chuyện ấy nữa rồi. Vết thương trên mặt chú Machida rồi cũng sẽ tan, những lời cha chú có nói chắc sẽ được chôn sâu vĩnh viễn, nhưng vết ngăn giữa hai người sẽ không có gì lấp đầy được nữa. Cá nhân tôi thì không hiểu, chẳng lẽ chuyện nòi giống, chuyện mặt mũi với người khác lại quan trọng hơn hạnh phúc của con cái mình? Chú Machida ở cùng Ei-chan vui vẻ hơn cả quãng đời trước đó cộng lại, chẳng lẽ như thế còn không đủ?

Từ đó trở đi, chú Machida và ông Machida, hai người như hai kẻ xa lạ sống chung một hòn đảo, tình cờ có cùng một phần họ, và tính cách cứng đầu.

Anh ạ, bây giờ nhắm mắt lại, là tôi vẫn có thể hình dung, rõ nét từng chi tiết một - thậm chí nếu có máy in kết nối được với kí ức, chắc tôi cũng in ra được - khung cảnh ngày hôm ấy: hai con người ôm nhau, gió biển thổi lồng lộng, nắng xanh đến trong vắt, đằng sau là những ngôi nhà nhấp nhô giữa tán cây xanh rì. Họ nhập làm một, là một cá thể duy nhất giữa cảnh trời, nhưng đồng thời cũng là cả thế giới. Tôi muốn hình ảnh ấy, sẽ là điều cuối cùng mình nhìn thấy trước khi từ bỏ cuộc sống này. 

Bởi cuộc sống, đã quá tàn nhẫn với họ.

Chú Machida lại đi xa bờ. Chú nói mình sẽ về sau năm ngày. Đến ngày thứ tư, ráng chiều màu đỏ. Sáng ngày thứ năm, bầu trời xuất hiện các đám mây xốp, xếp thành từng khối vuông vức như bánh kem. Tuy vậy không ai vui. Giữa không khí ấy, một số người đàn ông lớn tuổi, có tiếng nói trong làng tôi, mặt nghiêm trọng, lần lượt ghé thăm nhà ông Machida. Đám người đó tới lẻ tẻ, tránh gây chú ý, như bàn chuyện cấp bách quốc gia. Nhưng tôi vẫn biết được, bởi tôi đã lẻn theo nghe lén. Họ bàn việc chấm dứt "tiếng hát", người ta không muốn nghe thấy nó nữa, vì cho rằng ấy là nguồn cơn kêu gọi bão tố. 

Tôi đã định sẽ báo cho người đó. 

Chao ôi! Giá mà lúc ấy tôi không phải thằng nhóc ngây thơ, yếu ớt, cứ nghĩ mình hiểu được mọi điều. Cho tới khi bố tôi nắm cổ lôi tôi ra từ chỗ nấp, tôi mới nhận ra sai lầm nghiêm trọng của mình. Giá như tôi cứ ở bên anh ấy ngay từ đầu. Té ra, người ta đã phát hiện ra tôi từ lâu rồi, người ta chỉ giả bộ để dắt con lừa, chính là tôi, đi theo. Bố tôi nhốt tôi vào phòng, khóa trái cửa, nói: "Có mày ở đấy, người ta không làm được. Cứ ở yên ấy cho xong việc."

Anh biết không, tôi thậm chí còn không gào khóc, không phá cửa. Mọi thứ đều vô ích, kể từ thời điểm bố xuất hiện trước mặt tôi. Những chuyện tiếp theo, tôi không hề được tận mắt chứng kiến, nhưng tôi có thể kể tường tận cho anh, bởi tôi đã nghe hết, và bởi suốt mấy tiếng đồng hồ giữa bốn bức tường gỗ, tôi thực sự cảm thấy từng hình ảnh như hiện ra trước mắt mình. Vợ ông Machida sẽ làm, vì đám đàn ông thì sợ gây nghi ngờ, còn hai đứa con gái thì e các cô sẽ mềm lòng. Bà ấy sẽ đến gõ cửa ngọn hải đăng, Ei-chan chắc chắn rất vui mừng. Anh mời bác gái vào nhà uống nước, bác gái từ chối, nhưng có thể đứng nói chuyện vài câu. Cuối cùng, bác đưa ra một gói bánh, nói mới làm sáng nay. Nói tiếp vài câu an ủi, động viên, rồi bác về, hẳn là bước đi vô cùng vội vã. Với cái tính hảo ngọt, Ei-chan nhất định sẽ mở ra ăn vụng một chút. Lại đúng bánh đậu đỏ sở trường, anh ấy chắc phải ăn hết nửa hộp là ít. Còn sau đó... nếu còn có sau đó...

Lúc bố tôi mở cửa, thì đã năm giờ chiều. Tôi chạy một mạch. Con đường làng rất vắng, mọi người về nhà chuẩn bị cả rồi. Không gian lặng gió, oi bức và nặng nề, các đám mây tan rã, xơ xác màu xám nhạt rải khắp vòm trời. Khi tôi đến nơi, anh Ei-chan cũng đang nhìn ra ngoài, gương mặt bồn chồn. Trên bàn ăn, gói quà đã ăn hết chỉ còn một chiếc. Thấy tôi anh mỉm cười, hỏi có đói không, để anh nấu mì. Tôi gật đầu, không biết nói gì thêm.

Tối đó, tôi ngủ lại ngọn hải đăng. Tôi đã ngủ rất ngon, hầu như còn chẳng nhận thức được rằng bão đã vào. Bỗng, có tiếng thét. Không, không phải là âm thanh. Nhưng nó vang trong đầu tôi, chói chang, đau đớn. Nó khiến tôi bật dậy, tim đập thình thịch, đầu ong ong giữa xung quanh gió mưa đang quật ầm ầm. Vùng ra khỏi chăn, theo bản năng tôi chạy lên đỉnh tháp. 

Để tôi nói cho anh hay, leo thứ cầu thang đó không dễ dàng gì đâu, nhưng vào lúc ấy, tôi không thấy mệt. Tôi đã thấy điều mình cần phải thấy. Ei-chan quỳ rạp trên sàn, anh thở dốc, miệng phát ra những tiếng khò khè khốn khổ. Anh khóc không ra tiếng, nước mắt không chảy nhưng khuôn mặt anh là tất cả nỗi nghiệt ngã cộng lại. Ei-chan hết nhìn ra ngoài rồi lại chỉ vào cổ họng, hết chỉ vào cổ họng rồi lại nhìn ra phía tôi cầu xin, ú ớ những âm thanh chẳng ra hình thù gì. Tôi gật đầu, nước mắt ràn rụa. Đúng rồi, đúng rồi đấy, Ei-chan. Chính họ đã làm thế với anh. Ei-chan, anh vẫn không hiểu lòng người như thế nào ư? Phận một đứa nít ranh, tôi còn có thể làm gì? Tôi chỉ còn biết nửa lôi nửa dìu thân xác rũ rượi ấy trở về phòng ngủ tầng cuối cùng. 

Tự nhiên, cơn gió bão ngoài kia chẳng còn đáng sợ. Tự nhiên, tôi thấm thía, không có gì đáng sợ bằng bão nơi lòng người.

                                                                               *  

Thỉnh thoảng, tôi vẫn thường mơ thấy một cảnh lặp đi lặp lại. Đó là bờ biển dưới đêm trăng sáng nhất, nơi sắc xanh bàng bạc, lành lạnh được trang điểm thêm màu trắng lóa tròn trĩnh, dập dềnh, dập dềnh trên ngọn sóng. Không hề nghe thấy âm thanh gì, hệt như ta đang nhìn một bức tranh biết chuyển động. Trong khung cảnh ấy, chú Machida, dáng người thẳng tắp, đi bộ chân trần giữa bờ cát. Chú dang tay ra và người kia chạy lại, sà vào lòng trong cái ôm thật chặt. Bóng họ trải dài, trộn lẫn vào nhau.

Tôi rất thích giấc mơ ấy, tôi hay mong ước mình được ở mãi trong đó, không cần tỉnh dậy.

Nhưng tôi biết mình mơ ngay cả khi đang ở trong giấc mơ.

Bởi vì chú Machida... đã không bao giờ trở về.

Đám tang của chú, không ai mời Ei-chan. Lẽ tất nhiên. Nhưng Ei-chan cũng không cần ai phải mời. Càng là lẽ tất nhiên.

Rất đột ngột, anh xuất hiện giữa buổi lễ, khi nhà sư đang đọc kinh siêu độ. Ei-chan còn chẳng mặc đồ tang, chắc chú Machida đã không kịp dạy anh ấy điều đó. Anh cứ vậy đi thẳng đến bàn thờ. Nhà sư kinh ngạc, không nói nên lời, còn chung quanh đều lặng ngắt. Tôi biết ngay anh muốn nhắm đến cái gì. Bức ảnh. Ei-chan không thèm chú ý tới bình tro cốt, anh thừa hiểu nó cũng như một số bình tro cốt khác trong tuần lễ tang tóc này, chẳng có gì hết. Mọi hy vọng tìm được thi hài đoàn thủy thủ đều không còn, thứ duy nhất dạt vào bờ là vài mảnh tàu vụn. Người dân đã thu nhặt chúng đem hỏa táng, để san ra chia vào các bình tro cốt tội nghiệp. Giống như người đất liền chết phải trả về cho đất, người miền biển cũng phải trả lại tài sản mình đã lấy, thông qua những đứa con gửi về lòng biển mẹ.

Khi anh Ei-chan ôm tấm di ảnh, tôi thề, khuôn mặt nghiêm nghị trong ảnh đã trở nên dịu dàng hơn chút. 

Ei-chan đã đứng đấy rất lâu, ôm ấp di ảnh như vật trân quý, như nơi ấy chỉ có mình anh. Trước khi xoay người định đi, anh quét mắt nhìn tất cả người trong căn phòng.  Tôi chưa từng thấy Ei-chan như thế, ánh mắt căm hờn tưởng chừng có thể sống mái với bất kỳ ai dám ngăn cản. Người chị và em gái của chú Machida khóc rưng rức, bác gái chấm nước mắt, không dám ngước lên. Còn ông Tachiro, như cảm nhận sức nặng từ cái nhìn ấy, ông cúi gằm mặt, bờ vai rũ xuống, nặng nề gật đầu.

Phải, chú ấy nên trở về với vòng tay mình vốn thuộc về.

Mọi người lặng nhìn theo bước chân nặng nề của anh bước ra cửa cho tới khi khuất đi hoàn toàn.

                                                                            * *

Kể từ đó, tôi mặc nhiên trở thành người chăm sóc cho anh. Ei-chan không bao giờ bước chân vào làng, anh cũng không bao giờ cất tiếng nữa. Thực chất, thứ thuốc họ đầu độc anh không làm người ta không nói được, nó chỉ gây tổn thương thanh quản để ngăn việc hét to. Vì nếu hét sẽ bị mất tiếng tạm thời. Nhưng tôi nghĩ, giờ anh cũng đâu cần nữa, khi mà điều anh muốn bảo vệ đã chẳng còn. Đám người lớn vô tâm kia cũng hết dị nghị với anh. Có điều, người già chịu yên thì bọn trẻ lại không biết điều. Những kẻ muốn khuấy đục cuộc sống của người khác có vợt cũng không hết. Anh có tin được không? Một cộng đồng dù có nhỏ đến cỡ nào, vẫn sẽ sản sinh ra các thành phần cặn bã. Nó như thứ virus cài cắm sẵn kể từ khi con người biết sống quần tụ với nhau, để ngăn cho chúng ta vươn tới cuộc sống toàn vẹn. Chắc anh cũng sống đủ lâu để nhận ra điều ấy.

Với trải nghiệm của tôi thì, ở trường tôi hay gặp mấy thằng nhãi nham nhở đùa cợt tôi bị người cá bỏ bùa, sớm muộn gì cũng thành loại "lưỡng tính", cùng vài thứ tục tĩu khác. Chúng còn nghiêm túc hỏi mỗi sáng liệu tôi có mò được hạt ngọc nào dưới gối anh không. Dám chắc thứ não thả cho cá rỉa của bọn chúng đã thực sự tin rằng người cá là có thật, lẫn truyền thuyết ngớ ngẩn khóc ra ngọc trai! Giá mà lũ ngốc đó hiểu rằng, tôi mong Ei-chan khóc còn hơn chúng. Giá như anh chịu khóc, thì mọi điều đã dễ chịu biết bao.

Chuyện chưa dừng lại ở đó.  Một hôm, bọn choai choai ở đâu chẳng rõ đã xông ra chặn đường hai anh em tôi, phá hỏng buổi đi dạo êm đềm. Tôi biết hết mấy tên đó, toàn là những kẻ ăn chơi, lười biếng, không muốn an phận làm dân chài. Những thứ ngoài thế giới kia đã làm hỏng chúng, khiến bọn chúng mơ ước đến những điều không phải của mình. Ban đầu, tên đầu đàn nói vài lời khiêu khích. Khi thấy Ei-chan không phản ứng gì và định rẽ lối khác thì hắn nắm lấy vai anh. Ei-chan hất ra khinh thường. Thế là hắn xổ một tràng những lời rủa xả chẳng đầu chẳng đũa, nào là thằng "lại cái" kinh tởm, con quỷ đuôi cá, quyến rũ đàn ông, gọi điều xui xẻo... Nói hắn muốn thay trời hành đạo, dạy cho anh một bài học. Trong lúc ấy, lũ lâu nhâu bắt đầu vây lấy xung quanh chúng tôi. Chúng muốn gây chiến. Tôi cũng sẵn sàng thủ thế, định mở đường máu. Nhưng anh bấm khẽ tay tôi, mắt anh nói khác. 

Tôi hiểu ý ngay.

Chẳng nói chẳng rằng, Ei-chan tung cú đấm như trời giáng, ngay trúng mũi thằng đầu têu ba hoa. Hắn còn không tin mình bị phản công đau thế. Đến tôi cũng không ngờ. Nhưng Ei-chan đã ẩy tôi ra phía sau. Tôi vùng chạy. Có tiếng la hét, bọn chúng đang phân vân không biết nên đuổi theo con mồi nào. Vừa chạy vừa ngoái lại phía sau, không thấy kẻ nào theo đuôi, tôi đoán bọn vô lại ấy đã đưa ra quyết định. Thế là tôi càng cắm đầu cắm cổ chạy hơn, cầu mong anh Ei-chan cầm cự được.

May thay, tôi gặp ngay toán dân làng trở về sau buổi câu đêm. Nghe tôi kể, họ vứt cả lưới vợt dây câu đi cứu. Trong số ấy có cả ông Tachiro. Sự sốt sắng của họ khiến tôi cảm động, trong phút chốc, tôi đã thực sự tha thứ cho những người lớn đó.

Có điều, chúng tôi tới vẫn muộn. Trận chiến đã tàn cuộc. Thắng bại đã rõ.

Anh Ei-chan đứng giữa đám thanh niên nằm lăn lộn rên rỉ. Miệng anh hơi rỉ máu, quần áo thì lấm lem, xộc xệch. Ei-chan bị thương cũng nhiều, nhưng điều đó không quan trọng, quan trọng là anh đã thắng. Nhưng như thể việc con người mảnh khảnh như anh đánh bại năm sáu tên thanh niên chưa đủ khiến chúng tôi ngạc nhiên, hành động tiếp theo của Ei-chan còn làm chúng tôi kinh hoảng hơn. Rất bình tĩnh, anh nhặt con dao bấm của tên nào đó đã đánh rơi, tỉ mỉ rạch một đường dứt khoát trên cánh tay mình. Anh làm rất chậm, và suốt quá trình, mặt không hề biến sắc. Ei-chan lạnh lùng để cánh tay đang rỏ máu tong tong hướng xuống tên đầu đàn vẫn đang nằm dài. Những giọt đỏ thẫm, đặc sệt ma quái rơi trên mặt hắn. Như có nước sôi, gã đó rú lên ghê rợn, quằn quại, la thét cầu cứu. Lũ người chúng tôi chết đứng. Còn anh Ei-chan, lúc ấy đã quay lưng đi rồi, bình tĩnh như một diễn viên rời bỏ sân khấu, biết rằng mình đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của bản thân.

Tôi đã có cái nhìn khác về Ei-chan.

Sau vụ ấy, Ei-chan cũng chỉ để tôi được chăm sóc vết thương cho anh. Còn đám thanh niên kia, theo tôi được biết, động cơ gây sự của chúng cũng chẳng vì chính nghĩa đạo đức gì cả. Chẳng qua chúng nghe những lời khích bác vớ vẩn trên mạng, có kẻ ra giá và thách chúng lấy được máu của người cá. Một lũ ngu muội! Tôi không rõ gia đình bọn chúng đã xử lý như thế nào, cho dù một tên trong số ấy đã bị mù một bên mắt (cho đáng kiếp!), nhưng lại không có gậy gộc, đinh ba nào đến đuổi đánh Ei-chan như tôi vẫn sợ cả. Có lẽ rất nhiều việc xảy ra đã thực sự mở mắt cho dân làng rồi.

Đáng buồn thay, con người không đánh gục được anh thì chính quyền lại làm điều đó. Cố cướp đi điều cuối cùng của Ei-chan.

Người gác hải đăng chính đã mất, bên trên cử người đến thay, yêu cầu Ei-chan sớm thu xếp để chuyển đi. Anh tiếp nhận thông báo đến tê dại cả người, tôi phải giải thích mãi. Thương anh, tôi đã định sẽ đưa anh về nhà mình, có phải quỳ xuống cầu xin bố cũng cam tâm. Nhưng không đến lượt tôi, tin tức lan nhanh như gió thổi, hôm sau ông Tachiro đã xuất hiện. Nhìn người đàn ông nghiêm trang ấy có mặt ở nơi ông đã từng thề sẽ không bao giờ đặt chân đến thật không quen mắt chút nào. Dân miền biển thường thẳng thắn, ông không lòng vòng mà vào thẳng vấn đề. Ông Tachiro bảo Ei-chan hãy về ở với nhà mình, đằng nào giờ anh cũng chẳng còn nơi nào để đi, tốt nhất hãy đến chỗ quen biết. Dầu sao, đó hẳn là điều thằng Keita lúc sinh thời cũng mong muốn.

Nhắc đến tên chú, anh ấy lặng lẽ gật đầu.

Những chuyện sau đó, đại khái cũng không có gì. Đồ đạc Ei-chan ít ỏi vô cùng, đóng không hết cái vali cầm tay. Có cảm tưởng thứ quý giá nhất, chỉ là tấm di ảnh của chú Machida. Đêm trước ngày ấn định, Ei-chan và tôi đi một vòng hết ngọn hải đăng, từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài. Một chuyến tham quan câm lặng nhưng đầy cảm xúc. Mỗi khi tới điểm nào thật đặc biệt, anh sẽ dừng lại, không sờ không chạm, chỉ nhìn thôi. Còn tôi đóng vai người chứng kiến, thấm thía đến từng giọt, về việc số phận có thể tước hết tất cả của một con người nhanh đến mức nào.

Đến chín giờ tối, Ei-chan ẩy tôi về. Chúng tôi hẹn nhau, sáng sớm mai sẽ cùng đi sang nhà ông Machida, để anh đỡ hồi hộp.

Tôi nhớ rằng, mình đã lên giường rất bình yên.

Nhưng rồi nửa đêm tôi bừng tỉnh, mắt mở thao láo, trống ngực đập liên hồi. Tôi không nhớ mình đã mơ gì, nghĩ gì. Cũng không biết tại sao mình thức dậy. Trong đầu tôi chỉ chạy một dòng chữ: Phải đi tìm anh Ei-chan.

Động lực nào đã khiến một đứa trẻ mười ba, mười bốn tuổi, chạy nửa vòng hòn đảo, giữa một giờ sáng trời còn tối om om? Có lẽ chỉ có một, đó là nỗi sợ mất người ấy vĩnh viễn.

Khi tôi đến nơi, các cánh cửa của ngọn hải đăng đều mở toang. Phòng ngủ trống không, chăn đệm vẫn phẳng phiu không gợn lấy một nếp nhăn, chứng tỏ người đó còn chẳng có ý định dùng đến. Vali vẫn y nguyên, nhưng bên cạnh là một khung ảnh trống rỗng.

Như trực giác mách bảo, tôi hộc tốc chạy ra biển. Đêm trăng mười sáu đủ soi sáng để tôi không vấp phải những gồ đá nhấp nhô, và cũng đủ để tôi bắt gặp đám tro tàn nho nhỏ trên đường đi. Lòng càng gấp gáp, tôi căng mắt ra để tìm hình bóng quen thuộc.

Kia rồi! Nhưng anh ấy xa quá! Gần như nước biển đã ngập đến gần ngực.

Tôi mải miết lao theo anh. Nhưng sao... hình dáng anh cứ đeo đẳng phía trước, tưởng chừng chỉ cách một gang tay mà tôi vẫn không thể nắm bắt được. Trong khi tôi cũng là kình ngư có hạng còn anh là người từng thú nhận mình không hề biết bơi. Vậy mà dòng nước cứ quẩn lấy chân, quần áo bám rịt vào da, chúng ghì tôi xuống. Tôi vùng vẫy giữa biển như kẻ lún sình, cố gắng đuổi theo một thứ cứ ngày càng rời xa.

- Ei-chan! Eiji! Anh Eiji! Đợi em với! Đợi em với!
Tôi nhớ mình đã la hét điên cuồng như thế.

Đến một thời điểm, tôi bị hụt chân. Cùng lúc ngọn sóng to ụp đến, suýt nhấn chìm cả người. Tôi uống đầy miệng nước mặn, bấy giờ mới nhận ra mình đã xa bờ tới bực nào. Cố gắng trồi đầu lên, xung quanh tôi chỉ là sóng dập dềnh, không một bóng người. Đâu rồi? Anh ấy đâu rồi? Chẳng lẽ lại là mơ? Chẳng lẽ tôi tới quá muộn?

Ngay lúc thằng nhóc ngu muội là tôi sắp mếu máo phát khóc, thì hơi ấm rực áp sát vào, ôm chặt từ đằng sau.

Hơi thở của anh là có thật. Đôi môi dịu dàng áp vào tai tôi là có thật. Và giọng nói này cũng là có thật.

Nó nói.

Tạm biệt.

Rồi lực tay nhấn hẳn tôi xuống nước.

Tôi chới với dưới làn nước đục ngầu, lồng ngực tắc nghẹn. Đôi tay quơ quào cố cầu xin gương mặt lạnh lùng phía trên kia. Nhưng sức lực ấy vẫn không suy suyển, vẫn kiên quyết ghìm tôi càng lúc càng chìm sâu.

Mắt tôi mờ dần.

Tôi ngất đi.

Đúng ra tôi tưởng mình đã chết.

Nhưng không, tỉnh dậy ở trạm xá vào chiều hôm sau, tôi biết rằng mình vẫn còn sống. Có điều nhìn gương mặt của bố mẹ tôi, của ông bà Machida, tôi hiểu điều họ muốn hỏi không phải tại sao nửa đêm tôi lại nhảy xuống biển để suýt bị dìm chết đuối. Họ muốn biết điều khác, chỉ là không ai đủ can đảm để thốt ra.

Chính tôi cũng không đủ cam đảm. Tôi quay mặt ra cửa sổ, cố gắng tìm âm thanh quen thuộc của sóng biển vọng vào, cuốn đi nốt những tro tàn còn lại của ngày hôm qua.

Người ấy đã đi rồi...

                                                                             ***

Anh muốn biết đoạn kết đằng sau ấy như thế nào hả? Đơn giản lắm, tốt nhất đừng nghe, nếu như không muốn vỡ mộng. 

Vẫn muốn hả? Vậy thì đừng có tiếc!

Sự thật là vài tháng sau, đảo tôi đã tiếp đón hai người khách lạ. Họ tự xưng là cha mẹ của Akaso Eiji, đến xem tình hình con trai. Họ kể rằng đứa con mình vì một biến cố mà tâm thần bất ổn, cư xử nhiều khi không được đúng mực. Cậu Akaso này đã từng học thanh nhạc nên mỗi lúc phát tác sẽ la hét lung tung, chạy nhảy tùy hứng, làm họ rất phiền lòng. May thay có cậu Machida Keita tốt bụng tận tình giúp đỡ, lại chịu khó kiên nhẫn với Eiji. Vì vậy, gia đình cũng yên tâm gửi gắm. Từ hồi ra đảo này, Eiji vẫn thường xuyên gửi thư về, lời lẽ rất bình tĩnh, thư thả, chứng tỏ biện pháp điều trị đang có hiệu quả. Nay nhân lúc đã sắp xếp được công việc, họ tiện thể ghé qua xem tình hình con, cũng là để cảm tạ gia đình Machida bấy lâu đã vất vả nhiều.

Chà, anh phải được chứng kiến vẻ mặt của đám người ngốc nghếch ấy. Đó là sự pha trộn của xấu hổ, đờ đẫn, kinh hoàng và cả nhục nhã nữa.

Tôi đã không ngồi lại để chờ đợi màn kịch hạ màn. Tôi không cần biết những con người ti tiện ấy dùng lời lẽ gì để giải thích cho hai vị phụ huynh tội nghiệp. Đáng lẽ được gặp mặt con, giờ đây đến di thể cũng chẳng còn, bởi con họ đã bị dồn đến bước đường cùng từ đám người mà họ cho là ân nhân; đám người hoàn toàn tỉnh táo nhưng lại tin vào mớ truyền thuyết ngu ngốc.

Tôi nhớ là mình đã cười rất to, rất vui vẻ trong lúc đạp xe bon bon trên con đường làng dẫn ra bờ kè. Khi dừng lại ở cuối con đường, phóng mắt ra xa, tới ngọn hải đăng đơn độc vững chãi, tôi đã nhận ra đường hướng tương lai của mình.

Nên là, (người đàn ông dụi tắt mẩu thuốc đã tàn từ lâu), nếu câu hỏi của anh là tại sao tôi lại chọn công việc gác hải đăng, tại sao nhất thiết phải là hòn đảo này, thì tôi nghĩ rằng anh đã có câu trả lời rồi đó.

Còn anh chọn tin câu chuyện này theo hướng nào, nhìn nhận từ góc độ gì, đấy là quyền của anh. Nó sẽ chẳng thay đổi được cốt lõi của câu chuyện. Chẳng thay đổi được thực tế đã xảy ra.

Thôi, đã đến giờ rồi, xin phép anh tôi phải đi bảo trì đèn biển. Chào anh.

                                                                          ...Hết...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro