Mùa hạ luân hồi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đứa trẻ ấy được sinh ra trong một gia đình nghèo hậu chiến tranh, trong cái nóng hầm hập của một mùa hè Bắc Bộ Việt Nam mà nghĩ lại đã ớn hết cả gan. Đó là sinh mệnh đã được tiên đoán, nhưng lại không được chào đón.

Đứa thứ ba, con út, thêm một gánh nặng, đó là vấn đề của nhà nghèo. Không gì khốn khổ hơn việc sinh ra một đứa trẻ mà gia đình không nuôi nổi. Nỗ lực và cố gắng cũng chỉ là mấy lời nói chót lưỡi đầu môi. Sự vô vọng của một sinh mệnh mới chào đời gắn liền với cơn trầm luân của người phụ nữ còm cõi. Người phụ nữ nhìn đứa con, bà muốn giết nó, hoặc là muốn giết chính mình. Dù sao thì tâm tưởng của bà cũng chỉ toàn là cái chết, như một điều tất yếu hiện hữu bên trong tâm can đầy tuyệt vọng của bà. Bà rên rỉ trong những giấc mơ, rồi tỉnh giấc với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, rồi bà khóc. Bà ước là đứa bé này chết đi. Và cả chính bà nữa.

Những cơn ác mộng đến rồi đi, trong cái mùa hè năm ấy. Con người vật vã trong nắng nóng, nghèo khổ và tuyệt vọng. Đứa trẻ ngây ngô nhìn thế giới chậm rãi quay vòng, nó không cảm nhận được gì cả. Không tình yêu, không hoa thơm trái ngọt, không phải là dòng sữa mẹ ấm áp. Nó bơ vơ.

Con người sinh ra, ai cũng như ai. Là thằng chết tiệt nào nói ra câu đó? Làm gì có chuyện ai cũng như ai cơ chứ. Nếu như đứa trẻ có quyền lựa chọn, thì hoặc là nó đã không được sinh ra, hoặc là nó đã sinh ra vào một ngày thời tiết dễ chịu hơn, như là tháng ba, hoặc tháng mười một. Hoặc ít nhất thì không phải là vào giữa mùa hè nắng gắt. Và nếu tốt hơn cả thì nó muốn mình được sinh ra với một người mẹ hạnh phúc.

Nhưng mẹ của nó không hạnh phúc. Chiến tranh đã qua đi từ lâu, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại ở đây, ngay bên trong bà. Một tiếng thuỷ tinh đổ vỡ, một tiếng người quát tháo vọng lại, thế là đủ để mọi kí ức kinh hoàng sống lại bên trong bà một cách chân thực và thuần khiết. Nhưng may sao, đứa trẻ này không ồn ào đến vậy. Nó khóc, nhưng chỉ bật ra những tiếng ỉ ôi buồn khổ. Nó là đứa trẻ buồn khổ kể từ khi mới sinh ra.

Và rồi nó lớn lên trong buồn khổ. Mẹ nó đã không giết nó. Bà cũng đã không giết chính mình. Cả hai đều tiếp tục sống với buồn khổ.

Căn nhà của họ nhỏ hẹp như một cái chum. Sáu người, một cặp vợ chồng, ba đứa trẻ và một mụ già, thế là ngồi hết nửa căn nhà. Họ nấu cơm ngoài vỉa hè, rồi ăn trong nhà, cửa mở toang hoác ra cho thoáng bất chấp cái nóng hầm hập đang bị gió lùa vào trong nhà. Không ai nói với ai câu gì, trừ phi người cha cất tiếng mắng mỏ thói ăn uống vô lễ của mấy đứa nhỏ. Chúng nó cũng không cãi lại, chỉ ngoan ngoãn nghe theo. Tiếng ve râm ran vọng vào, the thé và chát chúa như lấy thìa sắt cào lên nồi nhôm. Đứa út rùng mình. Nó ăn chậm nhất, nên chỉ còn mỗi mẹ ngồi lại đấy với nó. Bà cũng vẫn không nói gì. Đôi mắt bà trũng sâu, tóc búi trên đầu, xơ xơ xác xác. Gió thổi từng cái lá khô cào xuống mặt đường, tạo ra thứ âm thanh với cảm tình tương tự. Xơ xơ xác xác.

"Này, có đi chơi không?"

"Vẫn còn ngồi đấy mà ăn à! Nhanh lên mạy!"

Một đám trẻ con ùa qua. Thằng anh lớn cũng ở trong đám đó. Thằng anh cũng chỉ lớn hơn thằng em một tẹo, người gầy như cái que, trôi trong chiếc áo ba lỗ rộng thùng thình. Nó giơ tay lên là người ta cũng thấy được xương sườn của nó qua hai ống tay áo trễ xuống tận eo. Nó gọi thằng em, lôi kéo thằng em đi theo nó. Lũ trẻ phi ra đường, chân trần đạp đất, đầu trần đội nắng. Rặt là một lũ nghèo như nhau, chẳng thằng nào hơn thằng nào. Chúng nó tranh nhau một que kem, mỗi thằng liếm một cái. Chúng nó lấy giấy báo vo viên lại thành một cục lớn, rồi góp tiền mua keo dán ở tiệm đồ đầu phố, chỉ để làm cho cục giấy cứng lại. Rồi chúng nó đá bóng với nhau. Tiếng nô đùa vọng từ đầu phố tới cuối phố.

Mùa hè vẫn gay gắt chống nạnh nhìn xuống, vô cùng tàn nhẫn mà thị uy con người. Người lớn nhìn lên trời than thở. Bọn trẻ thì mặc kệ. Chúng nó vui là được. Bọn trẻ sẽ không bao giờ quan tâm đến những điều làm chúng nó không vui, trừ phi chúng nó đã chẳng còn gì khác để chú ý.

Như là người chị gái đã mất việc chỉ bởi thời thế đổi thay. Xã hội không còn bao cấp nữa, người ta bị ném ra đường, trắng tay trong hoang mang tuyệt vọng. Thế giới cũ đã không còn là thế giới cũ. Những thứ từng giá trị liền trở nên vô nghĩa. Những thứ từng vô nghĩa lại trở nên giá trị. Con người thảng thốt vươn tay mình ra, nắm lấy khoảng không chơi vơi mà ngã quỵ.

Thằng anh mới học đầu cấp ba. Thằng em thì cuối cấp hai. Chúng nó vẫn còn hai thằng choai choai thích đá bóng và nô đùa với mấy thằng bạn, rồi ghẹo đám con gái. Chúng nó không mấy hiểu được tình cảnh của gia đình lúc này. Chúng nó nhìn gia đình suy sụp, và chúng nó bàng hoàng nhận ra rằng chúng không hiểu gì cả. Cũng không giúp được gì cả.

Tiền là một câu chuyện dài của những chênh vênh và bất an. Người ta không ăn được tiền, nhưng tiền mua được thức ăn. Từ lúc nào, những tờ giấy lộn vô nghĩa, những đồng xu leng keng ấy đã trở thành một thứ gì đó gắn chặt với sự sống. Đó là bài học nghiệt ngã đầu tiên về kiếp người.

"Chúng mày cứ học hành cho đàng hoàng."

Người lớn nói vậy, nhưng bọn họ cũng sẽ lại cãi nhau vì tiền. Đồng lương ít ỏi của song thân không khiến lũ trẻ được ăn no. Chúng xin sách của đàn anh, chúng nhặt nhạnh những mẩu bút chì người ta vứt đi. Chúng phải học thôi, chứ biết làm sao được. Chúng học đến mụ mẫm cả đầu. Nhưng thằng anh không vào được đại học. Hắn học cao đẳng, rồi tốt nghiệp ngay trước khi thằng em lên thủ đô.

So với thằng anh, thì thằng em đầu óc lại sáng láng hơn. Nó đậu đại học, học công nghệ máy tính, cái thứ hoàn toàn mới mẻ với thời đại bấy giờ. Một ánh sáng lạ lùng đã xuyên thủng qua tầng mây, rọi xuống tâm trí chàng thanh niên vào mùa hè năm ấy. Đầu tháng chín, lũ ve vẫn còn chưa muốn ngậm họng lại, gào thét đến đinh tai nhức óc. Nhưng mà hắn không thấy phiền. Hắn đi học, hắn hãnh diện với việc hắn đã bước chân được qua cánh cửa đại học. Thuở ấy đại học danh giá lắm. Người ta có máy tính, người ta có thư viện. Và đám bạn đại học thì thằng nào cũng thông minh cả.

"Mẹ chúng mày, mấy thằng lười này, giặt đồ đi cho bố nhờ!"

Thằng lớn nhất phòng kí túc xá rền rĩ kêu than khi đám sinh viên năm nhất cứ nằm ngửa ra lười nhác. Phòng kí túc xá nam của đại học có thể coi là một địa ngục với những người tỉ mẩn sạch sẽ. Tất vứt chỏng chơ trên giường, mồ hôi dính xuống cái chiếu rách. Giày lăn lóc trong gầm giường còn áo quần thì vắt vẻo ở bất cứ chỗ nào vắt vẻo được. Cái nóng của mùa hè càng làm cho đống mùi hôi bốc lên phát tởm.

Bị đàn anh mắng nhiếc, cũng chỉ có một thằng cười trừ đứng dậy dọn dẹp. Quần áo mới giặt phất phơ dưới nắng, khô cứng cả lại. Hắn phủi tay rồi vươn mình, rồi chợt nghe thấy tiếng điện thoại kêu. Chiếc điện thoại xám xịt, cứng ngắc nằm lọt thỏm trong bàn tay hắn. Trên màn hình hiện một dòng số và một dòng chữ được xếp lại bằng từng ô vuông nhỏ, thứ đồ hoạ 8-bit đó. Hắn áp điện thoại lên tai, nghe tiếng thằng anh hắn vọng vào:

"Mày có về thăm nhà không?"

"Có. Sang tuần em về."

Về thăm nhà là nghĩa vụ của những đứa con. Hắn quay về trong một ngày mưa rào ngập úng cả đường. Đất cát nhầy nhụa, vấy lên đôi dép quai hậu đã sờn cũ. Hắn cũng chẳng màng, cơn mưa này có là gì với một thằng đàn ông. Nhà hắn đã không còn ở cái nơi bé tẹo sáu người ngồi quanh một mâm cơm là hết nửa diện tích đất ấy nữa. Nơi này xa nội đô hơn nên đất đai cũng rẻ. Bà họ của hắn bệnh nặng, thế là mụ đòi mọi người rời về đây. Nhưng bệnh của mụ cũng không khá khẩm hơn là bao, mụ càu nhàu suốt, mụ chửi cháu dâu đủ đường, rồi lại nằm vật ra giả chết. Mấy mụ già thì thói hay gàn dở, cái đấy có đổ tại ai cũng được, vì chẳng ai chịu trách nhiệm đâu mà. Mụ rền rĩ trong cái nóng nực của mùa hè, rồi rủa cháu dâu chết đi. Người phụ nữ cũng chẳng còn trẻ nữa, bà lầm lũi đứng dậy đi ra sau bếp. Bà ngồi khóc một mình. Chồng bà không đoái hoài. Đứa con gái thì chưa về.

Bà muốn chết.

Đây là lần thứ bao nhiêu bà muốn chết rồi nhỉ? Mỗi khi đau khổ, bà lại chỉ nghĩ đến cái chết thôi. Nhưng bà sợ địa ngục. Bà không sợ cái đau của sự chết nhưng bà sợ địa ngục. Nếu như chết đi rồi mà còn phải chịu hình phạt dưới địa ngục thì cái chết còn có ý nghĩa gì nữa chứ. Không có nơi nào bình yên cả. Tiếng bom lại rền rĩ hai bên tai, rồi những ngôn từ lộn xộn đầy âm gió của đám giặc Pháp vọng tới từ địa phủ. Đôi vai bà run lên đầy tuyệt vọng. Làm sao thì bà mới hết khổ?

Hai thằng con trai trở về thăm quê, nhìn thoáng qua căn nhà đều biết là mọi người đều tủi. Mẹ tủi chuyện tình, mà cha tủi chuyện tiền. Chị gái sắp lấy chồng, còn bà họ thì bệnh. Cái gì cũng loạn cào cào lên, nhưng chắc chắn là thiếu tiền. Ai cũng thiếu tiền. Thằng anh đem tiền về biếu song thân, thằng em nhìn thấy lại lặng lẽ quay mặt đi. Hắn nào đã làm ra tiền.

Nỗi tủi thân dâng tràn trong lồng ngực của chàng trai trẻ. Mười mấy hai mươi tuổi, tâm trí non nớt ấy vẫn khát khao điên cuồng cái cảm giác được công nhận, như một thằng đàn ông, như một người hùng. Hay chỉ đơn giản, là một người tốt.

Hắn lại lên thủ đô rồi lao đầu vào xã hội. Trường học thì không có tiền, nhưng xã hội có tiền. Hắn làm ra tiền, dù lưng đẫm mồ hôi, dù gương mặt đỏ gay đỏ gắt vì mệt nhọc. Nào có hề gì, hắn nghĩ, và hắn lao đầu vào guồng quay ấy. Tiền bạc là một guồng quay to lớn và kinh điển của một xã hội đang trên đà phát triển. Tiền chói loà như ánh nắng trưa hạ cháy bỏng. Nó làm người ta đổ mồ hôi sôi nước mắt, nó làm người ta đau. Nhưng người ta vẫn nghiện nó.

Họ nghiện dopamine dâng lên khi những đồng bạc ấy nằm trong lòng bàn tay mình. Họ si mê cảm giác hãnh diện khi được lòng mẹ cha. Và họ chết chìm trong khoái lạc của cuộc đời đếm số ấy. Tiền đã từng là một thứ đạo hạnh cuồng điên của không chỉ một người, mà là rất nhiều người. Nó trở thành tôn giáo, tín ngưỡng. Nó là thánh thần.

Nhưng đôi khi, thánh thần không yêu con người. Hoặc là đa phần bọn họ, không yêu con người. Sau cùng thì tiền làm con người ta bất hạnh, bởi vì con người tin rằng nó thay đổi được mọi thứ, hoặc hầu hết. Song thực chất thì nó chẳng thay đổi được gì, hoặc có chăng thì chỉ là vài ba thứ.

Chàng thanh niên rời khỏi trường đại học, không bằng cấp, không nghề ngỗng. Hắn vẫn quay cuồng trong cái guồng tàn nhẫn của xã hội mới phất ấy. Người ta túm đầu túm cổ hắn. Người ta chà đạp hắn. Mẹ mệt mỏi nhìn hắn. Cha mắng nhiếc hắn. Anh chị gay gắt với hắn.

Chỉ còn bạn gái hắn là thương hắn. Hắn không biết nàng thương hắn bằng lòng thương hại hay là bằng tình yêu, nhưng hắn biết là nàng thương hắn. Nàng kéo hắn lại như thể cầm một cây cung, chỉnh lại hướng ngắm của mũi tên, rồi thả ra cho nó bay đi. Hắn tỉnh giấc khỏi một giấc mộng, và hắn thấy tủi cho phận mình.

Hắn lại vì nàng mà sống. Ái tình cũng là một cơn nghiện khác, mà nó cũng chẳng lành mạnh hơn là bao. Những cơn sóng đời tròng trành xô hắn hết bên này sang bên khác, ấy thế mà hắn không mệt mỏi. Ấy thế mà hắn không ghê tởm cuộc đời này. Hắn cưới nàng, rồi nai lưng ra mà làm ăn. Rồi sinh con.

Đứa trẻ sinh ra trong mùa đông lạnh buốt giá, như một vệt cắt lạnh lùng vào cuộc đời hắn. Con gái hắn, con gái đầu lòng của hắn. Tiền sữa bằng một nửa tháng lương. Và mọi thứ khác nữa. Hắn đã chuẩn bị gì đâu. Hắn còn chẳng biết nuôi đứa trẻ này thế nào. Hắn căng thẳng và ủ rũ, nhưng hắn cũng mừng vui.

Rồi mùa hè lại đến. Đứa trẻ lặng lẽ khóc trong vòng tay người mẹ đang mê mải với luận án thạc sĩ. Nó có vẻ căm ghét cái nóng ấy lắm. Quạt càng bật thì càng nóng. Căn phòng hầm hập, tối tù mù. Con bé không quẫy đạp, nó chỉ rưng rức khóc thôi. Rồi nó ngủ thiếp đi, rồi lại tỉnh, lại khóc. Cuộc sống u ám lặp đi lặp lại trong thế giới nghèo nàn và oi nóng của nội đô Hà Nội. Rồi hai vợ chồng chuyển đi. Họ dọn về ngoại thành sau khi người vợ trẻ đã lấy được bằng thạc sĩ.

Mùa hạ đã biến thành đông, nhưng rồi những vòng lặp bất tận của tứ quý vẫn sẽ cứ khiến con người ta khổ sở trầy trật. Đứa trẻ thứ hai ra đời. Nhà lại chuyển đi. Bấp bênh chập chùng bấp bênh, nợ ngân hàng chồng chất. Nhưng mà an cư thì mới lạc nghiệp, hắn nghĩ vậy. Vợ hắn cũng nghĩ vậy. Bọn họ sống những tháng ngày gắng gượng mọi thứ, và nhận ra rằng mình chẳng bao giờ dư tiền của cả. Tiền vẫn cứ là gánh nặng. Ái tình thì có thể qua đi, nhẹ xuống, mơ hồ hơn. Nhưng những con số thì là tuyệt đối. Tiền ăn, tiền học, tiền áo quần. Tiền cho mọi thứ. Những đồng tiền ấy khiến hắn ám ảnh về những mùa hạ đã qua.

Chỉ có đứa trẻ mùa đông của hắn là vô tư lự. Nó chẳng nghĩ về tiền. Nó tách biệt khỏi cha mẹ, nó nhìn cha mẹ cãi nhau, nó hờ hững. Nó cười khẩy. Đứa con gái ấy là mùa đông lạnh lẽo xa cách khỏi những mùa hè. Và nó tách biệt khỏi khuôn khổ xã hội. Nó xoa dịu cho căn nhà nóng rực ấy, nhưng mùa hè làm tuyết chảy ra. Cha làm nó chảy ra. Mẹ làm nó chảy ra. Nó khóc trong nỗi đau đớn về những mùa hè không dành cho nó.

Những mùa thi. Những thành tích. Và tiền. Và sầu khổ.

Thế nên nó rời đi, đứa con gái ấy. Nó tìm về với chốn của mùa đông, với tuyết và những con người cằn cỗi lạnh lùng. Căn nhà lại nóng hầm hập trở lại khi nó đã rời đi.

"Này, con có định về thăm nhà không?"

"Không đâu ạ."

Mùa hạ lại đến, vì mùa đông đã đi rồi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro